Cuộc viếng thăm của Bà-la-môn Verañjā đến Đức Phật

Cuộc viếng thăm của Bà-la-môn Verañjā đến Đức Phật

Sau khi trải qua mùa an cư kiết hạ thứ mười một tại làng của Bà-la-môn Ekanāla, thuyết giảng các bài pháp như kinh Kasibhāradvāja và những bài pháp khác đến những người hữu duyên nên tế độ gồm có Bà-la-môn Kasibhāradvāja. Khi mãn hạn mùa an cư tại ngôi làng đó, Đức Phật bèn lên đường tiếp tục tế độ chúng sanh, phân phát nước mát bất tử đến chư thiên và nhân loại. Và cuối cùng, Ngài đến thành phố Verañjā, cùng với năm trăm hộ chúng tỳ khưu cư ngụ gần cây Nimba, chỗ ở của Dạ Xoa Naḷeru cách xa thành phố Verañjā.

Cuộc viếng thăm của Bà-la-môn Verañjā đến Đức Phật

Khi Bà-la-môn Verañjā nghe tin lành như sau: “Thưa các vị! Sa-môn Gotama, thái tử dòng Thích Ca đã xuất gia Sa-môn cùng với năm trăm vị tỳ khưu có giới đức cao thượng, đang trú ngụ gần cây Nimba chỗ ngụ của dạ xoa Naḷeru gần thành phố Verañjā của chúng ta. Danh tiếng của Đức Gotama thấu đến Hữu đỉnh thiên (bhavagga) lan truyền khắp nơi như vậy: ‘Đức Phật được gọi là: Bậc A-la-hán vì Ngài xứng đáng được tôn kính, cúng dường.

Ngài là bậc Chánh Biến Tri (Sammāsambuddha) vì Ngài hiểu biết hoàn toàn tất cả các pháp.

Ngài được gọi là bậc Minh Hạnh Túc (Vijjācaraṇa-sampaññā), vì Ngài đã có đầy đủ trí tuệ và pháp hành.

Ngài được gọi là bậc Thiện Thệ (Sugata), vì Ngài nói ra những lời thiện lành.

Ngài được gọi là bậc Thế Gian Giải (Lokavidū), vì Ngài biết tường tận về Tam giới.

Ngài được gọi là bậc Điều ngự Vô song (Anuttaro purisa- dammasārathi), vì Ngài là bậc Điều ngự Vô song những kẻ đáng được điều ngự.

Ngài được gọi là Thiên Nhân sư (Satthā deva-manussānaṃ), vì Ngài là thầy của chư thiên và nhân loại.

Ngài được gọi là Phật (Buddha), vì Ngài giác ngộ Tứ Diệu Đế và hướng dẫn cho người khác giác ngộ Tứ Diệu Đế.

Ngài được gọi là Thế Tôn (Bhagavā), vì Ngài có sáu oai đức.

Đức Phật biết rõ hư không thế giới (okāsa-loka) cùng với chư thiên, ma vương và Phạm thiên của nó, cũng như thế giới chúng sanh (satta-loka) cùng với Sa-môn, Bà-la-môn, vua chúa và dân thường của nó qua trí tuệ đặc biệt của Ngài và giảng dạy chúng.

Đức Phật công bố Chánh pháp thiện hiền trong cả ba giai đoạn: giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối và cũng hoàn hảo về văn và nghĩa (không cần phải thêm bớt gì nữa). Ngài đã giảng dạy pháp hành cao quý hoàn hảo và thanh tịnh tuyệt đối (không có chút khuyết điểm nào phải loại bỏ). Hình ảnh của một bậc thánh A-la-hán như vậy quả thật là kỳ diệu.” Ông Bà-la-môn đã nghe được tất cả điều ấy.

Như vậy, ông Bà-la-môn Verañjā đã viếng thăm Đức Phật và trao đổi những lời thân thiện với Ngài. Sau khi đã trao đổi những lời thân thiện và những lời chúc lành, ông Bà-la-môn ngồi xuống ở một chỗ không có sáu khuyết điểm. Sau đó, ông ta bắt đầu công kích Đức Phật:

“Thưa Đức Gotama! Tôi đã nghe rằng Sa-môn Gotama không cúi chào, không đón tiếp cũng như không mời ngồi đối với những vị Bà-la-môn già cả, lớn tuổi của những thế hệ khác đang gần đất xa trời. Thưa Đức Gotama! Điều mà tôi đã nghe là đúng. Quả thật vậy, thưa Đức Gotama! Ngài đã không cúi chào, không đón tiếp, cũng như không mời ngồi đối với Bà-la-môn già cả, lớn tuổi của những thế hệ trước đang gần đất xa trời. Thưa Đức Gotama! Không có hành động tôn kính, cúi chào, v.v… quả thật hoàn toàn không đúng.”

Do không bị ô nhiễm bởi hai khuyết điểm là tự tán (atthukkaṃ sana) và hủy tán (paravambhana), lại có tâm thanh tịnh được rưới mát bởi nước đại bi (mahā-karunā) và với ý muốn đoạn trừ vô minh cho ông Bà-la-môn và để chỉ ra sự đúng đắn của Ngài, Đức Phật bèn đáp lại rằng: “Này ông Bà-la-môn! Trong hư không thế giới gồm có chư thiên, ma vương và Phạm thiên. Và trong thế giới chúng sanh gồm có Sa-môn, Bà-la-môn, vua quan và thường dân của nó, Như Lai không thấy có ai đáng được Như Lai tôn kính, đón tiếp hay mời ngồi. Nếu Như Lai chỉ tình cờ cúi chào hay đón tiếp hay mời ngồi một ai đó thì khi ấy cái đầu của người ấy sẽ vỡ ra và rơi xuống đất.”

Dù Đức Phật trả lời như vậy, nhưng ông Bà-la-môn Verañjā do thiếu trí nên không hiểu rõ lời của Đức Phật, Bậc vĩ đại nhất thế gian. Thay vào đó, ông ta tỏ ra tức giận khi nghe những lời nói của Đức Phật, vì vậy ông cáo buộc rằng:

(1) “Samôn Gotama là con người có tánh cách bất nhã”

Để làm nguôi dịu tâm nóng nảy của ông Bà-la-môn, Đức Phật không trực tiếp phản bác lời buộc tội của ông ta, mà để cho thấy rằng việc gọi Ngài là ‘con người bất nhã’ là có lý do nên Ngài đáp lại rằng: “Này ông Bà-la-môn! Quả là có lý do để người ta nói Như Lai là ‘Sa-môn Gotama là người có tánh cách bất nhã.” Lý do là như thế này, này ông Bà-la-môn! Khoái lạc trong các sắc, khoái lạc trong các âm thanh, khoái lạc trong các hương, khoái lạc trong các vị, khoái lạc trong các xúc. Tất cả những khoái lạc này Như Lai đã từ bỏ rồi. Này ông Bà-la-môn vì lý do này mà người ta nói về Như Lai nếu họ muốn như vầy ‘Sa-môn Gotama là người có tánh bất nhã,’ nhưng chư Phật hoàn toàn không có lý do mà ông muốn nói đến.”

(Ở đây, điều mà ông Bà-la-môn muốn nói là sự cúi mình chào đón, sự chắp tay và đảnh lễ trong thế gian gọi là sāmaggī-rasa (cách tạo ra sự hòa hợp giữa người này với người kia). Sāmaggī-rasa hoàn toàn vắng mặt trong người của Đức Gotama. Đó là lý do khiến ông Bà-la-môn chỉ trích Đức Phật khi nói rằng: ” Đức Gotama là người có tánh cách vô vị, tức là Ngài không có tánh cách hòa hợp (sāmaggī- rasa).

Nói cách khác, Đức Phật có ý nói rằng khoái lạc trong các sắc, khoái lạc trong các âm thanh, khoái lạc trong các hương, khoái lạc trong các vị, khoái lạc trong các xúc, mỗi loại khoái lạc như vậy được gọi là sāmaggī-rasa, vì mỗi loại khoái lạc chỉ tồn tại khi nào các yếu tố căn, cảnh, tâm, v.v… kết hợp với nhau một cách hòa hợp. Vì tất cả vị hòa hợp này đã bị Ngài đoạn tận. Ngài đã thoát khỏi năm loại hòa hợp này. Với ý nghĩ trong tâm người ta có thể gán cho Ngài là ‘con người có tánh cách bất nhã’ nếu họ muốn như vậy, nhưng Ngài tuyên bố rằng: “Chư Phật hoàn toàn không có lý do mà ông Bà-la-môn nhắm đến.”

Về vấn đề này, tại sao Đức Phật quả quyết rằng “Chư Phật hoàn toàn không có lý do mà ông Bà-la-môn nhắm đến.” Phải chăng điều này chung quy không thừa nhận giả thuyết rằng: “Đức Phật nên thọ trì vị hòa hợp (sāmaggī-rasa như: cúi chào, đón tiếp, mời ngồi, v.v…). Theo như điều mà ông Bà-la-môn nhắm đến câu hỏi như vậy có thể sanh lên. Câu trả lời là : Không.

Giải thích: Người nên thọ trì sāmaggī-rasa mà không thọ trì sự cúi chào, đón tiếp, mời người, v.v… như ông Bà-la-môn nhắm đến thì đáng bị gọi là ‘người không có tánh tốt’, vì người ấy không thể hiện sāmaggī-rasa dù người ấy có bổn phận làm như vậy. Còn đối với Đức Phật, Ngài không có gì phải làm về sāmaggī-rasa như ý ông Bà-la- môn nhắm đến (vì Ngài là bậc Vĩ đại nhất trong Tam giới). Cho nên, để chỉ rõ sự kiện rằng Ngài đã vượt lên trên sự thọ trì như vậy. Đức Phật tuyên bố rằng: “Chư Phật hoàn toàn không có lý do mà ông nhắm đến.”

Vì không thể gán lời chê trách Đức Phật như vậy về việc Ngài không có sāmaggī-rasa mà Bà-la-môn nhắm đến và muốn tạo ra một lời chỉ trích khác bèn nói rằng:

(2)  ” Sa-môn Gotama là người vô dụng”

Để cho thấy rằng có một lý do khác để gọi Ngài như vậy, Đức Phật bèn nói rằng:

“Này ông Bà-la-môn! Quả thật có lý do để nói về Như Lai là ‘Sa-môn Gotama vô dụng.’” Lý do là như thế này, này ông Bà- la-môn! Sự thọ dụng các sắc (paribhoga), sự thọ dụng các âm thanh, sự thọ dụng mùi hương, sự thọ dụng vị, sự thọ dụng các xúc với tâm tham ái. Tất cả những sự thọ dụng này Như Lai đã  từ bỏ. Này ông Bà-la-môn! Vì lý do này (sự vắng mặt của paribhoga – sự thọ dụng năm cảnh dục với tâm tham ái), cứ để người ta nói về Như Lai nếu họ muốn nói rằng ‘Sa-môn Gotama là người vô dụng’. Nhưng Chư Phật tuyệt đối không có lý do mà ông ám chỉ đến.”

Ở đây, điều mà ông Bà-la-môn ám chỉ đến là sự cúi mình và những hành động tôn kính khác được hiện đến những bậc trưởng thượng được thế gian công nhận là sāmaggī-paribhoga, sự thọ dụng vì sự hòa hợp vì Đức Phật không có sự thọ dụng như vậy nên Ngài bị chỉ trích là ‘người vô dụng’.

