ĐẠI TRƯỞNG LÃO KUMĀRA KASSAPA – đệ nhất về thuyết pháp vi diệu

ĐẠI TRƯỞNG LÃO KUMĀRA KASSAPA – đệ nhất về thuyết pháp vi diệu

ĐẠI TRƯỞNG LÃO KUMĀRA KASSAPA

Nguyện vọng quá khứ


Kumara Kassapa tương lai tái sanh vào một gia đình giàu có trong kinh thành Haṃsāvatī trong thời của Đức Phật Padumuttara. Như trong trường hợp của những vị đại trưởng lão tương lai khác, vị ấy đi đến Đức Phật và nghe pháp, trong quá trình nghe pháp vị ấy trông thấy một tỳ khưu được Đức Phật công bố là Tối thắng trong những vị tỳ khưu sử dụng tinh tấn trong việc xiển dương giáo pháp. Vị ấy nung nấu ước muốn được trở thành vị tỳ khưu đặc biệt như vậy, và sau khi tổ chức đại thí cúng dường, đã phát nguyện trước Đức Phật rằng vị ấy muốn được tôn vinh bằng danh hiệu tương tự bởi một vị Phật tương lai. Đức Phật thấy rằng ước nguyện của vị thiện nam kia sẽ được thành tựu, và đã nói lời tiên tri.
Tu thiền trên đỉnh núi
Vị Kumāra Kassapa tương lai đã cống hiến hết cuộc đời còn lại của mình làm thiện nghiệp và sau kiếp sống ấy được tái sanh vào cõi chư thiên và cõi nhân loại. Vào thời kỳ suy giảm Giáo pháp của Đức Phật Kassapa, vị ấy đi lên đỉnh núi có vách đứng cùng với một nhóm sáu vị tỳ khưu khác và phấn đấu cho sự giác ngộ. (Hãy xem câu chuyện của đại đức Dabba ở trên.) Do sự trong sạch về giới, vị ấy được tái sanh vào cõi chư thiên sau khi thân hoại mạng chung.

Đời sống Sa môn trong kiếp chót

Người đàn ông đáng kính, Kumāra Kassapa tương lai, không bao giờ đọa vào các cõi khổ suốt một thời kỳ trung gian gồm vô số kiếp giữa hai vị Phật, chỉ luân chuyển trong hai cõi chư thiên và nhân loại. Vào thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện, vị ấy thọ sanh vào bào thai con gái của một trưởng giả. Người phụ nữ trẻ này luôn luôn có ước muốn trở thành một đạo sĩ nhưng cha mẹ của nàng đã gã nàng cho con trai của một trưởng giả khác và phải sống với gia đình chồng. Nàng có thai nhưng không biết. Nàng xin chồng cho phép nàng được trở thành tỳ khưu ni, và người chồng đồng ý, nàng đi đến ni viện của các tỳ khưu ni là những đệ tử của đại đức Devadatta.

Khi bào thai lớn ra rõ rệt, các tỳ khưu ni trình bày vấn đề lên đại đức Devadatta và xin chỉ thị. Devadatta nói rằng: “ Nàng ta không còn là một tỳ khưu ni” và đã trục xuất nàng ra khỏi hội chúng của vị ấy. Nàng tỳ khưu ni trẻ đi đến ngụ tại nơi của các tỳ khưu ni, đệ tử của Đức Phật. Ở đó, các tỳ khưu ni trình trường hợp của nàng lên Đức Phật, Ngài ủy quyền cho đại đức Upāli xem xét và quyết định.

Đại đức Upāli cho mời một nhóm công nương đáng kính ở kinh thành Sāvatthi, gồm có tín nữ Visākhā và để họ tra xét vấn đề, tìm hiểu xem liệu cái bào thai xảy ra khi nàng tỳ khưu ni còn sống đời thế tục, hay sau khi đã trở thành tỳ khưu ni. Các công nương có bằng chứng đầy đủ để quyết định và trình lên đại đức Upāli rằng cái bào thai xảy ra lúc nàng còn cư sĩ. Đại đức Upāli nêu ra điều luật rõ ràng rằng bởi vì bào thai xảy ra trước khi nàng tỳ khưu ni gia nhập Tăng chúng, nên nàng là tỳ khưu ni trong sạch. Đức Thế Tôn tán dương Đại đức Upāli về sự xét xử đúng đắn trong cuộc tranh luận.

