HAI VỊ ĐẠI TRƯỞNG LÃO TÊN PANTHAKA : Mahāpanthaka và Cūlapanthaka ( Tiểu Bàn Đặc )

HAI VỊ ĐẠI TRƯỞNG LÃO TÊN PANTHAKA : Mahāpanthaka và Cūlapanthaka ( Tiểu Bàn Đặc )

HAI VỊ ĐẠI TRƯỞNG LÃO TÊN PANTHAKA

Nguyện vọng quá khứ

Cách đây một trăm ngàn đại kiếp, thời kỳ Đức Phật Padumuttara xuất hiện trong thế gian, có hai anh em gia chủ là cư dân của kinh đô Haṃsāvatī, có niềm tin sâu đậm trong Tam bảo, thường xuyên đi đến nghe Đức Phật giảng Pháp. Một hôm người em trông thấy một vị tỳ khưu được ban danh hiệu etadagga có hai đức tính sau:

trong những vị tỳ khưu biến hóa nhiều thân và (2) những vị tỳ khưu thiện xảo trong sự nhập thiền hữu sắc (rūpavacara-jhāna). Khi ấy, người em khởi lên ý nghĩ: “ Vị tỳ khưu này quả thật vĩ đại. Vị ấy thường đi khắp nơi thực hành hai điều. Thật tốt thay nếu ta cũng đi khắp nơi thực hành hai điều này trong thời kỳ giáo pháp của một vị Phật tương lai.”

Cũng như các vị đại trưởng lão đương lai xưa kia đã từng làm, người em đã thỉnh mời Đức Phật và tổ chức đại thí cúng dường vật thực đến Ngài trong bảy ngày. Rồi vị ấy nói lên ước nguyện của mình trước Đức Phật như sau: “ Bạch Đức Thế Tôn, cách đây bảy ngày Thế Tôn đã ban danh hiệu etadagga cho một vị tỳ khưu nọ bằng cách công bố rằng: ‘Vị tỳ khưu này là tối thắng (etadagga) trong giáo pháp của Như Lai do hai đức tánh, khả năng biến hóa nhiều thân của chính mình và sự thiện xảo trong việc nhập thiền hữu sắc (rūpavacana-jhāna). Do kết quả của việc phước được làm một cách đặc biệt này, cầu xin cho con cũng có được hai đức tánh ấy.”

Khi Đức Phật quán xét tương lai, Ngài thấy rằng ước nguyện của vị gia chủ này sẽ được thành tựu và nói rằng: “ Sau một trăm ngàn đại kiếp kể từ nay, Đức Phật Gotama sẽ xuất hiện. Đức Phật ấy sẽ đặt ngươi vào địa vị cao nhất liên quan đến hai đức tánh này.” Sau khi ban thời pháp tán dương công đức, Đức Phật ra đi. (Đây là ước nguyện của người em).

Còn vị gia chủ anh, một hôm nọ trông thấy một vị tỳ khưu được Đức Phật ban danh hiệu etadagga về lãnh vực saññā-vivaṭṭa-kusala hay có sự thiện xảo trong thiền Vô sắc giới (arūpavacara-jhāna), và giống như người em, vị ấy cũng làm phước đặc biệt và phát nguyện: “ Xin cho con có được địa vị etadagga trong lãnh vực arūpāvacara-jhāna!” và Đức Phật đã tiên tri rằng ước nguyện của vị ấy sẽ được thành tựu.

Cả hai anh em cùng làm các việc thiện trong thời của Đức Phật; và khi Ngài nhập Parinibbāna, họ đã tôn kính Xá-lợi Đức Phật bằng cách cúng dường vàng vào công trình xây dựng bảo tháp. Vào lúc thân hoại mạng chung, họ được tái sanh trong cõi chư thiên. Trong khi họ chỉ tái sanh trong cõi chư thiên hay nhân loại (mà không bị đọa vào bốn đọa xứ) thì một trăm ngàn đại kiếp đã trôi qua.

(Trong hai anh em, bài mô tả việc phước được làm bởi người anh Mahāpanthaka trong kiếp trung gian ấy, không được nêu lên trong bộ Mahā Aṭṭhakathā.) Còn người em Cūlapanthaka, vị ấy trở thành vị tỳ khưu trong giáo pháp của Đức Phật Kassapa, và suốt hai chục ngàn năm vị ấy tu thiền đề mục Màu Trắng (odāta-kasina) và được tái sanh trở lại cõi chư thiên. Về sau, khi Đức Phật của chúng ta thành đạo và thuyết bài kinh Chuyển Pháp Luân, rồi đến ngụ ở khu rừng trúc trong kinh thành Rājagaha.

