ĐẠI TRƯỞNG LÃO RAṬṬHAPĀLA ( người bạn thời thơ ấu của Rahula) – đệ nhất về hạnh xuất gia vì lòng tin

ĐẠI TRƯỞNG LÃO RAṬṬHAPĀLA ( người bạn thời thơ ấu của Rahula) – đệ nhất về hạnh xuất gia vì lòng tin

ĐẠI TRƯỞNG LÃO RAṬṬHAPĀLA

Nguyện vọng quá khứ

Trong thời gian đầu đại kiếp của Đức Phật Padumuttara, Rāhula tương lai và Raṭṭhapāla tương lai đều sanh vào trong những gia đình khá giả thành Haṃsāvatī. ( Tên và dòng tộc của họ khi lớn lên không được nêu ra trong những bộ Chú giải cổ).

Khi đến tuổi trưởng thành, họ lập gia đình và khi cha mẹ qua đời, họ trở thành gia chủ. Khi lấy tài sản từ những người quản gia, tài sản của họ nhiều đến mức ngoài sự tưởng tượng mà họ đã thừa hưởng. Họ nghiền ngẫm: “Tổ tiên của chúng ta đã tích lũy khối tài sản khổng lồ nhưng không thể đem theo khi họ rời khỏi cuộc đời này. Về phần chúng ta, chúng ta sẽ đem chúng sang kiếp sau bằng mọi cách. Bởi vậy họ bắt đầu bố thí. Họ dựng lên những ngôi nhà phát chẩn ở bốn

khu vực (tại bốn cồng thành, theo bản dịch của Sri Lanka), nơi đây tất cả những nhu cầu cần thiết dành cho người neo đơn nghèo khổ và khách bộ hành đều được cung cấp rộng rãi.

Trong hai người bạn, một người có thói quen dò xét nhu cầu của những người thọ thí đến nhận lãnh của bố thí và cho đúng số lượng của nhu cầu, và do đó vị ấy được gọi là Āgatapāka, hay ‘ Người cho sáng suốt’. Còn người bạn kia thì không bao giờ hỏi về nhu cầu của người nhận mà để họ lấy tùy thích, và vì vậy vị ấy được gọi là Anaggapāka, ‘ Người cho hào phóng’.

Vào một buổi sáng sớm, hai người bạn ra khỏi ngôi làng để rửa mặt. Lúc bấy giờ, có hai vị đạo sĩ đã chứng đắc các pháp thần thông, đến từ núi Himalaya bằng con đường hư không để khất thực, đáp xuống một nơi không cách xa hai vị trưởng giả kia. Họ tự làm họ thành vô hình và đứng ở một bên đường. Họ chỉ cho mọi người nhìn thấy khi đi vào ngôi làng với bát và những lọ đựng nước để khất thực. Hai vị trưởng giả đến gần, đảnh lễ các vị đạo sĩ và các vị đạo sĩ hỏi: “Các vị đại phước, đến đây khi nào?” Và hai vị trưởng giả đáp lại, “ Thưa chư đại đức, chúng con vừa mới đến.” Rồi mỗi vị trưởng giả thỉnh một vị đạo sĩ đến nhà của mình, dâng cúng vật thực. Sau đó họ thỉnh cầu và nhận được sự hứa khả của hai vị đạo sĩ là sẽ đến thọ lãnh vật cúng dường mỗi ngày, kể từ đó.

