ĐẠI TRƯỞNG LÃO SĪVALI -đệ nhất về tài lộc ( vị tỳ kheo nằm trong bụng mẹ 7 năm)

ĐẠI TRƯỞNG LÃO SĪVALI -đệ nhất về tài lộc ( vị tỳ kheo nằm trong bụng mẹ 7 năm)

ĐẠI TRƯỞNG LÃO SĪVALI

Nguyện vọng quá khứ

Vị thiện nam, trưởng lão Sīvali tương lai, cũng đi đến tịnh xá trong thời của Đức Phật Padumuttara giống như những vị đại trưởng

lão đương lai trước kia và đứng ở mé ngoài của hội chúng, nghe Đức Phật giảng pháp. Khi nghe pháp, vị ấy trông thấy Đức Phật ban danh hiệu etadagga cho một vị tỳ khưu trong những tỳ khưu thọ lãnh vật thí dồi dào. Nghĩ rằng mình cũng nên trở thành như vị tỳ khưu ấy, vị ấy thỉnh Đức Phật đến nhà và cúng dường đại thí trong bảy ngày. Rồi vị ấy nói lên ước nguyện khi bạch với Đức Phật: “ Bạch Thế Tôn, với kết quả của việc phước to lớn này, con không muốn bất cứ loại hạnh phúc nào khác. Con chỉ muốn được chỉ định vào địa vị etadagga trong những người nhận được nhiều tài lộc, trong thời kỳ giáo pháp của một vị Phật đương lai, giống như vị tỳ khưu đã được ban danh hiệu ấy cách đây bảy ngày.”

Khi thấy trước rằng ước muốn của vị thiện nam sẽ được thành tựu không bị chướng ngại, Đức Phật bèn tiên tri như sau và trở về tịnh xá: “ Ước nguyện của thí chủ sẽ được thành tựu trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Gotama.”

Kiếp sanh làm người vùng quê

Sau khi đã tạo nhiều thiện nghiệp cho đến hết cuộc đời, vị thiện nam, Sīvali tương lai, đã tái sanh vào hai cõi, chư thiên và nhân loại (mà không bị đọa vào bốn khổ cảnh). Trong thời của Đức Phật Vipassī (xuất hiện cách đây chín mươi mốt đại kiếp), vị ấy là một thiện nam, trong một ngôi làng nọ không quá xa kinh thành Bandhumatī.

Lúc bấy giờ dân cư của kinh thành Bandhumatī đã ganh đua một cách thân thiện với đức vua, họ bàn với nhau và tổ chức đại thí đến Đức Phật.

Một hôm khi cúng dường tập thể, họ xem xét những lễ vật cúng dường còn thiếu sót cái gì và biết được rằng không có mật ong và sữa cục. Bởi vậy họ quyết định sẽ kiếm chúng bất cứ chỗ nào và bằng mọi cách, họ giao một người đàn ông đứng canh chừng bên đường từ miền quê lên kinh đô.

Khi ấy một người nông thôn đi đến, Sīvali tương lai, đem theo một bình sữa đông từ làng của ông và nghĩ rằng sẽ trao đổi chúng để

lấy nhu yến phẩm. Nhưng trước khi ông ta đi vào thành phố thì ông ta muốn rửa mặt và tay chân rồi đi quanh để kiếm nước, ông trông thấy một tổ mật ong lớn bằng cái đầu của cái cày mà không có ong. Do tin rằng tổ mật ong xuất hiện là do nghiệp thiện quá khứ, ông ta lấy nó và đi vào thành phố.

Khi người ở thị trấn trông thấy người nông thôn kia, ông ta hỏi: “ Này bạn, ông mang mật ong và sửa đông này cho ai?” “ Thưa ông, chẳng dành riêng cho ai. Thực ra, tôi mang chúng đi bán,” người nông thôn trả lời. “ Nếu vậy thì, này ông bạn, hãy lấy một đồng tiền vàng này và trao mật ong cùng sữa đông ấy cho tôi,” người thị trấn nói.