(Bài mô tả về sự ra đời của hai anh em Panthaka kèm theo đây). Người con gái của vị trưởng giả Dhanaseṭṭhi, trong kinh thành Rājagaha, đem lòng yêu thương người đầy tớ nam, e sợ người khác biết chuyện nên nàng đã bàn với người yêu rằng: “ Chúng ta không nên sống ở đây nữa. Nếu cha mẹ của em biết chuyện này thì họ sẽ giết em, chặt thành từng khúc. Chúng ta hãy đi và sống ở nơi khác!” Họ thỏa thuận với nhau như vậy. Bí mật đem theo đồ trang sức, cô đi qua cánh cửa đã được mở ra trước. Rồi họ bỏ trốn đi sống ở một nơi khác hoàn toàn không ai biết đến.

Trong khi họ đang sống ở nơi không ai biết như vậy, thì cô tiểu thư có thai. Khi sắp đến kỳ sanh nở, nàng bàn với chồng: “ Anh à, sắp đến ngày sinh. Thật rất khổ nếu phải sanh con ở một nơi cách xa

quyến thuộc và bạn bè. Chúng ta hãy trở về nhà cha mẹ.” Người chồng trì hoãn quyết định, chỉ nói để làm vui lòng vợ thôi: “ Hôm nay chúng ta sẽ đi,” hoặc “ chúng ta sẽ đi vào ngày mai.” Rồi nàng ta suy nghĩ: “ Con người ngu dốt này không dám đi, vì tội của anh ấy quá nặng. Theo lẽ thường, cha mẹ muốn con cái được hạnh phúc. Dầu anh ngốc này có đi theo ta hay không, ta cũng sẽ đi.” Nghĩ vậy, khi chồng của nàng đi vắng, sau khi gom lại những đồ dùng cá nhân và để lại tin nhắn cho người láng giềng, nàng đang đi về nhà của cha mẹ.

Khi người chồng trở về, anh ta không thấy vợ và khi hay tin người vợ đang trên đường trở về nhà cha mẹ, anh ta vội vã chạy theo và đuổi kịp nàng ở giữa đường. Ngay tại chỗ họ gặp nhau, người vợ hạ sanh đứa con trai. Người chồng hỏi: “ Thế này là sao vậy em?” Người vợ trả lời: “ Anh à! Đứa con trai vừa sanh ra.” “ Bây giờ chúng ta sẽ làm gì?” Họ bàn với nhau và quyết định rằng: “ Chúng ta định về nhà cha mẹ để sanh con. Nhưng bây giờ đứa con đã được sanh ra ở giữa đường rồi. Về nhà cha mẹ còn có ích gì nữa. Chúng ta hãy quay về!” Bởi vậy, hai người đồng lòng và đi về nhà riêng của họ. Đứa bé được đặt tên là Panthaka – Lộ (là con đường, vì đứa bé được sanh giữa đường).

Chẳng bao lâu sau, nàng ta lại mang thai lần nữa. Khi đứa con thứ hai cũng được sanh ra trên đường đi về nhà ông bà ngoại. Thế nên đứa con đầu được đặt tên là Mahāpanthaka – Đại Lộ, và đứa thứ hai là Cūḷapanthaka – Tiểu Lộ.

Hai vợ chồng trở về nhà, mỗi người bồng một đứa con. Trong khi họ sống ở đó, khi nghe những tiếng như ‘chú’, ‘bác’, ‘ông nội, ông ngoại’, ‘bà nội, bà ngoại’ v.v… do những đứa trẻ khác gọi, thì đứa con trai đầu Mahāpanthaka mới hỏi mẹ rằng: “ Thưa mẹ, mấy đứa trẻ khác thường gọi ‘ông ngoại, bà ngoại, v.v… Còn chúng ta có bà con quyến thuộc không ?” Người mẹ nói: “ Có , con ạ! Con không có quyến thuộc ở đây. Tuy nhiên, tại thành Rājagaha, ông ngoại là một thương nhân rất giàu có. Quyến thuộc của con ở kinh thành ấy rất đông.” “ Thưa mẹ, tại sao chúng ta không đến thành Rājagaha?” Mahāpanthaka hỏi.

Người mẹ không giải thích cho đứa con biết lý do tại sao không về kinh thành Rājagaha. Khi hai đứa con luôn hỏi tại sao không về thành Rājagaha, nàng nói với chồng: “ Anh à, các con cứ đòi gặp ông bà ngoại. Nhìn thấy chúng ta, cha mẹ không nỡ ăn thịt con đâu. Chúng ta hãy đi! Chúng ta hãy cho hai con thấy ngôi nhà của ông bà ngoại chúng! Chúng ta hãy gởi chúng đến đó!” “ Anh không dám đến nhà cha mẹ của em, em ạ,” người chồng nói, “nhưng anh sẽ sắp xếp để đưa em cùng hai con đến đó.” “Được lắm”, người vợ nói, “ cần phải cho hai con thấy ngôi nhà của ông bà ngoại chúng bằng cách này hay cách khác.” Rồi hai vợ chồng dẫn theo hai con đi đến thành Rājagaha. Đến kinh thành, họ ngụ tại quán trọ gần cổng thành. Người mẹ dẫn hai đứa con đi và nhờ người báo tin chuyến viếng thăm của ba mẹ con.

