ĐẠI TRƯỞNG LÃO PIṆḌOLA BHĀRADVĀJA – đệ nhất về rống tiếng rống sư tử ( người tầm cầu vật thực ăn tham)

ĐẠI TRƯỞNG LÃO PIṆḌOLA BHĀRADVĀJA – đệ nhất về rống tiếng rống sư tử ( người tầm cầu vật thực ăn tham)

ĐẠI TRƯỞNG LÃO PIṆḌOLA BHĀRADVĀJA

Nguyện vọng trong quá khứ

Piṇḍolabhāradvāja đương lai sanh trong gia đình loài sư tử trong thời kỳ của Đức Phật Padumuttara và đi lại để tìm kiếm vật thực dưới chân của một ngọn núi. Một buổi sáng nọ, khi Đức Phật dò xét thế gian, Ngài trông thấy sư tử có những tiềm năng để chứng đắc Đạo, Quả và Niết bàn. Do đó Đức Phật đi khất thực trong kinh thành Haṃsavati và vào buổi chiều, trong khi sư tử đang đi tìm mồi, Đức Phật đi vào hang của sư tử và nhập thiền Diệt thọ tưởng định (nirodha-samāpatti) trong tư thế ngồi kiết già giữa không trung.

Khi sư tử kiếm mồi trở về và đứng ở lối vào hang, trông thấy Đức Phật đang ngồi một cách kỳ diệu giữa không trung, nó khởi lên ý nghĩ như vầy: “ Người đàn ông mà đã đến chỗ ở của ta có khả năng ngồi như thế. Con người cao quý này chắc hẳn là vĩ đại và đáng kính. Vì đáng tôn kính, Ngài mới có khả năng ngồi kiết già giữa không trung ở trong hang. Ánh sáng từ thân của Ngài cũng tỏa sáng khắp nơi. Ta chưa bao giờ trông thấy sự kỳ diệu như vậy. Nhân vật cao quý này chắc phải là bậc Tối thắng nhất trong những bậc đáng tôn kính. Ta cũng nên tôn kính Ngài bằng hết khả năng của ta.” Nghĩ vậy, sư tử mang về tất cả những loại hoa ở trên đất và dưới nước từ trong rừng và rải chúng xuống đất cao lên đến chỗ Đức Phật đang ngồi. Rồi nó đến đứng trước Đức Phật tỏ sự tôn kính Ngài. Hôm sau, nó bỏ đi số hoa cũ và thay vào đó số hoa mới để cúng dường Đức Phật.

Theo cách này, sư tử kết tràng hoa thành những chỗ ngồi trong bảy ngày và nó rất hoan hỷ. Cùng lúc ấy, nó canh giữ cổng hang động để tôn vinh Đức Phật. Vào ngày thứ bảy, Đức Phật xuất khỏi thiền Diệt (nirodha-samāpatti) và đứng ở cổng hang. Sư tử nhiễu quanh Ngài ba vòng theo chiều bên phải và đảnh lễ Ngài ở bốn điểm (đông, tây, nam và bắc) rồi đứng yên sau khi lùi bước.

Đức Phật, biết rằng những hành động tạo phước như vậy là đủ duyên để sư tử có thể chứng đắc Đạo Quả trong tương lai, nên Ngài bay lên không trung và trở về tịnh xá.

Kiếp sanh làm con trai của vị trưởng giả

Về phần sư tử, vì không còn được gặp Đức Phật, nên nó rất sầu khổ và sau khi chết nó tái sanh trong gia đình của một vị trưởng giả trong kinh thành Haṃsavatī. Đến tuổi trưởng thành, vào một hôm, cậu ta tháp tùng mọi người và trong khi nghe Đức Phật thuyết pháp, cậu ta thấy Ngài công bố về một vị tỳ khưu là Tối thắng trong những người nói một cách vô úy về Đạo và Quả. Giống như trường hợp của những vị Đại trưởng lão trước, người con trai của vị trưởng giả đã tổ chức đại

thí (māha-dāna) cúng dường Đức Phật trong bảy ngày và phát nguyện được địa vị tương tự trong tương lai.

Khi thấy rằng ước nguyện của vị thiện nam kia sẽ được thành tựu, Đức Phật bèn nói lời tiên tri cho vị ấy. Sau khi tín thọ lời tiên tri, người con trai của vị trưởng giả đã làm các thiện sự đến hết cuộc đời. Thân họai mạng chung, suốt một trăm ngàn đại kiếp vị ấy không bị đọa vào các khổ cảnh mà chỉ tái sanh luân hồi trong hai cõi chư thiên và nhân loại.