Nàng tỳ khưu ni trẻ hạ sanh một bé trái kháu khỉnh trông như pho tượng vàng. Vua Pasenadi của nước Kosala nhận nuôi đứa bé tại cung điện của vị ấy như một ông vua con. Đứa bé được đặt tên là Kassapa, và đến năm lên bảy tuổi cậu ta được mặc áo quần xinh đẹp và gởi đến tịnh xá của Đức Phật để xuất gia Sa-di. (Muốn biết chi tiết hãy xem Bổn sanh Jataka, Ekaka Nipāta, Nigrodhamiga Jātaka).

Tên Kumāra Kassapa

Khi gia nhập Tăng chúng năm lên bảy tuổi, cậu được Đức Phật nhắc đến là Kumāra Kassapa, ‘ Đồng tử Kassapa’ để phân biệt với những Sa-di khác có cùng tên Kassapa. Trong nghĩa khác, ‘Kumara’ cũng có nghĩa là ‘hoàng tử’. Bởi vì Kassapa được nuôi nấng bởi vua Pasenadi, nên từ Kumāra Kassapa cũng được mang ý nghĩa là ‘Hoàng tử Kassapa.’

Câu chuyện nền tảng của bài kinh Vammika

Kumāra Kassapa bắt đầu học pháp thiền Minh sát từ khi vị ấy xuất gia Sa-di và cũng học những lời dạy của Đức Phật. Như vậy vị ấy đã siêng năng theo cả pháp học lẫn pháp hành trong Giáo pháp. Khi Đức Phật đang ngụ tại tịnh xá Jetavana, kinh thành Sāvatthi thì Kumāra Kassapa đang ngụ ở khu rừng Andhavana, gần tịnh xá Jetavana. Lúc bấy giờ Đại Phạm thiên Mahā Brahmā ở cõi Suddhāvāsa (Ngũ Tịnh cư), từng cùng tu tập để giác ngộ, đi lên núi có vách đứng để hành thiền, xem lại số phận của những người bạn xưa. Khi thấy Kumāra Kassapa đang phấn đấu cho sự giác ngộ, vị ấy quyết định hướng dẫn thực tiễn đến vị tỳ khưu trong pháp thiền quán. Ngay trước khi rời khỏi cõi Brahmā để đến cõi nhân loại, vị ấy đã lập ra một bài đố gồm mười lăm điểm. Vào nửa đêm, vị ấy xuất hiện với tất cả sự rực rỡ trước Kumāra Kassapa, trong khu rừng Andhavana.

Kumāra Kassapa hỏi Brahmā: “Ngài là ai mà xuất hiện ở đây trước mặt tôi?” “ Bạch đại đức, tôi là bạn đồng tu với đại đức trong quá khứ (vào thời của Đức Phật Kassapa) đã cùng nhau tu thiền để tầm cầu giác ngộ, và đã tái sanh vào cõi Suddhavasa, đã chứng đắc quả thánh Bất lai.” “ Ngài gặp tôi với mục đích gì?” Brahmā bèn nói rõ mục đích của vị ấy bằng những lời sau đây:

“ Thưa tỳ khưu, (1) Gò mối này (2) phun khói vào ban đêm; (3) ban ngày thì bốc lên những ngọn lửa.

(4) Vị thầy bà la môn nói (5) với người học trò thông minh: (6) ‘ Hãy

cầm lấy cây đao và (7) đào lên một cách siêng năng.’ Người học trò

thông minh đã làm theo yêu cầu của ông thầy và (8) khám phá ra một cái then cửa. Và cậu ta trình lên ông thầy, ‘Thưa thầy, đây là cái then cửa.’