Khi cha mẹ nhận được tin báo, họ suy xét như sau: “ Đối với những người đi lang thang trong luân hồi thì không có ai chưa từng là con trai hay con gái của họ. Tuy nhiên, hai người này đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng đối với chúng ta. Cả hai không thể sống ở đây. Chúng không xứng đáng để sống với chúng ta. Nhưng hãy cho chúng một số tiền để chúng có thể sống thoải mái. Hãy bảo chúng gởi hai đứa cháu trai lại cho chúng ta.” Rồi họ nhắn tin. Nàng ta nhận món tiền do cha mẹ gởi đến và trao hai đứa con nhỏ cho những người hầu để họ đưa về ông bà ngoại của chúng. Hai anh em, Đại Lộ và Tiểu Lộ lớn lên trong tiện nghi ở nhà của ông bà ngoại của chúng.

Đời sống Sa-môn trong kiếp chót

Trong hai anh em, Cūḷapanthaka còn rất nhỏ và nhu mì, Mahāpanthaka thì luôn luôn đi theo ông ngoại đến nghe Đức Phật thuyết pháp. Vì cậu ta thường xuyên nghe Giáo pháp của Đức Phật, nên cậu ta có khuynh hướng muốn trở thành Sa-môn. Do đó cậu ta xin phép ông ngoại: “ Thưa ông ngoại, nếu ông cho phép thì con muốn được trở thành Sa-môn.” “ Điều cháu nói thật tuyệt vời,” ông trưởng giả nói. “ Đối với ông, việc cháu trở thành Sa-môn tốt hơn tất cả những gì trong thế gian! Cứ làm như cháu muốn!” Sau khi hoan hỉ đáp

lại như vậy, vị trưởng giả chấp nhận thỉnh cầu của Mahāpanthaka và dẫn cậu ta đến Đức Phật. “ Này ông trưởng giả,” Đức Phật gọi, “ thế nào? Có phải ông có cậu con trai?” “ Thưa vâng, bạch Thế Tôn,” ông trưởng giả đáp lại, “ đứa con trai này là đứa cháu ngoại lớn của con. Nó xin con cho nó xuất gia với Ngài.”

Rồi Đức Phật bảo vị tỳ khưu gần đó, người thường hay đi khất thực: “ Hãy truyền phép xuất gia cho đứa bé!” Sau khi giải thích cách tu thiền về năm thể trượt của thân, trong đó da là thể trượt thứ năm ( taca-pañcaka kammaṭṭhāna) cho cậu bé, vị tỳ khưu đã truyền phép xuất gia Sa-di cho cậu ta. Từ khi trở thành Sa-di, Mahāpanthaka chuyên tâm học những lời dạy của Đức Phật (kinh tạng), và sau khi tròn đủ hai mươi tuổi, vị ấy thọ cụ túc giới. Sau khi trở thành vị tỳ khưu, vị ấy chuyên tâm tu thiền dẫn đến thành thạo bốn thiền vô sắc (arūpavacara jhāna). Sau khi xuất khỏi các tầng thiền, vị ấy siêng năng phát triển thiền quán Vipassanā và chứng đắc đạo quả A-la-hán. Bằng cách này vị La hán Mahāpanthaka trở thành tối thắng trong những vị tỳ khưu rành mạch về nhập định.

Sự xuất gia của người em

Trưởng lão Mahāpanthaka sống thọ hưởng sự an lạc của Quả. Một hôm nọ sau khi suy xét liệu có thể nào cho người em điều hạnh phúc kỳ diệu như vậy, vị ấy đi đến gặp ông ngoại, và thỉnh cầu: “ Thưa ông thí chủ, nếu ông đồng ý, bần Tăng muốn cho Lūḷapanthaka xuất gia Sa-di.” Khi ông ngoại đồng ý: “ Hãy làm như sư muốn! Sư có thể làm phép xuất gia Sa-di cho nó!” Trưởng lão Mahāpanthaka bèn làm phép xuất gia Sa-di cho Cūḷapanthaka và an trú cho người em trong mười giới.

Sa di Lūḷapanthaka cố gắng học câu kệ sau từ người anh:

Padumaṃ yathā kokanadaṃ sugandhaṃ pāto siyā phullam avītagandhaṃ.

Aṅgīrasaṃ passa virocamānaṃ

tapantam ādiccaṃ ivantalikkhe.

Như hoa sen Kokanaa, do có nhiều cánh hoa và xinh đẹp, hương thơm ngào ngạt, khả ái với sự lộng lẫy và mùi hương hằng hữu, vì nó nở vào lúc mặt trời mọc, cũng vậy, hãy nhìn vào Đức Phật với niềm tịnh tín, Ngài có mùi hương thơm ngát từ thân và từ Giới đức, có hào quang chói sáng, thân phát ra những tia hào quang giống như mặt trời tròn đầy và xuất hiện trong bầu trời trong mùa Sarada (tháng 8 đến 11).