Một trong hai vị đạo sĩ ( mà đã đồng ý làm người thọ thí đều đặn của Rāhula tương lai) có vẻ thản nhiên, và để làm mát thân nhiệt vị ấy thường trải qua thời gian cả ngày ở cõi của vị Long vương, tên Pathavindhara, nằm ở bên dưới đại dương. Vị đạo sĩ đi xuống bằng cách làm cho nước biển rẽ ra thành lối đi khô ráo. Sau khi chơi dưới nước, nơi vị ấy thọ hưởng khí hậu mát mẻ, trở về cõi người, một dịp nọ, vị ấy nói lời tán dương sự cúng dường vật thực hằng ngày. Sau khi nghe nhắc đi nhắc lại về cõi của long vương Pathavindhara, thí chủ lấy làm tò mò muốn biết câu nói ấy có ý nghĩa gì. Vị đạo sĩ bèn giải thích cho ông ta, “ À, ước muốn của chúng tôi là thí chủ cũng vĩ đại như vị Long vương có tên Pathavindhara” và nói cho vị thí chủ biết tánh chất vĩ đại của chúa rồng ở dưới biển. Từ ngày ấy trở đi tâm của Rāhula

tương lai thiên về kiếp sống của Long vương theo như sự mô tả của vị đạo sĩ.

Vị đạo sĩ kia thường trải qua thời gian cả ngày ở lâu đài của vị thiên, tên Serisaka, đứng trước cây đại thọ của chư thiên trong cõi Tāvatiṁsa. Và vị đạo sĩ trông thấy cung điện của vua trời Sakka, đã đề cập đến nó trong lời nói tán dương và chúc mừng sự cúng dường vật thực hằng ngày mà vị ấy thọ lãnh ở nhà của Raṭṭhapala tương lai. Khi thí chủ yêu cầu đạo sĩ giải thích rằng đang nói đến cái gì, thì đạo sĩ đã giải thích cho thí chủ biết về tánh chất vĩ đại của Sakka và ước muốn của vị ấy là mong cho thí chủ cũng vĩ đại như Sakka. Từ đó trở đi Raṭṭhapala tương lai có tâm ao ước trạng thái chư thiên của Sakka.

Khi hai người bạn giàu có mạng chung từ kiếp sống ấy, người có tâm ao ước kiếp sống của vị Long vương được tái sanh làm Long vương Pathavindhara và người ao ước kiếp sống của Sakka thì được tái sanh làm Sakka trong cõi Tāvatiṁsa.

Nguyện vọng quá khứ của Rāhula tương lai

Ngay khi tái sanh làm Long vương, Pathavindhara nhìn vào thân của mình và cảm thấy hối tiếc rằng đã thực sự trở thành một loài bò sát. Vị ấy suy nghĩ về cái nhìn hạn hẹp của người thầy là vị đạo sĩ trong kiếp trước: “ À, ông thầy của ta xem ra chẳng biết lý tưởng nào cao siêu cho ta hơn là kiếp sống của loài bò sát.” Ngay khi ấy, vị ấy được hầu hạ bởi một đoàn vũ nữ và nhạc sĩ rồng, tất cả đều mặc y phục của chư thiên, họ ở đó để giúp vui cho vị ấy bất cứ chỗ nào có mặt vị ấy. Rồi vị ấy được mang tướng mạo của một vị thiên nam, hình tướng của loài bò sát đang bị loại bỏ.

Một điều có ý nghĩa trong kiếp sống của vị rồng (nāga) là Pathavindhara phải có mặt trong đoàn tùy tùng của long vương Virūpakkha, để tham dự trong những cuộc họp mỗi nửa tháng do Sakka chủ tọa, ở đó bốn vị Thiên vương làm lễ bày tỏ sự tôn kính đến vua của chư thiên. Sakka thấy người bạn cũ Pathavindhara ngay từ xa và nhận ra vị ấy. Sakka hỏi, “ Này bạn, bạn tái sanh vào cõi nào vậy?

“ Thưa thiên chủ, chỗ tái sanh của tôi thật không may mắn. Tôi đã tái sanh làm loài bò sát trong cõi rồng. Còn thiên chủ thì may mắn có được một vị thầy tốt (trong quá khứ) nên được tái sanh trong cõi chư thiên.”

“ Đừng chán nản vì chỗ tái sanh bất hạnh của bạn. Đã có Đức Phật Padumuttara xuất hiện trong thế gian rồi. Hãy đi đến Ngài, hãy tạo những thiện nghiệp và phát nguyện trở thành Sakka, để chúng ta có thể sống chung với nhau ở cõi trời Tāvatiṁsa này.”

