HAI VỊ THƯỢNG THỦ THINH VĂN TRƯỞNG LÃO SĀRIPUTTA & TRƯỞNG LÃO MOGGALLĀNA

HAI VỊ THƯỢNG THỦ THINH VĂN TRƯỞNG LÃO SĀRIPUTTA & TRƯỞNG LÃO MOGGALLĀNA

TRƯỞNG LÃO MOGGALLĀNA

HAI VỊ THƯỢNG THỦ THINH VĂN TRƯỞNG LÃO SĀRIPUTTA &

TRƯỞNG LÃO MOGGALLĀNA

(Trưởng lão Xá-lợi-phất & Trưởng lão Mục-kiền-liên)

Trong thời kỳ giáo pháp này, hai vị Đại trưởng lão Sāriputta và Moggallāna là hai vị Tối thắng Thinh văn của Đức Phật. Họ đã cùng nhau trau dồi các pháp Ba-la-mật trong quá khứ. Trong kiếp cuối cùng của họ cũng vậy, họ cùng nhau từ bỏ thế gian và trở thành Sa-môn. Do đó những bài kể về họ được nêu ra chung trong các bộ Aṭṭhakathā và Ṭīkā. Được trích dẫn từ những nguồn Chú giải ấy, trong cuốn sách này những tư liệu về họ sẽ được nêu chung với nhau.

