Phạm thiên Ghaṭikāra – người dâng y phục cho Phật lúc ngài đi xuất gia ( thợ săn)

Phạm thiên Ghaṭikāra – người dâng y phục cho Phật lúc ngài đi xuất gia ( thợ săn)

Ở 1 số vở cải lương Phật giáo thì thấy xuất hiện 1 người thợ săn mặc áo sa môn để chiêu dụ chim thú , hòng dính bẫy và bắt chung. Bồ tát thương cảnh chim thú bị hại , 1 phần là muốn có 1 bộ y phục sa môn để tiện bề hành đạo ( y phục Thái tử lộng lẫy , đắt giá không thích hợp với nhà tu)..Thái tử Tất Đạt Đa liền hỏi thợ săn với ý định đổi y phục và được sự đồng ý ( sau khi đổi xong thi mới phát hiện là chư thần hóa hiện đem y phục cho thái tử xuất gia)

I. Bài viết từ Phatgiao.org.vn

Y, Bát của đức Phật (phatgiao.org.vn)

Theo các bản sớ giải của bộ  Phật Sử và kinh Bổn Sanh, sau khi vượt thành xuất gia, thái tử Sĩ-đạt-đa nghĩ rằng bộ y phục sang trọng may bằng lụa xứ Ba-­la-nại mà mình đang mặc chẳng hợp với những ai đang vân du khắp nơi để tầm cầu chân lý và vì thế thái tử đã đổi nó để nhận một bộ y phục nhạt màu từ một người thợ săn vốn là hoá thân của một Phạm thiên. Bộ y phục này được xem là khởi đầu cho truyền thống mặc y phấn tảo (pāṃśukūla) hay y bá nạp (loại y được may từ những mảnh vải rách lượm từ đống rác hay nghĩa địa được giặt sạch) trong Tăng đoàn. Đại trí độ luận giải thích rằng, trong xã hội Ấn thời xưa hàng bạch y vì tham cầu dục lạc nên thích mặc nhiều y phục, lại có những nhà ngoại đạo tu khổ hạnh nên sống lõa thể, hàng đệ tử của đức Phật theo gương của Ngài xa lánh hai cực đoan này, sống đời thiểu dục, tri túc, mặc y phục đủ để che thân. Đối với đức Phật và hàng đệ tử xuất gia của Ngài, ngoài ý nghĩa liên hệ đến các yếu tố xã hội, việc thọ trì y phục còn là việc noi theo truyền thống của chư Phật trong nhiều đời.

Xá-lợi Phật chính là những di vật thiêng liêng tượng trưng cho sự hiện hữu của Ngài tại nhân gian, là nguồn lực gia trì cho sự tu tập của người Phật tử, và là thông điệp về sự vô thường của các pháp hữu vi, dù đó là thân xác của một đấng giác ngộ.

Luật tạng Nhất thiết hữu bộ có ghi lại rằng, vào thời quá khứ tại Ca-tỳ-la-vệ có mười anh em cùng xuất gia, tu tập và chứng quả Bích-chi-phật. Trước khi nhập diệt, các vị Bích-chi này đã trao lại những tấm y bá nạp của mình cho mẹ và cùng thưa rằng vào đời đương lai có đức Thích-ca Mâu-ni, con của vua Tịnh Phạn chứng quả giác ngộ vô thượng, nếu đem những y phục này dâng cho Ngài thì sẽ được phước báu vô lượng. Người mẹ theo ý nguyện của các vị Bích-chi nên giữ gìn cẩn thận những bộ y đó. Trước khi qua đời, bà trao chúng lại cho người con gái của mình để giữ gìn. Đến khi cô gái bắt đầu già yếu, cô bèn đem những tấm y đó treo trên cây và cầu vị thần cây bảo hộ để sau này trao lại cho người con của vua Tịnh Phạn.

Lúc ấy Đế Thích liền giữ gìn y này và đợi đến khi thái tử xuất gia, liền hóa thành một người thợ săn đến đổi y phục cho thái tử. Khi trở về cõi trời Ba mươi ba, Đế Thích bèn xây tháp phụng thờ bộ y phục của thái tử và tháp này có tên là Xuất gia y tháp. Tấm y mà thái tử đã đổi cho người thợ săn chính là y phục mà thái tử đã mặc trong suốt thời gian tu khổ hạnh. Theo kinh Phổ Diệu, trải qua thời gian sáu năm khổ hạnh, tấm y này của thái tử bị rách và ngài đã đến nghĩa địa nhặt những mảnh vải cũ vốn được dùng để bọc tử thi của một tỳ nữ. Cô gái này đã chết trong ngôi nhà gần nơi trú ngụ của vị trưởng làng. Thái tử đã giặt sạch những mảnh vải này và sau đó khâu thành một bộ y phục mới cho mình tại một gốc cây mà nơi này về sau có tên là Pāṃśukūlasīvana (nơi khâu y phấn tảo).