Bất cứ chữ nào mà vị ấy đã học thuộc trước đó đều bị quên mất khi vị ấy học tiếp những chữ khác. Suốt bốn tháng, vị ấy vẫn cố gắng ghi nhớ câu kệ. (Dù bốn tháng đã trôi qua, vị ấy vẫn không thể học thuộc lòng câu kệ ấy).

(Trong thời kỳ của Đức Phật Kassapa, Cūḷapanthaka là một Sa-môn đa văn uyên bác, nhưng vị ấy đã chế giễu một vị tỳ khưu là đần độn trong việc học thuộc lòng kinh Pāḷi. Vị tỳ khưu đần độn không dám theo đuổi việc học nữa, vì vị ấy cảm thấy rất xấu hổ do bị trêu chọc và mất tự tin trong việc học. Do ác nghiệp ấy, Cūḷapanthaka trở thành người đần độn sau khi xuất gia Sa-di. Cho nên vị ấy đã quên tất cả những gì đã ghi nhớ khi vị ấy học sang phần khác. Theo Aṅguttara Nikāya).

Nhân đó trưởng lão anh, Mahāpanthaka đuổi vị sư em, nói rằng: “Này Cūḷapanthaka! Em là người ở trong thời kỳ giáo pháp này mà không xứng đáng được hưởng Đạo và Quả (adhabba). Em không thể học thuộc lòng ngay cả một câu kệ trong bốn tháng. Em không thể học thuộc lòng một câu kệ trong bốn tháng thì làm thế nào có thể đạt đến đỉnh cao (là đạo quả A-la-hán) của phận sự Sa-môn. Cho nên em hãy đi khỏi nơi đây đi!” Vì bị trưởng lão anh đuổi đi, Sa-di Cūḷapanthaka không dám ở lại đó và đứng khóc ở bên ngoài chỗ ngụ (nơi mà vị sư anh không nhìn thấy).

Lúc bấy giờ Đức Phật đang lưu trú ở tịnh xá Vườn Xoài, do ngự y Jīvaka xây dựng và dâng cúng, thành Rājagaha là nơi đi khất thực. Rồi ngự y Jīvaka cho người đi thỉnh Đức Phật cùng với năm trăm vị tỳ khưu dự lễ trai Tăng vào ngày mai. Lúc ấy trưởng lão

Mahāpanthaka là “bhatt’udesaka – tri phạn (lãnh phận sự phân phối vật thực). Do đó người đàn ông kia trình vấn đề với trưởng lão, nói rằng: “ Bạch đại đức, xin hãy nhận lãnh vật thực cúng dường cho năm trăm vị tỳ khưu.” Trưởng lão đáp lại rằng: “ Bần Tăng nhận lãnh vật thực cho các vị tỳ khưu, ngoại trừ Cūḷapanthaka.”

Đức Phật cho đề mục thiền

Khi nghe câu trả lời, trưởng lão Cūḷapanthaka vô cùng thất vọng. Khi thấy tình thế của trưởng lão Cūḷapanthaka và biết rằng vị ấy sẽ thành đạt giải thoát ‘nhân chuyến viếng thăm của Ta’, Đức Phật bèn đi đến và, khi cho vị ấy thấy Ngài từ một tkhoảng cách không quá gần cũng không quá xa, Đức Phật bèn hỏi rằng: “ Này con Cūḷapanthaka, tại sao con khóc?” “ Bạch Đức Thế Tôn, vì trưởng lão anh của con đuổi con đi,” Cūḷapanthaka trả lời. “ Này con Panthaka,” Đức Phật nói, “ Anh của con không có Ý lạc tùy miên trí (āsayānusaya-ñāṇa) – khả năng biết sức mạnh tinh thần và khuynh hướng của chúng sanh, nhưng con là bậc Buddhaveneyya-puggala (Phật điều phục giả) – bậc được dẫn dắt bởi Đức Phật.” Qua những lời động viên này, Đức Phật trao cho vị ấy một mảnh vải thô nhưng sạch được tạo ra bởi thần thông của Ngài. Đức Phật thêm vào: “ Này con Panthaka, hãy giữ mảnh vải này trong nắm tay của con, và nói thầm ‘ Rajo haranaṃ, rajo haranaṃ – Nó có thể lấm bụi, nó có thể lấm bụi’ Như vậy là con đã tu thiền về nó.”