“ Lành thay, thưa thiên chủ,” Pathavindhara nói, “ tôi sẽ làm theo lời khuyên của ngài.”

Rồi vị ấy đi đến gặp Đức Phật Padumuttara, thỉnh Ngài xuống cõi rồng, và sửa soạn các lễ vật cúng dường lớn suốt cả đêm cùng với những tùy tùng.

Sáng sớm hôm sau, lúc trời hừng sáng, Đức Phật nói với thị giả của Ngài, là trưởng lão Sumana: “ Này Sumanan, Như Lai sẽ đi xa để khất thực. Hãy để những vị La hán thuộc lòng Tam tạng, đã chứng Tứ vô ngại giải và Lục thông đi theo Như Lai, còn những tỳ khưu phàm phu thì ở lại.” Vị thị giả công bố lời dặn của Đức Phật trong chúng tỳ khưu.

Rồi Đức Phật, được tháp tùng bởi các vị A-la-hán, những bậc thuộc lòng Tam tạng, có bốn Tuệ phân tích và sáu Thắng trí, đã bay lên không trung và đi đến cõi của rồng chúa Pathavindhara. Khi Pathavindhara đứng chờ đón tiếp Đức Phật, vị ấy trông thấy Đức Phật cùng với các vị A-la-hán đi trên mặt nước nhấp nhô sóng có màu lục tươi của nước biển. Đoàn tỳ khưu oai phong rực rỡ, Đức Phật dẫn đầu và một vị Sa-di (sāmaṇera) trẻ tên Uparevata, con trai của Ngài. Pathavindhara đặc biệt rất kính nể vị Sa-di trẻ có những năng lực thần thông giống như các vị tỳ khưu trưởng lão. Vị ấy cảm thấy thật hoan hỉ trước cảnh huy hoàng.

Khi Đức Phật ngồi vào chỗ đã soạn sẵn và chư vị A-la-hán ngồi vào chỗ của các ngài theo thứ tự hạ lạp, chỗ ngồi được sắp xếp dành cho Sa di Uparevata thì trước mặt Đức Phật. Khi vị Sa-di trẻ đang ngồi ở đó, long vương Pathavindhara cúng dường vật thực đến Đức

Phật và chúng Tăng và nhìn chăm chú Đức Phật và vị Sa-di trẻ. Vị ấy lưu ý rằng vị Sa-di có ba mươi hai tướng đặc biệt của bậc đại nhân giống như những tướng đặc biệt trên thân của Đức Phật. Đó là lý do mà vị ấy nhìn ngắm Đức Phật và vị Sa-di trẻ một cách say mê.

Pathavindhara tự hỏi tại sao vị Sa-di trẻ có nhiều điểm giống với Đức Phật, hai vị có liên hệ với nhau như thế nào. Vị ấy hỏi một vị A-la-hán: “ Thưa Ngài, vị Sa-di trẻ này quan hệ với Đức Thế Tôn như thế nào?” Vị ấy đáp lại: “ Thưa chúa Rồng, vị ấy là con trai của Đức Thế tôn.” Pathavindhara có ấn tượng sâu đậm với vị Sa-di. “ Vị Sa di này có địa vị tuyệt vời biết bao! Con trai của bậc vĩ đại nhất trong thế gian, vô song về vinh dự cá nhân! Thân của vị ấy một phần giống như thân của Đức Thế Tôn. Ôi, ta rất muốn trở thành con trai của một vị Phật trong tương lai.”

Sau khi bị khuấy động bởi ước muốn mạnh mẽ này, long vương bèn thỉnh Đức Phật đến cung điện của vị ấy trong bảy ngày và tổ chức đại thí cúng dường đến Ngài. Rồi vị ấy phát nguyện trước Đức Phật như vầy: “ Bạch Thế Tôn, do quả phước to lớn này cầu xin cho con được trở thành con trai của một vị Phật tương lai, giống y như vị Sa-di Uparevata này.” Đức Phật thấy rằng ước nguyện của long vương sẽ được thành tựu và nói lời tiên tri: “ Con sẽ trở thành con trai của Đức Phật Gotama trong tương lai.” Rồi Đức Phật ra đi.

