III. NHỮNG TIỀN KIẾP CỦA KASSAPA (CA DIẾP) VÀ CỦA BHADDÀ KÀPILÀNÌ (MỸ HẠNH)

Vào thời đức Phật quá khứ tên là Vipassì, tiền thân Ca Diếp (Kassapa) và Mỹ Hạnh (Bhaddà) đã sinh làm đôi vợ chồng Bà-la-môn vô cùng nghèo khổ. Họ khốn khổ đến độ mà cả hai chỉ có một mảnh vải che thân. Hễ chồng đi làm thuê, làm mướn kiếm ăn, thì vợ phải chịu lõa lồ, ẩn thân trong chòi lá. Còn khi vợ ra đồng gánh nước, hái rau, thì chồng phải trốn trong nhà, không dám gặp ai cả!

Vì “gia sản” của họ chỉ có một tấm vải che thân, nên người đời đã gọi là “vợ chồng chỉ có một cái khố ” (Ekasàtaka)!

Ðối với chúng ta ngày nay, cảnh cùng khốn cỡ ấy là một điều khó tưởng tượng được. Nhưng càng khó tưởng tượng hơn nữa, là trên thế gian nầy, hẳn đã có những kẻ bất hạnh như vậy, mà họ vẫn nhẫn nại, vui vẻ, tiếp tục kiếp sống. Và tiền thân của hai vị Thánh trong Phật giáo chúng ta, là hai con người đã trải qua quãng đời khốn khổ ấy! Ðức tính độc đáo đáng nói ở đây là sự hòa thuận của đôi vợ chồng cùng đinh kia, được mô tả như một thứ “hạnh phúc” căn bản có thể giúp họ vượt qua, chịu đựng nổi một cuộc sống hoàn toàn đen tối!

Nhưng cả hai vợ chồng nghèo mạt ấy đều đã được duyên may là sinh ra nhằm thời có đức Phật độ đời. Họ một lòng thay phiên nhau người nầy đi nghe pháp thì người kia vui vẻ ở nhà.

Ngày nọ, nhân nghe bài pháp của đức Phật Vipassì thuyết về phước báu của sự dâng y, người chồng bỗng phát tâm muốn bố thí. Nhưng nhìn lại mình chẳng có một vật gì cả ngoài cái khố! – Thứ nhất, bố thí rồi lấy chi vợ che thân, lần sau đi nghe pháp?! – Thứ hai, không khố thì cách chi ló mặt ra làm thuê làm mướn kiếm ăn?!

Sự ngần ngại đã khiến cho người cùng đinh đấu tranh với nội tâm quyết liệt. Anh tự nhủ “cái khố này là vật chung của vợ ta và ta. Vậy để thuận vợ thuận chồng, ta hãy về nhà hỏi ý kiến nàng. Nếu nàng đồng ý thì ta sẽ đem hiến vào lễ dâng y!” Nhưng anh lại suy nghĩ: “Giả sử vợ ta không đồng ý thì ta không còn hy vọng gì thực hiện hạnh bố thí hay sao!?”

Càng phân tích và đắn đo, anh càng thấy: “Cái phúc mới khó tìm, chứ lòng ích kỷ thì hai vợ chồng anh luôn luôn sẵn sàng dứt bỏ!… “

Ðoạn anh quá vui sướng với sự chiến thắng được lòng mình, quên hết hoàn cảnh xung quanh là một buổi đức Phật đang thuyết pháp. Anh bất thần chắp tay la lớn “Ta thắng rồi, ta thắng rồi!… “.

Lúc ấy nhà vua cũng có mặt nghe pháp. Tuy vua ngồi trên cao nhưng tiếng la của anh chàng “nhất khố” vẫn thấu tai quân vương rất rõ. Vua liền ra lệnh cho vệ quan dẫn người “làm ồn” đến hỏi rằng:

– Anh dân nghèo kia! Chỗ đức Phật thuyết pháp là nơi tôn nghiêm, tại sao anh dám la lớn tiếng?

– Cúi tâu bệ hạ! Vì tiện dân hiểu được một quả phúc trong lời Phật dạy, nên thỏa thích quá, quên mất mình đang ở chỗ tôn nghiêm! Muôn lạy bệ hạ rộng dung!

Nhà vua nghe thế lấy làm lạ, bèn hỏi tiếp:

– Ngươi bảo “hiểu được quả phúc” mà la hoảng “ta thắng rồi, ta thắng rồi” là nghĩa làm sao, hãy nói cho trẫm nghe?!

Anh chàng “nhất khố” vội thành thật thuật lại ý định muốn hiến mảnh khố duy nhất của mình vào lễ dâng y, và những do dự trong tâm anh trước hoàn cảnh vợ chồng chỉ có một mảnh vải. Anh thuật trọn đầu đuôi, đến lúc anh dồn hết nghị lực, chiến thắng được lòng ích kỷ của mình mà quên cả mọi vật xung quanh, nên buộc miệng la lớn “ta thắng rồi, ta thắng rồi! v.v…”

Nhà vua nghe xong hết tỏ vẻ nghiêm khắc. Ðoạn vua hoan hỉ ban cho anh chàng Bà-la-môn “nhất khố” ấy nhiều quần áo, và truyền quan thị vệ đưa vợ chồng anh vào cung phong cho chức Nội Giám và Cung Nữ.

Thế là số phận bần cùng của đôi bạn Bà-la-môn “nhất khố” kia chấm dứt từ đó!

Khi hết tuổi thọ, người chồng làm Nội Giám, nhờ quả phúc bố thí không vị kỷ, do bài pháp của đức Phật Vipassì, đã sinh lên cõi trời. Còn người vợ sinh là tiên nữ.

Rồi mãn kiếp thiên giới, cả hai cùng giáng trần, sinh làm vua và hoàng hậu, cai trị vương quốc sung túc rộng lớn. Cả vua và hoàng hậu đều thiện tâm hết lòng thương dân, nên bá tánh được an vui, hạnh phúc. Ðặc biệt là đức vua cùng hoàng hậu luôn luôn tôn kính những bậc Sa-môn, đạo sĩ có giới hạnh, đồng thời hết lòng hộ độ các bậc Thánh nhân, nhất là chư vị Bích Chi Phật (hay còn gọi là Phật Ðộc Giác).