Theo Đức Phật, Ngài đã đoạn trừ sự thọ dụng năm loại cảnh dục đó là sắc, thinh, hương, vị và xúc với tâm tham ái. Và như vậy Ngài đã thoát khỏi sự thọ dụng như vậy. Do đó, Ngài xác nhận rằng, với ý nghĩ này trong tâm người ta có thể nói về Ngài là ‘người vô dụng’

Lần thứ hai, Bà-la-môn cũng không thể chỉ trích Đức Phật theo cách như thế này, ông muốn gán một lời buộc tội khác, bèn nói rằng:

(3) “Sa-môn Gotama là người tin theo thuyết phi tác nghiệp

Cũng như trước, để cho thấy rằng một lý khác để gọi Ngài là như vậy, Đức Phật nói:

“Này ông Bà-la-môn! Có lý do để nói về Như Lai rằng: “Sa-môn Gotama là người tin theo thuyết phi tác nghiệp.” Lý do là như thế này, này ông Bà-la-môn! Như Lai tuyên bố rằng: “Ba thân ác nghiệp, bốn khẩu ác nghiệp, ba ý ác nghiệp và tất cả những bất thiện nghiệp khác đều không nên làm. Vì lý do này, về lời tuyên bố của Như Lai rằng không nên làm những ác nghiệp, là niềm tin trong thuyết phi tác nghiệp. Cứ để người ta nói về Như Lai nếu người ta muốn nói rằng ‘Sa-môn Gotama là người tin theo  thuyết phi tác nghiệp.’ Nhưng chư Phật không có loại lý do ông ám chỉ đến.

Ở đây, điều mà ông Bà-la-môn muốn nói là ‘Tất cả mọi trong thế gian đều thực hành hạnh gia tộc (kulacāritta) như là cúi chào  trước các vị trưởng thượng, v.v… vì Đức Phật không thực hành điều như thế nên Ngài bị chỉ trích là ‘người tin vào thuyết phi tác nghiệp.’

Tuy nhiên, Đức Phật đã ám chỉ rằng Ngài thuyết giảng những ác nghiệp thì không nên làm, và vì thế có thể được xem là ‘vô tác luận.’

Vì cũng không thể chê trách Đức Phật như vậy, Bà-la-môn lại đưa ra một lời buộc tội khác, bèn nói rằng:

(4) ” Sa-môn Gotama là người tin theo thuyết Đoạn kiến”

Để làm nguôi dịu tâm của ông Bà-la-môn. Cũng như những trường hợp trước, Đức Phật muốn chỉ rõ rằng có một nguyên nhân khác để gọi Ngài như vậy, Ngài nói:

“Này ông Bà-la-môn! Có lý do để nói về Như Lai rằng ‘Sa-môn Gotama là người tin theo thuyết đoạn kiến.’ Lý do là như thế này, này ông Bà-la-môn! Như Lai thuyết pháp đoạn diệt về tham (rāga), đoạn diệt sân (dosa), đoạn diệt si (moha) và đoạn diệt những ác nghiệp khác. Này ông Bà-la-môn vì lý do này (sự thuyết pháp về đoạn diệt tham, diệt sân, diệt si và những ác nghiệp khác vốn là đoạn kiến) người ta có thể nói về Như Lai nếu họ muốn nói rằng ‘Sa-môn Gotama là người tin theo thuyết

Đoạn kiến.’ Còn lý do mà ông nói đến thì chư Phật hoàn toàn không có.”

(Ở đây, ông Bà-la-môn vì thấy Đức Phật không có pháp tôn kính như cúi đầu chào, mời ngồi, v.v… đến những người già cả nên ông ta nghĩ rằng ‘truyền thống bày tỏ sự tôn kính trong thế gian đã bị đoạn diệt do bởi Sa-môn Gotama’ và ông chỉ danh Ngài là ‘người theo thuyết Đoạn kiến.’)

Tuy nhiên, Đức Phật dạy mọi người đoạn diệt tham, sân, si và những ác nghiệp ác bằng những loại đạo Tuệ riêng của họ. Do đó, Ngài công nhận rằng với ý nghĩ ấy trong tâm người ta có thể gọi Ngài là ‘người theo thuyết Đoạn kiến.’

Vì không thể buộc tội Đức Phật theo cách như vậy, ông Bà-la- môn lại đưa ra một lời buộc tội khác và nói rằng:

(6)  “Sa-môn Gotama là người có tánh hay ghê tởm”

Cũng như trước, để chỉ rõ rằng có một lý do khác để gọi Ngài như vậy, Đức Phật nói:

“Này ông Bà-la-môn! Quả thật là có duyên cớ để nói về Như Lai là ‘Sa-môn Gotama là người có tánh hay ghê tởm’. Lý do là như thế này: “Này ông Bà-la-môn! Như Lai ghê tởm về ba thân ác nghiệp, bốn khẩu ác nghiệp, ba ý ác nghiệp và những ác nghiệp khác. Này ông Bà-la-môn! Vì lý do này (sự ghê tởm các ác nghiệp) mà người ta có thể nói về Như Lai. Nếu họ muốn nói rằng ‘Sa-môn Gotama là người có tánh hay ghê tởm.’ Nhưng chư Phật hoàn toàn không có lý do mà ông muốn nói đến.”

Ở đây, ông Bà-la-môn nghĩ rằng Đức Phật không thực hành hạnh gia tộc (kula-cāritta), như cúi chào trước các bậc trưởng thượng (vuddhapacāyana), v.v… chỉ vì Ngài ghê tởm họ cho nên ông Bà-la- môn đã gán cho Ngài là ‘người có tánh hay ghê tởm’.

Tuy nhiên, Đức Phật có ý nói rằng Ngài ghê tởm các ác nghiệp và do đó công nhận rằng với ý nghĩ trong tâm người ta có thể nói về Ngài là ‘người có tánh hay ghê tởm’.

Vì không thể cáo buộc được Đức Phật như vậy, ông Bà-la-môn lại đưa ra một lời cáo buộc khác, bèn nói:

(7)  “Sa-môn Gotama là kẻ hủy diệt”

Cũng như trước, để chỉ rõ rằng cũng có một lý do khác để nói Ngài như vậy. Đức Phật nói:

“Này ông Bà-la-môn! Có lý do để nói về Như Lai rằng ‘Sa-môn Gotama là kẻ hủy diệt’. Lý do là như thế này, này ông Bà-la- môn! Sự thuyết giảng pháp hủy diệt tham, hủy diệt sân, hủy diệt si và những điều ác khác. Này ông Bà-la-môn vì lý do này, cứ để người ta nói về Như Lai nếu họ muốn nói rằng ‘Sa-môn Gotama là kẻ hủy diệt’. Nhưng chư Phật hoàn toàn không có lý do mà ông ám chỉ đến.”

Ở đây, ông Bà-la-môn vì không thấy ở Đức Phật có hành động tôn kính đến những người già cả nên ông ta nghĩ rằng Đức Phật là người đại hủy diệt pháp hành to lớn nhất này và sự tôn kính những người lớn tuổi (vuddhapacāyana) và gán cho Ngài là ‘kẻ hủy diệt’.

Tuy nhiên, Đức Phật dạy hàng đệ tử diệt tham, diệt sân, diệt si và các pháp bất thiện khác. Ngài công nhận rằng với ý nghĩ như vậy trong tâm người ta có thể gọi Ngài là ‘người hủy diệt’.

Vì không thể cáo buộc Đức Phật theo cách như vậy, ông Bà-la- môn lại đưa ra một lời cáo buộc khác, ông nói:

(8) “Sa-môn Gotama là người khổ hạnh”

Cũng như trước, để cho thấy rằng để có một lý do khác để gọi Ngài như vậy, Đức Phật nói:

“Này ông Bà-la-môn! Có lý do để nói về Như Lai rằng ‘Sa-môn Gotama là người khổ hạnh (tapassi), người đoạn diệt các pháp khổ hạnh. Lý do là như thế này, này ông Bà-la-môn! Như Lai tuyên bố rằng: ba thân ác nghiệp, bốn khẩu ác nghiệp, ba ý ác nghiệp và tất cả những bất thiện pháp khác là những pháp đau khổ (tapaniya dhamma – những pháp gây sầu khổ cho tất cả nhân loại và những loài chúng sanh khác). Này ông Bà-la-môn! Như Lai tuyên bố rằng người đoạn diệt những ác nghiệp ấy là người khổ hạnh đối với các pháp đau khổ. Này ông Bà-la-môn! Như Lai, bậc Thiện thệ, giống như chư Phật quá khứ đoạn diệt tất cả những ác nghiệp ấy. Này ông Bà-la-môn! Vì lý do này (về sự  diệt trừ tất cả các pháp gây đau khổ được gọi là tapa), cứ để người ta nói về Như Lai như vậy nếu họ muốn nói rằng ‘Sa-môn Gotama là người khổ hạnh.’ Nhưng chư Phật hoàn toàn không  có lý do mà ông muốn ám chỉ đến.”

Ở đây, điều mà ông Bà-la-môn muốn nói là như thế này: những người biểu lộ hành động tôn kính như cúi chào, mời ngồi, v.v… đối với những người già cả, trưởng thượng. Những người không biểu lộ hành động tôn kính như vậy là làm khổ tâm những người già cả, trưởng thượng. Đức Phật không làm điều ấy. Do đó, ông Bà-la-môn cho rằng Sa-môn Gotama là người làm khổ đối với những người già cả, trưởng thượng.

Tuy nhiên, Đức Phật gọi những điều ác là những yếu tố gây đau khổ (tapa-dhamma). Vì chúng thường làm khổ thế giới hữu tình. Sự đoạn trừ những điều ác đã được làm xong đối với Ngài. Người đã đoạn trừ những điều ác là bậc Tapassi. Bởi vậy, có định nghĩa rằng : “Tape assī ti tapassī. ” Cho nên Ngài tán đồng với danh hiệu được gán cho Ngài rằng ‘Sa-môn Gotama là người đoạn trừ những kẻ làm khổ mình, hay nói đúng hơn là ‘kẻ hành hạ tất cả những điều ác được gọi Tapa.’

Vì không thể đưa ra lời chỉ trích Đức Phật như vậy, ông Bà-la- môn đưa ra một lời chỉ trích khác, ông ta nói :

(9)  “Sa-môn Gotama hầu như không thể sanh về thiên giới”

Vì Đức Phật đã đoạn trừ bốn hình thức tái sanh trong tương lai, Ngài muốn cho thấy một cách khác rằng Ngài đã thoát khỏi sự tái  sanh (apagabbha). Ngài nói:

“Quả thật có lý do để nói về Như Lai rằng ‘Sa-môn Gotama hầu như không thể sanh về cõi chư thiên.” Lý do là, này ông Bà-la- môn! Như Lai tuyên bố rằng Như Lai, bậc A-la-hán đã viễn ly bốn điều kiện tái sanh trong tương lai là bậc apagabbha, người đã vượt qua sự tái sanh. Này ông Bà-la-môn! Như Lai, bậc Thiện Thệ như chư Phật quá khứ đã đoạn tận bốn cách tái sanh. Này ông Bà-la-môn! Vì lý do này ( lý do đoạn tận bốn hình thức tái sanh trong tương lai), nên người ta có thể nói về Như Lai nếu họ muốn nói rằng ‘Sa-môn Gotama hầu như không thể tái sanh về cõi Chư thiên.’ Nhưng chư Phật hoàn toàn không có lý do mà ông muốn ám chỉ đến.”