Nguyện vọng quá khứ của Raṭṭhapāla tương lai

Trong cuộc họp nửa tháng hằng kỳ kế đó của chư thiên để bày tỏ sự tôn kính đến Sakka, Pathavindhara có mặt trong đoàn tùy tùng của long vương Virūpakkha, Sakka hỏi người bạn cũ Pathavindhara: “ Này bạn, bạn có phát nguyện sanh về cõi trời Tāvatiṁsa không?” Pathavindhara đáp lại: “ Không, thưa thiên chủ.” “ Nhưng sao bạn không phát nguyện? Bạn có thấy điều bất lợi nào trong kiếp sống chư thiên chăng?” “ Thưa thiên chủ, tôi không thấy điều bất lợi nào trong kiếp sống chư thiên cả. Sự thật là tôi đã thấy Sa-di Uparevata, con trai của Đức Phật, là người rất tuyệt vời. Vì tôi chú ý đến vị ấy nên tôi

chẳng có ước nguyện nào khác ngoài ước nguyện được trở thành con trai của một vị Phật tương lai, y như Sa-di Uparevata. Bởi vậy tôi đã phát nguyện trước Đức Phật được trở thành con trai của một vị Phật tương lai. Thưa thiên chủ, tôi muốn yêu cầu thiên chủ phát nguyện trước Đức Phật. Chúng ta hãy sống chung với nhau trong những kiếp sống tương lai trong luân hồi.”

Sakka chấp nhận lời đề nghị của Pathavindhara và khi vị ấy đang nghĩ về nguyện vọng cao cả của mình thì vị ấy thấy một vị tỳ khưu có những năng lực vĩ đại. Vị ấy xem lại dòng dõi của vị tỳ khưu và thấy rằng vị tỳ khưu kia là con trai của một gia đình cao quý, có khả năng hợp nhất một nước bị phân chia, và vị tỳ khưu ấy phải được sự đồng ý của cha mẹ cho phép xuất gia sau khi tự mình nhịn đói để thể hiện sự quyết tâm trong bảy ngày. Vị ấy quyết định tranh đua với vị tỳ khưu ấy. Vị ấy hỏi Đức Thế Tôn về vị tỳ khưu kia, mặc dù vị ấy đã biết bằng những năng lực chư thiên. Rồi Sakka tổ chức lễ cúng dường Đức Phật trong bảy ngày, ngày cuối vị ấy phát nguyện như vầy: “ Bạch Đức Thế Tôn, do quả phước to lớn này cầu xin cho con được một vị Phật tương lai công bố là vị tỳ khưu tối thắng trong số những vị tỳ khưu đi xuất gia bằng sức thuyết phục của họ giống như vị tỳ khưu mà Thế Tôn đã công bố như vậy.” Đức Phật thấy rằng ước nguyện của Sakka sẽ được thành tựu và nói rằng: “ Này Sakka, con sẽ được công bố là tối thắng trong những vị tỳ khưu mà đi xuất gia bằng sức thuyết phục vào thời của Đức Phật Gotama trong tương lai.” Sau khi công bố lời tiên tri như vậy, Đức Phật ra đi. Và Sakka cũng trở về cõi chư thiên của vị ấy.

Raṭṭhapāla làm người sắp xếp lễ vật cúng dường Đức Phật

Raṭṭhapāla tương lai và Rāhula tương lai khi mạng chung khỏi kiếp sống sanh làm Sakka và Pathavindhara, họ tái sanh vào hai cõi, chư thiên và nhân loại trong hằng ngàn đại kiếp. Chín mươi hai đại kiếp trước đại kiếp hiện tại là thời kỳ của Đức Phật Phussa. Cha của Đức Phật Phusa là vua Mahinda. Đức Phật có ba anh em cùng cha

khác mẹ. Đức vua giành độc quyền về Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng mà không nhường việc phước cúng dường Đức Phật cho bất cứ ai.

