ĐẠI TRƯỞNG LÃO KHADIRAVANIYA REVATA – em trai út của Tôn giả Sāriputta, đệ nhất về hạnh ẩn lâm

ĐẠI TRƯỞNG LÃO KHADIRAVANIYA REVATA – em trai út của Tôn giả Sāriputta, đệ nhất về hạnh ẩn lâm

ĐẠI TRƯỞNG LÃO KHADIRAVANIYA REVATA

Nguyện vọng quá khứ

(Tên gốc của vị trưởng lão này là Revata. Vị ấy là em trai của trưởng lão Sāriputta. Vì sống trong khu rừng cây keo không bằng phẳng và đầy sỏi đá, nên vị ấy có tên gọi là Khadiravaniya Revata, “ Revata người sống trong khu rừng cây keo.” Trong bài mô tả về vị ấy, tên Revata sẽ được dùng vì mục đích giản tiện ).

Trưởng lão là cư dân của kinh đô Haṃsavatī và là một người có giới đức trong thời Đức Phật Padumuttara, cách đây một trăm ngàn đại kiếp. Lúc bấy giờ vị ấy đang điều hành một chiếc phà ở bến Payāga, trên sông Gaṇgā

(sông Hằng). Đức Phật Padumuttara cùng với gồm một trăm ngàn chúng Tăng đến bến phà Payāga (để qua sông).

Khi trông thấy Đức Phật, ý nghĩ sau đây sanh lên trong tâm của chàng trai Revata giới đức: “ Thật ta không thể nào gặp Phật thường

xuyên. Giờ Đức Phật đến đây, quả thật là cơ hội tuyệt diệu để ta làm việc phước.” Vì thế, vị ấy làm một cái phà lớn gồm những chiếc ghe kết lại, ròi treo hoa thơm lên cái lọng trắng. Trên sàn của chiếc phà trải những tấm thảm xinh đẹp được làm bằng sợi vải chất lượng hảo hạng. Rồi vị ấy thỉnh Đức Phật và một trăm ngàn vị tỳ khưu qua bờ bên kia bằng chiếc phà ấy.

Lúc bấy giờ, Đức Phật ban danh hiệu etadagga cho một vị tỳ khưu nọ là araññaka – người trú trong rừng. Thấy vậy, người chèo đò nghĩ, “ Ta cũng nên trở thành người có danh hiệu giống như vị tỳ khưu này trong thời kỳ giáo pháp của một vị Phật ở tương lai. Bởi vậy anh ta thỉnh Đức Phật, tổ chức lễ cúng dường vật thực to lớn đến Ngài và khi nằm sấp dưới chân Đức Phật, bày tỏ ước nguyện: “ Bạch Đức Thế Tôn, giống như vị tỳ khưu mà Ngài đã ban danh hiệu etadagga, con cũng ước nguyện trở thành Đệ nhất trong những vị tỳ khưu sống trong rừng, vào thời giáo pháp của một vị Phật tương lai.” Khi thấy rằng ước nguyện của anh ta sẽ được thành tựu không gặp chướng ngại, Đức Phật nói lời tiên tri: “ Trong tương lai, vào thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Gotama con sẽ trở thành người sống trong rừng Đệ nhất!” rồi Ngài ra đi.

(Những thiện sự khác của trưởng lão được làm trong thời kỳ trung gian không được đề cập trong bộ Mahā-Aṭṭhakathā).

Đời sống Sa-môn trong kiếp chót

Sau khi thực hiện các thiện nghiệp, người chèo đò tái sanh và luân hồi trong cõi chư thiên và nhân loại (mà không đọa vào khổ cảnh nào) và thọ sanh trong bào thai của người mẹ, là nữ bà la môn Rupasari, trong ngôi làng Bà-la-môn, tên là Nālaka, trong nước Magadha. Vị ấy là em út trong gia đình gồm ba người anh là Upatissa, Cunda và Upasena và ba người chị là Cālā, Upacālā và Sīsūpacālā. Vị ấy tên là Revata (Ly bà đa).

Về sau, cha mẹ của Revata bàn luận và thỏa thuận như vầy: “ Các con của chúng ta, hễ lớn lên là bị dẫn đi và cho xuất gia Sa-di bởi

những vị tỳ khưu, đệ tử của Đức Phật. Chúng ta hãy trói chúng lại bằng những sợi dây của đời sống gia chủ trong khi chúng vẫn còn nhỏ (trước khi nó được các vị tỳ khưu dẫn đi xuất gia).

