Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV 

 

Phẩm Voi: Tích Chuyện Ma Vương

331. “Atthamhi jātamhi sukhā sahāyā
Tuṭṭhī sukhā yā itarītarena
Puññaṃ sukhaṃ jīvitasaṅkhayamhi
Sabbassa dukhhassa sukhaṃ pahāṇāṃ”.

“Vui thay, bạn lúc cần!
Vui thay, sống biết đủ,
Vui thay, chết có đức!
Vui thay, mọi khổ đoạn”.

332. “Sukhā matteyyatā loke

Atho petteyyatā sukhā
Sukhā samaññata loke
Atho brahmaññata sukhā”.
333. “Sukhaṃ yāva jarā sīlaṃ
Sukhā saddhā patitṭṭhitā
Sukho paññāya paṭilābho
Pāpānaṃ akaraṇaṃ sukhaṃ”. 

“Vui thay, hiếu kính mẹ,

Vui thay, hiếu kính cha,
Vui thay, kính Sa môn,
Vui thay, kính Hiền Thánh”.
Vui thay, già có giới!
Vui thay, tín an trú!
Vui thay, được trí tuệ,
Vui thay, ác không làm”.

Kệ ngôn nầy được Đức Thế Tôn ngự tại một thảo am trong rừng Himalava, đề cập đế Ma Vương.

Tương truyền rằng: Thời đó các vị vua cai trị thần dân rất khắc nghiệt. Khi ấy Đức Thế Tôn quán thấy thần dân bị hình phạt nặng nề của những vị vua bất minh. Ngài an trú Bi quán: “Ta là một minh quân, không uy hiếp hay áp chế kẻ khác, không tranh thắng bại, vô ưu, luôn đem lại hạnh phúc cho mọi người”.

Ma Vương hiểu được ý nghĩ của Đức Phật “Sa môn Gotama tư niệm – Ta là vị minh quân – hay sao? Hiện giờ Sa môn Gotama muốn làm Quốc vương, nếu hoài vọng như vậy, ta sẽ có cơ hội trêu giận Ngài”. Rồi đến yết kiến Đức Phật và bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn! Xin Ngài hãy trị vì Vương quốc, trở thành vị minh quân, là không uy hiếp hay áp chế kẻ khác, không tranh thắng bại vô ưu và đem lại an lạc cho mọi người.

Lúc đó Ngài phán hỏi Ma Vương:

– Nầy ác ma! Ngươi thấy thế nào về Như Lai mà nói bất nhã như vậy?

– Bạch Ngài! Nếu Ngài đã khéo tu tập Tứ Như Ý Túc, thì Ngài hãy hóa núi Hy Mã Lạp Sơn nầy trở thành vàng, khi ấy cả tôi sẽ phục vụ cho Ngài. Nhờ đó Ngài thành kẻ minh quân.

Rồi Ma Vương nói lên bài kệ rằng:
“Núi hãy trở thành vàng
Dù tăng gấp hai lần
Cũng chưa thỏa mãn người

Ai hiểu được như vậy
Hãy thực hành chân chánh
Người đã sinh tồn ra
Thấy khổ đau của Dục
Tại sao người ấy lại
Chìm đắm trong Dục lạc
Ai hiểu rõ sinh tồn
Là trói buộc thế gian
Sao không chịu thực hành
Để thoát khỏi sinh tồn”.

Đức Thế Tôn phán rằng:
– Nầy Ác Ma, Như Lai không có gì giống ngươi vì Như Lai hằng dạy như vậy, ngươi không thể Luận Pháp cùng ta.

Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn:

331. Vui thay gặp bạn lúc cần. Lành thay tri túc các vật dụng, đã tạo thiện lúc đời sống chấm dứt. Chấm dứt khổ đau là hạnh phúc.

332. Trên thế gian nầy sự phụng dưỡng phụ mẫu là an lạc, phụng dưỡng Sa môn là an lạc và phụng dưỡng Thánh nhân là an lạc trên thế gian.

333. Vui thay có giới hạnh từ lúc trẻ chí đến tuổi già. Lành thay có niềm tin vững chắc và thành đạt trí tuệ, lành thay không hành ác.

