Chiến thắng ấy không tốt….,
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về Trưởng lão tên là Cittahattha Sariputta. Trưởng lão ấy, theo truyền thuyết, là một thanh niên thuộc một gia đình tốt ở Xá-vệ. Một hôm, trên con đường về nhà, sau khi cày xong, thanh niên ấy đi vào tinh xá, nhận được các món ăn thượng vị béo và ngọt từ bát của một Trưởng lão. Kẻ ấy suy nghĩ: “Chúng ta ngày đêm tự tay làm nhiều công việc, nhưng không được các món ăn ngọt như thế này. Vậy ta hãy trở thành một Sa-môn!”. Kẻ ấy xuất gia, sau một tháng rưởi tinh cần, nhưng bị phiền não chinh phục, kẻ ấy hoàn tục. Rồi vì kiếm ăn mệt nhọc, kẻ ấy trở lại xuất gia, học Thắng Pháp.
Với phương diện này, sáu lần kẻ ấy hoàn tục, sáu lần xuất gia, nhưng đến lần thứ bảy trở lại thành Tỷ-kheo. Vị Tỷ-kheo này thông suốt bảy bộ A-tỳ-đàm (Thắng pháp), và do đọc lớn tiếng nhiều lần Giáo pháp của Tỷ-kheo, nhờ triển khai Thiền quán, vị ấy chứng quả A-la-hán. Các thân hữu Tỷ-kheo cười nhạo, nói:
– Này, Hiền giả, trước kia tâm Hiền giả là như vậy, này làm sao các phiền não không tăng trưởng được?
– Thưa các Hiền giả, từ hôm nay trở đi, tôi không có thể trở lui đời sống gia đình được.
Vấn đề vị này chứng quả A-la-hán như vậy được nói lên tại Pháp đường:
– Thưa các Hiền giả, dầu được căn duyên trở thành một vị A-la-hán như vậy, Tôn giả Cittahattha Sariphutta đã sáu lần từ bỏ đời xuất gia. Ôi thật sự là sai lầm cho tánh phàm phu của vị ấy!
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, tâm của hạng phàm phu là nhẹ dạ, khó điều phục, bị các đối tượng chi phối, hay dính chặt. Một khi đã dính chặt, thì không thể thoát ly mau lẹ. Tâm tư như vậy được nhiếp phục thật là tốt lành. Một khi tâm được nhiếp nhục, thì nó đem lại an lạc.
Khó nắm giữ, khinh động,
Theo các dục quay cuồng.
Lành thay, điều phục tâm,
Tâm điều, an lạc đến. (Pháp Cú, 35)
Do tánh khó nhiếp phục này, thuở xưa các bậc hiền trí, chỉ vì một cái cuốc mà họ không thể bỏ được, vì lòng tham, sáu lần từ bỏ đời xuất gia. Chỉ lần xuất gia thứ bảy, Thiền định khởi lên, họ mới nhiếp phục được lòng tham ấy!
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một người làm vườn. Lớn lên Bồ-tát được gọi là bậc Hiền trí cái cuốc. Với cái cuốc, Bồ-tát dọn sạch khoảng đất, tự mình gieo trồng các loại như rau, bí, bầu, dưa leo và các thứ rau khác để bán và sinh sống một cách khó khăn. Ngoại trừ cái cuốc này ra, Bồ-tát không có một tài sản gì khác.
Một hôm, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta sống trong gia đình làm gì? Hãy xin đi xuất gia”. Bồ-tát cất cái cuốc ấy vào một chỗ kín, xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ. Lại nhớ đến cái cuốc ấy, không thể chặt đứt lòng tham vì cái cuốc sứt mẻ, Bồ-tát từ bỏ đời xuất gia. Như vậy lần thứ hai, lần thứ ba; cho đến lần thứ sáu, Bồ-tát chôn cái cuốc vào một chỗ kín, xuất gia rồi lại bỏ xuất gia. Ðến lần thứ bảy, Bồ-tát suy nghĩ: “Chỉ vì cái cuốc sứt mẻ này, ta tiếp tục từ bỏ xuất gia, nay ta sẽ quăng nó vào con sông lớn rồi sẽ xuất gia!”.
Bồ-tát đi đến bờ sông, lại nghĩ: “Nếu thấy được nơi cái cuốc bị rơi, thì ta có thể đi đến đó và vớt nó lên được”. Nghĩ vậy, với sức mạnh kiên trì như voi, Bồ-tát cầm cán cuốc quay tròn trên đầu ba lần, nhắm mắt lại, quăng cái cuốc vào giữa dòng sông, và rống lên tiếng rống con sư tử ba lần:
– Ta đã chiến thắng! Ta đã chiến thắng!
Lúc bấy giờ, vua Ba-la-nại, vừa dẹp xong loạn ở biên giới trở về, tắm trong con sông ấy. Sau khi trang điểm đủ mọi châu báu, vua ngồi trên lưng voi, đang đi, nghe tiếng Bồ-tát la lớn liền nghĩ: “Người này nói ta đã chiến thắng. Nó đã chiến thắng ai vậy? Ta hãy gọi nó”. Khi Bồ-tát đến, vua hỏi:
– Này bạn, ta vừa thắng trận ở chiến trường trở về. Còn bạn chiến thắng ai vậy?