Vị thầy Bà-la-môn nói với người học trò: “ Này đệ tử thông minh, hãy quăng bỏ cái then cửa đó đi. Hãy cầm cây đao và tiếp tục đào một cách siêng năng.” Người học trò đã làm theo yêu cầu của ông thầy và

  1. khám phá ra một con cóc có thân căng phồng (uddhumāyika).’Khi ấy vị thầy Bà-la-môn nói rằng: “ Này đệ tử thông minh, hãy quăng bỏ con cóc căng phồng ấy đi. Hãy cầm cây đao và tiếp tục đào.” Người học trò thông minh đã làm theo chỉ bảo của ông thầy, và
  2. khám phá ra con đường chia hai ngã. Người học trò trình lên ông thầy, ‘ Thưa thầy, đây là con đường chia hai ngã.’Khi ấy vị thầy Bà-la-môn nói rằng: ‘ Này đệ tử thông minh, hãy bỏ con đường chia hai ngã. Hãy cầm cây đao và tiếp tục đào.’ Người học trò thông minh đã làm theo lời căn dặn của ông thầy, và (11) khám phá ra một cái lọc nước để sàng lọc cát có bọt. Người học trò trình lên ông thầy: ‘ Thưa thầy, đây là cái lọc nước để sàng lọc cát có bọt.’Khi ấy vị thầy Bà-la-môn nói rằng: ‘ Này đệ tử thông minh, hãy quăng bỏ cái lọc nước. Hãy cầm cây đao và tiếp tục đào.’ Người học trò thông minh đã làm theo yêu cầu của ông thầy, và (12) khám phá ra một con rùa. ‘ Thưa thầy, đây là con rùa,’ người học trò trình lên ông thầy.Vị thầy Bà-la-môn nói rằng, ‘ Này đệ tử thông minh, hãy quăng bỏ con rùa. Hãy cầm cây đao và đào tiếp.’ Người học trò thông mình đã làm theo yêu cầu của ông thầy, và (13) khám phá ra một con dao và một cái thớt. Cậu ta trình lên ông thầy, “ Thưa thầy, đây là con dao và cái thớt.’Vị thầy Bà-la-môn nói rằng: ‘ Này đệ tử thông minh, hãy quăng bỏ con dao và cái thớt. Hãy cầm cây đao và đào tiếp.’ Người học trò thông minh đã làm theo yêu cầu của ông thầy, và (14) khám phá một khối thịt. Cậu ta trình lên ông thầy, “ Thưa thầy, đây là khối thịt.’Vị thầy Bà-la-môn nói rằng: ‘ Này đệ tử thông minh, hãy quăng bỏ khối thịt. Hãy cầm cây đao và tiếp tục đào.’ Người học trò thông minhđã làm theo yêu cầu của ông thầy, và (15) khám phá ra một con rồng. Cậu ta trình lên ông thầy, ‘ Thưa thầy, đây là con rồng.’Vị thầy Bà-la-môn khi ấy nói với người học trò thông minh, ‘ Hãy để con rồng lại. Đừng xâm phạm nó. Hãy tôn kính nó.’Thưa tỳ khưu, hãy hỏi Đức Phật để có những câu trả lời cho những câu hỏi này. Hãy chú ý câu trả lời của Đức Phật. Ngoài Đức Phật ra, những đệ tử của Ngài và một người nào đó mà đã nghe những câu trả lời từ chính tôi, tôi không thấy người nào gồm các cõi khác nhau với chư thiên, Ma vương và Phạm thiên, và thế giới hữu tình gồm những vị Sa-môn, Bà-la-môn, vua chúa và những chúng sanh thuộc loài người, mà có thể trả lời chúng một cách thỏa đáng.”Sau khi nói vậy, Phạm thiên Brahmā biến mất tại đó. Sáng sớm hôm sau, Kumāra Kassapa đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài, và kể lại cuộc gặp gỡ với Brahmā vào đêm hôm trước. Rồi vị ấy hỏi:
    1. Bạch Thế Tôn, ‘ổ mối’ có ý nghĩa gì?
    2. ‘ phun khói vào ban đêm’ có ý nghĩa gì?
    3. ‘nổi lên những ngọn lửa vào ban ngày’ có ý nghĩa gì?
    4. ‘vị thầy Bà-la-môn’ có ý nghĩa gì?
    5. ‘người học trò thông minh’ có ý nghĩa gì?
    6. ‘cây đao’ có ý nghĩa gì?
    7. ‘đào lên một cách siêng năng’ có ý nghĩa gì?
    8. ‘cái then cửa’ có ý nghĩa gì?
    9. ‘con cóc căng phồng’ có ý nghĩa gì?
    10. ‘ con đường hai ngã’ có ý nghĩa gì?
    11. ‘ cái lọc nước để sàng lọc cát bọt’ có ý nghĩa gì?
    12. ‘ con rùa’ có ý nghĩa gì?
    13. ‘con dao và cái thớt’ có ý nghĩa gì?
    14. ‘khối thịt’ có ý nghĩa gì?
    15. ‘con rồng’ có ý nghĩa gì?