Khi ấy người nông thôn suy nghĩ: “ Những thứ mà ta đã đem đến bây giờ chẳng có giá trị nhiều. Thế mà người kia lại mua chúng với một giá cao ngay lần trả giá đầu tiên. Ta không biết lý do tại sao.” Bởi vậy ông ta nói: “ Tôi không thể bán chúng với giá này, thưa ông.” Người thành thị lại trả giá cao hơn, nói rằng: “ Nếu ông không thể bán chúng với một đồng tiền vàng, thì hãy lấy hai đồng tiền vàng và đưa mật ong cùng sữa đông cho tôi.” Người nông thôn đáp lại: “ Tôi không thể bán chúng với giá hai đồng tiền vàng được,” mục đích để nâng giá. Bằng cách này giá tiền cứ tăng dần cho đến một ngàn đồng tiền vàng.

Khi nhận biết rằng: “ Thật không tốt để kéo dài sự mặc cả. Tuy nhiên, ta sẽ hỏi mục đích của vị ấy.” Người nông thôn nói rằng: “ Mật ong và sữa đông không đáng giá như thế. Tuy thế ông vẫn trả giá cao ngất như vậy. Tại sao ông muốn có những thứ ấy bằng việc trả giá cao như vậy?” Người thành thị bèn nói rõ mục đích: “ Trong kinh đô Bandhumati, dân chúng thi đua với đức vua cúng dường đại thí đến Đức Phật Vipassī. Trong khi họ đang sửa soạn vật thực, thì họ thấy thiếu hai món, mật ong và sữa đông, trong số những món vật thí. Bởi vậy họ cố gắng bằng mọi cách để kiếm cho bằng được chúng. Nếu họ không kiếm được chúng thì họ sẽ thua trong cuộc tranh đua với đức vua. Do đó tôi mới trả giá một ngàn đồng tiền vàng để có được chúng.” Khi ấy người nông thôn hỏi: ” Có phải sự bố thí cúng dường

như vậy chỉ được làm bởi những người thành thị mà không có người miền quê tham gia?”

Khi ấy người thành thị trả lời: “ Này ông bạn, không hạn chế bất cứ ai (mọi người dầu ở thành thị hay thôn quê đều có quyền cúng dường). Người nông thôn bèn hỏi thêm: “ Ồ thưa ngài, xét thấy rằng những người dân thành thị đang làm những việc bố thí cúng dường, vậy có ai mà bố thí một ngàn đồng tiền vàng trong một ngày không?” “ Không có, này ông bạn.” “ Thưa ông, ông biết rằng mật ong và sữa đông mà tôi đã mang đến có giá một ngàn đồng tiền vàng, phải không ông?” Người nông thôn lại đặt ra một câu hỏi khác đầy quả quyết. “ Đúng vậy, này ông bạn.” “ Ồ, thưa ông, nếu vậy xin hãy đi và nói cho những người dân thành thị biết rằng một người dân quê đang cúng dường hai món này, đó là mật ong và sữa đông mà không lấy tiền; thay vào đó người ấy muốn tự tay cúng dường. Xin hãy nói với họ rằng họ không cần phải nôn nóng vì muốn chúng và giờ đây họ nên hoan hỉ vì đã có hai thứ đó rồi. Về phần ông, ông nên đứng ra làm chứng cho sự kiện rằng trong sự bố thí long trọng này chính tôi là thí chủ của vật phẩm đắt giá nhất.”

Sự cúng dường mật ong trộn chúng với nước sữa đông

Sau khi nói như vậy, người nông thôn mua năm loại hương liệu bằng tiền mà ông ta đã mang theo từ nhà rồi giã chúng thành bột. Rồi ông ta vắt những cục sữa đông để lấy nước từ chúng. Ông bỏ mật ong vào trong nước sữa đông ấy, rồi bỏ bột hương liệu vào để làm gia vị. Cuối cùng ông ta bỏ vật thực lỏng đã pha trộn ấy vào trong lá sen (làm đồ đựng). Sau khi đã sửa soạn món ăn một cách thích hợp, ông ta mang nó đi và ngồi xuống ở một chỗ không quá xa Đức Phật, chờ đến phiên để dâng cúng nó.

