ĐẠI TRƯỞNG LÃO UPASENA VAṄGANTAPUTTA – đệ nhất về sự dễ mến toàn diện

ĐẠI TRƯỞNG LÃO UPASENA VAṄGANTAPUTTA – đệ nhất về sự dễ mến toàn diện

ĐẠI TRƯỞNG LÃO UPASENA VAṄGANTAPUTTA

Nguyện Vọng Quá Khứ

Trong quá khứ, đại đức UpasenaVaṅgantaputta sanh vào một gia đình danh giá trong kinh đô Hamsavati, trong thời của Đức Phật Padumuttara. Khi đến tuổi trưởng thành, vị ấy đi đến tịnh xá của Đức Phật. Giống như tất cả những vị đại trưởng lão tương lai khác, nghe Đức Phật thuyết pháp. Tại đây, vị ấy chứng kiến một tỳ khưu được Đức Phật đặt vào địa vị tối thắng trong những vị tỳ khưu đạt được sự kính mến của đông đảo tùy tùng. Người đàn ông danh giá cũng muốn bắt chước vị tỳ khưu ấy và phát nguyện có được vinh dự ấy trong kiếp

sống tương lai. Đức Phật thấy rằng nguyện vọng của vị thiện nam sẽ được thành tựu và nói lời tiên tri. Rồi Ngài trở về tịnh xá.

Đời sống Sa-môn trong kiếp chót

Người đàn ông danh giá ấy sau khi sống trọn cuộc đời làm các việc phước, đã mạng chung vào những cõi hạnh phúc. Vào thời Đức Phật Gotama, vị ấy tái sanh vào một gia đình Bà-la-môn, trong ngôi làng Bà-la-môn Nālaka, nước Magadha. Người mẹ của vị ấy là Rūpanārī, vợ của một vị trưởng giả Bà-la-môn. Lúc nhỏ vị ấy có tên là Upasena. Khi lớn lên và học Tam phệ đà, nhưng sau khi nghe pháp từ Đức Phật, vị ấy có lòng tịnh tín sâu đậm nơi Ngài và xuất gia làm tỳ khưu.

Khi đại đức Upasena được một tuổi hạ, vị ấy ước muốn gia tăng số lượng tỳ khưu. Vị ấy một người đàn ông xuất gia Sa-di và rồi cho vị ấy tu lên tỳ khưu.

Đại đức Upasena, vào cuối mùa an cư sau khi, tham dự Tăng sự như thường lệ, bèn lên đường yết kiến Đức Phật, đi cùng với người đệ tử thân tín mà lúc ấy được một hạ tỳ khưu và chính đại đức có hai tuổi hạ là thầy tế độ của vị tỳ khưu ấy. Đại đức nghĩ rằng Đức Phật sẽ hoan hỉ với vị ấy về hành động khéo tác ý của vị ấy (là thâu nhận một người mới vào Tăng chúng).

Khi đại đức Upasena đang ngồi ở một nơi thích hợp trước Đức Phật, Ngài nói với vị ấy: “ Này tỳ khưu, con đã được bao nhiêu hạ?” “ Bạch Thế Tôn, được hai hạ,” Upasena đáp lại. “ Còn người đi chung với con được bao nhiêu hạ?” “ Bạch Thế Tôn, một hạ.” “ Hai người có quan hệ với nhau như thế nào?” “ Bạch Thế Tôn, vị ấy là đệ tử thân tín của con.” “ Này con người rỗng tuếch, ngươi đã có tâm nghiêng về bốn món vật dụng rất nhanh.” Rồi Đức Phật khiển trách đại đức Upasena bằng nhiều cách. Sau đó Đức Phật ban hành điều luật như vầy:

“ Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu chưa đủ mười hạ trong Tăng chúng thì không được cho một người tu lên tỳ khưu. Người nào vi phạm điều học này thì phạm vào tiểu tội của giới luật.

“ Này các tỳ khưu, Như Lai cho phép vị tỳ khưu có mười hạ lạp trở lên được làm thầy tế độ cho một tân tỳ khưu trong việc thâu nhận người ấy vào đời sống xuất gia.”

Hai điều luật này xảy ra liên quan đến đại đức Upasena (hãy xem bộ Vinaya Mahāvagga.)