  1. Lời nguyện trong kiếp quá khứ
    Tính từ đại kiếp này, cách đây một A-tăng-kỳ (asaṇkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp, Sāriputta tương lai là một thiện nhân, sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn giàu có và tên là Sarada. Moggallāna tương lai, một thiện nhân khác cũng sanh ra trong một gia đình nọ và có tên là gia chủ Sirivaḍḍhana. Họ trở thành bạn thân, đã chơi chung với nhau từ thời thơ ấu.Một ngày nọ, chàng thanh niên Sarada đang kiểm tra và sắp xếp tài sản của gia đình vị ấy (của tổ tiên để lại) sau khi cha của vị ấy qua đời, thì một ý nghĩ nảy sinh trong tâm của vị ấy: “Ta chỉ biết về kiếp sống này. Ta không biết về kiếp sau. Điều hoàn toàn chắc chắn là tất cả chúng sinh mà sanh ra đều phải chết. Do đó, tốt nhất ta nên xuất gia làm đạo sĩ và tầm cầu giáo lý giải thoát khỏi luân hồi (saṁsāra).”Chàng trai Sarada đi đến gia chủ Sirivaḍḍhana, bạn của vị ấy và hỏi rằng: “Này bạn Sirivaḍḍhana, tôi sẽ xuất gia làm ẩn sĩ và tìm giáo lý giải thoát khỏi luân hồi. Bạn có thể cùng tôi trở thành ẩn sĩ không?” “Không, tôi không thể, bạn ạ,” Sirivaḍḍhana trả lời, “ Bạn hãy đi trước.” Khi ấy Sarada lại suy nghĩ: “ Trong số những người đã đi qua kiếp sau, chẳng có ai có khả năng dẫn theo bạn bè và quyến thuộc. Chỉ có thiện nghiệp và ác nghiệp là tài sản đi theo người ấy là điều chắc chắn.”Bởi vậy, vị ấy mở cửa các kho chứa của cải và bố thí to lớn đến những người nghèo khổ, khách phương xa đến và người ăn xin. Sau đó, vị ấy đi đến dưới chân một ngọn núi và trở thành đạo sĩ. Số người đi theo Sarada để trở thành đạo sĩ tóc búi lên đến bảy mươi bốn ngàn người. Đạo sĩ Sarada đã chứng đắc tám thiền chứng và năm phép thần thông. Vị ấy cũng dạy cho các môn đệ cách hành thiền đề mục kasiṇa và họ cũng chứng đắc các thiền chứng và thần thông.Vào thời điểm đó, Đức Phật Anomadassī xuất hiện trong thế gian. (Kinh đô và những chi tiết đặc biệt khác đã được nêu trong bộ Đại Phật sử, cuốn I, phần 2). Một hôm, Đức Phật Anomadassī dò xét thế giới hữu tình sau khi xuất khỏi Đại bi định (karuṇā-samāpatti) vào lúc sáng sớm, Ngài trông thấy đạo sĩ Sarada và quyết định: “ Khi Ta đến viếng đạo sĩ Sarada thì sẽ có một Pháp hội to lớn diễn ra. Đạo sĩ Sarada sẽ phát nguyện địa vị Thượng thủ Thinh văn tay phải của Đức Phật tương lai. Người bạn của vị ấy là Sirivaḍḍhana cũng sẽ phát nguyện địa vị Thượng thủ Thinh văn tay trái của Đức Phật tương lai. Cuối thời pháp, bảy mươi bốn ngàn môn đệ của Sarada, là những đạo sĩ đã đi theo Sarada, sẽ chứng đắc đạo quả A-la-hán. Do đó Ta sẽ đến viếng chỗ ngụ của Sarada ở dưới chân núi.” Thế nên, Đức Phật mangy và bát ra đi một mình mà không báo tin cho bất cứ ai, giống như sư tử vương. Trong khi các đồ đệ của đạo sĩ Sarada đã đi vào rừng để hái trái, Đức Phật Anomadassī nguyện rằng Sarada sẽ biết Ngài là một vị Phật Toàn giác, và Đức Phật từ trên không trung đi xuống và đứng trên đất.Khi nhìn thấy tướng hảo quang minh và oai nghi thanh tịnh của Đức Phật Anomadassī, Sarada đã nghiên cứu chúng theo đúng với những bộ sách về nhân tướng, tin chắc rằng: “ Người mà có những tướng này sẽ trở thành vị Chuyển luân vương nếu vị ấy sống tại gia; nhưng nếu vị ấy đắp y vàng thì chắc chắn trở thành Đức Phật Toàn giác.” Do đó đạo sĩ đã đón tiếp Đức Phật, đảnh lễ Ngài với năm điểm chạm đất và dâng đến Ngài chỗ ngồi đã được soạn sẵn. Đức Phật ngồi vào chỗ và đạo sĩ cũng ngồi xuống ở nơi phải lẽ.Lúc bấy giờ, bảy mươi bốn ngàn ẩn sĩ môn đệ trở về đem cho thầy của họ các loại trái cây, to nhỏ đủ cỡ, hương vị thơm ngon và bổ dưỡng. Khi nhìn thấy chỗ ngồi của Đức Phật và thầy của họ, họ nhận xét với ông: “ Thưa thầy, chúng con kinh ngạc, vì tin rằng trong thế gian này không có nhân vật nào cao hơn thầy. Nhưng giờ đây, dường như con người cao quý này tối thắng hơn thầy.” Đạo sĩ giáo chủ bèn quở trách họ : “ Này các đệ tử, làm sao các người dám nói như vậy! Các người muốn đem hạt cải ra so sánh với ngọn núi tu-di cao một trăm sáu mươi tám ngàn do tuần sao. Đừng đem ta ra so sánh với Đức Phật.” Khi ấy các môn đệ ẩn sĩ nói với nhau rằng: “ Nếu đây là người không xứng đáng thì Đạo sư của chúng ta sẽ không đưa ra ví dụ so sánh như vậy. Vị ấy chắc chắn là Bậc Tối cao!” Khi nói vậy, tất cả họ đều phủ phục dưới chân Đức Phật đảnh lễ Ngài.Sau đó, ẩn sĩ Narada nói với các đệ tử: “ Này các con, chúng ta không có vật thí nào thích hợp để cúng dường đến Đức Phật. Đã đến giờ đi khất thực mà Ngài lại đến chỗ ngụ của chúng ta ở dưới chân núi. Chúng ta hãy cúng dường vật thực bằng hết khả năng của mình. Này các đệ tử, hãy đem đến các loại trái cây lớn và nhỏ ngon nhất.” Như vậy vị ấy đã sai đem đến các loại trái cây và sau khi rửa sạch đôi bàn tay, đạo sĩ đích thân cúng dường trái cây vào bát của Đức Phật.Khi Đức Phật vừa thọ nhận trái cây thì chư thiên cũng cúng dường chất dinh dưỡng vào trong bát. Đạo sĩ Sarada dâng cúng nước được vị ấy lọc sạch. Sau khi ăn trái cây, Đức Phật rửa tay và ngồi yên tịnh. Trong khi Đức Phật đang ngồi như vậy, đạo sĩ Sarada bèn triệu tập tất cả đệ tử của vị ấy và bạch với Ngài bằng những lời đáng nhớ lâu dài. Khi ấy Đức Phật nguyện rằng hai vị Thượng thủ Thinh văn của Ngài hãy đến viếng Ngài dưới chân núi cùng với các tỳ khưu. Hai vị Thượng thủ Thinh văn ( là hai đại trưởng lão Nisabha và Anoma) khi biết được ý muốn của Đức Phật, lập tức đi đến dẫn theo một trăm ngàn vị A-la-hán, và sau khi đảnh lễ Ngài, các vị đứng ở những nơi thích hợp.Nhân đó, ẩn sĩ Sarada gọi các môn đệ và truyền lịnh rằng: “ Này các con, chỗ ngồi được sửa soạn dành cho Đức Phật vẫn thấp. Một trăm ngàn vị tỳ khưu cũng không có chỗ ngồi. Ngày hôm nay các con nên tỏ sự tôn kính đến Đức Phật. Hãy đem đến những loại hoa thơm và xinh đẹp từ chân núi.” Thời gian để truyền lịnh xem ra lâu hơn. Sức mạnh của những người có oai lực thật là kỳ diệu, vượt ngoài sự tưởng tượng. Ngay lập tức các ẩn sĩ đồ đệ đem đến các loại hoa thơm và xinh đẹp và làm thành một bảo tọa cao một do tuần dành cho Đức Phật. Chỗ ngồi bằng hoa dành cho hai vị Thượng thủ Thinh văn cao ba gāvuta và chỗ ngồi dành cho những tỳ khưu còn lại cao nửa do tuần hoặc hai gāvuta. Ngay cả vị tỳ khưu trẻ nhất cũng có chỗ ngồi cao một usabha.Sau khi tạo ra những chỗ ngồi theo cách này, Sarada đứng trước Đức Phật và chấp tay bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, xin hãy ngồi vào chỗ ngồi bằng hoa này cho con được lợi ích và hạnh phúc lâu dài.” Đức Phật Anomadassī bước lên bảo tọa và ngồi xuống ở đó, rồi nhập vào thiền diệt (nirodha-samapatti) trong bảy ngày. Biết được điều mà Đức Phật đang làm, hai vị Thượng thủ Thinh văn và những vị tỳ khưu còn lại, khi đang ở trên chỗ ngồi của họ, theo gương bậc Đạo sư, họ cũng nhập thiền.Ẩn sĩ Sarada đứng cầm cái lọng hoa che hầu Đức Phật trongkhi Ngài đang nhập Diệt thọ tưởng định (nirodha-samapatti), các ẩn sĩđồ đệ thì đi kiếm các loại củ và trái cây cho bữa ăn của họ. Thời gian còn lại họ đứng chấp tay hướng về Đức Phật. Tuy nhiên, ẩn sĩ Sarada chẳng đi đâu dù để tìm trái cây mà vẫn cầm cái lọng che Đức Phật và trải qua thời gian bằng vật thực của hỉ lạc.Sau khi xuất khỏi nirodha-samapatti, Đức Phật bảo vị Thượng thủ Thinh văn đang ngồi bên phải của Ngài, là trưởng lão Nisabha : “ Này con, hãy thuyết pháp để tán thán công đức cúng dường hoa của các vị ẩn sĩ.” Với tâm tràn đầy hoan hỉ như một dũng sĩ nhận được phần thưởng to lớn từ vị Chuyển luân vương, trưởng lão Nisabha bèn thuyết pháp bằng trí tuệ thanh văn hoàn hảo của vị ấy. Vào lúc kết thúc thời pháp của trưởng lão Nisabha, Đức Phật bảo vị Thượng thủ Thinh văn tay trái của Ngài, là trưởng lão Anoma: “ Này con, hãy thuyết pháp.” Sau khi quán xét Phật ngôn được chứa trong Tam tạng, trưởng lão Anoma bèn thuyết pháp.Sau thời pháp của hai vị Thượng thủ Thinh văn, sự giác ngộ Tứ Thánh Đế và sự chứng đắc giải thoát vẫn chưa xảy đến bất cứ ẩn sĩ nào. Sau đó, Đức Phật Anomadassī đã thuyết pháp trong trạng thái vô song của một vị Phật. Vào lúc kết thúc của thời pháp, tất cả bảy mươi bốn ngàn ẩn sĩ tóc búi đều chứng đắc đạo quả A-la-hán ngoại trừ ẩn sĩ Sarada. Rồi Đức Phật duỗi cánh tay phải của Ngài và nói : “ Hãy đến, này các tỳ khưu!” Ngay khi ấy râu và tóc của tất cả những đạo sĩ ấy đều biến mất và họ trở thành những vị tỳ khưu có đầy đủ tám món vật dụng.
    Sarada phát nguyện trở thành Thượng thủ Thinh văn
    Người ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao vị ấy không chứng đắc đạo quả A-la-hán dù vị ấy là một vị thầy vĩ đại?Câu trả lời: Bởi vì tâm của vị ấy lúc bấy giờ bị phóng dật. Giải thích: Từ lúc vị Thượng thủ Thinh văn Nisabha bắt đầu thuyết pháp, Sarada đã bị xao lãng nhiều lần với ý nghĩ: “ Thật tốt thay nếu ta đạt được địa vị giống như vị Thượng thủ Thinh văn này trong thời kỳ của Đức Phật tương lai.” Do bởi sự phóng dật này mà Sarada không thôngđạt đươc Đạo và Quả tuệ. (Vị ấy rơi lại phía sau mà không có sự chứng đắc Đạo Quả).Sau khi các đệ tử của vị ấy đã trở thành “Thiện lai tỳ khưu” (Ehibhikkhu), ẩn sĩ Sarada bèn đảnh lễ Đức Phật và hỏi trong khi đang đứng: “ Bạch Đức Thế Tôn, vị tỳ khưu đang đứng ngay bên cạnh Ngài tên gì?” Đức Phật trả lời, “ Tên của vị ấy là Nisabha, Thượng thủ Thinh văn tay phải trong Giáo pháp của Như Lai, có thể theo sau Như Lai mà chuyển Bánh xe Chánh pháp, đã đạt đến đỉnh cao trí tuệ toàn hảo của một vị Thinh văn đệ tử và đã thông đạt mười lăm loại trí (paññā).” Ẩn sĩ Sarada bèn bạch rằng: “ Do quả phước cúng dường chiếc lọng bằng hoa đến Đức Thế Tôn che cho Ngài trong suốt bảy ngày, con không mong cầu địa vị Đế Thích hay Phạm thiên. Thực ra, con chỉ mong cầu địa vị của vị Thượng thủ Thinh văn tay phải, như vị Đại trưởng lão Nisabha này trong thời kỳ giáo pháp của chư Phật tương lai.”Khi Đức Phật Anomadassī vận dụng Vị lai trí (anāgataṁsa-ñāṇa) của Ngài xem ước nguyện của Sarada có được thành tựu hay không, Ngài thấy rằng ước nguyện ấy sẽ được thành tựu sau một A-tăng-kỳ (asaṇkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp (kappa). Vì vậy, Ngài nói với vị ẩn sĩ kia rằng: “ Ước nguyện của con sẽ được thành tựu. Sau một A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, Đức Phật Gotama sẽ xuất hiện trong tam giới. Mẹ của vị ấy là hoàng hậu Mahāmāyā, cha là Suddhodāna, con trai là Rāhula và vị Thượng thủ Thinh văn tay trái của vị ấy là Moggallāna. Còn ngươi sẽ trở thành Thượng thủ Thinh văn tay phải tên là Sāriputta.” Sau khi đã tiên tri như vậy, Đức Phật thuyết một bài Pháp và sau đó Ngài bay vào không trung cùng với chúng tỳ khưu.Ẩn sĩ Sarada đi đến các trưởng lão mà trước kia là môn đồ của vị ấy và nói rằng: “ Thưa các đại đức, xin hãy nói với bạn tôi, gia chủ Sirivaddhana, như vầy: ‘Ẩn sĩ Sarada bạn của ông đã phát nguyện dưới chân Đức Phật Anomadassī được thành tựu địa vị Thượng thủ Thinh văn tay phải của Đức Phật Gotama tương lai. Với địa vị Thượng thủ Thinh văn tay trái của Đức Phật Gotama, ông hãy quyếtđịnh.” Sau khi nhắn tin như vậy, Sarada vội vã đi trước các ngài bằng một con đường khác và đứng ở cửa nhà của Sirivaddhana.Khi nghĩ rằng: “ Ồ, ông thầy của ta đã đến sau một thời gian dài. Lâu lắm không gặp.” Sirivaddhana dâng chỗ ngồi đến ẩn sĩ Sarada và ngồi xuống ở một chỗ thấp hơn rồi hỏi: “ Thưa đạo sĩ, những đệ tử tùy tùng của ngài đâu?” “ À không, này bạn. Đức Phật Anomadassī đã đến viếng thăm các ẩn sĩ chúng tôi. Chúng tôi đã cúng dường chư Tăng có Đức Phật dẫn đầu bằng khả năng tốt nhất. Đức Phật đã thuyết pháp đến tất cả. Cuối thời pháp thì tất cả các ẩn sĩ trừ tôi ra, bảy mươi bốn ngàn vị đều chứng đắc A-la-hán và trở thành các vị tỳ khưu.” “ Tại sao ngài không chứng đắc và trở thành tỳ khưu như họ?” Sirivaddhana hỏi. “ Sau khi trông thấy trưởng lão Nisabha, vị Thượng thủ Thinh văn tay phải của Đức Phật,” Sarada đáp lại, “ Tôi đã phát nguyện vào địa vị đó trong thời của Đức Phật Gotama đương lai. Bạn cũng nên phát nguyện vào địa vị Thượng thủ Thinh văn tay trái của Đức Phật Gotama đương lai đi.” Khi ẩn sĩ Sarada hối thúc bạn của mình như vậy thì Sirivaddhana đáp lại rằng: “ Tôi chưa nói chuyện với Đức Phật.” Khi ấy Sarada khích lệ vị ấy: “Việc nói chuyện với Đức Phật để tôi lo. Về phần bạn thì bạn hãy lo tổ chức một cuộc phước thí to lớn (adhikāra).”Sau khi nghe qua lời khuyên của Sarada, Sirivaddhana cho san bằng chỗ đất rộng tám pai ở trước lối đi vào nhà và rải lên một lớp cát trắng, rồi rải lên năm loại hoa giấy, gạo rang là loại thứ năm. Vị ấy cũng cho dựng lên một cái lều có mái làm bằng hoa sen, sắp xếp chỗ ngồi dành cho Đức Phật và sắp xếp những lễ vật để cúng dường Ngài. Rồi ngay khi vị ấy gợi ý thì Sarada thỉnh chư Tăng đến có Đức Phật dẫn đầu. Sau khi nhận được sự gợi ý của Sirivaddhana, Sarada đã thỉnh chư Tăng có Đức Phật dẫn đầu đến nhà của Sirivaddha.Sirivaddha cung tiếp Đức Phật, đỡ lấy y và bát từ tay của Ngài và cung kính đưa Ngài vào giả ốc rồi dâng nước đến Ngài và chúng tỳ khưu, sau đó thết đãi các Ngài bằng những món ăn thượng vị. Sau khi các Ngài đã độ thực xong, vị ấy dâng cúng y phục đắc giá đến Đức Phật và chúng Tăng. Sau đó, vị ấy tác bạch rằng: “ Bạch Đức ThếTôn, việc phước mà con đã làm đây không mong có được kết quả nhỏ nhoi. Xin Thế Tôn bi mẫn cho con được cúng dường trong bảy ngày.” Đức Phật im lặng nhận lời. Sau đó Sirivaddhana cúng dường đại thí (mahā-dāna) trong bảy ngày. Vào ngày cuối của buổi đại thí, khi đang đứng với hai tay chấp lại, hướng về Đức Phật, vị ấy tác bạch: “ Bạch Đức Thế Tôn, người bạn Sarada của con đã phát nguyện được địa vị Tối thắng Thinh văn tay phải của Đức Phật Gotama. Con cũng nguyện được địa vị Tối thắng Thinh văn tay trái của Đức Phật Gotama.”Khi Đức Phật quán xét về tương lai, Ngài thấy rằng lời nguyện của Sirivaddhana sẽ được thành tựu. Bởi vậy Đức Phật tiên tri rằng: “ Sau một asaṇkhyeyya và một trăm ngàn đại kiếp kể từ hôm nay, gia chủ sẽ trở thành đệ nhị Thượng thủ Thinh văn tay trái.” Sau khi nghe lời tiên tri của Đức Phật, Sirivaddhana vô cùng hoan hỉ. Sau khi ban bố thời pháp thọai tán dương sự bố thí cúng dường, Đức Phật trở về tịnh xá cùng với chúng tỳ khưu. Từ đó trở đi cho đến hết cuộc đời, Sirivaddhana phát triển sự tinh tấn trong các việc phước. Khi thân họai mạng chung, vị ấy tái sanh vào cõi chư thiên dục giới (kāmāvacara-vihāra). Sarada, ẩn sĩ đã tu tập bốn Phạm trú (Brahmavihāra) và được tái sanh vào cõi Phạm thiên.
  2. Đời sống Sa-môn trong kiếp chót
    Chú giải không nói chi tiết về những việc phước được làm trong các kiếp sống sau kiếp làm ẩn sĩ Sarada và gia chủ Sirivaḍḍhana, chỉ nêu ra bài mô tả về đời sống của họ trong kiếp cuối cùng.Ngay trước khi Đức Phật Gotama xuất hiện trong thế gian, một thiện nam, trưởng lão Sāriputta tương lai, đã từng là ẩn sĩ Sarada trong kiếp quá khứ, thọ sanh trong bào thai của một nữ Bà-la-môn, vợ của một vị thương nhân, tên là Rūpasārī, trong ngôi làng Upatissa gần kinh thành Rājagaha. Trong ngày hôm ấy, một thiện nam khác, trong quá khứ là Sirivaḍḍhana, bạn của Sarada và là Moggallāna tương lai, cũng thọ sanh trong bào thai của bà Moggalī (vợ của một vị thươngnhân khác) trong làng Kolita, cũng ở gần kinh thành Rājagaha. Hai giađình vĩ đại ấy vốn quen thân với nhau trải qua bảy thế hệ.Khi hai đứa bé ra đời sau mười tháng ở trong bào thai, mỗi đứa bé được chăm sóc bởi sáu mươi sáu người hầu. Vào ngày đặt tên, đứa con trai sanh ra từ bà Rūpasārī được đặt tên là Upatissa vì cậu ta là con cháu của người trưởng làng Upatissa. Đứa con trai của bà Moggalī được đặt tên là Kolita vì gia đình của cậu ta là chủ của ngôi làng Kolita. Khi hai đứa bé lớn lên, chúng thông thạo tất cả các môn học.Vật dụng nghi lễ cho chàng trai Upatissa bao gồm năm trăm cái kiệu bằng vàng đi theo vị ấy bất cứ khi nào vị ấy đi đến con sông, khu vườn hoặc ngọn đồi để vui chơi. Đối với chàng trai Kolita thì luôn luôn có năm trăm cỗ xe được kéo bởi năm trăm con tuấn mã sẵn sàng đi theo vị ấy. Một lễ hội hằng năm được tổ chức trên đỉnh đồi ở Rājagaha. Chỗ ngồi dành cho hai người bạn thường được sắp đặt ở cùng một vị trí. Cả hai ngồi chung với nhau, họ cười to khi xem người ta diễn hài và khích động khi xem những pha hồi hộp, họ cũng cho tiền thưởng khi nào cần thiết.Sau khi thưởng thức các màn biểu diễn nhiều lần, một ngày nọ, họ trở nên trầm tĩnh đối với các trò biểu diễn và không còn vui thích với những cảnh vui nhộn nữa cũng như không còn sợ hãi trước những cảnh kinh khiếp. Và không còn những món tiền thưởng mà người ta mong đợi. Cả hai đều suy nghĩ: “Những cảnh hấp dẫn với con mắt trong dịp lễ hội này ở đâu? Những người tham dự và những người đến xem biểu diễn rồi tất cả sẽ biến mất sau một trăm năm. Do đó chúng ta nên tầm cầu một hình thức tâm linh nào đó để thoát khỏi saṃsāra.” Họ duy trì sự quán niệm về những nỗi khổ của kiếp sống.Sau đó Kolita nói với người bạn Upatissa rằng: “ Này bạn Upatissa, bạn biểu lộ sự bất mãn trong những ngày khác. Bạn đang nghĩ về điều gì vậy?” Upatissa đáp lại rằng: “ Này bạn Kolita, tôi không thấy điều gì đáng xem trong buổi biểu diễn. Sự vui chơi hội hè thật vô ích và rỗng tuếch. Do đó tôi đang suy nghĩ rằng bản thân nên tìm một điều gì đó dẫn đến sự giải thoát khỏi vòng luân hồi.” Sau khinói như vậy, vị ấy hỏi lại: “ Này bạn Kolita, tại sao bạn cũng mang bộ mặt buồn chán và trông khó chịu?” Câu trả lời của Kolita cũng giống như của Upatissa. Khi biết rằng bạn của mình đang suy nghĩ giống như mình, Upatissa bàn thêm: “ Này bạn Kolita, ý kiến chung của chúng ta là ý nghĩ tốt đẹp nên được nuôi dưỡng. Những ai tầm cầu giải thoát khỏi luân hồi thì nên sống đời Sa-môn. Chúng ta sẽ xuất gia Sa-môn với đạo sư nào đây?”Lúc bấy giờ du sĩ nổi tiếng Sañjaya, giáo chủ của một giáo phái, đang ngụ ở Rājagaha cùng với đông đảo môn đồ. Hai người bạn đồng ý với nhau là sẽ xuất gia Sa-môn với đạo sư Sañjaya, mỗi người dẫn theo năm trăm tùy tùng. Từ lúc có hai người bạn ấy, Sañjaya đã đạt được lợi đắc và danh tiếng cao tột.Trong vòng hai hoặc ba ngày, hai du sĩ Upatissa và Kolita đã lãnh hội toàn bộ giáo lý của đạo sư Sañjaya và họ hỏi rằng: “ Thưa thầy, có phải đây là tất cả những gì mà thầy đã biết? Hay vẫn còn mà chúng tôi chưa học.” “ Đó là tất cả những gì ta biết được,” Sañjaya đáp lại, “ Các ngươi đã học hết giáo lý của ta rồi.” Rồi hai người bạn bàn bạc với nhau: “Nếu như vậy, tiếp tục thọ trì phạm hạnh (brahma-cariya) với vị thầy này quả vô ích. Chúng ta đã xuất gia để tầm cầu sự giải thoát khỏi luân hồi. Chúng ta sẽ không bao giờ đạt được sự giải thoát trong pháp hành của vị ấy. Cõi Diêm phù đề thật bao la. Nếu chúng ta đi khắp các làng mạc, phố chợ và các kinh đô để tầm cầu, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy một vị đạo sư nào đó có thể chỉ cho chúng ta con đường giải thoát.”Từ dạo đó trở đi họ đi đến những chỗ mà họ biết được là có những vị Sa-môn và Bà-la-môn có trí tuệ và đàm đạo với những vị ấy. Tuy nhiên, chẳng có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thực sự uyên bác hay có khả năng trả lời những câu hỏi được nêu ra bởi hai người bạn du sĩ. Thật ra, hai người bạn chính là những người phải đứng ra giải đáp những câu hỏi của những vị được gọi là bậc thông thái. Vì không tìm thấy ai xứng đáng làm đạo sư của họ dù đã đi khắp xứ Jambudīpa, thăm hỏi luận bàn, nên họ trở về chỗ ngụ dành cho các vị Sa-môn vàthỏa thuận với nhau rằng ai biết được giáo lý liên quan đến bất tử trước thì phải báo cho người kia biết.Lúc bấy giờ nhằm ngày mồng một tháng Māgha, khoảng nửa tháng sau khi Đức Phật đến tại kinh thành Rājagaha. ( Độc giả nên tham khảo ở các trang từ 1 đến 19 của cuốn 3 bộ Đại Phật Sử này để biết thêm chi tiết. Các trang có chứa những đoạn như (b) cuộc đàm thoại của hai người bạn và những đệ tử của họ từ thân phận du sĩ đến trạng thái Thiện lai tỳ khưu trước sự chứng minh của Đức Phật và (c) sự chứng đắc trí tuệ đỉnh cao của những vị Thượng thủ Thinh văn. Do đó, những đoạn này được lượt bỏ ở đây).
  3. Sự thành đạt danh hiệu Etadagga

