Câu chuyện về du sĩ Saccaka

Trích từ Đại Phật Sử chương 23

Sự thắng phục đạo sĩ hành cước Saccaka

Đức Phật điều phục đạo sĩ lõa thể Saccaka trong khi Ngài đang trú ngụ ở tịnh xá Kutagara, trong khu rừng Mahāvana gần Vesali. Một bài nói về vị đạo sĩ hành cước Saccaka này sẽ được kể lại từ tập Catuka Nipatta, Chú giải Culakalinga Jātaka và Mulapaṇṇāsa, Chú giải kinh Culasaccaka.

Cách đây đã lâu, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy hậu duệ của hoàng tộc Licchavī ở Vesali đã thay phiên trị vì vương quốc. Tất cả những vị vua ấy có khuynh hướng rất ham thích tìm hiểu các quan điểm của các giáo phái thịnh hành thời bấy giờ. Một hôm nọ, có một du sĩ nọ bảo vệ năm trăm quan điểm đã đến tại Vesali. Những người con cháu của hoàng gia ấy đã trọng đãi vị ấy. Một nữ du sĩ khác chủ trương năm trăm quan điểm cũng đến tại xứ sở Vesali trong thời gian ấy.

Những người con cháu của hoàng tộc bèn sắp xếp một cuộc tranh biện giữa hai vị du sĩ. Cuộc tranh biện kết thúc trong sự bất phân thắng bại vì cả hai tương đồng nhau. Một ý tưởng mới lạ nảy sanh trong những vị Licchavī: “ Nếu hai vị đạo sĩ này được hợp nhất bằng sự kết hôn thì họ có thể sanh ra một đứa con đại tài.” Bởi vậy họ thuyết phục hai vị đạo sĩ ở lại trong nước của họ chẳng cần lo lắng việc đi lại. Họ cư xử với hai vị đạo sĩ rất mực tôn kính và tổ chức lễ cưới cho hai vị đạo sĩ.

Năm tháng trôi qua, hai vợ chồng đạo sĩ sanh được bốn người con gái và một đứa con trai. Tên của bốn người con gái là: (1) Sacca, (2) Lola, (3) Avadharika, (4) Paticchada và tên của đứa con trai là Saccaka. (Theo Chú giải bài kinh Cula Saccaka thì tên của bốn người con gái được tìm thấy là: (1) Sacca, (2) Lola, (3) Patacara và (4) Avacavati).

Khi chúng lớn khôn, cha mẹ của chúng truyền đạt lại cho  chúng một ngàn quan điểm của họ năm trăm ở bên cha và năm trăm ở bên mẹ. Cha mẹ của  chúng cũng cho thêm lời khuyên đặc biệt đến bốn người con gái:

“ Này các con, nếu các con thấy có người nào có thể bác bỏ được những quan điểm của các con, thì các con có thể tự hiến thân mình làm vợ của người ấy nếu người ấy là nam cư sĩ. Tuy nhiên, nếu người ấy là vị tỳ khưu, thì các con có thể xuất gia theo vị ấy.”

Sau khi cha mẹ của họ qua đời, du sĩ Saccaka, vốn thông minh hơn bốn người chị, lại học hỏi thêm những quan điểm chính thống cộng thêm một ngàn quan điểm mà vị ấy thừa hưởng từ cha mẹ. Chẳng cần lên đường đi du phương, vị ấy ngụ tại Vesali để giảng dạy cho những hoàng tử trẻ. Vì sợ rằng cái bụng chứa đầy ‘trí tuệ’ có thể vỡ tung bất cứ khi nào, nên vị ấy đã đắp lên bụng những tấm sắt.

Bốn người chị của Saccaka quan niệm rằng có cây táo hồng dễ nhận thấy. Bởi vậy họ thường mang theo nhánh cây táo hồng mỗi khi họ đi từ thị thành này đến phố chợ khác để tìm đối thủ tranh luận giáo lý. Họ thường cắm nhánh cây táo hồng trên một đống cát hay đất ở tại cổng đi vào thị trấn rồi công bố rằng: “ Bất cứ ai có thể đánh ngã những quan điểm của chúng tôi, thì có thể chà nát nhánh cây này,” bằng lối thách thức, trước khi họ đi vào thị trấn.

Khi họ đi từ nơi này đến nơi khác, cuối cùng họ đến tại Sāvatthi. Ở đây cũng vậy, họ cắm xuống nhánh cây táo hồng ở cổng vào và công bố lời thách thức: “ Bất cứ ai, cư sĩ hay Sa-môn, mà có thể bác bỏ hệ tư tưởng của chúng tôi, thì có thể đạp bỏ đống cát và nhánh cây táo hồng này.” Họ để lại lời thách thức cho bọn trẻ đang quanh quẩn ở cổng thành, và đi vào thị trấn.