Upasena do bị khiển trách như vậy bèn suy nghĩ về việc thọ lãnh lời khen từ Đức Phật: “ Ta sẽ tạo ra những lời khen ngợi liên quan đến chính vấn đề tùy tùng, xuất phát từ Đức Thế Tôn, bậc sáng chói như trăng rằm,” vị ấy tự khích lệ. Cũng vào chính ngày hôm ấy, vị ấy đi vào chỗ vắng vẻ, quán niệm bằng sự tinh cần, trau dồi tuệ quán và trong vài ngày vị ấy chứng đạo quả A-la-hán.

Những người đệ tử được giáo giới

Upasena là một vị tỳ khưu xuất thân từ một gia đình danh giá. Với danh tiếng của vị ấy ở khắp vùng là một người giảng pháp có tài; vị ấy chiếm được niềm tin và thiện cảm của nhiều đứa trẻ trong các gia đình danh giá có quan hệ huyết thống hay bạn bè. Những đứa trẻ này trở thành Sa-di dưới sự dẫn dắt của vị ấy. Vị ấy tạo ra một sự thỏa thuận với chúng ngay từ đầu: “ Này các con, ta là người có hạnh nguyện sống trong rừng. Nếu các con có thể sống trong rừng như ta thì các con có thể trở thành Sa-di” và giải thích cho chúng hiểu về mười ba pháp đầu đà. Chỉ có những đứa trẻ có thể thọ trì pháp đầu đà, vị ấy mới thâu nhận làm Sa-di, nhưng giới hạn vì tuổi chúng còn nhỏ. Khi đại đức Upasena trải qua mười tuổi hạ tỳ khưu, vị ấy thông thạo tạng Luật và truyền phép xuất gia tỳ khưu cho các sa-di, làm thầy tế độ của họ. Số lượng tỳ khưu được vị ấy tuyền phép xuất gia lên đến năm trăm vị.

Trong thời gian ấy, Đức Phật đang ngụ ở tịnh xá Jetavana, tại Sāvatthi. Một hôm Đức Phật nói với các tỳ khưu: “ Này các tỳ khưu,

Như Lai muốn sống một mình trong nửa tháng” rồi Ngài sống viễn ly. Chư Tăng thỏa thuận với nhau, vị tỳ khưu nào đến gần Đức Thế Tôn thì phải sám hối tội.

Đại đức Upasena cùng với các đệ tử đi đến tịnh xá Jetavana để đảnh lễ Đức Phật và sau khi đảnh lễ Ngài, họ ngồi xuống ở nói phải lẽ. Đức Phật với ý định bắt đầu cuộc trò chuyện, bèn hỏi một vị tỳ khưu trẻ đệ tử thân tín của đại đức Upasena: “ Này tỳ khưu, con có thích mặc y phấn tảo không?” Vị tỳ khưu trẻ bèn nói một câu mở đầu: “ Bạch Thế Tôn, con không thích,” nhưng tiếp tục giải thích rằng tuy cá nhân không thích nó, nhưng do lòng kính trọng vị thầy tế độ nên vị ấy đã thọ trì pháp đầu đà mặc y phấn tảo.

Đức Phật khen ngợi Upasena về điều ấy, và cũng nói nhiều lời tán dương Upasena ở nhiều điểm khác. ( Đây chỉ là bài môt tả tóm tắt về việc Upasena nhận được lời khen nơi Đức Phật. Muốn biết chi tiết, hãy xem bộ Vinaya, Pārājikakaṇḍa Pāḷi, 2 Kosiya vagga, 5 Nisīdana Santata Sikkhāpada. Cần chú ý rằng trong bài kinh ấy ghi rằng Đức Phật đã nói: “ Như Lai muốn ẩn cư trong ba tháng” trong khi đó Chú giải của bộ Aṅguttara Nikāya nói rằng Đức Phật muốn “ ẩn cư nửa tháng.” Theo chúng tôi thì bản dịch của kinh nói “ ba tháng” là có căn cứ đích xác.)

Sự hoạch đắc danh hiệu Etadagga

Vào một dịp, khi Đức Phật đang ngồi giữa chúng Tăng tôn vinh các vị tỳ khưu tối thắng bằng các danh hiệu, Ngài đã công bố:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ samantapāsādikānaṃ yadidaṃ Upaseno Vaṅgantaputto.

Này các tỳ khưu, trong số các tỳ khưu đệ tử của Như Lai

đạt được sự kính trọng cao của đệ tử, Upasena Vaṅgantaputta là Đệ nhất.

