ĐẠI TRƯỞNG LÃO LAKUṆDAKA BHADDIYA – đệ nhất về âm thanh vi diệu ( tiền kiếp chim cu)

ĐẠI TRƯỞNG LÃO LAKUṆDAKA BHADDIYA – đệ nhất về âm thanh vi diệu ( tiền kiếp chim cu)

ĐẠI TRƯỞNG LÃO AKUṆDAKA BHADDIYA


Nguyện vọng quá khứ

Trưởng lão Lakuṇḍaka Bhaddiya này là con trai của một gia chủ giàu có trong kinh thành Haṃsavatī, trong thời kỳ của Đức Phật Padumuttara. Theo cách được nêu ra ở trước (trong câu chuyện về Trưởng giả Anuruddha Mahathera), vị ấy đến tịnh xá để nghe pháp.

Lúc bấy giờ, Đức Phật ban danh hiệu etadagga cho một vị tỳ khưu có giọng nói rất dịu ngọt. Khi thấy vậy, vị ấy khởi tâm muốn trở thành như vị tỳ khưu kia và mong ước được danh hiệu như vậy trong thời kỳ của một vị Phật đương lai. Thế nên, ông ta thỉnh chư Tăng có Đức Phật dẫn đầu và cúng dường đại thí trong bảy ngày đến các ngài. Sau đó, ông ta nói lời khẩn cầu: “ Bạch Đức Thế Tôn, trong sự bố thí cúng dường này, con không mong cầu bất cứ quả phước nào khác. Thực ra, con ước mong được trở thành vị tỳ khưu đạt được danh hiệu tối thắng trong những vị tỳ khưu có giọng nói ngọt ngào trong thời kỳ của Đức Phật đương lai.” Khi nói vậy, vị ấy vẫn nằm sấp dưới chân Đức Phật.

Sau khi dò xét về tương lai của vị gia chủ, Đức Phật thấy rằng nguyện ước của ông ta sẽ được thành tựu. Do đó Ngài bèn nói rằng: “ Ước nguyện của ông sẽ thành hiện thực. Sau một trăm ngàn đại kiếp kể từ hôm nay Đức Phật Gotama sẽ xuất hiện. Khi đó người sẽ trở thành vị tỳ khưu trong thời giáo pháp của Đức Phật ấy và sẽ được công bố là Tối thắng trong những vị tỳ khưu có giọng nói ngọt ngào.” Sau khi tiên tri như vậy Đức Phật bèn trở về tịnh xá.

Kiếp sanh làm chim cu Cittapatta

Sau khi được thọ ký, người con trai của vị trưởng giả tinh tấn làm các việc phước cho đến hết cuộc đời và khi mạng chung từ kiếp ấy, tái sanh trở đi trở lại trong cõi chư thiên và nhân loại. Khi Đức Phật Vipassī xuất hiện, vị ấy trở thành con chim cu tên là Cittapatta và sống ở khu rừng nai Khema. Một hôm chim cu bay đến Hy mã lạp sơn và tha về một trái xoài. Khi trông thấy Đức Phật được vây quanh bởi

các tỳ khưu, nó khởi lên ý nghĩ: “Vào những ngày khác, ta gặp Đức Phật nhưng không có gì để cúng dường. Tuy nhiên, hôm nay ta đem trái xoài chín này cho các con ăn. Ta sẽ đem về cho chúng trái khác và trái xoài này ta sẽ dâng lên Đức Phật.” Rồi nó bay xuống và bay vờn trên đầu (nhưng không đáp xuống trên đất). Khi biết được ý nghĩ của con chim, Đức Phật Vipassī nhìn vào người thị giả là trưởng lão Asoka, vị ấy lấy ra cái bát từ trong áo bát và đặt nó trong tay của Đức Phật. Khi ấy con chim cu đặt trái xoài mà nó đã ngậm về đặt vào trong bình bát của Đức Phật để cúng dường. Tại nơi đó, Đức Phật độ thực trái xoài trong khi đang ngồi. Đầy lòng tịnh tín (saddhā), con chim cu liên tục quán về các ân đức Đức Phật nhiều như nó biết và sau khi đảnh lễ Đức Phật, nó bay về tổ của nó nằm lại tổ suốt một tuần lễ không đi kiếm vật thực, thay vì thế nó chỉ cảm thọ hoan hỉ và hạnh phúc.

Trong kiếp sanh làm chim cu Cittapatta, vị ấy đã làm được nhiều phước đức. Do kết quả của việc phước này mà giọng nói của trưởng lão Lakuṇḍaka Bhaddiya rất ngọt ngào và khả ái.