Một hôm, có một cuộc nỗi loạn xảy ra ở một vùng xa xôi của nước vua Mahinda. Đức vua nói với ba người con trai, “ Này các con, có một cuộc nỗi loạn ở vùng xa. Hoặc là bản thân trẫm hoặc là các con phải đi và bình ổn vùng ấy. Nếu trẫm đi thì các con phải biết rằng sự phục vụ Đức Phật phải được duy trì như thường lệ.” Ba người con đều đồng loạt nói rằng: “ Thưa phụ vương, phụ vương khỏi phải đi; chúng con sẽ đi và bình ổn cuộc nỗi loạn.” Họ đảnh lễ vua cha rồi đi dẹp loạn và trở về trong chiến thắng.

Trên đường về, ba vị hoàng tử hỏi ý kiến những vị phó quan tin cậy: “Này các bạn, khi trở về kinh đô, phụ vương của chúng tôi sẽ ban cho chúng tôi một đặc ân nào đó. Chúng ta nên kể tên loại đặc ân nào?” Những vị phó quan nói rằng: “ Thưa các hoàng tử, khi phụ vương của các hoàng tử thăng hà, không có gì mà các hoàng tử không thể đạt được. Quyền được phục vụ người anh cả của các hoàng tử, là Đức Phật, quả thật là đặc ân mà các hoàng tử nên xin.” “ Tốt lắm, lời khuyên của các ông rất hợp lý.” Và họ đi đến gặp vua cha.

Đức vua rất hài lòng về họ và nói rằng sẽ thưởng ban bất cứ điều gì họ thích. Các hoàng tử xin đặc ân được phục vụ Đức Phật. “ Điều đó trẫm không thể cho, này các con,” đức vua nói, “ hãy kể đặc ân khác.” “ Chúng con không muốn đặc ân nào khác. Đó là điều duy nhất mà chúng con ao ước.” Sau vài lần đức vua từ chối và nhiều lần kiên quyết của các vị hoàng tử, cuối cùng đức vua buộc lòng phải chấp nhận. Đức vua căn dặn các hoàng tử bằng những lời này: “ Bây giờ trẫm sẽ đồng ý theo yêu cầu của các con. Nhưng trẫm muốn khuyên một điều: Đức Phật có thói quen trú ngụ ở nơi vắng vẻ giống như con sư tử ở trong hang động của nó. Bởi vậy các con phải hết sức chú ý trong việc hầu hạ Ngài. Đừng bao giờ để sai sót trong phận sự của các con.”

Ba vị hoàng tử khi được giao nhiệm vụ hầu hạ Đức Phật trong ba tháng, đã bàn luận với nhau: “ Vì chúng ta sẽ hầu hạ Đức Phật nên

chúng ta cần phải mặc y và xuất gia làm Sa-di.” Họ quyết định hoàn toàn thoát khỏi mùi hôi của phiền não. Họ tham gia vào những công việc cúng dường vật thực hằng ngày đến Đức Phật và chúng Tăng nhưng giao công việc cho một ban gồm ba người đáng tin cậy để trông coi công việc.

Trong số ba người giám sát này, một người có phận sự đi kiếm gạo và ngũ cốc; người thứ hai có phận sự cấp phát những tạp phẩm khác để đáp ứng nhu cầu hằng ngày cho việc cúng dường vật thực, và người thứ ba có phận sự nấu nướng và chế biến các món ăn cúng dường. Trong kiếp sống cuối cùng của họ vào thời của Đức Phật Gotama, ba người tái sanh làm vua Bimbisāra, trưởng giả Visākha và đại đức Raṭṭhapāla.