Một tiền kiếp khác, tiền thân Mỹ Hạnh (Bhaddà Kàpilànì) sinh làm mẹ một thanh niên Bà-la-môn, là học trò của một vị Bồ Tát (Bodhisatta), (Bồ tát nầy về sau là đức Phật!). Thanh niên nầy rất đẹp trai, hiền lành và nuôi hạnh xuất gia. Còn tiền thân Ðại Ca Diếp (Kassapa) thì sinh làm cha, và A Nan Ðà sinh là con trai duy nhất trong gia đình, tức là người thanh niên Bà-la-môn nói trên.

Người mẹ vốn muốn cho con trai mình (tiền thân Ananda) trước khi trở thành đạo sĩ, hãy hưởng thụ những lạc thú ở đời. Nhưng một biến cố đã làm cho thanh niên kia phát lòng nhàm chán cảnh sống thế tục một cách quyết liệt! Ðó là vụ bà mẹ của thầy người thanh niên bỗng đâm ra yêu thương chàng, rồi si tình với chàng. Bà si tình đến độ có thể sẵn sàng giết chết con trai mình để tránh gặp trong những vấn đề luyến ái. Thanh niên Bà-la-môn ấy quả là một nạn nhân bị vướng trong một vở “kịch tình” đầy mù quáng, dâm dật và táo bạo. Chàng rút được một bài học về sự nguy hiểm của tật ô nhiễm dục lạc ở đời, nên sau đó chẳng bao lâu, chàng đã thành công trong việc thuyết phục cha mẹ cho phép mình xuất gia, làm đạo sĩ. (Theo Túc Sinh Truyện số 61: Jàtaka n. 61).

Còn một quá khứ khác thì tiền thân Ca Diếp (Kassapa) và Mỹ Hạnh (Bhaddà) lại sinh làm đôi vợ chồng Bà-la-môn có tất cả bốn người con. Bốn người con nầy về sau chính là Thái tử Sĩ Ðạt Ta (Siddhatta), A Nậu Lâu Ðà (Anuruddha), Xá Lợi Phất (Sàriputta) và Mục Kiền Liên (Moggallàna) trong giáo pháp của Phật Thích Ca. Cả bốn người con ấy đều muốn xuất gia làm đạo sĩ. Thoạt đầu họ bị cha mẹ là vợ chồng ông Bà-la-môn ngăn cản. Nhưng sau, nhờ nghe họ giải rành lợi ích thiết thực của đời sống tu hành và những sa đọa của cuộc đời dục lạc, nên chính vợ chồng ông Bà-la-môn cũng theo chân bốn người con đi xuất gia luôn (Theo Túc Sinh Truyện số 509: Jàtaka n. 509).

Lại trong một tiền kiếp khác, cả Ca Diếp (Kassapa) và Mỹ Hạnh (Bhaddà) đều đầu thai vào bụng của hai thiếu phụ Bà-la-môn đứng đầu hai ngôi làng. Hai người chồng làm “xã trưởng” của hai thiếu phụ nầy vốn là đôi bạn thân giao nên đã hứa với nhau rằng: “Nếu hai đứa bé sinh ra là một trai và một gái thì họ sẽ trở thành sui gia với nhau!”. Rồi điều mong ước của họ đã đến.

Nhưng hai đứa trẻ ấy vốn là hậu thân của hai vị tiên từ cõi trời Phạm Thiên giáng trần, nên chúng chẳng những đã không mắc dính trong sự luyến ái, mà còn đồng loạt xin phép cha mẹ được xuất gia làm đạo sĩ. (Theo Túc Sinh Truyện 540: Jàtaka n. 540).

Còn nói về sự lầm lỗi, hành động trong ngu tối thì tiền thân Mỹ Hạnh (Bhaddà) đã phạm một lần. Ấy là thời quá khứ xa xưa khi không có Phật Toàn Giác ra đời cũng như lúc chánh pháp đã mạt, nhưng trên thế gian còn một vị Phật Ðộc Giác (Paccekabuddha). (Phật Ðộc Giác là một Thánh nhân rất ít nói và hiếm khi thuyết pháp cho ai!). Mỹ Hạnh (Bhaddà) ngẫu nhiên đã tái sanh làm một nữ điền chủ. Một hôm do gây gổ với cô em dâu có sắc đẹp và đức hạnh, thường xuyên cúng dường cho vị Phật Ðộc Giác khi Ngài đi khất thực. Rồi người nữ điền chủ ấy vì ganh tị đã đem bùn đổ vào trong bát của vị Phật Ðộc Giác, cốt ý chỉ để chọc tức cô em dâu kia. Nhưng khi nghĩ lại thì bà liền hối hận, vội đến gặp vị Phật Ðộc Giác, để xin lại bình bát, rửa sạch sẽ, rồi đặt nhiều thức ăn sang trọng thơm ngon vào, và dâng lại cho “Vị đạo sĩ ” (Bà điền chủ không ngờ đó là một vị Phật Ðộc Giác).

Do nhân vừa lành vừa xấu ấy, trong kiếp kế tiếp, tiền thân Mỹ Hạnh (Bhaddà) đã sinh làm một người đàn bà rất xinh đẹp, nhưng trong người tiết ra một mùi hôi thối, không ai dám ở gần lâu. Tiền thân Ca Diếp (Kassapa) lúc ấy là người chồng, thoạt đầu vì mê sắc đẹp lấy nhau, nhưng về sau cũng không chịu nổi, phải xa lánh.

Vì là một thiếu phụ xinh đẹp, bà lại biết tẩm nhiều dầu thơm để che giấu “điểm yếu” của mình nên sau đó bà vẫn được nhiều người đàn ông khác mến chuộng. Chỉ một điều bất hạnh cho bà là ai cưới bà, rồi sau cũng phải bỏ! Bao nhiêu cuộc tình hoa mộng của bà rồi cũng dẫn đến một kết thúc chia tay.

