Nhân dịp đón chào xuân Mậu Tuất, chúng ta cùng nhau khảo cứu về hình ảnh con chó trong dân gian, từ các nền văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật và hơn hết là trong hệ thống Tam Tạng kinh điển Nam truyền. Không cần nói cũng biết, con chó đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của con người. Đôi khi, chó còn trở thành người bạn bên cạnh kẻ cô đơn bởi vì “gấu không có nhưng chó phải có một con” hoặc đôi khi là người bảo vệ an toàn cho chủ nhân. Vì nhiều nguyên nhân, hình ảnh con chó đã là một hình ảnh thân quen với con người nên trong các nền văn hóa, tín ngưỡng, truyền thuyết, nghệ thuật thì con chó cũng được nhắc đến rất nhiều.
Con chó là động vật thân thiết gắn bó từ rất lâu đời với người chủ nói riêng và con người nói chung, những đức tính của chó như là sự trung thành, thông minh, quan tâm đến chủ… Nó cũng là bạn gần gũi của con người, chó canh gác nhà cửa cho con người, thậm chí có nơi chó được thờ cúng tại các đền thờ, miếu mạo. Trong văn hóa Á Đông chó được xếp vào 12 con giáp, ở vị trí thứ 11, gọi là Tuất và một trong những con vật thuộc lục súc.[1] Ngày xưa, khi chưa có đồng hồ tính thời gian, con người cũng dựa vào tập tính của 12 con giáp để tính giờ. Căn cứ theo đó, giờ Tuất là khoảng thời gian 19h-21h vì thời gian này là lúc chó phải trông nhà.
Trong quan niệm của người Việt thì chó là con vật có thể đem đến những điều may mắn, mang đến thuận lợi và nhiều niềm vui.[2] Bên cạnh đó chó cũng là đối tượng bị khinh rẻ, coi thường, nó được xem như một con vật bẩn thỉu, ngu dốt và đáng khinh. Người ta hay thóa mạ nhau bằng những câu chửi, tiếng lóng, thuật ngữ, có nhắc đến con chó…
Tục thờ chó khá phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới, và có ở hầu khắp thần thoại các dân tộc ở Đông Nam Á lục địa. Ban đầu tục này xuất phát từ các dân tộc chăn nuôi gia súc khu vực Tây Nam Á, với vai trò canh giữ đàn gia súc. Trong thần thoại hình tượng chó, kẻ canh giữ gia súc đã sớm chuyển thành kẻ canh giữ thế giới âm phủ. Trong quan niệm của người Mường, gà và chó đóng vai biểu tượng của sống (sáng) và chết (tối) ở hai thế giới đối nghịch nhau trong không gian, đại diện cho các loài sống dưới thấp, trên mặt đất. Ở Nhật Bản, chó là bạn trung thành của người. Trong Đạo Hồi con chó thành hình ảnh của tất cả những gì xấu xa đê tiện nhất trong thế gian, tự đồng hoá mình với con chó ăn xác chết, chó là biểu tượng của sự tham lam. a chuộng, cội nguồn ăn thịt chó bắt đầu từ lễ hiến tế chó trong tín ngưỡng dân gian. Người ăn đầu tiên là thầy cúng, thầy phù thủy mà cũng chỉ ăn lén, ăn vào lúc tối trời, đêm hôm. Do mặc cảm tội lỗi xưa nay chẳng ai nói toạc ra là ăn thịt chó. Do kiêng kỵ nên người ta nói chệch là ăn thịt cầy, mộc tồn.[3] Quan niệm người Việt mê tín dị đoan từ trước đến nay vẫn cho rằng: ăn thịt chó đầu năm, đầu tháng thì sẽ không tốt, không gặp may mắn trong cả năm, cả tháng đó; nhưng ăn thịt chó vào cuối năm, cuối tháng hoặc sau khi gặp một chuyện không hay thì lại là xua đuổi cái vận đen đi.
Hiện nay, ở nhiều địa phương người dân vẫn giữ tục chôn chó đá trước cửa, thậm chí thờ và kính cẩn gọi là cụ Thạch, Thần cẩu, quan lớn Hoàng Thạch. Trong quan niệm của người Việt xưa, chó là con vật trung thành và mang lại nhiều may mắn. Chó bình thường chỉ coi được phần dương, muốn canh giữ phần âm thì phải nuôi chó đá. Tục thờ chó được biểu hiện dưới nhiều hình thức. Người Việt thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh. Chó đá trong nhà thường nhỏ, mang dáng vẻ hiền lành, không to lớn như chó đá ở đình, đền, phủ. Ở mỗi vùng, hình thức thờ chó đá cũng khác nhau. Người Tày, Nùng một số nơi ở Lạng Sơn có tục chọn ngày tốt để đặt con chó đá trước cửa trông nhà và trừ tà ma. Với người Dao, hình ảnh con chó được biểu hiện trên trang phục. Người Pa Cô trong tộc người Cơ Tu còn kiêng giết thịt, coi con chó như vật tổ truyền. Ngày nay, người Việt một số nơi không chôn chó đá ở trước cửa nhưng vẫn mua chó gốm về để bày trong nhà, vừa xua đuổi tà ma, vừa làm vật trang trí.
