Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV

Phẩm Bà La Môn: Tích Các Sadi

 

“Aviruddhaṃ viruddhesu
Attadaṇḍesu nibbutaṃ
Sādānesu anādānaṃ
Tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ”.

“Thiên thần giữa thù địch
Ôn hòa giữa hung hăng.
Không nhiễm giữa nhiễm trước
Ta gọi Bà-la-môn”.

Kệ ngôn nầy được Đức Thế Tôn thuyết ra khi Ngài trú tại Jetavana, đề cập đến các vị Sadi.

Tương truyền rằng: Có một nữ Bà la môn được nghe pháp rồi phát tâm tịnh tín, thỉnh bốn vị Tỳ khưu đến thọ thực tại tư gia của mình. Khi sắp đặt vật thực rồi, bà bảo chồng rằng:

– Nầy ông! Hãy đến Tịnh xá thỉnh bốn vị Tỳ khưu.

Ông Bà la môn đến Tịnh xá bạch thỉnh rằng:

– Xin Ngài hãy cho đến tôi bốn vị Tỳ khưu.

Và chư Tăng đã sắp xếp cho bốn vị Vô Lậu là Sadi Saṅkicca, Paṇḍita, Sopāka và Revata đi đến nhà của Bà la môn ấy.

Nói về Bà la môn sau khi sắp đặt vật thực xong rồi, sửa soạn nơi ngồi trang trọng, khi trông thấy bốn vị Sadi đi đến, bà buồn phiền than vãn, luôn lẩm bẩm với những lời đay nghiến chồng rằng:

– Ông đến Tịnh xá mà thỉnh bốn vị Sa môn trẻ tuổi như thế nầy à. Những vị nầy tuổi đáng cháu mình, ông thỉnh như vậy thật là bất xứng với chúng ta quá.

Bà không cung thỉnh các vị ấy vào nơi được soạn sẵn, chỉ trải một chỗ thấp hơn, nói rằng:

– Xin mời các vị hãy ngồi chỗ nầy.

Rồi bảo chồng rằng:

– Ông hãy đến Tịnh xá thỉnh cho được các vị Trưởng lão đi.

Ông Bà la môn đến Tịnh xá, tìm gặp được Trưởng lão Sāriputta bạch rằng: “Xin thỉnh Ngài đến nhà của tôi đi”.

Trưởng lão đi đến thấy bốn vị Sadi đang ngồi nơi ấy, hỏi rằng:

– Các vị được vật thực chưa?

– Bạch Ngài, sẽ được thôi.

Trưởng lão biết rằng vật thực ấy chỉ đủ dùng cho bốn vị, Ngài liền bảo rằng:

– Hãy trao bát cho tôi.

Rồi Ngài từ giã ra đi, bà vợ hỏi rằng: ‘Trưởng lão nói chi thế?”.

– Có lẽ Ngài đợi các vị Sa môn nầy được vật thực rồi Ngài mới thọ lãnh, Ngài bảo đưa bát lại cho Ngài, và đã ra đi rồi.

– Trưởng lão thấy như vầy nên không muốn thọ vật thực nữa. Vậy ông hãy đi tìm vị Trưởng lão khác đi.

Ông Bà la môn đi tìm, gặp được Trưởng lão Moggallāna cũng cung thỉnh như thế và Ngài Moggallāna đến thấy các vị Sadi, Ngài cũng hỏi và nhận lại bát mình mà ra đi. Bà vợ lại bảo chồng rằng:

– Các vị Sa môn không nhận được vật thực chi từ sáng đến giờ rồi, vậy ông hãy đến đền thờ Bà la môn, thỉnh vị Bà la môn về đi.

Nói về các vị Sadi, tuy từ sáng sớm đến trưa chưa nhận được vật thực, bị cơn đói áp chế nhưng các Ngài vẫn kham nhẫn chịu đựng chẳng nói lên tiếng chi cả. Bấy giờ, trên Thiên Cung Đạo Lợi, ngôi Bảo Tọa Paṇḍukambala nóng rực lên do oai lực của Bốn vị Thánh Vô Lậu. Đức Đế Thích dùng thiên Nhãn quán xét, biết được rằng:

– Các vị Sadi đang chịu đói từ sáng đến giờ nầy.

Ngài suy nghĩ: “Ta nên đến đó làm tỏ rạng oai lực của các vị ấy”. Thiên Vương Đế Thích liền hóa thân thành lão Bà la môn ngồi ở nơi trang trọng nhất trong đền thờ đó. Ông Bà la môn đi đến, trông thấy Đức Đế Thích khởi lên sự suy nghĩ rằng:

– Lần nầy thì vợ ta sẽ hài lòng mà thôi.

Rồi bạch rằng: “Xin thỉnh Ngài đến thọ thực tại tư gia của tôi”. Ông đưa Vua Trời Đế Thích đến nhà của mình.

Bà vợ trông thấy Đế Thích, khởi tâm hoan hỷ, trải hai tấm sa lên sàng tọa, nói rằng:

– Xin thỉnh Ngài hãy an ngự vào đây.

Nhưng Vua Trời Đế Thích đi vào đảnh lễ bốn vị Sadi bằng tư thế ngũ thể đầu địa, rồi ngồi phía sau bốn vị Sadi ấy.

Thấy thế, bà vợ lại khiển trách chồng nữa rằng:

– Khổ thật! Ông lại thỉnh về đây một vị Bà la môn điên (nữa), vị Bà la môn nầy lại đảnh lễ các vị Sadi tuổi đáng con cháu của chúng ta. Vậy có cần thiết chi lão Bà la môn ấy, hãy đuổi y ra khỏi nhà đi.