(Ở đây, chúng ta nên hiểu là sau khi trở thành tỳ khưu, trưởng lão Sāriputta đã cho ba người em gái xuất gia là Cālā, Upacālā và Sīsūpacālā – và hai người em trai là Cunda và Upasena. Chỉ còn lại Revata mà thôi. Cho nên cha mẹ mới bàn luận để giữ lại đứa con út.)

Sau khi bàn bạc và thỏa thuận như vậy rồi, hai vợ chồng bèn đem về một nàng dâu từ một gia đình có cùng dòng dõi, tài sản và xuất chúng, cho chúng đảnh lễ bà nội lớn tuổi và họ chúc phúc cho đôi vợ chồng mới cưới với câu nói: “ Này con gái, cầu chúc cho con sống lâu hơn bà nội của con đây!”

(Cha mẹ cho lời phúc chúc như vậy vì họ muốn cho con dâu được trường thọ. Lúc bấy giờ, bà nội đã 120 tuổi, tóc bạc, răng rụng, da nhăn, toàn thân bà da đổ đồi mồi lấm tấm đen và cái lưng thì cong như cái rui nhà hư mục).

Tâm Revata bị khuấy động

Khi nghe lời phúc chúc của cha mẹ, Revata khởi lên ý nghĩ: “ Cô gái này còn trẻ và đang thời thanh xuân. Nhan sắc trẻ trung như vậy của nàng, người ta nói rằng, sẽ trở nên gầy guộc và già nua như bà nội của ta! Trước tiên ta phải hỏi ước muốn của cha mẹ ta.” Rồi cậu ta hỏi: “ Cha mẹ nói như vậy có ý nghĩa gì?” Cha mẹ của cậu ta đáp lại : “ Này con, chúng ta mong cho cô gái này, vợ của con, được trường thọ như bà nội của con. Đó là điều mà chúng ta đã nói như một lời phúc chúc.” “ Ôi, cha mẹ!” Revata lại hỏi vì thực sự không hiểu, “ Có phải tướng mạo trẻ trung của cô gái này sẽ trở nên già nua như tướng mạo của bà nội?” “ Con đang nói gì thế, con trai? Chỉ những người có phước lớn, như bà nội của con mới được sống lâu như thế.” Cha mẹ cố gắng phân giải cho cậu ta hiểu như vậy.

Rồi Revata suy ngẫm: “ Nghe nói rằng tướng mạo xinh đẹp, mềm mại của cô gái sẽ biến họai giống như bà nội của ta. Nàng sẽ có

tóc bạc, không có răng và da thì nhăn nheo. Như vậy mê đắm vào nhan sắc của tấm thân mà bản chất trở nên già nua và gầy guộc thì có lợi ích gì. Dĩ nhiên, không lợi ích gì cả! Ta sẽ đi theo bước chân của các anh trai.” Bởi vậy cậu ta giả bộ chơi các trò chơi như những đứa trẻ khác, cậu ta gọi những người bạn đồng trang lứa đến và nói rằng: “ Nào các bạn, chúng ta hãy chơi trò đuổi bắt.” Cha mẹ bèn cấm cậu ta, nói rằng: “ Không được đi ra ngoài vào ngày kết hôn của con!” Tuy vậy, Revata đã giả bộ chơi với các bạn. Khi đến lượt cậu ta chạy, cậu ta chỉ chạy một lát và giả bộ đi vệ sinh. Khi đến lượt chạy lần thứ hai, cậu ta chạy và trở về nhanh hơn một chút. Tuy nhiên, đến lần thứ ba, cậu ta suy xét rằng đây là cơ hội tốt nhất để chạy đi luôn và đã chạy nhanh hết sức về hướng trước mặt của cậu ta. Khi đến tại nơi ngụ trong rừng của một số vị tỳ khưu đang thọ trì pháp đầu đà mặc y phấn tảo. Cậu ta đảnh lễ các ngài và xin được xuất gia Sa-di.