Nói văn học, tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung có lẽ chiêu võ công Đả cẩu bổng pháp (chiêu côn pháp dùng để đánh chó) chắc hẳn ai cũng từng nghe qua. Đây là một trong những tuyệt chiêu trấn phái của Cái Bang (dùng côn). Đả cẩu bổng pháp là bộ bổng pháp (côn, gậy) chỉ có bang chủ đời trước đích thân truyền thụ cho bang chủ đời sau. Bộ bổng pháp này dùng nhu thắng cương.
Từ lâu côn pháp này đã nổi danh nhưng song đến đời Hồng Thất Công, bang chủ thứ 18 của Cái Bang, thì mới thật sự uy trấn giang hồ. Và đến đời Hoàng Dung thì được biết đến rộng rãi. Bộ bổng pháp này dùng nhu thắng cương bao đời, nên Bang chủ Cái Bang nhờ nó mà nổi danh giang hồ. Những cao thủ về bộ Côn pháp này có thể kể đến như: Tiêu Phong, Hồng Thất Công, Hoàng Dung, Tống Nguyên Ân (trưởng lão đời thứ 12 của Cái Bang) … Dương Quá trong một dịp may mắn đã được Hồng Thất Công truyền cho bộ bổng pháp này. Đả Cẩu Bổng Pháp có tổng cộng 36 chiêu, mỗi chiêu có nhiều thức biến hóa khác nhau tạo thành vô số chiêu thức tinh diệu. Đả Cẩu Bổng Pháp được thi triển theo đường lối “Tứ lạng bạt thiên cân” (Bốn lạng bạt ngàn cân), võ công được áp dụng theo 8 chữ khẩu quyết: buộc, đập, trói, đâm, khều, dẫn, khoá, xoay. Đả Cẩu ý không phải là đánh chó mà là đánh kẻ có mùi chó. Theo khẩu quyết chữ khóa, ngọn bổng hoàn toàn không đưa ngang, cũng không tấn công vào thân thể địch nhân, ngọn bổng hóa thành một bức tường màu xanh, cản trở trước mặt, chỉ cần địch nhân không bước lên một bước thì không việc gì, nếu ra tay công kích sẽ lập tức bị đánh.
Ngoài ra, có thể nhắc đến Hạo Thiên Khuyển là con chó thần của Dương Tiễn, là con vật đã đánh hơi và tấn công Tôn Ngộ Không trong truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Không thể không nhắc đến nền Văn học Việt Nam, hình ảnh con chó Vàng trong tiểu thuyết Lão Hạc là con chó do con trai lão trước khi đi đồn điền cao su đã để lại. Lão vừa coi như con vừa coi như một người bạn trung thành. Tuy nhiên, vì gia cảnh nghèo khó không nuôi nổi nó nên ông lão đành cắn răng bán con chó đi. Lão đã rất dằn vặt bản thân mình khi mang một tội lỗi là đã nỡ tâm lừa một con chó.
Trong kho tàng Ca dao Tục ngữ Việt Nam, hình ảnh chú chó xuất hiện khá nhiều, có thể điểm qua một vài ví dụ như:
Khảo cứu sơ qua về sự thân quen của chú chó trong các nền văn hóa, nghệt thuật, giờ đây chúng ta cùng nhau chiêm nghiệm những lời Phật dạy cũng như những câu chuyện Phật giáo có nói đến hình ảnh con chó.
Cẩu hành giả – Ngưu hành giả[4]
Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang trú tại Haliddavasana ở vương quốc Koliya cùng với đại chúng Tỳ-khưu. Ở đây có rất nhiều tu sĩ theo phái lõa thể. Đặc biệt là lõa thể Puṇṇa Koliyaputta tu theo hạnh con bò (govatika)[5], được gọi là Ngưu hành giả; lõa thể Seniya tu theo hạnh con chó (kukkuravatika)[6], được gọi là Cẩu hành giả. Cả hai nghe tin đức Phật đang trú tại Haliddavasana nên đi đến để bạch hỏi đức Phật về sanh thú (cõi tái sanh) của mình. Sau khi bạch hỏi hai lần, Thế Tôn vẫn chưa trả lời mà cho đến lần thứ ba Ngài mới trả lời. Vì sao như thế? Vì rằng: nếu Ngài trả lời liền sự thật thì người nghe bị đau khổ và không có niềm tin. Đến lần thứ ba, đức Phật mới trả lời, nhằm để lòng thành khẩn và niềm tin đặt trọn vẹn, đức Phật mới nói, nhằm gây tác dụng lớn đối với người nghe.
Thế Tôn khẳng định: một người thực hiện hành vi con chó viên mãn, giữ các
hạnh của một con chó, hành trì tâm con chó viên mãn, thực hiện các oai nghi của con chó một cách viên mãn, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ tái sanh làm loài chó. Nếu người ấy không thực hành viên mãn hạnh con chó mà có tà kiến rằng, do hành trì các pháp khổ hạnh này, nên sau khi chết được sanh thiên, người ấy sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào một trong hai đường dữ: địa ngục và bàng sanh. Với người hành trị hạnh con bò cũng tương tự như thế.
