ĐẠI TRƯỞNG LÃO VÀṄGĪSA – đệ nhất về biện tài , trí mẫn tiệp

ĐẠI TRƯỞNG LÃO VÀṄGĪSA – đệ nhất về biện tài , trí mẫn tiệp

ĐẠI TRƯỞNG LÃO VÀṄGĪSA


Nguyện vọng quá khứ

Vaṅgīsa tương lai sanh vào một gia đình giàu có ở kinh thành Haṃsavatī trong thời của Đức Phật Padumuttara. Như những vị trưởng lão tương lai khác trong nhóm các Đại đệ tử, đi đến tịnh xá và nghe Đức Phật giảng pháp, vị ấy tình cờ chứng kiến một vị tỳ khưu được Đức Phật nêu danh là Đệ nhất trong số những vị tỳ khưu có trí tuệ mẫn tiệp. Vị thiện nam, Vaṅgīsa tương lai, cũng muốn được như vị tỳ khưu ấy và sau khi đã tổ chức đại thí cúng dường đến Đức Phật, vị ấy phát nguyện: “ Do việc phước này, cầu xin cho con được trở thành vị tỳ khưu tối thắng trong những vị tỳ khưu có trí tuệ mẫn tiệp vào thời của vị Phật tương lai.” Đức Phật thấy rằng nguyện vọng của vị thí chủ sẽ được thành tựu và đã nói lời tiên tri trước khi Ngài trở về tịnh xá.

Đời sống Sa-môn trong kiếp chót

Sau khi thực hiện các thiện nghiệp suốt đời, vị thiện nam mạng chung và tái sanh luân chuyển trong cõi chư thiên và nhân loại. Vào thời của Đức Phật Gotama, vị ấy tái sanh vào một gia đình Bà-la-môn, trong kinh thành Sāvatthi, tên là Vaṅgīsa. Khi đến tuổi trưởng thành, vị ấy học Tam phệ đà. Vị ấy hầu hạ ông thầy một cách rất siêng năng, nhờ vậy được ông thầy truyền cho câu chú có tên gọi là Chavasīsa mantra, khi đọc nó vị ấy có thể nói chỗ tái sanh của người chết bằng cách gõ nhẹ vào cái sọ của người quá vãng ấy.

Các vị Bà-la-môn biết rõ cách lợi dụng ngón nghề của Vaṅgīsa. Bởi vậy họ đặt vị ấy trong một chiếc xe kéo che kín và thường cắm trại ở cổng vào thị trấn hay cổng làng. Khi đám đông tụ họp lại, họ quảng cáo sự vĩ đại của Vaṅgīsa như sau: “ Ai mà thấy Vaṅgīsa thì sẽ có tài sản và danh tiếng; và đi đến các cõi trời sau khi chết.” Nhiều người bị lừa gạt bởi sự tuyên truyền như vậy nên đi đến các Bà-la-môn, “ Thưa các ngài, trí tuệ đặc biệt của đạo sư Vaṅgīsa là như thế nào?” Khi ấy các Bà-la-môn nói rằng, “ Ồ thưa quý vị, quý vị không biết rằng chẳng có một ai thông minh bằng đạo sư Vaṅgīsa , vì vị ấy

có thể nói cho quý vị biết về chỗ tái sanh của người quá vãng. Chỉ cần gõ nhẹ vào cái sọ của người chết bằng những móng tay của vị ấy, vị ấy có thể nói cho quý vị biết người chết đã tái sanh vào dòng tộc nào hay cõi nào.” Và Vaṅgīsa thực sự có khả năng làm tốt yêu cầu của mọi người. Ông có thể gọi hồn của người chết, và làm cho nó nhập vào một người nào đó ở gần ông ta, và nhờ người sống ấy nói nơi người chết tái sanh. Nhờ có ngón nghề kỳ diệu này, vị ấy kiếm được một món tiền lớn từ các thân chủ.

