Nguyện vọng trong quá khứ
Trưởng lão Vakkali là một thiện nam trong thời Đức Phật Padumuttara. Giống như trường hợp của những vị đại trưởng lão khác, vị ấy đi đến tịnh xá của Đức Phật, ngồi ở mé ngoài của thính chúng và trong khi lắng nghe Đức Phật giảng pháp, vị ấy trông thấy một vị tỳ khưu được Đức Phật tôn vinh bằng danh hiệu etadagga trong số những vị tỳ khưu có lòng tịnh tín với Đức Phật. Vị ấy khởi ước muốn tha thiết được tôn vinh bằng danh hiệu tương tự bởi một vị Phật tương lai nào đó. Vị ấy thỉnh Đức Phật đến nhà và tổ chức cúng dường to lớn trong bảy ngày. Rồi bày tỏ ước nguyện trước Đức Phật: “ Bạch Thế Tôn, do quả phước này, cầu xin cho con được một vị Phật tương lai công bố là đệ nhất trong số những vị tỳ khưu có lòng tịnh tín với Đức Phật. Đức Phật thấy rằng nguyện vọng của vị thiện nam sẽ được thành tựu nên tiên tri vị ấy được thành tựu rồi trở về tịnh xá.
Con người xứng đáng ấy đã cống hiến đời mình làm những thiện nghiệp đến hết cuộc đời. Khi ông ta mạng chung từ kiếp ấy ông ta chỉ sanh vào những cõi an vui, và trong thời của Đức Phật Gotama ông ta tái sanh vào một gia đình Bà-la-môn, tại thành Sāvatthi và được cha mẹ đặt tên là Vakkali.
Khi lớn lên, cậu học bộ Tam Phệ đà. Một hôm cậu ta trông thấy Đức Phật được tháp tùng bởi nhiều vị tỳ khưu đang đi khất thực trong thành Sāvatthi. Cậu ta bị say đắm bởi vẻ rực rỡ nơi thân của Đức Phật đến nỗi cậu theo đường đi của Đức Phật rồi vào tịnh xá cùng với các tỳ khưu. Ở đó cậu nhìn chăm chăm vào sắc thân của Đức Phật. Khi Đức Phật thuyết pháp cậu ngồi ngay trước mặt Ngài.
Sự tha thiết của Vakkali trở nên sâu đậm đến nỗi cậu không thể xa rời Đức Phật bất cứ lúc nào. Do đó cậu ta quyết định rằng cậu sẽ không sống cuộc đời gia chủ, vì làm gia chủ thì cậu ta sẽ không thể nhìn thấy Đức Phật suốt ngày; chỉ khi nào làm tỳ khưu vị ấy mới có được cơ hội như vậy. Thế nên, cậu đi đến Đức Phật và thỉnh cầu Ngài cho phép được gia nhập vào Tăng chúng. Khi ấy cậu được chấp thuận.
Là tỳ khưu, trưởng giả Vakkali không bao giờ bỏ lỡ cơ hội nhìn ngắm Đức Phật trừ khi độ thực. Vị ấy không làm gì trong phận sự của vị tỳ khưu dù là pháp học hay hành thiền, chỉ trải qua tất cả thời gian để nhìn ngắm Đức Phật. Đức Phật biết rằng thời gian để Vakkali giác ngộ chưa đến và do đó Ngài chẳng nói gì về việc lơ đễnh phận sự của vị ấy. Khi thời gian phải lẽ đã đến, Đức Phật nói với trưởng giả Vakkali rằng:
“ Này Vakkali, ngươi nhìn ngắm nơi tấm thân thối tha này của Như Lai có lợi ích gì? Này Vakkali, người nào thấy Pháp mới thực sự thấy Như Lai. Người nào thấy Như Lai là thấy Pháp. Này Vakkali, chỉ người nào chiêm ngưỡng Pháp mới thực sự chiêm ngưỡng Như Lai. Người thực sự muốn chiêm ngưỡng Như Lai phải là người chiêm ngưỡng Pháp.”
Dù Đức Phật đã sách tấn trưởng lão Vakkali bằng những lời này nhưng trưởng lão không thể tách rời khỏi Đức Phật. Đức Phật thấy rằng vị tỳ khưu này cần được thức tỉnh bằng sự động tâm để giác ngộ. Bởi vậy vào một buổi tối trong mùa an cư Đức Phật đi đến thành Rājagaha và Ngài nói với trưởng lão vào ngày bắt đầu mùa an cư: “ Này Vakkali, hãy đi đi! Hãy rời khỏi Như Lai!”
Thật không thể nào chống lại mệnh lệnh mà Đức Phật đưa ra, trưởng lão Vakkali không thể làm gì khác ngoài việc vâng lời. Vị ấy phải xa rời Đức Phật tối thiểu là ba tháng của mùa an cư. Vị ấy không thể làm gì khác về điều ấy. Vị ấy cảm thấy tuyệt vọng và đau khổ. “ Thà chết còn hơn phải xa rời Đức Phật,” vị ấy nuôi dưỡng ý nghĩ như vậy và đi đến núi Gijjakūṭa (Linh thứu), nơi có những vách đá dựng đứng.