Kiếp sanh làm thợ mộc bậc thầy

Tuy nhiên, trong thời kỳ Đức Phật Kassapa xuất hiện, Trưởng lão Lakuṇḍaka Bhaddiya đương lai trở thành một thợ mộc bậc thầy. Sau khi Đức Phật nhập niết bàn, các thiện nam tín nữ bàn luận việc xây dựng duy nhất một bảo tháp để tôn trí Xá-lợi duy nhất. Vấn đề nan giải chính sanh lên là kích thước của bảo tháp. Một số nói rằng: “ Nên làm kích thước bảy do tuần.” Số khác nói rằng: “ Bảy do tuần quá lớn.” (Việc xây dựng không thể hoàn thành được). “Chúng ta hãy xây sáu do tuần.” Một số nói rằng: “ Sáu do tuần vẫn còn quá lớn.” (Không thể làm được) “Chúng ta hãy làm năm do tuần”. Theo cách này, kích thước được giảm dần bốn do tuần, ba do tuần, hai do tuần. Khi ấy người thợ mộc bậc thầy, là trưởng lão Lakuṇḍaka Bhaddiya đương lai, vì vị ấy là người chủ tọa cuộc họp nên đã quyết định rằng: “ Này các bạn, hãy tiến hành. Bất kể ai nói gì, chúng ta hãy xây một bảo

tháp mà dễ sửa chữa trong tương lai.” Khi nói vậy ông ta cầm sợi thước dây và đi đến chỗ xây dựng. Trong khi đo, ông ta lấy chiều dài một do tuần và nói rằng: “ Mỗi mặt chúng ta hãy lấy một gāvuta để bốn mặt chúng sẽ làm thành một do tuần. Mặt đáy một do tuần nên bề cao cũng một do tuần”. Như vậy người thợ mộc đã kết thúc cuộc bàn luận.

Sau khi chấp nhận ý kiến của ông, mọi người đã xây dựng bảo tháp Xá-lợi – dhātucetiya, mỗi mặt một gāvuta và tổng thể một do tuần và bề cao một do tuần. Theo cách này, người thợ mộc đã quyết định kích thước và sự xây dựng bảo tháp thờ Xá-lợi Đức Phật, bậc sở hữu những ân đức vô song.

Sự xuất gia Sa-môn và chứng đắc Đạo quả A-la-hán trong kiếp chót

Do kết quả của hành động quyết định kích cỡ của bảo tháp thờ Xá lợi Phật, Bậc sở hữu những ân đức vô song, thân vị ấy thấp, thấp hơn những người khác, trong tất cả những kiếp về sau của vị ấy, và trong kiếp cuối cùng sanh vào thời kỳ Đức Phật của chúng ta, vị ấy sanh vào trong một gia đình trưởng giả trong kinh thành Savatthi. Cha mẹ đặt tên cho vị ấy là Bhaddiya.

Khi cậu con trai Bhaddiya đến tuổi trưởng thành, Đức Phật đang ngụ ở tịnh xá Jetavana. Cậu ta đi đến tịnh xá và nghe pháp. Niềm tin khởi sanh trong mãnh liệt đến nỗi cậu ta xin xuất gia và học đề mục thiền từ Đức Phật. Sau khi nỗ lực tinh tấn thực hành thiền Vipassana, vị ấy chứng đắc đạo quả A-la-hán.

NHỮNG BÀI PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN ĐẠI TRƯỞNG LÃO LAKUṆḌKA BHADDIYA

(Sau đây là những bài pháp có giá trị và đầy thú vị liên quan đến đại trưởng lão được kể lại tóm tắt)

Những bài pháp dẫn đến Đạo Quả A-la-hán của trưởng lão

Sau khi trở thành tỳ khưu, trưởng lão nhận đề mục thiền quán từ Đức Phật và chuyên tâm thực hành Thiền quán và chứng đắc Thánh quả Nhập lưu lần đầu tiên. Lúc bấy giờ, những tỳ khưu hữu học (sikkhā) (gồm có những vị Tu đà hườn (sotāpanna), Tư đà hàm (sakadāgāmī) và A-na-hàm (anāgāmī) đi đến Trưởng giả Sāriputta để xin đề mục thiền quán, hoặc nghe những bài pháp hoặc những câu trả lời cho những vấn nạn của họ để đạt đến những pháp chứng cao hơn. Để đáp ứng yêu cầu của họ, trưởng lão Sāriputta giải thích cho họ cách thiền quán, thuyết giảng cho họ nghe những bài pháp và trả lời những câu hỏi của họ. Khi các tỳ khưu tiếp tục hành trì, một số chứng đắc Quả thánh Nhất lai (sakadāgāmī), một số vị chứng đắc Quả thánh Bất lai (sakadāgāmī), một số đắc vị Tam minh, một số vị đắc Lục thông và một số vị đắc Tứ tuệ Phân tích.