Trong năm Đức Phật giác ngộ, Ngài trải qua mùa an cư tại khu rừng Nai, từ đó Ngài đi đến khu rừng Uruvela tế độ cho một ngàn ẩn sĩ dẫn đầu là ba anh em Kassapa và an trú cho họ trong thánh quả A-la-hán bằng sự thuyết giảng bài kinh Āditta-pariyāya. Ngày rằm của tháng Phussa, Ngài đến tại Rājagaha cùng với một ngàn vị tỳ khưu. Sau nửa tháng, vào ngày mồng một của tháng Māgha, Upatissa gặp vị Thánh Tăng A-la-hán Assaji, thuộc nhóm năm vị Sa-môn, tại Rājagaha. Sau khi lắng nghe bài kệ bắt đầu là “ Ye dhammā hetuppabhavā,” từ đại đức Assaji, Upatissa trở thành vị thánh Nhập lưu (sotāpaññā ariya). Kolita cũng vậy, sau khi nghe câu kệ thông qua Upatissa. Sau đó, cả hai người bạn thánh Nhập lưu và tùy tùng của họ đều trở thành những ehi-bhihhku. Trước khi họ trở thành những vị tỳ khưu như vậy, nhóm tùy tùng chứng đắc đạo quả A-la-hán vào lúc họ nghe thời pháp từ Đức Phật. Vì trí tuệ của một vị Thượng thủ Thinh văn quá to lớn khó thành đạt, nên hai vị Thượng thủ Thinh văn tương lai vẫn không chứng được trạng thái ấy, và vào ngày thứ bảy sau khi xuất gia tỳ khưu thì Mahā Moggallāna mới chứng đắc đạo quả A-la-hán, và vào ngày thứ mười lăm, tức là ngày rằm tháng Māgha thì Sāriputta chứng đắc A-la-hán quả. (xem cuốn 3 của bộ Đại Phật Sử từ trang đầu đến trang 17.)

Bằng cách này hai vị Đại trưởng lão đã đạt đến đỉnh cao về trí tuệ và các pháp Ba-la-mật của địa vị Thượng thủ Thinh văn trong khi Đức Phật đang ngụ ở Rājagaha thành. Một thời gian sau, khi Ngài đang ngụ ở Jetavana tịnh xá, trong thành Sāvatthi, Ngài đã tuyên kệ tán dương hai vị trưởng lão như sau:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikhūnaṃ mahāpaññānaṃ yadidaṃ Sāriputto.

Này các tỳ khưu, trong số những đệ tử của Như Lai có trí tuệ siêu việt, thì Sāriputta là đệ nhất.

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikhūnaṃ iddhimantānaṃ yadidaṃ Mahā Moggallāno.

Này các tỳ khưu, trong số những đệ tử của Như Lai có thần thông vĩ đại, thì Mahā Moggallāna là đệ nhất.

Bằng những lời này, Đức Phật đã đặt trưởng lão Sāriputta vào địa vị cao tột về trí tuệ và đặt trưởng lão Moggallāna vào địa vị cao tột trong lãnh vực thắng trí.

Hai vị Trưởng lão này đã đem lại lợi ích cho chúng sanh trong bốn mươi bốn năm còn lại kể từ khi họ trở thành tỳ khưu. Họ thuyết giảng rất nhiều bài pháp trong năm bộ Nikāya hay Tam tạng (Pitaka). Vì những bài pháp ấy số lượng quá nhiều nên không thể nêu ra ở đây được. Đặc biệt, bộ Paṭisambhidāmaggā Pāḷi, bộ Mahāniddesa Pāḷi và bộ Cūlaniddesa Pāḷi đều có những lời giảng của Đại trưởng lão Sāriputta. Sự nhập Niết bàn của hai vị trưởng lão sau bốn mươi bốn năm hoằng hoá độ sanh sẽ được nêu ra ở đây.

Sự viên tịch của Đại trưởng lão Sāriputta (Việc đạt đến Parinibbāna)

Sau khi trải qua mùa an cư thứ bốn mươi lăm cũng là mùa an cư cuối cùng tại ngôi làng nhỏ Veḷuva gần kinh thành Vesāli, Đức Phật làm lễ Tự tứ ra hạ và Ngài rời khỏi ngôi làng cùng con đường mà

Ngài đã đến đó. Sau khi khởi sự lên đường lần cuối cùng, Đức Phật đến Sāvatthi và đi vào Jetavana tịnh xá. Vị tướng quân chánh Pháp, trưởng lão Sāriputta, hầu hạ Đức Phật rồi đi nghỉ trưa. Các đệ tử của trưởng lão đã làm xong các phận sự của họ tại chỗ nghỉ trưa của trưởng lão và đã đi ra, ngài bèn quét sạch chỗ ngụ rồi trải ra tấm tọa cụ bằng da; vị ấy rửa chân, ngồi kiết già và nhập vào A-la-hán quả định. (arahatta-phala)

Khi thời gian nhập định đã hết, Trưởng lão xuất khỏi thiền và tự hỏi liệu Đức Phật nhập Niết bàn trước hay các Thượng thủ Thinh văn. Vị ấy biết rằng các Thượng thủ Thinh văn thường nhập Niết bàn trước. Và khi vị ấy xem xét thọ mạng của mình, vị ấy biết rằng chỉ còn bảy ngày nữa thôi. Trưởng lão lại xét thêm nhập niết bàn ở nơi nào.

“ Trưởng lão Rāhula nhập parinibbāna ở cõi Tāvatiṁsa và trưởng lão Koṇḍañña nhập parinibbāna ở hồ Chaddanta. Còn ta ở đâu?” Trưởng lão suy ngẫm và nhớ đến mẹ của ngài, là nữ Bà-la-môn Rūpasārī như sau:

“ Ồ, mẹ của ta không có niềm tin nơi Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo, dù bà là mẹ của bảy vị A-la-hán. Liệu mẹ của ta có đủ căn duyên để chứng đắc thánh Đạo và thánh Quả không?”

Khi suy xét như vậy, trưởng lão biết rằng do những việc phước đã gieo tạo trong quá khứ, bà có tiềm năng để chứng đắc Đạo Nhập lưu (sotapatti-magga). Trưởng lão tiếp tục suy xét xem ai sẽ thuyết pháp để bà giác ngộ Tứ Diệu Đế, và vấn đề hiển lộ như sau:

“ Sự giác ngộ Tứ Diệu Đế của mẹ ta và chứng đắc thánh Đạo sẽ xảy ra do ta thuyết pháp chứ không do ai khác. Nếu ta không quan tâm đến việc tế độ cho bà thì mọi người sẽ rêu rao rằng: “Trưởng lão Sāriputta là chỗ nương tựa cho nhiều người. Đúng như vậy. Ngày mà Trưởng lão thuyết giảng bài kinh Samacitta Sutta (Aṅguttara Nikāya I) một trăm ngàn koṭi chư thiên và Phạm thiên chứng đắc A-la-hán quả (arahatta-phala). Chúng sanh chứng đắc tầng thánh thấp hơn thì vô số kể. Những chúng sanh đạt được sự giải thoát do giác ngộ Tứ Diệu Đế ở chỗ khác cũng được xác nhận. Ngoài ra, chư thiên có niềm tin nơi trưởng lão số lượng đến tám chục ngàn. Chính trưởng lão Sāriputta ấy

giờ đây lại bất lực không thể đoạn trừ tà kiến cho chính mẹ của mình.” Do vậy sau khi đoạn trừ những quan niệm lầm lạc của mẹ ta, ta sẽ nhập parinibbāna ngay trong chính căn phòng mà ta đã sanh ra.”

