ĐẠI TRƯỞNG LÃO SOṆA KOḶIVISA – đệ nhất về hạnh tinh tấn chuyên cần ( nước da màu vàng đỏ)

ĐẠI TRƯỞNG LÃO SOṆA KOḶIVISA – đệ nhất về hạnh tinh tấn chuyên cần ( nước da màu vàng đỏ)

ĐẠI TRƯỞNG LÃO SOṆA KOḶIVISA

Nguyện vọng trong quá khứ

Vị hiền nhân, Đại trưởng lão Soṇa Koḷivisa tương lai, đã sanh trong gia đình của các trưởng giả trong thời kỳ của Đức Phật Padumuttara, tên là Sirivaḍḍha. Khi Sirivaḍḍha đến tuổi trưởng thành, như những vị trưởng lão thuở xưa đã từng phát nguyện, vị ấy đi đến tịnh xá và đứng ở cuối của hội chúng nghe Đức Phật thuyết pháp. Khi thấy Đức Phật ban danh hiệu etadagga cho một vị tỳ khưu nọ, là người tinh tấn bậc nhất (āraddha-vīriya), vị ấy động tâm, khi tự nhủ: “ Ta cũng nên trở thành người giống như vị tỳ khưu này trong tương lai!” Khi thời pháp đã mãn, vị ấy thỉnh mời Đức Phật và tổ chức đại thí (mahā-dāna) trong bảy ngày và phát nguyện y như những vị

trưởng lão trước kia từng làm. Khi thấy sự thành tựu trong ước nguyện của vị thiện nam, Đức Phật bèn nói lời tiên tri và trở về tịnh xá.

Kiếp sanh làm cư dân của kinh thành Bārāṇasī

Sau khi làm nhiều thiện nghiệp đến hết cuộc đời, Sirivaḍḍha chỉ luân hồi trong hai cõi, chư thiên và nhân loại. Một trăm ngàn đại kiếp trôi qua, tức là khi Đức Phật Kassapa đã nhập Parinibbāna trong hiền kiếp (bhadda) này. Trước khi Đức Phật của chúng ta xuất hiện, Sirivaḍḍha sanh vào trong một gia đình có đạo đức. Một hôm nọ, cậu ta đang chơi dưới nước với bạn bè ở sông Hằng (Gaṇgā), vị Phật Độc giác (Paccekabuddha) xuất hiện.

Vị Paccekabuddha, khoác chiếc y cũ kỹ, nghĩ rằng: “Sau khi dựng lên một chỗ ngụ ở bên bờ sông Hằng, Ta sẽ nhập hạ và đi khất thực trong kinh thành Bārāṇasī.” Ngài đã gom những cây sào và cây sậy do dòng nước đưa đến. Nhân đó, Sirivaḍḍha cùng với bạn bè đi đến vị Paccekabuddha, đảnh lễ Ngài và hỏi rằng: “ Bạch đại đức, Ngài đang làm gì thế.” “ Này cậu,” vị Phật Độc giác đáp lại, “ Vì mùa an cư (vassa) đang đến gần, vị Sa-môn cần phải có một chỗ trú ngụ.”

Khi ấy Sirivaḍḍha nói rằng: “ Bạch đại đức, xin hãy chờ một ngày. Ngày mai chúng con sẽ xây dựng một chỗ ngụ và dâng nó đến Ngài.” Ngài tự nhủ, “ Ta sẽ ban đặc ân đến chàng trai hiền đức này,” đây là mục đích chính về chuyến viếng thăm của Đức Phật Độc giác, Ngài nhận lời thỉnh cầu của chàng trai. Sau khi biết vị Paccekabuddha nhận lời, Sirivaḍḍha trở về nhà. Ngày hôm sau, chàng trai sửa soạn tất cả các lễ vật cúng dường và đứng chờ vị Paccekabuddha đến. Ngài dò xét xem nên đi khất thực ở đâu và biết được ý định của chàng thanh niên, ngài đi đến cổng nhà của cậu.

Khi nhìn thấy vị Paccekabuddha đi đến, Sirivaḍḍha rất hoan hỉ, thỉnh lấy bát của Ngài và đặt vật thực vào. Cậu ta nói lời thỉnh cầu: “ Xin hãy đến nhà của con để khất thực trong ba tháng an cư này.” Sau khi Ngài nhận lời và ra đi, chàng trai và bạn bè đã bắt tay dựng một

chỗ ngụ có đường kinh hành, những chỗ nghỉ ngơi dành cho ban ngày

và ban đêm rồi dâng cúng đến Đức Phật.