Kiếp sanh làm hoàng tử Pathavindhara của Rāhula tương lai

Rāhula tương lai tái sanh làm con trai cả của vua Kikī của nước Kāsi trong thời của Đức Phật Vipassī. Vị ấy được cha mẹ đặt tên là hoàng tử Pathavindhara. Hoàng tử có bảy người em gái, là:

Công chúa Samaṇī = Trưởng lão Ni Khemā tương lai

Công chúa Samaṇaguttā = Trưởng lão Ni Uppalavaṇṇā tương lai

Công chúa Bhikkhunī = Trưởng lão Ni Patācārā tương lai

Công chúa Bhikkhudāyikā = Trưởng lão Ni Kuṇḍalakesī tương lai

Công chúa Dhammā = Trưởng lão Ni Kisāgotamī tương lai

Công chúa Sudhammā = Trưởng lão Ni Dhammadinnā tương lai

Công chúa Sanghadāyikā = Tín nữ Visākhā

Hoàng tử Pathavindhara trở thành người thừa kế đương nhiên sau khi bảy người em gái của vị ấy đã cúng dường bảy khu già lam dành cho Đức Phật Kassapa. Vị vua thừa kế ấy yêu cầu những cô em gái để cho vị ấy được cúng dường chi phí của một trong bảy khu già lam. Nhưng bảy người em gái chỉ cho người anh cả của họ thấy rằng vị ấy có những khả năng để cúng dường một khu già lam khác. Bởi vậy Hoàng tử Pathavindhara xây dựng năm trăm khu già lam phù hợp

với địa vị của vị ấy. Vị ấy dành trọn cuộc đời làm các việc phước. Vào

lúc thân hoại mạng chung, vị ấy tái sanh vào cõi chư thiên.

Đời sống Sa-môn trong kiếp chót

Trong thời của Đức Phật Gotama, hoàng tử Pathavindhara tái sanh làm Hoàng tử Rāhula, con trai của thái tử Siddhattha và chánh hậu Yosodharā. Người bạn thời thơ ấu của Rāhula là Raṭṭhapāla, con trai của trưởng giả Raṭṭhapāla ở thị trấn Thullakoṭṭhika thuộc vương quốc Kuru.

(Sự thâu nhận Rāhula vào Tăng chúng, một bài viết thú vị, có thể tìm thấy trong bộ Đại Phật Sử, cuốn III. Nhiều bài kinh liên quan đến Rāhula như Mahārāhulovāda Sutta và những bài kinh khác có thể được tìm thấy ở cuốn IV.)

Ước muốn được sách tấn của Rāhula

Sau khi Đức Phật thâu nhận con trai của Ngài vào Tăng chúng, Ngài thường giáo giới vị Sa-di trẻ mỗi ngày như sau:

“Này Rāhula, hãy thân cận với bạn lành. Hãy trú ngụ trong rừng. Hãy tiết độ trong ăn uống.

Đừng luyến ái vào bốn món vật dụng của Sa-môn.

Đừng để hư hoại trong điều học của vị tỳ khưu. Hãy khéo phòng hộ lục căn.

Hãy thường xuyên chánh niệm về Danh và Sắc để có sự nhàm chán tấm thân (tức là kiếp sống hữu tình).

Hãy tu tâm để từ bỏ mọi ý nghĩ tham luyến đối với thân, hãy đạt được sự định tâm.

Một khi các tướng về sự thường hằng được từ bỏ, hãy quán về tánh chất không thật của cái ngã.

Nếu con tự mình tu tập như vậy thì ba vòng luân hồi của những kiếp sống đau khổ sẽ chấm dứt.”

(Bài kinh trên có nhan đề là Abhiṇha-Rāhulovāda xuất hiện trong bộ Sutta Nipāta, và Khuddakapātha.)

Sa di Rāhula có thói quen nhặt lên một nắm cát vào lúc sáng sớm sau khi thức dậy và tự nhủ, “ Cầu mong cho tôi có được những lời giáo giới từ Đức Thế Tôn hoặc từ thầy tế độ của tôi nhiều như những hạt cát trong tay của tôi.” Thói quen này giúp cho vị ấy được nổi tiếng là vị Sa-di thích lời sách tấn thích hợp với người con trai của Đức Thế Tôn, nghĩa là một người con xứng đáng của một người cha xứng đáng.

