ĐẠI TRƯỞNG LÃO KUṆḌA DHĀNA – đệ nhất về việc đầu tiên nhận phiếu cơm ( vị tỳ kheo có bóng phụ nữ theo sau)

ĐẠI TRƯỞNG LÃO KUṆḌA DHĀNA – đệ nhất về việc đầu tiên nhận phiếu cơm ( vị tỳ kheo có bóng phụ nữ theo sau)

ĐẠI TRƯỞNG LÃO KUṆḌA DHĀNA

Nguyện vọng quá khứ

Trưởng lão Kuṇḍa Dhāna tương lai sanh vào một gia đình danh giá trong kinh thành Haṃsavatī trong thời của Đức Phật Padumuttara. Cũng như những đại trưởng lão tương lai khác, vị ấy nghe Đức Phật thuyết pháp và trông thấy một vị tỳ khưu được Đức Phật ban danh hiệu là vị tỳ khưu tối thắng nhất trong những vị tỳ khưu giành được cái thăm đầu tiên để lãnh vật thực do thí chủ cúng dường. Người đàn ông đáng kính ấy quyết tâm nhận được vinh hạnh tương tự từ một vị Phật tương lai và vì vậy ông ta đã tổ chức cúng dường to lớn đến Đức Phật trong bảy ngày và bày tỏ ước nguyện được vinh dự ấy trong tương lai. Đức Phật Padumuttara thấy rằng ước nguyện của người đàn ông ấy sẽ được thành tựu và do đó đã nói lời tiên tri. Sau đó Ngài trở về tịnh xá.

Nghiệp ác đã phạm phải trong quá khứ

Kuṇḍa Dhāna tương lai mạng chung từ cõi người, trong kiếp mà vị ấy nhận được sư tiên tri của Đức Phật, sau khi tạo nhiều thiện nghiệp cho đến chết. Rồi vị ấy tái sanh vào hai cõi, chư thiên và nhân

loại trong nhiều đại kiếp. Vào thời của Đức Phật Kassapa, vị ấy trở thành một vị thiên địa cầu.

Thời kỳ của Đức Phật Gotama, thọ mạng của loài người là một trăm năm, và Pātimokkha được chúng Tăng tụng trong hai ngày uposatha hằng tháng. Thời kỳ của Đức Phật Kassapa, thọ mạng của loài người là hai chục ngàn năm, nên thông lệ tụng Pātimokkha diễn ra sáu tháng một lần.

Hai vị tỳ khưu bạn sống ở hai nơi khác nhau đi đến Tăng hội uposatha nơi mà Pātimokkha được tụng đọc. Vị thiên địa cầu là trưởng lão Kuṇḍa Dhāna tương lai biết rõ tình bạn mạnh mẽ giữa hai vị tỳ khưu. Vị ấy tự hỏi liệu ai có thể làm tan vỡ tình bạn này và đã chờ cơ hội để làm điều ấy, khi đi theo hai vị tỳ khưu một tkhoảng xa.

Sự hiểu lầm được tạo ra

Rồi một trong hai vị tỳ khưu, sau khi bỏ lại cái bát và y cho vị tỳ khưu kia giữ, đi đến một nơi có nước, để đại tiện. Sau khi xong, vị ấy đi ra khỏi bụi cây.

Vị thiên, trong hình tướng một thiếu nữ xinh đẹp đi theo sát vị ấy, đang sửa lại mớ tóc rối và chiếc váy, tựa như đã đi ra từ bụi cây đó.

Kuṇda Dhāna bị hiểu lầm

Vị tỳ khưu đứng chờ từ xa trông thấy cảnh kỳ lạ này và rất khó chịu. Vị ấy tự nghĩ, “ Ta chưa bao giờ thấy vị ấy hèn hạ như vậy. Tình cảm của ta đối với vị ấy rất dài lâu giờ đây đã chấm dứt. Nếu ta biết trước vị ấy là một kẻ giả tu như vậy thì ta sẽ không kết bạn với vị ấy.” Khi vị tỳ khưu kia vừa trở lại thì vị tỳ khưu bạn bèn trao lại những vật dụng cho vị ấy và nói rằng: “ Này, đây là bát và y của sư. Sư hãy tự biết, tôi sẽ không bao giờ đi chung đường với sư.”