Trong lúc bà đang tuyệt vọng thì một ý nghĩ tự tử muốn lìa bỏ cuộc đời chợt đến. Bà tự nhủ “trước khi nhắm mắt, ta hãy sử dụng một cách hữu ích những của cải nầy. Ðoạn bà tập trung hết đồ nữ trang vàng, bạc, nhờ thợ đúc nấu chảy đúc thành một viên gạch rất quý. Bà đem viên gạch rất quý ấy cúng dường đến một tu viện, để xây vào trong một ngôi bảo tháp là chỗ tôn thờ hài cốt của một đức Phật mới nhập diệt! Và viên gạch của bà là viên gạch cuối cùng hoàn tất công cuộc xây dựng ngôi bảo tháp!

Lạ thay, sau khi làm xong việc lành ấy, bà chưa kịp quyên sinh thì mùi hôi thối trên người bà tự nhiên biến mất, thân thể trở thành thơm tho, và người chồng đầu tiên là tiền thân Ca Diếp (Kassapa) đã trở lại tìm bà và sống chung một cách êm ấm như thuở họ mới cưới!

Túc Sinh Truyện (Jàtaka) cũng ghi rõ: Hai kiếp trước khi đến kiếp chót, tiền thân Ca Diếp (Kassapa) và tiền thân Mỹ Hạnh (Bhaddà) đã tái sinh làm quốc vương và hoàng hậu, ngự trị trong cung vàng điện ngọc ở Ba La Nại (Benares). Vì hoàng hậu là người rất sùng bái chư vị Thánh Tăng, nên nhân có một đức Phật Ðộc Giác bất thần viên tịch, bà đâm ra kinh cảm, chán nản cuộc đời phù du, rồi bỏ ngôi hoàng hậu đi xuất gia, chăm chỉ tu thiền trên núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya). Khi mãn tuổi thọ, cả đức vua và bà đều được sinh lên cõi trời Phạm Thiên. Và ở đó họ đã an hưởng một cuộc đời vô cùng trường thọ (dài bằng vô số kiếp người, không thể nào đếm xiết!), cho đến khi cả hai cùng giáng sinh xuống cõi trần, làm con trai và con gái trong hai gia đình Bà-la-môn, rồi mang tên Pipphali Kassapa (Thường Tịnh Ca Diếp) và Bhaddà Kàpilànì (Mỹ Hạnh).

Từ những Túc Sinh Truyện kể trên, chúng ta có thể kết luận rằng: Trong hầu hết các kiếp quá khứ, tiền thân của Ðại Ca Diếp và Thánh ni Mỹ Hạnh đã luôn luôn hưởng phúc lành trên cõi trời Phạm Thiên, và tinh tấn gìn giữ đức hạnh khi làm người. Ðó cũng chính là lý do mà kiếp chót họ đã xem thường danh vọng, lìa bỏ của cải một cách dễ dàng. Nhất là khi họ đã là vợ chồng mà cũng có thể giữ được nhục thân thanh tịnh, không cho nết dâm dục làm hoen ố lục căn, để cuối cùng đạt được quả giải thoát cao nhất trong các hàng Thinh Văn đệ tử Phật!

  1. CA DIẾP GẶP PHẬT

Tiếp tục câu chuyện, chúng ta hãy quay lại, theo dõi bước chân của Ðại Ca Diếp (Mahà Kassapa) xem. Sau khi chia tay với người “bạn đường”, nguyện vọng tìm đạo đã đưa ông về đâu?

– Theo kinh điển chép lại thì lúc ấy quả đất đã rung động vì không chịu nỗi đức hạnh vô lượng và đại chí xuất gia của đạo sĩ “Thường Tịnh Ca Diếp”!

Ðức Phật thấy rõ trạng thái ấy và biết rằng: Một vĩ nhân đang đến cơ duyên gặp Phật và trở thành bậc đại tông đồ. Ngài liền ra khỏi bồ đoàn (chỗ ngồi), rồi tiến ra phía đường, đi khoảng năm dặm để hóa độ vị đại đệ tử sắp đến. Một hành động nghinh đón đầy lòng từ bi mà sử sách sau nầy thường nhắc lại! (Theo Túc Sinh Truyện số 469, đoạn mở đầu: Jàkata n. 469, Introd.)

Ðịa điểm đức Phật đang truyền đạo là Trúc Lâm Tịnh Xá, gần Vương Xá thành và hướng Phật đi gặp Thường Tịnh Ca Diếp là hướng Nalanda. Do đó chúng ta có thể xác định được lần gặp gỡ đầu tiên của đức Phật và vị tông đồ thứ nhất nầy là khoảng giữa Vương Xá thành và Nalanda. (Nalanda về sau đó đã có, một trường đại học Phật giáo quốc tế lớn nhất đầu tiên và là chỗ phát xuất hầu hết những tài liệu nghiên cứu Phật giáo căn bản cho tất cả các trường phái Phật học trên thế giới. Chính Trần Huyền Trang, đời nhà Ðường ở Trung Hoa cũng là một học giả xuất thân từ Ðại viện Phật giáo Nalanda nầy.)

Ði được khoảng năm dặm thì đức Phật dừng chân, an tọa cạnh gốc một cây sung, chờ người đại đệ tử…! Khi “Thường Tịnh Ca Diếp” (Pipphali Kassapa) đến nơi, thì ông nhìn thấy dung mạo của đức Phật tỏa hào quang rực rỡ, phong thái siêu phàm, thanh tịnh và giải thoát bao trùm cả thân thể, nên tự nhủ: “Ðây hẳn là một siêu Thánh nhân, một bậc đại Giác ngộ! Ngài chính là ánh sáng cứu khổ mà ta đang muốn tìm!”

Nghĩ thế, ông liền xụp lạy Phật rồi tán dương rằng:

“Kính đảnh lễ đấng Cao thượng. Ngài chính là Phật toàn giác, là Bổn sư của bần đạo!”

Ðức Phật liền đáp:

“Nầy Ca Diếp! Ông hãy ngồi xuống đây! Như Lai có một của quý tặng ông! Ðó là pháp giải thoát mà ông sẽ là người thừa hưởng!”

