ĐẠI TRƯỞNG LÃO DABBA – đệ nhất về việc sắp xếp chỗ ngồi, chỗ nằm cho chư tỳ kheo

ĐẠI TRƯỞNG LÃO DABBA – đệ nhất về việc sắp xếp chỗ ngồi, chỗ nằm cho chư tỳ kheo

ĐẠI TRƯỞNG LÃO DABBA

Nguyện vọng quá khứ

Trưởng lão Dabba tương lai sanh làm một người quí tộc trong kinh thành Haṃsāvatī vào thời Đức Phật Padumuttara. Đến tuổi trưởng thành, vị ấy đi đến tịnh xá và nghe Đức Phật thuyết pháp, vị ấy chứng kiến một tỳ khưu được Đức Phật tôn vinh là tối thắng trong những vị tỳ khưu sửa soạn chỗ ngụ dành cho chư Tăng. Vị ấy muốn bắt chước vị tỳ khưu ấy, sau khi tổ chức đại thí cúng dường Đức Phật, vị ấy phát nguyện được danh hiệu tối thắng tương tự trong thời kỳ giáo pháp của một vị Phật tương lai. Đức Phật thấy rằng nguyện vọng

của vị thí chủ sẽ được thành tựu, Ngài nói lời tiên tri trước khi trở về tịnh xá.

Tu thiền trên đỉnh núi

Trưởng lão Dabba tương lai, sau khi tiếp nhận lời tiên tri từ Đức Phật, đã sống trọn đời thực hiện thiện nghiệp. Thân hoại mạng chung, vị ấy tái sanh vào cõi chư thiên và rồi luân chuyển trong hai cõi, chư thiên và nhân loại. Trong những năm cuối của giáo pháp Đức Phật Kassapa, vị ấy sanh vào một gia đình quý tộc và xuất gia làm vị tỳ khưu. Vị ấy tìm thấy sáu vị tỳ khưu khác cùng có quan điểm rằng sống giữa mọi người không phải là cách đúng đắn để đạt được sự giác ngộ, và vị tỳ khưu chân chánh phải sống ẩn cư. Vì vậy họ leo lên một ngọn núi có dốc đứng bằng một cái thang. Khi lên đến đỉnh núi, họ bàn với nhau rằng: “ Ai tự tin thì xô đi cái thang. Ai còn bám víu đời sống của mình thì hãy đi xuống bằng cái thang trước khi nó bị xô đi.” Tất cả bảy vị tỳ khưu đều chọn ở lại trên đỉnh núi cho đến khi đạt được sự giác ngộ và họ xô ngã cái thang. “ Thưa các hiền giả, hãy tinh tấn trong pháp hành tỳ khưu của mình,” họ sách tấn lẫn nhau trước khi chọn một chỗ riêng trên núi để phấn đấu vì Đạo Tuệ, không quan tâm đến cái chết.

Trong bảy vị, vị tỳ khưu lớn nhất chứng đắc đạo quả A-la-hán vào ngày thứ năm. Vị ấy biết mình đã làm xong điều cần làm về pháp hành của bậc Thánh và đi đến Uttarakura (Bắc cu Lô châu) bằng thần thông của vị ấy để khất thực. Sau khi khất thực xong, vị ấy trở về chia số vật thực cho các tỳ khưu bạn kèm theo những lời sách tấn rằng: “ Này các hiền giả, hãy để tôi lãnh trách nhiệm đi khất thực. Các hiền giả chỉ cần nhiệt tâm hành thiền.” Khi ấy sáu vị kia đáp lại rằng: “ Này hiền giả, có phải chúng ta đã thỏa thuận với nhau là vị nào giác ngộ pháp Siêu thế trước thì lãnh trách nhiệm nuôi ăn những người chưa đạt đến mục tiêu?” Vị A-la-hán nói rằng: “ Không, thưa các hiền giả, không có sự thỏa thuận như vậy.” Khi ấy các vị khác nói rằng: “ Thưa đại đức, đại đức đã chứng đắc A-la-hán quả do phước quá khứ

của ngài. Chúng tôi cũng sẽ chấm dứt vòng đau khổ nếu chúng tôi có thể. Cầu chúc đại đức đi bất cứ nơi nào ngài muốn.”

