ĐẠI TRƯỞNG LÃO MANTĀNIPUTTA PUṆṆA – cháy ngài Koṇḍañña

ĐẠI TRƯỞNG LÃO MANTĀNIPUTTA PUṆṆA – cháy ngài Koṇḍañña

ĐẠI TRƯỞNG LÃO MANTĀNIPUTTA PUṆṆA
(Tên gốc của trưởng lão là Puṇṇa. Vì vị ấy là con trai của người em gái của trưởng lão Koṇḍañña, là nữ Bà-la-môn Mantāṇī, nên vị ấy được gọi là trưởng lão Mantāni-putta Puṇṇa).

Nguyện vọng quá khứ

Trước khi Đức Phật Padumuttara xuất hiện, cách đây một trăm ngàn đại kiếp, vị thiện nam – đại đức Mantāni-putta tương lai, đã sanh vào trong gia đình của một vị trưởng giả Bà-la-môn trong kinh thành Haṃsavatī. Vào ngày đặt tên, cậu được cha mẹ và quyến thuộc đặt tên là Gotama.

Đến tuổi trưởng thành, thanh niên Bà-la-môn Gotama, con trai của vị trưởng giả Bà-la-môn, học Tam phệ đà và trở nên rành mạch trong tất cả các nghề thủ công. Khi đi khắp nơi cùng với năm trăm thanh niên (là học trò của vị ấy), vị ấy quán xét về các bộ Phệ đà và khi nhận thấy trong đó chẳng có phương pháp nào giúp thoát khỏi luân hồi, vị ấy khởi lên ý nghĩ: “ Giống như thân của cây chuối, những bộ Phệ đà này bên ngoài trông phẳng phiu nhưng bên trong không có lõi cứng. Ta đi khắp nơi gắn bó tha thiết vào chúng giống như hành động xay trấu mà hy vọng có gạo. Ba bộ Phệ đà này có lợi ích gì? Đối với ta, chúng chẳng có lợi ích gì cả.” Vị ấy lại nghiền ngẫm: “ Ta sẽ xuất gia làm đạo sĩ và tu tập thiền Tứ vô lượng tâm (brahma-vihara-jhāna). Là người không bị hoại thiền, ta sẽ được tái sanh vào cõi Phạm thiên.” Khi suy xét như vậy, vị ấy cùng với năm trăm thanh niên đồ đệ của mình đi đến chân của một ngọn đồi và sống đời đạo sĩ ở đó.

Các đồ đệ của ẩn sĩ Gotama đều là những ẩn sĩ tóc búi số lượng mười tám ngàn. Chính đạo sư Gotama đã thành tựu năm thắng trí và tám thiền chứng và đã giảng dạy cho mười tám ngàn đệ tử cách tu thiền. Do thực hành theo lời dạy của đạo sư, mười tám ngàn đệ tử cũng chứng được năm thắng trí và tám thiền chứng.

Cứ như vậy, thời gian trôi qua, ẩn sĩ Gotama già đi, Đức Phật Padumuttara đang sống giữa một trăm ngàn vị tỳ khưu và đi khất thực trong kinh đô quê hương của Ngài là Haṃsavatī. Một hôm lúc trời

hừng đông, Đức Phật quán xét thế gian, Ngài trông thấy tiềm năng của những đệ tử của ẩn sĩ Gotama.

Ngài cũng thấy trước rằng: “Trong chuyến viếng thăm của Ngài, ẩn sĩ Gotama sẽ phát nguyện danh hiệu Đệ nhất trong những người khéo công bố Chánh Pháp trong thời kỳ của Đức Phật đương lai.” Do đó Ngài vệ sinh thân thể, mang y bát và ra đi trong hình tướng một người bình thường rồi đứng ở lối vào ẩn xá của ẩn sĩ Gotama, trong khi các đệ tử của ẩn sĩ thì đi kiếm các loại rau và trái cây.