Rồi đức Thế Tôn tiếp:

“Hãy rèn luyện lấy ông! Nầy Ca Diếp! Thứ nhất là hai pháp ghê sợ và hổ thẹn tội lỗi. Hai pháp cao thượng nầy phải luôn luôn có trong tâm các Sa-môn lão thành, các tu sĩ mới nhập môn, hay các Tỳ-khưu trung niên trong Phật giáo, vì đó là căn bản của phạm hạnh!

Thứ hai là pháp lành nào ông nghe được của Như Lai, có khả năng đưa đến thiện nghiệp thì ông phải tinh tấn ghi nhớ, tinh tấn suy gẫm và tinh tấn thi hành!

Thứ ba là định tâm biết mình, tránh xa mọi nguyên nhân làm cho dễ duôi, nhất là làm cho người đời khinh mạng và ỷ lại.

Ðây là những pháp mà ông phải thực hiện!” (Theo chú giải thì khi ấy đức Phật đã dùng thần thông để lộ ra ba mươi hai tướng tốt cho Thường Tịnh Ca Diếp nhìn thấy!)

Sau đó cả đức Phật và vị đệ nhất đại tông đồ dời gót về hướng Vương Xá thành. Trên đường đi đức Thế Tôn bỗng rẽ vào một gốc cây tỏ ý muốn nghỉ chân. Thường Tịnh Ðại Ca Diếp lập tức lấy y ngự hàn của mình xếp lại bốn lần để làm tọa cụ cho đức Phật ngồi. (Theo kinh điển Phật giáo thì đây là một hành động tạo phúc vô cùng ý nghĩa của Ðại Ca Diếp trong kiếp chót!).

Ðức Phật từ bi ngồi xuống, rồi khen rằng:

“Nầy Thường Tịnh Ðại Ca Diếp! Tấm y ngự hàn của ông xếp làm tọa cụ thật êm và tiện lợi!”

(Lời thêm của dịch giả: Có sách gọi tấm y ngự hàn của Ðại Ca Diếp là thứ y vá nhiều lớp, tức y rách! Nhưng theo chỗ sưu tầm của chúng tôi thì đó là một thứ y chống lạnh. Vì thời cổ Ấn Ðộ, người ta thường cắt vải làm nhiều mảnh nhỏ, rồi bện chồng lên nhau, cho dày, cho ấm!).

Lúc ấy Ðại Ca Diếp thưa:

“Bạch đức Bổn Sư! Xin Ngài từ bi nhận lãnh tọa cụ, vừa là y ngự hàn này!”

“Này Ðại Ca Diếp! Nhưng Như Lai chẳng có vật gì để tặng lại ông! Như Lai chỉ có mảnh y bằng vải thô đã rách, đã cũ. Như Lai muốn biếu ông…!”

Thường Tịnh Ðại Ca Diếp vui mừng tiếp nhận:

“Thật là hạnh phúc cho bần đạo, được trao đổi y phục với đức Bổn Sư! Bần đạo sẵn sàng mặc tấm y vải thô vừa rách, vừa cũ nầy, do đức Phật trao tặng!”

Trong Tam Tạng, sự trao đổi y phục ấy, đã được xem như một “Vinh dự” lớn nhất mà đức Phật dành cho Ðại Ca Diếp! Vì ngoài ông ta, không một đệ tử thứ hai nào của đức Phật, được hân hạnh như thế!

Và sau lần trao đổi y phục ấy, Ðại Ca Diếp phát nguyện thường xuyên thọ hạnh tu đầu đà (Dhutanga) Một cách tu khổ hạnh, hạn chế sự đòi hỏi của xác thân rất hiệu nghiệm. Cách tu “Khổ hạnh” nầy có mười ba chi, gọi là mười ba pháp tu đầu đà, như sau:

  1. Nhặt vải quấn tử thi, hay vải bỏ để khâu lại làm y, chứ không dùng y mới (Pamsukùlika).
  2. Chỉ sống với tam y (Tecìvarika), tức là chẳng có y dự trữ (Tam y là Y Tăng Già Lê, Y Uất Ðà La Tăng và Y An Ðà Hội).
  3. Phải khất thực mỗi buổi sáng mà ăn, trước 12 giờ trưa (Pindapàtika).
  4. Khi đi khất thức, không được bỏ sót một nhà nào cả (Sabbadàna Càrika): Ám chỉ sự hóa độ bình đẳng. Sa-môn chân chính là người, không chọn nhà giàu, hay nhà có thiện cảm, để kiếm thức ăn ngon, mà quên nhà nghèo, hay nhà kém từ tâm, có thể hiến thức ăn dở!
  5. Phải ngồi bán già hay kiết già mà thọ thực và chỉ một lần, trước 12 giờ trưa. Khi đứng dậy thì không thể thọ thực nữa (Ekàsanika).
  6. Phải ăn trong bình bát (Pattapindika).
  7. Chỉ nhận thức ăn vào bình bát từ tay thí chủ vừa đủ và một lần thôi (Khalupacchà Bhattika).
  8. Phải ở trong rừng, không được ngụ trong xóm (Araĩĩika).
  9. Lấy vật thiên nhiên như bóng cây che mưa, che nắng, không dựng trại, cất cốc (Rukkhamùlika).
  10. Nếu chẳng có rừng núi, chẳng có bóng cây, thì phải kiên nhẫn ở trên quãng trống, không được tìm kiếm cho ra hang hay động (Abbhekàlika).
  11. Thường xuyên dùng nghĩa địa làm nơi hành đạo (Sosànika).
  12. Nếu Tăng đoàn chỉ định “Tỳ-khưu thọ hạnh đầu đà phải ở chỗ nầy hay chỗ kia v.v…” thì hành giả phải tuyệt đối tuân theo, không được trái lệnh! (Yathàsanthatika).
  13. Chỉ ngồi mà không nằm (Nesajjika). Ý nói chỉ dùng ba oai nghi đi, đứng và ngồi, chứ không nằm! Vì oai nghi nằm thường làm cho con người ngủ say, quên mất việc hành đạo!

(Mười ba pháp tu đầu đà nầy do dịch giả sưu tầm và bổ sung. Trong bản chính bằng tiếng Anh tựa là Mahà Kassapa của Hellmuth Hecker không có).