(Ở đây Cūḷapanthaka trong một kiếp quá khứ là một vị vua và trong khi đi dạo quanh kinh đô để thị sát, thì trán của vị ấy đẩm ướt mồ hôi và vị ấy đã lau sạch mồ hôi bằng miếng vải sạch buộc ngang thắt lưng. Miếng vải trở nên dơ bẩn. Đức vua khi ấy tự nhủ, “ Do thân bất tịnh, một miếng vải sạch như vậy mà lại trở nên dơ bẩn, bỏ đi bản chất riêng của nó. Các pháp hữu vi quả thật vô thường.” Như vậy vị ấy đạt được vô thường tưởng. Cho nên đối với Cūḷapanthaka việc hành thiền đề mục ‘rajo haranaṃ’ là duyên hỗ trợ mạnh mẽ cho việc chứng đắc đạo quả A-la-hán của vị ấy. Thế nên, Đức Phật đã cho vị ấy miếng

vải thô sạch vì Ngài nhìn thấy thiện nghiệp trong kiếp quá khứ của trưởng lão và vì Ngài muốn hối thúc vị ấy chuyên tâm hành thiền về đề mục phù hợp với thiện nghiệp ấy).

Sự chứng đắc Đạo Quả A-la-hán

Trưởng lão Cūḷapanthaka ngồi xuống dùng tay chà xát miếng vải Đức Phật cho và miệng thì thầm “ Rajo haranaṃ, rajo haranaṃ -Nó có thể lấm bụi! Nó có thể lấm bụi!” Khi vị ấy chà xát nhiều lần thì những sợi vải trở nên dơ bẩn. Khi vị ấy liên tục chà xát, miếng vải trở nên dơ bẩn hơn giống như khăn lau chén. Khi đến lúc trí tuệ của vị ấy chín muồi thì định luật hoại diệt tự nó hiện bày trong tâm của vị ấy. Và vị ấy quán: “ Miếng vải này lúc đầu trắng sạch. Nhưng do nó tiếp xúc với thân (upādinnaka) giờ đây nó đầy bụi dơ. Tâm của ta cũng như miếng vải này. Nó xảy ra giống như miếng vải. Tâm lúc đầu thanh tịnh và trong sạch trong trạng thái bình thản, có khuynh hướng trở nên lấm dơ do sự tiếp xúc của nó với những sở hữu tâm bất thiện như tham, sân, si, v.v… Sau khi quán xét như vậy trên con người và tâm của vị ấy, vị ấy tiếp tục nỗ lực định tâm và chứng đắc bốn thiền hữu sắc (rūpavacara-jhāna). Khi vị ấy chuyên tâm phát triển thiền quán dựa trên những tầng thiền này, vị ấy chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với Tứ vô ngại giải tuệ. Vì vị ấy đã thành thạo thiền manomaya-rūpavacara-jhāna – thiền hữu sắc (rūpāvacara-jhāna) bao gồm các sắc do tâm sanh, vị ấy có thể tạo ra nhiều thân từ một thân hoặc thu lại một thân từ nhiều thân và có những thần thông tương tự khác. Ngoài ra, vị ấy cũng thành tựu về Tam tạng và sáu Thắng trí. (Những điều này được gọi là maggasidda-pariyatti và maggasiddha-abhiññā – dù không học thuộc và không nỗ lực đặc biệt, hành giả trở nên thông thuộc về Tam tạng (Piṭaka) và có các pháp thần thông vừa khi chứng A-la-hán đạo (arahatta-magga). Sự thông thuộc và các pháp thần thông xảy ra đều do năng lực của Đạo (magga), có thể nói như vậy).

Ngày hôm sau, Đức Phật viếng ngôi nhà của y sư Jīvaka cùng với 499 vị tỳ khưu. Trưởng lão Cūḷapanthaka không thể đi chung vì

anh trai là trưởng lão Mahāpanthaka không nhận lời mời cho vị ấy. Y sư Jīvaka trước hết dâng cúng món cơm dẻo. Đức Phật không nhận món cơm dẻo mà lấy tay che lại bình bát. Khi Jīvaka hỏi, “ Bạch Đức Thế Tôn, tại sao Thế Tôn không nhận món cơm dẻo?” “ Một vị sư vẫn còn ở lại tịnh xá,” Đức Phật nói.

Nhân đó, Jīvaka sai người đi, nói rằng: “ Này ông bạn, hãy đi! Đưa vị sư mà còn sót lại ở tịnh xá đến đây.” Trước khi người đàn ông đi đến, trưởng lão Cūḷapanthaka đã dùng thần thông tạo ra một ngàn vị tỳ khưu, vị này khác vị kia về hình tướng, như may y, v.v…

Do người đàn ông được Jīvaka sai đi đã trông thấy quá nhiều vị tỳ khưu ở tịnh xá, ông ta không dám thỉnh hết, vì Jīvaka dặn ông thỉnh về chỉ một người. Bởi vậy ông ta trở về và nói với vị y sĩ: “ Thưa ông chủ Jīvaka, các vị tỳ khưu còn sót lại ở tịnh xá nhiều hơn tất cả những vị tỳ khưu ở đây trong nhà này. Tôi cảm thấy lúng túng và không thể nghĩ vị tỳ khưu nào thích hợp để thỉnh.” Jīvaka hỏi Đức Phật: “ Bạch Đức Thế Tôn, vị trưởng lão còn sót ở tịnh xá tên gì?” khi Đức Phật nói đó là Cūḷapanthaka, Jīvaka bảo người đàn ông lại đi, nói rằng: “ Hãy trở lại, này ông bạn! Hãy hỏi ‘ Ai là trưởng lão Cūḷapanthaka?’ và thỉnh vị ấy về đây.”