Ở đây, điều mà ông Bà-la-môn muốn nói là như thế này ‘sự kính lễ đến những người lớn tuổi như chào, đón tiếp, mời ngồi, v.v… là việc phước dẫn đến tái sanh trong cõi chư thiên. Do tin tưởng như vậy, ông ta gán cho Đức Phật là người ‘hầu như không thể tái sanh vào cõi chư thiên,’ vì ông ta thấy Ngài không có những hành động tôn kính. Nghĩa là Đức Phật không có cơ hội đạt đến cõi chư thiên, thay vào đó Ngài phải trú trong bào thai nhờm gớm của người mẹ trong tương lai.

Tuy nhiên, Đức Phật muốn nói rằng Ngài không còn sự tái sanh nào cả cho nên tán đồng với danh hiệu được gán cho Ngài là ‘người hầu như không thể tái sanh vào cõi chư thiên’.

Dầu ông gán cho Đức Phật tám lời buộc tội như ‘người có tánh bất nhã,’ v.v… từ lúc bắt đầu gặp gỡ Đức Phật. Tuy nhiên, Đức Phật với tâm bi mẫn đã nhìn ông ta với ánh mắt thanh tịnh giống như trăng rằm nổi lên giữa bầu trời trong xanh không có đám mây đen, như mặt trời chiếu sáng trên cao giữa mùa thu. Cũng vậy, Đức Phật, bậc Chánh đẳng giác vì muốn đoạn diệt bóng tối vô minh trong tâm ông Bà-la- môn nên Ngài biến những lời buộc tội của ông Bà-la-môn thành những lời tôn vinh của ông ta.

Bấy giờ chư Phật cho thấy sự vi diệu của tâm đại bi, tâm bất động như đại địa trước tám pháp thế gian và tâm yên lặng không nhiễu loạn dù nhiều người lăng mạ Ngài. Ngài suy xét: “Này ông Bà-la- môn! Tin tưởng một cách khinh xuất rằng ông ta là bậc trưởng thượng (trước một vị Phật) chỉ vì những tướng của thế tục trên người của ông ta như: tóc bạc, răng rụng, da nhăn, v.v… Ông ta chẳng biết chút gì rằng ông ta gần kề với sự tái sanh, đang bị hành hạ bởi cái khổ của tuổi già, sức yếu, bị đe dọa bởi cái chết, cũng không biết rằng ông ta sẽ chết ngay hôm nay và trở thành một đứa bé trong ngày mai. Tuy nhiên, ông ta đã đến với Như Lai bằng sự cố gắng to lớn. Mong rằng chuyến viếng thăm của Như Lai đến ông là một chuyến viếng thăm có nhiều lợi ích.”

Để làm sáng tỏ  điều này,  rằng  Ngài là  Bậc  Vô song tối thượng trong chúng sanh. Đức Phật đã thuyết pháp một cách chi tiết như sau: “Này ông Bà-la-môn! Giả sử có một con gà mái có tám trứng, mười trứng hay mười hai trứng. Con gà mái ấy có ba công việc để làm là ấp trứng, truyền hơi nóng cho trứng và tỏa mùi của nó trên trứng (trong tất cả con gà được nằm trong trứng được chăm sóc như vậy), con đầu tiên chui ra khá dễ dàng sau khi làm bung vỏ trứng mỏng bằng cái mỏ của nó. Vậy ông sẽ gọi nó là con lớn hay con nhỏ?” Ông Bà-la-môn đáp: “Thưa Sa-môn Gotama! Nó nên được gọi là con lớn. Trong tất cả những con gà con, con chui ra đầu tiên là con gà lớn nhất vì nó xuất hiện trước nhất.”

Khi ấy Đức Phật dạy: “Này ông Bà-la-môn! Cũng vậy, tất cả chúng sanh nằm trong cái vỏ của vô minh, bị che kín bởi lớp vỏ vô minh. Một mình Như Lai trong khắp thế gian này đã giác ngộ đầu tiên Đạo Tuệ A-la-hán, Chánh đẳng giác Vô thượng vô song sau khi phá vỡ lớp vô minh. Này ông Bà-la-môn! Như vậy, Như Lai là bậc Tối thượng Vô song trong thế giới chúng sanh này.”

Ở đây, để giải thích về ví dụ so sánh như sau liên quan đến phần upamāna, phần thứ hai của sự so sánh là những con gà con, những cái trứng không bị thối vì gà mẹ đã chăm sóc bằng ba cách đó là ấp trứng, truyền hơi nóng và truyền mùi của nó cho chúng. Những lớp màng mỏng bên ngoài khi ấy sẽ khô ráo, vỏ trứng mỗi ngày một mỏng hơn, móng và mỏ của những con gà con ngày càng trở nên lớn và cứng hơn, và gà con trong trứng cũng mạnh hơn. Từ đó, vỏ trứng cứ mỏng dần theo thời gian, ánh sáng bên ngoài cái vỏ đi vào bên trong trứng. Rồi những con gà con suy nghĩ ‘Ta đã bị giam cầm trong cái vỏ này thật là lâu. Ánh sáng xuất hiện bên ngoài, chúng ta sẽ sống thoải mái bên ngoài có ánh sáng.’ Do ước muốn thoát ra ngoài, chúng dùng chân tống cái vỏ, cố gắng vươn cái cổ lên. Do đó, vỏ trứng bị vỡ thành hai mảnh. Khi ấy những con gà con thoát ra ngoài cái vỏ, nhúc nhích đôi cánh và kêu chíp chíp. Trong những chú gà con này, con gà ra khỏi đầu tiên nên được gọi là con gà con lớn nhất.

Liên quan đến upameyya, nhân vật đầu tiên của sự so sánh là Đức Phật. Ba hình thức chăm sóc của gà mẹ là ấp, truyền hơi nóng và truyền mùi của nó có thể ví như ba hành động Minh sát (anupassanā) của Đức Phật là quán sát vô thường (annica), khổ (dukkha), và vô ngã (anatta) dưới cội cây Bồ đề khi vẫn còn là vị Bồ tát trong kiếp chót. Những cái trứng không bị thối nhờ ba hình thức chăm sóc của gà mẹ có thể được ví như ba Tuệ quán (vipassanā-ñāṇa) không suy giảm của Bồ tát do bởi ba phép quán của Ngài. Sự làm khô màng mỏng bên ngoài do bởi ba công việc chăm sóc của gà mẹ có thể ví như sự diệt tận ái dục của Bồ tát (nikanta-taṇhā) đối với ba hữu lậu do bởi ba phép quán của Ngài. Những vỏ trứng mỗi ngày một mỏng dần do  hành động chăm sóc của gà mẹ có thể ví như mỏng dần lớp vỏ vô minh do bởi ba pháp quán của Bồ tát. Sự lớn dần mà cứng dần của cái mỏ và móng chân nơi những con gà con do bởi ba hình thức chăm sóc của gà mẹ có thể ví như Tuệ quán của Bồ tát đang ngày trở nên sắc bén, kiến cố và sáng tỏ hơn do nhờ ba pháp quán của Ngài. Thời gian trưởng thành của những cái móng và mỏ của con gà con do bởi hành động chăm sóc của gà mẹ có thể ví như thời gian chín muồi, thời gian phát triển và thời gian hoàn hảo Tuệ Quán của Bồ tát do nhờ ba pháp quán của Ngài. Giây phút hạnh phúc của con gà con được vỗ cánh sau khi phá được cái vỏ nhờ những cái móng và cái mỏ nhờ ba hành động chăm sóc của gà mẹ có thể ví như giây phút Bồ tát giác ngộ những ân đức của một vị Phật một cách dễ dàng sau chứng đắc Tuệ quán và phá vỡ cái vỏ vô minh bằng Đạo Tuệ A-la-hán và vươn mình vỗ đôi cánh của các pháp thần thông. Tất cả những điều này do ba pháp quán của Ngài.

Do đó, để tiếp tục cho thấy rằng “Bằng phương tiện thực tiễn này cho thấy rằng Như Lai đã đạt đến địa vị tối thượng vô song.” Đức Phật kể lại chi tiết cách Ngài chuyên tâm trong pháp hành thiền qua bốn pháp tinh tấn dưới cội cây Bồ Đề (Mahābodhi mandala), cách Ngài chứng đắc các tầng thiền hiệp thế, cách Ngài chứng đắc Túc mạng thông (pubbenivāsañāṇa) vào canh đầu (đêm rằm tháng Vesakha năm 103 Māha Era). Cách Ngài trở thành bậc Thánh sanh đầu tiên (ariya-jāti) sau khi phá lớp vỏ vô minh mà đã bao trùm trong vô số kiếp quá khứ của Ngài. Cách Ngài chứng đắc Thiên nhãn thông (dibba-cakkhu) vào canh giữa của đêm ấy sau khi phá tan lớp vỏ vô minh che chắn những kiếp tái sanh của Ngài sau khi chết (cuti- paṭisandhi). Cách Ngài chứng đắc A-la-hán Đạo Tuệ (Trí giác ngộ lần thứ ba) gọi là asavakkhaya vào canh cuối sau khi phá tan lớp vô minh che kín bốn chân lý vi diệu.

Sự quy y của Bà la môn Verañjā

Như vậy, với tâm đại bi của Đức Phật đối với ông Bà-la-môn Verañja sau khi kể lại sự thánh sanh của Ngài qua bài pháp thoại, mô tả rõ ràng ba loại tuệ thì ông Bà-la-môn cảm thấy sung sướng cả thân tâm. Ông biết được tánh chất vĩ đại của Đức Phật và tự trách mình rằng: “Ta đã lầm lạc chỉ trích Đức Phật, bậc Tối thượng trong ba cõi chúng sanh, bậc có đầy đủ tất cả những ân đức bằng những lời như ‘Sa-môn Gotama không có sự tôn kính đến những người già cả.’ Ôi! Thưa các vị! Vô minh thật là ghê tởm.” Do đã tin rằng “Đức Gotama là bậc Tối thượng, vì Ngài là bậc Thánh sanh đầu tiên trong thế gian. Ngài là bậc Tối thắng trong tất cả các ân đức.” Ông Bà-la-môn bèn khẩn cầu Đức Phật: “Sa-môn Gotama quả thật là vĩ đại nhất trong thế gian. Sa-môn Gotama quả thật là bậc Tối hảo nhất trong thế gian. Thật hoan hỷ thay, thưa Sa-môn Gotama! Qua ví dụ trong thế gian, giống như một vật gì đó bị úp xuống lại được giở lên, như vật bị che kín được mô tả, như người lạc đường được chỉ đúng lối, như cây đuốc được thắp sáng trong đêm tối để những người có mắt sáng được nhìn thấy mọi vật xung quanh. Cũng vậy, Sa-môn Gotama đã giảng dạy Giáo Pháp cho con bằng nhiều cách. Thưa Sa-môn Gotama! Con xin quy y Phật, Pháp và Tăng từ nay cho đến trọn đời. Thưa Sa-môn Gotama! Xin hãy bi mẫn chấp nhận con là người cận sự nam (upāsaka) quy y Tam Bảo trọn đời.”