Theo chú giải thì Sa-môn Ðại Ca Diếp, đã phát nguyện thọ hạnh đầu đà thường xuyên kể từ đó, để xứng đáng với sự tiếp nhận tấm y vải thô do đức Phật tự tay trao tặng.

Ðại Ca Diếp chính là vị Sa-môn đầu tiên, có dũng chí thực hiện mười ba pháp đầu đà, khi đức Phật chỉ dạy, đã phát triển tính tri túc, hạnh chối bỏ, và rèn luyện nghị lực giải thoát. Ông cũng là bậc gương mẫu thứ nhất trong hàng Tăng chúng, khiến cho hầu hết những đệ tử của ông đã noi gương ông tu hạnh đầu đà trọn đời! (Theo Anguttara Nikàya: Tăng Chi A Hàm).

Vào ngày thứ bảy sau khi gia nhập đạo Phật, Sa-môn Ðại Ca Diếp đắc quả A-la-hán, một phẩm Thánh cao nhất, đã giải thoát ông khỏi mọi phiền não thô thiển lẫn vi tế.

Rồi một thời gian khá lâu sau nầy, nhân trong một cuộc nói chuyện với A Nan Ðà, Trưởng lão Ðại Ca Diếp đã thuật lại giai đoạn “vỡ lòng” tu Phật của ông như sau:

“Bảy ngày đầu, bần đạo thọ dụng sự cúng dường của chư tín thí mà thân tâm chưa được giải thoát. Nhưng qua ngày thứ tám, Thánh quả A-la-hán đã hiện hữu trong tâm!” (Theo Samyutta Nikàya 16:11 – Tạp A Hàm 16: 11).

  1. DUYÊN PHẦN CỦA ÐẠI CA DIẾP TRONG HÀNG CÁC GIÁO ÐỒ CỦA PHẬT THÍCH CA

Những điển tích xưa nhất đã chứng tỏ có một mối liên quan cộng nghiệp và luân hồi sâu xa giữa tiền thân Ðại Ca Diếp và đức Bồ Tát tiền thân Phật Thích Ca. Mối liên quan nầy dĩ nhiên đã nằm sâu trong những kiếp quá khứ. Và theo các Túc Sinh Truyện kể rõ, thì có ít nhất mười chín kiếp, Ca Diếp và tiền thân Phật đã tái sanh trong cùng một gia đình. Theo đó, có đến sáu lần, tiền thân Ðại Ca Diếp đã sinh làm cha của đức Bồ Tát tiền thân Phật. (Ghi trong các Túc Sinh Truyện số 155, 432, 509, 513, 524, 540). Và có hai lần họ sinh làm anh em. (Ghi trong Túc Sinh Truyện số 488, 522). Còn hầu hết họ sinh làm bạn hữu, hay làm thầy trò.

Do đó, chúng ta sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên khi chứng kiến Ðại Ca Diếp vào kiếp chót, vừa trông thấy đức Phật, đã tỏ ra cảm mến, phục tòng và lập tức “nhận Phật” là bậc Tôn Sư! (Giống như một niềm “trông đợi” từ nhiều kiếp của hai bậc phạm hạnh đã đến lúc hội tụ chín muồi!)

Nếu xem kiếp chót là lần “đoàn tụ” sau cùng, quý báu nhất của Ðại Ca Diếp với đức Phật, thì chúng ta có thể nhắc lại những đoạn huấn dụ sau đây, để định được vị trí của Ðại Ca Diếp trong khi đức Thế Tôn còn tại tiền:

“Nầy Ðại Ca Diếp! Ông hãy thuyết pháp đi! Thuyết pháp đến chư Tỳ-khưu tăng, khuyến khích họ tinh tấn trong chánh đạo! Nầy Ðại Ca Diếp, ông và Như Lai, một trong hai người phải hướng dẫn Tăng chúng!” (Theo Tạp A Hàm 16: 6 – Samyutta Nikàya 16: 6).

Những lời nói đặc biệt trên đây, đức Thế Tôn đã chỉ nói với Ðại Ca Diếp, chứ không thốt với ai khác!.

Theo chú giải thì đức Phật sở dĩ đã không “đề nghị” những nhiệm vụ (hướng dẫn Tăng chúng) tương tự, đến Xá Lợi Phất (Sàrìputta) và Mục Kiền Liên (Moggallàna), không phải vì đức Thế Tôn không tín nhiệm hai vị cao đồ này, mà vốn là vì đức Phật biết trước hai Thánh Tăng ấy và Phật sẽ nhập diệt trước Ðại Ca Diếp! Còn A Nan Ðà thì khi ấy chưa đắc quả A-la-hán!

Mặc dù đức Phật đã nhiều lần xác nhận và khen ngợi khả năng nói pháp của Ðại Ca Diếp, nhưng có ba trường hợp, vị tông đồ thứ nhất nầy vẫn ngần ngại không chịu khuyên nhủ chư Tỳ-khưu tăng. Ông làm như vậy chẳng phải vì ông không sẵn lòng, hay chẳng phải vì ông chểnh mảng trong việc giáo dục các thế hệ trẻ, mà là vì ông biết chắc có một số Tỳ-khưu bất tuân chánh pháp!

Trường hợp thứ nhất, Trưởng lão Ðại Ca Diếp đã nhận thấy: “Khuyên nhủ những Tỳ-khưu thường cãi lại không thực tâm phục thiện, chẳng phải là một chuyện dễ! Chưa kể những Tỳ-khưu nầy vốn từ chối, chẳng chịu nghe các hàng huynh trưởng dạy dỗ, và tỏ ý khinh thường đồng đạo!”. Trưởng lão Ðại Ca Diếp còn nghe các Tỳ-khưu thiếu đức hạnh ấy khoe khoang rằng: “Chính họ mới có tài luận đạo và thuyết pháp”. Họ còn thách đố “Chúng ta hãy thử thuyết pháp thi đua, xem ai giỏi hơn ai, ai có thể thuyết pháp dài, duyên dáng và lời giảng nhiều văn chương hơn ai?”