Dù vị ấy chưa biết rằng Đức Phật Padumuttara đã xuất hiện nhưng khi nhìn thấy Đức Phật từ xa, đạo sĩ Gotama đoán là bậc đại nhân : “ Xét về tánh chất toàn hảo trên thân của người khách cao quý này, một nhân vật như vậy có thể trở thành Chuyển luân vương nếu vị ấy sống cuộc đời thế tục; nhưng nếu vị ấy sống cuộc đời Sa-môn thì ngài sẽ trở thành một vị Phật Toàn giác phá tung mái nhà phiền não. Do đó người đang đi tới, xem ra là người đã thoát khỏi tam giới.” Ngay khi nhìn thấy Đức Phật, vị ấy cúi đầu rất mực tôn kính và nói rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, xin hãy vào lối này!” Khi nói vậy, vị ấy sắp xếp chỗ ngồi dâng đến Đức Phật. Đức Phật Padumuttara ngồi vào Phật tọa và thuyết pháp đến đạo sĩ Gotama.

Vào lúc ấy, các đệ tử, là những đạo sĩ tóc búi, trở về. Họ nghĩ: “ Chúng ta sẽ dâng những trái cây và quả ngon đến đạo sư và

chúng ta sẽ chỉ ăn những gì còn lại,” nhưng họ ngạc nhiên nhìn thấy Đức Phật ngồi trên cao và đạo sư của họ ngồi ở chỗ thấp hơn.

“ Hãy xem, chúng ta đã từng đi khắp nơi với ý nghĩ rằng không có ai khác cao quý hơn đạo sư của chúng ta trên thế gian này. Giờ đây chúng ta đã thấy rõ một nhân vật vĩ đại khiến đạo sư của chúng ta phải ngồi ở chỗ thấp hơn, và chính vị ấy thì ngồi ở chỗ cao hơn. Nhân vật cao quý này chắc là bậc đáng kính nhất!” Khi nghĩ vậy, họ đi đến mang theo những giỏ trái cây của họ. Đạo sư Gotama e rằng các đệ tử có thể đảnh lễ vị ấy trước mặt Đức Phật, thế nên từ xa vị ấy bảo họ: “ Này các đệ tử, đừng làm lễ ta! Bậc Tối thượng trong thế giới hữu tình, cùng với chư thiên và Phạm thiên, là bậc Ứng cúng xứng đáng được tất cả đảnh lễ. Hãy làm lễ Ngài!” Tin vào đạo sư của họ rằng vị ấy

không bao giờ nói điều không biết, tất cả họ cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Phật.

“ Này các đệ tử, ta không có vật thực nào khác để cúng dường Đức Phật. Chúng ta hãy cúng dường Ngài những trái cây và các loại củ quả này.” Khi nói vậy vị ấy chọn những trái cây và củ quả ngon đặt vào bát của Đức Phật. Chỉ khi nào Đức Phật đã độ thực xong, thì ẩn sĩ và các đệ tử của vị ấy mới ăn phần của họ.

Sau khi dùng xong trái cây, Đức Phật nguyện: “ Mong rằng hai vị Thượng thủ Thinh văn đi đến Ta dẫn theo một trăm ngàn vị tỳ khưu.” Vào lúc ấy vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Mahādevala đang suy xét: “ Đức Thế Tôn đã đi đâu?” và khi biết rằng: “ Đức Phật muốn chúng ta đến viếng Ngài,” vị ấy xuất hiện trước Đức Phật, cùng với một trăm ngàn vị tỳ khưu, đứng cúi đầu.

Đạo sư Gotama nói với các đệ tử của vị ấy: “ Này các đệ tử, chúng ta không có gì để cúng dường chúng Tỳ khưu. Họ không có sự chọn lựa nào ngoài việc đứng một cách khổ sở. Chúng ta hãy làm những chỗ ngồi bằng hoa dành cho chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu. Hãy nhanh chóng mang đến các loại hoa dưới nước cũng như ở trên đất!” Các đạo sĩ đệ tử ngay tức thì dùng thần thông của họ mang đến những bông hoa đẹp và thơm ngát từ dưới chân của ngọn đồi. Và giống như cách được trình bày trong câu chuyện về trưởng lão Sāriputta, họ đã làm những chỗ ngồi bằng hoa. (Sự nhập thiền diệt (nirodha-samāpatti-jhāna) của Đức Phật và chúng Tăng của Ngài, việc cầm những cái lọng hoa che cho các ngài do các ẩn sĩ và tất cả những chi tiết khác nên được hiểu giống như cách đã được nêu ra trong câu chuyện về trưởng lão Sāriputta).