Sau khi quyết định như vậy, trưởng lão nghĩ rằng nên trình bạch với Đức Phật và xin phép Ngài rồi lên đường trong chính ngày hôm ấy. Thế nên trưởng lão bảo em trai là Cunda: “ Này em Cunda, hãy thông báo cho năm trăm đệ tử của ta sửa soạn y và bát. Vị tướng quân của Chánh pháp, trưởng lão Sāriputta muốn đi đến Nālaka, ngôi làng của vị ấy.” Trưởng lão Cunda đã làm đúng như lời dặn bảo.

Năm trăm vị tỳ khưu thu dọn đồ trải của họ, mang bát và y và đồng loạt kéo đến quanh vị thầy của họ. Chính Trưởng lão cũng thu dọn đồ trải của vị ấy, quét sạch chỗ nghỉ, đứng ở cửa vào và nhìn ngắm nó, nghĩ rằng: “ Đây là lần ngắm nhìn cuối cùng của ta. Ta sẽ không bao giờ trở lại nữa.” Cùng với năm trăm đệ tử, trưởng lão đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và nói lời thỉnh cầu: “ Bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài cho phép con được ra đi. Cầu xin Đấng Thiện Thệ hãy cho phép con. Đã đến lúc để con nhập parinibbāna. Thọ mạng của con đã hết.”

(Ở đây, chữ ‘anujānātu’ trong câu’ anujānātu me bhante bhagavā…” trong bài kinh được dịch là “ xin hãy cho phép con” và đó là ý nghĩa cần thiết. Tuy nhiên, nghĩa đen của nó là “ Xin Đức Thế Tôn hãy biết về việc nhập parinibbāna mà con đã trình bạch,” tức là, “ Con biết rõ về việc nhập parinibbāna của con sắp đến. Cầu xin Đức Thế Tôn nhận biết như vậy.”)

Khi những vị đệ tử khác, mà cũng là những vị A-la-hán, đến và xin phép nhập diệt, và nếu Đức Phật nói rằng: “ Hãy làm như vậy!” thì những kẻ có tà kiến sẽ chê trách Ngài như vầy: “ Đức Phật nói lời tán dương cái chết!” Ngược lại nếu Ngài nói rằng: “ Không, này con, đừng làm thế,” thì họ cũng chê trách Ngài rằng: “ Ngài tán dương cái khổ!” Thế nên Đức Phật chẳng có cách gì để đáp lại. Đó là lý do Đức Phật hỏi trưởng lão Sāriputta, “ Này con Sāriputta, con sẽ nhập parinibbāna ở đâu?” Trưởng lão trả lời “ Bạch Đức Thế Tôn, tại nơi con sanh ra, ngôi làng Nālaka nước Magadha. Con sẽ nhập

parinibbāna ở đó.” “ Này con, con đã rõ thời gian nhập parinibbāna của mình. Quả thật rất khó khăn cho những tỳ khưu đệ tử của con gặp lại con người, hình vóc của con nữa. Do đó con nên thuyết pháp đến họ.”

Khi thấy rằng Đức Phật muốn trưởng lão thuyết pháp khi triển khai thần thông, Đại trưởng lão bèn đảnh lễ Đức Phật, bay lên không trung cao một cây thốt nốt, đi xuống và đảnh lễ dưới chân Đức Phật. Vị ấy lại bay lên không trung cao hai cây thốt nốt rồi đi xuống và đảnh lễ dưới chân Đức Phật một lần nữa. Trưởng lão đã bay lên không trung theo cách như vậy, cao ba cây thốt nốt, bốn cây, năm cây, sáu cây và bảy cây thốt nốt và thị hiện hằng trăm loại thần thông. Trong khi đang triển khai thần thông như vậy, trưởng lão đã thuyết pháp. Vị ấy thuyết pháp bằng cách nào?

Trưởng lão thuyết pháp trong khi đang hiện bày thân tướng của mình; vị ấy thuyết pháp trong khi đang ẩn thân; vị ấy thuyết pháp trong khi cho thấy và ẩn đi phần trên của thân; vị ấy thuyết pháp trong khi cho thấy và ẩn dấu phần dưới của thân; thỉnh thoảng vị ấy tạo ra và cho thấy hình mặt trăng, mặt trời, núi lớn, đại dương; có khi trưởng lão biến thành vị Chuyển luân vương; khi thì biến thành thiên vương Vessavana, khi thì biến thành Sakka, vua của các vị chư thiên; khi thì biến thành Đại phạm thiên. Bằng cách này, trưởng lão đã thuyết pháp trong khi đang thị hiện hằng trăm phép thần thông. Toàn thể mọi người trong kinh thành Sāvatthi đều cu hội. Sau khi đã thuyết pháp bằng cách này đến thỏa thích, trưởng lão đi xuống và đảnh lễ dưới chân Đức Phật và đứng vững chắc như cột trụ vàng.

Rồi Đức Phật hỏi: “ Này con Sāriputta, cách thuyết pháp của con được gọi là gì?” Trưởng lão đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn, nó được gọi là Sīhavikīlita, giống trò đùa của con sư tử.” Đức Phật hoan hỉ tán thành câu trả lời của trưởng lão bằng cách nói rằng: “ Này con Sāriputta, cách thuyết pháp của con đúng thật là cách thuyết pháp Sīhavikīlita! Cách thuyết pháp của con đúng thật là cách thuyết pháp Sīhavikīlita!”

Lần đảnh lễ cuối cùng của Trưởng lão đến Đức Phật

Khi ôm chặt hai bàn chân giống như con rùa của Đức Phật bằng đôi bàn tay màu đỏ sẫm, Thánh trưởng lão Sāriputta nói lời khẩn cầu như sau:

“ Bạch Đức Thế Tôn, con đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong một asaṇkhyeyya và một trăm ngàn đại kiếp chỉ để đảnh lễ đôi bàn chân của Ngài. Kết quả của sự thành tựu ước nguyện trong tâm của con giờ đây đã đạt đến đỉnh cao của nó. Viễn cảnh về việc gặp lại Thế Tôn trong một kiếp sống nào đó qua sự tái sanh không còn xảy ra nữa. Sự thân quen liên quan đến kiếp này hoàn toàn bị cắt đứt. Giờ đây con sẽ đi vào thành phố Niết bàn, là nơi không già, không chết, không có những hiểm nguy, đầy an lạc, vắng lặng, an ổn, là nơi hằng trăm ngàn chư Phật đã đi vào. Nếu có những lỗi lầm nào, về thân và ngữ, mà con đã tạo ra đến Thế Tôn, xin Thế Tôn bi mẫn xá tội cho con. Giây phút cuối cùng đối với con đã đến, bạch Thế Tôn.”

“ Này con Sāriputta, Như Lai xá tội cho con. Chẳng có bất cứ lỗi lầm nào về thân và lời nói nơi con cả. Con có thể đi, này con, đến bất cứ nơi đâu con muốn.” Như vậy Đức Phật đã cho phép.

Ngay sau khi Đức Phật cho phép, đại đức Sāriputta ôm ghì thật chặt vào đôi chân của Đức Phật. Khi vị ấy đứng lên thì đại địa rung chuyễn mạnh mẽ đến cả bên dưới của đại dương, tựa như muốn nói rằng, “ Dù ta có thể chống đỡ ngọn núi Tu-di, vũ trụ, núi Hi-mã-lạp-sơn và những ngọn núi bao quanh, nhưng ngày hôm nay ta không thể chịu nổi khối ân đức này. Tiếng sấm nổ vang khắp bầu trời. Những đám mây lớn nổi lên ngay sau đó và mưa pokkharavassa rơi xuống nặng hạt.

Đức Phật nghĩ rằng: “ Sāriputta đã đảnh lễ thân của Ta trong khi Ta đang ngồi. Giờ đây Ta sẽ để vị ấy làm như thế trong khi Ta đang đứng.” Bởi vậy từ Pháp tọa Ngài đứng dậy, Pháp tọa nơi Ngài thường thuyết pháp, và đi đến Hương phòng và đứng trên tấm ván có cẩn ngọc. Đức Phật đứng như vậy, trưởng lão Sāriputta đi vòng quanh

Ngài theo chiều phải và đảnh lễ Ngài ở trước mặt, sau lưng, bên phải và bên trái của Đức Phật. Rồi trưởng lão nói lời thỉnh cầu cuối cùng:

“ Bạch Đức Thế Tôn, con đã bày tỏ ước nguyện của con khi nằm sấp dưới chân Đức Phật Anomadassī cách đây một A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, chỉ mong được gặp Ngài. Ước nguyện của con giờ đây đã được thành tựu. Con đã có cơ hội được gặp Thế Tôn. Khi con nói lên ước nguyện, con đã nhiếp tâm lắng nghe lời tiên tri của Đức Phật Anomadassī, và con đã thấy Ngài bằng trí tuệ của con và đó là hình ảnh của Ngài lần đầu tiên. Giờ con được trông thấy Ngài là lần cuối cùng. Không còn cơ hội nào khác để con thấy lại Thế Tôn.”

Sau đó trưởng lão chấp tay, có mười móng tay xinh xắn và sáng chói, hướng về Đức Phật và đi lui cho đến khi không còn trông thấy Đức Phật. Sau khi đảnh lễ như vậy, trưởng lão ra đi cùng với năm trăm đệ tử. Khi ấy quả đất không chịu đựng nỗi sự tối thắng của trưởng lão và đã rung chuyển cả bên dưới mặt nước.

Đức Phật bảo các vị tỳ khưu đang ở quanh Ngài: “ Này các con, hãy đi tiễn đưa sư huynh của các con!” Lúc bấy giờ, tứ chúng đều đi tiễn đưa trưởng lão Sāriputta, để Đức Phật một mình tại Jetavana tịnh xá không còn ai ở lại. Dân cư của kinh thành Sāvatthi cũng biết rằng trưởng lão đang rời khỏi Jetavana tịnh xá để nhập parinibbāna sau khi xin phép Đức Phật. Vì muốn được nhìn thấy vị Thánh trưởng lão, họ ra khỏi cổng thành nơi đông nghẹt mọi người không còn chỗ để đi ra hoặc đi vào. Đem theo các loại hoa hương và tóc buông xõa, họ ta thán: “ Bạch đại đức, giờ đây chúng con biết tìm trưởng lão nơi nào?’ và dò hỏi, ‘ Trưởng lão Sāriputta đại trí tuệ đang ở đâu? Tướng quân của Chánh pháp đang ở đâu?’ Trưởng lão Sāriputta đang ở đâu? Thưa Đại trưởng lão, có phải ngài đã dùng đôi tay của mình để từ giã Đức Phật?” Khi ta thán như vậy, họ theo sau Trưởng lão từng bước chân.

Vì trưởng lão Sāriputta là bậc có trí tuệ siêu việt, Ngài khuyến giáo đại chúng một cách tóm tắt như sau: “ Con đường dẫn đến cái chết của mọi loài luôn đang sanh khởi là điều mà không ai có thể vượt qua.” Trưởng lão cũng khuyên bảo các tỳ khưu: “ Thưa các tôn giả,

các tôn giả hãy ở lại và đừng xao lãng phận sự đối với Đức Thế Tôn.” Như vậy, trưởng lão đã cho họ quay về rồi cùng tùy tùng đến ngôi làng Nālaka. Đối với những người đi theo trưởng lão và ta thán rằng : “ Trước kia bậc Thánh trưởng lão của chúng ta đi đâu cũng trở về. Nhưng chuyến đi này thì không trở lại.” Trưởng lão thuyết pháp sách tấn họ rằng: “ Này các thí chủ, những người có giới đức! Hãy làm người có chánh niệm. Các pháp hữu vi, dù là thân hay tâm, đều xảy ra như vậy. Sau khi sanh lên chúng đều kết thúc bằng sự diệt mất!” Bằng lời khuyên này liên quan đến chánh niệm, trưởng lão khuyên họ trở về nhà.