Y và bát của đức Phật là thông điệp đầy ý nghĩa đối với hàng đệ tử của Ngài. Trong sinh hoạt của Tăng đoàn việc thọ trì y và bát theo luật nghi là một điều tối quan trọng để hội chúng xuất gia được thanh tịnh và để kế thừa truyền thống chánh pháp của chư Phật trong nhiều đời.

Trong thời gian du hóa sau ngày thành đạo, đức Phật đã được nhiều vị gia chủ cúng dường những tấm lụa quí hiếm, nhưng Ngài đều giao lại cho đệ tử mình tùy nghi sử dụng. Truyện kể rằng có một lần bác sĩ Kỳ-bà được bệnh nhân tặng một xấp vải quí, không dính nước, đáng giá mười vạn đồng như là tiền thù lao của mình. Bác sĩ bèn đem vải dâng cúng cho đức Phật. Đức Phật đã trao vải lại cho tôn giả A-nan và tôn giả đã cắt vải may y cho đức Phật, La-hầu-la và các tỳ-kheo khác. Tạp Báo Tạng kinh có ghi lại chuyện Di mẫu Kiều Đàm dùng tơ quí dệt thành một bộ y và đem dâng cúng lên đức Phật. Khi bị đức Phật từ chối, Di mẫu tỏ ra không vui và thưa rằng bà đã từng nuôi nấng đức Thế Tôn trong thời thơ ấu và nay thì chính tay bà đã dệt bộ y này với mục đích duy nhất là cúng dường cho đức Phật. Đức Phật liền bảo bà nên đem cúng bộ y ấy cho chư tăng vì Tăng bảo là ruộng phước, cúng dường chư Tăng cũng chính là cúng dường Phật.

Sau đó Di mẫu đến giữa Tăng đoàn và cúng bộ y này cho tôn giả Di-lặc. Ngoài chuyện Di mẫu dâng cúng y cho đức Phật, kinh điển Phật giáo còn ghi lại chuyện tôn giả Đại Ca-diếp đổi y Tăng-già-lê mềm mại của mình để nhận tấm y phấn tảo của đức Phật. Tôn giả vốn thường thực tập hạnh đầu đà nhưng vẫn chưa tìm được một tấm y phấn tảo thích hợp nào. Một lần nọ đức Phật đến thăm lúc Tôn giả đang ở dưới một gốc cây, Tôn giả bèn gấp y Tăng-già-lê của mình và thỉnh đức Phật ngồi lên tấm y đó. Khi nghe đức Phật khen tấm y mềm mại, Tôn giả thành tâm xin được cúng dường tấm y của mình cho đức Phật và mong được thọ trì tấm y phấn tảo mà đức Phật đang dùng. Đức Phật biết Tôn giả đang cần y phấn tảo để thực hành hạnh đầu đà nên Ngài hứa khả. Sau khi nhận được y, tôn giả đã sử dụng nó cho đến cuối đời mình.

Bình bát của đức Phật cũng được xem như xá-lợi của đức Phật và là bảo vật truyền thừa của chư Phật.
Bình bát của đức Phật cũng được xem như xá-lợi của đức Phật và là bảo vật truyền thừa của chư Phật.

Các văn bản Phật học Pāli và Phạn ngữ dường như không nói nhiều về tấm y mà đức Phật dùng trong những năm du hoá cuối đời và khi Ngài nhập diệt. Sách Pháp Uyển Châu Lâm có thuật lại chuyện về tấm y Tăng-­già-lê của đức Phật do một vị trời Tứ Thiên Vương kể cho luật sư Đạo Tuyên như sau. Trước khi nhập diệt ba tháng, đức Thế Tôn bảo ngài Văn Thù triệu tập đại chúng tại đạo tràng. Khi hội chúng đã vân tập, đức Phật bèn kể rằng sau khi vượt thành xuất gia và đổi y phục cho một người thợ săn, Ngài được một vị thần cây dâng lên y Tăng-già-lê của đức Phật Ca-diếp theo như lời phó chúc của đức Ca-diếp. Sau ngày thành đạo đức Phật đã thọ trì và giữ gìn tấm y này một cách cẩn thận suốt năm mươi năm.