Kiếp cuối cùng xuất gia Sa môn

Sau khi tái sanh trở đi trở lại trong hai cõi chư thiên và nhân loại, Piṇḍola tái sanh trong gia đình của một vị Bà-la-môn giàu có trong kinh thành Rājagaha, vào thời của Đức Phật hiện tại và có tên là Bhāradvāja.

Tên Piṇḍola Bhāradvāja

Khi Bhāradvāja lớn lên, cậu ta học về Tam Phệ đà và sau khi đã hoàn tất việc học, cậu ta trở thành một giáo sư đi khắp nơi và giảng dạy cho năm trăm thanh niên Bà-la-môn. Vì là giáo sư nên tại các chỗ phục vụ ăn uống, vị ấy tự mình lấy đồ ăn một cách xông xáo. Do tánh hơi tham ăn, vị ấy cùng với các môn sinh của mình tìm đồ ăn một cách thô tháo, miệng luôn hỏi: “Cháo ở chỗ nào? Cơm ở chỗ nào?” Vì là một du sĩ và đến đâu cũng tỏ thái độ tham ăn, nên vị ấy được gọi là Piṇḍola Bhāradvāja, “Bhāradvāja người tầm cầu vật thực.”

Tên cũ vẫn còn dù đã xuất gia

Một thời gian sau, Piṇḍola Bhāradvāja gặp rủi ro về kinh tế và trở nên nghèo túng. Một hôm, Đức Phật đi đến Rājagaha và thuyết pháp. Sau khi nghe pháp, chàng trai Bà-la-môn phát triển niềm tin và xuất gia làm tỳ khưu.

Những người mà xuất gia trong Tăng chúng thường được gọi theo tên thị tộc của họ. Do đó vị tỳ khưu này lẽ ra được gọi là Bhāradvāja, nhưng không được gọi như vậy, thay vào đó vị ấy được gọi là trưởng lão Piṇḍola Bhāradvāja. Lý do là như thế này: vị ấy mang một cái bát giống như cái nồi và ăn hết một bát cháo đầy, hoặc một bát đầy bánh hay một bát đầy cơm. Sau đó các tỳ khưu trình Đức Phật về tật ham ăn của vị tỳ khưu ấy.

Đức Phật cấm không cho vị ấy xử dụng áo đựng bát. Bởi vậy vị tỳ khưu tội nghiệp kia phải úp cái bát để dưới chiếc giường. Khi cất cái bát, vị ấy đẩy nó vào gầm giường phát ra tiếng kêu sột soạt do va chạm giữa miệng bát và đất cứng. Khi vị ấy lấy nó ra cũng vậy. Thời gian trôi qua, vì cái bát bị ma sát nhiều lần nên kích cỡ to lớn ban đầu của nó trở thành cái bát có dung tích chứa cơm bằng một ambaṇa của lượng gạo chưa nấu. Rồi các tỳ khưu trình vấn đề lên Đức Phật, từ đó trở đi Ngài cho phép trưởng lão sử dụng áo bát. Như vậy trưởng lão giống như người xuất gia vì vật thực, cho nên được gọi là Piṇḍola; vì họ Bhāradvāja nên vị ấy được đặt tên là Bhāradvāja. Sau khi trở thành tỳ khưu, vị ấy cũng được gọi là Piṇḍola Bhāradvāja.

Về sau khi nỗ lực tu tập về ngũ căn (indriya-bhāvanā), vị ấy chứng đắc đạo quả A-la-hán và trở thành bậc Ứng cúng.

Sau khi chứng đắc đạo quả A-la-hán, vị ấy đi từ chỗ ngụ này đến chỗ ngụ khác, từ tịnh xá này đến tịnh xá khác mang một cây sắt cong như cái chìa khóa và dũng cảm gầm lên tiếng rống của con sư tử: “ Những ai nghi ngờ về Đạo và Quả thì hãy đến hỏi ta!” ( Bài trình bày chi tiết về điều này được tìm thấy trong bài kinh Piṇḍolabhāradvāja, Jarāvagga, Indriya-saṃyutta, trong bộ Mahāvagga thuộc Saṃyutta Nikāya.)

Một hôm, sau khi dùng thần thông lấy xuống cái bát bằng gỗ đàn hương được treo trong không trung từ đỉnh của cây tre được kết bởi nhiều cái sào tre cao sáu mươi hắc tay, do một vị trưởng giả của thành Rājagaha. Được nhiều người vây quanh vỗ tay khen ngợi, trưởng lão đi đến tịnh xá Trúc lâm (Veḷuvana) và đặt cái bát trong tay Đức Phật. Tuy biết rõ điều ấy, nhưng Đức Phật vẫn hỏi: “ Này con

Bhāradvāja, con lấy cái bát này ở đâu?” Khi trưởng lão giải thích vấn đề thì bậc Đạo sư bèn nói: “ Này con, sau khi khoe pháp của bậc cao nhân, (uttarimanussa-dhamma) tức là thiền (jhāna), đạo (magga) và quả (phala) mà vượt trội mười thiện nghiệp của con người (kusala-kamma-patha) (chỉ vì lợi lộc không đáng), con đã làm điều không nên làm!” Mở đầu bằng những lời này, Đức Phật quở trách trưởng lão bằng nhiều cách và ban hành điều luật cấm khai triển thần thông. (Bài chi tiết của phần này nằm trong cuốn 3 của bộ Đại Phật Sử).