Trải qua bảy ngày đi đường và mỗi đêm chỉ ở lại một chỗ, không trú ngụ lâu hơn, trưởng lão cứ đi tiếp như vậy, cuối cùng đến tại ngôi làng Nālaka vào một buổi chiều. Trưởng lão dừng lại và nghỉ dưới cội cây banyan gần cổng làng.

Rồi người cháu trai của trưởng lão tên Uparevata đi ra cổng làng. Nhìn thấy vị Thánh trưởng lão, cậu ta đến gần và đứng lại, tôn kính đảnh lễ. Trưởng lão hỏi người cháu: “ Này Uparevata, bà ngoại có ở nhà không?” Khi cậu bé trả lời rằng bà ngoại có ở nhà, trưởng lão bèn nói rằng: “ Hãy đi báo tin cho bà biết rằng ta đã về làng. Nếu bà hỏi lý do ta về thì hãy nói rằng ta sẽ ở lại đấy suốt ngày và ta muốn bà cho dọn sạch căn phòng nơi ta đã sanh ra và đồng thời sắp xếp chỗ ngụ cho năm trăm vị tỳ khưu.”

Cậu bé Uparevata đi đến bà ngoại Rūpasārī và nói rằng: “ Thưa bà ngoại, cậu Upatissa của con đã về.” “ Hiện giờ cậu của con đang ở đâu?” Bà ta hỏi. Cậu bé trả lời: “ Tại cổng làng.” “ Một mình cậu của con hay có thêm người khác?” “ Dạ, có năm trăm vị tỳ khưu tháp tùng.” “ Cậu của con về làm gì?” Bà Rūpasārī lại hỏi người cháu và cậu ta trả lời y như trưởng lão đã căn dặn. “ Ồ, tại sao nó muốn ta cho dọn sạch căn phòng và sắp xếp chỗ ngụ cho năm trăm vị tỳ khưu?” Bà ta tự hỏi. “ Trở thành Sa-môn từ lúc trẻ, bây giờ đã già có lẽ nó muốn trở về đời sống cư sĩ.” Với ý nghĩ này bà cho dọn sạch căn phòng nơi trưởng lão sanh ra và sửa soạn chỗ ăn chỗ ở cho năm trăm vị tỳ khưu. Bà ta cũng thắp lên những ngọn đèn và cho mời trưởng lão.

Vị thánh trưởng lão, đi lên sân thượng cùng với năm trăm vị tỳ khưu và đi vào căn phòng rồi ngồi xuống, vị ấy bảo họ ra đi : “ Các hiền giả hãy đi đến nơi ở của mình.” Ngay sau khi các tỳ khưu đi ra thì một cơn bạo bệnh xảy đến thân của trưởng lão. Những cơn đau chết người, máu chảy ra liên tục. Những cái bô được đưa vào và lấy ra. Nữ Bà-la-môn Rūpasārī đứng tựa vào cửa phòng của bà, nghĩ rằng, “ Ta không muốn con ta chịu khổ như thế. ”

Bốn vị thiên vương dò xem vị Thánh trưởng lão, Tướng quân của Chánh pháp hiện đang ở đâu và họ thấy trưởng lão đang nằm thoi thóp trong căn phòng, nơi trưởng lão sanh ra, tại ngôi làng Nālaka. Và họ quyết định đi đến để đảnh lễ lần cuối cùng và chăm sóc cho trưởng lão. Đến nơi, họ đứng trong thái độ tôn kính. Khi trưởng lão hỏi họ là ai, họ trả lời rằng họ là bốn vị thiên vương. “Tại sao các ngươi đến?” Trưởng lão dò hỏi và họ trả lời rằng, “ Chúng tôi đến để chăm sóc ngài, thưa đại đức.” Rồi Trưởng lão cho họ ra về khi nói rằng: “ Thôi đủ rồi, ta có một tỳ khưu chăm sóc rồi. Các ngươi hãy ra về!” Khi họ ra về thì Sakka đến theo cách tương tự. Khi Sakka ra về thì Đại Phạm thiên đến. Cả Sakka và Đại Phạm thiên đều được trưởng lão cho về bằng những lời cáo từ tương tự.

Khi nhìn thấy việc đến và đi của các vị thiên vương và Đại Phạm thiên, nữ Bà-la-môn Rūpasārī khởi tâm muốn biết những vị ấy là ai mà đến đảnh lễ con trai của bà. Bà đi đến gần cửa phòng và hỏi (đứa con trai nhỏ hơn của bà là Cunda cũng có mặt ở đó): “ Này con Cunda, chuyện gì thế?” Cunda bèn giải thích cho mẹ vị ấy biết rằng trưởng lão Sāriputta đang bị bịnh, và vị ấy cũng báo cho trưởng lão Sāriputta biết về sự hiện diện của mẹ. Khi trưởng lão hỏi tại sao bà đến phi thời như vậy, người mẹ đáp lại rằng bà đến để thăm con trai đang bệnh, và hỏi rằng: “ Này con, những vị mà đến thăm con lúc đầu là ai vậy?” “ Thưa bà, những người đến thăm bần Tăng đầu tiên là Tứ Đại thiên vương.” “ Này con, có phải địa vị của con cao hơn những vị thiên vương ấy?”

Trưởng lão trả lời: “ Thưa bà, bốn vị thiên vương ấy giống như những người bảo vệ chỗ ngụ của chúng tôi. Được trang bị gươm đao họ đã bảo vệ Đạo sư của chúng tôi, Đức Phật, từ khi ngài thọ sanh vào lòng

mẹ”. Người mẹ tiếp tục hỏi: “ Người đến ngay sau những vị thiên vương là ai vậy?” “ Đó là Sakka.” “ Con cũng lớn hơn cả Sakka nữa sao?”.

Trưởng lão trả lời: “ Thưa bà, Sakka giống như một vị Sa-di nhỏ làm công việc mang y bát và những vật dụng khác. Khi Đạo sư của chúng tôi, Đức Thế Tôn, sau khi thuyết giảng tạng Abhidhamma, Ngài từ cõi Tāvatiṁsa xuống cõi người thì Sakka đi theo sau, mang y và bát cho Ngài.” Người mẹ lại hỏi: “ Người đến ngay sau Sakka là ai mà có hào quang rực rỡ như vậy?” “Thưa bà,” trưởng lão trả lời, “Người đến cuối cùng là Đại Phạm thiên (Mahābrahma), là vị Thượng đế và Thầy của bà đó.” “ Này con, có phải con cũng lớn hơn Mahābrahma, là vị chúa của chúng tôi?”

Khi ấy trưởng lão trả lời: “ Ồ, đúng vậy, thưa bà! Vào ngày mà Đức Phật, Đạo sư của chúng tôi ra đời, thì bốn vị Mahābrahma, không phải chỉ một vị, đi đến và tiếp lấy Bồ tát, bậc Tối thượng, trong cái lưới bằng vàng.”

Việc đắc pháp của người mẹ

Khi ấy bà mẹ suy nghĩ: “ Những điều mà ta đã thấy bây giờ là oai lực của con trai ta. Không biết oai lực của thầy con trai ta, là Đức Phật, thì như thế nào? Chắc không thể nghĩ bàn!” Trong khi bà ta đang suy xét như vậy, thì năm loại hỉ (pīti) sanh lên trong tâm và tràn ngập khắp cả thân. Trưởng lão nhận biết: “ Giờ đây niềm hỉ lạc (pīti somanassa) đã sanh lên trong tâm mẹ của ta. Đây là cơ hội thích hợp để ta thuyết pháp đến bà.” Thế nên trưởng lão hỏi: “ Thưa bà, bà đang suy nghĩ điều gì?” “ Này con, ta đang tự hỏi rằng điều mà ta trông thấy bây giờ là oai lực của con trai, thì oai lực bậc Đạo sư của con ta sẽ như thế nào, chắc hẳn không thể nghĩ bàn.” Rồi trưởng lão giải thích: “ Thưa bà, khi Đức Thế Tôn, Đạo sư của chúng tôi ra đời, Ngài từ bỏ thế gian, Ngài giác ngộ và thuyết bài pháp Dhammacakka đầu tiên, thì mười ngàn thế giới đều rung chuyển vang rền. Không có ai trong thế gian mà có thể sánh bằng Đạo sư của chúng tôi về những ân

đức như Giới, Định, Tuệ, Giải thoát và Giải thoát tri kiến. Vì những lý do này, Ngài là bậc có những ân đức như Ứng cúng (Arahaṁ) và Chánh biến tri (Sammāsambuddha).” Bằng những lời giới thiệu này, trưởng lão Sāriputta đã thuyết một bài pháp thọai, trình bày chi tiết về những ân đức của Đức Phật.

Vào lúc kết thúc bài pháp của người con trai cả yêu dấu, người mẹ được an trú trong quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala) và nói lời thương trách: “ Này Sāriputta con thân, tại sao trước đây con không cho ta sự an lạc chân thật kỳ diệu như vậy? Tại sao con không có tấm lòng như thế?” Khi nghĩ rằng: “Ta đã trả món nợ về ơn sanh thành đến mẹ của ta. Thánh quả Nhập lưu dành cho bà là quí báu lắm rồi.” Trưởng lão tiễn bà đi, nói rằng: “ Thưa bà, hãy lui chân!” Rồi trưởng lão hỏi người em Cunda về giờ giấc. Khi nghe đáp lại: “ Trời đã gần sáng”. Trưởng lão cho triệu tập tất cả các tỳ khưu và khi Cunda báo tin cho trưởng lão biết rằng các tỳ khưu đã hội lại, trưởng lão bảo Cunda giúp mình ngồi dậy.

Trưởng lão nói lời sám hối với chúng tỳ khưu: “ Thưa các hiền giả, nếu có lời nói hay hành vi nào không khả ái mà tôi đã gây nên khi các hiền giả đi theo tôi trong bốn mươi bốn năm, xin hãy tha thứ cho tôi.” Hội chúng tỳ khưu đáp lại: “ Thưa Đại đức, trong suốt thời gian cùng du hành với ngài, không rời xa ngài trong suốt bốn mươi bốn năm, chúng tôi không thấy hành vi hay lời nói nào của ngài không khả ái. Thật ra, chính ngài tha lỗi cho chúng tôi mới đúng.” Khi họ đã nói những lời sám hối như thế, trưởng lão kéo chiếc y và che mặt rồi nằm nghiêng bên phải. Giống như Đức Phật, Trưởng lão lần lượt nhập vào chín tầng thiền; ngài nhập vào các tầng thiền ấy theo thứ tự xuôi và ngược; ngài lại tiến hành sự nhập định từ sơ thiền đến tứ thiền. Ngay sau khi xuất khỏi tứ thiền, trưởng lão đạt đến khandha-parinibbāna -Chấm dứt hoàn toàn các uẩn thuộc về danh và sắc, khiến đại địa rung chuyển vang rền.

Nhận thấy con trai đã không nói một lời nào và muốn biết điều gì đã xảy đến cho con, người mẹ Rūpasārī bèn kiểm tra bằng cách sờ lên mu của bàn chân và biết rằng con trai của bà đã đạt Bát Niết Bàn

(parinibbāna). Thế nên, hét lên rồi bà ta gục đầu vào đôi chân của trưởng lão và kêu khóc rằng: “ Con yêu ơi, trước đây ta đã không biết được những ân đức của con. Bây giờ ta không có cơ hội để thỉnh hằng trăm ngàn vị tỳ khưu có con dẫn đầu, đến nhà của ta để độ thực! Không còn cơ hội để cúng dường y phục! Không còn cơ hội để cho xây dựng hằng trăm chỗ ngụ!” Bà ta đã than khóc cho đến khi mặt trời lên. Ngay khi trời hừng sáng, người mẹ bèn cho mời những người thợ kim hoàn đến, sai mở ra những kho châu báu và những thanh vàng nặng bằng cái cân lớn và trao chúng cho những người thợ kim hoàn, rồi căn dặn họ rằng: “ Này các anh, hãy lấy những nén vàng này để làm năm trăm sảnh đường có nóc nhọn và năm trăm trăm cái lều.”

