Phật quở đại đức Upavāṇa chuyện đứng trước mặt Như Lai ( sắp nhập diệt) và tiền kiếp làm thần bảo vệ bảo tháp của Đức Phật Kassapa.

Phật quở đại đức Upavāṇa chuyện đứng trước mặt Như Lai ( sắp nhập diệt) và tiền kiếp làm thần bảo vệ bảo tháp của Đức Phật Kassapa.

I. Trích từ Đại Phật Sử

Đại đức Upavāṇa

Lúc bấy giờ đại đức Upavāṇa đang đứng trước Đức Phật, hầu quạt Ngài. Rồi Đức Phật nói với đại đức Upavāṇa rằng: “ Này tỳ khưu, hãy tránh ra, đừng đứng trước mặt Như Lai.” Đại đức Upavāṇa vâng lời ngay không chậm trễ, thả xuống cái quạt bằng lá ở đó, và đứng ở nơi thích hợp.

Nhân đó, đại đức Ānanda liền suy nghĩ, “ Đại đức Upavāṇa này đã lâu (suốt hai mươi năm đầu sau khi Đức Thế Tôn thành Phật) từng là thị giả sống gần gũi Đức Phật, tuy nhiên vào thời gian diệt độ này Đức Phật lại bảo vị ấy tránh qua một bên khi nói rằng, ‘Này tỳ khưu, hãy tránh ra, đừng đứng trước mặt Như Lai’. Vì lý do gì mà Đức Phật nói như vậy?”. Thế nên, đại đức Ānanda bèn hỏi Đức Phật:

“Bạch Đức Thế Tôn, đại đức Upavāṇa này là thị giả sống gần và hầu cận Thế Tôn đã lâu ngày, tuy nhiên vào thời gian diệt độ này của Đức Thế Tôn, Thế Tôn lại bảo vị ấy tránh qua một bên với những lời này, ‘ Này tỳ khưu, hãy tránh ra, đừng đứng trước mặt Như Lai’ vì lý do gì mà Đức Thế Tôn nói như vậy?”

Đức Thế Tôn muốn loại bỏ ý nghĩ là đại đức Upavāṇa có lỗi của đại đức Ānanda, nên Ngài giải thích như sau:

  • “Này Ānanda ( ngoại trừ những vị Phạm thiên Vô tưởng và những vị Phạm thiên ở cõi vô sắc) hầu hết chư thiên và Phạm thiên trong mười ngàn thế giới đều đã cu hội ở đây, tại Kusināgara để chiêm ngưỡng Như Lai. Trong vòng mười hai do tuần ở bên trong và chung quanh rừng cây Sa-la này, không có một khoảng hở nào dầu

chỉ bằng đầu lông đuôi của con dê núi mà không có sự hiện diện của chư thiên có oai lực.”

  • “Này Ānanda, chư thiên đang than phiền Upavāṇa như vầy: ‘Chúng ta từ xa đến để chiêm ngưỡng Đức Như Lai. Thật rất là hy hữu để chư Phật, bậc Ứng cúng, Chánh biến tri xuất hiện ở đời. Và tối hôm nay, trong canh ba của đêm, Đức Như Lai sẽ nhập diệt. Vị tỳ khưu có oai lực này đang đứng trước Đức Phật che chắn tầm nhìn của chúng ta. Ôi, chúng ta sẽ mất cơ hội chiêm ngưỡng Đức Như Lai trong giờ phút cuối cùng của Ngài’. Đây là lý do khiến Như lai bảo tỳ khưu Upavāṇa bước qua một bên.”