Thời gian giác ngộ của Vaṅgīsa

Sau chuyến đi trải qua các thành thị và làng mạc, những người của Vaṅgīsa đưa vị ấy đến kinh thành Sāvatthi. Vaṅgīsa dừng chân ở gần Jetavana tịnh xá và suy nghĩ, “ Sa-môn Gotama nổi tiếng về trí tuệ. Nếu chỉ đi lại trong xứ Diêm phù đề thì chẳng lợi ích gì cho ta. Ta có thể đến và gặp ai đó mà người ta đồn là có trí tuệ.” Bởi vậy vị ấy bảo những người đi chúng hãy đi chỗ khác, khi nói rằng: “ Các vị cứ đi tiếp, tôi không muốn cùng các vị đi yết kiến Đức Phật. Thế nên, hãy để tôi đi một mình.” “ Nhưng thưa ngài,” những tùy tùng của vị ấy phản kháng, “ bằng cách sử dụng thủ đoạn gian trá, Sa-môn Gotama có cách chiến thắng mọi người mà đến gặp vị ấy.” Tuy nhiên, Vaṅgīsa không chú ý đến những lời nói ấy. Đến trước Đức Phật, và sau khi nói những lời chào hỏi xã giao, vị ấy ngồi xuống ở nơi thích hợp.

Đức Phật hỏi chàng thanh niên Vaṅgīsa, “ Này Vaṅgīsa, có phải ngươi thiện xảo về một ngón nghề?” “ Thưa đại đức Gotama,” Vaṅgīsa đáp lại, “ con biết một câu chú có tên là chavasīsa mantra.” “ Ngươi dùng câu chú ấy để làm gì?” “ Thưa đại đức Gotama, khi tụng câu chú ấy, con dùng những ngón tay của con gõ nhẹ vào cái sọ của người chết trên ba năm và con có thể nói ra được người ấy hiện đang tái sanh ở cõi nào.”

Nhân đó Đức Phật dùng thần thông đem về bốn cái sọ người:

(1) cái sọ của người tái sanh trong địa ngục; (2) cái sọ của người tái sanh lại cõi người; (3) cái sọ của người tái sanh trong cõi chư thiên;

cái sọ của vị đã chứng đắc A-la-hán. Vaṅgīsa, khi gõ nhẹ vào cái sọ thứ nhất, nói rằng: “ Thưa đại đức Gotama, người có cái sọ này hiện đang ở địa ngục.” “ Tốt lắm, tốt lắm, này Vaṅgīsa.” Đức Phật nhận xét: “ Ngươi thấy đúng. Còn người có cái sọ kia hiện đang ở đâu?” Đức Phật hỏi, khi chỉ về cái sọ thứ hai. “ Thưa đại đức Gotama, người ấy đã sanh lại cõi người.” Đức Phật lại trắc nghiệm về cái sọ thứ ba và Vaṅgīsa nói rằng: “ Thưa đại đức Gotama, người ấy hiện đang tái sanh vào cõi chư thiên.” Và cả ba sự phát hiện đều đúng sự thật.

Tuy nhiên khi Đức Phật chỉ về cái sọ thứ tư và trắc nghiệm khả năng của Vaṅgīsa thì chàng trai Bà-la-môn rơi vào tình thế khó xử. Mặc dầu đã gõ đi gõ lại cái sọ nhiều lần và suy xét về nó nhưng vị ấy chẳng biết tí gì về kiếp hiện tại của người có cái sọ ấy.

Đức Phật hỏi: “ Này Vaṅgīsa, có phải người hết cách rồi chăng?” “ Xin hãy chờ một lát, thưa đại đức Gotama,” Vaṅgīsa nói, “ con sẽ thử lại.” Vị ấy cố gắng một cách vụng về, càng tụng đọc nhiều lần câu chú nỗi tiếng ấy và gõ vào cái sọ lại càng thất bại. Vị ấy thấy rằng vấn đề rõ ràng vượt ngoài khả năng của vị ấy. Những giọt mồ hôi chảy xuống từ trán. Trông như một kẻ ngu hoàn toàn, Vaṅgīsa vĩ đại đành làm thinh. “ Người thấy mệt rồi chăng, này Vaṅgīsa?” “ Đúng vậy, thưa đại đức Gotama, con thấy rất mệt. Con không thể nói chỗ tái sanh của người có cái sọ ấy. Nếu đại đức biết thì xin hoan hỉ nói cho con biết.” “ Này Vaṅgīsa,” Đức Phật nói, “ Như Lai biết chúng sanh này, và còn biết nhiều hơn thế nữa.” Rồi Đức Thế Tôn nói lên hai câu kệ sau đây:

Cutiṃ yo vedi sattānaṃ, upapattiñ ca sabbaso

Asattaṃ Sugataṃ Buddhaṃ, taṃ ahaṃ brūmi Brahmanaṃ.

(Này Vaṅgīsa,) ngươi biết rõ sự chết và sự tái sanh của chúng sanh về mọi phương diện, người thì thoát khỏi luyến ái, người thì đã đi con đường chánh và giác ngộ Niết bàn, đã liễu ngộ Tứ Thánh Đế, người ấy Như Lai gọi là Bà-la-môn. (Dhammapada, v.419)

Yassa gatiṃ na jānanti, Devā gandhabba manusā, Khīnāsavaṃ Arahantaṃ, tam ahaṃ brūmi Brahmanaṃ.

(Này Vaṅgīsa,) người mà không biết sanh về đâu, cõi chư thiên hay cõi càn-thát-bà hay người đã đoạn tận bốn lậu hoặc, là bậc A-la-hán, Như Lai gọi người ấy là Bà-la-môn (Dhammapada, v.420)

(Chú ý: Đức Phật nói những bài kệ này đến các tỳ khưu trong bộ kinh Dhammapada, cho họ biết rằng đại đức Vaṅgīsa là bậc A-la-hán. Trong hoàn cảnh hiện tại, Đức Phật thuyết những câu kệ trên vì lợi ích của Vaṅgīsa rằng cái sọ thứ tư thuộc về vị A-la-hán có chỗ đến sau khi chết, không tìm thấy được ở bất cứ nơi nào trong năm chỗ sanh thú).

Khi ấy chàng trai Vaṅgīsa nói với Đức Phật: “ Thưa đại đức Gotama, không có sự thua lỗ cho người trao đổi manta này lấy manta kia. Con sẽ trao cho ngài chavasīsa manta của con để đổi lấy Buddha-manta của ngài mà Ngài nói đầu tiên.” Đức Phật đáp lại, “ Này Vaṅgīsa, chư Phật không trao đổi manta. Các Ngài cho nó bằng thiện ý đến những ai muốn nó.” “ Tốt lắm, thưa đại đức Gotama,” Vaṅgīsa nói: “ Cầu xin đại đức Gotama hãy cho con manta đó,” và vị ấy tỏ thái độ tôn kính đến Đức Phật bằng cách chấp hai tay giống như con rùa mới lớn.

Khi ấy Đức Phật nói rằng, “ Này Vaṅgīsa, người xin nhận được một đặc ân có cần thời gian thử thách để làm tròn phận sự của người đó chăng?” “ Dạ có, thưa đại đức Gotama.” “ Này Vaṅgīsa, phải chăng ngươi cho rằng người muốn học manta trong giáo pháp của Như Lai mà không cần thời gian thử thách?” Theo tính cách của Bà-la-môn giáo thì không được thỏa mãn trong việc học các manta. Vaṅgīsa cảm thấy cần phải học cho được Buddha-manta bằng bất cứ giá nào. Bởi vậy vị ấy nói: “ Thưa đại đức Gotama, con sẽ tuân theo những điều lệ của Ngài.” “ Này Vaṅgīsa, khi Như Lai dạy Buddha-manta thì Như Lai chỉ dạy cho người mang tướng mạo giống như tướng mạo của Như Lai.”

