48. CHUYỆN BÀ-LA-MÔN VEDABBHA (Tiền thân Vedabbha) – Bà-la-môn Vedabbha là Tỷ-kheo khó bảo, người đệ tử là Bồ tát
48. CHUYỆN BÀ-LA-MÔN VEDABBHA (Tiền thân Vedabbha) – Bà-la-môn Vedabbha là Tỷ-kheo khó bảo, người đệ tử là Bồ tát
Dùng phương tiện không tốt…,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo khó bảo. Bậc Ðạo Sư nói với Tỷ-kheo ấy:
– Này Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ông mới khó bảo. Thuở trước ông cũng đã khó bảo! Do lời nói của ông, do không làm theo lời các bậc hiền trí, ông bị gươm chém đứt đôi và bị quăng trên đường. Chính do nhân duyên độc nhất ấy, khiến một ngàn người mạng chung.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, trong một ngôi làng nhỏ, có một Ba-la-môn biết được bùa chú tên là Vedabbha. Bấy giờ người ta nói, bùa chú ấy có giá trị rất lớn. Khi có sự giao hội các hành tinh, nếu ai đọc chú ấy và nhìn lên trời, thì từ trời mưa xuống bảy vật báu (vàng, bạc, san hô, hổ phách, ngọc đỏ và kim cương).
Lúc bấy giờ, Bồ-tát đi học nghề với Bà-la-môn ấy. Một hôm, vị Bà-la-môn đem Bồ-tát đi theo, vì một vài công việc đi ra khỏi làng của mình và đến nước Ceti. Giữa đường, tại một khu rừng, có năm trăm kẻ cướp, được gọi là kẻ cướp Sứ giả, chúng làm cho con đường không thể đi được, chúng bắt Bồ-tát và Bà-la-môn Vedabbha.
Vì sao chúng được gọi là những kẻ cướp sứ giả? Người ta nói, khi chúng bắt được hai người, chúng cử một người đi lấy tiền chuộc, do vậy, chúng được gọi là những kẻ cướp sứ giả. Nếu chúng bắt được hai cha con, chúng cử người cha đi, đem tiền chuộc cho chúng để dắt người con về.
Với phương tiện này, nếu chúng bắt được mẹ và con gái, chúng cử người mẹ đi, chúng bắt được hai anh em cả và út, chúng cử người anh cả đi; nếu chúng bắt được thầy và trò, chúng cử người học trò đi. Lúc ấy, chúng giữ lại Bà-la-môn Vedabbha và cử Bồ-tát đi. Bồ-tát đảnh lễ thầy và nói:
– Con sẽ về trong một hai ngày. Thầy chớ sợ hãi. Nhưng thầy hãy làm theo lời con. Hôm nay sẽ có giao hội các hành tinh để mưa châu báu xuống, chớ vì chịu khổ cực không nổi mà đọc thần chú và làm mưa châu báu xuống. Nếu mưa xuống, thầy sẽ bị diệt vong, cả năm trăm tên cướp này cũng vậy.
Sau khi khuyên thầy như vậy, Bồ-tát đi lấy tiền chuộc. Khi mặt trời lặn, các tên cướp trói vị Bà-là-môn lại bắt nằm xuống. Ðúng thời khắc ấy, mặt trăng tròn ngày rằm từ chân trời phương đông mọc lên. Vị Bà-la-môn nhìn các vì sao, biết sự giao hội các hành tinh để mưa châu báu đã thành hình. Vị ấy tự nghĩ: “Sao ta lại chịu khổ như thế này, ta hãy đọc thần chú, làm mưa châu báu xuống, cho các tên cướp tài sản và sẽ sung sướng ra đi”. Vì vậy vị Bà-la-môn nói với các tên cướp:
– Này các bạn, vì mục đích gì các bạn bắt tôi?
– Vì mục đích tài sản.
– Nếu các bạn muốn có tài sản, lập tức hãy cởi trói cho tôi, rửa đầu cho tôi mang áo mới thoa hương thơm và trang điểm bông hoa. Rồi để tôi ở một mình.
Các tên cướp nghe nói, liền làm theo như vậy. Vị Bà-la-môn biết được sự giao hội các hành tinh, đọc thần chú và mắt nhìn lên trời. Từ trên trời, các châu báu rơi xuống. Các tên cướp thâu lượm tài sản ấy, gói lại thành từng bọc với áo khoác ngoài, rồi ra đi cả đoàn. Vị Bà-la-môn theo chúng đi sau cùng. Các tên cướp ấy bị năm trăm tên cướp khác bắt. Chúng hỏi bọn kia:
– Các anh bắt chúng tôi vì mục đích gì?
– Vì mục đích tài sản.
– Nếu các anh muốn tài sản, hãy bắt Bà-la-môn này. Nó nhìn lên trời, làm mưa tài sản rơi xuống. Chính nó cho chúng tôi tài sản này.
Các tên cướp sau thả các tên cướp trước, rồi bắt vị Bà-la-môn và nói:
– Hãy cho chúng tôi tài sản như vậy.
Bà-la-môn nói:
– Tôi không thể cho các anh tài sản. Từ nay cho đến một năm, sự giao hội các hành tinh để mưa tài sản mới thành hình. Nếu các anh muốn có tài sản, hãy chờ đợi. Khi ấy, tôi sẽ làm mưa tài sản xuống.