Điểm chú thích:

  • Trong khoảng không gian gần Đức Phật, chư thiên và Phạm thiên trong sắc thân vi tế của họ ở chung từng nhóm, mỗi nhóm mười vị, chiếm những đơn vị không gian mà bề rộng bằng sợi đuôi tóc. Ngoài những nhóm chư thiên và Phạm thiên ấy, có những nhóm chư thiên và Phạm thiên gồm có hai mươi vị trong mỗi nhóm cũng ở trong khoảng không gian tương tự. Ngoài những nhóm ấy, lại có những nhóm khác gồm ba mươi, bốn mươi, năm mươi và sáu mươi vị thiên và Phạm thiên. Dầu chật ních như vậy, nhưng không có vị thiên hay Phạm thiên nào cản lối của vị khác bằng thân hoặc y phục; không có vị nào cần phải bảo vị khác tránh chỗ cho mình.
  • Upavāṇa là người có tầm vóc khá lớn, bằng con voi con. Hơn nữa, vị ấy mặc y vải vụn (paṅsakū), làm cho vị ấy càng lớn hơn. Thế nên, chính bản thân của vị ấy trở thành vật ngăn cản khi đứng trước Đức Phật, là nguyên nhân đích thực khiến chư thiên và Phạm thiên than phiền. Có thể nêu ra câu hỏi rằng, “Phải chăng chư thiên và Phạm thiên không có năng lực nhìn xuyên qua vị tỳ khưu?” Câu trả lời là “Không”. Vì rằng chư thiên và Phạm thiên có thể nhìn xuyên qua người phàm phu, nhưng họ không thể nhìn xuyên qua một vị A-la- hán. Đại đức Upavāṇa không chỉ là bậc A-la-hán mà là người có những năng lực cao siêu đến nỗi người ta không thể đến quá gần vị ấy.

Sở dĩ đại đức Upavāṇa có những năng phi thường trong số những vị A-la-hán là vị ấy đã từng làm một thần bảo vệ bảo tháp của Đức Phật Kassapa.

Vị hộ thần của bảo tháp

Chín mươi mốt đại kiếp trước khi Đức Phật Gotama xuất hiện, Đức Phật Vipassī diệt độ để lại một khối Xá-lợi có màu vàng duy nhất. (Theo thông lệ thì chư Phật mà xuất hiện trong thời kỳ thọ mạng của loài người đến hằng ngàn tuổi, thì các Ngài để lại một mẫu Xá-lợi sau khi diệt độ, được dân chúng tôn thờ trong bảo tháp). Dân chúng vào những thời kỳ ấy xây dựng lên một bảo tháp để tôn thờ Xá-lợi. Bảo tháp cao một do-tuần, được xây bằng những viên gạch màu vàng dài một hắc tay và rộng nửa hắc tay, bề dày hai ngón tay. Chất vữa làm bằng bột đá pha lê trộn chung với dầu mè.

Trong việc kiến tạo ngôi bảo tháp, chư thiên địa cầu nâng cái bảo tháp do loài người xây dựng cao thêm một do tuần nữa, chư thiên cõi trời nâng thêm một do tuần khác. Bên trên chiều cao ấy các vị Nhiệt vân thiên (Unhavalāhakadeva), Đồ vân thiên (Abbhavalāhaka deva), chư thiên ở cõi Tứ thiên vương (Catumahārāja) và chư thiên ở cõi Tam thập tam (Tāvatiṃsā) mỗi loại chư thiên ấy nâng cao thêm một do tuần, kết quả là bảo tháp tôn trí mẫu xá-lợi của Đức Phật Vipassī cao bảy do tuần.

Khi dân chúng đi đến bảo tháp ấy để cúng dường hoa và những lễ vật khác thì vị hộ thần của bảo tháp lấy những vật cúng dường và đặt chúng một cách thích hợp trước bảo tháp trước sự chứng kiến của các thí chủ.

Vào thời ấy, tiền thân của đại đức Upavāṇa, ngài sanh làm một vị Bà-la-môn giàu có. Vị ấy đi đến bảo tháp để cúng dường một tấm vải màu vàng như là biểu tượng của chiếc y dâng đến Đức Phật. Vị hộ thần đặt tấm vải trông rất rực rỡ và xinh đẹp ở bảo tháp làm hài lòng vị thí chủ Bà-la-môn ấy rất nhiều và vị Bà-la-môn kia đã phát nguyện

trong tương lai xin được làm vị hộ thần canh giữ bảo tháp Đức Phật như vậy. Lúc chết vị ấy tái sanh vào cõi chư thiên.