Điều đặc biệt về Sirivaḍḍha này là: Khi Đức Phật Độc giác đi vào chỗ ngụ thì chàng trai có ý nghĩ là không để cho bàn chân của Đức Phật dính bùn trên nền đất trét bằng phân bò ướt, nên đã trải chiếc áo choàng màu đỏ mà cậu ta từng mặc có giá trị một trăm ngàn đồng tiền vàng. Khi trông thấy màu của chiếc áo choàng đỏ và màu nơi thân của Đức Phật Độc giác y như một, cậu ta rất hoan hỉ, thế nên nói rằng: “ Cũng như chiếc áo choàng này của con đã trở nên xinh đẹp hơn từ khi Ngài bước chân lên, cũng vậy cầu xin cho màu của đôi bàn tay và đôi bàn chân của con cũng đỏ và xinh đẹp như màu của hoa dâm bụt! Xin cho sự xúc chạm trên thân của con giống như vải len được làm mịn một trăm lần!”

Chàng trai phục vụ vị Paccekabuddha suốt ba tháng mùa an cư. Khi Ngài làm lễ tự tứ vào cuối của mùa an cư, chàng trai dâng đến ngài ba xấp vải may y. Đầy đủ y bát, vị Paccekabuddha trở về ngọn núi Gandhamādāna.

Đời sống xuất gia trong kiếp chót

Không bị sanh vào trong bốn khổ cảnh, vị thiện nam luân hồi trong hai cõi, chư thiên và nhân loại, và kiếp cuối thọ sanh trong gia đình trưởng giả Usabha, kinh thành Kāḷacampā trong thời kỳ Đức Phật của chúng ta. Từ lúc vị ấy nhập thai, hằng ngàn món quà biếu được gởi đến nhà của người trưởng giả. Vào ngày sanh của vị thiện nam cũng vậy, toàn thể kinh thành Kāḷacampā cũng tràn ngập quà biếu và lễ vật cúng dường. Vào ngày đặt tên, cha mẹ của vị thiện nam nói rằng: “ Con trai của chúng ta đem lại cái tên cho chính nó. Nước da của nó giống như vật được tắm trong nước có màu vàng đỏ,” và gọi là cậu bé Soṇa hay Soṇa, con trai của vị trưởng giả. (Tên chỉ là Soṇa. Nhưng vì cậu ta thuộc dòng họ Koḷivisa, nên người ta gọi cậu là Soṇa Koḷivisa.) Khi ấy có sáu mươi vú nuôi được chỉ định phục vụ cậu con trai, người được nuôi dưỡng trong sung sướng như một vị thiên.

Vật thực được chuẩn bị cho Soṇa

Sau đây là cách mà thực phẩm dành cho Soṇa được chuẩn bị: Trước hết một mảnh ruộng rộng 60 pai (đơn vị của Myanmar)

được cày xới và lúa Sāli được gieo xuống bằng (1) sữa bò, (2) nước hoa và (3) nước tự nhiên.

Tại thửa ruộng, sữa bò và nước hoa được đổ vào qua cái máng từ những cái bình lớn. Khi thân cây thấm chất sữa, để bảo vệ tránh chim chóc và côn trùng, và để làm cho cây trồng được mềm, những cái cột được trồng trong đám ruộng, giữa hai cái sào đều có chừa khoảng trống. Ở trên những cái sào có giàn cây được che bằng những tấm chiếu. Những bức màng được dựng lên để làm vật che và đội bảo vệ được đặt gác ở bốn góc.

Khi vụ mùa đã chín, những vựa thóc được sửa lại bằng cách trét lên chúng bốn loại chất trét (đó là bột nghệ, bột đinh hương, bột cây đỗ quyên và bột của cây kakkū). Không gian được làm cho thơm ngát bằng cách đắp bột trét quí báu. Chỉ những người làm công việc trồng trọt mới mới đi xuống đồng ruộng và thu hoạch vụ mùa cẩn thận, buộc chúng bằng những sợi dây và phơi khô chúng. Một lớp bột trét được trét trên nền của những kho thóc; những bó lúa khô được trải trên nền đã trét bột thơm. Rồi những cánh cửa được đóng lại và lúa được cất giữ trong ba năm.