Đức Phật nói rằng có bốn loại nghiệp, đức Phật đã tự chứng tri, chứng ngộ và tuyên thuyết.
– Nghiệp đen đưa đến quả báo đen: Người làm tổn hại chúng sanh, tức có thân hành tổn hại (sát sanh, trộm cắp, tà dâm), có khẩu hành tổn hại (nói dối, lưỡng thiệt, ác khẩu và phù phiếm) và suy nghĩ tổn hại (tham lam, sân giận và tà kiến) đưa đến cảnh tổn hại (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), thọ nhận những cảm thọ tổn hại, khổ đau.
– Nghiệp trắng đưa đến quả báo trắng: Người không làm tổn hại chúng sanh, tức là thân hành không tổn hại (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm), khẩu hành không tổn hại (không nói dối, không hai lưỡi, không ác khẩu và không phù phiếm) và ý hành không tổn hại (không tham lam, không sân giận và không tà kiến), được sanh về thế giới không có tổn hại, đến cảnh an vui (người, trời), thọ nhận được cảm thọ lạc.
– Nghiệp đen trắng đưa đến quả báo đen trắng: Người làm ác lẫn thiện (tốt xấu đan xen với nhau), tức là thân hành, khẩu hành, ý hành có tổn hại và không tổn hại đan xen lẫn nhau, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đọa vào cảnh giới có tổn hại và không tổn hại, như cảnh giới trời, cảnh giới người và địa ngục. Do đó, thọ nhận những cảm thọ khổ và lạc đan xen lẫn nhau.
– Nghiệp không đen trắng, đưa đến quả báo không đen trắng, đưa đến đoạn tận các nghiệp: Nơi nào có ý chí (Cetana), nơi đó có sự đoạn tận nghiệp đen, nghiệp trắng, nghiệp không đen trắng và đưa đến sự đoạn tận các nghiệp.
Sau khi nghe đức Phật tuyên thuyết, Puṇṇa – người hành trì hạnh con bò tán thán đức Phật, và xin quy ngưỡng đức Phật cho đến trọn đời. Seniya, người hành trì hạnh con chó tán thán Phật và xin xuất gia với đức Thế Tôn. Đức Phật dạy đối với ngoại đạo phải biệt trú bốn tháng. Ông nói rằng, dù ông phải biệt trú bốn năm, ông cũng hoan hỷ và xin sau bốn năm nhận ông làm đệ tử trong chúng. Sau một thời gian xuất gia trong Giáo pháp, với lòng an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, ông chứng đắc đạo quả A-la-hán.
Không được thọ dụng thịt chó[7]
Trong dân gian thường phê phán hình ảnh ông thầy tu ăn thịt chó nhưng điều này đã được đức Thế Tôn ngăn cấm, nghĩa là vị Tỳ-khưu không được thọ dụng thịt chó. Được ghi lại rằng: vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực, dân chúng ăn thịt chó. Họ bố thí thịt chó đến các vị Tỳ-khưu đang đi khất thực. Các vị Tỳ-khưu thọ dụng thịt chó do dân chúng dâng cúng. Tuy nhiên, có một số dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: “Tại sao các Sa-môn Thích tử lại thọ dụng thịt chó? Loài chó thì ghê tởm và đáng ghét.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn và Ngài ban học giới không nên thọ dụng thịt chó; nếu vị nào thọ dụng thì phạm tội Dukkaṭa. Không chỉ riêng thịt chó, có tất cả mười thứ thịt mà chư Tỳ-khưu không được phép thọ dụng, bao gồm: thịt người, thịt voi, thịt ngựa, thịt chó, thịt rắn, thịt sư tử, thịt hổ, thịt beo, thịt gấu, thịt chó sói. Nếu vị nào thọ dụng thì phạm Dukkaṭa.
Danh lợi chi phối[8]
Giữa đêm thanh vắng tịch lieu của núi rừng, có con chó sói (sigāla) tru lên những tiếng thảm thiết đau đớn. Đức Thế Tôn giải thích rằng: con chó sói ấy bị mắc bệnh ghẻ lở, dù ở bất cứ nơi đâu, ngoài trời, dưới gốc cây hay chỗ hoang vắng cũng không bao giờ được sự an lạc. Cũng như thế, vị Tỳ-khưu bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối sẽ luôn gặp khổ lụy, bất an dù sống tại nơi đâu.
Vô thỉ là luân hồi[9]
Giống như một con chó bị cột vào một cây cột, nó cứ chạy vòng theo cái cây ấy chứ không thể thoát ra ngoài được; cũng như thế, một vị vô văn phàm phu (puthujjana) không thể thoát khỏi năm thủ uẩn (pãncupādānakhandha).[10] Nếu người ấy có đi, người ấy chỉ đi tới năm thủ uẩn này. Nếu người ấy đứng, người ấy chỉ đứng gần năm thủ uẩn này. Nếu người ấy ngồi, người ấy chỉ ngồi gần năm thủ uẩn này. Nếu người ấy nằm, người ấy chỉ nằm gần năm thủ uẩn này.