(Từ đây trở đi chúng tôi sẽ nhắc đến hai vị tỳ khưu là người buộc tội – codaka và người bị cáo buộc – cuditaka).

Người bị cáo, thực sự là một tỳ khưu có phạm hạnh và không có bất cứ lỗi lầm nào, lấy làm sửng sốt trước những lời nặng nề của tỳ khưu bạn tựa như ai đó đã đâm vào tim bằng ngọn giáo nhọn. Vị ấy nói: “ Này hiền giả, hiền giả có ý gì? Tôi chưa bao giờ vi phạm điều luật nào, ngay cả một lỗi nhỏ nhặt. Thế mà hiền giả gọi tôi là kẻ giả tu. Hiền giả đã thấy tôi làm điều gì?” “ Nếu tôi trông thấy chuyện gì khác thì tôi sẽ bỏ qua. Nhưng điều này rất trầm trọng. Tôn giả đã đi ra từ cùng một bụi cây, sau khi ở trong đó cùng với một người đàn bà rất hấp dẫn mặc y phục và trang sức lộng lẫy.” “ Không, không, này hiền giả! Điều ấy không đúng. Không hề có chuyện đó. Tôi chưa bao giờ thấy người đàn bà mà hiền giả nêu ra.” Nhưng vị tỳ khưu tố cáo thì hoàn toàn quả quyết. Vị tỳ khưu bị cáo đã ba lần phủ nhận mọi lỗi lầm. Nhưng vị tỳ khưu tố cáo thì đã tin vào điều mà vị ấy đã trông thấy. Vị ấy chia tay với vị tỳ khưu bị cáo tại đó. Mỗi người đi một con đường riêng đến tịnh xá của Đức Phật.

Sự ăn năn hối hận của vị thiên

Tại nhà phát lồ (nơi làm lễ uposatha), vị tỳ khưu tố cáo nhìn thấy vị tỳ khưu bị cáo ở trong đấy, nói rằng: “ Sīmā này bị ô uế bởi sự có mặt của vị tỳ khưu phạm giới. Tôi không thể ngồi làm lễ phát lồ chung với vị tỳ khưu ác.” Và vị ấy đứng ở bên ngoài.

Khi trông thấy điều này vị thiên địa cầu rất hối hận: “ Ôi trời, ta đã phạm một điều sai trái trầm trọng.” Vị ấy phải chuộc lại lỗi lầm ấy. Bởi vậy, vị ấy hóa hình một vị cư sĩ lớn tuổi đến gần vị tỳ khưu tố cáo, nói rằng: “Bạch đại đức, tại sao đại đức lại ở bên ngoài Sīmā?” Vị tỳ khưu tố cáo đáp: “ Sīmā chứa một vị tỳ khưu ác. Tôi không thể ngồi làm lễ phát lồ chung với vị ấy. Bởi vậy tôi đã tránh xa.” Khi ấy vị thiên nói rằng, “ Đừng nghĩ như vậy, thưa đại đức. Vị tỳ khưu ấy hoàn toàn trong sạch về giới. Người đàn bà mà đại đức trông thấy không ai khác ngoài tôi đây. Tôi muốn thử sức mạnh tình cảm của hai vị và để xem hai vị có giới trong sạch hay không. Tôi đã đi theo vị tỳ khưu kia trong hình tướng một người đàn bà với mục đích ấy.”