Khi đức Phật được Ðại Ca Diếp thuật lại chuyện này, Ngài liền cho triệu tập những Tỳ-khưu cứng đầu và ngã mạn để răn bảo, đem họ trở về với hạnh tu khiêm nhường, dẹp bỏ tật xấu “xem một vài khả năng phàm tình như những chân lý giải thoát” (Theo Samyutta Nikàya 16.6 – Tạp A Hàm 16. 6). Kết quả Ðại Ca Diếp đã nhờ tính nhẫn nại mà dùng từ bi pháp của đức Phật phục thiện được một số Tỳ-khưu lầm lạc, thay vì Trưởng lão đối địch tranh luận hay chỉ trích như họ.

Trường hợp thứ hai, Ðại Ca Diếp đã gặp phải một nhóm Tỳ-khưu ương ngạnh, khinh thường mọi hậu quả tương quan, không tin vào điều tốt, nghiệp xấu, không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, không sẵn sàng tìm hiểu thế nào là điều ngay lẽ thật! Trước một hiện tượng đáng tiếc như thế, Ðại Ca Diếp đã đưa ra một nhận xét tổng quát, không nhắm vào một cá nhân nào hết. Ông nói:

“Tình trạng suy đồi hạnh kiểm của những Tỳ-khưu vô ý thức đó, có thể ví như vầng trăng đang khuyết dần. Một tinh cầu mỗi ngày một đi vào trong quỹ đạo bị che mất ánh sáng, không còn sự lộng lẫy, không còn niềm tin, không còn hy vọng viên dung, không còn động lực đưa đến thánh nghiệp, và không còn ý chí giải thoát!” (Theo Samyutta Nikàya 16. 7 – Tạp A Hàm số 16. 7).

Còn trường hợp thứ ba thuật lại khi ấy đức Phật, đứng trước sự do dự phải hướng dẫn các Tỳ-khưu “bất cần tiến bộ” của Ðại Ca Diếp, Ngài đã đích thân khuyến cáo chư Tỳ-khưu tăng lầm lạc khuyên họ phải trở về với chính hạnh, và Phật không tiếp tục “nài ép” Ðại Ca Diếp làm việc ấy nữa!

Phật dạy:

“Nầy Ðại Ca Diếp! Thật là đáng khen, khi có những Sa-môn chỉ thích ẩn cư trong rừng vắng, chỉ sống bằng khất thực, chỉ dùng y cũ, chỉ có tam y, chỉ thích cô độc…! Những Sa-môn nầy luôn luôn tri túc và ít ham muốn, luôn luôn chuyên cần trong phạm hạnh và đề cao đời sống đơn giản, luôn luôn ôn hòa và vui vẻ…! Khi những Sa-môn như thế đi đến đâu thì họ được các hàng cư sĩ hay xuất gia đón tiếp một cách mừng rỡ và kính trọng, xem họ như những Thiên chúng, rồi phần đông tự động rủ nhau bắt chước họ, hành trì chánh pháp, để được lợi ích cho mình, và làm gương cho những người khác! Ðây là chân hạnh phúc!”

– Nầy Ðại Ca Diếp! Nhưng cũng có những kẻ được thiên hạ đón tiếp một cách long trọng, hay được nhiều người biết danh, chỉ vì họ không thích đời sống đạm bạc, không thích đời sống trau dồi nghị lực. Họ được nổi tiếng vì tật “muốn gì được nấy”, vì họ có nhiều tiền bạc, và vì lòng tham thúc đẩy họ cái gì cũng dám làm! Rồi những hạng thấp thỏi, lặn hụp trong dục lạc, xã hội lấy họ làm gương, cố gắng chạy theo sự thỏa mãn phàm tục, cho đến khi gục ngã trong đau khổ và thất vọng!

– Nầy Ðại Ca Diếp! Nếu chân hạnh phúc nói trên được lợi lạc và trường tồn như thế nào, thì đau khổ và tuyệt vọng do lòng tham gây ra cũng nguy hiểm và dai dẳng như thế ấy! (N. Ð. giải dịch theo hai đoạn Phật ngôn trong Samyutta Nikàya số 16: 8 – Tạp A Hàm 16: 8).

Một lần nọ Ðại Ca Diếp hỏi Phật:

“Bạch Ðức Thế Tôn! Vì lẽ gì trước đây Phật chỉ chế ít điều răn thì có nhiều người tự tu chứng quả A-la-hán, còn bây giờ Phật dạy đầy đủ giới luật, mà lại ít người đắc được quả ấy?”

Ðức Phật trả lời:

“Nầy Ðại Ca Diếp! Hiện tượng suy đồi đạo hạnh giải thoát tuy có xuất hiện trong thời Phật tại tiền (vì ác nghiệp quá dày của tam giới chúng sinh) nhưng chánh pháp đang còn tiếp tục ban hành. Vì vậy nên luật răn mỗi ngày một nhiều so với số Thánh nhân đạt được cứu cánh!

“Nầy Ðại Ca Diếp! Vào thời mạt pháp chánh hạnh sẽ không còn nữa, sẽ bị người đời khinh bỉ, nguyền rủa. Thay vào đó, tà đạo sẽ được đề cao, sẽ được phần đông tranh nhau bắt chước! Như một tai biến đảo lộn tứ đại (Ðất, nước, lửa và gió) trên địa cầu nầy: Cuồng phong, đại hỏa, hồng thủy và động đất sẽ xảy ra cùng một lúc làm cho cõi người tận diệt như thế nào, thì tình trạng tà đạo, ác nghiệp cũng làm cho xã hội, loài người đen tối, khủng hoảng, thống khổ chìm đắm trong phiền não cùng cực như thế ấy!

– Nầy Ðại Ca Diếp! Thời mạt pháp là thời có năm điều hại sẽ thịnh hành là:

  1. Người đời không còn tin tưởng vào Phật là bậc Chánh giác, đã diệt tận phiền não, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi!
  2. Người đời không còn tin tưởng vào Chánh pháp là con đường đưa đến diệt khổ.
  3. Người đời không còn tin tưởng vào các bậc phạm hạnh là các hàng Sa-môn hay cư sĩ tinh tấn thực hành chánh pháp.
  4. Người đời không còn tin tưởng vào giới luật là nền tảng của mọi tiến hóa.
  5. Người đời không còn tin tưởng vào thiền định là phương tiện duy nhất để thanh tịnh nội tâm, tiêu trừ phiền não.