16 điềm mộng của đức vua Pasenadi[11]
Đức vua Pasenadi nằm mộng thấy liên tục những chuyện lạ lùng vô lý và sau nhiều bàn bạc của cả triều đình, vua đã theo lời hoàng hậu Mallikā vào hầu Phật và thưa chuyện với Ngài. Đức Phật đã giải thích ý nghĩa điềm triệu của từng giấc mộng mà vua đã thấy. Trong 16 điềm mộng ấy, có hai điềm liên quan đến hình ảnh con chó, chúng tôi chỉ trích dẫn hai điềm ấy trong bài viết này:
Mộng thứ 6: Vua mộng thấy người ta dùng một cái chén bằng vàng để hứng lấy nước tiểu của một con chó rừng. Đây là điềm báo trước về việc trong thiên hạ mai sau sẽ đảo lộn mọi trật tự xã hội, chẳng hạn khái niệm hoàng gia quý tộc sẽ bị xem như chuyện cổ. Những kẻ thấp hèn bất xứng sẽ được những bậc cao nhân tôn đức quỳ lụy hầu hạ. Họ phải vậy để kiếm sống và được yên thân.
Rồi nhân gian họ hùa nhau xô đổ
Lấy mâm vàng đem đựng vật uế nhơ
Của chó kia đại tiểu đã làm ngơ
Người lụm lấy mâm vàng đem chưng cất.
Vào thời kỳ mâm vàng đem đựng cứt
Đó là thời đảo ngược chuyện trần gian
Kẻ bần cùng nay lại được cao sang
Người quyền quý hết công danh trọng vọng.
Mộng thứ 7: Vua mộng thấy có người ngồi đan dây thừng và một con chó ngồi bên dưới cứ nhai hết những đoạn dây vừa bện xong. Đây là điềm báo trước về sự xuất hiện rầm rộ của những phụ nữ phóng đãng dâm dật sau này bòn rút tiền của từ đàn ông để tiêu pha khiến thiên hạ tan nhà nát cửa. Cả thế giới tương lai sẽ bị hút vào cơn lốc phá sản ngọt ngào này.
Có một người ngồi đan dây thòng lọng
Khi vừa đan lại vừa thả xuống chân
Con chó cái vốn dĩ ở trong rừng
Gặm dây ấy và nuốt luôn hết cuộn.
Sẽ có thời nữ nhân đầy tham dục
Theo rượu nồng bỏ quên chuyện luân thường
Chuyện tề gia lúc ấy cũng phải nhường
Lo tiêu phí hoang đàng chẳng từ khước.
Chỉ có một vài bài kinh và sự kiện nhắc đến hình ảnh con chó, bên cạnh đó, kho tàng chuyện bổn sanh hay chuyện tiền thân (Jātaka) cũng có rất nhiều câu chuyện gắn liền với hình ảnh con chó. Trong nội dung bài viết, chúng tôi xin nhắc lại tóm tắt một vài mẩu chuyện mà thôi.
Chuyện bổn sanh Thường xuyên[12]
Câu chuyện này, khi ở tại Jetavana, bậc Ðạo Sư kể về một nam cư sĩ và một trưởng lão lớn tuổi. Được biết, ở Sāvatthi có hai người bạn. Một người xuất gia, hằng ngày đi đến nhà người kia. Người kia bố thí món ăn, tự mình cũng ăn, sau đó theo người bạn đi về Tự viện, và đến khi mặt trời lặn, họ ngồi nói chuyện với nhau rối mới đi vào thành. Vị Tỳ-khưu thường đi tiễn bạn tận cửa thành rồi trở về. Sự thân thiết giữa hai người ấy được các Tỳ-khưu biết rõ. Một hôm, các Tỳ-khưu đang ngồi trong pháp đường, nói về sự thân thiết giữa hai người ấy. Bậc Đạo sư đi đến và biết được câu chuyện này, Ngài đã kể lại câu chuyện quá khứ.
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát làm vị đại thần. Lúc ấy, một con chó đi đến chuồng con voi báu và ăn những vắt cơm rơi tại chỗ con voi báu ăn. Con chó đi đến vì miếng ăn, đã trở thành thân thiết với con voi báu, và ăn gần con voi. Cả hai không có nhau không thể sống được. Con chó thường nắm lấy vòi con voi, và chơi đùa bằng cách đưa qua đưa lại.
