97. CHUYỆN ÐIỀM LÀNH CỦA TÊN (Tiền thân Nàmasiddhi)

Thấy Ji-va-ka-chết…,

Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo tin vào sự tác thành của cái tên gọi. Tương truyền, một thiện nam trẻ tên là Papaka (Người ác), có tâm tín thành vào Giáp pháp, và xuất gia. Khi các Tỷ-kheo gọi:

– Hãy đến, Hiền giả Papaka! Hãy đứng lại, Hiền giả Papaka.

Tỷ-kheo ấy nghĩ: “Ở đời, tên Papaka có nghĩa là ác độc, là lời nguyền rủa. ta cần phải đặt một tên khác có liên hệ đến điều lành”.

Tỷ-kheo ấy đến vị sư trưởng và giáo thọ sư và thưa:

– Thưa các Tôn giả, tên của con chỉ điềm xấu. Hãy đặt cho con một cái tên khác.

Hai vị ấy nói với Tỷ-kheo:

– Này Hiền giả, cái tên chỉ để gọi thôi, không có nghĩa thành tựu mục đích. Hãy tự bằng lòng với cái tên mình.

Tỷ-kheo ấy lại yêu cầu nhiều lần. Chúng tăng biết được Tỷ-kheo ấy tin tưởng vào điềm lành của tên. Một hôm, các Tỷ-kheo ngồi họp ở Chánh pháp đường, và bắt đầu câu chuyện như sau:

– Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo ấy tin tưởng vào điềm lành của tên, yêu cầu đặt một tên liên hệ đến điềm lành.

Bậc Ðạo Sư đi đến Chánh pháp đường hỏi:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay mới như vậy. Xưa kia, Tỷ-kheo ấy cũng tin tưởng điềm lành của tên.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, tại Takkasilà, Bồ-tát là một vị Sư trưởng có danh tiếng ở nhiều phương, và năm trăm thanh niên Bà-la-môn đến học Vệ đà, học thuộc lòng. Một thanh niên trong bọn có tên Pàpaka (Kẻ độc ác). Ðược nghe gọi: Hãy đến Pàpaka, hãy đi Pàpaka. Anh ta suy nghĩ: “Tên của ta là một điềm xấu, ta hãy xin đổi một tên khác”.

Thanh niên đi đến gặp sư trưởng và thưa:

– Thưa sư trưởng, tên của con là một điềm xấu. Hãy đặt cho con một cái tên khác có tính cách tốt đẹp.

Sư trưởng nói:

– Hãy ra đi, này con thân. Hãy đi trong cả nước tìm được một tên có điềm lành mà con thích, rồi trở về đây, ta sẽ đổi tên cho con.

Chàng thanh niên vâng lời, đem theo lương thực lên đường, đi từ làng này sang làng khác và đến một thành phố. Tại đấy, có một người đã chết tên là Jìvaka (người sống). Anh ta thấy người chết được những bà con đưa đến nghĩa địa bèn hỏi:

– Người ấy tên chi.

– Tên là Jìvaka.

– Jìvaka mà cũng chết ư?

– Jìvaka cũng chết. Ajivaka (Không sống) cũng chết. Cái tên chỉ dùng để gọi thôi. Hình như ông là người khùng thì phải.

Nghe nói vậy, chàng thanh niên cảm thấy hơi yên tâm với cái tên của mình và đi vào trong thành. Bấy giờ một tỳ nữ, vì không đem tiền công về, bị những người chủ bắt ra ngồi ngoài đường, đánh nó với dây roi. Tên của người nữ tỳ ấy là Dhanapàli (Người giàu có). Ðang đi giữa đường thấy nữ tỳ bị đánh, anh ta hỏi:

– Vì sao đánh người này?

– Vì nó không đem tiền công về.

– Tên cô ta là gì?

– Tên nó là Dhanapàli (Người giàu)

– Với tên Dhanapàli, cô ta lại không thể cho tiền công sao?

– Dhanapàli hay Adhanapàli (Không giàu), chúng đều nghèo khổ. Cái tên chỉ dùng để gọi thôi. Ông hình như khùng thì phải.

Anh ta càng thấy yên tâm hơn nữa với cái tên của mình.

Ði ra khỏi thành, giữa đường anh ta gặp một người đi lạc. Thấy và biết người ấy lạc đường, chàng thanh niên hỏi tên người ấy:

– Nhưng ông tên à gì?

– Tên tôi là Panthaka (Người chỉ đường)

– Tên là Panthaka mà lại lạc đường sao?

– Panthaka hay Apanthaka (Lạc đường) đều có thể lạc đường. Cái tên chỉ để gọi thôi. Hình như ông khùng thì phải!

Khi ấy, chàng thanh niên Bà-la-môn hoàn toàn yên tâm với cái tên của mình. Anh ta đi về, gặp Bồ-tát và được Bồ-tát hỏi đã tự bằng lòng với cái tên gì chưa mà trở về, anh ta trả lời:

– Thưa Sư trưởng, Jìvaka hay Ajìvaka đều chết. Dhanapali ha Adhanapali đều nghèo. Panthaka hay Apanthaka đều lạc đường. Cái tên chỉ để gọi thôi. Cái tên không tác thành công việc. Cái tên không làm nên công việc. Vì thế con bằng lòng với tên mình và không muốn đổi tên khác nữa.

Bồ-tát kết hợp điều người thanh niên Bà-la-môn ấy đã thấy và điều người ấy đã làm, rồi nói lên bài kệ này:

Thấy Ji-va-ka chết,
Dha-na-pa-li nghèo,
Và thấy Pan-tha-ka
Ði lạc ở trong rừng,
Pa-pa-ka bằng lòng
Trở về với tên mình.

*

Sau khi kể chuyện quá khứ, bậc Ðạo sư nói thêm:

– Này các Tỷ-kheo, nay cũng như trong quá khứ, Tỷ-kheo ấy tin ở nơi sự tác thành của tên.

Rồi bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

– Lúc bấy giờ, kẻ tin sự tác thành của tên cũng là Tỷ-kheo hiện nay tin sự tác thành của tên. Hội chúng của sư trưởng là hội chúng của đức Phật, còn sư trưởng là Ta vậy.

-ooOoo-

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 23

Post Views: 350