Vị tỳ khưu kia nói: “ Ôi, người giới đức, ông là ai?” “ Tôi là một vị thiên địa cầu, thưa đại đức,” và khi nói vậy, vị ấy nằm sấp dưới chân vị tỳ khưu: “ Xin hãy tha lỗi cho con, bạch đại đức. Vị tỳ khưu kia chẳng biết gì về điều đã xảy ra. Bởi vậy xin đại đức hãy tiếp tục làm lễ phát lồ với tâm trong sáng.” Rồi vị ấy dẫn vị tỳ khưu đi vào nhà phát lồ. Hai vị tỳ khưu làm lễ phát lồ tại cùng một chỗ, nhưng vị tỳ khưu tố cáo không còn ở chung với vị tỳ khưu bị cáo một cách thân ái như xưa nữa. (Chú giải không nói gì về pháp thiền được thực hành bởi vị tỳ khưu tố cáo). Vị tỳ khưu bị cáo thực hành thiền quán và dần dần chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Vị thiên địa cầu bị quả báu của ác nghiệp ấy suốt một trung gian Phật thời (buddhantara) giữa hai vị Phật Kassapa và Phật Gotama trải qua nhiều đại kiếp. Phần lớn thời gian vị ấy rơi vào các khổ cảnh apāya. Khi vị ấy sanh lại ở cõi người, vị ấy phải lãnh lấy tất cả những lời khiển trách trong thời gian lâu dài.

Đời sống Sa-môn trong kiếp chót

Vị thiên địa cầu (sau khi trả giá đắt cho ác nghiệp của mình) đã tái sanh làm một vị Bà-la-môn tại kinh thành Sāvatthi, thời của Đức Phật Gotama. Cha mẹ đặt tên là Dhāna. Vị ấy học Tam phệ đà khi lớn lên nhưng về sau vì có lòng tịnh tín nơi Đức Phật nên sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp đã xin xuất gia.

Cái giá phải trả cho ác nghiệp

Từ chính ngày mà đại đức Dhāna trở thành tỳ khưu thì có một cô gái trang sức lộng lẫy ( tức là sự xuất hiện một phụ nữ do kết quả của ác nghiệp trong quá khứ của vị ấy) luôn luôn theo sát bất cứ nơi nào vị ấy đi đến. Khi vị ấy đi thì người phụ nữ cũng đi; khi vị ấy dừng lại thì nàng ta cũng dừng lại. Người phụ nữ này, tuy vị ấy không trông thấy, nhưng người khác thì trông thấy. (Bởi vậy ác nghiệp thật đáng sợ).

Khi đại đức Dhāna đi khất thực hằng ngày thì những người hộ độ nữ thường nói đùa rằng : “Vá cơm này dành cho ngài, thưa ngài, còn vá này dành cho người bạn gái đi theo ngài.” Điều này khiến cho đại đức Dhāna cảm thấy khổ sở. Khi trở về tịnh xá cũng vậy, vị ấy trở thành đối tượng bị trêu chọc. Các vị Sa-di và những vị tỳ khưu trẻ thường vây quanh vị ấy và chế giễu, nói rằng: “ Đại đức Dhāna là người đào hoa!” Từ những sự trêu chọc như vậy, vị ấy được người ta gọi là Kuṇḍa Dhāna hay tỳ khưu Dhāna đào hoa.

Khi những lời trêu chọc này càng ngày càng thường xuyên hơn thì đại đức Kuṇḍa Dhāna không thể chịu đựng được nữa và đã cự lại: “ Các ngươi mới là những kẻ phá giới, (không phải ta); thầy của các ngươi là những kẻ phá giới.” Các tỳ khưu nghe vị ấy nói những lời thô lỗ như vậy bèn trình bạch vấn đề ấy lên Đức Thế Tôn, Ngài cho gọi đại đức Kuṇḍa Dhāna đến và hỏi vị ấy xem sự trình bày kia có đúng sự thật không. “ Bạch Thế Tôn, đúng như vậy,” đại đức Kuṇḍa Dhāna thú nhận. “ Tại sao ngươi dùng những lời lăng mạ như vậy?” “ Bạch Thế Tôn, bởi vì con không thể chịu nỗi những lời trêu chọc của họ,” vị tỳ khưu giải thích và kể lại câu chuyện. “ Này tỳ khưu, ác nghiệp trong quá khứ của ngươi vẫn còn quả phải trả. Chớ nên dùng những lời thô lỗ như vậy về sau nữa.” Và trong dịp ấy Đức Phật nói lên hai câu kệ sau đây:

Mā’voca pharusaṃ kañci, vuttā paṭivadeyyu taṃ; Dukkhā hi sārambhakathā, paṭidaṇḍā phuseyyu taṃ.