Một hôm, một người ở làng cho tiền người nài, và đem con chó ấy về làng của mình. Từ đó về sau, không thấy con chó, con voi bỏ ăn, bỏ tắm. Người nài báo việc ấy lên vua rõ. Vua cho gọi Bồ-tát đến và hỏi nguyên nhân. Bồ-tát đi đến chuồng voi, biết được con voi rất buồn nản, tự nghĩ: “Thân thể con vật này không tỏ lộ bệnh gì. Có thể nó có tình bạn thân thiết với ai đó, và vì không thấy bạn, nó trở nên sầu muộn”. Biết được như vậy, vua cho người truyền lệnh ai bắt giữ con chó sẽ bị xử phạt. Nhờ đó, con chó được thả ra và chạy hật mau đến gần con voi. Con voi vừa lấy vòi đặt con chó lên trên đầu trán mình vừa mừng rỡ khóc lớn và đặt nó từ đầu trán xuống, để con chó ăn trước, rồi mình ăn sau.
Chuyện bổn sanh Kẻ làm bẩn giếng nước[13]
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Isipatana, về một con chó rừng đã làm bẩn giếng nước. Người ta nghe nói có một con chó rừng thường đến làm bẩn cái giếng mà các Tỳ-khưu thường đến múc nước, rồi bỏ đi. Một hôm, các chú tiều lấy đất ném nó để đe dọa. Sau đó, nó không bao giờ trở lại nơi ấy nữa.
Ngày xưa, chính cái giếng kia nằm tại nơi này có tên là Isipatana (Trú xứ của chư Tiên) gần Ba-la-nại. Lúc bấy giờ Bồ-tát sinh ra trong một gia đình thiện hảo. Lớn lên, ngài sống đời tu hành và cư trú tại Isipatana cùng với một nhóm người tùy tùng. Một con Chó rừng làm bẩn giếng nước như đã nói trên rồi phóng chạy đi. Một hôm, các ẩn sĩ vây bắt được nó và dẫn nó tới trước mặt Bồ-tát để được khuyên dạy. Chó nói rằng: quy luật của dòng giống mình là uống nước chỗ nào thì làm vấy bẩn nơi ấy. Bồ-tát khuyên nó chớ làm như vậy nữa. Từ đó về sau, ngay cả việc dừng lại để nhìn qua giếng, con Chó rừng cũng không dám.
Chuyện bổn sanh Con chó[14]
Thuở xưa, khi vua Brahamadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát được sanh làm con chó đầu đàn rất thông minh, sống trong một nghĩa địa lớn với đàn chó hàng trăm con vây quanh. Một hôm, vua ngự lên xe được trang hoàng đẹp đẽ, được kéo bởi những con ngựa Sindh giống quý, đi đến khu vườn, trọn ngày vui chơi tại đấy, và khi mặt trời lặn, vua mới trở về thành. Yên cương của xe vẫn mắc vào xe, và quân hầu để xe trong sân hoàng cung trọn đêm. Ban đêm, trời mưa, yên cương bị ướt. Các con chó nhà vua thuộc nòi giống tốt, từ trên lầu đi xuống, nhai ăn da và dây cương chiếc xe ấy. Vua nổi giận, ra lệnh giết tất cả chó mà họ thấy được. Từ đấy trở đi, khởi lên tai nạn lớn cho loài chó. Chúng chạy trốn vào nghĩa địa và đến bên cạnh Bồ-tát. Bồ-tát đi đến và nhảy thẳng đến dưới chỗ ngồi của vua. Các người hầu cận của vua cố gắng hết sức đuổi ra, nhưng vua ngăn lại. Bồ-tát nghỉ một lát, từ dưới ghế đi ra, đảnh lễ vua và nói lên sự thật, xin tha tội cho chó bị giết oan. Bố-tát giải oan cho giống nòi của mình và chỉ ra cách phát hiện những con chó trong cung đã nhai ăn da và dây cương chiếc xe. Vua reo mừng, liền tỏ lòng tôn kính Bồ-tát bằng cách dâng cúng cái lọng trắng. Nhưng Bồ-tát thuyết pháp cho vua với mười câu kệ về pháp hành. Nghe lời bậc Ðại Sĩ thuyết pháp, vua tha chết cho mọi loài chúng sanh, rồi ra lệnh cung cấp cho tất cả loài chó, bắt đầu từ Bồ-tát, cơm ăn thường xuyên giống như thức ăn của vua. Tuân theo lời Bồ-tát khuyến giáo cho đến trọn đời, vua làm các phước đức như bố thí v.v…, vì vậy sau khi mạng chung, vua sanh lên cõi trời. Lời “Khuyến giáo của con Chó” tồn tại đến mười ngàn năm. Còn Bồ-tát sống đến hết thọ mạng, rồi đi theo nghiệp của mình.