Vaṅgīsa đã quyết tâm học Buddha-manta và hoàn thành điều kiện do Đức Phật yêu cầu; bởi vậy vị ấy nói với tùy tùng của mình rằng: “ Này, đừng có làm phiền tôi khi tôi trở thành tỳ khưu. Tôi phải học Buddha-manta. Sau khi học được nó rồi, tôi sẽ trở thành bậc thầy vĩ đại nhất trong xứ Diêm phù đề này, và đó cũng là điều tốt cho các bạn.” Sau khi nói lời an ủi những người cộng sự của vị ấy như vậy, Vaṅgīsa trở thành tỳ khưu với mục đich học Buddha-manta.

(Chú ý: Vị thầy tế độ trong cuộc lễ thọ Cụ túc giới của Vaṅgīsa là trưởng lão Nigrodhakappa, một vị A-la-hán, tình cờ có mặt bên cạnh Đức Phật vào lúc ấy. Đức Phật nói với trưởng lão Nigrodhakappa rằng: “ Này Nigrodhakappa, Vaṅgīsa muốn trở thành tỳ khưu. Hãy lo liệu cho vị ấy được thọ Cụ-túc-giới.” Trưởng lão Nigrodhakappa dạy cho Vaṅgīsa pháp thiền về năm thể trượt và hướng dẫn vị ấy trở thành vị tỳ khưu). ( Chú giải Sutta Nipāta.)

Khi ấy Đức Phật nói với đại đức Vaṅgīsa: “ Này Vaṅgīsa, Bây giờ hãy thọ trì pháp hành của người tập sự để học manta” và dạy cho vị ấy cách quán về ba mươi hai thể trượt của thân. Vaṅgīsa là người có trí sắc sảo, khi đọc về ba mươi hai thể trượt và thiền quán về tánh chất sanh diệt của ba mươi hai thể trượt, đạt được Tuệ quán về sắc pháp và chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Sau khi Vaṅgīsa chứng đắc đạo quả A-la-hán, những người bạn Bà-la-môn của vị ấy đi đến để tìm hiểu xem vị ấy đang tiến bộ như thế nào. Họ nói với vị ấy: “ Này Vaṅgīsa, thế nào rồi? Bạn đã học được manta từ Sa-môn Gotama chưa? “ “ Ừ, học rồi,” đại đức Vaṅgīsa đáp lại. “ Vậy, chúng ta hãy đi,” họ nói. “ Các vị tự đi đi. Tôi không còn việc gì để đi chung với các vị.” Khi nghe câu trả lời thẳng thắn này, các vị Bà-la-môn nói rằng: “ Chúng tôi đã cảnh báo trước với bạn rằng Sa-môn Gotama có cách để thắng phục những người đến viếng vị ấy bằng ngón lường gạt. Bây giờ bạn đã dính bùa của Sa-môn Gotama rồi, chúng tôi biết làm gì với bạn đây?” Sau khi trách mắng như vậy, họ trở về bằng con đường mà họ đã đi đến.

(Đại đức Vaṅgīsa là vị tỳ khưu đệ tử nổi trội nhất của Đức Phật. Muốn biết những câu kệ vi diệu của vị ấy, hãy xem bộ Vaṅgīsa Samyutta, Sagāthāvagga Samyutta).

Sự hoạch đắc danh hiệu etadagga

Trưởng lão Vaṅgīsa là một nhà thơ bẩm sinh. Bất cứ khi nào vị ấy đi trước Đức Phật vị ấy luôn luôn nói ra những câu kệ tán dương Ngài. Khi so sánh Đức Thế Tôn bằng những ví dụ thơ văn với mặt trăng, mặt trời, bầu trời, đại dương, con voi cao quý, con sư tử, v.v… Vị ấy ứng khẩu ngâm lên những câu kệ vào lúc chiêm ngưỡng Đức Phật, lên đến hằng ngàn câu. Do đó vào một dịp, khi Đức Phật nêu tên những vị tỳ khưu tối thắng với chúng Tăng, Ngài đã công bố:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ paṭibhānavantānaṃ yadidaṃ Vaṅgīso.

Này các tỳ khưi, trong số những tỳ khưu đệ tử của Như Lai mà có trí mẫn tiệp, thì tỳ khưu Vaṅgīsa là Đệ nhất.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 7

Post Views: 744