Với mười lăm câu hỏi ấy là bài toán đối với cho đại đức Kumāra Kassapa, Đức Phật đã đưa ra những câu trả lời như sau:

  1. Này tỳ khưu, ‘ổ mối’ là cái tên gọi của thân này.
  2. Này tỳ khưu, ban đêm người ta ngẫm nghĩ lại những gì người ta đã làm lúc ban ngày; đây là ‘ bốc khói vào ban đêm’.
  3. Này tỳ khưu, người ta làm các nghiệp bằng thân, khẩu và ý vào lúc ban ngày vì họ đã nghĩ ra vào lúc ban đêm; đây là ‘bốc lửa vào ban ngày’.
  4. Này tỳ khưu, ‘vị thầy Bà-la-môn’ là tên gọi dành cho Đức Tathāgata (Buddha).
  5. Này tỳ khưu, ‘người học trò thông minh’ là vị tỳ khưu vẫn còn tu tiến để chứng đắc đạo quả A-la-hán theo đúng ba pháp học.
  6. Này tỳ khưu, ‘cây đao’ là tên gọi Trí tuệ, cả hiệp thế lẫn siêu thế.
  7. Này tỳ khưu, ‘đào một cách siêng năng’ là sự tinh tấn bền bĩ.
  8. Này tỳ khưu, ‘cái then cửa’ là tên dành cho vô minh. ‘Hãy quăng bỏ then cửa’ nghĩa là hãy đoạn trừ vô minh. ‘Người học trò thông minh’, ‘cầm cây đao và đào lên một cách siêng năng’ nghĩa là ‘khéo phấn đấu bằng trí tuệ để đoạn tận vô minh.’
  9. Này tỳ khưu, ‘con cóc căng phồng’ là tên gọi sự nóng giận. ‘Hãy quăng bỏ con cóc căng phồng’ nghĩa là ‘ hãy đoạn trừ nóng giận sâu dày.’ ‘Người học trò thông minh, ‘ hãy cầm cây đao và đào lên một cách siêng năng’ nghĩa là ‘ hãy khéo phấn đấu bằng trí tuệ ‘ để đoạn trừ oán hận sâu dày’.
  10. Này tỳ khưu, ‘con đường có hai ngã’ là tên của hoài nghi (vicikicchā). ‘ Từ bỏ con đường hai ngã’ là khéo phấn đấu bằng trí tuệ để đoạn trừ hoài nghi.
  11. Này tỳ khưu, ‘ cái lọc nước để sàng lọc cát có bọt’ là tên gọi dành cho năm triền cái (nīvaraṇa) gây chướng ngại cho thiền Định và Đạo Tuệ, đó là: (i) dục tham (kāmacchanda) (ii) sân nhuế (vyāpāda) (iii) hôn trầm thụy miên (thina-middha) (iv) phóng dật trạo hối (uddhacca-kukkucca) (v) hoài nghi (vicikicchā). ‘Hãy quăng bỏ cái lọc nước’ nghĩa là ‘ hãy khéo phấn đấu bằng trí tuệ để khắc phục năm chướng ngại’.
  12. Này tỳ khưu, ‘con rùa’ là tên của năm đối tượng chấp thủ(upādāna), đó là (i) sắc uẩn (rūpakkhandha) mà phải bị biếnđổi (ii) thọ uẩn (vedanakkhandha) mà có thể cảm thọ, (iii) tưởng uẩn (saññākkhandha) có bản chất nhận biết, (iv) hành uẩn (saṅkhārakkhandha) giúp hình thành tất cả các nghiệp, (v) thức uẩn (viññāṇakkhandha) có đặc tánh biết các thứ. ‘Hãy quăng bỏ con rùa’ nghĩa là ‘ hãy khéo phấn đấu bằng trí tuệ để đoạn trừ năm uẩn là đối tượng của chấp thủ’.
  13. Này tỳ khưu, ‘con dao và ‘cái thớt’ là tên dành cho năm loại dục khả ái khả lạc làm sanh khởi sự tham luyến đối với chúng, đó là (i) cảnh sắc (rūpā-rammaṇa) có thể nhận biết bằng nhãn thức (cakkhu-viññāṇa), (2) cảnh thinh (saddā-rammaṇa) có thể nhận biết bằng nhĩ thức (sota-viññāṇa) (iii) cảnh mùi (gandhā-rammaṇa) có thể nhận biết bằng tỉ thức (ghāna-viññāṇa), (iv) cảnh vị (rasā-rammaṇa) có thể nhận biết bằng thiệt thức (jivhā-viññāṇa) (v) cảnh xúc (phoṭṭhabbā-rammaṇa) có thể nhận biết bằng thân thức (kāya-viññāṇa). ‘Hãy quăng bỏ con dao và cái thớt nghĩa là ‘hãy khéo phấn đấu bằng trí tuệ để đoạn trừ năm loại cảnh dục’.
  14. Này tỳ khưu, ‘khối thịt’ là tên dành cho dục ái hay tham ái (nandīrāga-taṇhā). ‘Hãy quăng bỏ khối thịt’ nghĩa là ‘hãy khéo phấn đấu bằng trí tuệ để đoạn trừ dục ái hay tham ái’.
  15. Này tỳ khưu, ‘con rồng’ là tên dành cho bậc A-la-hán. Ngươi được khuyên là hãy để bậc A-la-hán riêng ra không được xâm phạm vị ấy. Ngươi cũng được khuyên là hãy tôn kính bậc A-la-hán.