Chuyện bổn sanh Công đức[15]
Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tôn giả Ānanda đã nhận được một ngàn tấm y. Khi Trưởng lão đang thuyết pháp cho nội cung vua, một ngàn tấm y đáng giá mỗi tấm một ngàn đồng tiền vàng được đem đến dâng vua. Vua lấy năm trăm tấm, và cho các cung phi năm trăm tấm. Tất cả cung phi để các tấm y một bên, và hôm sau đem cúng cho Trưởng lão Ānanda, còn mình đắp tấm y cũ, đi đến chỗ nhà vua dùng điểm tâm. Vua đi đến hỏi Trưởng lão vì nhân gì mà lại thọ dụng nhiều y phục đến như vậy. Trưởng lão nói rằng Thế Tôn cho phép mỗi Tỳ-khưu chỉ sử dụng ba y, nhưng không ngăn cấm nhận lấy những gì được cúng dường. Do vậy, Trưởng lão nhận lấy các tấm y để cho những vị khác đang mang y mòn cũ. Những chiếc y cũ sẽ không được bỏ đi mà sử dụng làm các vật dụng khác vì các vị ấy không được phép phí phạm đồ tín thí cúng dường. Vua bằng lòng hoan hỷ, mang năm trăm tấm y còn lại được cất trong cung cúng dường Trưởng lão. Trưởng lão cúng năm trăm tấm y nhận được lần đầu cho các vị có y đã cũ kỹ. Nhưng số Tỳ-khưu đồng trú với Trưởng lão là khoảng độ năm trăm. Một trong các vị này là một Tỳ-khưu trẻ tuổi, hầu hạ Trưởng lão nhiều việc, quét phòng, múc nước, dọn dẹp đồ ăn, đem tăm đánh răng, nước rửa mặt, dọn dẹp sạch sẽ nhà vệ sinh, đem nước nóng đến các phòng ở, và làm các công việc cần khác, như bóp tay, bóp chân, đấm lưng. Trưởng lão lấy năm trăm tấm vải được nhận lần sau đem cho Tỳ-khưu ấy, vì xứng đáng với tất cả sự hầu hạ giúp đỡ cho mình. Tỳ-khưu này, chia tất cả tấm vải ấy cho những vị đồng sự với mình. Như vậy, tất cả Tỳ-khưu đều nhận các tấm vải cúng dường.
Câu chuyện quá khứ ghi lại rằng: Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con sư tử sống trong một hang núi. Xung quanh chân núi ấy, có một hồ nước lớn bao bọc. Trên một mảnh đất nổi lên của hồ nước, đất bùn dày đặc, cỏ mọc xanh mềm và trên đám bùn ấy, các loài thỏ nai… các con vật nhanh nhẹn khác qua lại để ăn cỏ. Ngày hôm ấy, có một con nai đi qua lại ăn cỏ. Ở đấy, sư tử muốn ăn thịt con nai, từ trên núi nhảy xuống, với sức nhanh của mình, nó nhảy tới. Con nai hoảng sợ kêu lớn tiếng rồi bỏ chạy, Sư tử không có thể chạy mau hơn và rơi trên mặt bùn, bị lún xuống, không đứng dậy được, vì bốn chân đâm sâu như cây cột, bảy ngày đứng như vậy không ăn không uống gì. Một con chó rừng đi tìm mồi, chợt thấy sư tử, liền hoảng sợ chạy trốn. Nhưng sư tử kêu nó lại và mong sẽ giúp mình thoát chết. Chó rừng liền bới đất bùn xung quanh bốn chân sư tử, đào bốn mương nước ở đó, dẫn nước chảy vào làm cho đất bùn mềm. Khi ấy chó rừng bò dưới bụng sư tử rồi dùng cái đầu húc cái bụng sư tử lên. Sư tử vận hết sức mạnh, vươn lên khỏi bùn, nhảy lên đứng trên đất cứng. Sư tử nghỉ ngơi một lát rồi đi xuống hồ, rửa sạch bùn. Tắm xong, nó giết một con trâu và với những nanh ngoạm sâu vào thịt trâu, nó xé thịt ra đặt một số thịt trước mặt chó rừng và mời nó ăn. Sau khi chó rừng ăn, sư tử mới ăn. Rồi chó rừng cất giữ lại một miếng thịt để dành cho bạn gái mình. Rồi sư tử cũng lấy một miếng thịt cho vợ mình. Cả hai cùng đứng trên chóp núi và đồng ý sẽ về chỗ ở của hai bạn gái. Nói xong, sư tử đi đến đấy, đem thịt cho sư tử cái và chó rừng cái. Sau đó, sư tử đưa cả hai vợ chồng chó rừng vào chỗ ở của mình, để chúng ở tại một hang khác gần cửa hang của mình. Từ đó trở đi, khi đi săn mồi, sư tử để sư tử cái và chó rừng cái ở lại, còn mình đi với chó rừng đực, giết chết nhiều loại thú. Cả hai ăn thịt ngay tại chỗ, rồi đem về hai phần cho hai con cái ăn. Như vậy, thời gian qua, sư tử cái sanh hai đứa con. Chó rừng cái cũng vậy. Tất cả bọn chúng sống hòa hợp với nhau.
Một hôm, sử tử cái suy nghĩ: “Con sư tử này quá thương yêu chó rừng cái và các chó rừng nhỏ. Có thể nó có gian tình với chó rừng cái. Do đó, nó mới luyến ái như vậy. Vậy ta hãy hành hạ con này, làm cho nó hoảng sợ, và bỏ trốn đi”. Trong khi sư tử đem chó rừng đi săn mồi, sư tử cái bắt đầu hành hạ, làm cho chó rừng cái hoảng sợ. Các sư tử con cũng làm cho các chó rừng con hoảng sợ như vậy. Sự việc được báo lại với chó rừng. Sau đó, sư tử cái nghe lời chồng, giảng hòa với gia đình chó rừng, và từ đấy về sau, sống hòa thuận với chó rừng cái và các con của nó. Các sư tử con chơi giỡn với các con chó rừng con. Khi cha mẹ qua đời, chúng không chấm dứt tình bạn, vẫn sống hoan hỷ với nhau. Tình bạn của chúng kéo dài cho đến bảy đời.