Sự công nhận đức tánh cao quý này của Rāhula trở thành đề tài bàn luận phổ biến trong các tỳ khưu. Đức Phật biết điều ấy. Và khi nghĩ rằng điều ấy sẽ rất tốt nếu làm thành một đề tài cho một bài pháp khác và đồng thời cũng làm những đức tánh của Rāhula sáng chói hơn, Đức Phật bắt đầu thuyết pháp trong giảng đường chánh pháp. Sau khi ngồi vào Phật tọa. Ngài hỏi các vị tỳ khưu là họ đang bàn về chuyện gì, trước khi Ngài đi vào. Các vị tỳ khưu đáp lại: “ Bạch Thế Tôn, chúng con đang bàn về đức tánh cao quý của Sa di Rāhula là sẵn sàng tiếp nhận sự giáo giới.” Khi ấy Đức Phật kể lại một kiếp quá khứ của Rāhula, ở đó vị ấy đã thể hiện đức tánh cao quý trong câu chuyện Bổn sanh về Tapallattha-miga, xem bộ Jātaka, Ekaka Nipāta, 2. Sīla Vagga, câu chuyện thứ sáu của Vagga).

Đức Phật đã rèn luyện cho Sa di trẻ Rāhula trong độ tuổi lên bảy là phải luôn luôn thành thật, kiên tránh sự dối trá dù nói đùa. Bài kinh về chủ đề này có nhan đề là Ambalaṭṭha Rāhulovāda. (Hãy xem Đại Phật Sử, cuốn III.)

Khi Rāhula lên mười tám tuổi, Đức Phật thuyết giảng cho vị ấy bài pháp có nhan đề là Mahā Rāhulovāda Sutta (xem Đại Phật Sử, cuốn IV.)

Những bài học đặc biệt về pháp Thiền quán, hai mươi hai bài kinh được giảng dạy cho Rāhula, được biên soạn trong bộ Saṃyutta Nikāya, tạo thành một chương nhan đề là Rāhula Saṃyutta và cũng có một bài kinh khác nhan đề là Rāhula Sutta ở trong bộ Aṅguttara Nikāya, Catuka Nipāta)

Khi trình độ tâm linh của Rāhula khá chín muồi, vị ấy vừa mới thọ cụ túc giới của vị tỳ khưu, thì Đức Phật thuyết cho vị ấy một bài kinh khác nhan đề là Cūḷa Rāhulovāda. ( Chi tiết của bài kinh này trong bộ Đại Phật Sử, cuốn IV.)

Sự hoạch đắc danh hiệu Etadagga

Vào một dịp khác, giữa chúng tỳ khưu, Đức Phật nêu tên

những vị tỳ khưu tối thắng, Ngài công bố:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ sikkhākāmānaṃ yadidaṃ Rāhulo.

Này các tỳ khưu, trong số những tỳ khưu đón nhận lời giáo giới liên quan đến ba điều học, thì Rāhula là Đệ nhất.

Đời sống Sa-môn của Raṭṭhapāla

Trong chuyến đi của Đức Phật đến vương quốc Kuru, Ngài đến tại thị trấn Thullakoṭṭhika (có nghĩa là thị trấn mà các gia đình ở đó đều có những kho thóc đầy). Khi nghe bài pháp của Đức Phật, Raṭṭhapāla, con trai vị trưởng giả, khởi tín tâm và có ước muốn xuất gia mãnh liệt. Sau nhiều lần thuyết phục và phản kháng với cha mẹ, vị ấy được sự đồng ý của họ để trở thành một vị tỳ khưu. (Giống như trường hợp của đại đức Sudinna mà đã được mô tả trước rồi), vị ấy đi đến Đức Phật và vị ấy được thâu nhận vào Tăng đoàn.