Sau khi đã quy y, ông Bà-la-môn nói lời thỉnh cầu rằng: “Cầu xin Đức Gotama cùng với hội chúng tỳ khưu hãy an cư kiết hạ tại ngôi làng Verañjā này để cho chúng con được tạo phước.” Đức Phật im lặng tỏ ý nhận lời thỉnh cầu của ông Bà-la-môn. Vốn rành mạch trong ứng xử, ông Bà-la-môn suy xét: “Nếu Sa-môn Gotama không nhận lời thỉnh cầu của ta thì ắt hẳn Ngài đã từ chối qua lời nói hoặc cử chỉ. Xét thấy rằng Ngài không có sự biểu hiện của sự từ chối, chỉ có đồng ý. Như vậy, trong tâm của Ngài, Ngài đã nhận lời thỉnh cầu của ta rồi”. Sau khi biết được ý định chấp nhận của Đức Phật, ông Bà-la-môn đứng dậy và đảnh lễ Đức Phật từ bốn phía và nhiễu quanh Đức Phật ba vòng với thân bên phải của ông ta hướng về Đức Thế Tôn. Tuy ông ta trách Đức Phật ngay từ khi ông ta mới đến yết kiến Ngài là không có sự tôn kính đến các vị trưởng thượng, giờ đây ông ta hết mực tôn kính Đức Phật bằng hành vi của thân, lời nói và ý nghĩ nhiều lần lập đi lập lại mà không biết thỏa mãn một khi ông ta hiểu được các oai đức của Đức Phật. Ông ta chắp hai tay lên trán hướng về Đức Phật đi lùi dần và cuối cùng đến khi không còn thấy Đức Phật nữa. Ông ta đem hết sự tôn kính của mình đảnh lễ Đức Phật rồi ra đi.

Theo lời thỉnh cầu của ông Bà-la-môn Verañjā, Đức Phật trải qua mùa an cư thứ mười hai tại thị trấn Verañjā cùng với năm trăm vị tỳ khưu.

Nạn đói ở thành phố Verañjā

Lúc bấy giờ, ở thành phố Verañjā bị cạn kiệt về lương thực, kiếm miếng ăn ở đó thật rất là khó khăn. Khắp thành phố đâu đâu cũng thấy những bộ xương trắng nằm la liệt. Dân chúng kiếm miếng ăn bằng việc rút thăm. Do đó, thật không dễ dàng kiếm được một ít  vật thực dành cho những vị tỳ khưu đi khất thực. Những thương nhân buôn ngựa của miền bắc Uttarāpatha lúc bấy giờ đang ở chung với năm trăm con ngựa tại thành phố Verañjā đang trú ẩn qua mùa mưa. Tại những bãi nuôi ngựa, những lái buôn thường bố thí một pattha  lúa mạch đến một tỳ khưu. Khi các vị tỳ khưu vào buổi sáng đi vào thành phố để khất thực mà không kiếm được gì thì họ đi đến chỗ nuôi ngựa và nhận một pattha lúa mạch rồi đem về tịnh xá giả thành bột để ăn. Tại Verañjā khó có thể đi xa vì những cơn mưa nặng hạt kéo dài suốt bốn tháng mùa mưa. Vì vậy, những người buôn ngựa phải cho ngựa trú lại ở đó để tránh mưa. Họ dựng lên những chuồng ngựa và những chỗ ngụ ở những chỗ đất cao bên ngoài thành phố để trú ngụ. Những chỗ này của những lái buôn ngựa được gọi là bãi ngựa.

Họ đem theo lúa mạch đã được xấy khô và bóc vỏ để giữ lâu dài tránh sâu mọt và làm thức ăn cho ngựa phòng khi không có cỏ tươi và cỏ khô. Những thương buôn này (của xứ Uttarāpatha) không phải không có niềm tin như những người Dakkhināpattha. Họ có đức tin và niềm tịnh tín đối với Tam Bảo. Một buổi sáng nọ, họ đi vào thành phố để sinh hoạt buôn bán, họ thấy những vị tỳ khưu đi từng nhóm bảy tám vị để khất thực nhưng chẳng có chút vật thực nào và họ đã bàn luận với nhau rằng: “Những vị tỳ khưu thánh thiện này đang an cư  kiết hạ, sống dựa vào thành phố Verañjā này. Nhưng ở đây đang bị nạn đói. Do không kiếm được vật thực chắc các Ngài gặp không ít khó khăn. Vì chúng ta là những người khách đến đây, chúng ta không có khả năng để cúng dường đến các Ngài món cơm dẻo và vật thực đầy đặn mỗi ngày được. Nhưng những con ngựa của chúng ta thì được ăn hai lần mỗi ngày, ban ngày và buổi tối. Do đó, vấn đề cấp thiết là chúng ta nên sớt ra một pattha từ khẩu phần của mỗi con ngựa để dâng cúng đến một vị tỳ khưu. Nếu chúng ta làm nhưng thế thì các vị tỳ khưu sẽ bớt khó khăn trong việc nuôi mạng mà những con ngựa  vẫn có đủ vật thực sống qua ngày.” Do đó, họ đi đến các vị tỳ khưu và đưa ra lời đề nghị của họ với các Ngài rồi thỉnh cầu các Ngài: “Kính bạch chư đại đức! Xin hãy thọ lãnh một pattha lúa mạch và dùng nó làm ra thức ăn theo ý thích của các Ngài.” Và như vậy, mỗi ngày họ dâng cúng đều đặn một pattha lúa mạch đến một vị tỳ khưu.

Khi các Ngài đã đi vào thành phố Verañjā để khất thực, các Ngài không những không nhận được chút vật thực nào mà ngay cả một lời thối thác tế nhị cũng không có. Chỉ khi nào họ đến bãi ngựa ở bên ngoài thành phố, khi ấy mỗi vị tỳ khưu mới nhận được một pattha lúa mạch và đem về tịnh xá để chế biến thành vật thực. Bởi vì không có những người cận sự giúp đỡ các Ngài nấu thành món cơm dẻo hay chế biến ra một loại bánh bột mì nào đó. Lại nữa, giới luật tỳ khưu không cho phép nấu nướng nên các Ngài ngồi lại thành từng nhóm tám vị , mười vị hoặc đem lúa mạch bỏ vào trong những cái cối nhỏ rồi giả ra thành bột, sau đó mỗi vị lấy một phần của mình đem trộn với nước lạnh và ăn như vậy. Vì các Ngài nghĩ rằng: “Bằng cách này chúng ta sẽ có sự nuôi mạng nhẹ nhàng (sallahukavutti) và không bị phạm tội nấu  nướng  là  tội  Tác  ác  (samāpaka-dukkaṭa  āpatti).  Sau  khi  đã  độ xong món vật thực như vậy, các Ngài thanh thản và chuyên tâm vào pháp tu.

Đặc biệt, đối với Đức Phật thì những người buôn ngựa đã cúng dường đến Ngài một pattha lúa mạch và một lượng bơ, mật ong, và mật đường tương xứng. Đại đức Ānanda đem lúa mạch xay thành bột rồi trộn với mật ong, bơ và đường rồi đem dâng dến Đức Phật. Khi ấy, chư thiên cũng trộn vật thực chư thiên (ambrosia) vào trong phần ăn của Đức Phật. Đức Phật độ món ăn ấy và sau đó Ngài nhập vào thiền quả. Từ khi có nạn đói thì Đức Phật không đi khất thực.

Ở đây, điều thắc mắc là phải chăng đại đức Ānanda là thị giả (upatthaka) của Đức Phật suốt thời gian an cư kiết hạ tại thành phố Verañjā? Câu trả lời là: Đúng vậy, nhưng đại đức chưa giữ địa vị ấy.

Giải thích: Vào sơ giác thời (hai mươi năm hoằng pháp đầu tiên của Đức Phật, Ngài chưa có thị giả nhất định. Khi thì trưởng lão Nāgasamāla, khi thì trưởng lão Nāgita, khi thì trưởng lão Meghiya,  khi thì trưởng lão Upavana, khi thì trưởng lão Sāgata, đôi khi do một vị hoàng tử Liccavī tên Sunakkhatta hầu hạ và về sau vị hoàng tử này xuất gia. Những vị tỳ khưu này tình nguyện hầu hạ Đức Phật và họ rời khỏi Đức Phật khi họ muốn.

Khi các vị tỳ khưu nói trên hầu hạ Đức Phật thì đại đức Ānanda không can dự vào công việc của họ, nhưng khi họ ra đi thì đại đức làm hết mọi phận sự lớn nhỏ của mình. Đức Phật chấp nhận đại đức Ānanda bởi vì Ngài nghĩ rằng: “Ānanda, người quyến thuộc xứng đáng này của ta là người tốt nhất để hầu hạ ta trong tất cả những vấn đề này dù người này chưa đạt được địa vị thị giả của ta.” Vì thế mới có việc đại đức Ānanda sửa soạn và cúng dường món lúa mạch trộn với mật ong, bơ và mật đường khi không có vị thị giả nào khác tại Verañjā trong suốt mùa an cư và sau khi Đức Phật độ thực, Ngài an trú vào quả định (phala-samāpatti). Về vấn đề này, những câu hỏi và trả lời sau đây đặc biệt cần được lưu ý.

Câu hỏi: Có phải rằng mọi người thường có khuynh hướng phấn đấu nhiều để làm những việc phước trong thời kỳ mà vật thực khan hiếm? Có phải họ nghĩ rằng họ không nên hưởng thụ mà nên bố thí đến các vị tỳ khưu? Tại sao khi ấy không một ai dâng cúng dù chỉ một vá vật thực trong khi Đức Phật đang nhập hạ tại Verañjā? Tại sao ông Bà-la-môn không quan tâm đến sự hiện diện của Đức Phật dù trước đó ông ta đã tha thiết thỉnh cầu Đức Phật nhập hạ tại đó?

Câu trả lời: Sự lãnh đạm của dân chúng và Bà-la-môn là do sự kiểm soát vô hình của ma vương.

Giải thích: Ma vương dùng năng lực che ám Bà-la-môn Verañjā ngay khi ông ta rời khỏi Đức Phật. Ma vương cũng làm như vậy đối với dân chúng Verañjā  và dân chúng ở vùng quanh thành  phố, những vùng bao quanh rộng ra một do tuần bao trùm hết sự đi lại của các vị tỳ khưu khi các Ngài đi khất thực vào buổi sáng. Ma vương che án khiến họ quên đi sự có mặt của Đức Phật và chúng Tăng. Do đó, không ai nhớ đến để tôn kính Đức Phật.

Câu hỏi: Phải chăng Đức Phật nhập hạ mà không biết trước sự quấy phá của Ma vương?

Trả lời: Không, không phải là không biết. Ngài vẫn nhập hạ dù Ngài biết trước ý đồ của Ma vương.

Câu hỏi: Nếu Đức Phật đã biết trước như vậy thì tại sao Ngài lại nhập hạ ở Verañjā mà không đến nhập hạ ở Campā hay Sāvatthi hoặc Rājagaha hay bất cứ một thành phố nào khác? 

Trả lời: Vào năm ấy, ngay thời điểm ấy, dù Đức Phật nhập hạ  ở Bắc-cu-lô-châu (Uttara-kuru) hay ở cõi trời Đạo lợi (Tāvatiṁsa) đi nữa thì Ma vương vẫn làm như vậy chớ nói gì đến Campā, Sāvatthi, hay Rājagaha hay bất cứ một thành phố khác. Trong năm ấy, Ma vương rất tức giận thù ghét Đức Phật. Tuy nhiên, tại thành phố Verañjā, Đức Phật biết trước rằng những người buôn ngựa sẽ đến để cúng dường vật thực đến chư Tăng và làm giảm khó khăn về vật thực.