Khi các vị trưởng lão từ chối yêu cầu của cậu ta, nói rằng: “ Này cậu bé hiền đức, chúng ta không biết cậu là con của ai. Và cậu đến đây với áo quần tươm tất và có đeo vật trang sức vào dịp lễ. Ai dám cho cậu xuất gia Sa-di. Không ai dám cả.” Revata bèn đưa hai tay lên và la: “ Tôi đang bị cướp! Tôi đang bị cướp!”

Những vị tỳ khưu ở quanh đó kéo đến và nói rằng: “ Ơ này cậu bé hiền đức, không có ai cướp y phục hay vật trang sức của cậu. Mà cậu lại la lên rằng cậu đang bị cướp! Cậu ám chỉ điều gì khi nói vậy?” Rồi cậu bé Revata đáp lại:

“ Thưa chư đại đức, con không có ý nói rằng con bị cướp y phục hay đồ trang sức. Thực ra, thật ra con đang bị cướp mất ba loại phước báu của nhân loại, chư thiên và Niết bàn (vì con không được cho xuất gia làm Sa-di). (Câu nói như ba loại phước báu gồm nhân loại, chư thiên và Niết bàn do nghe người khác nói). Con đang ám chỉ sự cướp đoạt ba loại phước báu. Nếu các ngài không truyền phép xuất gia cho con thì thôi vậy. Tuy nhiên, các ngài có biết anh cả của con ở đâu không?” “ Anh cả của con tên gì?” các vị tỳ khưu hỏi. “ Anh cả của con, đời thường tên là Upatissa,” Revata đáp “ bây giờ vị ấy có tên gọi là trưởng lão Sāriputta. Mọi người nói vậy, thưa chư đại đức.”

Khi ấy các vị tỳ khưu bàn bạc với nhau: “ Thưa chư tôn giả, trong trường hợp ấy, cậu con trai giới đức này là đứa em nhỏ của chúng ta! Người anh cả Sāriputta, vị Tướng quân của Chánh pháp, trước kia có nhắn nhủ với chúng ta, nói rằng: ‘ Tất cả quyến thuộc của tôi đều là ngoại đạo. Nếu có ai đến và nói rằng người ấy là quyến thuộc của chúng ta, thì hãy cho người đó xuất gia bằng mọi cách.’ Cậu bé này là em trai của người anh cả Sariputta của chúng ta, là quyến thuộc gần nhất. Do đó chúng ta hãy truyền phép xuất gia cho cậu ấy.” Bởi vậy các ngài cho truyền cho cậu ta pháp thiền gồm năm thể trược, da là một trong bộ năm – tacapañcaka và truyền phép xuất gia Sa-di cho cậu ta. Khi tròn hai mươi tuổi, cậu ta được truyền phép Cụ-túc-giới và tinh tấn hành thiền.

Sau khi nhận được đề mục thiền, trưởng lão Revata đi vào khu rừng cây keo, vùng đất ghồ ghề và đầy sỏi đá, không quá gần cũng không quá xa những vị thầy tế độ, và chuyên tâm vào các phận sự của Sa-môn. Với quyết tâm: “ Ta nguyện không gặp Đức Thế Tôn và vị trưởng lão, anh cả của ta cho đến khi ta chứng đắc đạo quả A-la-hán,” Trưởng lão Revata đã nhiệt tâm hành thiền, và trong lúc đang tinh cần như vậy thì ba tháng đã trôi qua. Đối với một thiện nam thanh nhã (con trai của vị trưởng giả), vật thực mà vị ấy ăn quá thô nên tâm của vị ấy bị rối như lớp da nhăn. (Tâm của vị ấy không thể trở nên nhu nhuyến và tươi sáng lên được, theo bản dịch tiếng Sinhalese). Vị ấy không thể đạt đến mục đích của mình, tức là Đạo quả A-la-hán (arahatta-phala). Nhưng trưởng lão Revata không nản chí, khi ba tháng đã trôi qua, vị ấy làm lễ Tự tứ. Vị ấy không đi đến nơi khác vào lúc kết thúc mùa an cư, ở lại trong khu rừng đó vào tiếp tục hành đạo. Càng nỗ lực tinh tấn bao nhiêu thì tâm của vị ấy càng tập trung hơn. Khi tiến hành pháp thiền quán Vipassanā, trưởng lão chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Cuộc thăm viếng của Đức Phật