Theo tác phẩm Ðại Ðường Tây Vực Ký của ngài Huyền Trang, khi hay tin đức Phật nhập diệt, Ma-da phu nhân cùng chư thiên từ cung trời Đao Lợi đã đến Câu-thi-na để chiêm ngưỡng lần cuối kim thân cùng y Tăng già lê, bình bát và tích trượng của đức Phật. Cũng theo ngài Huyền Trang, khi đến thành Ê-la ở Tây Bắc Ấn, Ngài đã được chiêm ngưỡng xá-lợi và y Tăng-già-lê của đức Phật. Theo bộ Phât Sử, sau lễ trà tỳ tại Câu-thi-na, xá-lợi của đức Phật được sứ giả tám nước mang về xây tháp cúng dường; những vật tùy thân khác của Ngài được đưa về thờ ở nhiều nơi khác nhau như bình bát và tích trượng ở Vajirā, hạ y ở Kus­aghara, thắt lưng ở Pāṭaliputra, y tắm ở Campā, Pháp y ở cung trời Phạm thiên. Tuy nhiên tác phẩm này không nói rő vì lý do gì di vật của đức Phật được mang đến những nơi đó và việc thờ phụng, giữ gìn chúng ra sao.

Theo Phật diệt độ hậu quán liệm táng tống kinh, khi bình bát này di chuyển đến nước nào thì nơi ấy tai ương, ách nạn tiêu trừ, mùa màng đượm nhuần, chánh pháp hưng hiển, vua chúa nhân từ, muôn dân đều sống trong thanh bình và an lạc.
Theo Phật diệt độ hậu quán liệm táng tống kinh, khi bình bát này di chuyển đến nước nào thì nơi ấy tai ương, ách nạn tiêu trừ, mùa màng đượm nhuần, chánh pháp hưng hiển, vua chúa nhân từ, muôn dân đều sống trong thanh bình và an lạc.

Cùng với y, bình bát của đức Phật cũng được xem như xá-lợi của đức Phật và là bảo vật truyền thừa của chư Phật. Theo các sử liệu Phật giáo của cả hai truyền thống Nam và Bắc truyền, sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, đức Phật đã thọ dụng bữa ăn đầu tiên vào tuần thứ tám do hai thương gia Đề Vị (Tapussa) và Ba-lợi (Bhal­lika) dâng cúng. Khi được hai thương gia dâng cúng thực phẩm, đức Phật liền nghĩ rằng chư Phật trong ba đời đều dùng bình bát để thọ dụng vật thực, nay ta cũng nên theo truyền thống này. Lúc bấy giờ có bốn vị Thiên vương biết được tâm niệm đó nên mỗi người mang một bình bát bằng đá đem dâng lên đức Phật. Vì thương tưởng các vị Thiên vương này, đức Phật liền nhận cả bốn bình bát và Ngài dùng thần lực khiến cho bốn bình bát này trở thành một bình bát duy nhất. Bình bát này về sau trở thành vật tùy thân của đức Phật trong suốt những năm du hóa của Ngài.

II. Từ Đại Phật Sử

Việc trở thành Sa-môn với các món vật dụng được Phạm thiên Ghaṭikāra dâng cúng

Bồ tát lại suy xét: “ Những y phục này của Ta được làm bằng các loại vải ở xứ Kāsi rất đắc giá. Chúng không thích hợp cho một Sa- môn.” Khi ấy Phạm thiên Ghaṭikāra là bạn cũ của Bồ tát trong thời Đức Phật Kassapa, đã suy xét bằng tâm từ ái (mettā) chân thật và cao quý của vị ấy đã hiện khởi và tồn tại suốt cả một trung gian Phật thời (Buddhantara kappa): “Ồ, hôm nay Bồ tát bạn của ta, sau khi thấy mối nguy hiểm trong các pháp đầy đau khổ như sanh, già, v.v… đã thực hiện sự xuất gia vĩ đại (mahābhinikkhamana). Ta sẽ đi và mang theo các món vật dụng của Sa-môn cho người bạn cũ này.” Đó là (1) đại y, (2) y vai trái ekacci, (3) y nội, (4) dây lưng, (5) kim và chỉ, (6) dao cạo, (7) bát cùng áo bát, và (8) cái lọc nước, và cúng dường đến Bồ tát.