Câu hỏi: Có phải Ma vương không thể khống chế những người buôn ngựa?

Trả lời: Đúng vậy, vì những người buôn ngựa đến sau khi ma vương khống chế dân chúng và đã bỏ đi.

Câu hỏi: Dù họ đến sau khi ma vương đã bỏ đi rồi, nhưng tại sao Ma vương không trở lại và dùng năng lực của mình để tác động đến những người thương buôn?

Trả lời: Vị ấy không làm được vì không có khả năng làm vậy. Giải thích: Có ba điều mà Ma vương không thể làm hại Đức

Phật: (1) Món ăn đã được nấu và được đem đến để cúng dường, (2) Vật thực cúng dường được quyết định là phận sự thường ngày của những người nghĩ rằng ‘Chúng ta sẽ cúng dường đến Đức Phật suốt thời gian như vậy, (3) Vật được đem đến tịnh xá với lời tác bạch: “Cái này được dâng cúng để Đức Phật sử dụng như là một trong bốn món vật dụng.”

(Giải thích chi tiết hơn: sau đây là bốn điều mà không ai có thể làm hại được: (1) Vật thực được mang đến để dâng cúng và bốn món vật dụng được quyết định làm vật cúng dường thường xuyên đến Đức Phật, (2) Mạng sống của Đức Phật thường là 4/5 (bốn phần năm) thọ mạng của loài người thời kỳ Ngài xuất hiện, nghĩa là không ai có thể cắt đứt mạng sống của Đức Phật Gotama trước khi Ngài được tám mươi tuổi, tức là 4/5 của một trăm tuổi (thọ mạng lúc bấy giờ của loài người là một trăm tuổi), (3) Những hảo tướng chính và hảo tướng phụ và hào quang từ thân của Ngài thực tế là ánh sáng của mặt trăng, mặt trời. Hào quang của chư thiên và Phạm thiên đều biến mất khi đến chỗ mà có hảo tướng và hào quang của Đức Phật chiếu sáng, (4) Nhất thiết trí của Đức Phật. Do đó, có thể nói rằng Ma vương không thể ngăn lúa mạch vì nó được dùng bởi Đức Phật và năm trăm vị Thinh văn đệ tử của Ngài).

Nghiệp quá khứ của Đức Phật khiến Ngài phải gặp nạn đói

Nghiệp quá khứ của Đức Phật khiến Ngài và năm trăm vị tỳ khưu phải gặp nạn đói như vậy tại Verañjā là thế này: Cách đây chín mươi hai kiếp (kappa), trong thời kỳ Giáo pháp của Đức Phật Phussa, Bồ tát là người xấu do chơi chung với bạn ác. Lúc bấy giờ, Bồ tát dùng lời nói độc ác để nói các vị tỳ khưu Thinh văn đệ tử của Đức Phật như vầy: “Các ngươi nên ăn món ăn bằng lúa mạch thô. Hãy ăn nó, đừng ăn món ăn bằng gạo tốt Sāli.” Ác nghiệp ấy là nguyên nhân khiến Ngài phải gặp nạn đói khi Ngài đang nhập hạ tại Verañjā (câu chuyện được kể lại từ bộ Apadāna Pāḷi).

Đức Phật ban phúc lành

Đức Phật đã nghe tiếng giả gạo trong những cái cối xay.

Chư Phật vẫn hỏi dù các Ngài đã biết

Các Ngài biết nhưng không hỏi (không có điều gì mà các Ngài không biết).

Các Ngài biết lúc nào thích hợp để hỏi.

Các Ngài biết thời gian thích hợp và không hỏi.

Các Ngài hỏi điều gì lợi ích; các Ngài không hỏi điều gì không có lợi ích (Các Ngài không hỏi điều gì sẽ đem lại lợi ích và các Ngài không hỏi điều gì sẽ không đem lại lợi ích).

Điều không lợi ích các Ngài đoạn tận nó bằng Đạo Tuệ.

Các Ngài hỏi các vị tỳ khưu với hai lý do hoặc để thuyết pháp hoặc để ban hành luật.

Lúc bấy giờ, Đức Phật hỏi đại đức Ānanda: “Này Ānanda! Âm thanh phát ra từ những cái cối là gì vậy?” Đại đức Ānanda bèn trình bày điều đã được kể lại ở trên. Ngay khi ấy, Đức Phật dạy: “Tốt lắm, này Ānanda! Tốt lắm, này Ānanda! Con là người có phẩm chất đạo đức tốt, đã khắc phục được món cơm Sāli nấu với thịt (bằng cách không đầu hàng trước sự khan hiếm của vật thực, bằng cách không muốn và hoàn toàn không để bản thân rơi vào con đường lầm lạc bởi những ham muốn bất thiện). Món cơm có thịt mà con đã khắc phục như vậy cũng sẽ bị các thế hệ sau xem thường.”

Những lời khẳng khái của Trưởng lão Moggallāna

Đại đức Mahā Moggallāna là người đã đạt đến đỉnh cao về sự hoàn hảo của trí tuệ Thinh văn giác vào ngay thuở sau khi xuất gia Sa- môn. Trưởng lão cũng được Đức Phật đặt vào địa vị tối thượng về thần thông. Dựa vào những pháp thần thông của mình, trưởng lão suy nghĩ như vầy: “Giờ đây thực phẩm đang bị khan hiếm tại Verañjā, các vị tỳ khưu đang gặp khó khăn. Sẽ thế nào nếu ta lật lớp dưới của quả đất lên và lấy lớp vật thực tinh túy từ lớp dưới của quả đất.” Rồi trưởng lão tiếp tục suy xét: “Vì ta đang sống bên cạnh bậc Đạo sư, thật không thích hợp để ta làm như vậy mà không xin phép Đức Thế Tôn. Hành động như vậy sẽ tương đương với sự thi thố.” Bởi vậy, trưởng lão đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một nơi hợp lẽ, rồi trưởng lão bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Verañjā hiện đang khan hiếm về vật thực, thật khó để sống ở đây. Những bộ xương trắng phơi khắp thành phố. Người ta kiếm sống bằng sự rút thăm, ôm bát đi khất thực cũng không dễ gì kiếm đủ vật thực. Lớp dưới đáy của quả đất rất tốt vì vị ngọt của nó giống như mật ong mà không có ong và trứng ong. Xin Đức Thế Tôn cho phép con lật lên lớp đất này để các vị tỳ khưu có thể thọ hưởng vị ngọt tinh chất từ lớp đất ở dưới đây.”

Khi ấy, Đức Phật hỏi: “Này Moggalāna! Con sẽ làm thế nào với chúng sanh đang sống trên mặt đất.” Đại đức Moggallāna đáp:

“Bạch Đức Thế Tôn! Con sẽ làm một bàn tay của con giống như quả đất, rồi con sẽ chuyển hết chúng sanh ở trên quả đất sang bàn tay của con mà đã được hóa thành quả đất như thật, còn bàn tay kia thì con sẽ lật quả đất lên.”

Khi ấy, Đức Phật nói những lời từ chối: “Này Moggallāna! Điều ấy không thích hợp, đừng có ý nghĩ lật quả đất lên, nó có thể dẫn đến sự hiểu lầm giữa chúng sanh.”

Ở đây, điều cần lưu ý liên quan đến câu nói ‘Nó có thể khiến cho chúng sanh hiểu lầm,’ có nghĩa là: “ nạn đói không những chỉ xảy ra vào thời bấy giờ. Mà nó có thể xảy ra trong tương lai. Khi ấy các vị tỳ khưu kiếm đâu ra một vị tỳ khưu có năng lực giống như ngài? Dù các vị tỳ khưu trong tương lai có những bậc Sotāpanna, Sakadāgāmī, Anagāmī, những bậc A-la-hán lạc-quán-giả (sukka-vipassanka arahat), chỉ những bậc chứng đắc các tầng thiền (jhāna) nhưng không chứng đắc các pháp thần thông và ngay cả những bậc A-la-hán có Trí tuệ phân tích. Tuy nhiên, vì các vị ấy không có thần thông, nên họ sẽ phải đi đến nhà của các thiện nam, tín nữ để khất thực. Khi ấy, các thiện tín có thể nghĩ rằng: “Các vị tỳ khưu trong thời kỳ của Đức Phật đều thành tựu ba điều học. Trong thời ấy, các Ngài đều có thần thông (abhiñña) và khi có nạn đói các Ngài có thể lật lên quả đất và thọ hưởng tinh chất của quả đất làm món vật thực thượng vị. Ngày nay không có vị tỳ khưu nào có đủ ba điều đó, nếu có những vị tỳ khưu như vậy thì ắt các Ngài sẽ làm điều như thế (như các vị tỳ khưu trong thời kỳ Đức Phật). Họ sẽ không cho chúng ta ăn bất cứ thứ gì còn sống hoặc đã nấu chín (các Ngài sẽ cho chúng ta ăn món vật thực thượng vị từ lớp đáy của trái đất).” Ý nghĩ này sẽ khiến cho họ hiểu lầm về các bậc thánh Tăng rằng: “Không có các bậc thánh Tăng.” Những người nói những lời xúc phạm đến các bậc thánh Tăng do sự hiểu lầm của họ sẽ bị đọa vào các khổ cảnh. Do đó, Đức Phật cấm  việc lật lên lớp đất dưới đáy của trái đất.

Lúc bấy giờ, đại đức Moggallāna do không được Đức Phật cho phép, vị ấy muốn thay đổi lời đề nghị rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Xin hãy cho tất cả những vị tỳ khưu đi đến xứ Bắc-cu-lô-châu để khất thực.” Đức Phật nói lên những lời ngăn cản như trước: “Này Moggallāna! Điều ấy không thích hợp, đừng có ý nghĩ khiến tất cả họ đi đến cõi Bắc-cu-lô-châu.”

Ở đây, dầu không được nói ra trực tiếp là “Điều khiến chúng sanh hiểu lầm.” Nhưng nó ám chỉ rằng Đức Phật phủ nhận ý tưởng đi khất thực ở cõi Bắc-cu-lô-châu vì chính lý do ấy, vì nó đã được giải thích ở trước rồi.

Nếu Đức Phật cho phép thì trưởng lão sẽ hành động như thế nào? Bằng các phép thần thông của Ngài, trưởng lão sẽ biến  đại dương thành một cái mương nhỏ mà người ta có thể đi qua bằng một bước dài và bước đi trên một con đường thẳng từ cây Naleru Neem đến Bắc-cu-lô-châu. Vị ấy cũng biến xứ này thành một ngôi làng với những con đường để các vị tỳ khưu đi lại được dễ dàng.

Đây quả thật là những lời khẳng khái của đại đức Moggallāna.

Đại đức Sāriputta thỉnh cầu Đức Phật ban hành các điều luật

Lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta đang ở một mình trong tịnh cốc đã khởi lên thắc mắc rằng: “Giáo pháp của bậc Chánh đẳng Chánh giác nào tồn tại lâu dài và Giáo pháp của bậc Chánh đẳng Chánh giác nào không được tồn tại lâu dài?” Với ý nghĩ này trong tâm, trưởng lão ra khỏi cốc vào buổi chiều và đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một nơi hợp lẽ. Sau đó, trưởng lão hỏi Đức Phật rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn! Trong khi con đang ngụ trong tịnh cốc,  con tự hỏi: ‘Giáo pháp của Bậc Chánh đẳng Chánh giác nào tồn tại lâu dài và Giáo pháp của bậc Chánh đẳng Chánh giác nào không được tồn tại lâu dài?”