– Nầy Ðại Ca Diếp! Tuy nhiên, ngày nào Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, thiện nam và tín nữ còn tin tưởng trọn vẹn hay tin tưởng một phần nào vào năm giá trị nói trên thì ngày ấy ánh sáng giải thoát vẫn còn, và vô minh không thể nào độc quyền làm khổ thế gian được! (Diễn giảng theo ý đoạn Phật ngôn trong Samyutta Nikàya 16:13 – Tạp A Hàm 16:13).

Một điều đáng nhắc lại ở đây là: Dựa theo ý đoạn Phật ngôn nói trên thì Tăng già không phải là thành phần duy nhất có thể bảo tồn chánh pháp. Khi các hàng xuất gia, tu sĩ trở thành dễ duôi, khinh thường giới luật, không thực hành hạnh tu giải thoát, mà các hàng Phật tử tại gia còn tin tưởng vào năm giá trị nói trên thì thời mạt pháp hoàn toàn vẫn chưa xuất hiện!

Liên quan đến những đoạn kinh nằm trong tập Kassapa Samyutta (Ca Diếp Tuyển Pháp), ghi lại những lời khen ngợi của đức Phật về đời sống khổ hạnh, thường xuyên thọ pháp đầu đà của Ðại Ca Diếp, thì một lần nọ, nhân nhìn thấy Sa-môn Ðại Ca Diếp mặc y quá rách, vá không biết bao nhiều lần, dày cộm, khi cọ xát có thể gây thương tích ngoài da. Ðức Phật đã khuyên vị đại đệ tử thứ nhất nầy như sau:

“Nầy Ðại Ca Diếp! Nay tuổi ông đã cao, cần giữ gìn sức khỏe để tiếp tục con đường tu tập, Như Lai khuyên ông nên nhận y lành của tín thí dâng cúng, và thọ thực nơi nhà của các hàng Phật tử, khi họ thành tâm thỉnh mời! Như Lai cũng khuyên ông không nên ở sâu trong rừng, một cách cô lập, phòng khi đau ốm, thiện nam tín nữ có thể hay biết mà hộ trì…!

Nhưng Ðại Ca Diếp đã chân thành trả lời:

“Bạch đức Bổn Sư! Ðã từ lâu, bần đạo vốn quen với nếp sống ẩn tu trong rừng vắng, vốn thuần thục với bước chân khất thực độ đời, và vốn bình thản dưới lớp y phục tuy rách nát nhưng còn che được tấm thân. Trong đời sống thanh tịnh ấy, bần đạo đã tìm ra sự an lạc cao thượng và bần đạo cũng khuyên những ai hữu duyên với mình nên thực hành như thế! Trong nội tâm của bần đạo, hạnh phúc chính là sự giảm thiểu ham muốn, tự mãn với những vật chất gì mình đang có, giác tỉnh và chuyên cần trong chánh niệm!”

“Nầy Ðại Ca Diếp! Ông hãy thuyết minh đi! Thuyết minh thật rõ ràng vì sao ông thực hành như thế?”

– “Bạch đức Thế Tôn! Có hai lý do cao thượng khiến cho đệ tử dũng mãnh giữ phạm hạnh đầu đà nghiêm túc:

– Một là để đạt được chân hạnh phúc và giải thoát cho chính mình ngay kiếp này.

– Hai là bởi lòng từ bi, muốn tự thân làm gương lành cho các thế hệ mai sau trong ba cõi!”

Ðức Phật liền tán thán:

“Thật là những lời lẽ quý báu! Nầy Ðại Ca Diếp! Các điều ông vừa thốt là những Thánh ngôn, diễn đạt trọn vẹn một phạm hạnh đem lại an vui và hạnh phúc cho chính mình và cho mọi loài chúng sanh trong tam giới! Phạm hạnh ấy không nên gián đoạn! Gương sáng ấy không nên để bị che mờ!” (Diễn dịch theo Tạp A Hàm 16: 5 – Samyutta Nikàya 16:5).

Rồi đức Phật tuyên bố trước các hàng Tăng chúng rằng:

“Nầy chư Tỳ-khưu! Sa-môn Ðại Ca Diếp là một người hằng tri túc với y phục nào mình đang có, tri túc với thực phẩm nào mình hành khất được, tri túc với chỗ ngụ nào mình đang ẩn tu, và tri túc với thuốc men nào mình có thể tìm ra! Trước bốn món cần dùng tối thiểu đó, ông không bao giờ biểu lộ một đòi hỏi gì không xứng đáng với phẩm hạnh của một Sa-môn! Rồi khi ông không có được bốn thứ nhu cầu khiêm nhượng như thế, tâm tư ông cũng chẳng vọng động. Hay lúc ông có đủ cả bốn thứ, tinh thần ông vẫn bình thản, không mắc dính, không say đắm, không vì vậy mà mất thanh tịnh, không quên mình xem thường những cám dỗ vật chất trần tục! Do tấm gương sáng đó, Như Lai long trọng tán dương; không có một đệ tử thứ hai nào trong Phật giáo nhiều thiện hạnh hơn ông! Nầy chư Tỳ-khưu! Như Lai rất khen ngợi và khuyến khích những ai hằng cố gắng bắt chước công phu tu tập của Sa-môn Ðại Ca Diếp!” (Diễn dịch theo Phật ngôn trong Tạp A Hàm 16:1 – Samyutta Nikàya 16: 1).