Chuyện bổn sanh Chó rừng Pūtimaṃsa[16]
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc ngụ tại Kỳ Viên về việc chế ngự dục tham. Ngày xưa dưới triều đại Brahmadatta, quốc vương ở Ba-la-nại, hàng trăm dê rừng trú trong một hang núi tại vùng rừng rậm trên sườn dãy Tuyết Sơn. Không xa chỗ ở của chúng, có con chó rừng tên là Pūtimaṃsa sống trong hang với vợ nó là Veṇī. Một hôm nó quanh quẩn cùng vợ, rình rập bầy dê và suy nghĩ: “Ta phải tìm cách ăn thịt mấy con dê này”. Rồi nhờ mưu mẹo nó giết được một con dê. Cả hai vợ chồng nó nhờ ăn thịt dê trở thành lực lưỡng đẫy đà. Dần dần số dê giảm xuống. Trong số đó có con dê cái khôn ngoan tên là Meḷamātā. Dù nhiều mưu kế tài giỏi, chó rừng cũng không thể giết dê được, nên lúc bàn luận với vợ là Pūtimaṃsa giả vờ chết để Veṇī nhờ Meḷamātā vô hang tiếp tay tống táng. Nhưng dê cái biết được mưu của chó rừng. Hôm sau Veṇī đến mời Meḷamātā qua ăn tiệc mừng Pūtimaṃsa đã hồi tỉnh và sống lại. Maḷamātā đồng ý với điều kiện được đem theo một số bạn như Maliya, Piṅgiya, Caturukkha, và Jambuka (là các con chó dữ tợn) để cho tiệc thêm vui. Nghe vậy, hai vợ chồng chó rừng thoát đi mất dạng.
Chuyện bổn sanh Sự hành trì giả dối[17]
Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một Tỳ-khưu lừa đảo. Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra làm con chuột, thông minh sáng suốt, với thân hình to lớn, giống như heo con, được vây quanh với vài trăm con chuột, sống ở trong rừng. Có con chó rừng lang thang chỗ này chỗ kia, thấy đàn chuột liền suy nghĩ: “Ta hãy lừa dối đàn chuột này và ăn thịt chúng”. Nghĩ vậy, nó liền đến không xa hang các con chuột ấy, đứng lên một chân, mặt hướng về mặt trời và hứng gió, ngửi gió, hít gió vào. Bồ-tát đi tìm đồ ăn thấy con chó rừng, suy nghĩ: “Ðây là một sinh vật có giới hạnh”, bèn đi đến gần nó để hỏi vì sao lại hành động như vậy. Thán phục giới hạnh của chó rừng, đàn chuột đến hầu hạ. Bồ-tát cùng với đàn chuột, đi tới hầu con chó rừng. Khi đàn chuột hầu xong, trên đường đi về, con chó rừng bắt con chuột sau cùng ăn thịt, nuốt nó xong, chùi miệng rồi đứng như cũ. Dần dần, đàn chuột ít đi. Lần hồi thấy đàn chuột thưa dần, chuột chúa tìm nguyên do và biết được mưu của chó rừng nên nhảy lên táp đứt cổ nó. Chúa đàn chuột nói như vậy xong nhảy vào cắn cổ họng dưới hàm con chó rừng làm đứt cuống họng, và chấm dứt đời sống của nó. Cả đàn chuột trở lui, ăn thịt con chó rừng với tiếng kêu mum mum rồi bỏ đi. Nghe nói, những con đến trước có được thịt ăn, những con đến sau không có được gì. Từ đấy về sau đàn chuột sống an ổn không sợ hãi.
Chuyện bổn sanh Chó sói[18]
Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể về một số tỳkheo đệ tử của Tôn giả Upasena Vaṅgantaputta. Được biết rằng tỳkheo nào thực hiện mười ba pháp tu tập của Sa-môn đều được tự do đến viếng Phật, một số tỳkheo gấp rút lo tu tập mười ba pháp ấy để được yết kiến Ngài. Sau mùa an cư, các tỳkheo này vứt bỏ y cũ và đắp y mới. Lúc đi quanh các phòng để xem xét, Ngài thấy y cũ vung vãi tứ tung, Ngài dạy rằng việc hành trì của chư tỳkheo ấy không được lâu dài như con chó giữ ngày trai giới nói trên. Đức Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ.