Ở đây, có thể xảy ra vấn nạn “Phải chăng đại đức Sāriputta không có khả năng trả lời những câu hỏi như vậy? ”

Trả lời: Trưởng lão có thể làm như vậy trong một số trường hợp và không thể làm như vậy trong một số trường hợp khác.

Giải thích: Trưởng lão có thể biết được Giáo Pháp của vị Phật này không tồn tại lâu dài và Giáo Pháp của vị Phật này thì tồn tại lâu dài. Nhưng trưởng lão không thể khẳng định rằng “Những Giáo pháp ấy không tồn tại lâu dài vì những lý do này và Giáo Pháp của những vị Phật nọ tồn tại lâu dài vì những lý do này. ”

Tuy nhiên, trưởng lão Mahā Paduma thì giải thích rằng không khó cho vị Thượng thủ Thinh văn, bậc đã đạt đến đỉnh cao của mười sáu loại Tuệ và Trí để khẳng định các lý do. Nhưng việc quyết định, dù vị ấy đang sống bên cạnh Đức Phật, sẽ giống như việc quăng bỏ cái cân và dùng tay để ước đoán trọng lượng của một vật nào đó. Vì thế, câu hỏi của trưởng lão được nêu ra trước Đức Phật.

Lúc bấy giờ, vì muốn trả lời câu hỏi của trưởng lão Sāriputta, Đức Phật nói: “Này Sāriputta! Giáo Pháp của các vị Phật Vipassī, Sikhī và Vessabhū không được tồn tại lâu dài (qua các thế hệ Thinh văn đệ tử nối tiếp nhau). Giáo Pháp của các vị Phật Kakusandha, Koṇāgamana và Kassapa được tồn tại lâu dài (qua các thế hệ Thinh văn đệ tử nối tiếp nhau).

Sau đó, đại đức Sāriputta hỏi tiếp:

“Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao Giáo Pháp của các vị Phật Vipassī, Sikhī và Vessabhū không được tồn tại lâu dài?”

Đức Phật nói:

“Này Sāriputta! Chư Phật Vipassī, Sikhī, và Vessabhū không quan tâm thuyết pháp đến các đệ tử một cách chi tiết. Giáo Pháp của các vị ấy gồm chín phần như: Sutta, Geyya, v.v… thì rất ít. Các vị ấy cũng không ban hành các điều luật cho các đệ tử. Họ cũng không tụng các điều luật Pātimokkha. Khi các vị Phật ấy viên tịch và các đệ tử thời ấy viên tịch thì các đệ tử thế hệ sau thuộc các bộ tộc, dòng dõi và danh tánh khác đã để cho Giáo Pháp bị hoại diệt nhanh chóng.

Này Sāriputta! Cũng như những bông hoa các được đặt trên những tấm ván mà không được buộc lại, chúng nằm rải rác. Chúng bị thổi đi, bị tiêu diệt bởi những ngọn gió vì lý do chúng không được buộc lại. Cũng vậy, này Sāriputta! Khi các vị Phật  ấy và các đệ tử trong thời của họ viên tịch, các đệ tử về sau thuộc các bộ tộc, dòng dõi và danh tánh khác nhau đã để cho Giáo pháp bị hoại diệt nhanh chóng.

Này Sāriputta! Ba vị Phật Kakusandha, Konāgamana và Kassapa do biết tác ý trong tâm của chư Thinh văn đệ tử nên đã quan tâm giáo giới họ.

Này Sāriputta! Một biến cố nọ xảy ra trong thời kỳ xa xưa. Trong một khu rừng khủng khiếp nọ, Đức Phật Vessabhū bằng tâm của vị ấy biết tâm của một ngàn vị tỳ khưu đệ tử và giáo giới họ:

“ Hãy tu tập ba Thiền Tâm (nekkhamma-vitakka), v.v… Không chất chứa những bất thiện Tầm này là dục tầm (kāma-vitakka), sân tầm, và hại tầm. Hãy ghi nhớ rằng chúng là vô thường (anicca), khổ (dukkha), vô ngã (anatta) và bất tịnh (asubha). Đừng mang ý nghĩ rằng chúng thường tồn (nicca), lạc (sukha), ngã (atta) và tịnh (subha). Hãy xa lìa các bất thiện tầm. Hãy trú trong sự tu tập các thiện tầm.”

Này Sāriputta! Một ngàn vị tỳ khưu đã được Đức Phật Vessabhū giáo giới như vậy đều trở thành những bậc A-la-hán (arahat), thoát khỏi các lậu hoặc (āsava). Do đó, tâm của một ngàn vị tỳ khưu này hoàn toàn thoát khỏi sự chấp thủ bất cứ điều gì do ái dục và tà kiến rằng: “Đây là Ta, đây là Của Ta.” Họ hoàn toàn thoát khỏi những lậu hoặc, đã hoàn toàn diệt tận (sự diệt tận trong ý nghĩa là không còn sanh khởi trở lại nữa) liên quan đến khu rừng đầy kinh hãi. Sự kinh hãi của khu rừng làm cho những người chưa thoát khỏi tham ái thường bị nỗi gai ốc khi đi vào trong đó.

Này Sāriputtā! Điều đã được nói ra là lý do khiến cho Giáo Pháp của chư Phật Vipassī, Sikhī, và Vessabhū không được tồn tại lâu dài.

Chú thích: Liên quan đến câu nói rằng ba vị Phật “Không quan tâm thuyết pháp chi tiết đến các đệ tử của vị ấy.” Các Ngài làm như vậy không phải là các Ngài dể duôi. Thực ra, không có điều gì gọi là dể duôi hay thiếu tinh tấn nơi chư Phật.

Giải thích: Khi chư Phật thuyết pháp các Ngài đều thuyết với mức tinh tấn giống nhau dù các Ngài thuyết đến một người, hai người hoặc tất cả chúng sanh trong toàn thế giới. Các Ngài không giảm bớt tinh tấn khi thấy hội chúng ít người, các Ngài cũng không tăng thêm tinh tấn khi thấy hội chúng đông đảo. Cũng như con sư tử, vua của muôn thú đi ra ngoài để tìm kiếm vật thực (sau bảy ngày ở trong hang) nó rượt bắt con mồi với tốc độ như nhau dù lớn hay bé vì nó đã có quyết tâm về tốc độ của nó. Cũng vậy, khi chư Phật thuyết pháp đến thính chúng dầu đông đảo hay ít các Ngài đều thuyết pháp với sự tinh tấn như nhau, vì các Ngài có mục đích cao quý là không làm giảm thiểu sự tôn kính Pháp.

Không như Đức Phật của chúng ta, bậc đã thuyết pháp chi tiết tựa như muốn làm đầy đại dương. Thực vậy, ba vị Phật này thuyết pháp không chi tiết vì vào thời ấy chúng sanh ít bị nhiễm bụi phiền não trong con mắt trí tuệ của họ.

Giải thích: Vào lúc sinh thời của ba vị Phật này, chúng sanh sống trường thọ và số bụi che con mắt trí tuệ của họ cũng không đáng kể. Do đó, chúng sanh vào thời đó giác ngộ ngay sau khi nghe câu kệ (stanga) liên quan đến Tứ Diệu Đế. Thế nên không cần thiết phải thuyết pháp chi tiết đến họ. Vì thế giáo pháp của những vị Phật này trong chín phần rất sơ sài.

Trong thời kỳ của những vị Phật này, các tỳ khưu đệ tử của các Ngài đều hoàn toàn không phạm những điều sai trái nên những giới luật (āṇā-pātimokkha) về bảy loại tội không cần thiết phải ban hành.

Chỉ có việc tụng lời chỉ giáo Pātimokkha (Ovāda-pāṭimokkha) là quen thuộc với họ. Ngay cả Pāṭimokkha ấy các Ngài cũng không tụng đọc nửa tháng một lần (hai loại Pāṭimokkha đã được giải thích rõ ở chương 16 của cuốn iii).

Những vị Thinh văn đệ tử có tuổi thọ lâu dài thì có hai đời đệ tử theo các Ngài: (1) nhóm đệ tử gần nhất của Đức Phật, và (2) nhóm đệ tử về sau là những vị tỳ khưu do những vị Thinh văn gần nhất ấy truyền phép xuất gia cho họ. Vào thời kỳ các đệ tử sau này, thuộc thế hệ thứ hai xuất gia do không có giới luật kể từ lúc ban đầu và vì những vị đệ tử ấy thuộc các bộ tộc, dòng dõi và danh tánh khác nhau nên họ không cảm thấy có bổn phận phải bảo vệ và giữ gìn những bài pháp mà còn bất cẩn tựa như họ trốn tránh bổn phận, khi nói rằng: “Vị trưởng lão đó đó sẽ làm điều ấy.” Họ không tổ chức những cuộc kết tập (Saṅgāyana) để gìn giữ Giáo pháp. Vì thế, Giáo pháp của những vị Phật ấy bị huỷ diệt nhanh chóng.

Liên quan đến câu nói “Giáo Pháp của những vị Phật mà có tuổi thọ lâu dài.” Đầu tiên nó hàm ý rằng thời kỳ Giáo pháp của các vị Phật ấy không được tồn tại lâu dài trong nhiều thế hệ đệ tử. Tuy nhiên, thọ mạng của Đức Phật Vipassī là tám chục ngàn năm. Thọ mạng của chư đệ tử gần nhất của vị Phật ấy cũng tám chục ngàn năm. Thọ mạng của thế hệ cuối cùng về sau cũng vậy, là thế hệ được những vị Thinh văn gần nhất của Đức Phật cho xuất gia. Do đó, đi theo hai thế hệ Thinh văn đệ tử kéo dài một trăm sáu chục ngàn năm sau khi Đức Phật viên tịch. Tuy nhiên, về thế hệ của các vị Thinh văn thì chỉ có hai và số thế hệ nhỏ nhoi này ám chỉ nói đến thời kỳ ngắn ngủi của Giáo pháp. Đặc biệt, nó được nói ra không phải về tuổi hay năm.

Sau khi đã nghe những lý do như vậy về những thời kỳ Giáo Pháp ngắn ngủi (về các thế hệ Thinh văn đệ tử của ba vị Phật Vipassī, Sikhī, và Vessabhū) thì trưởng lão Sāriputta vì muốn nghe những lý do khiến Giáo pháp tồn tại lâu dài của ba vị Phật Kakusandha, Konāgamana và Kassapa nên hỏi tiếp Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao giáo pháp của ba vị Phật Kakusandha, Konāgamana, và Kassapa lại được tồn tại lâu dài?”

Đức Phật nói: “Này Sāriputta! Chư Phật Kakusandha, Konāgamanā và Kassapa quan tâm đến việc thuyết pháp chi tiết đến các đệ tử của vị ấy. Giáo pháp gồm chín phần của họ như: Sutta, Geyya, v.v… có số lượng rất nhiều. Các vị ấy ban hành điều luật cho chúng đệ tử. Họ tụng Pātimokkha. Khi họ viên tịch và chúng đệ tử rất gần của họ viên tịch thì các thế hệ đệ tử về sau của họ là những vị tỳ khưu thuộc các bộ tộc, dòng dõi và danh tánh khác nhau giúp cho Giáo pháp tồn tại lâu dài.