Ngay lúc trưởng lão Sāriputta hay tin người em trai là Revata đã xuất gia, ngài bạch với Đức Phật: “ Bạch Thế Tôn, nghe nói đứa

em trai của con là Revata đã xuất gia. Liệu nó có hạnh phúc hay không hạnh phúc trong Giáo pháp của Thế Tôn. Xin Thế Tôn cho phép con đi thăm đứa em trai của con.” Lúc bấy giờ Revata đang tinh tấn thực hành thiền quán Vipassanā, biết điều này nên Đức Phật đã hai lần ngăn cấm trưởng lão Sāriputta. Khi được yêu cầu lần thứ ba, do biết rõ rằng Revata đã trở thành bậc A-la-hán, Đức Phật nói rằng: “ Như Lai cũng sẽ cùng đi với con, này Sāriputta. Hãy thông báo cho các tỳ khưu biết!”

Sau khi đã triệu tập chư Tăng, trưởng lão Sāriputta đã báo cho tất cả biết như vầy: “ Thưa chư hiền giả, Đức Phật sắp sửa du hành. Những ai muốn đi theo đều có thể được!” Bất cứ khi nào Đức Phật đi du hành, ít vị ở lại. “ Chúng ta luôn được dịp chiêm ngưỡng Đức Phật có nước da màu vàng ròng và được nghe những bài pháp ngọt ngào của Ngài!” Với ao ước như vậy, các tỳ khưu đi theo Đức Phật đông hơn. Đức Phật đã rời khỏi tịnh xá và lên đường cùng với đại chúng tỳ khưu với ý định “ Ta sẽ gặp Revata.”

Năng lực thần thông của trưởng lão Sīvali

Khi các ngài bắt đầu đi, trưởng lão Ānanda bèn hỏi khi đến ngã tư đường: “ Bạch Thế Tôn, đây là chỗ giao nhau của hai con đường. Chúng Tăng muốn đi con đường nào ạ?” “ Này con Ānanda, trong hai con đường, con đường nào thẳng?” Đức Phật hỏi. “ Bạch Thế Tôn, con đường thẳng (con đường ngắn) dài ba mươi do tuần. Nó nằm trong lãnh địa của các loài dạ xoa, vật thực khan hiếm và khá nguy hiểm. Con đường vòng, (được đa số người đi), dài sáu mươi do tuần, an toàn có nhiều vật thực,” trưởng lão Ānanda đáp. Rồi Đức Phật hỏi thêm liệu trưởng lão Sīvali có đi chung với chúng Tăng không, trưởng lão Ānanda trả lời có. “ Nếu vậy thì, này Ānanda,” Đức Phật nói, “hãy để chư Tăng đi con đường thẳng và ít vật thực. Chúng ta hãy thử năng lực thần thông của Sīvali được thành lập trên những thiện nghiệp quá khứ của vị ấy.”

Sau khi nói vậy, Đức Phật đi vào con đường nguy hiểm trong khu rừng khan hiếm vật thực. Từ lúc các ngài đi vào con đường ấy, thì chư thiên đã tạo ra trước một thành phố lớn ở mỗi do tuần, làm những chỗ ngụ dành cho chư Tăng có Đức Phật dẫn đầu. Mỗi chỗ ngụ của các tỳ khưu, chư thiên hóa thành những người làm công do vua sai đến, mang theo món cơm dẻo, vật thực loại cứng và mềm, v.v… và dò hỏi: “ Đại đức Sīvali ở đâu? Đại đức Sīvali ở đâu?” Trưởng lão Sīvali bèn cho gom lại tất cả đồ ăn cúng dường ấy và đi đến Đức Phật. Rồi cùng với các vị tỳ khưu, Đức Phật độ những món vật thực được chư thiên cúng dường đến trưởng lão Sīvali.

Thọ dụng vật thực cúng dường theo cách này, Đức Phật mỗi ngày đi một do tuần và trải qua chuyến đi đầy khó khăn dài ba mươi do tuần trong một tháng, và đến chỗ ngụ khả ái trong khu rừng cây keo, được chuẩn bị trước bởi trưởng lão Revata. Vì trưởng lão Revata đã biết trước chuyến viếng thăm của Đức Phật, nên vị ấy đã dùng thần thông tạo ra những chỗ ngụ những chỗ ngụ thích hợp trong khu rừng cây Keo. Trưởng lão đã làm một Hương phòng dành cho Đức Phật, những chỗ nghỉ ngơi ban ngày và ban đêm, v.v… Rồi trưởng lão đón tiếp Đức Phật, Ngài đi vào chỗ ngụ qua lối đi trang hoàng lộng lẫy. Sau đó Ngài đi vào Hương phòng. Chỉ khi ấy các vị tỳ khưu mới đi vào chỗ ngụ theo hạ lạp. Khi biết rằng, đây không phải là lúc độ thực, chư thiên bèn dâng tám loại nước ép trái cây đến chư Tăng. Nửa tháng đã trôi qua từ khi Đức Phật đến đây.