Người đàn ông trở lại tịnh xá và hỏi: “ Ai là trưởng lão Cūḷapanthaka?” “Cūḷapanthaka là ta! Cūḷapanthaka là ta!” Một ngàn vị tỳ khưu đều trả lời như vậy. Người đàn ông lại trở về và nói với Jīvaka: “ Thưa ông chủ, tất cả một ngàn vị tỳ khưu đều trả lời ‘Ta là Cūḷapanthaka đây! Ta là Cūḷapanthaka đây!’ Tôi lấy làm khó xử không biết nên thỉnh ai, không biết là người nào?” Vì y sĩ Jīvaka là một thí chủ bậc Thánh đã chứng ngộ Bốn Chân đế, qua cách mà người hầu báo lại, vị ấy biết ra rằng người bị sót lại ở chùa có năng lực thần thông. “ Này ông, hãy trở lại!” Jīvaka nói, “ Hãy nói với người đầu tiên trả lời. Hãy nói với vị ấy là Đức Phật gọi vị ấy rồi cầm chéo y dẫn vị ấy về đây.” Khi nói vậy, Jīvaka sai người hầu trở lại tịnh xá. Người đàn ông trở lại tịnh xá và làm như ông chủ bảo. Ngay tức thì một ngàn vị tỳ khưu biến mất. Chỉ khi ấy người đàn ông mới có thể thỉnh Cūḷapanthaka. Và chỉ khi đó Đức Phật mới thọ lãnh món cơm dẻo và độ thực.

Sau khi độ thực xong, trở về tịnh xá một cuộc bàn luận xảy ra tại một chỗ hội họp của các tỳ khưu: “ Chư Phật quả thật tối thắng. Ngài có thể làm cho một vị tỳ khưu mà không thể học thuộc một câu kệ trong bốn tháng, trở thành một người có năng lực như vậy!” Biết tâm của các tỳ khưu, Đức Phật đi đến chỗ hội họp và ngồi xuống trên Phật tọa đã được sửa soạn sẵn. Rồi Ngài hỏi: “ Này các tỳ khưu, các vị đang bàn luận chuyện gì?” Khi các tỳ khưu đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn, chúng con không thảo luận điều gì khác ngoài oai lực của Thế Tôn. Chúng con đang bàn luận rằng Cūḷapanthaka đã nhận một đặc ân to lớn từ Ngài!” Đức Phật nói rằng: “ Này các tỳ khưu, thọ lãnh di sản siêu thế bây giờ bằng cách thực hành theo lời khuyên của Như Lai không phải chỉ kỳ diệu trong kiếp này. Khi trí tuệ chưa chín muồi cách đây đã lâu trong quá khứ, Cūḷapanthaka đã thọ lãnh di sản thế gian bằng cách thực hành theo lời khuyên của Như Lai.” “ Khi nào, bạch Đức Thế Tôn?” các tỳ khưu hỏi. Và theo sự thỉnh cầu của họ, Đức Phật kể lại truyện Bổn sanh Cūlaseṭṭhi Jātaka đến các tỳ khưu.

Truyện Bổn sanh Cūḷapanthaka

Này các tỳ khưu, một thuở nọ vua Brahmadatta trị vì nước Bārāṇasī. Lúc bấy giờ, một trưởng giả thông minh tên là Cūlaseṭṭhi thiện xảo trong việc đọc tất cả những điềm tướng. Một hôm nọ trên đường đi đến hoàng cung để hầu vua, vị ấy trông thấy một con chuột chết, khi quan sát và xem các chòm sao trên trời lúc bấy giờ, và đã nói điềm tướng như vầy: “ Bất cứ người thông minh nào mà cầm lấy con chuột chết này sẽ có thể nuôi sống gia đình và buôn bán.” Một người đàn ông vô danh nghe vị trưởng giả thông minh giải điềm và biết rằng vị trưởng giả thông minh này không nói chơi, bèn nhặt con chuột chết lên, đi ra chợ và bán nó để làm đồ ăn cho mèo và kiếm được một đồng xu. Ông ta cầm đồng xu ấy mua một ít mật đường và mang một bình nước uống. Khi trông thấy một số người bán hoa trở

về từ rừng sau khi đã cắt hoa, ông ta cho mỗi người một phần nhỏ mật đường và một tách nước sạch để giải khát. Do biết ơn, mỗi người bán hoa đều cho người đàn ông nghèo một nắm hoa.