Sakka cũng gọi vị thiên Visukamma đến và truyền lịnh: “ Này bạn Visukamma, vị Tướng quân của Chánh pháp, trưởng lão Sāriputta Mahāthera, đã nhập parinibbāna. Hãy tạo ra năm trăm sảnh đường có nóc nhọn và năm trăm giả ốc bằng vàng.” Visukamma đã tạo ra tất cả theo lịnh truyền của Sakka. Như vậy có năm trăm công trình kiến trúc có nóc nhọn và năm trăm giả ốc được xây dựng theo sự sai bảo của người mẹ, và năm trăm sảnh đường nóc nhọn và năm trăm giả ốc khác được tạo ra bởi Visukamma, tổng cộng có hai ngàn công trình kiến trúc bằng vàng.

Sau đó một đại ốc được xây dựng có nóc nhọn bằng vàng ở chính giữa tại trung tâm của ngôi làng Nālaka và những nóc nhọn khác dành cho những sảnh đường nhỏ hơn. Sau khi đó lễ mai táng diễn ra. Trong buổi lễ này, chư thiên trà trộn trong nhân loại và nhân loại trà trộn với chư thiên và họ làm lễ cúng dường nhục thân của trưởng lão, khiến cho cuộc lễ càng đông hơn.

Câu chuyện về tín nữ Revatī

Có một tín nữ của trưởng lão Sāriputta, tên Revatī, đi đến hỏa đài mang theo ba cái bình bằng vàng để cúng dường đạo sư của nàng. Ngay khi ấy Sakka cũng đi đến cõi người với ý định lễ bái cúng dường trưởng lão và có những tiên nữ đang múa hát đi theo, số lượng

đến 2 koṭi và 5 triệu. Hay tin có Sakka đến viếng, dân chúng bèn quay lui và đi chỗ khác. Trong đám đông có Revatī, cũng cố gắng quay lui như những người khác. Nhưng vì nàng đang mang thai nên không thể đi đến chỗ an toàn và té xuống giữa đám người. Do không thấy được nàng bên dưới nên mọi người đã giẫm lên người của nàng mà đi. Revatī chết tại chỗ và tái sanh vào trong một cung điện bằng vàng ở cõi Tāvatiṁsa. Ngay tức thì nàng có thân khoảng ba gāvuta, giống như một tảng đá quí to lớn. Những đồ trang sức của nàng chất đến khoảng sáu mươi cỗ xe bò chở và tùy tùng của nàng gồm một ngàn tiên nữ.

Các tiên nữ đặt một cái gương lớn ngay trước mặt nàng. Khi trông thấy những xa hoa tráng lệ, nàng suy nghĩ: “ Khối tài sản quả thật là to lớn! Ta đã làm loại phước thiện nào?” Và nàng biết được như vầy: “ Ta đã cúng dường đến Đại trưởng lão Sāriputta ba cái bình bằng vàng. Mọi người đã giẫm lên ta mà đi. Ta đã chết tại chỗ và hoá sanh ngay lập tức vào cõi Tāvatiṁsa này. Ta sẽ nói cho mọi người biết rõ về kết quả của những thiện nghiệp mà ta đã làm đến Đại trưởng lão.” Vì thế, nàng đi xuống trong cung điện đang bay của chính nàng đến cõi người.

Khi trông thấy cung điện bằng vàng từ xa, dân chúng hết sức kinh ngạc: “ Chuyện gì thế? Phải chăng có hai mặt trời đang chiếu sáng?” Trong khi họ đang xì xào bàn tán như vậy thì thiên cung đến gần, và hiện rõ! Rồi họ nói rằng: “Không phải là mặt trời. Tòa lâu đài khổng lồ bằng vàng.” Trong khi mọi người đang nói với nhau như vậy, thì cung điện bằng vàng đến gần hơn trong giây lát và dừng lại giữa không trung ngay trên hỏa đài bằng gỗ trầm hương được chất lên để hỏa thiêu nhục thân của trưởng lão Sāriputta. Nàng tiên nữ Revatī rời khỏi cung điện trên không trung và bước xuống đất. “ Cô là ai?” mọi người hỏi và Revatī đáp lại: “ Các vị không biết tôi sao? Tôi tên Revatī. Sau khi cúng dường những cái bình bằng vàng đến Trưởng lão, tôi bị mọi người giẫm đạp đến chết và được tái sanh vào cõi Tāvatiṁsa. Hãy ngắm sự xa hoa tráng lệ của tôi. Bây giờ các bạn cũng hãy bố thí vật thực. Hãy làm những việc phước khác nữa.” Như vậy

nàng tiên nữ nói lời tán dương những kết quả của những các việc phước. Nàng đảnh lễ và đi nhiễu quanh hỏa đài theo chiều phải, rồi nàng trở lại thiên cung ở cõi Tāvatiṁsa. (Đây là câu chuyện về nàng Revatī).

Trưởng lão Cunda đem Xá lợi đến Sāvatthi

Sau khi đã làm các nghi thức cúng dường suốt bảy ngày, dân chúng chất lên một đống củi bằng gỗ thơm cao chín mươi chín hắc tay. Họ đặt nhục thân của Trưởng lão trên đống gỗ thơm và nhóm lửa bằng những mớ cỏ thơm. Nơi làm lễ hỏa thiêu, bài Pháp được thuyết trọn cả đêm. Đến sáng đại đức Anuruddha dập tắt ngọn lửa nơi hỏa đài bằng nước thơm. Người em trai của Đại trưởng lão Sāriputta là trưởng lão Cunda đặt Xá-lợi vào trong cái bình lọc nước, nghĩ rằng, “ Giờ ta không nên ở lại ngôi làng Nālaka này. Ta phải bạch lên Đức Thế Tôn về parinibbāna của anh trai ta, Đại trưởng lão Sāriputta, Tướng quân của Chánh pháp.” Trưởng lão mang cái bình lọc nước có chứa xá-lợi và gom lại những vật dụng của Đại trưởng lão như y, bát, v.v… và đi đến Sāvatthi. Trên chuyến đi ở mỗi chặng đường, trưởng lão chỉ nghỉ lại một đêm và cuối cùng đến tại Sāvatthi.

Rồi trưởng lão Cunda vào tắm trong cái hồ gần tịnh xá, sau đó lên bờ hồ và mặc y ngay ngắn. Vị ấy suy xét: “ Chư Phật là những nhân vật vĩ đại đáng được tôn kính, như cái lọng bằng đá. Các Ngài thật khó đến gần như con rắn có cái đầu dựng đứng hay như con sư tử, hổ hay voi đang nóng nảy. Ta không dám đi thẳng đến Đức Thế Tôn để báo tin. Ta nên đến ai trước?” Khi suy nghĩ như vậy, trưởng lão nhớ đến vị thầy tế độ: “ Thầy tế độ của ta, người gìn giữ giáo pháp, là đại đức Ānandā, người bạn rất thân thiết với anh của ta. Ta sẽ đi đến ngài và kể lại mọi chuyện rồi ta sẽ cùng ngài đến yết kiến Đức Thế Tôn.” Bởi vậy Trưởng lão Cunda đi đến trưởng lão Ānanda, đảnh lễ và ngồi xuống ở chỗ thích hợp, và thưa rằng: “ Bạch đại đức, Đại trưởng lão Sāriputta đã nhập parinibbāna. Đây là bát và đây là y của vị ấy, và đây là cái bình lọc nước đựng Xá-lợi của vị ấy.” Như vậy vị

ấy đã trình ra vật này đến vật khác khi đang bạch với trưởng lão Ānanda. ( Lưu ý rằng trưởng lão Cunda không đi thẳng đến Đức Phật mà đến trưởng lão Ānandā trước, vì vị ấy có sự tôn kính sâu sắc đối với Đức Phật cũng như vị thầy tế độ của vị ấy).

Rồi Trưởng lão Ānandā nói rằng: “ Này hiền giả Cunda, chúng ta sẽ yết kiến Đức Thế Tôn. Nào, hiền giả Cunda, chúng ta hãy đi. Chúng ta hãy đi đến Đức Thế Tôn và trình bạch vấn đề.” Khi nói vậy trưởng lão Ānanda dẫn trưởng lão Cunda đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi nơi phải lẽ. Sau đó đại đức Ānanda bạch rằng:

“ Bạch Đức Thế Tôn, trưởng lão Cunda đã báo tin cho con rằng trưởng lão Sāriputta đã nhập parinibbāna. Đây là bát, đây là y và đây là bình lọc nước có đựng Xá-lợi của trưởng lão Sāriputta.”

Khi nói vậy đại đức Ānanda dâng cái bình lọc nước đến Đức

Phật.

Đức Phật chìa ra bàn tay để nhận lấy cái bình lọc nước và đặt

nó trong lòng bàn tay của Ngài và nói với các tỳ khưu như sau:

“ Hỡi các tỳ khưu, hỡi những đứa con thân yêu của Như Lai, cách đây mười lăm ngày Sāriputta đã khai triển một số phép thần thông và xin phép Như Lai để nhập parinibbāna. Giờ đây chỉ còn lại Xá-lợi của vị ấy trắng như vỏ sò được đánh bóng.

Này các tỳ khưu, tỳ khưu Sāriputta ấy là người đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong một A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Vị ấy là người đã Chuyển bánh xe Chánh pháp mà Như Lai trước kia đã chuyển hay là người đã giảng dạy bài kinh Chuyển pháp luân mà đã được Như Lai giảng dạy. Kỳ diệu thay vị ấy đã giữ địa vị kế cận Như Lai.

Tỳ khưu Sāriputta ấy đã tạo ra Thinh văn tập hội (sāvaka-sannipāta), bằng sự hiện diện vô cùng tốt đẹp của vị ấy. (Thinh văn tập hội khởi lên vào ngày vị ấy trở thành bậc A-la-hán). Nếu không kể đến Như Lai, thì vị ấy là Đệ nhất về trí tuệ khắp cả Sanh đản sát thổ (Jātikhetta), tức là hệ thống gồm mười ngàn thế giới.

Tỳ khưu Sāriputta ấy có trí tuệ siêu phàm, trí năng động, trí mẫn tiệp, trí sắc bén, trí đoạn trừ phiền não, thiểu dục, dễ nuôi, thoát

khỏi các pháp chướng ngại (nīvarana), không lẫn trong người đời, nhiệt tâm tinh cần. Vị ấy khuyên dạy những người khác bằng cách chỉ cho họ thấy lỗi của họ, phê phán những hành động ác và những người ác bất chấp địa vị xã hội của họ.

“ Này các tỳ khưu, (a) tỳ khưu Sāriputta ấy đã sống cuộc đời sa-môn sau khi đã từ bỏ tài sản to lớn trong năm trăm kiếp; (b) tỳ khưu Sāriputta ấy có sự kham nhẫn mạnh mẽ như đại địa; (c) tỳ khưu Sāriputta ấy không còn ngã mạn như con bò bị gãy sừng; (d) tỳ khưu Sāriputta ấy có tâm khiêm tốn như đứa con trai của người ăn xin.