Giải rộng

  1. Tấm thân giống như ‘ổ mối’ bởi vì cũng như ổ mối để cho những con rắn, loài gặm nhấm, con thằn lằn và loài kiến đi ra, cái thân cũng tuôn ra tất cả những loại chất bất tịnh qua chín lỗ. (Có những lý do khác giải thích sự so sánh. Xem Chú giải của bộ Mahāvagga).
  2. ‘Phun khói ban đêm’ nghĩa là những điều được nghĩ ra vào lúc ban đêm để thực hiện trong ngày hôm sau.
  3. ‘Những ngọn lửa nổi lên vào ban ngày’có nghĩa là những hành động về thân, khẩu và ý được thực hiện vào ban ngày do đã nghĩ ra vào lúc ban đêm.

4,5,6&7. Những sự so sánh này không cần giải rộng.

  1. ‘Cái then cửa’ ở cổng thành đóng lại không cho mọi người qua lại. Cũng vậy, vô minh đóng không cho sanh khởi trí tuệ dẫn đến Niết bàn.
  2. ‘ Con cóc căng phồng’ là ví dụ điển hình cho sự phẩn nộ. Con cóc nổi giận và nó tự phình lên bất cứ khi nào có cái gì chạm vào nó. Nó có thể bị sân giận làm cho nở to quá mức rồi trở nên dẹp ở trên lưng, không thể di chuyển được, và làm mồi cho loài quạ hoặc những kẻ thù khác. Cũng thế, khi sân giận bắt đầu sanh lên thì người ta trở nên rối ren. Nếu cẩn thận thì người ấy có thể kềm chế nó bằng như lý tác ý. Nếu không kiểm soát được theo cách này thì nó sẽ dẫn người ta đến chỗ nói lời ác, như nguyền rủa hay chửi mắng. Nếu sân hận được buông thả cho nó khởi lên, thì người ta bắt đầu nghĩ đến hành vi đáng sợ. Vào lúc ấy người ta có thể nhìn quanh để xem có ai theo phe kia không, rồi người ta gây ẩu đả; và trừ khi có thể kềm chế chính mình, nếu không người ấy có khuynh hướng tìm kiếm khí giới để tấn công phe kia. Nếu không kiểm soát chính mình có hiệu quả, thì người ta có thể tấn công kẻ khác. Có những trường hợp dẫn đến cái chết, hoặc đối phương hoặc chính mình, hoặc cả hai.Cũng như con cóc căng phồng khiến nó không nhúc nhích được, nằm ngữa, và trở thành con mồi của những con quạ và các kẻ thù khác, cũng vậy người bị ảnh hưởng bởi sân hận nặng nề không thể tập trung trong pháp thiền và như vậy trí tuệ bị chướng ngại. Thiếu trí tuệ, người ấy có thể trở thành nạn nhân của tất cả các loại Ma và trở thành nô lệ ngoan ngoãn cho những khuynh hướng thấp hèn.