Câu chuyện về du sĩ Saccaka

Như đã trình bày ở trên, bốn nữ du sĩ có một người em trai là du sĩ Saccaka, người đang hướng dẫn chỉ dạy cho các vị hoàng tử Vesali.

Chính trong thời gian Đức Phật đang ngụ ở tịnh xá Kutagara trong khu rừng Mahāvana, gần Vesali, du sĩ Saccaka, con trai của ngoại đạo sư Nigandha, đang tự cho mình là người đại tài về tranh biện, là người rất uyên bác và mọi người cũng xem vị ấy là bậc thánh. Vị ấy khoe với những người dân của thành Vesali: “ Ta chưa bao giờ thấy người nào tự cho mình là có những đệ tử tỳ khưu, là ngoại đạo sư, giáo chủ, Sa-môn, Bà-la-môn hay bậc đáng tôn kính đảnh lễ, Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác, mà có thể chống lại và không bị toát mồ hôi nách khi ta bác bỏ hay hạ bệ họ trên lãnh vực chủ thuyết. Và ngay cả những khúc gỗ vô tri cũng không thể nằm yên bất động khi ta nói những điều về các luận điểm, nói chi đến loài hữu tình!”

Thực ra, du sĩ Saccaka đang đi khắp thành phố để khoe khoang mình là người tìm lỗi của Sa-môn Gotama. Vào một buổi sáng nọ, khi vị ấy đang đi tản bộ tập thể dục, vị ấy lưu ý đại đức Assaji đang đi khất thực từ xa.Vị ấy tự nghĩ :

“ Ta là người đang tìm cách tranh biện với giáo thuyết của Sa- môn Gotama dầu ta chưa thể làm được điều đó, vì ta chưa có cơ hội để biết rõ những quan điểm của vị ấy. Ta phải cố gắng tìm hiểu những quan điểm của vị ấy trước khi ta có thể thách đấu với vị ấy một cách chính thức. Đại đức Assaji tỏ ra rành mạch những quan điểm của Sa- môn Gotama và ta sẽ khiến vị ấy công bố chủ thuyết của họ trước khi ta có thể tìm lỗi Sa-môn Gotama và chê trách vị ấy.”

Saccaka đi đến đại đức Assaji với mục đích ấy và bắt đầu đàm thoại với đại trưởng lão sau khi trao đổi những lời chào hỏi xã giao: “

Này Tôn giả Assaji, Sa-môn Gotama đã khuyến giáo các đệ tử của vị ấy như thế nào ? Vị ấy đã chỉ dạy cặn kẽ đến các đệ tử bằng bao nhiêu cách ?”

Nhân đó, đại đức Assaji giải thích với vị ấy theo cách như vầy: “ Này du sĩ Saccaka, hậu duệ của Aggivessana, Đức Phật đã khuyên giáo các đệ tử của Ngài theo cách này. Ngài đã chỉ dạy cặn kẽ bằng nhiều cách:

‘Này các tỳ khưu, Sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, sáu thức là vô thường. Sắc là vô ngã, thọ là vô ngã, tưởng là vô ngã, hành là vô ngã, sáu thức là vô ngã. Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường; tất cả các pháp đều vô ngã.

Này du sĩ Saccaka, hậu duệ của Aggivessana, Đức Phật đã khuyến giáo các đệ tử của Ngài theo cách này, Ngài đã cho nhiều lời chỉ dạy chi tiết bằng nhiều cách.”

Trên đây là câu trả lời của đại đức Assaji dành cho câu hỏi của Saccaka.

(Những điểm thú vị đặc biệt đáng lưu ý: qua phần trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng, trong phần trả lời cho câu hỏi của Saccaka, đại đức Assaji đã nêu ra những sự thật về vô thường và vô ngã, nhưng không thấy đề cập sự thật về ‘khổ’. Lý do lượt bỏ sự thật về khổ đã được giải thích trong bộ Chú giải như sau:

“ Nếu đại đức Assaji nêu ra sự thật về khổ như sắc là khổ, thọ là khổ, tưởng là khổ, hành là khổ, sáu thức là khổ, thì Saccaka có thể có được cơ hội để tranh luận. Bởi vì vấn đề là như thế này, đạo và quả được xem là hành khổ (saṅkhāra dukkha); cho nên mới có sự lượt bỏ sự thật về khổ. Nói cách khác, Saccaka có thể hỏi rằng: ‘ Này  Assaji… Ngài xuất gia với mục đích gì ?’ Khi ấy câu trả lời của đại đức Assaji sẽ là: ‘ Để tầm cầu Đạo Quả.’ Trong trường hợp như vậy, trưởng lão sẽ bị chỉ trích công khai rằng: ‘ Này Assaji… Giáo pháp của ngài xét cho cùng cũng không dẫn đến giải thoát. Trên thực tế, cái được gọi là giáo pháp của ngài đơn giản là nơi áp bức và hủy diệt. Cái được gọi là giáo pháp của ngài là loại cảnh khổ Ussada (tăng thạnh khổ). Do đó, tâm của ngài không có ước muốn khoái lạc. Quả thật vậy, tất cả các người đang đi chỗ này chỗ kia để phấn đấu tầm cầu cái khổ.’ Chính vì lý do này mà đại đức Assaji đã cố ý tránh không đưa vào thuật ngữ hình tượng (pariyāya) mà chỉ ứng dụng thuật ngữ trừu tượng (nippriyāya) để không thể có một ý nghĩa khác, từ đó mới có sự trình bày riêng về vô thường (anicca) và vô ngã (anatta).”

Nhân đó, Saccaka nói rằng: “ Thưa Tôn giả Assaji… phải chăng ta đang nghe những điều không thích hợp gì đây ? Ta nghe rằng Sa-môn Gotama vẫn đang thuyết pháp. Có lẽ ta sẽ diện kiến đức Gotama đáng kính vào một lúc nào đó và khi ấy có thể có một cuộc tranh luận. Có lẽ khi ấy ta sẽ loại trừ ác kiến của vị ấy.”

Lúc bấy giờ, năm trăm hoàng tử Licchavī đã hội họp tại đại hội trường để bàn bạc một số công việc. Saccaka tự nghĩ rằng: “ Ta không thể chỉ trích quan điểm của Sa-môn Gotama trong quá khứ vì chưa biết gì. Bây giờ ta đã biết rõ chúng từ đại đệ tử Assaji của vị ấy. Ta biết chúng rất tường tận, tốt hơn ta đi đến chỗ ngụ của vị ấy và chỉ trích vị ấy vì những quan điểm đó.”

Trước hết Saccaka đi đến đại hội trường nơi năm trăm hoàng tử Licchavī đang nhóm họp ở đó. Vị ấy bảo họ hãy ra khỏi hội trường  khi lớn tiếng công bố rằng:

“ Hãy ra đi, hỡi các vị Licchavī đáng kính. Hãy ra đi, hỡi các vị Licchavī đáng kính. Ngày hôm nay sẽ có một cuộc tranh luận giữa ta và Sa-môn Gotama về quan điểm của vị ấy. Sẽ là một diễn đàn lớn! Assaji, một trong năm vị tỳ khưu và là đệ tử nổi tiếng của Sa-môn Gotama đã chủ trương quan điểm về vô thường và vô ngã! Nếu Sa- môn Gotama cũng chủ trương quan điểm về vô thường và vô ngã thì:

(1)     Cũng như một người hùng mạnh nắm lấy chùm lông của một con cừu có lông dài, có thể kéo và đẩy nó vòng vòng. Cũng thế ta sẽ kéo, đẩy và vần Sa-môn Gotama bằng sự tranh luận của ta và bác bỏ quan điểm của vị ấy.

(2)     Cũng như một người lực lưỡng làm công trong một quán rượu, khi cầm chiếc chiếu lớn từ quán rượu, có thể ném nó xuống một cái hồ sâu và khi giữ lấy một góc của chiếc chiếu, có thể kéo giật, đẩy, và giũ nó. Cũng vậy ta sẽ kéo, giật, đẩy tới và quây vòng Sa-môn Gotama bằng những lời tranh biện và bác bỏ của ta đối với quan điểm của vị ấy.

(3)     Cũng như một người nghiện rượu có sức mạnh, khi cầm ở mép của cái lọc rượu, có thể lắc lên, lắc xuống và tung nó lên. Cũng vậy, ta sẽ lắc lên, lắc xuống và tung vòng Sa-môn Gotama bằng những lời tranh biện và bác bỏ của ta đối với quan điểm của vị ấy.

(4)     Cũng như một con voi, chỉ yếu sức khi nó đến tuổi 60, có thể đi xuống một cái hồ sâu và chơi trò tắm đay, cũng vậy ta sẽ chơi trò tắm đay với với Sa-môn Gotama bằng những lời tranh biện và bác bỏ của ta đối với quan điểm của vị ấy.