“ Này các tỳ khưu, hãy chiêm bái Xá-lợi của Sāriputta, bậc có trí tuệ vĩ đại! Hãy xem Xá-lợi của Sāriputta, bậc có trí tuệ siêu phàm, trí năng động, trí mẫn tiệp, trí sắc bén, trí đoạn trừ phiền não, thiểu dục, dễ nuôi, thoát khỏi các pháp chướng ngại (nīvarana), không lẫn trong người đời, nhiệt tâm tinh cần. Vị ấy khuyên dạy những người khác bằng cách chỉ cho họ thấy lỗi của họ, phê phán những hành động ác và những người làm ác bất chấp địa vị xã hội của họ!” (sau khi nói bằng văn xuôi như vậy, Đức Phật tiếp tục nói những câu kệ sau đây:)

  1. Yo pabbaji jātisatāni pañca pahāya kāmāni manoramāni.Taṁ vītarāgaṃ susamāhit’indriyaṃ parinibbutaṃ vandatha Sāriputtaṃ .Này tỳ khưu các con! Vị Thánh Sa-môn tên Sāriputta đã đoạn trừ hoàn toàn các dục lạc mà có thể làm say đắm tâm của kẻ phàm phu. Vị ấy đã sống đời sống Sa-môn với niềm tin vững vàng trong năm trăm kiếp. Đối với vị Thánh Sa-môn tên Sāriputta ấy mà giờ đây đã hoàn toàn cắt đứt ái dục, các căn của vị ấy đã được khéo chế ngự, đã nhập parinibbāna và đã chấm dứt đau khổ, các con nên cúi đầu đảnh lễ với tâm tịnh tín và với lòng khiêm cung hết mực.
  2. Khantibalo pathavisamo na kuppatina cā’pi cittassa vasena vattati.Anukampako kāruṇiko ca nibbutoparinibbutaṃ vandatha Sāriputtaṃ.Này tỳ khưu các con! Vị thánh Sa-môn ấy, tên Sāriputta, có sự nhẫn nại vĩ đại là sức mạnh; giống như đại địa, vị ấy không nóng giận đối với những kẻ khác; không bao giờ sanh khởi những trạng thái tâm bất ổn; vị ấy quan tâm đến nhiều chúng sanh với tâm từ ái, đầy lòng bi mẫn; vị ấy đã dập tắt ngọn lửa phiền não. Đối với vị ấy, bậc đã chứng đắc parinibbāna và đã chấm dứt đau khổ, các con nên cúi đầu đảnh lễ với tâm tịnh tín và với lòng khiêm cung hết mực.
  3. Caṇḍālaputta yathā nagaraṃ paviṭṭho nicamāno carati kaḷopihattho.Tathā ayaṃ vicarati Sāriputtoparinibbutaṃ vandatha Sāriputtaṃ.Này tỳ khưu các con! Cũng như đứa con trai của người ăn xin nghèo khổ, đi vào làng mạc và phố chợ xin đồ ăn bằng một chiếc cốc cũ kỹ bằng tre, nó đi lang thang không chút ngã mạn ngoài tâm khiêm tốn; cũng thế, vị thánh Sa-môn, tên Sāriputta đi du hành đó đây không chút ngã mạn, ngoài sự khiêm nhường. Đối với vị ấy, bậc đã chứng đắc parinibbāna và đã chấm dứt đau khổ, các con nên cúi đầu đảnh lễ với tâm tịnh tín và lòng khiêm cung hết mực.
  4. Usabho yathā chinnavisāṇako ahethayanto carati purantare vane, Tathā ayaṃ viharati Sāriputto parinibbutaṁ vandatha Sāriputtaṃ.

Này tỳ khưu các con! Như con bò bị gãy sừng rảo quanh làng mạc, thị trấn và rừng núi, hoàn toàn vô hại đối với những chúng sanh khác; cũng vậy vị Thánh Sa-môn, tên Sāriputta đi du hành đó đây không làm hại những chúng sanh khác và sống hoà hợp trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm và ngồi. Đối với vị ấy, bậc đã chứng đắc parinibbāna và đã chấm dứt đau khổ, các con nên cúi đầu đảnh lễ với tâm tịnh tín và với lòng khiêm cung hết mực.

Khi mở đầu như vậy, Đức Phật đã tán dương những ân đức của Đại trưởng lão Sāriputta bằng năm trăm bài kệ.

Đức Phật càng tán dương những ân đức của Trưởng lão nhiều bao nhiêu thì sự bất lực của trưởng lão Ānanda càng to lớn bấy nhiêu. Như con gà con ở gần miệng con mèo run rẫy như thế nào, đại đức Ānanda cũng run rẫy như thế. Do đó, vị ấy hỏi Đức Phật:

“ Bạch Đức Thế Tôn, sau khi nghe nói về sự viên tịch của Đại trưởng lão Sāriputta, con cảm thấy toàn thân bị cứng đờ, mắt con mờ đi không phân biệt được các hướng, giáo pháp không hiện bày trong con. ( Con không có ý muốn học những bài kinh chưa được học cũng không thích tụng đọc những bài kinh đã học rồi).”

Rồi Đức Phật nói những lời sau đây để khích lệ vị ấy:

“ Này Ānanda, có phải Sāriputta nhập parinibbāna, mang theo Giới uẩn, hay Định uẩn hay Tuệ uẩn hay Giải thoát uẩn của con chăng?”

“ Bạch Đức Thế Tôn, Trưởng lão Sāriputta nhập parinibbāna không mang theo Giới uẩn, Định uẩn, Tuệ uẩn hay Giải thoát uẩn của con.

Thực ra, bạch Đức Thế Tôn, Trưởng lão Sāriputta đã giáo giới cho con, giúp con thấm nhuần Giáo pháp, giúp con hiểu được Giáo pháp, giúp con liễu ngộ Giáo pháp. Trưởng lão giúp con nhiệt tâm và hoan hỷ thực hành Giáo pháp. Trưởng lão kiên nhẫn giảng dạy cho con. Ngài kính trọng những bạn đồng tu. Con luôn nhớ sự tác dụng, những phương tiện trong Giáo pháp và sự hộ trì chân chánh của Trưởng lão.

Đức Phật biết rằng trưởng lão Ānanda thực sự sầu muộn, bèn nói với trưởng lão những lời sau đây để làm vơi đi những cơn sầu khổ của vị ấy:

“ Này Ānanda, không phải rằng Như Lai đã nói với con từ lâu trước kia về sự chia ly với những người thân yêu của mình trong lúc còn đang sống (nānābhāva), sự chia ly do bởi cái chết (vinābhāva) và sự chia ly ở trong những kiếp sống khác (aññathābhāva) đó sao? Này Ānandā, ở đây làm sao có thể mong rằng bản chất sanh khởi đời sống

mới, đang hiện hữu, chịu sự chi phối với duyên sanh và sự họai diệt thì đừng có diệt mất? Quả thật không thể như vậy được!

“ Này Ānanda, trong khi một cây lớn vững chắc đang sống thì cái nhánh lớn nhất của nó có thể bị hoại; tương tự, trong khi chư Thánh Tăng đang hiện hữu, thì Sāriputta ngừng sống. Ở đây làm sao có thể mong rằng bản chất sanh khởi đời sống mới, đang hiện hữu, chịu sự chi phối với duyên sanh và sự hoại diệt thì đừng có diệt mất? Quả thật không thể như vậy được!

“ Này Ānanda, hãy sống nương tựa vào chính mình mà không nương tựa vào những kẻ khác. Hãy sống không nương tựa vào những giáo pháp nào khác mà hãy nương tựa vào những pháp siêu thế!

“ Này Ānanda, làm thế nào một tỳ khưu sống nương tựa vào chính mình mà không nương tựa vào những kẻ khác? Làm thế nào một người sống không nương tựa vào những giáo pháp nào khác mà nương tựa vào những pháp siêu thế ?

“ Này Ānanda, trong giáo pháp này, vị tỳ khưu sống đoạn tận luyến ái và sầu khổ mà nó xuất hiện trong đời sống, bằng những nỗ lực tinh tấn mạnh mẽ, bằng sự suy quán, bằng chánh niệm, bằng sự quán sát liên tục sắc thân đúng như thật. Bằng những nỗ lực tinh tấn, bằng sự quán xét, bằng chánh niệm, (hành giả sống đoạn trừ luyến ái và sầu bi mà nó xuất hiện trong đời sống), bằng sự quán thọ là thọ,

…bằng sự quán tâm là tâm, … bằng sự quán pháp là pháp.

“ Này Ānanda, bằng cách này vị tỳ khưu sống không nương tựa những kẻ khác và nương tựa nơi chính mình. Vị ấy sống không tin cậy vào những giáo pháp khác mà tin cậy vào giáo pháp siêu thế.

“ Này Ānanda, nếu các vị tỳ khưu trong thời hiện tại hoặc sau khi Như Lai nhập diệt mà sống không nương tựa những kẻ khác, chỉ nương tựa nơi chính mình. Không y cứ vào những giáo lý khác, chỉ y cứ vào giáo lý siêu thế, tất cả họ sẽ trở thành những bậc A-la-hán, trong những vị thực hành ba pháp học.”

Qua những lời giáo giới như vậy, Đức Phật đã giúp đại đức Ānandā nguôi ngoai. Sau đó Ngài cho tôn trí Xá lợi của Đại trưởng lão Sāriputta trong một bảo tháp (cetiya) trong kinh thành Sāvatthi.

Sự viên tịch của Đại trưởng lão Moggallāna

Sau khi cho tôn trí Xá-lợi của Đại trưởng lão Sāriputta trong một bảo tháp tại Sāvatthi như đã nói ở trên, Đức Phật gợi ý cho trưởng lão Ānanda rằng Ngài muốn đi đến Rājagaha. Trưởng lão Ānanda bèn thông báo với các vị tỳ khưu về chuyến đi được dự định của Đức Phật đến kinh thành ấy. Được tháp tùng bởi đông đảo tỳ khưu, Đức Phật lên đường từ Sāvatthi đến Rājagaha và ngụ ở Veḷuvana (Trúc Lâm) tịnh xá.

(Đức Phật thành đạo vào rằm tháng tư (Vesākha). Vào ngày mồng một của tháng Māgha, trưởng lão Sāriputta và trưởng lão Moggallāna gia nhập vào Tăng chúng và vào ngày thứ bảy, đại đức Moggallāna chứng đắc đạo quả A-la-hán. Vào ngày thứ mười lăm, ngày rằm của tháng Māgha đại đức Sāriputta trở thành bậc A-la-hán.

(Vào ngày rằm của tháng Kattika (tháng mười âm lịch) của năm 148 Mahā Era, ngày Đức Phật tròn đủ 45 hạ và hai vị Thượng thủ thinh văn tròn đủ 44 hạ, Trưởng lão Sāriputta nhập parinibbāna tại ngôi làng Nālaka của ngài. Nên chú ý thêm rằng Trưởng lão Moggallāna nhập parinibbāna ở trên tảng đá Kālasilā trên núi Isigili, Rājagaha, vào ngày mồng một của tháng Kattika ấy. Bài trình bày về sự nhập parinibbāna của Trưởng lão Sāriputta đã được nêu ra rồi. Bây giờ đến bài trình bày về sự nhập parinibbāna của Trưởng lão Moggallāna như sau:)

Khi Đức Phật đang ngụ ở Veḷuvana tịnh xá thuộc kinh thành Rājagaha, thì Trưởng lão Mahā Moggallāna đang lưu trú ở trên tảng đá tên Kālasilā, trên núi Isigili.

Khi Trưởng lão đang ở đỉnh cao của các pháp thần thông, ngài thường đi đến các cõi chư thiên cũng như cõi địa ngục Ussada. Sau khi tự mình chứng kiến sự thọ hưởng to lớn những lạc thú thần tiên của các đệ tử của Đức Phật ở cõi chư thiên và sự thống khổ vô cùng của những tín đồ dị giáo ở trong cõi địa ngục Ussada, Trưởng lão bèn trở về cõi người và kể lại cho mọi người nghe về những thí chủ thiện nam tín nữ được tái sanh trong cõi chư thiên, đang thọ hưởng những

khoái lạc thù thắng, còn những tín đồ của các ngoại đạo sư như những người nam và người nữ nọ bị tái sanh vào địa ngục nọ. Do đó mọi người đều khởi dậy niềm tin đối với Giáo pháp của Đức Phật và từ bỏ các ngoại đạo sư. Sự tôn kính và cúng dường của mọi người đến Đức Phật và Tăng chúng càng gia tăng trong khi đối với các ngoại đạo sư thì càng ngày càng giảm thiểu.