Vị tỳ khưu trưởng lão không thể thuyết phục sáu vị tỳ khưu thọ lãnh vật thực, bèn đem vật thực đến một nơi thích hợp và bỏ lại. Vào ngày thứ bảy, vị tỳ khưu cao hạ thứ hai chứng đắc A-na-hàm quả (anāgāmi-phala). Vị ấy đi đến Uttarakura bằng năng lực thần thông và chia vật thực đến những vị tỳ khưu còn lại. Do bị từ chối bởi những vị tỳ khưu bạn, vị ấy bèn độ thực ở một nơi thích hợp và bỏ đi. Sau khi thân họai mạng chung, vị ấy tái sanh vào cõi Phạm thiên Ngũ tịnh cư.

Đời sống Sa-môn trong kiếp chót

Năm vị tỳ khưu còn lại không đắc được Đạo Tuệ trong kiếp sống ấy. Sau khi thân hoại mạng chung từ kiếp sống ấy họ tái sanh vào cõi chư thiên và nhân loại trải qua A-tăng-kỳ kiếp của thời kỳ trung gian giữa hai vị Phật Kassapa và Gotama. Trong thời của Đức Phật Gotama, họ tái sanh trong nhiều nước khác nhau: (1) một người sanh vào xứ Gandhāra, trong thành phố Takkasīlā, làm một thành viên của hoàng gia (và về sau trở thành vua Pukkusāti); (2) người khác sanh vào xứ Pabbateyya (còn được gọi là xứ Majjhantika, làm con trai của một nữ du sĩ (và về sau trở thành du sĩ Sabhiya); (3) người thứ ba sanh trong nước Bahiya trong một gia đình (và về sau trở thành trưởng lão Bāhiya); (4) người thứ tư sanh trong một gia đình nọ ở thành Rājagaha (về sau là đồng tử Kumāra Kassapa); và (5) người cuối cùng (về sau là trưởng lão Dabba) sanh ra trong nước Malla, thành phố Anupiya, trong vương gia của một hoàng tử Malla.

Người mẹ của trưởng lão Dabba tương lai, đã chết khi bà sắp sanh con. Khi xác của bà đang trên giàn hỏa thì cái bào thai vỡ ra do hơi nóng, nhưng do nghiệp quá khứ nên thân của vị ấy bắn tung vào không trung và rơi xuống an toàn trên đống cỏ dabba, và được (bà ngoại) đặt tên là Dabba.

(Chú ý: từ ngữ ‘dabba’ có hai nghĩa; ‘ một loại cỏ’ và ‘ một đống củi’. Trong bộ Apadāna (cuốn II) trong bài giải thích câu kệ số

143 nó được nêu ra là : “ patito dabbapuñjamhi taro dabboti vissuto”. Trong Chú giải của bộ Anguttara, Sāratthadīpanī Ṭīkā, và Chú giải của bộ Theragāthā, vị ấy được nói đến là đã rơi xuống trên đống củi. Tác giả hiện tại nêu ra ý nghĩa ở đây là ‘cỏ’).

Khi cậu bé Dabba được bảy tuổi, Đức Phật cùng với nhiều vị tỳ khưu đến tại Anupiya trong chuyến đi đến nước Malla, nơi đây Ngài ngụ trong vườn xoài Anupiya. Cậu bé bị mê hoặc khi nhìn thấy Đức Phật và xin phép bà ngoại để xuất gia. Bà ngoại đồng ý, dẫn cậu bé đến Đức Phật và xin phép cho cậu bé được xuất gia trong Tăng chúng.