Ngoài những đức tánh đáng ca ngợi làm gương cho các hàng xuất gia nêu trên, Ðại Ca Diếp còn có nhiều phẩm hạnh cao thượng khác đối với các giới thiện tín. Ông đối xử một cách bình đẳng với tất cả mọi người, giàu cũng như nghèo, nhiều thiện tâm cũng như ít thiện tâm, nhã nhặn cũng như cộc cằn. Khi vào xóm khất thực, hoặc được mời đi thọ bát, ông không bao giờ lưu ý tín thí là hạng người nào trong xã hội, giàu sang hay hèn hạ, dâng cúng đồ ngon hay dâng cúng đồ dở, dâng cúng một cách kính trọng hay tỏ vẻ lạnh lùng v. v…! Ðối với ông, tất cả đều là những người có duyên lành và ông phải hóa độ! Ðức Phật đã ví ông như vầng trăng rằm, êm dịu chiếu xuống muôn loài vạn vật, không phân biệt đẹp xấu, mạnh yếu, cao lớn, thấp bé, dơ sạch, hay xa gần…

Phật nói:

– Lúc Sa-môn Ðại Ca Diếp đi khất thực, từ nhà nầy sang nhà khác, tâm ông không mắc dính, không phân biệt, không tự xiềng xích với những thí vật bất ngờ sắp đến cho ông. Ông chỉ nghĩ rằng: “Hãy để cho những ai, có thiện tâm cầu phúc, được làm phúc! Hãy để cho những ai xứng đáng cúng dường nhận sự cúng dường! Sa-môn Ðại Ca Diếp luôn luôn hài lòng và hoan hỷ, khi các đồng đạo được tín thí hộ trì đầy đủ! Ông vui mừng như chính ông được dâng cúng đầy đủ! Một Sa-môn như thế quả thật xứng đáng cho các hàng thiện nam tín nữ thí thực hằng ngày!

– Khi Ðại Ca Diếp thuyết pháp ông không dụng tâm dùng những lời lẽ “thuận tai” người nghe, để làm hài lòng họ, mong họ nhìn nhận mình là Sa-môn nhiều đức hạnh, hay để khiến họ thán phục mình là một bậc tài giỏi. Ông chỉ cố gắng làm cho thiện nam tín nữ hiểu rõ lời Phật dạy. Mục đích duy nhất của ông là soi sáng chân lý trong tâm tư của các hàng Phật tử, hầu sau khi nghe, họ sẽ tinh tấn thực hành, mà không bỏ qua. Nghĩa là Ðại Ca Diếp luôn luôn thuyết pháp trong nguyện vọng giúp ích người đời, và bằng một lòng từ bi vô lượng, (Theo Samyutta Nikàya 16: 3, 4 – Tạp A Hàm 16: 3, 4).

Tuy nhiên thành công độc đáo nhất của Ðại Ca Diếp (Ðã được chính đức Phật nhiều lần khen ngợi và xác nhận “tương đương với Ngài”) vẫn là khả năng điều khiển thiền lực của ông một cách tức khắc và như ý muốn! Trong tạng Kinh cũng ghi: Ðại Ca Diếp có thể, bất cứ lúc nào, nhiếp tâm giác tịnh, vượt qua bốn chân tố vi tế nhất, tạo ra “vật chất” là tứ đại (gồm đất, nước, lửa, gió) một cách dễ dàng! Vì vậy, đối với ông, sự hội nhập tâm linh vào các bậc thiền Vô sắc, chấm dứt những vọng động tại các căn, không cho lục trần ảnh hưởng vào Lục thức, để đạt đến Lục thông (Chalabhìĩĩà) là một pháp mà ông vô cùng viên thục! Thiền pháp nầy, về phương diện đời sống, có thể giúp cho hành giả đạt đủ sáu loại thần thông siêu đẳng. Còn về phương diện giải thoát tâm linh, nó là Thánh pháp duy nhất đưa họ đến tận “ngưỡng cửa” Hữu dư Niết bàn (Nirvàna) ngay trong cuộc đời làm Sa-môn hiện tại. (Theo Samyutta Nikàya 16:9 – Tạp A Hàm 16: 9). Ðây quả là một công phu tột đỉnh của Ðại Ca Diếp, xứng đáng được xem ngang hàng với thiền lực của một vị Phật Tổ! Và vì công phu nầy vốn có đặc tính tương đương với công phu của một vị Phật nên nội tâm của Mahà Kassapa (Ðại Ca Diếp) lúc nào cũng thanh tịnh, mọi tham muốn thông thường, cho dù là những tham muốn thuộc phạm vi dinh dưỡng hay duy sinh, cũng không thể nào tái phát, để lung lạc tâm trí của Ðại Ca Diếp. Kết quả, ông đã tùy tiện khép mình vào tất cả khuôn pháp khổ hạnh một cách dễ dàng mà không gây một phản ứng vật lý vào cho chính bản thân ông, hay tạo ra một phán xét nào trong cộng đồng những đệ tử của ông, trước mười ba pháp tu đầu đà quá khắc khe do ông quyết tâm thực hiện!

Theo một số câu thơ (Gàthàs) của chính Ðại Ca Diếp, được lưu lại trong những Tôn Túc Kệ Ngôn (Theragàthà), thì ông đã nhiều lần ca ngợi sự tịnh lạc trong các bậc thiền (Jhànas). Ðại Ca Diếp chính là người đã đi từ sự “dồi dào” nầy, đến sự “dồi dào” khác: Khi ở đời thì ông đã sống trong cảnh dồi dào tiền của và danh vọng. Lúc làm Sa-môn thì ông lại dồi dào an lạc trong các bậc thiền. Còn xa hơn nữa, xuyên qua những kiếp quá khứ trên nhiều cõi trời, nhất là cõi Phạm Thiên, ông dù đã tái sinh trong tiên cảnh, vẫn không say đắm với những lạc thú hiếm có ấy. Ngược lại, ông đã là một vị trời “tịnh hạnh” hơn những vị trời khác! Ðiều nầy không nên làm cho chúng ta quan niệm rằng Ðại Ca Diếp vốn có một căn tính nghiêm khắc đối với tất cả mọi loài. Trong một biến cố vào kiếp chót, khi Ðại Ca Diếp đã khiển trách một cách gay gắt những Tỳ-khưu dễ duôi, không có nghĩa là ông muốn tỏ ra mình là một nhà mô phạm, mà ông chỉ khiển trách với tinh thần muốn giúp ích cho những người, nếu thả trôi, sẽ không bao giờ đạt được Thánh quả! Chính A Nan Ðà, một đại cao đồ của đức Phật, về sau tự mình chứng đạo giải thoát, một phần cũng nhờ noi gương và nghe lời khuyên nhủ của Ðại Ca Diếp vậy!.

-ooOoo-

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 83

Post Views: 476