Dù cho con trai đi xuất gia nhưng cha mẹ của Raṭṭhapāla vẫn không hoan hỉ về điều đó. Bất cứ khi nào các tỳ khưu đến cửa nhà để khất thực thì người cha thường nói với các ngài rằng: “ Các ông đến đây có việc gì? Các ông đã lấy đi đứa con trai duy nhất của tôi. Các ông còn muốn gì nơi chúng tôi nữa?”

Đức Phật trú ngụ ở Thullakoṭṭhika chỉ trong mười lăm ngày rồi trở về Sāvatthi. Ở đó tại Sāvatthi, đại đức Raṭṭhapāla phát triển thiền quán và chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Đại đức Raṭṭhapāla xin phép Đức Phật về thăm cha mẹ. Đến Thullakoṭṭhika, trong khi đang đi khất thực trong thị trấn, vị ấy đến đứng tại cửa nhà của người cha (cũng như trường hợp của đại đức Sudinna), vị ấy nhận lãnh những cái bánh thiu và ăn chúng tựa như chúng là vật thực của chư thiên. Người cha cảm thấy hối hận về món vật thí mà ông ta đã cho và đã thỉnh vị sư con vào nhà để thọ thực nhưng đại đức Raṭṭhapāla nói rằng vị ấy đã dùng xong bữa ăn của ngày rồi và sẽ đến vào ngày hôm sau. Đến ngày hôm sau, khi đã thọ thực xong tại nhà của cha mẹ, vị ấy thuyết pháp đến các nữ nhân trong gia đình ăn mặc lộng lẫy, làm cho họ nhận ra tánh chất bất tịnh của tấm thân. Khi ấy bất thình lình như một cây tên, vị ấy bay vụt lên không trung và đáp xuống trong vườn thượng uyển của vua Karabya tại đó vị ấy ngồi trên một tảng đá.

Trưởng lão nhắn tin đến đức vua qua người giữ vườn về sự hiện diện của vị ấy ở đó. Vua Korabya đến đảnh lễ trưởng lão, nhân đó trưởng lão thuyết giảng chi tiết về Bốn pháp thất hoại (pārijuñña). Rồi trưởng lão trở về Sāvatthi, đi từng chặng và trở về tại tịnh xá của Đức Phật. Đây là bài mô tả tóm tắt về đại đức Raṭṭhapāla. Muốn biết chi tiết đầy đủ xin tìm đọc từ mục Majjhima Paṇṇāsa của Majhima Nikāya.

Sự họach đắc danh hiệu etadagga của Raṭṭhapāla

Vào một dịp, giữa chúng tỳ khưu, Đức Phật ban các danh hiệu cho những vị tỳ khưu tối thắng, Ngài công bố:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ saddhāpabbajitānaṃ yadidaṃ Raṭṭhapālo.

Này các tỳ khưu, trong số các tỳ khưu đệ tử của Như Lai, mà đi xuất gia bằng niềm tin thuyết phục thì Raṭṭhapāla là Đệ nhất.

(Chú ý: Trưởng lão Rāhula được ban danh hiệu là Đệ nhất trong những vị tỳ khưu đón nhận sự giáo giới liên quan đến ba điều học, vì từ ngày trở thành Sa-di, vị ấy luôn luôn có ước muốn mãnh liệt là

được nghe lời giáo giới. Mỗi buổi sáng vị ấy chờ sự giáo giới và những lời khuyên từ Đức Phật hay từ thầy tế độ. Vị ấy muốn được ban cho nhiều lời giáo giới như những hạt cát mà vị ấy nắm trong tay vào mỗi buổi sáng.

Trưởng lão Raṭṭhapāla đã phải nhịn ăn bảy ngày như là một biểu hiện ước muốn mạnh mẽ được xuất gia. Đó là lý do vị ấy được ban danh hiệu là vị tỳ khưu Tối thắng nhất trong những vị xuất gia).

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 18

Post Views: 621