Nhân đó, Bồ tát xuất hiện trong y phục của vị Sa-môn – những chiếc y mà có thể gọi là lá cờ của A-la-hán quả (arahatta-phala) và do Phạm thiên dâng tặng. Rồi Ngài ném bộ y phục thế tục lên trên không trung.

(Thời gian giữa hai vị Phật được gọi là trung gian Phật thời (Buddhantara-kappa). Trung gian Phật thời ở đây ám chỉ khoảng thời gian giữa Đức Phật Kassapa và Đức Phật Gotama. Đức Phật Kassapa xuất hiện khi thọ mạng của loài người là hai chục ngàn năm, thọ mạng ấy giảm dần xuống còn mười năm và từ đó lại tăng lên A-tăng-kỳ tuổi. Khi thọ mạng ấy giảm xuống 100 tuổi thì Đức Phật Gotama xuất hiện. Do đó, trung gian Phật thời trong trường hợp này lâu hơn một trung kiếp (antara-kappa). Tuy không ai hướng dẫn Bồ tát cách mặc y, v.v… chúng ta cũng nên hiểu rằng Ngài biết cách sử dụng các vật dụng vì Ngài đã từng trải nghiệm, Ngài đã là Sa-môn trước sự hiện diện của các vị Phật quá khứ và vì Ngài có trí tuệ vĩ đại).

III. Tham khảo thêm

  • Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên
  • V: Phẩm Thiêu Cháy

Thợ Ðồ Gốm

Ðược sanh Vô phiền thiên,
Bảy Tỷ-kheo giải thoát,
Ðoạn tận tham và sân,
Vượt qua đời triền phược.
Vượt bùn, họ là ai,
Khéo vượt lệnh thần chết,
Sau khi bỏ thân người,
Họ thoát ách chư Thiên?
Họ là Upaka,
Với Pukkusāti,
Hợp thành là ba vị,
Và Phalaganda,
Lại thêm Bhaddiya,
Với Khandadeva,
Và Bàhuraggi,
Cùng với Pingiya,
Sau khi bỏ thân người,
Họ thoát ách chư Thiên.(Thế Tôn):

Người nói điều tốt lành,
Về bảy Tỷ-kheo ấy,
Họ thoát ly, đoạn trừ,
Các cạm bẫy Ma vương,
Pháp họ biết, của ai,
Ðoạn diệt hữu kiết sử?(Ghaṭikāra):

Không ai ngoài Thế Tôn,
Chính thật giáo lý Ngài,
Họ biết pháp của Ngài,
Ðoạn được hữu kiết sử.
Chỗ nào danh và sắc,
Ðược đoạn diệt, không dư,
Họ học được pháp ấy,
Ở đây từ nơi Ngài.
Nhờ vậy họ đoạn trừ,
Hữu kiết sử trói buộc.(Thế Tôn):

Lời nói người thâm sâu,
Khó biết, khó chứng ngộ,
Pháp Ông biết của ai,
Sao Ông không nói được?(Ghaṭikāra):

Thuở xưa, con thợ gốm,
Tại Vehalinga,
Và con được tên gọi,
Là Ghaṭikāra.
Chính con lo nuôi dưỡng,
Cả mẹ lẫn cả cha,
Ðối với Phật Ca-diếp,
Con đệ tử tại gia.
Con viễn ly dâm dục,
Phạm hạnh, không thế vật,
Thuở xưa con đồng hương,
Cũng là bạn của họ,
Do vậy con biết họ,
Bảy Tỷ-kheo giải thoát,
Ðoạn tận tham và sân,
Vượt qua đời triền phược.(Thế Tôn):

Vậy này Bhaggava,
Chính như Ông vừa nói,
Thuở xưa, Ông thợ gốm,
Tại Vehalinga,
Và Ông được tên gọi,
Là Ghaṭikāra.
Chính Ông lo nuôi dưỡng,
Cả mẹ lẫn cả cha,
Ðối với Phật Ca-diếp,
Ông đệ tử tại gia.
Ông viễn ly dâm dục,
Phạm hạnh, không thế vật.
Thuở xưa Ông đồng hương,
Cũng là bạn của Ta,
Như vậy là hội ngộ,
Giữa những bạn thời xưa,
Cả hai khéo tu tập,
Mang thân này tối hậu.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 27

Post Views: 671