Này Sāriputta! Cũng như các loại hoa khác nhau được kết lại với nhau bằng một sợi dây rồi để trên tấm ván, chúng không thể bị phân tán, tiêu diệt bởi những ngọn gió (lý do là chúng đã được xâu kết lại với nhau). Cũng vậy, này Sāriputta! Những vị Phật này và chúng đệ tử gần nhất của họ viên tịch thì Giáo pháp của họ tồn tại lâu dài bởi những thế hệ đệ tử sau này thuộc các bộ tộc, dòng dõi và danh tánh khác nhau.

Này Sāriputta! Những yếu tố kể trên (Giáo pháp được thuyết giảng chi tiết, số lượng bài pháp nhiều, sự ban hành các điều luật và sự tụng đọc Pāṭimokkha) tạo thành những lý do khiến Giáo pháp của ba vị Phật Kakusandha, Konāgamana, và Kassapa được tồn tại lâu dài.

(Ở đây, liên quan đến sự tồn tại lâu dài của Giáo pháp của ba vị Phật ấy, thời gian kéo dài của cả thọ mạng và các thế hệ đệ tử cần được chú ý).

Giải thích: Thọ mạng của Đức Phật Kakusandha là bốn mươi ngàn năm, thọ mạng của Đức Phật Konāgamana là ba mươi ngàn năm, thọ mạng của Đức Phật Kassapa là hai mươi ngàn năm. Thế hệ đệ tử của các Ngài cũng có thọ mạng bằng với thọ mạng của các vị Phật ấy. Nhiều thế hệ nối tiếp nhau đã vun bồi và giữ gìn Giáo pháp. Bằng cách này Giáo pháp của ba vị Phật được tồn tại lâu dài về cả thọ mạng lẫn các thế hệ đệ tử.

Đối với Đức Thế Tôn của chúng ta, lẽ ra Ngài phải sanh ra khi thọ mạng của loài người là mười ngàn năm, bằng nữa thọ mạng của Đức Phật Kassapa, nếu không thì cũng sanh ra trong thời kỳ thọ mạng năm ngàn năm, một ngàn năm hay năm trăm năm. Nhưng thời kỳ ấy thì trí tuệ của Ngài chưa được chín muồi. Trí tuệ ấy đạt đến trưởng thục chỉ khi thọ mạng là một trăm năm tuổi, thật là thời gian rất ngắn. Do đó, điều cần nói rõ là dù Giáo pháp của Đức Phật chúng ta kéo dài qua nhiều thế hệ đệ tử nhưng không dài như Giáo pháp của các chư Phật quá khứ tính về năm.

Sau khi nghe được lý do tồn tại của Giáo pháp của ba vị Phật Kakusandha, Konāgamana và Kassapa, đại đức Sāriputta bèn kết luận rằng: “Chỉ có việc ban hành giới luật là nguyên nhân để Giáo pháp của một vị Phật được tồn tại lâu dài.” Vì muốn Giáo pháp của Đức Phật hiện tại được trường tồn, trưởng lão bèn đứng dậy, sửa lại y  phục, đắp y vai trái và chắp tay tôn kính hướng về Đức Phật, vị ấy thỉnh cầu Đức Phật bằng những lời thành kính: “Cầu xin Đức Thế  Tôn ban hành giới luật để Giáo pháp được trường tồn. Cầu xin Đức Thiện  thệ  tụng  Pāṭimokkha.  Bạch  Đức  Thế  Tôn!  Đã  đến  lúc  để  ban hành những điều luật quan trọng để Giáo pháp được trường tồn và cũng đến lúc để tụng Pātimokkha. Bạch Đức Thế Tôn! Bậc có Thiện ngôn, đã đến lúc để ban hành các điều luật và làm cho Pāñimokkha được ghi nhớ vì sự trường tồn của Giáo pháp.”

Vì muốn nói rằng ‘Thời gian chưa chín muồi để ban hành các điều luật’ nên Đức Phật nói rằng:

“Hãy đợi, này Sāriputta! Hãy đợi, này Sāriputta! Chỉ có chư Phật mới biết thời gian thích hợp (để ban hành các điều Luật và tụng Pāṭimokkha).

(1)   “Này Sāriputta! Chừng nào trong Tăng chúng chưa xảy ra một số tội vốn là nền tảng của các lậu hoặc (āsava) trong Giáo Pháp này thì Đức Phật vẫn chưa ban hành các điều luật cho chúng đệ tử, cũng không công bố Pātimokkha. Này Sāriputta! Khi nào xảy ra một số tội trong Tăng chúng mà vốn là nền tảng của các lậu hoặc trong Giáo pháp này thì khi ấy Như Lai mới ban hành các điều luật và công bố Pāṭimokkha,  vì lợi ích là đoạn tận những điều ác ấy.

(2)   “Này Sāriputta! Chừng nào trong Tăng chúng số lượng tỳ khưu chưa đông để trụ lâu dài trong chúng Tăng ấy và chưa xảy ra một số điều phạm tội mà vốn là nền tảng của các lậu hoặc trong Giáo pháp này. Này Sāriputta! Khi nào trong Tăng chúng có số lượng tỳ khưu đông đảo trụ lâu dài thì xảy ra trong Tăng chúng một số điều phạm tội mà vốn là nền tảng của lậu hoặc trong Giáo pháp này. Chỉ khi ấy, vì lợi ích đoạn trừ những tội lỗi ấy mà vốn là nền tảng của lậu hoặc, Như Lai sẽ ban hành các điều luật và công bố Pāṭimokkha.

(3)   “Này Sāriputta! Chừng nào Tăng chúng chưa hưng thịnh và trong Tăng chúng chưa xảy ra một số điều phạm tội vốn là nền tảng của lậu hoặc trong Giáo pháp. Này Sāriputta! Tuy nhiên, khi Tăng chúng hưng thịnh thì xảy ra một số điều phạm tội vốn là nền tảng của lậu hoặc trong Giáo pháp này. Chỉ khi ấy, vì lợi ích là đoạn trừ những điều phạm tội ấy thì Như Lai mới ban hành các điều luật và công bố Pāṭimokkha.

(4)   “Này Sāriputta! Chừng nào Tăng chúng chưa phát sanh nhiều lợi lộc thì chưa có xảy ra một số tội mà vốn là nền tảng của lậu hoặc trong Giáo pháp này. Này Sāriputā! Khi nào trong Tăng Chúng phát sanh nhiều lợi lộc thì khi ấy sẽ xảy ra trong Tăng chúng một số tội mà vốn là nên tảng của lậu hoặc trong Giáo pháp này. Chỉ khi ấy, vì lợi ích là loại trừ những tội như vậy, Như Lai mới ban hành các điều luật và công bố Pāṭimokkha.

(5)   “Này Sāriputta! Chừng nào trong Tăng chúng chưa có nhiều kiến thức thì trong Tăng chúng chưa xảy ra một số tội vốn là nền tảng của lậu hoặc trong Giáo pháp này. Này Sāriputta! Khi nào trong Tăng chúng có nhiều kiến thức thì khi ấy trong Tăng chúng xảy ra một số tội vốn là nền tảng của lậu hoặc trong Giáo pháp này. Chỉ khi ấy, vì lợi ích là loại trừ các tội ấy, Như Lai mới ban hành các điều luật và công bố Pāṭimokkha.

“Này Sāriputta! Bây giờ Tăng chúng đã thoát khỏi những bọt bèo (tức là những người ác), thoát khỏi các bợn nhơ, thoát khỏi những điều bất tịnh, được trong sạch và trụ vững (trong Chánh Pháp như Giới, Định, Tuệ …).

“Này Sāriputta! Trong số năm trăm vị tỳ khưu này, vị tỳ khưu thấp nhất cũng là bậc Tư-đà-hườn (sotāpanna) là người chắc chắn sẽ đạt đến tầng thánh đạo cao nhất, vì vị ấy không bao giờ rơi vào các cảnh khổ.”

(Ở đây, āsava có nghĩa là phiền não và đau khổ như vu khống, sát hại, sự giam cầm, v.v… bởi những người khác trong cuộc sống này và đau khổ là sự tái sanh vào các khổ cảnh trong kiếp sau. Bởi vì những tội như tà dâm, sát sanh, trộm cắp, v.v… tạo thành nền tảng cho các lậu hoặc nên chúng được gọi là āsavatthaniya (nền tảng của āsava).

Lúc bấy giờ, khi đại đức Sāriputta thỉnh cầu Đức Phật ban hành giới luật thì những điều phạm tội chưa xảy ra. Nếu những điều luật như: 4 Pārājika và những điều luật khác được ban hành trước khi thực sự xảy ra những điều phạm tội, hành động như vậy ắt sẽ không tránh khỏi sự chê trách, sự phê phán riêng rẻ và công khai.

Nếu các điều luật được ban hành trước thì tất cả những điều luật cần thiết ắt đã được làm như vậy. Khi nói rằng nếu một vị tỳ khưu phạm tội hành dâm, trộm cắp, v.v… ban hành những điều luật trước khi có người phạm tội, những người khác sẽ quở trách riêng lẻ và công khai như sau: “Tại sao Sa-môn Gotama lại buộc chúng ta vào những điều luật này, khi cho rằng việc chúng Tăng gắn bó với vị ấy và tuân theo lời dạy của vị ấy là đương nhiên? Tại sao vị ấy ban hành các điều luật Pārājika. Chẳng phải rằng những thành viên quý tộc này đã trở thành những vị tỳ khưu sau khi từ bỏ những vinh hoa to lớn của họ, từ bỏ hàng hàng lớp lớp quyến thuộc và tài sản quý báu mà họ từng sở hữu? Chẳng phải rằng họ vừa lòng với vật thực vừa đủ và y phục vừa đủ. Và chẳng phải rằng họ đã an trú hết mức tôn kính trong ba điều học và không có sự quan tâm đến thân thể và đời sống của họ. Trong số những người thánh thiện như vậy là những người thích lợi dưỡng của thế tục (loka-āmisa) như hành dâm, trộm cắp, sát hại, khoe pháp bậc cao nhân để kiếm lợi nuôi mạng. Cho dù bốn điều luật Pārājika không được ban hành đi nữa thì chẳng phải rằng ai cũng biết rằng hành dâm, trộm cắp, v.v… là không thích hợp, không xứng pháp Sa-môn hay sao? Vì ngay cả khi còn là một vị sa-di người ta đã thọ trì các điều học và lời nguyện rằng “Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sanh, v.v…” Những ý kiến như vậy sẽ là sự quở trách, sự chỉ trích kín đáo và công khai.

Hơn nữa, khả năng của Đức Phật ắt sẽ không được chúng sanh biết đến. Những điều luật đã được ban hành rồi ắt sẽ bị tiêu diệt, chúng sẽ không được tồn tại lâu dài. Thử lấy một ví dụ trong thế gian là một ông thầy thuốc thiếu trí cho gọi đến một người đàn ông mà chưa bị bệnh loét (nhưng sẽ sớm bị bệnh loét) và nói rằng: “ Này ông! Những chỗ này trên người của ông sẽ nổi lên những cái mụn nhọt, nó đe dọa đến tính mạng của ông. Hãy lo chữa trị nó trước đi!” “Dạ, thưa ông! Nhờ ông chữa giùm.” Khi nói như vậy, người đàn ông để cho ông thầy thuốc làm phẫu thuật ở chỗ trên người mà không có cái mụn nhọt nào, và làm cho da liền trở lại. Ông thầy thuốc đắp băng, tẩm thuốc và làm sạch, v.v… sau đó ông thầy thuốc đòi tiền người đàn ông kia: “Tôi đã chữa xong cái mụn nhọt của ông rồi, xin ông hãy trả tiền thuốc men.”