(Chú thích : Khi những cọng cây gai dầu đang trong quá trình biến thành sợi, chúng được cắt và buộc lại thành bó và được ngâm trong nước cho mềm. Sau ba ngày khi chúng đã mềm và dẻo, những người công nhân (mang theo lương thực như đồ ăn và thức uống để ăn uống khi làm xong công việc) cầm những bó dây gai và đập chúng vào những tấm ván được đặt ở bên phải, rồi bên trái, rồi trước mặt họ.

Con voi chúa, để bắt chước theo hành động của những công nhân làm dây đay, nó đi xuống cái hồ hút nước bằng cái vòi của nó, rồi phun nước lên đầu, lưng, hai bên thân của nó và giữa hai đùi của nó. Do đó, chữ Sana Dhovika nghĩa là trò chơi tắm đay).

“ Hỡi các hoàng tử Licchavī… hãy ra đi… hãy ra đi. Ngày hôm nay sẽ có một cuộc tranh luận giữa ta và Sa-môn Gotama về quan điểm của vị ấy. Sẽ là một diễn đàn lớn!” Saccaka đã mời các đệ tử của vị ấy như vậy.

Trong số những hoàng tử Licchavī có

(1)     Những vị bày tỏ sự tin tưởng của họ là “ Sa-môn Gotama không có khả năng bác bỏ những quan điểm của Saccaka. Duy Saccaka mới có khả năng bác bỏ quan điểm của Sa-môn Gotama và

(2)    Số khác thì nói rằng Saccaka là loại người gì mà có khả năng bác bỏ được Đức Phật. Chỉ Đức Phật mới là người có khả năng bác bỏ Saccaka.

Rồi Saccaka lên đường đi đến tịnh xá Kutagara dẫn theo năm trăm hoàng tử Licchavī. Khi ấy trời đã xế trưa và nhiều vị tỳ khưu đang đi kinh hành để xua tan cơn buồn ngủ sau khi đã thọ thực. [ Nói cách khác, những vị tỳ khưu ấy là những hành giả tu thiền vào ban ngày (divā padhānika), thường đi kinh hành dưới ánh nắng mặt trời vào lúc xế trưa rồi đi tắm. Họ thấy pháp hành này rất hữu ích cho sự định tâm trong pháp thiền của họ.]

Saccaka đi đến các vị tỳ khưu ấy và hỏi rằng: “ Thưa các bạn… Vào giờ này Đức Gotama đáng kính đang trú ngụ ở đâu ? Chúng tôi muốn diện kiến vị ấy.”

Vào lúc sáng sớm của ngày hôm đó, Đức Phật, sau khi trú  trong đại bi định (mahā-karuṇā-samāpatti) đã nhìn vào mười ngàn thế giới và qua Nhất thiết trí, Ngài thấy rằng hôm ấy Sacaka sẽ đến cùng với nhiều vị hoàng tử Licchavi để chê trách Ngài liên quan đến quan điểm của Ngài. Do đó, vào buổi sáng Ngài tắm rửa rồi ra đi khất thực cùng với chúng tỳ khưu. Khi trở về, Ngài không đi vào hương phòng mà đi thẳng vào khu rừng Mahāvana và ngồi dưới một cội cây có bóng mát để thuận tiện cho đám đông đến yết kiến Ngài, do ngoại đạo sư Saccaka dẫn đầu.

Những vị tỳ khưu tu thiền vừa từ chỗ Đức Phật trở về, khi gặp Saccaka, họ chấp hai tay chỉ về hướng Đức Phật mà nói rằng: “ Này Saccaka, Đức Phật đang ngồi dưới một cội cây trong khu rừng Mahavana. ”

Nhân đó, Saccaka đi vào khu rừng Mahavana dẫn theo một đám đông. Vị ấy đi đến Đức Phật và sau khi trao đổi những lời chào hỏi với Ngài, bèn ngồi xuống ở chỗ thích hợp (cần chú ý rằng ngoài năm trăm vị hoàng tử Licchavī là đệ tử của vị ấy, còn có một đám người đi theo gồm nhiều dân cư của thành Vesali, họ đến để theo dõi cuộc tranh luận giữa hai nhân vật nổi tiếng).