Bồ-tát thưa:
– Thưa Ðại vương, một ngàn hay một trăm ngàn chiến trận được Ðại vương chiến thắng đều vô ích, nếu Ðại vương không tự mình chiến thắng các phiền não. Chính do chiến thắng tham dục trong nội tâm, ta đã chiến thắng các phiền não.
Trong khi nói vậy, Bồ-tát nhìn con sông lớn, khởi lên Thiền quán với đối tượng về nước, đắc Thiền chứng, ngồi trên hư không thuyết pháp cho vua, và đọc bài kệ này:
Chiến thắng ấy không tốt,
Nếu chiến thắng rồi bại.
Chiến thắng thật tốt lành
Là chiến thắng nội tâm.
Nhà vua nghe thuyết pháp, với sự đoạn trừ vọng kiến, các phiền não được đoạn tận, tâm tư hướng về xuất gia. Ngay lúc ấy, tham dục đối với vương vị cũng tiêu diệt. Vua hỏi Bồ-tát:
– Nay Bồ-tát sẽ đi đâu?
Bồ-tát trả lời sẽ đi vào Hy-mã-lạp Sơn, xuất gia làm vị tiên nhân du sĩ. Vua nói lên ý muốn xuất gia của mình và cùng đi với Bồ-tát. Toàn bộ số người, các Bà-la-môn gia chủ, toàn thể quần chúng hội họp tại chỗ ấy, tất cả đều cùng đi với vua. Dân chúng ở Ba-la-nại được nghe vua Ba-la-nại của họ hướng về xuất gia sau khi nghe bậc Hiền trí thuyết pháp, nghĩ rằng họ ở lại đấy làm gì, cũng xin đi xuất gia. Từ nội thành dài mười hai dặm, tất cả dân chúng trong thành đều ra đi. Hội chúng dài đến mười hai dặm cùng với Bồ-tát đi vào Hy-mã-lạp Sơn.
Bấy giờ, chiếc ngai của Thiên chủ Ðế Thích trở thành nóng. Tìm hiểu lý do, Ðế Thích thấy bậc Hiền trí đang tiến hành một đại sự xuất gia. Ước lượng số đại chúng và số trú xứ cần cho họ ở, Ðế Thích truyền gọi Vissakamma, Thần xây dựng của chư Thiên, và nói:
– Này, khanh thân, bậc Hiền trí đang tiến hành một đại sự xuất gia, cần phải có trú xứ cho họ ở. Hãy đi đến Hy-mã-lạp Sơn, trên một chỗ bằng phẳng, khanh hãy cho xây dựng một khu ẩn cư dài ba mươi dặm, rộng mười lăm dặm.
Vissakamma vâng lời và cho làm đúng như đã nói (Ðây chỉ là tóm tắt. Các chi tiết đầy đủ sẽ được nói trong Tiền thân Hattipàla số 509).
Vissakamma hóa hiện ra một khu chòi lá tại các vùng ẩn cư, đuổi xa các loài thú ồn ào, các loài chim, các loài phi nhân và lập một con đường theo mỗi phương hướng chính, con đường rộng vừa một người đi. Rồi Vissakamma đi về trú xứ của mình.
Còn bậc Hiền trí đem theo hội chúng ấy đi vào dãy Hy-mã-lạp Sơn, đến chỗ ẩn cư đã được Ðế Thích cho, đem theo các vật dụng xuất gia do Vissakamma tạo ra, tự mình xuất gia trước, rồi sau truyền giới xuất gia cho hội chúng, phân phối chỗ ẩn cư rồi giao cho họ. Tất cả đều từ bỏ vương vị ngang bằng vương vị của Ðế Thích. Hội chúng tràn đầy chỗ ẩn cư dài đến ba mươi dặm. Sau khi chuẩn bị các đối tượng đề tài Thiền quán, và tu tập tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, Bồ-tát dạy đề tài Thiền quán cho hội chúng. Tất cả đều đạt Thiền chứng, và được sanh lên cõi Phạm thiên. Còn tất cả những ai hộ trì hội chúng, đều được sanh lên cảnh giới chư Thiên.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, như vậy, khi tâm bị các phiền não chi phối, thật khó từ bỏ. Các đối tượng tham ái khởi lên rất khó từ bỏ, khiến cho các bậc hiền trí cũng trở thành vô trí.
Sau khi kể pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, một số người chứng quả Dự lưu, một số người chứng quả Nhất lai, một số chứng quả Bất lai, một số đạt quả A-la-hán. Bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân:
– Thời ấy, vua là Ànanda, hội chúng ấy là hội chúng đức Phật, còn bậc hiền trí là Ta vậy.
Ghi chú: Các chuyện từ số 62 đến số 67 do cư sĩ Trần Phương Lan dịch.
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 22