Khi ấy, người đàn ông đã được chữa trị có thể khiển trách kín đáo và công khai ông thầy giải phẫu thiếu thông minh với lời lẽ rằng: “Cái ông thầy thuốc điên khùng này đang nói điều gì đây? Thực ra, không phải ông thầy thuốc ngu dốt đã gây phiền phức cho tôi sao? Chẳng phải rằng ông ta đã làm cho tôi bị mất máu?” Người đàn ông này có thể sẽ không biết ơn người thầy thuốc.

Cũng vậy, nếu Đức Phật ban hành các điều luật cho chúng đệ tử khi những điều phạm tội thực sự chưa xảy ra thì Ngài ắt sẽ không thoát khỏi sự chỉ trích sau lưng và trước mặt. Sự kỳ diệu của Ngài có thể không được chúng sanh biết đến. Nhưng điều luật được ban hành ắt sẽ bị tiêu diệt, chúng sẽ không được dài lâu. Vì thế những lời phủ nhận của Đức Phật là: “Này Sāriputā! Chừng nào chưa có những điều phạm tội xảy ra trong Tăng chúng thì Như Lai chưa ban hành các điều luật cho chúng đệ tử, v.v…”

Ở đây, thời gian mà những điều phạm tội chưa xảy ra nghĩa là chưa phải thời gian thích hợp để ban hành các điều luật. Thời gian mà những điều phạm tội xảy ra nghĩa là thời gian thích hợp để ban hành các điều luật. Sự ban hành điều luật trong thời gian không thích hợp có thể gây ra sự chê trách như đã nói trên. Hành động như vậy được xem là cần thiết khi có điều phạm tội xảy ra giống như vị y sĩ thông minh chữa trị cái mụn nhọt xuất hiện bằng cách giải phẫu trên nó, đắp thuốc, băng bó, lau sạch, v.v… làm cho cái mụn nhọt đó biến mất và đồng thời làm cho lớp da lành lặn trở lại. Đức Phật cũng có thể được ví như ông thầy thuốc kia là người không bị chê trách mà còn được tôn trọng vì việc làm xuất sắc của ông ta trong nghề chữa bệnh. Tương tự như vậy, Đức Phật không bị chê trách sau lưng hay trước mặt mà còn được tôn kính vì khả năng kỳ diệu của Ngài trong phạm vi Nhất thiết trí của Ngài. Những điều luật được ban hành khi ấy sẽ không bị suy tàn mà còn được trụ vững lâu dài.

Những lời trong câu nói đầu tiên cho thấy thời gian thích hợp và thời gian không thích hợp để ban hành các điều luật. Những lời trong những năm thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm cho thấy thời gian mà những điều phạm tội đã xảy ra. Có thể ý nghĩa chi tiết của những câu này từ phẩm Verañjā của bộ Chú giải Pārājika Kaṇḍa.

Sự cáo từ vào lúc mãn hạ

Sau khi Đức Phật đã giải thích chi tiết về vấn đề ban hành các điều luật đến trưởng lão Sāriputta, bậc tướng quân của Chánh pháp. Ngài trải qua suốt mùa mưa tại Verañjā và làm lễ Tự tứ vào ngày Mahā Pavaranā, ngày rằm tháng Assayuja vào cuối mùa an cư. Rồi Ngài gọi đại đức Ānanda đến và dạy rằng: “Này Ānanda! Khi chư Phật nhập hạ theo sự thỉnh cầu của người khác thì việc ra đi mà không nói lời cáo từ họ là không phải tục lệ của chư Phật. Này Ānanda! Chúng ta hãy đi và cáo từ Bà-la-môn Verañjā.” Sau khi độ thực xong, Đức Phật cùng với đại đức Ānanda đến viếng nhà của Bà-la-môn Verañjā lúc xế chiều, chiếu sáng các cổng thành bằng hào quang từ thân của Ngài.

Khi Đức Phật đứng ở cửa nhà của Bà-la-môn thì những người nhà của ông trông thấy Đức Phật bèn nhắc nhở ông chủ của họ (chỉ khi ấy ông Bà-la-môn mới nhớ đến những trách nhiệm của ông). Ông vội vã đứng dậy để lo sửa soạn chỗ ngồi xứng đáng cho Đức Thế Tôn. Rồi ông ta đón tiếp và cung kính thỉnh mời Ngài với lời tác bạch: “Xin thỉnh Đức Thế Tôn vào lối này!” Đức Phật đi vào theo lời thỉnh mời của Bà-la-môn và ngồi xuống trên chỗ đã được soạn sẵn (vào lúc ấy thì ma vương đã thâu lại phép thuật của hắn rồi).

Đức Phật nói: “Này Bà-la-môn! Như Lai đã nhập hạ theo lời thỉnh cầu của ông. Bây giờ Như Lai báo cho ông biết rằng đến lúc Như Lai phải đi đến nơi khác.”

Ông Bà-la-môn đáp: “Đúng rồi, thưa Đức Gotama! Ngài đã nhập hạ theo lời thỉnh mời của chúng con, mà con thì chưa cúng dường vật thực. Lý do là chẳng phải chúng con không có gì để cúng dường hay chúng con không muốn cúng dường. Những người có cuộc sống gia đình thường có khá nhiều việc phải làm. Biết tìm đâu cơ hội để họ bố thí cúng dường? Cầu xin Đức Gotama và hội chúng tỳ khưu hãy thọ lãnh vật cúng dường của con là việc phước của con vào ngày mai.”

Bà-la-môn không hề biết ảnh hưởng của ma thuật của ma vương. Ông ta nghĩ rằng sự đãng trí của ông ta là do công việc bận rộn và những trở ngại trong đời sống gia đình cho nên ông ta mới thỉnh cầu Đức Phật như vậy.

Khi ấy, Đức Phật nghĩ rằng: “Nếu Như Lai không nhận lời thỉnh cầu của ông ta thì tội sẽ phát sanh đến ông ta và đến tất cả dân cư của thành phố Verañjā này.” Vì họ nghĩ rằng: “Sa-môn Gotama xem ra tức giận vì vị ấy không nhận được vật cúng dường trong ba tháng an cư của mùa mưa. Cho nên một bữa ăn mà vị ấy từ chối bất chấp lời thỉnh mời của ta. Sa-môn Gotama không có lòng nhẫn nại, vị ấy không phải là bậc Toàn Giác. Đừng nên để tội phát sanh đến họ.” Do lòng bi mẫn, Đức Phật đã nhận lời thỉnh cầu bằng thái độ im lặng. Sau đó, Đức Phật bằng một thời pháp thoại vào lúc ấy làm cho Bà-la- môn biết được tính chất phù phiếm của những công việc và những bận rộn trong đời sống gia đình. Đức Phật cho thấy hai lợi ích: lợi ích trong kiếp sống hiện tại và lợi ích trong kiếp sống tương lai. Ngài cũng khiến cho ông ta chuyên tâm làm những việc thiện, an trú với tâm đầy nhiệt tâm và vui thích trong những việc thiện ấy. Rồi Ngài đứng dậy ra đi.

Sự cúng dường vật thực to lớn của Bà la môn Verañjā

Sau khi Đức Phật ra đi, Bà-la-môn Verañjā cho gọi tất cả người trong gia đình của ông ta đến chỗ họp bàn. Tại đó, ông ta nói: “Mọi người hãy nghe đây! Trong ba tháng mùa mưa dù ta đã thỉnh mời Đức Phật nhập hạ ở đây nhưng ta chưa cúng dường một bữa ăn nào đến Đức Phật. Bây giờ chúng ta hãy lo sửa soạn vật thực cúng dường vào ngày mai để đền bù ba tháng chúng ta đã không cúng dường.” Sau khi tuyên bố như vậy, Bà-la-môn Verañjā cho người nấu các món ăn thượng vị; sáng hôm sau ông ta cho người trang hoàng chỗ ở và sửa soạn những chỗ ngồi xứng đáng với các bậc Thánh Tăng và đồng thời cho bày ra những vật cúng dường về hoa và vật thơm. Ông ta cho người đến thỉnh Đức Phật với lời thỉnh: “Kính bạch Đức Gotama! Đã đến giờ thọ thực, vật thực đã được sẵn sàng.”

Đức Phật cùng với chúng Tỳ khưu tháp tùng đi đến nhà của Bà- la-môn và ngồi vào những chỗ ngồi đã được soạn sẵn. Đích thân Bà- la-môn Verañjā đứng ra phục vụ chúng Tỳ khưu có Đức Phật dẫn đầu bằng những món ăn thượng vị cho đến khi các Ngài được thỏa mãn và từ chối không độ thêm nữa. Sau khi Đức Phật thọ thực xong, Bà-la- môn Verañjā dâng đến Ngài một bộ Tam Y đáng giá ba ngàn (mỗi chiếc y giá trị một ngàn). Ông ta cũng dâng đến mỗi vị tỳ khưu một bộ gồm hai tấm vải may y (giá trị một tấm vải là năm trăm, cho nên số vải mà ông ta dâng cúng đến các vị tỳ khưu trị giá lên đến năm trăm ngàn. Đây là chi tiết được trích ra từ Tạng Kinh Pāḷi).

Vì Bà-la-môn Verañjā chưa thỏa mãn với bấy nhiêu lễ vật cúng dường (về y phục trị giá năm trăm ngàn). Ông ta lại dâng cúng thêm một lượng lớn những tấm thảm, những xấp vải có nguồn gốc từ nước Pattunna, mỗi tấm trị giá từ bảy đến tám ngàn để chúng có thể được cắt làm những tấm y hai lớp, những tấm y đắp vai, những sợi dây lưng, những đồ lọc nước, v.v…

Ông ta cũng dâng cúng đến mỗi vị tỳ khưu một lọ đựng thuốc mỡ trị giá một ngàn đồng. Ông dâng cúng đến Chư Tăng mà không bỏ sót món gì từ bốn món vật dụng. Ông ta đã cúng dường tất cả những thứ cần thiết đến chư Tăng.

Sau khi đã làm việc phước bố thí to lớn như vậy, Bà-la-môn  với vợ và các con ngồi xuống cung kính đảnh lễ Đức Phật. Do bị phép thuật của ma vương, ông ta đã mất đi cơ hội thưởng thức hương vị của nước Bất tử qua thời pháp của ba tháng mùa mưa. Để đền bù sự mất mát cho Bà-la-môn Verañjā và làm thành tựu ước nguyện của ông ta, Đức Phật bèn tạo ra một đám mưa Bất tử trút xuống tràn trề trong một ngày. Ngài thuyết giảng về hai lợi ích của đời sống hiện tại và đời sống tương lai và an trú Bà-la-môn trong những việc phước. Cuối cùng, Đức Phật thuyết pháp khích lệ cho ông Bà-la-môn Verañjā có sự nhiệt tâm và vui thích trong các việc phước rồi Ngài ra đi.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 110

Post Views: 321