Giữa tất cả những lễ vật cúng dường mà được đem đến bởi những người dân thị thành, người dân nông thôn, khi biết rằng đến lượt ông cúng dường, bèn đi đến Đức Phật và nói lời thỉnh cầu: “ Bạch Đức Thế Tôn, vật cúng dường này là vật thí của một người nghèo như

con. Bạch Thế Tôn, xin hãy bi mẫn thọ lãnh vật cúng dường khiêm tốn của con.” Do lòng bi mẫn đối với người nông thôn, Đức Phật thọ lãnh vật cúng dường trong cái bát bằng đá hoa cương do bốn vị Thiên vương dâng cúng và nguyện rằng vật cúng dường ấy sẽ không thể bị vơi giảm dù sau khi đã phân phối nó cho sáu triệu tám trăm ngàn vị tỳ khưu.

Khi Đức Phật đã độ thực xong, vị thiện nam chất phát cung kính đảnh lễ Đức Phật và ngồi lại ở một nơi thích hợp, và nguyện rằng: “ Bạch Thế Tôn, tất cả mọi người trong kinh đô Bandhumati đều trông thấy và biết rằng ngày hôm nay con đã đem lễ vật đến cúng dường Thế Tôn. Do kết quả của việc phước này, cầu xin trong suốt vòng saṃsāra, con thực sự được trở thành người thọ lãnh vĩ đại các vật thí, có đông đảo tùy tùng và danh tiếng. Sau khi nói: “ Evaṃ hotu kulaputta – Này thiện nam, chúc cho con được thành tựu như ý.” Đức Phật bèn ban pháp thọai tán dương sự cúng dường của vị thiện nam và dân cư thành thị rồi trở về tịnh xá.

(c) Đời sống Sa-môn trong kiếp chót

Vị thiện nam, sau khi đã làm thiện nghiệp cho đến hết cuộc đời, chỉ tái sanh trong hai cõi, chư thiên và nhân loại. Cuối cùng, trong thời Đức Phật của chúng ta, vị này đã thọ sanh trong bào thai của một công nương dòng Koliya Sakyan, tên Suppavāsā.

Những hiện tượng kỳ lạ trong lúc thọ thai

Từ khi thọ thai của vị ấy, hằng trăm vật tặng liên tục được gởi đến người mẹ, công nương Suppavāsā, cả ngày lẫn đêm. Công nương trở nên giàu có hơn trước. (Theo bản dịch tiếng Sinhalese, năm trăm tặng vật đến ban ngày và năm trăm tặng vật đến ban đêm.)

Rồi một hôm, để điều tra về nghiệp quá khứ đầy may mắn của nàng công nương, những quyến thuộc hoàng gia cho nàng sờ vào những giỏ hạt giống. Khi những hạt giống ấy được rải xuống thì mỗi

hạt giống mọc ra hằng ngàn cái chồi. Một miếng đất kích thước một royal pai (đơn vị của Miến) cho ra được 50 hoặc 60 cỗ xe thóc.

Cũng thế, lúc thóc được bỏ vào kho, họ để cho nàng công nương chạm tay vào cửa nhà kho. Khi thóc được đem đi chỗ khác thì kho thóc lại đầy như trước do hành động tuyệt vời trong quá khứ của nàng công nương. Ngoài ra, khi múc cơm từ cái nồi cơm đầy và nói: “ Đây là vận may của công nương,” và khi phân phối vật thực đến tất cả mọi người thì vật thực không bao giờ bị cạn kiệt. Trong khi những điều kỳ lạ này xảy ra và đứa bé vẫn ở trong bào thai của người mẹ suốt bảy năm.

Sau khi đã tròn đủ bảy năm, bào thai đã trở nên chín muồi, nàng công nương trải qua cơn đau dữ dội, cơn ngất do bào thai tạo ra gọi là gabbhamūḷha-dukkha. Công nương chịu đựng cơn đau dữ dội không một tiếng rên la mà chỉ quán niệm về ân đức của Phật, Pháp và Tăng như sau:

Sammāsambuddho vato so Bhagavā yo imassa evarūpassa dukkhassa pahānāya dhammaṃ deseti – Đức Thế Tôn, bậc Ứng cúng, Ngài đã dạy chúng ta về sự đoạn trừ tất cả những loại khổ như vậy; bậc Đạo sư ấy của chúng ta đã tự mình giác ngộ hoàn toàn do chứng đắc Nhất thiết trí, biết các chân lý và tất cả những gì cần biết!