Sau ba năm những cánh cửa của những kho thóc được mở ra.

Toàn thể kinh thành Campā lúc bấy giờ tràn ngập mùi thơm.

Khi lúa Sāli được giã, những người nghiền rượu chạy đến để mua vỏ trấu và cám. Còn gạo bể thì được những người hầu và người làm công đem về ăn. Chỉ những hạt gạo nguyên vẹn được để riêng dành cho con trai của vị trưởng giả.

Cách nấu cơm như sau: những hạt gạo nguyên được bỏ vào trong cái rỗ được làm bằng những sợi chỉ vàng. Sau khi lược một trăm lần, gạo được ngâm trong nước sôi và (không để lâu), nó được vớt ra. (Vì gạo được nấu chín khi vừa vớt ra khỏi nước) nên những hạt cơm trông giống như những bông hoa lài.

Khi ấy món cơm được bỏ vào trong cái bát bằng vàng được đặt trên cái chén bằng bạc chứa đầy món cơm sữa ngọt, không có nước và được nấu chín hoàn toàn (khiến cho món cơm nóng hổi). Món cơm khi ấy được dọn ra trước cho Soṇa.

Đứa con trai của vị trưởng giả, là Soṇa-Koḷivisa, dùng món cơm Sāli một cách vừa phải. Cậu rửa miệng, tay và chân bằng nước thơm. Rồi người ta đem đến cho cậu ta tất cả các loại cau trầu và những thứ khác để làm thơm miệng.

Bất cứ nơi nào cậu ta đi đến, thì những tấm thảm mịn và xinh đẹp được trải ra. Lòng bàn tay và gót chân của vị ấy có màu đỏ như màu của hoa dâm bụt. Thân xúc của cậu ta rất mềm như vải len được chải một trăm lần. Hai lòng bàn chân được bao phủ một lớp lông mềm. Khi giận ai, cậu ta thường nói lời đe dọa: “ Ngươi hãy suy nghĩ cẩn thận về điều đó! Hay ta sẽ dậm hai bàn chân của ta xuống đất.” Khi đến tuổi trưởng thành, ba cung điện được xây dựng cho cậu (như trường hợp của Yasa, con trai vị trưởng giả), mỗi cung điện thích hợp với từng mùa. Cậu ta cũng được cha mẹ cho những vũ nữ đến hầu hạ múa hát. Vui thích trong dục lạc, người con trai giàu sang sống cuộc đời hạnh phúc như chư thiên.

Lúc bấy giờ, Đức Phật của chúng ta đã thành đạo và thuyết giảng bài kinh Chuyển pháp luân, lúc bấy giờ Ngài đang sống và đi khất thực ở trong thành Rājagaha. Trong thời gian đó, vị minh quân Bimbisāra (Bình-sa-vương) triệu tập Soṇa và cử cậu ta, cùng với tám chục ngàn vị trưởng thôn đi đến Đức Phật. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, vị ấy phát khởi niềm tin mạnh mẽ nên vị ấy đã xin phép Đức Phật cho xuất gia.

Đức Phật hỏi vị ấy là đã được sự xin phép cha mẹ chưa. Khi vị ấy trả lời chưa, thì Đức Phật từ chối nói rằng: “ Này con Soṇa, chư Phật không xuất gia cho ai chưa được cha mẹ cho phép.” “ Lành thay, bạch Thế Tôn,” Soṇa trả lời và vâng lời Đức Phật, vị ấy về gặp cha mẹ và xin phép họ xuất gia rồi trở lại. Theo chỉ thị của Đức Phật, vị ấy được truyền phép xuất gia bởi một vị tỳ khưu. ( Đây là bài mô tả tóm

tắt. Bài mô tả chi tiết ở trong bản dịch về Cammakkhandhaka của bộ Vinaya Mahāmagga.)