Khi trông thấy những tỳ khưu ấy và tự mình lấy thăng bằng để nắm lấy cơ hội nâng cao chính mình, trưởng lão Lakuṇḍaka Bhadiya bèn quán xét về tánh chất bền bỉ trong tâm của mình và trạng thái tâm hầu như không có phiền não; và khi suy xét như vậy vị ấy đi đến trưởng lão Sāriputta, nói lời chào hỏi và thỉnh cầu trưởng lão ban bố thời pháp. Và Trưởng lão đã thuyết pháp phù hợp với căn tánh của vị trưởng lão trẻ.

Nương theo thời pháp của trưởng lão Sāriputta, trưởng lão Bhaddiya đã phát triển trí tuệ Minh sát theo sự chỉ dẫn. Do hai yếu tố, đó là, khả năng thuyết giảng của trưởng lão và sự sở hữu những việc phước của vị ấy đã làm trong quá khứ, nên trí tuệ Minh sát của vị ấy được phát triển lên đến đạo quả A-la-hán.

Biết rõ điều này, Đức Phật lúc ấy đã nói lên câu kệ sau đây:

Uddh’aṃ adho sabbadhi vippamutto ayaṃ hamasmī ti anānupassī.

Evaṃ vimutto udatāri oghaṃ atiṇṇapubbam apunabbhavāya.

Một vị A-la-hán mà đã đoạn tận các lậu hoặc thì được giải thoát từ phía trên (uddhaṃ), tức là sắc giới (rūpa dhātu) và vô sắc giới (arūpa dhātu) cũng như từ phía dưới (adho), tức là dục giới (kāma-dhātu) và cũng đối với tất cả các hành (sabbadhi); vị ấy được giải thoát trong ba loại giải thoát, đó là Trấn phục giải thoát (vikkhambhana-vimutti), Chánh đoạn giải thoát (samuccheda-vimutti) và Chỉ diệt giải thoát (paṭipassaddhi-vimutti). Vị La hán đã đoạn trừ các lậu hoặc (āsava) của mình, không còn thấy sai do mạn và tà kiến ( về năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức – rūpa, vedanā, saññā, saṇkhāra và viññāna) khi cho rằng “ Đây thực sự là Ta!” Vị La hán đã giải thoát như vậy trong tất cả mọi cách khỏi mười kiết sử và tất cả bất thiện pháp, đã vượt qua bốn Bộc lưu hay vòng nước xoáy của luân hồi mà vị ấy chưa bao giờ mơ được như vậy trước khi chứng đắc thánh Đạo. Vị ấy đã vượt qua bờ bên kia do sự tịch diệt hoàn toàn (anupādisesa-nibbāna) và trú an lạc ở đó vì không còn sự tái sanh nào nữa.

(Đây là bài trích dẫn từ bộ Pathama-Lakuṇḍaka Bhaddiya Sutta

Cūḷavagga, Udāna Pāḷi)

Những bài pháp khác được thuyết giảng bởi Trưởng lão Sāriputta

Như đã được mô tả trong bài kinh đầu tiên, khi thiền quán theo lời khuyến giáo đầu tiên được tiếp nhận (từ Trưởng lão Sāriputta), đại đức Lakuṇḍaka Bhaddiya chứng đắc đạo quả A-la-hán. Nhưng Trưởng lão Sāriputta không hay biết điều này (vì không quán xét), do đó cứ nghĩ rằng Bhaddiya vẫn còn là bậc thánh Hữu học. (Một hôm nọ), Trưởng lão thuyết pháp chi tiết đến vị ấy, cách để đạt đến đạo quả A-la-hán, bằng cách kéo dài thời gian thuyết pháp gấp đôi và bàn đến nhiều điểm khác như một thí chủ rất hào phóng, khi được hỏi xin một ít, thì cho nhiều hơn cái được xin. Về phần mình đại đức Lakuṇḍaka Bhaddiya không phản ứng bằng suy nghĩ: “Xét thấy rằng ta đã làm xong phận sự Sa-môn, việc thuyết giảng của vị ấy có ích lợi gì;” thay

vì thế, vị ấy lắng nghe thuyết pháp y như trước kia bằng tất cả sự tôn kính đối với Pháp bảo (dhamma-gārava).