Đức Phật giao phận sự cho một vị tỳ khưu ở gần Ngài để thâu nhận cậu bé vào Tăng chúng, nói rằng, “ Hãy truyền phép xuất gia Sa-di cho đứa bé.” Khi ấy vị tỳ khưu trưởng lão bèn dạy cách quán các thể trượt trên thân, tượng trưng là năm phần của nó ( tức là tóc, lông, móng, răng, da). ( Khi cạo đầu trong bước thứ nhất để làm cho cậu bé trở thành vị sa-di, thì pháp quán này là pháp thích hợp nhất mà vị thầy tế độ bảo vị Sa-di đọc to và quán tưởng). Cậu bé Dabba quán về chúng trong khi đang được cạo đầu.

Cậu bé Dabba có đầy đủ duyên lành để giác ngộ; hơn nữa, cậu ta đã nguyện trở thành vị tỳ khưu tối thắng cách một trăm ngàn đại kiếp trước Đức Phật Padumuttara rồi. Thế nên, khi lần cạo đầu thứ nhất vừa xong thì cậu chứng đắc quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala); lượt cạo thứ hai cậu chứng đắc quả thánh Tư-đà-hàm (anāgāmi-phala); lượt cạo tóc lần thứ ba vừa xong thì cậu chứng đắc quả thánh A-na-hàm (sakadāgami-phala), và khi cái đầu được cạo xong thì cậu chứng đắc đạo quả A-la-hán. Nói tóm lại, sự hoàn thành việc cạo tóc và sự chứng đắc đạo quả A-la-hán xảy ra cùng một lúc.

Sau khi trải qua một thời gian cần thiết để đem lại sự giác ngộ cho những chúng sanh xứng đáng được giải thoát khỏi luân hồi, Đức Phật trở về kinh thành Rājagaha và trú ngụ ở tịnh xá Veḷuvana. Sa-di Dabba, giờ đây là một vị A-la-hán, cũng đi theo Đức Phật đến đó. Khi đến kinh thành Rājagaha, đại đức Dabba đi vào nơi vắng vẻ, tự nghĩ: “ Ta chẳng còn gì để làm đối với đạo quả A-la-hán. Thật tốt thay, nếu ta phục vụ chúng Tăng bằng cách sắp xếp chỗ ngụ cho các ngài và

hướng dẫn các ngài đến các thí chủ để khất thực.” Đại đức nói lên ý tưởng ấy với Đức Phật. Đức Phật đã khen ngợi vị ấy về điều đó và chỉ định cho vị ấy làm hai phận sự: (1) sửa soạn chỗ ngụ dành cho chúng Tăng và chúng Tăng sẽ công nhận vị ấy là người như vậy (Senāsana-paññāpaka sammuti), (2) hướng dẫn các thành viên của chúng Tăng đến các thí chủ để khất thực, và chư Tăng sẽ công nhận vị ấy là người như vậy (bhatt’uddesaka-sammuti).

Đức Phật hoan hỉ thấy vị Dabba mới bảy tuổi mà đã đạt đến địa vị xuất chúng như vậy trong giáo pháp của Ngài như có Tứ tuệ Phân tích, Sáu Thắng trí và ba Minh. Do đó, tuy rất nhỏ tuổi nhưng Đức Phật đã nâng vị Sa-di A-la-hán Dabba lên hàng tỳ khưu. (Tình cờ, những vị Sa-di A-la-hán khác như Sa-di Pandita, Sa-di Saṃkicca, Sa-di Sopāka, Sa-di Khadiravaniya (là người em út của trưởng giả Sāriputta) đều được cất nhắc lên địa vị tỳ khưu dù dưới hai mươi tuổi vì họ đã chứng đắc đạo quả A-la-hán. Tuy nhỏ tuổi nhưng các vị này đã đạt đến đỉnh cao của đời sống tỳ khưu, thế nên họ xứng đáng được gọi là Trưởng lão, Thera).

Từ khi trở thành tỳ khưu, đại đức Dabba sắp xếp các chỗ ngụ và chỉ định vật thực (của các thí chủ đến chúng Tăng) đối với tất cả những vị tỳ khưu trú ngụ ở kinh thành Rājagaha. Vị ấy đã làm điều này bằng khả năng, không để xảy ra sai sót trong sự phân phối phiếu lãnh vật thực mà các vị tỳ khưu cao hạ phải làm.