Khi sống ở trong kinh thành Rājagaha, sau khi xuất gia, quyến thuộc và bạn bè đã hết lòng cúng dường vị ấy để tỏ lòng tôn kính. Họ nói nhiều lời tán dương nhân cách xinh đẹp của vị ấy. Vì thế, Soṇa khởi lên ý nghĩ: “ Quá nhiều người đến với ta. Nếu họ cứ tiếp tục đến với ta, thì làm sao ta có thể chuyên tâm vào thiền chỉ và thiền quán? Ta sẽ không còn có thể hành đạo được nữa. Nếu sau nghe bài pháp về thiền từ Đức Phật, ta đi đến bãi tha ma ở khu rừng Sītavana và nỗ lực hành đạo thì sao! Mọi người sẽ không đi đến đó, vì họ ghê tởm bãi tha ma. Khi ấy việc thực hành pháp Sa-môn của ta sẽ đạt đến đỉnh cao, là đạo quả A-la-hán.” Do đó, sau khi nghe giảng pháp thiền từ Đức Phật, vị ấy đi đến khu rừng Sītavana, tại đó vị khởi tâm tinh tấn hành đạo.

Sự chuyên tâm nỗ lực

“ Thân của ta rất tinh tế,” trưởng lão Soṇa suy nghĩ, “ thực ra, ta không phải là người có thể đạt được hạnh phúc của Đạo và Quả một cách dễ dàng. Do đó ta nên nỗ lực tinh tấn bất chấp mệt mõi.” Nghĩ vậy vị ấy chuyên tâm hành thiền chỉ bằng hai oai nghi là đi và đứng (hoàn toàn không nằm và ngồi). Rồi những vết sưng xuất hiện ở mép của bàn chân và toàn con đường kinh hành lấm lem vết máu vì những chỗ sưng tấy bị vỡ ra. Khi vị ấy không thể đi bằng chân, vị ấy thực hành bằng cách bò trên hai đầu gối và cùi chỏ làm chúng cũng bị trầy xước khiến cho con đường kinh hành thấm màu đỏ nhiều hơn. Dù nỗ lực tinh tấn như thế, nhưng vị ấy không thấy được dấu hiệu có kết quả tích cực của pháp thiền. Do đó vị ấy nuôi dưỡng ý nghĩ như sau:

“ Nếu có ai khác mà nỗ lực tinh tấn, thì người đó cũng làm như ta thôi, chứ không thể nào hơn thế. Dầu ta đã nỗ lực tinh tấn hết mình nhưng ta không thể chứng Đạo và Quả. Có lẽ ta không thực sự thuộc hạng Lượt khai trí giả (ugghaṭitaññū), Quảng viễn trí giả (vipañcitaññū) hay Sở dẫn đạo giả (neyya). Có lẽ ta chỉ là một Văn cú vi tối giả (padaparama). Theo đúng nghĩa thì có lợi ích gì trong đời

sống Sa-môn. Như vậy, chẳng có lợi ích gì trong đời sống Sa-môn. Chắc có lẽ không có. Ta sẽ hoàn tục. Ta sẽ hưởng những lạc thú của thế gian và (trong khi làm như vậy) ta sẽ làm những việc phước.”

Sự sách tấn của Đức Phật : ví dụ của cây đàn

Khi biết được ý nghĩ của trưởng lão, Đức Phật cùng với chúng Tăng đi đến Soṇa vào lúc chiều tối, và khi thấy con đường kinh hành có màu đỏ, Ngài hỏi rằng: “ Này các tỳ khưu, con đường kinh hành của ai mà đỏ như lò mổ thế này?” (dù Ngài biết rõ nhưng Ngài vẫn hỏi với mục đích để thuyết một bài pháp). Các tỳ khưu đáp lại: “Bạch Thế Tôn, hai lòng bàn chân của đại đức Soṇa, người đã dốc quá nhiều tinh tấn đi kinh hành trong lúc hành thiền, nên đã bị sưng tấy. Con đường kinh hành giờ đây có màu đỏ như lò mổ do vị tỳ khưu Soṇa tạo ra.” Đức Phật đi đến chỗ hành thiền của trưởng lão Soṇa và ngồi xuống trên chỗ ngồi đã được soạn sẵn.

Trưởng lão Soṇa đi đến và đảnh lễ Đức Phật rồi ngồi xuống ở một nơi phải lẽ. Khi Đức Phật hỏi vị ấy xem là vị ấy có thật đã nuôi dưỡng ý định hoàn tục, trưởng lão Soṇa thú nhận là có thật như vậy. Sau đó Đức Phật thuyết một bài pháp, đề tài cây đàn (vīnovāda), những sợi dây của cây đàn phải được điều chỉnh không quá chùn cũng không quá căng.

Đức Phật: Này con, con nghĩ như thế nào về câu hỏi mà Như Lai sắp hỏi đây? Con có thể trả lời nếu con thích. Con vốn thông minh trong việc chơi đàn trước kia khi còn là cư sĩ.