  3. Khi một người khách bộ hành đem theo những vật sở hữu có giá trị đi đến một con đường có hai ngã và mất nhiều thời giannơi đó, vì không thể chọn lựa con đường nào để đi tiếp. Anh ta đang mời mọc những tên cướp đường, bọn chúng có thể gây nguy hại cho anh ta. Tương tự, nếu một vị tỳ khưu đã nhận lời chỉ giáo của vị thầy về pháp thiền căn bản và đã bắt đầu thực hành, lại nuôi dưỡng sự hoài nghi về sự thật của Tam bảo, thì người ấy không thể hành thiền được. Khi người ấy ngồi một mình với tâm bị hoài nghi; người ấy đầu hàng trước các phiền não, Māra và những tác động bất thiện khác.
  4. Khi một người thợ giặt đổ nước vào trong cái lọc nước để sàng lọc cát có bọt thì nước tự do chảy xuống dưới cái lọc. Dù một tách nước được đổ vào đó, hay là một trăm cái bình cũng ở trong đó; cũng vậy, trong cái tâm của người hành giả mà có năm chướng ngại thì không có phước nào có thể tồn tại.
  5. Cũng như con rùa có năm chỗ lồi ra – cái đầu và bốn chân. Cũng vậy tất cả các pháp hữu vi dưới con mắt trí tuệ đều ở dưới dạng năm uẩn hình thành các đối tượng của chấp thủ.
  6. Khối thịt được thái ra bằng con dao trên cái thớt. Sự thọ hưởng dục lạc, các phiền não, đều tìm đến các cảnh dục. Các phiền não giống như ‘con dao’, các cảnh dục giống như ‘cái thớt’.
  7. Khối thịt được mọi người tìm kiếm, dù địa vị cao hay thấp, vua chúa hay thường dân, đều thích nó cũng như các loài chim và muôn thú. Tất cả các loại phiền não đều bắt nguồn từ sự chạy theo khối thịt. Tương tự, dục ái là nguồn gốc của tất cả đau khổ. Nhưng chân lý này bị che chắn bởi vô minh. Ái dục hay dục ái lôi cuốn tất cả chúng sanh vào trong vòng sanh tử không ngừng nghỉ. Hãy xét một ý nghĩa khác, khối thịt dính ở bất cứ nơi nào nó được đặt xuống. Cũng vậy dục ái có khuynh hướng trói buộc chúng sanh vào vòng sanh tử mà chúng sanh ưa thích, do không nhận ra tánh chất đau khổ của nó.
  8. Bậc A-la-hán được gọi là ‘nāga’ vì bậc A-la-hán không bị dẫn sai đường bởi bốn yếu tố lầm lạc, đó là: sự ưa thích, nóng giận, sợ hãi và si mê. (Chandādīhi na gacchantīti nāgā – Chú