Suppaṭipanno vata tassa Bhagavato sāvakasaṅgho: yo imassa evarūpassa dukkhassa pahānāya patippanno – Chư Tăng, gồm các vị tỳ khưu, là những Thanh văn đệ tử của Đức Thế Tôn, tinh tấn đoạn trừ các loại khổ như vậy; những Thinh văn đệ tử ấy của Đức Thế Tôn quả thật đã khéo trải qua (ba pháp học)!

Susukhaṃ vata taṃ nibbānaṃ, yatth’idaṃ evrūpaṃ dukkhaṃ na saṃvijjati – Pháp mà trong đó nhuốm chút nhỏ nhặt của khổ cũng không có, Pháp Niết bàn ấy quả thật hạnh phúc tột bực!

Khi quán xét ân đức của Tam bảo, tức là ân Đức Phật, ân đức Tăng, và ân đức về hạnh phúc tịch tịnh của Niết bàn, công nương đã chịu đựng được cơn đau đớn. (Nàng tự kiểm soát mình, làm ngưng cơn đau và tiếng kêu than bằng cách quán niệm liên tục các ân đức của Đức Phật, chư Tăng và Niết bàn).

Vào ngày thứ bảy, công nương Koliya Suppavāsā bèn gọi người chồng là hoàng tử Koliya đến và nghĩ rằng nàng muốn cúng dường vật thực trong lúc đang sống, bèn nói rằng: “ Thưa chàng, hãy đi bạch với Đức Thế Tôn về những hiện tượng đã xảy ra với thiếp và chuyển sự thỉnh cầu của thiếp đến bậc Đạo sư. Hãy cẩn thận lưu ý tất cả những gì mà Ngài sẽ nói ra và nói lại cho thiếp biết!” Vị hoàng tử ra đi và bạch với Đức Phật về những điều xảy ra với công nương Suppavāsā. Khi ấy Đức Phật nói rằng: “ Cầu chúc cho công nương Suppavāsā thuộc dòng Koliya được an vui và khỏe mạnh. Do người mẹ được khỏe mạnh, cầu chúc cho công nương hạ sanh đứa con trai khỏe mạnh!” Khi Đức Phật vừa nói ra lời phúc chúc thì công nương liền hạ sanh đứa con trai khỏe mạnh mà không chút đau đớn. Những người đang ở quanh công nương, thay đổi từ tâm trạng lo lắng thành hạnh phúc, và đi đến hoàng tử để báo tin về đứa bé. Hoàng tử sau khi lắng nghe những gì mà Đức Phật đã nói, bèn đảnh lễ Ngài và trở về nhà. Khi hoàng tử trông thấy những người hầu đi đến một cách vui sướng, vị ấy tin chắc rằng: “ Lời nói của Đức Thế Tôn đã thành hiện thực.” Vị ấy đi đến công nương và truyền đạt những gì Đức Phật đã nói. Công nương nói rằng: “ Thưa chàng, vật thực cúng dường sự cứu mạng mà chàng thỉnh đến, sẽ là bữa ăn cát tường. Hãy trở lại! Hãy thỉnh Đức Phật đến trai Tăng trong bảy ngày.” Hoàng tử đã làm y như lời yêu cầu của công nương. Cả hai cúng dường đại thí đến Đức Phật và chúng Tăng trong bảy ngày.

Cậu bé đã ra đời và sự lo lắng của tất cả quyến thuộc đã được đoạn trừ. Do đó cậu bé được đặt tên là Sīvali. Vì cậu bé ở trong bào thai của người mẹ trong bảy năm, từ lúc sanh ra trở đi cậu có thể làm tất cả những gì cần làm của một đứa bé bảy tuổi. Ví dụ cậu ta lượt nước bằng cái lọc (dhamakaraṇa) và dâng nó đến các tỳ khưu trong lễ cúng dường đại thí suốt bảy ngày.