Vào ngày thứ bảy khi Đức Phật xuất khỏi thiền Diệt thọ tưởng định (nirodha-samāpatti-jhāna), Ngài trông thấy các ẩn sĩ ở quanh Ngài và bảo vị tỳ khưu đạt được danh hiệu Tối thắng (etadagga) thuyết pháp: “ Này con, những ẩn sĩ này đã có sự tôn kính to lớn. Con hãy thuyết pháp cho họ để tùy hỉ công đức cúng dường những chỗ ngồi bằng hoa.” Vị A-la-hán, tôn kính phụng hành và thuyết pháp sau khi quán xét về Giáo pháp. Vào lúc kết thúc thời pháp, Đức Phật đích

thân thuyết giảng phương pháp dẫn đến sự chứng đắc Đạo Quả bằng giọng nói như của Phạm thiên. Khi kết thúc thời pháp mười tám ngàn đạo sĩ tóc búi chứng đắc đạo quả A-la-hán ngoại trừ đạo sư Gotama.

Tuy nhiên vị đạo sư này không thể giác ngộ Thánh đế trong kiếp sống ấy, vị ấy hỏi Đức Phật: “ Bạch Đức Thế Tôn, vị tỳ khưu vừa thuyết pháp là ai?” Khi Đức Phật trả lời: “ Này ẩn sĩ Gotama, vị tỳ khưu mà thuyết pháp đầu tiên là người đạt danh hiệu Tối thắng (etadagga) trong các tỳ khưu có khả năng khéo thuyết giảng trong giáo pháp của Như Lai,” ẩn sĩ Gotama bèn nói rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, do kết quả phước phục vụ của con (adhikāra) đến Ngài, xin cho con, giống như vị tỳ khưu thuyết pháp lúc đầu, được danh hiệu Tối thắng (etadagga) trong những giảng sư xuất sắc trong giáo pháp của một vị Phật tương lai.” Sau khi phát nguyện như vậy, vị ấy nằm sấp dưới chân của Đức Phật.

Đức Phật quán xét về tương lai và thấy rằng ước nguyện của ẩn sĩ Gotama sẽ được thành tựu. Do đó, Ngài tiên tri: “ Sau một trăm ngàn đại kiếp trong tương lai, Đức Phật Gotama sẽ xuất hiện. Khi ấy ngươi sẽ trở thành người Tối thắng trong những vị tỳ khưu giảng pháp xuất sắc.” Và Ngài gọi các đệ tử ẩn sĩ mà đã trở thành những bậc A-la-hán: “ Hãy đến, này các tỳ khưu!” (Etha bhikkhavo!) Khi ấy tóc râu của tất cả những ẩn sĩ đều biến mất (mà không cần cạo). Ngay lập tức, họ có đủ y bát được tạo ra bởi năng lực thần thông của họ. Tướng mạo đạo sĩ của họ biến mất và họ trở thành những vị tỳ khưu giống như những vị đại trưởng lão có sáu mươi hạ lạp hay tám mươi tuổi. Đức Phật Padumuttara trở về tịnh xá dẫn theo toàn bộ chúng tỳ khưu.

Đời sống xuất gia trong kiếp chót

Sau khi tạo nhiều công đức cúng dường Đức Phật cho đến hết cuộc đời và những thiện sự khác bằng hết khả năng, ẩn sĩ Gotama chỉ tái sanh trong cõi chư thiên và nhân loại suốt một trăm ngàn đại kiếp. Đến thời kỳ xuất hiện của Đức Phật chúng ta, vị ấy tái sanh trong gia

đình của một vị trưởng giả Bà-la-môn trong ngôi làng Bà-la-môn Doṇavatthu. Cậu bé được cha mẹ và quyến thuộc đặt tên là Puṇṇa.