CHÚ GIẢI:

Câu: Atthamhi: nghĩa là nên làm những việc như may y hay giảng hòa những sự kiện xảy ra trong Tăng chúng, hoặc giải quyết đất đai giữa những người thế tục, người bạn nào có khả năng làm những việc ấy thành tựu hoặc giảng hòa được, đó là thiện hữu đem lại sự an lạc.

Tuṭṭhī sukhā: nghĩa là cả những hàng cư sĩ không tri túc mới sanh những bất thiện… còn bậc xuất gia không tri túc trong vật dụng thường sanh những pháp tà mạng, cho nên cả tại gia và xuất gia mới không an lạc. Vì thế, sự tri túc vật nầy vật nọ, tự biết là đủ tức là đem lại an lạc.

Puññaṃ: nghĩa là tạo phước theo ý muốn, sẽ an lạc trong lúc lâm chung.

Câu: Sabbassa: nghĩa là bậc A La Hán đã chấm dứt mọi khổ đau trong luân hồi, là an lạc trên thế gian.

Sự phụng dưỡng mẹ gọi là Metteyyatā.
Sự phụng dưỡng cha gọi là Petteyyatā.
Sự phụng dưỡng cha mẹ, Đức Thế Tôn gọi cả hai câu đó vậy. Thật vậy, cha mẹ biết các con không phụng dưỡng, những gia sản chôn giấu ông bà đem ra bố thí cho kẻ khác. Những người con phải bị chỉ trích:
“Con bất hiếu không nuôi cha mẹ”, sau khi chết chúng lâm vào khổ cảnh, còn người con nào phụng dưỡng cha mẹ một cách
tôn kính, được thừa hưởng của phụ ấm và được thế gian khen ngợi. Vì vậy, lúc lâm chung được sanh vào nhàn cảnh. Do đó, cả hai điều nầy, Đức Phật gọi là an lạc. Sự phụng dưỡng các bậc Sa môn gọi là Samaññatā. Sự phụng dưỡng chư Phật Toàn Giác, Phật Độc Giác, Phật Thinh Văn Giác gọi là Brāhmaññatā vì các Ngài đã chấm dứt mọi điều ác, như cúng dường Tứ vật dụng đến chư Phật. Nên Đức Phật gọi cả hai câu nầy. Điều nầy Ngài gọi là an lạc trên thế gian nầy.

Câu: Sīlaṃ…: những đồ trang sức như ngọc báu, bông tai… chỉ nổi bật xinh đẹp trong lứa tuổi trẻ, hoặc nếu người già trang sức xinh đẹp như hồi còn trẻ không được, (thế gian) họ sẽ cho là “người loạn trí”, còn Giới hạnh như ngũ giới, thập giới… luôn đẹp cho mọi lứa tuổi, chí đến tuổi già, hằng đem lại an lạc và được mọi người khen ngợi “Thật là một người có giới hạnh”. Do đó Đức Phật gọi là “Sukhaṃ yāva jarā sīlaṃ”.

Hai câu: Saddhā paṭiṭṭhitā: nghĩa là có cả hai niềm tin: Phàm tính và Thánh tín bất động kiên cố, là đem lại an lạc.

Câu: Sukho paññā paṭilābho: nghĩa là thành đạt trí tuệ Hiệp thế và Siêu thế, là an lạc.

Pāpānaṃ akaranaṃ: nghĩa là không hành các điều ác, chấm dứt mọi bất thiện bằng Thánh Đạo là an lạc trên thế gian.

Dứt thời Pháp, vô số Chư Thiên chứng quả Thánh nhân.

Dịch Giả Cẩn Đề
Ma Vương tưởng Phật muốn làm Vua,
Thấy có dịp may để cợt đùa,
Thỉnh Phật cầm quyền cai trị nước,
Vào vòng danh lợi, tính hơn thua…,
Phật đem lẽ thật dạy Ma Vương,
Chớ nghĩ Niết Bàn giống thiên đường,
Ở chỗ có vui là có khổ,
Ngoài vòng danh lợi, khỏi tai ương!..
DỨT TÍCH MA VƯƠNG
DỨT PHẨM VOI – NĀGA VAGGA
DỨT PHẨM 23

Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 36

Post Views: 309