Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV

Phẩm Bà La Môn: Tích Chuyện Nhiều Vị Tỳ Khưu

“Nidhāya daṇḍaṃ bhūtesu
Tasesu thāvaresu ca
Yo na hanti na ghāteti tamahaṃ
Brūmi brāhmaṇaṃ”

“Bỏ trượng đối chúng sanh
Yếu kém hay kiên cường
Không giết không bảo giết
Ta gọi Bà-la-môn”.

Kệ ngôn nầy được Đức Đạo Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến
vị Tỳ khưu. Tương truyền rằng: Có vị Tỳ khưu học đề mục Nghiệp xứ nơi Bậc Đạo Sư,
chuyên cần hành trì Pháp môn cho đến khi chứng đắc được quả vị A La Hán. Ngài suy nghĩ:

– Ta sẽ trình lên Đức Thế Tôn Pháp mà ta đã chứng đắc, thành đạt.

Ngài rời khỏi khu rừng, du hành về Tịnh xá để yết kiến Đức Đạo Sư. Bấy giờ có nàng thiếu nữ trong làng có sự cải vã với chồng, nhân lúc vắng chồng nàng trốn về với cha mẹ ruột. Trên đường đi về gia đình cha mẹ ruột, trông thấy Trưởng lão đi trên đường ấy, nàng suy nghĩ: “Ta hãy đi theo sau vị nầy”. Rồi nàng đi theo phía sau, nhưng Trưởng lão không hề hay biết. Người chồng trở về nhà thấy vắng vợ, biết rằng: “Nàng đã trốn về với cha mẹ ruột”. Y liền đi tìm vợ và suy nghĩ rằng: “Nữ nhân như vợ ta không thể can đảm băng qua khu rừng nầy đâu, hẳn phải có người hướng đạo cho nàng”. Y rượt theo kịp vợ, trông thấy vị Sa môn liền suy nghĩ:

– Vị Sa môn nầy đã hướng dẫn nàng ta đi trốn.

Y liền phẫn nộ với Trưởng lão, nàng ấy liền bảo chồng nàng:

– Nầy ông, vị Sa môn nầy chẳng quyến rũ chi tôi, Ngài cũng chẳng hay biết tôi đi theo Ngài, ông chớ nên xúc phạm đến Ngài.

Đang cơn phẫn nộ, chồng nàng bất kể lời nàng, nói rằng:

– Nếu ngươi không chỉ ai là người quyến rũ ngươi, dẫn ngươi đi. Ta sẽ trừng trị gã Sa môn nầy.

Rồi tức giận với vợ, y đã đánh đập Trưởng lão ấy, rồi dẫn vợ trở về.

Toàn thân Trưởng lão sưng phù lên. Khi về đến Tịnh xá, chư Tỳ khưu đến bóp, xoa tay chân cho Ngài, thấy như vậy đã hỏi rằng:

– Bạch Ngài! Vì sao như thế nầy?

Trưởng lão thuật lại câu chuyện cho chư Tỳ khưu nghe. Chư Tỳ khưu hỏi rằng:

– Thưa tôn giả, khi người ta đánh đập tôn giả như thế, tôn giả đã nói như thế nào? Và có phiền hận chi chăng?

– Nầy chư Hiền! Tôi chẳng có sự phiền hận đâu.

Chư Tỳ khưu cho rằng Trưởng lão khoe Pháp Bậc Thượng Nhân, nên trình bạch lên Đức Thế Tôn câu chuyện ấy rằng:

– Bạch Thế Tôn! Chúng con hỏi vị ấy rằng: “Tôn giả không có phiền hận sao?”.

Vị ấy trả lời: “Nầy chư Tỳ khưu! Tôi không có phiần hận”. Vị ấy đã nói không thật, không đúng với sự thật. Bậc Đạo Sư phán dạy rằng:

– Nầy chư Tỳ khưu! Thật thế, lẽ thường Bậc Vô Lậu đã từ bỏ gậy gộc, không sân
hận với người ác hại mình. Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:
“Bỏ trượng đối chúng sanh. Yếu kém hay kiên cường. Không giết không bảo giết. Ta gọi Bà-la-môn”.

CHÚ GIẢI:
Nidhāya: tức là đã rời bỏ.

Tasesu thāvaresu ca: nghĩa là rúng động vì bị sức mạnh của ái lôi cuốn. Gọi là vững chắc vì đã thoát ly ái.

Yo na hanti…: là người nào đã rời bỏ gậy gộc vì đã đoạn tận sự hiềm kỵ đối với tất cả chúng sanh như vậy, không tự giết cũng không bảo người khác giết bất luận một chúng sanh nào, ta gọi người ấy là Bà la môn.

Dứt Pháp thoại nhiều người chứng đạt Thánh Quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Vợ trốn chồng đi đến giữa rừng,
Thấy sư đi trước, bám sau lưng,
Chồng theo bắt kịp, nghi tầm bậy,
Đánh đập nhà sư, tội quá chừng,
Tỳ khưu La Hán bị đòn ghen,
Không giận vì kham nhẫn đã quen,
Đao trượng bỏ rồi, không não hại,
Bà la môn ấy, thật không hèn.
DỨT TÍCH CHUYỆN VỊ TỲ KHƯU

Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 3

Post Views: 199