Này tỳ khưu Dhāna, đừng nói lời thô lỗ đến bất cứ ai; những ai nói như vậy sẽ bị đáp trả. Đau đớn thay khi phải nghe những lời cay đắng, và sự đáp trả sẽ đến với người (từ những vị tỳ khưu đồng cư mà ngươi đã dùng lời thô lỗ với họ, như tro bị tung ngược chiều gió).

Sace neresi attānaṃ.

kaṃso upahato yathā, Esa Nibbānapatto’si, sārambho te na vijjati.

(Này Bhikkhu Dhāna,) nếu con giữ im lặng như cái phèn la bị bể miệng, con sẽ chứng đắc Niết bàn. Khi ấy sẽ không còn mọi hận thù trong con.

(Dhamapada, câu 133 & 134) Vào lúc kết thúc thời pháp nhiều người nghe chứng đắc các tầng đạo tuệ khác nhau.

Sự tra xét của vua Pasenadi Kosala

Tin đồn về đại đức Kuṇḍa Dhāna thường hay đi chung với một phụ nữ đã gây chú ý đến vua Pasenadi Kosala. Đức vua truyền lịnh thực hiện một cuộc tra xét vị ấy, cùng với một nhóm tùy tùng theo dõi tịnh xá của đức vua.

Nhìn thấy đại đức Kuṇḍa Dhāna đang may y và người phụ nữ cũng được trông thấy đang đứng gần vị ấy. Đức vua bị mê hoặc bởi cảnh ấy, vua tiến gần nàng. Người phụ nữ được trông thấy đang đi vào chỗ ngụ của vị Sa-môn. Đức vua đi theo nàng vào tịnh xá và tìm nàng ở khắp mọi ngõ ngách nhưng không thể tìm thấy ai ở bên trong. Khi đó đức vua có kết luận đúng là người phụ nữ mà vị ấy trông thấy trước đó không phải là một con người thật mà chỉ là một cái bóng xuất hiện do bởi quả của một nghiệp nào đó của vị đại đức kia.

Khi đi vào tịnh xá lần đầu tiên, đức vua không đảnh lễ đại đức Kuṇḍa Dhāna. Chỉ sau khi khám phá ra sự thật về sự vô tội của vị tỳ khưu, đức vua mới đảnh lễ vị ấy và nói rằng: “ Bạch đại đức, đại đức đi khất thực hằng ngày có đầy đủ không?” “ Không tệ lắm, thưa đại vương,” đại đức Kuṇḍa Dhāna đáp lại. “ Bạch đại đức, con biết đại đức muốn nói gì, bởi vì người ta luôn trông thấy đại đức có người đàn bà đi theo, nên chẳng có ai cư xử tốt với ngài. Nhưng từ nay trở đi, đại đức không cần phải đi khất thực. Con sẽ làm người hộ độ cho đại đức về bốn món vật dụng. Chúc đại đức hành đạo tinh tấn và tốt đẹp.” Từ

dạo đó trở đi đức vua cúng dường vật thực hằng ngày đến đại đức Kuṇḍa Dhāna.

Sau khi thoát khỏi sự lo lắng về sự nuôi mạng, do thường xuyên thọ hưởng sự hộ độ của đức vua, đại đức Kuṇḍa Dhāna đạt được sự định tâm và, khi phát triển thiền quán, đã chứng đắc đạo quả A-la-hán. Từ khi chứng đắc đạo quả A-la-hán cái bóng người đàn bà cũng biến mất.