Trông thấy tình huống như vậy, Đức Phật khi đang ngụ ở Jetavana tịnh xá trong thành Savatthi, đã nói ra câu kệ sau đây bằng năng lực thần thông của một vị Phật để Trưởng lão Sāriputta có thể biết về sự đoạn diệt các phiền não của Trưởng lão Lakuṇḍaka Bhaddiya :

Acchecchi vaṭṭaṃ vyagā nirāsaṃ visukkhā saritū’na sandati.

Chinnaṃ vaṭṭaṃ na yattati

eseva’nto dukkhassa.

Trong một vị La hán mà đoạn trừ các lậu hoặc (āsava), phiền não luân hồi (kilesa-vaṭṭa) bị đoạn tận. (Nên chú ý rằng sự đoạn tận phiền não luân hồi dẫn đến sự chặt đứt nghiệp luân hồi (kamma-vatta). Một vị La hán mà đoạn tận các lậu hoặc thì đạt đến hạnh phúc tối thượng của Niết bàn – không còn ái dục. Trong một vị La hán mà đã đoạn tận các lậu hoặc thì con sông phiền não của ái dục đã chảy bền bỉ bị khô cạn bởi mặt trời thứ tư của A-la-hán đạo theo cách mà năm con sông lớn bị khô cạn, do bởi sự sanh khởi của mặt trời thứ tư khi thế gian ở bên bờ của sự họai vong. (Ái dục (taṇhā), là nguyên nhân của đau khổ – samudaya-sacca. Cho nên sự đoạn diệt ái dục có nghĩa là sự đoạn diệt tất cả phiền não. Bởi vậy, ái dục được nhấn mạnh ở đây). Ái dục như con sông chẳng còn cách nào để tiếp tục tuôn chảy. Nghiệp luân hồi đã bị chặt đứt như cây to bị bứng tận gốc rễ không bao giờ lập lại trạng thái trước kia của nó. (Hãy nhớ rằng sự chặt đứt nghiệp luân hồi dẫn đến sự đoạn tận quả luân hồi (vipāka-vaṭṭa) mà nói theo cách khác có thể xảy ra trong tương lai). Sự vắng mặt quả luân hồi do sự đoạn tận phiền não và nghiệp luân hồi, là sự chấm dứt đau khổ.

(Đây là sự trích dẫn từ bài kinh thứ hai Lakuṇḍaka Bhaddiya, Cūla-vagga, Udāna Pāḷi).

Đức Phật thuyết giảng những đức tánh của
Trưởng lão Lakuṇḍaka Bhaddiya

Một hôm nọ, khi Đức Phật đang ngự ở tịnh xá Jetavana, thành Sāvatthi, có đông đảo tỳ khưu đến yết kiến Ngài. Lúc bấy giờ, trưởng lão Lakuṇḍaka Bhaddiya, sau khi đi khất thực cùng với những tỳ khưu khác trong một ngôi làng, độ thực, rửa bát, phơi khô bát, bỏ nó vào trong áo bát, mang nó trên vai bằng một sợi dây quàng. Trưởng lão cũng xếp lại chiếc y Tăng-già-lê và đắp lên vai trái. Trưởng lão có tất cả những cử chỉ khả ái như bước tới, bước lui, nhìn đằng trước, nhìn một bên, cúi xuống, duỗi ra, và hai mắt nhìn xuống. Vị ấy đi đến Đức Phật với tâm khéo tập trung bởi chánh niệm và tỉnh giác một cách thong thả.

Khi trưởng lão đi như vậy vị ấy không đi giữa các tỳ khưu khác mà đi theo sau họ. Lý do: ngài sống độc cư (eka-cārī). Sự giải thích khác: thân thấp bé xấu xí của trưởng lão đem lại sự chế nhạo và khinh thường của những tỳ khưu còn phàm phu như Nhóm lục sư (chabbaggiya-bhikkhu). Nhớ điều này, vị trưởng lão có tánh thận trọng nghĩ rằng: “ Cầu mong số ít những tỳ khưu phàm phu này đừng vì ta mà phát triển điều bất thiện!” Cho nên trưởng lão đi theo sau họ. Theo cách này các tỳ khưu và Trưởng lão đến Sāvatthi và đi vào Jetavana tịnh xá rồi đến chỗ Đức Phật.