Sự hiểu lầm của các vị tỳ khưu vọng tưởng

Lúc bấy giờ, một số tỳ khưu vọng tưởng ngồi xuống ở một nơi, bàn chuyện phiếm với nhau như vầy: “ Đức Thế Tôn, bậc Đạo sư của chư thiên và nhân loại, đến thăm viếng người mà Ngài nhắc đến là ‘ em trai của vị Thượng thủ Thinh văn của chúng ta’ nhưng người ấy lại làm những công việc lặt vặt. Tịnh xá Jetavana, tịnh xá Veḷuvana và những tịnh xá khác gần chỗ ngụ của Revata dùng để làm gì? Vị tỳ khưu Revata này chỉ là người thích làm việc vặt luôn bận rộn với

những việc không quan trọng. Con người bận rộn như vậy có thể thực hành theo loại pháp hành Sa-môn nào? Dĩ nhiên là chẳng có loại pháp hành nào.”

Rồi Đức Phật suy xét: “ Nếu ta ở lại đây lâu, thì tứ chúng sẽ đến viếng đông đúc. Những người trú trong rừng cần chỗ thanh vắng, nếu ta ở lại lâu, thì sự khó chịu sẽ xảy đến cho Revata.” Bởi vậy Ngài đi đến chỗ nghỉ ban ngày của Revata. Đại đức Revata trông thấy Đức Phật đi đến, khi ấy vị ấy đang ngồi một mình trên một tảng đá và dựa vào tấm ván ở cuối con đường kinh hành. Vị ấy đón tiếp Đức Phật và kính cẩn đảnh lễ Ngài.

Đức Phật hỏi: “ Này con Revata, đây là chỗ có nhiều loại thú hoang sinh sống như sư tử, cọp, beo. Con làm gì khi nghe những tiếng kêu của những con voi, ngựa hoang, v.v…?” “ Bạch Thế Tôn,” Trưởng lão Revata đáp, “ đối với con thì âm thanh của những loại voi hoang, ngựa hoang, v.v.. đem lại sự vui tươi cho khu rừng (arañña-rati).” Đức Phật bèn giảng một bài pháp về những lợi ích của chỗ ngụ trong rừng bằng năm trăm câu kệ. Hôm sau Ngài đi khất thực ở khu vực gần đó và (không trở về chỗ ngụ của Revata trong khu rừng cây Keo). Đức Phật để trưởng lão Revata trở về; ngoài ra, Ngài dùng năng lực thần thông sắp xếp những tỳ khưu vọng tưởng, nói xấu trưởng lão Revata, bỏ quên những chiếc gậy, dép, những chai dầu và dù của họ.

Những tỳ khưu vọng tưởng trở lại chỗ ngụ của trưởng lão Revata để lấy lại những vật dụng của họ. Dù họ đi lại con đường mà họ đã đến, nhưng họ không thể nhớ chỗ nào. Thực ra, những ngày trước các tỳ khưu đi bằng con đường có trang hoàng (được tạo ra bằng năng lực thần thông) và vào ngày họ trở lại, họ phải đi con đường ghồ ghề (tự nhiên) và không thể tìm chỗ nghỉ (vì họ quá mệt). Một vài nơi, họ phải đi bằng đầu gối. Khó khăn và khổ sở như vậy, họ phải giẫm lên những cây nhỏ, cây bụi và gai. Khi họ đến nơi giống như chỗ trú của họ, họ thấy những cái dù, những đôi dép, chai dầu và gậy, một số đang treo lòng thòng, số khác nằm bên cạnh những gốc cây keo ở khắp nơi. Chỉ khi ấy, các tỳ khưu vọng tưởng mới nhận ra “ Tỳ khưu Revata quả thật là người có năng lực thần thông!” Khi lấy lại đồ dùng

cá nhân, họ nói chuyện với nhau trong sự kinh ngạc trước khi về đến

Savatthi: “ Ôi, sự vinh quang dâng đến Đức Phật quả thật là vi diệu.”