Cái chết bi thảm của Trưởng lão

Một hôm, trưởng lão Sāriputta và trưởng lão Upasena đang trú ngụ ở gần Rājagaha, tại hang động Sappasoṇḍika (cái động giống như cái mang của con rắn) trong khu rừng Gỗ Mun. Lúc bấy giờ một con rắn độc rơi trên người của trưởng lão Upasena.

(Trưởng lão Upasena đang khâu chiếc đại y ở gần lối vào hang động, nơi có gió thổi vào. Vào lúc ấy, một trong hai con rắn độc đang giao phối ở trên vòm hang thì rơi xuống trên vai của đại đức. Con rắn cực độc, chỉ cần chạm vào nó, nọc của nó đã gây chết người. Bởi vậy thân của trưởng lão bị đốt cháy như sợi bấc của cây đèn, lan khắp cả cơ thể. Trưởng lão biết rằng cái thân này sẽ bị thiêu rụi trong chốc lát nhưng ngài nguyện rằng cái thân sẽ còn nguyên bên trong hang động, vào nhờ vậy kéo thời gian tiêu hoại).

Khi ấy trưởng lão Upasena gọi các vị tỳ khưu, nói rằng, “ Này các hiền giả, hãy đến! Hãy đặt cái thân của tôi trên cái võng và khiêng ra ngoài trước khi cái thân này tan rã ở đây như quả cầu bằng trấu.”

Nhân đó trưởng lão Sāriputta nói với trưởng lão Upasena: “ Chúng tôi không thấy sự thay đổi nào trong thân hay thay đổi nào trên các căn của trưởng lão Upasena.” Tuy nhiên trưởng lão Upasena lại nói: “Này hiền giả, hãy đến! Hãy đặt thân của tôi trên cái võng và khiêng nó ra bên ngoài trước khi cái thân này tan rã ở đây như quả cầu bằng trấu.” (Câu này được nói bởi trưởng lão Sāriputta vì không có biến đổi nào trong oai nghi của thân và sự biểu hiện trên gương mặt của đại đức Upasena, điều biến đổi như người thường vào giờ chết).

Khi ấy trưởng lão Upasena nói rằng:

“ Này hiền giả Sāriputta, sự thật thì chỉ trong người mà nhìn bằng tà kiến và ái dục, ‘ tôi là con mắt, con mắt là của tôi’, ‘tôi là lỗ tai, lỗ tai là của tôi’, ‘tôi là mũi, mũi là của tôi’; ‘tôi là lưỡi, lưỡi là của tôi’; ‘tôi là cái thân, cái thân là của tôi’; ‘tôi là tâm ý, tâm ý là của tôi’, thì những biến đổi trong thân và những biến đổi trong các căn xảy ra.

“ Này hiền giả Sāriputta, tôi chẳng có cái nhìn nào qua tà kiến hoặc ái dục rằng , ‘ tôi là con mắt, con mắt là của tôi’, ‘tôi là lỗ tai, lỗ tai là của tôi’, ‘tôi là mũi, mũi là của tôi’; ‘tôi là lưỡi, lưỡi là của tôi’;

‘tôi là cái thân, cái thân là của tôi’; ‘tôi là tâm ý, tâm ý là của tôi’. Này hiền giả Sāriputta, làm sao có sự biến đổi trong tấm thân hay sự biến đổi nơi các căn trong tôi, là người không chấp theo những tri kiến như vậy?”

Đại đức Sāriputta nói rằng:

“ Quả thật là như vậy, này hiền giả Upasena, vì từ lâu hiền giả đã đoạn tận tà kiến ‘ ngã của tôi’, ái dục vào ‘cái của tôi’, và ngã mạn ‘tôi’, nên không thể có những tà kiến như vậy sanh lên được, hoặc qua tà kiến hoặc qua ái dục, ‘ tôi là con mắt, con mắt là của tôi’, ‘tôi là lỗ tai, lỗ tai là của tôi’, ‘tôi là mũi, mũi là của tôi’; ‘tôi là lưỡi, lưỡi là của tôi’; ‘tôi là cái thân, cái thân là của tôi’; ‘tôi là tâm ý, tâm ý là của tôi’.”

Các vị tỳ khưu đặt trưởng lão Upasena trong cái võng rồi khiêng ra bên ngoài. Ngay tại đó, thân của trưởng lão Upasena tan rã như trái cầu bằng trấu và Ngài nhập Vô dư Niết bàn.

(Bài mô tả này cũng được ghi lại trong bộ Salāyatana Saṃyutta, Upasena asīvisa Sutta và Chú giải).

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 31

Post Views: 821