Tiếng tốt về vị tỳ khưu A-la-hán xuất thân từ hoàng gia bộ tộc Malla, là người rất tận tụy với các vị tỳ khưu, rất chu đáo trong việc tìm các chỗ ngụ nơi mà các vị tỳ khưu có cùng chí hướng có thể sống chung với nhau, là người có khả năng kiếm được những chỗ ngụ ở những địa điểm xa xôi dành cho những vị Tăng khách theo chỉ thị của họ, giúp những vị tỳ khưu đau ốm hay không có khả năng bằng năng lực thần thông của vị ấy, tiếng tốt ấy đã lan đi khắp các hướng.

Nhiều vị Tăng khách yêu cầu những chỗ ngụ mà thông thường không thể có được ở những địa điểm xa xôi như tịnh xá vườn xoài của ông Jīvaka, tịnh xá Maddakucchi, v.v… và trước sự kinh ngạc của họ, họ được đưa đến những chỗ đó bằng năng lực thần thông của đại đức

Dabba. Bằng năng lực thần thông của mình, đại đức còn tạo ra nhiều hình tướng của chính mình để làm các phận sự được yêu cầu. Rồi bằng những ngón tay phát ra ánh sáng trong đêm tối như những cây đèn sáng, đại đức, tức hình tướng được tạo ra, có thể dẫn những vị khách Tăng đến chỗ mà họ chọn lựa, chỉ cho họ chỗ ở và chỗ ngủ. (Đây là bài mô tả tóm tắt. Muốn biết chi tiết hãy xem bộ Vinaya Pārājika-kaṇḍa trong những phần về Duṭṭhadosa Sikkhāpada).

Sự hoạch đắc danh hiệu Etadagga

Để đáp lại những sự phục vụ cao quý của đại đức Dabba đến chư Tăng bằng khả năng đầy kinh nghiệm, Đức Phật, trong một dịp đã công bố trước hội chúng tỳ khưu:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ senāsanapaññāpakanaṃ yadidaṃ Dabbo Mallaputto.

Này các tỳ khưu, trong số những tỳ khưu đệ tử của Như Lai mà làm công việc sắp xếp những chỗ ngụ dành cho tỳ khưu Tăng, thì trưởng lão Dabba của hoàng tộc Malla là Đệ nhất.

(Chú ý: từ khi Đức Phật giao nhiệm vụ cho trưởng lão Dabba làm phận sự trông coi về phòng ở tiện nghi cho các tỳ khưu, thì trưởng lão Dabba đã giữ gìn mười tám tịnh xá lớn quanh kinh thành Rājagaha được sạch sẽ, ở bên trong và chung quanh những chỗ ngụ ấy. Vị ấy không bao giờ quên làm sạch sẽ chỗ ngồi, nơi ngủ hay quên đặt nước uống và nước rửa cho chư Tăng).

Dabba là nạn nhân của sự vu khống

Dù trưởng lão Dabba đích thực là vị tỳ khưu giới đức, nhưng lại là nạn nhân của sự vu khống do bởi một nhóm tỳ khưu ác, dẫn đầu là tỳ khưu Mettiya và tỳ khưu Bhumajaka, họ đã tố cáo vị ấy có dan díu với tỳ khưu ni tên Mettiya. (Hãy xem chi tiết bộ Vinaya

Pārājikakaṇḍa, trong chương Samghādisesa, ở phần Duṭṭhadosa Sikkhāpada và Cūlavagga, 4- Samathakkhandhaka, 2-Sati vinaya). Sự kiện không hoan hỉ này là kết quả ác nghiệp trong quá khứ của vị ấy. Cách chín mươi mốt đại kiếp trong quá khứ, trong thời Đức Phật Vipassii, vị ấy đã vu khống một vị A-la-hán dù biết ngài là bậc trong sạch.

Sự viên tịch của Trưởng lão

Vào ngày trưởng lão Dabba sắp nhập Niết bàn, ngài trở về tịnh xá Veḷuvana sau khi đi khất thực, độ thực xong, và sau khi đảnh lễ Đức Phật, rửa chân rồi trưởng lão ngồi trên một tấm chiếu nhỏ ở một chỗ vắng vẻ, và nhập vào thiền diệt trong một thời gian đã nguyện trước.