Ngày xưa, khi Brahmadatta là vua xứ Ba-la-nại, Bồ-Tát sinh làm Thiên chủ Sakka (Ðế Thích). Bấy giờ có một con Chó Sói sống trên một phiến đá cạnh bờ sông Hằng. Nước lũ mùa đông tràn tới, vây quanh phiến đá. Con Chó Sói nằm trên phiến đá, chẳng có gì để ăn và cũng chẳng có cách nào để kiếm đồ ăn cả. Nước cứ dâng lên, và Chó Sói tự nghĩ: “Ðây chẳng có đồ ăn, cũng chẳng có cách gì kiếm được đồ ăn. Ta nằm đây, chẳng biết làm gì cả. Tốt hơn ta nên giữ ngày trai giới (Bồ-tát). Thế là nó quyết định giữ ngày trai giới. Nó nằm xuống, trang trọng quyết giữ giới luật. Ðế Thích trong lúc suy xét thấy sự quyết định yếu đuối của con sói. Ngài tự nghĩ: “Ta sẽ quấy phá con Sói kia”. Rồi ngài hóa thành một con Dê rừng, tới đứng gần cho con Sói trông thấy. “Ðể hôm khác rồi ta giữ ngày trai giới” – Sói nghĩ vậy khi nhìn thấy dê. Nó đứng lên và vồ lấy Dê. Nhưng Dê liền nhảy tránh nên Sói không chộp được nó. Sói thấy rằng nó không thể bắt con vật kia được, nó chẳng biết làm gì hơn đành quay trở về, nằm xuống lại và tự nghĩ: “Ðược rồi, dù sao ngày trai giới của ta vẫn không bị phá”. Sakka bay lên hư không, quở chó thiếu cương quyết.
Chuyện bổn sanh Màu da và dáng vóc[19]
Câu chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về hai vị Ðại đệ tử. Một lần nọ, hai vị Chánh Trưởng lão quyết định suốt trong mùa mưa sẽ chuyên tâm độc cư. Vì vậy họ từ biệt bậc Ðạo Sư rời Tăng chúng, đi khỏi Kỳ Viên, tự tay mang theo y, bát và đến sống trong một khu rừng gần một làng ở biên địa. Một người đàn ông nọ phục vụ hai vị Trưởng lão và sống bằng các thức ăn thừa của họ, cũng ở riêng một nơi trong khu ấy. Khi thấy hai vị Trưởng lão sống với nhau một cách hạnh phúc như thế, ông ta gây bất hoà giữa hai vị. Ông thất bại và phải đi chỗ khác.
Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị Thần cây trong một khu rừng. Bấy giờ có một con Sư tử và một con Hổ sống trong một cái động núi ở khu rừng ấy. Một con Chó rừng hầu hạ chúng và nhờ sống bằng thịt ăn thừa của chúng, nó bắt đầu mập ra. Thế rồi một hôm, nó chợt nghĩ: “Ta chưa bao giờ ăn thịt một con sư tử hay một con hổ. Ta phải làm cho hai con này bất hòa với nhau, và kết quả của việc tranh cãi nhau là chúng phải chết, bấy giờ ta sẽ ăn thịt chúng”. Chó rừng nói đâm thọc rằng Sư tử bị Hổ chê không bằng một phần mười sáu sắc đẹp của Hổ, và ngược lại, Hổ bị Sư tử chê cũng như vậy, để hai con giết chết lẫn nhau. Cả hai Hổ và Sư tử khám phá ra âm mưu của chó rừng; chó rừng phải bỏ rừng này đi chỗ khác.
Có nhiều câu chuyện nói đến con chó nhưng giới hạn bài viết chỉ có thể sơ lược qua vài mẫu chuyện. Qua những câu chuyện bổn sanh, chúng ta thấy được nhân quả tương quan và hình ảnh con chó trong câu chuyện đó. Bản chất của loài chó vốn dĩ là là ở núi rừng hoang dã nhưng được thuần hóa trở nên gần gũi với con người. Từ đó, nó còn có thêm bản tính trung thành và hỗ trợ công việc cho chủ nhân của mình.
Lược khảo hình ảnh con chó từ các nền văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật và cả trong kinh điển Phật giáo, chúng ta ghi nhận hình ảnh con chó khá thân quen với cuộc sống con người. Vì vậy, con người cũng đừng nên hành hạ và giết chóc chúng. chúng là những con vật có tâm linh cao, có tình cảm và rất gần gũi với con người. Khoa học đã chứng mình, hầu hết súc vật đều có bộ não và hệ thần kinh như con người. Chúng cũng có cảm giác, biết nóng lạnh, sợ hãi, tham sống và sợ chết. Khi sợ hãi, nhịp tim của chúng đập mạnh, áp suất máu lên cao, hơi thở hổn hển, thậm chí nhiều con còn chảy nước mắt. Vì thế, mong rằng chúng ta hãy yêu thương nhau, sống an lạc và đừng để oan trái oán thù với nhau.
_________________________________
[1] Sáu loại gia súc nuôi trong hoặc gần nhà là: ngựa (mã), trâu hoặc bò (ngưu), cừu hoặc dê (dương), chó (cẩu), lợn (trư) và gà (kê).
[2] Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang.
[3] Mộc tồn = cây còn, nói lái là con cầy.
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 78