Sau khi chứng đắc A-la-hán đạo trí và Nhất thiết trí, Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên và trên bước đường du hóa, Ngài đã lưu trú ở một vài nơi và lấy thành Rājagaha làm nơi khất thực. Trong khi Đức Phật đang lưu trú ở đó, thì trưởng lão Annasi Koṇḍañña đi đến ngôi làng Bà-la-môn Donavatthu, gần Kapilavatthu, và đã truyền phép xuất gia cho chàng trai Puṇṇa, là cháu trai kêu bằng cậu và dạy cách hành pháp của vị tỳ khưu. Ngày hôm sau, trưởng lão Koṇḍañña đến yết kiến Đức Phật, sau khi tôn kính đảnh lễ và xin phép, vị ấy đi đến khu rừng Chaddanta, ngụ nơi đó cho đến chết.

Tuy nhiên, trưởng lão Puṇṇa Mantani-putta không đi theo ông cậu đến yết kiến Đức Phật, vì nghĩ rằng: “ Ta sẽ đi đến yết kiến Đức Phật chỉ sau khi ta chứng đắc đạo quả A-la-hán, là đỉnh cao của các phận sự Sa-môn.” Thế nên,vị ấy ở lại kinh thành Kapilavatthu. Và nhờ nỗ lực tinh tấn vượt bậc, vị ấy đã sớm chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Có năm trăm thiện nam tử xuất gia với trưởng lão Mantani-putta. Vì vị ấy thực hành theo mười loại ngữ (kathā-vatthu)*, đối với năm trăm vị tỳ khưu vị ấy cho lời khuyến giáo liên quan đến mười loại ngữ này. Do được an trú trong lời khuyến giáo của vị thầy, tất cả năm trăm vị tỳ khưu đã nỗ lực tu

Mười loại ngôn ngữ (kathā-vatthu) là:

apiccha-kathā, lời nói liên quan đến thiểu dục.

santaṭṭhi-kathā, lời nói liên quan đến tri túc.

paviveka-kathā, lời nói liên quan đến viễn ly.

asaṃsagga-kathā, lời nói liên quan đến sự thoát ly năm đối tượng tiếp xúc.

vīriya-kathā, lời nói liên quan đến sự tinh tấn.

sīla-kathā, lời nói liên quan đến giới.

samādhi-kathā, lời nói liên quan đến thiền định.

paññā-kathā, lời nói liên quan đến trí tuệ,

vimitthu-kathā, lời nói liên quan đến giải thoát và

paccavekkhaṇā-kathā, lời nói liên quan đến tuệ quán sát.

(Vì vị ấy chuyên chú vào mười loại lời nói này, nên vị ấy cho lời khuyến giáo bằng mười loại ngữ này đến những tùy tùng của vị ấy).

tập để thành tựu viên mãn những phận sự Sa-môn và chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Khi biết về đỉnh cao (Đạo quả A-la-hán) trong sự thực hành các phận sự Sa-môn, năm trăm vị tỳ khưu đi đến vị thầy tế độ (upajjhāya), trưởng lão Mantāṇi-putta, và hầu hạ vị ấy. Họ nói rằng : “ Kính bạch thầy, những phận sự Sa-môn của chúng con đã đạt đến đỉnh cao là đạo quả A-la-hán. Chúng con cũng thực hành mười loại lời nói một cách dễ dàng. Đã đến lúc chúng con yết kiến Đức Thế Tôn.” Khi nghe những lời trình của các tỳ khưu, trưởng lão suy nghĩ: “Đức Thế Tôn biết rõ sự thực hành dễ dàng của ta về mười loại lời nói. Khi thuyết giảng, ta luôn luôn ứng dụng nó trong bài thuyết giảng. Nếu bây giờ ta đi với họ, chắc chắn họ sẽ vây quanh ta. Khi yết kiến Đức Phật với hội chúng tỳ khưu như vậy, thật không thích hợp cho ta. Hãy để họ đi yết kiến bậc đạo sư trước.” Nghĩ vậy, vị ấy nói: “ Này các hiền giả, các vị hãy đi trước và yết kiến bậc Đạo sư trước tôi. Hãy nhân danh tôi mà đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn. Tôi sẽ theo sau các vị.”