Soṇa: Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

(Ở đây, khi đại đức Soṇa còn nhỏ thì cha mẹ nghĩ rằng: “ Nếu Soṇa học bất cứ nghệ thuật nào khác thì nó sẽ mệt mỏi. Nhưng chơi đàn thì có thể học được trong khi đang ngồi thoải mái ở một chỗ.” Bởi vậy họ cho cậu bé học đàn và trở thành một người chơi đàn thành thạo.

(Đức Phật biết rằng: “Những hình thức tu thiền khác không thể đem lại lợi ích cho tỳ khưu Soṇa này. Trong khi còn làm cư sĩ, vị ấy

chơi đàn thành thạo. Vị ấy sẽ nhanh chóng đạt được trí tuệ nếu Ta giảng liên quan đến môn nghệ thuật ấy.” Do đó, sau khi hỏi trưởng lão Soṇa như đã giải thích ở trên, Đức Phật bắt đầu bài pháp).

Đức Phật: Này con Soṇa, con nghĩ như thế nào về câu hỏi mà Như Lai sắp hỏi đây? Giả sử như những sợi dây đàn của con quá căng thì cây đàn của con có thể tạo ra âm thanh khả ái không? Nó có ngân dài không?

Soṇa: Bạch Thế Tôn, không thể được. Nó sẽ không tạo ra âm thanh khả ái cũng không ngân dài.

Đức Phật: Này con Soṇa, con nghĩ như thế nào về câu hỏi mà Như Lai sắp hỏi đây? Giả sử những sợi dây đàn quá chùn thì cây đàn của con có thể tạo ra âm thanh khả ái không? Nó có ngân dài không?

Soṇa: Bạch Thế Tôn, không thể được. Nó sẽ không tạo ra âm thanh khả ái cũng không ngân dài.

Đức Phật: Này con Soṇa, con nghĩ như thế nào về câu hỏi mà Như Lai sắp hỏi đây? Giả sử những sợi dây đàn không quá căng cũng không quá chùn mà được điều chỉnh chuẩn xác, thì cây đàn của con có thể tạo ra âm thanh khả ái không? Nó có ngân dài không?

Soṇa: Bạch Thế Tôn, có thể được. Nó sẽ tạo ra âm thanh khả ái

và ngân dài.

Đức Phật: Cũng vậy, này con Soṇa, sự nỗ lực tinh tấn quá nhiều sẽ tạo ra phóng dật (uddhacca). Sự tinh tấn quá ít sẽ tạo ra sự giải đãi (kosajja). Do đó này con Soṇa, hãy điều chỉnh tinh tấn (vīriya) và định (samādhi) ngang bằng nhau. Phải biết rằng các căn của con như tín căn cũng phải ở mức quân bình. (Hãy làm cho năm căn như tín căn (saddhā) , tấn căn (vīriya), niệm căn (sati) , định căn (samādhi) và tuệ căn (paññā) đều ở mức quân bình). Khi chúng đã được khéo quân bình, thì hãy cố gắng để có những tướng thanh tịnh, v.v…)

Soṇa: Lành thay, bạch Thế Tôn.

Sau khi đã sách tấn trưởng lão Soṇa bằng cách đưa ra ví dụ về sự chơi đàn và sau khi đã dạy cho vị ấy sự hành thiền liên quan đến sự quân bình tinh tấn và thiền định, Đức Phật trở về tịnh xá trên ngọn đồi Gijhakūṭa (Kỳ xà quật).

Sự hoạch đắc danh hiệu Etadagga

Sau khi xem lại cách hành thiền của trưởng lão Soṇa Koḷovisa, thì sự thật tự nó hiển thị rằng, trong khi sự tinh tấn của những tỳ khưu khác phải được gia tăng (vì nó quá thiếu), thì sự tinh tấn của trưởng lão phải được giảm bớt (vì nó quá nhiều). Do đó, một thời gian sau, Đức Phật tán dương và ban cho vị ấy danh hiệu Đệ nhất tinh tấn (āraddha-vīraya):

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ āraddha-vīriyānaṃ yadidaṃ Soṇa Koḷiviso.

Này các tỳ khưu, trong số các đệ tử của Như Lai có sự tinh tấn, thì Soṇa thuộc dòng họ Koḷivisa là Đệ nhất.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 14

Post Views: 614