(Từ chỗ này trở đi người đàn ông nghèo sẽ được đề cập đến như ‘người học trò có tài năng’ một phần vì cậu ta có tài và một phần vì cậu ta là người học trò nghe theo lời chỉ dạy của vị trưởng giả thông minh Cūlaseṭṭhi). Với những nắm hoa ấy, cậu ta bán lấy tiền mua mật đường và đi đến vườn cây nghỉ mát mang theo mật đường và một bình nước uống. Vào ngày hôm ấy những người bán hoa chia đồng đều cho anh ta những bó hoa của họ và ra đi. Bằng cách này cậu học trò tài ba sớm kiếm được tám đồng bạc.

Lại nữa, vào một ngày có bão, cậu học trò tài năng đi đến khu vườn lớn hoang vu và trong khi chất đống những nhánh cây do bị gió mạnh quất gãy rơi xuống đất, cậu ta đem đi bán và kiếm được mười sáu đồng cho người thợ gốm trong hoàng cung. Với tám đồng kiếm được từ hoa, giờ đây cậu ta có được hai mươi bốn đồng, cậu ta tự nghĩ: “ Ta có một vài cách để kiếm tiền: bố thí nước uống cho những người cắt cỏ.” Sau khi nghĩ như vậy, anh ta đặt một lu nước tại một nơi không quá xa cũng không quá gần cổng thành. Rồi anh ta cho năm trăm người cắt cỏ đến từ những vùng ngoại ô của kinh đô, uống nước miễn phí. Những người cắt cỏ nói với anh ta rằng: “ Này anh bạn, anh đã làm một sự phục vụ lớn đến chúng tôi. Chúng tôi có thể làm gì cho anh?” Người học trò tài năng đáp lại: “ Khi nào có dịp, các anh có thể giúp tôi.” Sau khi nói những lời tán thành như vậy, cậu ta đi đây đó và kết bạn với vị quan chức của đường bộ và quan chức của đường sông.

Một hôm, vị quan chức đường bộ mang đến cho anh ta một tin tốt lành rằng một người buôn ngựa sẽ đến viếng kinh thành Bārāṇasī, đem theo năm trăm con ngựa. Nhận được tin, người học trò tài năng bèn báo lại tin ấy với những người cắt cỏ và bảo họ mỗi người mang đến một bó cỏ vào ngày trước đó. Khi những con ngựa đến, người học trò tài năng chất đống một ngàn bó cỏ ở gần các cửa trong của kinh thành để người buôn ngựa nhìn thấy, sau đó anh ta ngồi xuống. Người buôn ngựa không thể nào kiếm được cỏ khô dù anh ta đi khắp kinh đô

để tìm kiếm. Thế nên anh ta đưa một ngàn đồng cho người học trò tài năng và lấy một ngàn bó cỏ.

Hai hoặc ba ngày sau, người bạn khác của anh ta, vị quan đường sông, báo tin cho anh biết là có chiếc tàu lớn chở hàng đã cập cảng. Anh ta nghĩ: “ Sắp có cách để kiếm tiền nữa rồi!” Rồi anh ta thuê một chiếc xe ngựa kéo tám đồng bạc và ngồi trong xe đi đến cảng. Anh ta trao một chiếc nhẫn cho người trưởng tàu để làm tiền đặt cọc. Tại một chỗ ở gần cảng, anh ta cho người treo một tấm màn tựa như đó là một ngôi nhà môi giới. Ngồi tại đây, anh ta căn dặn những người làm thuê rằng: “ Nếu có những người thương buôn đi đến gặp ta, thì hãy báo cho ta biết qua ba giai đoạn. (Đặt ba nơi mà thông tin phải đi qua).

Nghe tin có tàu chở hàng đến, số thương buôn lên đến một trăm người, từ kinh thành Bārāṇasī vội vã đi ra cảng với ý định mua hàng hóa. Những người làm công cho người học trò tài năng, đến trước những người thương buôn khác, nói với họ rằng: “ Các vị không thể mua được hàng hóa, vì vị thương nhân đang ngồi ở chỗ kia đã trả tiền cọc cho tất cả lô hàng rồi.” Khi nghe những lời này, một trăm thương nhân của kinh thành Bārāṇasī tìm đến người học trò tài năng( được gọi là Đại thương nhân).

Những người hầu của người học trò thông minh kính cẩn báo tin cho anh ta biết về sự đi đến của những thương nhân qua ba giai đoạn như đã được căn dặn trước, chỉ để phóng đại vấn đề. Mỗi người trong một trăm vị thương nhân đều cho anh ta một ngàn đồng xu như là tiền biếu tặng để trở thành người có cổ phần trong việc mua hàng. Lại nữa mỗi người trong bọn họ còn cho thêm anh ta một ngàn đồng xu nữa là lợi nhuận mà nhờ đó (họ khiến anh ta chịu làm một cổ đông và) sắp xếp cho họ sở hữu độc quyền toàn bộ số hàng hóa trên tàu. Người học trò thông minh kiếm được hai trăm ngàn đồng tại chỗ và đem số tiền đó đến Bārāṇasī, nghĩ rằng: “ Ta nên làm điều gì đó để tỏ lòng tri ơn.” Anh ta cầm lấy một trăm ngàn đồng và đi đến vị trưởng giả thông minh Cūlaseṭṭhi.