Vào ngày thứ bảy, trưởng lão Sāriputta, bậc Tướng quân của Chánh pháp, đã có cuộc chuyện trò với cậu bé. Trưởng lão hỏi, “ Này con Sīvali, có thích hợp để con trở thành một Sa-môn sau khi chịu tất cả những thống khổ như vậy?” “ Bạch đại đức, nếu con được sự cho phép của cha mẹ con thì con cũng muốn trở thành Sa-môn,” cậu bé trả lời. Khi thấy con của mình đang trò chuyện với trưởng lão, nàng suy nghĩ: “ Thế này là thế nào? Con trai của ta đang nói chuyện với vị trưởng lão là Tướng quân của Chánh Pháp?” Bởi vậy nàng vui sướng đi đến trưởng lão và hỏi họ đang bàn chuyện gì. Trưởng lão nói rằng: “ Cậu ta nói với ta về nỗi thống khổ được tạo ra do ở trong bào thai của mẹ và hứa với ta rằng cậu ta muốn sống cuộc đời Sa-môn nếu cậu ta được cha mẹ cho phép.” Công nương đồng ý, đáp lại: “Lành thay, bạch đại đức, xin hãy truyền phép xuất gia Sa-di cho nó.”

Trưởng lão dẫn cậu bé Sīvali về tịnh xá và khi đang truyền pháp xuất gia Sa-di cho cậu, sau khi cho cậu đề mục thiền về taca-pañcaka (năm thể trượt trong đó da là thể trượt thứ năm), trưởng lão nói rằng: “ Con không cần sự sách tấn nào khác để hành theo. Chỉ cần nhớ đến những thống khổ mà con đã chịu đựng trong bảy năm.” “Truyền phép xuất gia cho con là bổn phận của đại đức, bạch Ngài. Hãy để con quán pháp. Con sẽ thiền về bất cứ điều gì con có thể nhớ.” Lần cạo tóc thứ nhất xong thì Sīvali an trú trong quả thánh

Nhập lưu (sotāpatti-phala), lần cạo tóc thứ hai vừa xong thì Sīvali an trú trong quả thánh Nhất lai (sakadāgāmi-phala), lần cạo tóc thứ ba vừa xong thì Sīvali an trú trong quả thánh Bất lai (anāgāmi-phala) và vừa khi việc cạo tóc hoàn tất thì cậu ta chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Từ ngày Sīvali xuất gia Sa-di (sāmaṇera), bốn món vật dụng, đó là y phục, vật thực, chỗ ngụ và thuốc chữa bệnh phát sanh nhiều hơn đến chúng Tăng bất cứ khi nào cần đến. Câu chuyện về những hiện tượng xảy ra như vậy với Sa di Sīvali bắt đầu tại thị trấn Kundikā.

(Câu chuyện hiện tại về đại đức Sīvali có thể được trích dẫn từ kinh Udana. Câu chuyện chi tiết về ác nghiệp khiến vị ấy bị khổ bảy năm khi nằm trong bào thai của người mẹ (gabbhavāsa-dukkha) và cái khổ về cơn đau sanh nở của người mẹ (gabbhamūḷha) có thể được trích dẫn từ bộ Chú giải Udana).

(Lưu ý một cách tóm tắt là: người mẹ và con trai, trong một kiếp quá từng là chánh hậu và con trai thì làm vua nước Bārāṇasī. Một hôm vua nước Kosala tấn công vua nước Bārāṇasī và bắt chánh hậu của vị ấy về làm Chánh hậu của vua. Khi vua Bārāṇasī bị đánh bại và chết, vị hoàng tử nước Bārāṇasī, đã trốn thoát qua cống nước. Sau khi chiêu tụ binh mã, vị ấy trở lại kinh đô Bārāṇasī và gởi tối hậu thư yêu cầu vị vua mới trả lại kinh đô nếu không thì sẽ có chiến tranh. Người mẹ bên trong kinh đô khuyên đứa con trai hãy bao vây kinh đô để ít xảy ra phiền khổ cho dân chúng. Hoàng tử đã làm đúng theo lời khuyên của mẹ bằng cách khóa chặt bốn cổng chính để ngăn chặn con đường ra vào. Tuy vị ấy đã vây hãm kinh thành trong bảy năm nhưng dân thành thị vẫn đi ra từ những cổng nhỏ hơn để lấy cỏ, gỗ, v.v… Sự vây hãm tỏ ra vô dụng. Khi hay tin ấy người mẹ cho hoàng tử thêm lời khuyên là đóng luôn những cổng nhỏ.