Nhìn thấy từ xa dáng đi khả ái của Trưởng lão đang theo sau các tỳ khưu, Đức Phật khởi lên ý nghĩ như vầy: “ Những tỳ khưu này không biết về năng lực vĩ đại của con trai ta. Do đó một số tỳ khưu phàm phu này đã áp đảo con trai ta bằng những lời chế nhạo và khinh khi. Những hành động như vậy không đem lại cho họ lợi ích mà khiến cho họ đau khổ lâu dài. Bây giờ đã đến lúc để Như Lai lột tả những đức tánh của con trai ta cho họ biết và nhờ đó giải thoát cho con trai ta khỏi những hành động hống hách khinh khi của họ.” Bởi vậy Đức Phật hỏi các tỳ khưu: “ Này các tỳ khưu, các người có thấy vị tỳ khưu đi các ngươi không và bị một số tỳ khưu phàm Tăng ức hiếp bằng những lời châm chọc do bởi tướng thấp bé của vị ấy?” “ Vâng, chúng

con có thấy, bạch Thế Tôn,” các tỳ khưu trả lời. Khi ấy Đức Phật nói

rằng:

“ Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu này có năng lực thần thông to lớn. Không có tầng thiền nào mà vị ấy không nhập vào. ( Tức là tỳ khưu này đã trải qua tất cả các tầng thiền như rūpa-samāpatti, arūpa-samāpatti, brahmavihāra-samāpatti, nirodha-samāpatti, và phala-samāpatti. Qua lời tuyên bố này, việc Trưởng lão sở hữu các năng lực thần thông đã được nói rõ). Tự thân Trưởng lão đã chứng đắc đạo quả A-la-hán ngay trong kiếp sống hiện này do sự giác ngộ bằng trí tuệ phi thường – Đạo quả A-la-hán là mục tiêu cứu cánh của pháp hành vô song của bậc thánh được tầm cầu bởi những người thị tộc có sự chọn lựa đúng đắn để từ bỏ đời sống tại gia bước vào đời sống Sa-môn. (Nghĩa là vị ấy là một vị tỳ khưu luôn luôn nhập vào thiền A-la-hán quả định – Arahatta-phala samāpatti. Bằng sự tuyên bố này, sự sở hữu năng lực của Trưởng lão được hiển lộ). A-la-hán quả định (Arahatta-phala-samāpatti) được thọ hưởng bởi Trưởng lão; cho nên nó được gọi là oai lực của vị ấy (ānubhāva).”

Sau khi nói như vậy, Đức Phật tuyên kệ như sau:

Nelaṅgo setapacchādo, ekāro vattati ratho. anīghaṃ passa āyantaṃ chinnasotaṃ abandhanaṃ.

Hãy xem kỹ tấm thân này như chiếc xe kéo của con trai Lakuṇḍaka Bhaddiya của Như Lai. Nó bao gồm bánh xe, thành phần chính của chiếc xe ngang bằng với giới không tỳ vết của Đạo Quả A-la-hán; những đồ trải trên chiếc xe tương đương với sự giải thoát trắng tinh; trục của bánh xe tương đương chánh niệm vô song của Đạo Quả A-la-hán; tấm thân như chiếc xe của con trai Bhaddiya của Như Lai di chuyển khoan thai dù không có dầu mỡ bôi trơn. Khi đi theo sau đông đảo tỳ khưu; vị ấy không có phiền não khổ; tất cả dầu loang ái dục của vị ấy đã bị đoạn tận, vị ấy không còn trói buộc nào trong mười trói buộc.

Ở đây Đức Phật rất hoan hỉ do những đức tánh của Trưởng lão đến nỗi Ngài khuyên những người khác nên nhìn vào thân của Trưởng lão.

(Đây là trích đoạn từ bài kinh Apara Lakuṇḍaka Bhaddiya Sutta, Cūḷa-vagga, Udāna Pāḷi.)

Ngoài ra, những tài liệu và những bài thuyết giảng khác liên quan đến trưởng lão Lakuṇḍaka Bhaddiya có thể được ghi nhận từ bộ Dhammapada Pāḷi và Chú giải, bộ Theragāṭhā Pāḷi và Chú giải, v.v…

Sự hoạch đắc danh hiệu Etadagga

Về sau khi Đức Phật đang trú ngụ ở tịnh xá Jetavana và đang triệu tập cuộc họp. Đức Phật công bố về vị trưởng lão Lakuṇḍaka Bhaddiya như vầy:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ, bhikkhūnaṃ mañjussarānaṃ yadidam Lakuṇḍaka Bhaddiyo.

Này các tỳ khưu, Lakuṇḍaka Bhaddiya là Đệ nhất (etadagga) trong những đệ tử của Như lai có giọng nói ngọt ngào.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 10

Post Views: 692