giải Mahāvagga). Nói cách khác, vị A-la-hán không bao giờ trở lại với những phiền não đã được đoạn trừ ở bốn bậc thanh tịnh. ( Tena tena maggena pahīne kilese na āgacchantī ti nāgā Ibid). Tuy nhiên trong một ý nghĩa khác, bậc A-la-hán không thể phạm bất cứ điều ác nào ( Nānappakārakaṃ āguṃ na karontī ti nāgā – Ibid.)

Để bày tỏ sự tôn kính Đức Phật, vị nāgā, tức bậc A-la-hán, bậc đã thoát khỏi các lậu hoặc, Chú giải giới thiệu cách tôn kính này:

Buddho bodhāya deseti, danto yo damathāya ca; samathāya anto dhammaṃ, tiṇṇo’va taraṇāya ca, nibbuto nibbānatthāya, taṃ lokasaraṇaṃ name.

Đức Phật, bậc Giác ngộ, nơi nương tựa của ba cõi, bậc Arahat (Nāga), sau khi đã tự mình giác ngộ Tứ Thánh đế và muốn giúp cho những chúng sanh xứng đáng khác được giác ngộ như chính Ngài; sau khi đã tự mình nhiếp phục sáu căn và muốn thuần phục chúng sanh khác thích hợp để được thuần phục như chính Ngài; sau khi tự mình đạt đến tịnh lạc, sau khi đã vượt qua bên kia của đại dương saṁsāra và muốn những chúng sanh xứng đáng khác cũng vượt qua bờ bên kia như chính Ngài; sau khi dập tắt các ngọn lửa phiền não ở bốn giai đoạn và muốn những chúng sanh xứng đáng khác cũng dập tắt những ngọn lửa phiền não như chính Ngài; do lòng bi mẫn mà xiển dương Chánh pháp vi diệu đến chư thiên và nhân loại trong bốn mươi lăm năm. Con xin đem thân, khẩu và ý với hai tay chấp lại đảnh lễ Đức Phật, bậc Nāga, là nơi nương tựa của ba cõi.

Sự chứng đắc đạo quả A-la-hán

Bài kinh Gò mối hay Vammika Sutta, các ghi chú của Chú giải, là bài học về thiền quán dành cho trưởng lão Kumāra Kassapa. (Iti idaṃ suttaṃ Therassa kammaṭṭhānaṃ ahosi.)

Trưởng lão Kumāra Kassapa học thuộc lòng câu trả lời mười lăm câu hỏi khó của Đức Phật, rồi trở về nơi vắng vẻ trong khu rừng Andhavana, siêng năng hành thiền và không bao lâu chứng đắc đạo quả A-la-hán.

(d) Sự hoạch đắc danh hiệu Etadagga

Từ lúc trở thành tỳ khưu, trưởng lão Kumāra Kassapa trong những bài pháp giảng đến bốn chúng đệ tử, tỳ khưu, tỳ khưu ni, thiện nam và tín nữ thường sử dụng nhiều sự so sánh và những câu chuyện minh họa.

Khi trưởng lão Kumāra Kassapa thuyết pháp đến pāyāsi (người chấp theo tà kiến) ứng dụng mười lăm sự so sánh. Đức Phật khi nhắc đến bài kinh ấy được gọi là Pāyāsirājañña Sutta, đã công bố:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ cittakathikānaṃ yadidaṃ Kumāra Kassapo.

Này các tỳ khưu, trong số các tỳ khưu đệ tử của Như Lai mà ứng dụng hình tượng trong các bài pháp thì tỳ khưu

Kumāra Kassapa là Đệ nhất.

(Hãy xem bài kinh này trong Dīgha Nikāya Mahā vagga, số 10)

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 67

Post Views: 479