Thí chủ của tịnh xá, công nương Visākhā, thỉnh mời các tỳ khưu đến Sāvatthi trước các vị khác, và khi họ đã ngồi xuống, bà tín nữ hỏi: “ Thưa chư đại đức, chỗ ngụ của trưởng lão Revata có khả ái không?” Các tỳ khưu đáp, “ Khả ái, thưa thí chủ. Nó đích thực như khu vườn Nandana và Cittalatā của chư thiên.” Sau đó, bà tín nữ lại hỏi các tỳ khưu vọng tưởng: “ Thưa chư đại đức, chỗ ngụ của trưởng lão Revata có khả ái không?” Câu trả lời của họ là : “ Đừng hỏi chúng tôi, này tín nữ. Chỗ ngụ của Revata không đáng nhắc đến. Ngoài đất cao trơ trụi, chỗ ngụ của vị ấy là một rừng cây Keo, mặt đất thì ghồ ghề, đầy sỏi, tảng đá và phiến đá. Revata sống ở đó rất khổ sở.” Họ kể lại những kinh nghiệm mà họ mới trải qua.

Thấy có sự khác biệt của hai câu trả lời; một câu do nhóm tỳ khưu đến trước và câu trả lời sau do nhóm tỳ khưu đến sau và vì muốn biết rõ đâu là câu trả lời đúng, tín nữ bèn đến yết kiến Đức Phật, mang theo dầu xức và các loại hoa. Sau khi ngồi xuống ở nơi thích hợp, tín nữ bèn hỏi Đức Phật: “ Bạch Đức Thế Tôn, một số tỳ khưu thì tán dương chỗ ngụ của đại đức Revata, trong khi số khác thì nói xấu. Tại sao có sự khác biệt giữa hai câu nói?” Khi ấy Đức Phật trả lời : “ Này Visākhā, nơi mà tâm của những bậc thánh vui thích thì khả ái, dù thế gian thường tình cho là khả ái hay không khả ái.” Rồi Đức Phật nói lên câu kệ sau đây:

Gāme vā yadi vā raññe, ninne vā yadi vā thale:

Yathā Arahanto viharanti taṃ bhumirāneyyakaṃ.

Này Visākhā, thí chủ của Đông phương tịnh xá, mẹ của Migāra (Migāra-mātā)! Dù là ngôi làng có đầy đủ năm loại dục lạc, hay một khu rừng ở cách xa những dục lạc ấy, hay một thung lũng ở dưới thấp có những dòng nước tuôn chảy và xanh tươi có chỗ ngụ dễ chịu hòa hợp với bốn oai nghi, chỗ ngụ ấy của các vị A-la-hán là nơi thực sự

khả ái trên mặt đất.” (Đoạn này được trích dẫn từ Chú giải của bộ Aṅgutara.)

Sự hoạch đắc danh hiệu Etadagga

Sau đó, trong hội chúng Tăng, Đức Phật ban danh hiệu etadagga cho trưởng lão Revata Mahāthera về ‘ sự trú ngụ trong rừng’ bằng cách nói lời tán dương như sau:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ araññakānaṃ yadidaṃ Revato Khadiravaniyo.

Này các tỳ khưu, trong số những Thinh văn đệ tử của Như Lai trú ngụ trong rừng, Revata là người trú ngụ trong rừng cây Keo là tối thắng!”

(Ở đây, dù có các trưởng lão khác ngụ trong rừng nhưng họ trú ngụ sau khi đã nghiên cứu xem chỗ ở, nước và ngôi làng để đi khất thực có thích hợp không. Còn trưởng lão Revata thì không quan tâm đến những điều kiện ấy và sống trong khu rừng cây Keo trên chỗ đất cao trơ trọi, ghồ ghề và đầy sỏi đá. Cho nên chỉ riêng vị ấy mới đạt được danh hiệu Đệ nhất về sự thực hành pháp trú ngụ trong rừng.)

Những bài pháp liên quan đến Trưởng lão Revata Khadiravaniya có thể liên hệ từ bộ kinh Apadāna và Chú giải, Chú giải kinh Dhammapada, v.v…

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 12

Post Views: 244