Thế là, vị Bà la môn ấy bị ông Bà la môn cùng vợ nắm cổ, lôi chân, lôi tay kéo ra khỏi nhà, nhưng vô hiệu vị. Vị Bà la môn vẫn yên lặng bất động, không làm sao lay chuyển được. Bà vợ nói với ông chồng rằng:

– Ông hãy nắm một tay, còn tôi nắm một tay.

Cả hai nắm hai bên tay, đấm vào lưng vị Bà la môn lôi ra khỏi nhà. Nhưng khi trở lại vào lại thấy vị Bà la môn ấy vẫn ngồi tại chỗ cũ, hai vợ chồng kinh hoảng bỏ chạy. Bấy giờ Vua Trời hiện thân, phán dạy cho họ biết mình là Vua Trời Đế Thích, rồi tán thán oai đức của các vị Sadi cho ông bà Bà la môn biết. Cả hai hoan hỷ cúng dường đến bốn vị Sadi. Sau khi dùng vật thực xong, bốn vị Sadi thi triển năng lực thần thông: Một vị trổ nóc nhà ra đi, một vị trổ nóc phía trước, một vị trổ nóc phía sau, vị thì lặn xuống đất, riêng Đức Đế Thích cũng trổ nóc bay lên hư không. Cả năm người cùng ra khỏi nhà ông Bà la môn với năm chỗ khác nhau.

Kể từ ấy, nhà của ông Bà la môn có năm chỗ trống. Các vị Sadi về đến Tịnh xá,
chư Tỳ khưu hỏi rằng:

– Nầy các chư Hiền! Có chuyện gì thế?

– Xin các Ngài đừng hỏi nữa!

Nữ Bà la môn ấy thấy chúng tôi đến, khởi tấm bất hoan hỷ, phiền muộn, nói với chồng rằng: “Ông hãy đi nhanh thỉnh vị Trưởng lão khác” . Khi Thầy Tế Độ của chúng tôi đến, Ngài bảo rằng: “Khi các vị ấy thọ lãnh vật thực rồi, tôi mới thọ lãnh”, rồi Ngài nhận bát ra đi. Nữ Bà la môn lại bảo chồng đi tìm vị Trưởng lão khác, ông ta thỉnh Trưởng lão Moggallāna đến. Ngài thấy chúng tôi và cũng như thầy Tế Độ, Trưởng lão cũng nhận lại bát và ra đi. Bà vợ lại bảo chồng rằng: “Các vị nầy không muốn thọ lãnh, ông hãy đến đền thờ Bà la môn thỉnh vị Trưởng lão Bà la môn về đây”. Ông thỉnh được Vua Trời Đế Thích, Ngài hóa thân thành vị Bà la môn già. Khi Đức Đế Thích đến, Ngài làm cho ông bà Bà la môn ấy thấy được oai lực của mình. Khi ấy họ mới cúng dường vật thực đến chúng tôi.

– Khi ông bà Bà la môn ấy cư xử như thế, các vị có phiền giận chăng? Hay là không có phiền giận?

– Thưa vâng, chúng tôi không có phiền giận chi cả.

Nghe như thế, chư Tỳ khưu phàm cho rằng các vị Sadi khoe pháp Thượng nhân. Đã trình bạch lên Đức Thế Tôn rằng:

– Bạch Thế Tôn! Các vị Sadi nầy nói không thật, rằng: “Chúng tôi không phiền giận”.

– Nầy chư Tỳ khưu! Lẽ thường bậc Lậu Tận hằng không thù nghịch với người thù nghịch.
Rồi Ngài phán dạy kệ ngôn rằng:
“Thiên thần giữa thù địch. Ôn hòa giữa hung hăng. Không nhiễm giữa nhiễm trước. Ta gọi Bà-la-môn”.

CHÚ GIẢI:
Aviruddhaṃ:… nghĩa là Như Lai gọi người ấy là người vô thù địch, vì không cột oan trái với tất cả chúng sanh, dù đó là người thù nghịch với sự hận thù. Gọi là người dứt bỏ, là người đã bỏ hình phạt giữa đám người hung hăng. Gọi là người hung hăng vì họ không từ bỏ sự hãm hại người khác dù người ấy trong tay có gươm dao hay không. Gọi là người vô chấp thủ vì không còn chấp thủ giữa những người có sự chấp giữ.
Gọi là người chấp thủ vì còn chấp vào ngũ uẩn là Ta, là của Ta. Người vô chấp như thế, Như Lai gọi là Bà la môn.

Dứt Pháp thoại nhiều người chứng đạt Thánh Quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Vợ bảo chồng đi thỉnh bốn Tăng,
Bốn ông Trưởng lão, chẳng ai bằng,
Để mình sớt bát cho nhiều phước,
Chồng thỉnh Sa di tuổi trẻ măng,
Bốn sư La Hán bảy tuổi đầu,
Thí chủ mắt phàm có thấy đâu?
Tiếp đãi lơ là, rồi lại giục,
Rước ông ngoại đạo bạc đầu râu,
Đế Thích mưu thần dạy chủ nhân,
Biết sư La Hán mới ân cần,
Cúng dường sớt bát Sadi trẻ,
Quý vị không buồn, cũng chẳng sân,
Phật dạy: Hễ là Lậu Tận Thông,
Thì ôn hòa giữa đám hung hăng,
Giữa nơi cừu địch, lòng thân hữu,
Mới thật Bà la môn trí năng.
DỨT TÍCH CÁC VỊ SADI

Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 28

Post Views: 374