Bởi vậy các ngoại đạo sư rất căm tức Đại trưởng lão Moggallāna. Họ bàn mưu tính kế với nhau và cuối cùng quyết định: “ Nếu vị Sa-môn Moggallāna này còn sống ngày nào thì những người hầu và những thí chủ của chúng ta có thể biến mất và lợi lộc của chúng ta có thể bị suy giảm dần. Chúng ta hãy sai người giết chết vị ấy.” Do đó họ trả một ngàn đồng tiền vàng cho tên cầm đầu bọn cướp tên là Samaṇaguttaka để giết chết Trưởng lão.

Với ý định giết chết Trưởng lão, tên tướng cướp Samanaguttaka cùng với một băng cướp đông đảo đi đến Kālasilā. Khi trưởng lão trông thấy hắn ta, ngài bèn biến mất bằng cách dùng thần thông bay vào không trung. Không tìm thấy trưởng lão, tên tướng cướp bèn trở về và ngày hôm sau trở lại. Trưởng lão cũng tránh né bằng cách như vậy. Như vậy sáu ngày trôi qua.

Tuy nhiên, vào ngày thứ bảy, vì ác nghiệp mà trưởng lão đã làm trong kiếp quá khứ ( aparāpariya akusalakamm) có cơ hội để trổ quả. Bất thiện nghiệp của Trưởng lão được nói đến như sau:

Trong một kiếp quá khứ nọ, khi vị ấy do thiếu sáng suốt, lầm lạc nghe theo những lời vu khống của vợ, đã khởi lên ý muốn giết chết cha mẹ của mình. Vì vậy, vị ấy cho cha mẹ vào trong một chiếc xe nhỏ, đưa đến khu rừng rồi giả bộ gặp bọn cướp và đã đánh đập cha mẹ. Do vì mù, họ không thể trông thấy ai đã đánh họ, và tin rằng kẻ đánh đập họ là bọn cướp, nên hai vị đã la lên để che chở cho con trai: “ Con ơi, những kẻ cướp này đang đánh chúng ta. Chạy đi con! Hãy chạy đi con!”

Với sự hối hận, vị ấy tự nhủ: “ Dù chính ta đã đánh đập cha mẹ của ta, nhưng họ lại kêu la vì lo lắng cho ta. Ta đã làm một điều sai trái!” Bởi vậy vị ấy ngừng đánh đập họ và làm cho họ tin rằng những

tên cướp đã bỏ đi rồi, vị ấy xoa tay xoa chân cha mẹ, nói rằng: “ Ôi, cha mẹ đừng sợ. Các tên cướp đã bỏ chạy rồi,” và đưa cha mẹ về lại nhà.

Trong một thời gian dài, ác nghiệp không có cơ hội để trổ quả, nó nằm chờ như cục than hồng được che phủ bởi lớp tro và giờ đây trong kiếp cuối cùng của vị ấy, nó trổ quả đúng lúc để tóm lấy và làm tổn hại vị ấy. Có thể lấy một ví dụ trong thế gian như vầy: khi một người thợ săn thấy con nai, ông ta thả chó tấn công con nai, và con chó rượt theo con nai, tóm lấy đúng chỗ và cắn xé con mồi. Cũng vậy ác nghiệp do Trưởng lão làm trong quá khứ, giờ đây nó có cơ hội trổ quả trong kiếp này của Trưởng lão. Không ai có thể thoát được quả ác nghiệp của chính mình khi nó tìm thấy cơ hội trổ quả đúng lúc.

Khi biết rõ việc bị tóm bắt và đánh đập do chính ác nghiệp của mình, Trưởng lão không thể vận dụng năng lực thần thông của mình để tránh đi trong lần cố gắng thứ bảy. Đó là loại thần thông đủ mạnh để nhiếp phục rồng chúa Nandopananda và làm cho cung điện Vejayanta phải rung chuyển. Do ác nghiệp trong quá khứ nên trưởng lão không thể bay vào không trung được. Năng lực thần thông của trưởng lão mà đã từng đánh bại rồng chúa và làm rung chuyển cung điện Vejayanta giờ đây trở yếu ớt do bởi ác nghiệp quá tồi tệ của Trưởng lão.

Tên tướng cướp Samaṇagutta tóm bắt trưởng lão, đánh đập và giã nát Trưởng lão đến mức những khúc xương bị vỡ nát như gạo tấm. Sau khi làm hành động này, gọi là palālapiṭhika (giã nát xương thành bụi rồi nhồi thành đệm, một dạng cực ác độc). Sau khi đã làm như vậy và nghĩ rằng Trưởng lão đã chết, tên tướng cướp quăng xác vào bụi cây và bỏ đi cùng với đồng bọn của hắn.

Khi tỉnh lại, Trưởng lão nghĩ sẽ yết kiến Đức Phật trước khi vị ấy viên tịch và sau khi buộc cái thân bị giã nát bằng dải băng của năng lực thần thông của mình, Trưởng lão bay vào không trung và đi đến Đức Phật, đảnh lễ bậc đạo sư. Rồi sau đó cuộc đàm thọai diễn ra giữa Trưởng lão và Đức Phật như sau:

Trưởng lão: Bạch Đức Thế Tôn, con đã từ bỏ sự kiểm soát thọ hành của con rồi (āyusankhāra). Con sẽ nhập parinibbāna.

Đức Phật: Con sẽ làm như vậy sao, này con Moggallāna? Trưởng lão: Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn.

Đức Phật: Con sẽ nhập Niết bàn ở đâu?

Trưởng lão: Tại nơi có tảng đá Kālasilā, bạch Thế Tôn.

Đức Phật: Nếu vậy, này con Moggallāna, hãy thuyết cho Như Lai nghe một thời pháp trước khi con đi. Như Lai sẽ không còn một cơ hội nào khác để thấy một người đệ tử như con nữa.

Khi Đức Phật nói như vậy, thì Trưởng lão đáp lại: “ Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn, con sẽ vâng theo ý của Ngài,” bèn đảnh lễ Đức Phật và bay vào không trung cao một cây thốt nốt, rồi hai cây thốt nốt cho đến bảy cây thốt nốt, và cũng giống như Trưởng lão Sāriputta đã làm trước kia vào ngày vị ấy nhập Niết bàn, Trưởng lão đã thị hiện nhiều loại thần thông và nói pháp đến Đức Phật. Sau khi tôn kính đảnh lễ Đức Phật, trưởng lão bèn đi vào rừng nơi có tảng đá Kālasilā và nhập parinibbāna.

Ngay khi ấy, tiếng xôn xao nổi lên trong tất cả sáu cõi chư thiên rằng: “ Vị Đạo sư của chúng ta, Trưởng lão Moggallāna nghe nói đã nhập parinibbāna.” Chư thiên và Phạm thiên đã mang đến các loại hương liệu, hoa, vật thơm, khói thơm cũng như nhiều loại hương thơm khác của chư thiên, đặc biệt là gỗ thơm. Chiều cao của hỏa đài bằng gỗ đàn hương là chín mươi chín hắc tay. Đích thân Đức Phật đi đến cùng với các vị tỳ khưu, đứng gần và giám sát lễ trà tỳ.

Mưa hoa rơi xuống quanh khu vực hỏa đài rộng một do tuần. Tại hỏa đài, con người trà trộn với chư thiên và chư thiên trà trộn với con người. Càng về sau, trong chúng chư thiên có dạ xoa; trong chúng dạ xoa có càn-thát-bà (gandhaba), trong chúng càn-thát-bà có rồng (nāga), trong chúng rồng có kim-xí-điểu (garuḷa), trong chúng kim-xí-điểu có thích-đề-hoàn-nhơn (kinnara), trong những vị thích-đề-hoàn-nhơn có những cái lọng, trong những cái lọng có những cái quạt làm bằng lông đuôi màu vàng của con bò yak, trong những cái

quạt ấy có những cờ xí hình tròn, và trong những cờ xí hình tròn có những cờ xí hình dẹp. Chư thiên và nhân loại tổ chức lễ trà tỳ trong bảy ngày.

Đức Phật cho người lấy Xá-lợi của Trưởng lão và tôn trí trong

một bảo tháp được dựng lên gần cổng của tịnh xá Veḷuvana.

Những tên sát nhân bị đền tội

Tin đồn về vụ giết chết Đại trưởng lão Moggallāna lan truyền khắp xứ Jambudipa. Vua Ajātasattu sai thám tử đi khắp nơi để điều tra và tóm bắt những tên cướp sát nhân. Khi những tên cướp đang uống rượu trong một quán nhậu thì một tên trong bọn chúng với thái độ khiêu khích đã đập xuống tách rượu của tên cướp khác. Khi ấy tên cướp bị khiêu khích bèn gây với tên cướp kia : “ Ê, thằng đốn mạt ngang tàng kia! Tại sao mày dám làm điều đó lại còn quăng cái tách rượu của tao xuống đất?” Tên thứ nhất hỏi lại với giọng oang oang: “ Ê thằng vô lại! Mày nói gì? Có phải mầy làm hại Trưởng lão trước tiên không?” Tên thứ hai đáp trả: “ Ê thằng độc ác kia! Bộ mày không biết tao là người đầu tiên làm hại vị Sa-môn kia sao?

Khi nghe chính họ nói với nhau rằng:“ Chính tao giết. Chính tao giết vị ấy!” Các quan và thám tử của vua bèn tóm bắt những sát thủ và tâu sự kiện lên đức vua. Đức vua truyền lịnh dẫn độ bọn chúng và hỏi: “ Có phải các ngươi đã giết Đại Trưởng lão Moggallāna không?” “ Thưa phải, tâu đại vương,” chúng thừa nhận. “ Ai bảo các người làm điều đó?” “ Tâu đại vương, những đạo sĩ lõa thể cho tiền chúng tôi và sai chúng tôi làm điều đó.”

Đức vua truyền lịnh tóm bắt năm trăm vị đạo sĩ lõa thể và chôn chung với những sát thủ trong một cái hố to, sâu đến ngang rốn trong sân triều. Chúng bị buộc vào những bó rơm và thiêu sống. Khi tất cả chúng đã bị đốt cháy, chúng lại bị xé nát từng mảnh bởi những cái cày có gắn những lưỡi dao nhọn bén bằng sắt.

(Ở đây, bài trình bày về sự chứng nhập Niết bàn của Trưởng lão Mahā Moggallāna được trích dẫn từ Bổn sanh Sarabhaṅga Jātaka

thuộc kinh tập Cattālīsa Nipāta; bài kể về sự trừng phạt những tên cướp sát nhân từ Mahā Moggallāna Vatthu của Chú giải Dhammapada).

Liên quan đến việc chính Đức Phật đích thân giám sát lễ trà tỳ của Trưởng lão Mahā Moggallāna, các tỳ khưu trong giảng đường chánh pháp nhận xét như sau: “Thưa các hiền giả, vì Trưởng lão Sāriputta nhập parinibbāna không gần nơi Đức Phật nên vị ấy không nhận được vinh dự được Đức Phật dự lễ. Ngược lại, Trưởng giả Moggallāna nhận được vinh hạnh ấy vì vị ấy nhập parinibbāna ở gần Đức Phật.” Khi Đức Phật đi đến và hỏi các tỳ khưu đang bàn luận chuyện gì, họ đã trả lời như thế. Khi ấy Đức Phật nói rằng,“ Này các tỳ khưu, Moggallāna không phải chỉ được Như Lai vinh danh trong kiếp này mà trong kiếp quá khứ cũng đã như vậy.” Đức Phật bèn kể cho họ nghe bổn sanh Sarabhanga trong kinh tập Cattālīsa Nipāta.

( Bài mô tả chi tiết về Bổn sanh Sarabhaṅga có thể được trích ra từ 550 câu chuyện Bổn sanh).

Ngay sau khi hai vị Tối thắng Thinh văn nhập parinibbāna, Đức Phật đã thực hiện một chuyến đi theo một đường vòng lớn (mahāmaṇḍala) cùng với chúng tỳ khưu, đến thị trấn Ukkacela rồi đi khất thực ở đó, và thuyết giảng bài kinh Ukkacela ở trên bờ cát của sông Hằng. (Bài kinh đầy đủ có thể được tìm thấy trong Mahāvagga Saṃyutta).

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 50

Post Views: 272