Trong suốt thời gian Upavāṇa tương lai tái sanh nhiều lần trong cõi chư thiên và nhân loại thì Đức Phật Kassapa xuất hiện trong thế gian. Khi Đức Phật Kassapa diệt độ, thọ mạng của loài người lúc bấy giờ rất cao (hai mươi ngàn năm), chỉ một mẫu xá-lợi Phật còn lại. Xá lợi này được tôn trí trong bảo tháp có đường kính và chiều cao một do tuần. Upavāṇa đương lai lúc bấy giờ trở thành vị hộ thần của bảo tháp. Sau khi mạng chung từ kiếp sống ấy vị ấy tái sanh vào cõi chư thiên trở lại. Trong thời của Đức Phật Gotama, vị ấy sanh vào trong một gia đình cao quý, từ bỏ đời sống gia chủ, bỏ lại vợ và các con, và trở thành bậc A-la-hán.

Như vậy, nhân và duyên khiến Upavāṇa có những năng lực phi thường. Trong số những bậc A-la-hán, vị ấy đã từng là một vị hộ thần tại bảo tháp được dựng lên để tôn trí xá-lợi của Đức Phật Kassapa.

Sau khi Đức Phật đã giải thích với đại đức Ānanda rằng đại đức Upavāṇa được bảo tránh qua một bên trong đám đông không phải vì vị ấy có lỗi mà chỉ để làm thỏa mãn chư thiên, đại đức Ānanda bèn bạch với Đức Phật rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn đánh giá như thế nào về những trạng thái tâm đang hiện diện trong chư thiên và Phạm thiên?” (Qua câu hỏi này đại đức Ānanda dò hỏi chư thiên và Phạm thiên chịu đựng sầu khổ như thế nào trước cảnh Đức Phật sắp diệt độ). Đức Phật nói với đại đức Ānanda rằng chư thiên và Phạm thiên đều có tâm trạng sầu khổ như vầy:

“Này Ānanda, chư thiên mà quyết định ở trong hư không và đang đứng ở đó (tựa như có một nền móng vững chắc để đứng, sau khi biến đổi bầu trời thành cái nền vững chắc bằng năng lực chư thiên của họ), đang khóc than với tóc rối bù, hai cánh tay của họ đưa lên, họ gieo mình xuống đất, lăn lộn khắp các hướng, và ta thán rằng, ‘Thế Tôn nhập diệt quá sớm! Đấng Thiện Thệ nhập diệt quá sớm! Bậc Sở hữu Tuệ nhãn biến mất trên đời quá sớm!”

“Này Ānanda, chư thiên mà quyết định ở trên quả đất và đang đứng trên đất (khi biến đổi đất tự nhiên thành nền đất chống đỡ cho

sắc thân vi tế của họ), đang khóc than với tóc rối bù, hai cánh tay của họ đưa lên, họ gieo mình xuống đất, lăn lộn khắp các hướng, và ta thán rằng, ‘Thế Tôn nhập diệt quá sớm! Đấng Thiện Thệ nhập diệt quá sớm! Bậc Sở hữu Tuệ nhãn biến mất trên đời quá sớm!”

“Nhưng chư thiên đã thoát khỏi dục ái có thể bình thản chịu đựng với tâm suy tư rằng “Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Do đó, làm sao có thể được để tìm cái thường tồn trong bản chất hữu nhân hữu duyên này?”

(Thân của chư thiên chứa sắc vi tế. Sự kết cấu của quả đất tự nhiên không thể nâng đỡ được họ; nếu chư thiên đứng trên nó thì thân của họ sẽ sụp xuống đất như cục bơ. Vào một dịp nọ, có vị Phạm thiên tên là Hatthaka đi đến Đức Phật và khi vị ấy cố gắng đứng ở đó thì thân của vị ấy sụp vào trong đất. Đức Phật đã phải nhắc vị ấy biến đổi thân của vị ấy qua dạng sắc thô để có thể đứng trên đất. Hoàn cảnh tương tự cũng áp dụng với chư thiên. Đó là lý do khiến chư thiên, ở trong điều kiện này, cần phải biến đổi đất tự nhiên để phù hợp với sắc thân vi tế của họ, nhờ đó mà họ có thể lăn trên đất ).

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 70

Post Views: 959