Đức Phật nhìn thấy tâm trạng tuyệt vọng của trưởng lão Vakkali. “ Nếu không được sự cứu giúp của ta thì Vakkali ắt sẽ hủy hoại công đức to lớn của vị ấy, mà giờ đây đã tròn đủ để chứng đắc giác ngộ,” Đức Phật suy nghĩ. Do đó, Ngài phát ra những tia hào quang đến Vakkali để vị tỳ khưu ấy có thể thấy con người của Ngài. Hình ảnh của Ngài làm vơi giảm tức thì trái tim đang bốc cháy của trưởng lão, tựa như mũi tên của nỗi buồn thảm đâm xuyên qua tim, thình lình được rút ra.
Sau đó để làm tâm của trưởng giả đầy niềm hoan hỷ và vui mừng, Đức Phật nói lên những câu kệ sau đây:
Pāmojjabahulo bhikkhu, pasanno Buddhasāsane; adhigacche padaṃ, santaṃ saṅkhārūpasamaṃ sukhaṃ.
Do hoan hỉ và đầy niềm tin nơi giáo pháp của Đức Phật bao gồm ba pháp học, vị tỳ khưu sẽ chứng đắc Niết bàn tịch tịnh, sự phúc lạc, sự chấm dứt mọi nhân duyên. ( Dhammapada, IV 381)
(Theo Chú giải của bộ Aṅguttara Nikāya) thì Đức Phật đã đưa tay đến trưởng lão Vakkali và nói: “ Hãy đến, này tỳ khưu.”
Chú giải Dhammapada có thêm vào, sau khi nói câu kệ trên, Đức Phật đưa tay đến trưởng lão Vakkali và nói lên những câu kệ sau đây:
Ehi Vakkali mā bhāyi, olokehi Tathāgataṃ;
Ahaṃ taṃ uddharissāmi, paṅke sannaṃ va kuñjaraṃ.
Hãy đến, này Vakkali, đừng sợ hãi. Hãy nhìn vào Như Lai đây, Như Lai sẽ đưa con lên (đến Niết bàn) khỏi vực sâu của vòng sanh tử không khởi điểm, như người đưa con voi lên khỏi bãi sình.
Ehi Vakkali mā bhāyi, olokehi Tathāgataṃ;
Ahaṃ taṃ mocayissāmi, Rāhuggahaṃ va sūriyaṃ.
Hãy đến, này Vakkali, đừng sợ hãi. Hãy nhìn vào Như Lai. Như Lai sẽ giải thoát con ra khỏi ngục tù của phiền não, như Như Lai từng giải thoát mặt trời ra khỏi sự kềm hãm của Rāhu.
Ehi Vakkali mā bhāyi, olokehi Tathāgataṃ;
Ahaṃ taṃ mocayissāmi Rāhuggahaṃ va candimaṃ.
Hãy đến, này Vakkali, đừng sợ hãi. Hãy nhìn vào Như Lai. Như Lai sẽ giải thoát con ra khỏi sự kềm kẹp của phiền não, như Như Lai từng giải thoát mặt trăng ra khỏi kềm kẹp của Rāhu.
Khi ấy trưởng lão Vakkali tự nhủ: “ Giờ đây ta đang tự thân trông thấy Đức Phật, và Đức Thế Tôn đã đưa bàn tay về phía ta. Ồ, ta rất hoan hỉ! Ta nên đi đâu bây giờ?” Vị ấy đi về hướng Đức Phật, và khi bước chân đầu tiên của vị ấy đang đặt xuống núi, và quán xét những câu kệ được Đức Phật nói ra, và khi tràn đầy sự hoan hỷ qua Tuệ quán (về ba tướng của các pháp hữu vi), vị ấy chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với Tuệ phân tích. Vị ấy đi xuống đất và đứng đảnh lễ Đức Phật.
Vào một dịp, khi ở giữa chúng Tăng, Đức Phật công bố:
Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakāmaṃ bhikkhūnaṃ saddhādhi muttānaṃ yadidaṃ Vakkali.
Này các tỳ khưu, trong số những đệ tử tỳ khưu của Như Lai mà có niềm tin tín thành nơi Đức Phật thì tỳ khưu Vakkali là Đệ nhất.
(Chú ý: Trong trường hợp những vị tỳ khưu khác thì niềm tịnh tín của họ đối với Đức Phật phải được nâng lên. Đối với Vakkali thì niềm tịnh tín của vị ấy quá mạnh mẽ đến nỗi Đức Phật phải hạ thấp nó xuống bằng cách đuổi vị ấy đi khỏi Ngài. Cho nên vị ấy là vị tỳ khưu Đệ nhất trong lãnh vực về niềm tịnh tín đối với Đức Phật.)
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 23