Sau đó ba nội dung của pháp thoại khởi lên trong các vị tỳ khưu về những ân đức của trưởng lão: (1) Đại đức Piṇḍola Bhāradvāja, được gọi là Satinādiya Mahāthera, vì vị ấy có thói quen ăn nói mạnh dạn, vào ngày chứng đắc đạo quả A-la-hán, đã công bố một cách dũng cảm: “Những ai có những mối hoài nghi về Đạo và Quả, hãy để họ đến hỏi ta!” (2) “Vị ấy đã trình lên Đức Phật về sự chứng đắc đạo quả A-la-hán của mình trong khi các trưởng lão khác thì im lặng.” (3) “ Trưởng lão có thói quen nói lời dạn dĩ và tạo ra sự hoan hỉ trong mọi người. Vị ấy bay lên không trung và lấy cái bát bằng gỗ đàn hương của vị trưởng giả kinh thành Rājagaha.” Các vị tỳ khưu bạch lên Đức Phật về ba đức tánh này.

Theo thông lệ của chư Phật là khiển trách điều gì cần được khiển trách và tán dương điều gì cần được tán dương, Đức Phật chỉ chọn lựa điều gì đáng tán dương, Ngài đã nói lời tán dương như sau:

“ Này các tỳ khưu, do tu tập ba căn và do quán niệm chúng nhiều lần, tỳ khưu Bhāradvāja đã công bố đạo quả A-la-hán của vị ấy, nói rằng ‘ Tôi biết rằng không còn sự tái sanh nào nữa đối với tôi, tôi đã tu tập pháp hành của bậc thánh, điều gì cần làm đã được làm xong và tôi chẳng còn gì phải làm liên quan đến Đạo!

“ Thế nào là ba căn? Niệm căn (santindriya), Định căn (samādhindriya) và Tuệ căn (paññ’indriya), do tu tập và quán xét chúng nhiều lần lập đi lập lại, vị ấy đã công bố về sự chứng đắc đạo quả A-la-hán của mình, nói rằng ‘ Tôi biết rằng không còn sự tái sanh nào nữa đối với tôi, tôi đã tu tập pháp hành của bậc thánh, điều gì cần

làm đã được làm xong và tôi chẳng còn gì phải làm liên quan đến Đạo!’

“ Này các tỳ khưu, ba căn này chấm dứt ở chỗ nào? Chúng chấm dứt trong việc tạo ra sự đoạn diệt. Đoạn diệt cái gì ? Đoạn diệt sự tái sanh, sự già và chết. Này các tỳ khưu, vì vị ấy biết rõ rằng vị ấy không còn bị tái sanh, già và chết, nên tỳ khưu Bhāradvāja nói về đạo quả A-la-hán của mình: ‘ Tôi biết rằng không còn sự tái sanh nào nữa đối với tôi, tôi đã tu tập pháp hành của bậc thánh, điều gì cần làm đã được làm xong và tôi chẳng còn gì phải làm liên quan đến Đạo!”

Đức Phật đã nói như vậy để tán dương trưởng lão Piṇḍola Bhāradvāja.

Chính vị Đại đức trưởng lão này đã thuyết pháp đến vua Udena của nước Kosambi và an trú cho vị ấy trong Tam Bảo. (Hãy xem bản dịch của phẩm Saḷāyatana Vagga của Saṃyutta Nikāya để biết thêm chi tiết về điều này).

(c ) Sự hoạch đắc danh hiệu Etadagga

Về sau trong buổi lễ ban danh hiệu Etadagga cho các tỳ khưu, Đức Phật nói lời tán dương trưởng lão Piṇḍola Bhāradvāja như sau:

“ Này các tỳ khưu, trong số những tỳ khưu đệ tử của Như Lai, người mà nói lời dạn dĩ như tiếng rống con sư tử, thì tỳ khưu Piṇḍola Bhāradvāja là tối thắng (etadagga)!”

Như vậy Đức Phật đã chỉ định đại đức Piṇḍola Bhāradvāja là người tối thắng về Sīnhanādika, “người tạo ra tiếng rống con sư tử.”

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 34

Post Views: 916