Rồi vị trưởng giả thông minh hỏi người học trò tài năng: “Này con, làm sao con có thể kiếm được số tiền nhiều như vậy?” Người học trò tài năng kể lại toàn bộ câu chuyện, nói rằng: “ Do làm theo lời khuyên của thầy khi trông thấy con chuột chết, con đã trở nên giàu có với số tiền hai trăm ngàn và hai mươi bốn đồng.” Vị trưởng giả trí tuệ suy xét: “ Một chàng trai có tài năng như vậy không nên thuộc về người khác; cậu ta phải là người của ta.” Thế nên, ông ta đã gả cô con gái đã đến tuổi lập gia đình và cho cậu ta trở thành gia chủ. Vào lúc vị trưởng giả trí tuệ chết, anh ta kế thừa địa vị của vị trưởng giả ấy và sống đến hết cuộc đời rồi được tái sanh theo nghiệp đã tạo.

Sau khi đã kể lại cả câu chuyện hiện tại và câu chuyện quá khứ, Đức Phật đã nói những lời nối kết giữa hai câu chuyện và tuyên câu kệ như sau đây về đời sống hiện tại.

Appakenapi medhāvī, pābhatena vicakkhaṇō, Samuṭṭhāpeti attānaṃ, aṇuṃ aggiṃ va sandhamaṃ.

Này các tỳ khưu! Ví như một người trí, bỏ nhiên liệu vào trong một ngọn lửa rất nhỏ rồi cố gắng thổi liên tục nhiều lần, biến nó thành một khối lửa lớn, cũng vậy một người trí trông xa thấy rộng và thận trọng, có thể tạo ra tài sản lớn từ một món tiền vốn rất nhỏ và có thể vươn lên thành triệu phú.

Bằng cách này Đức Phật đã thuyết giảng câu chuyện về đời sống đến các tỳ khưu trong giảng đường Chánh pháp.

Sự hoạch đắc danh hiệu Etadagga

Một thời gian sau, Đức Phật đang ngồi trên pháp tọa, chung quanh là các tỳ khưu. Ngài nói lời tán dương trưởng lão Cūḷapanthaka như sau:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ mano-mayaṃ kāyaṃ abhinimminantānaṃ yadidaṃ Cūḷapanthako (1) cetovivaṭṭa kusalānaṃ yadidaṃ Cūḷapanthako (2).

Này các tỳ khưu, trong số những đệ tử của Như Lai mà có tâm khả năng tạo ra các thân bằng các năng lực thần thông, thì Cūḷapanthaka là Tối thắng (etadagga) (1) ; trong số những đệ tử của Như Lai mà thiện xảo trong việc nhập thiền hữu sắc (rūpavajara-jhāna) thì Cūḷapanthaka là Tối thắng (etadagga) (2).

Như vậy Đức Phật đã ban hai danh hiệu etadagga cho Đại trưởng lão Cūḷapanthaka.

Về Đại trưởng lão Mahāpanthaka, Đức Phật nói lời tán dương vị ấy như sau:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ saññāvivaṭṭa-kusalānaṃ yadidaṃ Mahāpanthako.

Này các tỳ khưu, trong số các đệ tử của Như Lai thiện xảo về việc nhập thiền vô sắc (arūpavajara-jhāna) thì Mahāpanthaka là Tối thắng (ekadagga).

Qua những lời tán dương này, Đức Phật đã ban danh hiệu etadagga cho trưởng lão Mahāpanthaka về saññā vivaṭṭa-kusala -thiện xảo trong việc làm cho chính mình thoát khỏi tâm thức.

(Ở đây khi những tỳ khưu khác do tâm tạo ra nhiều thân qua các năng lực thần thông, họ chỉ có khả năng tạo ra một ít thôi, tức là ba hoặc bốn thân, v.v… Họ không thể tạo ra nhiều thân như vậy. Và khi họ làm như vậy, họ chỉ có thể tạo ra một số hình tướng giống như chủ thể và hành động, chúng chỉ có một loại duy nhất. Tuy nhiên, Cūḷapanthaka đã tạo ra một ngàn hình tướng chỉ trong nháy mắt. Sự tạo ra các hình tướng bằng tâm như vậy mà hình tướng này khác hình tướng kia, và đó là lý do vị ấy đạt được danh hiệu etadagga trong việc tạo ra các thân do tâm tạo. Qua những lời được giải thích trong Chú giải bằng nhiều cách, ở đây những bài giải thích được bỏ bớt vì e độc giả bị rối. Những bài pháp liên quan đến hai vị tỳ khưu này nên tra cứu chi tiết từ bộ Apadāna Theragāthā Dhammapada, Udāna những bộ Chú giải của chúng.)

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 25

Post Views: 417