Năm trăm vị tỳ khưu là cư dân của kinh đô Kapilavatthu, nơi Đức Phật đản sanh, tất cả là những vị A-la-hán đã thoát khỏi các lậu hoặc và đã thành tựu dễ dàng mười loại lời nói, không rời xa lời khuyến giáo của thầy tế độ. Họ đến tịnh xá Veḷuvana, thành Rājagaha sau khi đi được sáu mươi do tuần. Sau khi đảnh lễ dưới chân Đức Phật, họ ngồi ở nơi thích hợp.

Vì thông lệ (dhammatā-aciṇṇa) của chư Phật là trao đổi những lời chào hỏi với khách nên Đức Phật đã nói những lời giới thiệu ngọt ngào bằng cách hỏi: “ Này các tỳ khưu, các con khỏe không? Các con có an vui không?” v.v… Ngài cũng hỏi: “ Các con từ đâu đến?” “Chúng con đến từ xứ Kapilavatthu, nơi Ngài đản sanh,” các vị tỳ khưu đáp lại. Khi ấy Đức Phật hỏi: “ Trong số các vị tỳ khưu của xứ Kapilavatthu, nơi sanh của Như Lai, ai được các vị tỳ khưu đồng

phạm hạnh khen ngợi rằng vị ấy là người thiểu dục nên nói pháp liên quan đến thiểu dục?” Vốn là vấn đề ưu tiên, Đức Phật hỏi câu hỏi này về vị tỳ khưu thực hành mười loại ngữ một cách dễ dàng. Năm trăm vị tỳ khưu đồng loạt trả lời : “ Bạch Đức Thế Tôn, chính là đại đức Mantāṇi-putta.” Khi nghe câu trả lời, trưởng lão Sāriputta rất tha thiết được gặp trưởng lão Mantāṇi-putta Puṇṇa.

Sau đó Đức Phật đi đến Sāvatthi từ Rājagaha. Khi hay tin chuyến viếng thăm Sāvatthi của Đức Phật, trưởng lão Puṇṇa một mình đi đến Sāvatthi và gặp trực tiếp Đức Phật (mà không có vị tỳ khưu nào dẫn đi). Đức Phật thuyết cho vị ấy một bài pháp liên quan đến mười loại lời nói (kathā-vatthu). Sau khi lắng nghe bài pháp, trưởng lão cung kính đảnh lễ Đức Phật, và đi đến khu rừng Andhavana để trú ngụ một mình và trải qua một ngày dưới cội cây. Khi nghe tin trưởng lão đang trên đường đi đến Andhavana, trưởng lão Sāriputta bèn đi theo vị ấy, liên tục nhìn cái đầu của trưởng lão từ đằng sau vì e bị mất dạng vị ấy. Sau khi chờ đợi cơ hội, trưởng lão Sāriputta vào buổi chiều đi đến cội cây (nơi mà trưởng lão Puṇṇa đang trú ngụ). Sau khi nói lời chào hỏi vị ấy, trưởng lão Sāriputta bèn hỏi vị ấy một loạt bảy pháp thanh tịnh (visuddhi). Trưởng lão Puṇṇa đã trả lời từng câu hỏi do trưởng lão Sāriputta đặt ra. Rồi hai bên bày tỏ sự ngưỡng mộ lẫn nhau về pháp thọai (Chi tiết của bài này được tìm thấy trong bài kinh Rathavinīta, Opamma Vagga, Mūlapaṇṇāsa thuộc Majjhima Nikāya.)

(b) Sự hoạch đắc danh hiệu Eetagadda

Một thời gian sau, trong cuộc họp chúng Tăng, Đức Phật tán thán

trưởng lão Mantāṇi-putta:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ dhammakathikānaṃ yad idaṃ Puṇṇo Mantāṇi-putto.

Này các tỳ khưu, trong số những tỳ khưu đệ tử của Như Lai thuyết giảng chánh pháp thì Puṇṇo Mantāṇi-putta là tối thắng.

Khi nói vậy, Đức Phật đặt trưởng lão vào địa vị Tối thắng

(etadagga) trong những giảng sư xuất sắc.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 22

Post Views: 667