Sự hoạch đắc danh hiệp Etadagga

Mahā Subhaddā, con gái của trưởng giả Anathapiṇḍika (của thành Sāvathi), lập gia đình với một người ở thị trấn Ugga, người không có niềm tin nơi Đức Phật. Một hôm, với ý định rằng Đức Phật thể hiện lòng bi mẫn đến nàng, nàng đã thọ trì bát quan trai giới của ngày uposatha, giữ tâm thoát khỏi các ô nhiễm. Khi đứng ở tầng thượng của lâu đài, nàng tung tám nắm hoa lài vào không trung và nguyện thầm, “ Cầu xin những bông hoa này đi thẳng đến Đức Thế Tôn và tự sắp thành cái lọng che cho Thế Tôn. Cầu xin Đức Thế Tôn quan tâm đến sự cúng dường hoa này, đến nơi đây vào ngày mai để thọ lãnh vật thực cúng dường của con.” Những bông hoa bay thẳng đến Đức Phật và tự chúng sắp thành cái lọng che trên Đức Phật ngay khi Ngài đang thuyết pháp.

Đức Phật, nhìn thấy cái lọng hoa được dâng cúng bởi Mahā Subhaddā, biết được ước nguyện của nàng và quyết định thọ lãnh vật thực cúng dường. Sáng sớm hôm sau, Đức Phật gọi đại đức Ānanda và nói rằng: “ Này Ānanda, chúng ta sẽ đi đến một nơi xa để thọ lãnh vật thực. Chỉ bao gồm những vị tỳ khưu A-la-hán, không mời các vị tỳ khưu phàm phu.” Đại đức Ānanda bèn nói với các tỳ khưu: “ Thưa chư tôn giả, Đức Thế Tôn sắp đi đến một nơi xa để thọ lãnh vật thực trong ngày hôm nay. Các vị tỳ khưu phàm phu không được rút thăm làm khách mời; chỉ mời các vị A-la-hán.”

Khi ấy đại đức Kuṇḍa Dhāna nói rằng: “ Này hiền giả, hãy mang những cái thăm cho tôi,” và đưa tay ra để rút thăm. Đại đức

Ānanda tin rằng đại đức Kuṇḍa Dhāna vẫn còn phàm phu và trình vấn đề ấy lên Đức Phật, Ngài nói rằng: “ Này Ānanda, hãy để vị ấy rút thăm nếu vị ấy muốn.”

Khi ấy đại đức Ānandā suy nghĩ: “ Nếu đại đức Kuṇḍa Dhāna không thích hợp rút thăm thì Đức Thế Tôn sẽ không cho phép. Xét thấy rằng vị ấy đã được cho phép chắc chắn phải có lý do nào đó. Ta sẽ để vị ấy rút.” Và khi vị ấy trở lại với đại đức Kuṇḍa Dhāna thì vị ấy đã nhập tứ thiền, là nền tảng để khai triển thần thông và đứng giữa không trung, và khi đó vị ấy nói với đại đức Ānanda: “ Này hiền giả Ānanda, hãy đem những cái thăm đến cho tôi. Đức Thế Tôn biết rõ về tôi. Đức Thế Tôn không cản trở việc rút thăm đầu tiên của tôi đâu (trước những vị tỳ khưu khác).” (Đây là sự kiện đáng chú ý liên quan đến đại đức Kuṇḍa Dhāna.)

Vào một dịp khác, đứa con gái sau của trưởng giả Anathapiṇḍika, Cūla Subhaddā, thỉnh Đức Phật đến Sāketa để thọ lãnh vật thực cúng dường, đại đức Kuṇḍa Dhāna cũng là người rút thăm đầu tiên trong số năm trăm vị tỳ khưu.

Lại một dịp khác, khi Đức Phật đi đến thị trấn trong nước Sunāparanta bằng con đường hư không, đại đức Kuṇḍa Dhāna là người rút thăm đầu tiên để lãnh vật thực cúng dường.

Vào một dịp, trong buổi lễ ban danh hiệu Tối thắng đến các vị tỳ khưu, Đức Phật nhân đó công bố rằng:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ paṭhamaṃ salākaṃ ganhantānaṃ yadidaṃ Kuṇḍa Dhāno. Này các tỳ khưu, trong số những tỳ khưu đệ tử của Như Lai, rút thăm thành công trước tất cả các vị tỳ khưu khác

để lãnh vật thực cúng dường, thì tỳ khưu Kuṇḍa Dhāna là Đệ nhất.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 7

Post Views: 727