(Khi hoàng tử làm theo lời khuyên của người mẹ, thì dân cư trong thành nhận thấy sự đi lại bị hạn chế trầm trọng. Bảy ngày sau đã chặt đầu vua Kosala đem nộp cho hoàng tử. Hoàng tử đi vào kinh đô và tự lên ngôi vua).

(Do kết quả của những ác nghiệp này, đứa con trai và người mẹ đã phải lãnh chịu những nỗi thống khổ).

Tự trắc nghiệm về thiện nghiệp của mình

Sau đó, khi Đức Phật đến Sāvatthi, trưởng lão Sīvali cung kính đảnh lễ và xin phép: “ Bạch Thế Tôn, con muốn trắc nghiệm nghiệp thiện của con. Xin Thế tôn cho con năm trăm vị tỳ khưu đồng hành với con.” Đức Phật cho phép, nói rằng: “ Hãy dẫn họ đi, này con Sīvali.”

Trưởng lão bèn đi đến Himavanta bằng cách đi theo con đường rừng và dẫn theo năm trăm vị tỳ khưu. Trưởng lão đi qua:

đầu tiên, một cây đa to nằm trên lối đi. Vị thọ thần đã cúng dường vật thực đến trưởng lão trong bảy ngày.

ngọn đồi Pandava.

con sông Aciravatī

biển Vara-sārara

dãy núi Himavanta,

hồ nước trong khu rừng Chaddanta

ngọn núi Gandhamādana,

chỗ ở của đại đức Revata.

Ở tất cả những chỗ này chư thiên đều cúng dường đại thí đến trưởng lão Sīvali trong bảy ngày.

Đặc biệt khi chư Tăng đến trên ngọn núi Gandhamādāna, thì vị thiên tên Nāgadatta đã cúng dường đến trưởng lão món cơm sữa và cơm bơ trong bảy ngày. Khi ấy các tỳ khưu nói với nhau rằng: “ Này các hiền giả, chúng ta không thấy những con bò cái được vắt sữa bởi chư thiên, chúng ta cũng không thấy những cục sữa đông được khuấy thành bơ.” Thế nên, họ hỏi vị thiên do thiện nghiệp gì mà vị ấy có nhiều cơm sữa và cơm bơ như vậy. Vị thiên Nāgadatta trả lời: “ Thưa chư đại đức, tôi có thể cúng dường món cơm sữa và cơm bơ mà không cần phải có những con bò sữa bởi vì tôi đã thực hiện việc phước thí về cơm sữa bằng việc rút thăm trong thời của Đức Phật Kassapa.”

Sự hoạch đắc danh hiệu Etadagga

Sau đó, khi Đức Phật viếng thăm trưởng lão Khadivaniya Revata (như đã được kể trong câu chuyện về đại đức Revata), chư thiên đã cúng dường tứ sự, ngày này qua ngày khác, chủ yếu là dành cho đại đức Sīvali trên chuyến đi đầy khan hiếm vật thực và nguy hiểm. Liên quan đến đoạn kinh ấy, Đức Phật đã ban cho trưởng lão địa vị đệ nhất về tài lộc. Đức Phật nói lời tán dương trưởng lão như sau:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ lābhīnaṃ yad’idaṃ Sīvali

Này các tỳ khưu, trong số những tỳ khưu đệ tử của Như Lai mà nhận được bốn món vật dụng một cách dồi dào, thì tỳ khưu Sīvali là Đệ nhất.

(Những đoạn kinh liên quan đến đại đức Sīvali có thể được rút ra từ bộ kinh Apadāna và bản dịch, bộ Chú giải kinh Dhammapada, v.v… Tương tự, những lời pháp liên quan đến những vị trưởng lão sau này nên được lưu ý giống như vậy. Tuy nhiên, trong bộ Đại Phật Sử này, chỉ có ba điểm chính sẽ được bàn đến, đó là (a) Nguyện vọng quá khứ của mỗi vị trưởng lão, (b) Đời sông Sa-môn trong kiếp chót, và (c) Sự họach đắc danh hiệu etadagga).

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 8

Post Views: 218