Các tên cướp tức giận nói:
– Ðồ xảo quyệt Bà-la-môn, ngươi làm mưa tài sản ngay cho bọn kia, lại bắt chúng ta đợi một năm nữa.
Chúng nó lấy gươm sắc bén chém vị Bà-la-môn làm hai, vất bỏ trên đường. Rồi chúng đuổi theo gấp, giao chiến với bọn cướp kia, giết chết bọn chúng, và lấy tài sản. Rồi chúng chia thành hai nhóm, giao chiến lẫn nhau cho đến khi giết hai trăm năm mươi tên. Với cách thức ấy, chúng chém giết lẫn nhau cho đến khi chỉ còn lại hai tên. Như vậy cả ngàn người ấy đi đến diệt vong.
Hai tên còn lại mang tài sản ấy chôn giấu tại một khu rừng gần làng, một tên cầm gươm ngồi giữ, một tên lấy gạo đi vào làng để nấu cơm. Tên ngồi gần tài sản suy nghĩ: “lòng tham là cội gốc của diệt vong. Nếu tên kia về, tài sản sẽ phải chia làm hai. Khi tên kia vừa về, ta sẽ lấy gươm chém giết nó.” Nghĩ vậy, nó rút gươm ra, ngồi chờ tên kia về. Tên kia cũng suy nghĩ: “Tài sản kia phải được chia làm hai. Ta hãy bỏ thuốc độc vào cơm cho tên kia ăn, khiến nó mạng chung, như vậy, chỉ một mình ta được tài sản”.
Khi cơm nấu chín, nó ăn phần của nó, rồi bỏ thuốc độc phần còn lại, đem theo đi đến chỗ ấy. Khi nó đặt cơm ấy xuống, vừa đứng dậy, tên kia lấy kiếm chém nó đứt đôi, ném xác nó vào chỗ kín. Rồi nó ăn phần cơm ấy và chết ngay tại chỗ. Như vậy, vì tài sản toàn thể bị diệt vong.
Sau hai ba ngày, Bồ-tát mang tiền chuộc đi đến chỗ ấy, không thấy thầy mình, thấy tài sản rơi vãi, tự nghĩ: “Thầy ta không làm theo lời ta, làm mưa tài sản xuống, khiến tất cả phải chịu nạn diệt vong”.
Rồi Bồ-tát theo con đường lớn đi tới. Trong khi đang đi, thấy thầy mình bị chặt đứt làm hai ở trên đường lơùn, lại nghĩ: “Vì không theo lời ta, nên thầy đã bị giết”. Bồ-tát chất củi, làm một giàn thiêu đốt xác thầy, và cúng dường với hoa trong rừng. Ði nữa, Bồ-tát gặp năm trăm người mạng chung, tiếp tục đi tới nữa, thấy hai trăm năm mươi người, tiếp tục đến chỗ các người mạng chung, chỉ thiếu có hai. Thấy vậy, Bồ-tát suy nghĩ: “Một ngàn người, trừ hai người, đi đến diệt vong. Thế nào cũng còn lại hai tên cướp nữa. Chúng không thể không đánh nhau, không biết chúng đã đi đâu?”
Tiếp tục đi nữa, Bồ-tát thấy con đường mà hai người mang tài sản đi vào trong khu rừng; đi nữa, Bồ-tát thấy đống tài sản được gói thành từng bọc và một tên cướp nằm chết với bát cơm bị rơi vãi. Ðây là việc làm của chúng! Bồ-tát biết tất cả, tự hỏi: “Người kia ở đâu?” Tìm thấy nó bị quăng xác tại chỗ đầu kia, Bồ-tát suy nghĩ: “Thầy chúng ta không làm theo lời ta, do tánh khó bảo của thầy, tự mình đã bị diệt vong, còn làm cho một ngàn người khác cũng vì mình bị diệt vong. Ai dùng phương tiện không chánh đáng, vì lý do sai lạc, đem lại sự giàu sang cho chính mình rồi cũng bị diệt vong như thầy chúng ta vậy”.
Suy nghĩ vậy, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Dùng phương tiện không tốt,
Mong lợi sẽ bị hại,
Cướp giết Ve-dab-bha,
Tất cả bị diệt vong.
Rồi Bồ-tát nói thêm:
– Như thầy ta, do ý nghĩ không tốt đẹp, do cố gắng sai chỗ, làm mưa tài sản xuống, tự mình bị mạng chung, còn làm cho những người khác cũng bị diệt vong. Cũng vậy, với ai ý nghĩ không chánh đáng, nỗ lực cố gắng muốn lợi cho mình, tự mình diệt vong hoàn toàn, lại còn làm cho những người khác cũng bị diệt vong nữa.
Bồ-tát làm vang động cả khu rừng vì tiếng nói của mình khiến chư Thần cây đáp ứng tán đồng. Với bài kệ này, Bồ-tát thuyết pháp. Sau đó ngài dùng phương tiện đem tài sản ấy về nhà, làm các công đức như bố thí và nhiều thiện sự khác v.v… rồi sống cho đến hềt tuổi thọ. Khi mạng chung, Bồ-tát đi lên con đường thiên giới.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ông là người khó bảo. Thuở trước ông cũng đã là người khó bảo. Vì khó bảo, ông đi đến diệt vong hoàn toàn.
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân như sau:
– Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Vedabbha là Tỷ-kheo khó bảo, còn người đệ tử là Ta vậy.
-ooOoo-
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 9