Sau khi xuất định, trưởng lão xem lại mạng căn và biết rằng trưởng lão chỉ sống thêm khoảng hai giờ nữa. Trưởng lão nghĩ rằng thật không thích hợp nếu trưởng lão viên tịch ở chỗ vắng vẻ mà không nói lời từ biệt với Đức Phật và các tỳ khưu đồng cư. Trưởng lão cảm thấy cần phải nói lời từ biệt với Đức Phật và thị hiện thần thông trước khi chết, vì lợi ích trong tương lai của những người có ý nghĩ sai lạc về trưởng lão (do sự vu khống của tỳ khưu Mettiya và tỳ khưu Bhūmajaka) để họ có thể thấy giá trị đích thực của trưởng lão. Vì thế, trưởng lão đi đến trước Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống ở một nơi thích hợp, rồi bạch rằng: “Kính bạch Đức Sugata, giờ chết của con đã đến.”

Đức Phật xem lại mạng quyền của trưởng giả Dabba và nói rằng: “Này Dabba, con biết giờ chết của con.” Khi ấy trưởng lão Dabba đảnh lễ Đức Phật, đi quanh Ngài ba vòng về phía phải, rồi đứng ở nơi thích hợp và bạch rằng: “ Bạch Thế Tôn, chúng con đã trôi lăn trong thế gian với nhau trong thời gian một trăm ngàn đại kiếp. Sự thực hành các thiện nghiệp được nhắm đến đạo quả A-la-hán – mục tiêu giờ đây đã được thành tựu. Đây là lần cuối mà con được trông thấy Đức Thế Tôn.” Đây là thời điểm rất xúc động. Từ những vị tỳ

khưu còn phàm phu, những vị thánh Nhập lưu (sotāpaññā), hay Nhất lai (sakadāgāmi) đều cảm thấy buồn khổ, trong khi một số thì khóc.

Đức Thế Tôn biết trưởng lão Dabba đang nghĩ gì và nói rằng: “ Này Dabba, đúng như vậy, hãy thị hiện thần thông trước Như Lai và chúng Tăng.” Khi Đức Phật vừa nói xong những lời ấy thì tất cả chúng Tăng đều có mặt. Rồi trưởng lão Dabba thị hiện các pháp thần thông thích hợp là vị Thinh văn đệ tử của Đức Phật như: từ một người thành nhiều người; từ nhiều người hóa thành một người; khi hiện, khi ẩn, v.v… Rồi ngài lại đảnh lễ Đức Phật.

Trưởng giả Dabba bay lên không trung, tạo ra quả địa cầu và ngài ngồi kiết già trên đó và niệm về đề mục lửa (tejo-kasiṇa) làm bước chuẩn bị. Sau khi xuất khỏi thiền đề mục lửa, trưởng giả nguyện thân sẽ bốc lên những ngọn lửa. Rồi trưởng giả nhập định đề mục lửa (tejo-dhātu), là nền tảng của các pháp thần thông. Khi xuất định, dòng tâm thức liên quan đến năng lực thần thông sanh lên trong vị ấy. Ở sát na đổng lực tâm đầu tiên của lộ trình tâm ấy, thân của vị ấy phát lửa và đốt cháy toàn thể sắc thân, có thể so sánh với những ngọn lửa hủy diệt thế giới, đến nỗi chẳng còn dấu vết còn lại nào của sắc thân. Chẳng có chút tro nào được trông thấy. Rồi ngọn lửa hoàn toàn tắt hẳn theo nguyện ước của kiết già. Vào lúc kết thúc lộ tâm thần thông thì tâm trở lại dòng hộ kiếp, lúc này có thể đồng nhất với sự chết. Đó là sự chấm dứt mạng sống của trưởng giả Dabba, giờ đây đã viên tịch, chấm dứt mọi thống khổ (dukkha). ( Muốn biết chi tiết về sự viên tích hãy xem Chú giải về bộ Udāna).

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 20

Post Views: 300