Những người đi theo Saccaka có thể chia thành năm loại:

(1)    Một số người đảnh lễ Đức Phật và ngồi xuống ở nơi phải lẽ,

(2)   Một số trao đổi những lời chào hỏi với Đức Phật, nói những lời mà sẽ in đậm trong tâm suốt đời của họ, và ngồi xuống ở nơi phải lẽ,

(3)    Một số người chấp tay cúi chào Đức Phật và ngồi xuống ở nơi phải lẽ,

(4)    Một số xưng tên họ của họ và ngồi xuống ở nơi phải lẽ,

(5)    Một số chỉ ngồi xuống trong im lặng.

Sau khi đã ngồi xuống ở nơi thích hợp, Saccaka nói với Đức Phật rằng: “ Nếu được Ngài đồng ý, xin cho phép tôi được nêu ra một câu hỏi liên quan đến một đề tài?” Đức Phật đáp lại: “ Này Aggivessana, hãy hỏi bất cứ điều gì ngươi thích.” (Đây là cách mời người khác nêu ra câu hỏi, dành riêng cho chư Phật Chánh đẳng Chánh giác, vượt ngoài phạm vi của chư Phật Độc giác và Thinh văn giác).

Saccaka bắt đầu hỏi : “ Thưa ngài Gotama đáng kính… Ngài đã khuyến giáo đệ tử như thế nào? Phần nào trong nhiều lời dạy của Ngài được nhấn mạnh nhiều nhất dành cho những đệ tử của Ngài?”

Qua câu hỏi đó, Đức Phật đáp lại rằng :

“ Này du sĩ Saccaka, hậu duệ của Aggivessana… Như lai khuyến giáo đệ tử của Như Lai theo cách này. Phần này trong nhiều lời dạy được nhấn mạnh nhiều nhất dành cho đệ tử của Như Lai.

“ Này các tỳ khưu, sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành vô thường, sáu thức là vô thường. Này các tỳ khưu, sắc là vô ngã, thọ là vô ngã, tưởng là vô ngã, hành là vô ngã, sáu thức là vô ngã. Tất cả các pháp hữu vi là vô thường, tất cả các pháp hữu vi và vô vi (dhammā) là vô ngã (atta).

“ Này du sĩ Saccaka, hậu duệ của Aggivessana… đây là cách mà Như lai khuyến giáo các đệ tử của Như lai, phần này trong lời dạy được nhấn mạnh nhiều nhất dành cho các đệ tử của Như Lai.”

Saccaka bèn nói rằng: “ Một ví dụ so sánh chợt khởi lên trong tôi.” Đức Phật bèn bảo vị ấy: “ Này hậu duệ của Aggivessana…hãy diễn đạt nó ra (một cách rõ ràng và sinh động).”

“ Như những hạt giống và cây cối không thể mọc lên nếu không nương tựa vào quả đất, hoặc ví như một người lao động chân tay không thể hoàn thành công việc của ông ta nếu không nương vào quả đất. Thưa Ngài Gotama đáng kính… Cũng vậy, con người tạo ra phước hoặc tội phải nương tựa vào sắc (là atta hay ngã). Người này tạo ra phước hoặc tội phải dựa vào thọ ( là atta hay ngã). Người này tạo ra phước hoặc tội phải dựa vào tưởng ( là atta hay ngã). Người này tạo ra phước hoặc tội phải dựa vào hành ( là atta hay ngã). Người này tạo ra phước hoặc tội phải dựa vào thức ( là atta hay ngã).”

Như vậy Saccaka đã trình bày quan điểm của vị ấy về ngã (atta) thuyết bằng những ví dụ so sánh. (Vị ấy đã ví năm uẩn là quả đất; chúng sanh hữu tình dựa vào năm uẩn được ví như quả đất. Chúng sanh ấy dựa vào năm uẩn để tạo ra phước hoặc tội). Và như vậy “ Đức Gotama đáng kính đã quăng bỏ cái ngã (atta) rất rõ ràng và công bố đó là vô ngã (anatta).” Như vậy Saccaka đã trình bày ngã thuyết của vị ấy được củng cố bởi hai ví dụ so sánh thích đáng.

Những ví dụ chứng minh của Saccaka đáng được lưu ý, chúng rất vững chắc và hợp lý. Ngoài chư Phật Chánh đẳng Chánh-giác, không ai có khả năng bác bỏ lý luận và loại trừ ngã thuyết của vị ấy. Thực ra, có hai loại người :

(1)    Những người mà chỉ chư Phật Chánh đẳng Chánh giác mới có thể điều phục được, và

(2)  Những người có thể được dẫn dắt bởi các vị Thinh văn (savaka).

Những người thuộc loại (2) có thể được cải chánh bởi Chư Phật và các vị Thinh văn, nhưng những người thuộc loại (1) thì chỉ riêng chư Phật mới có thể dẫn dắt được. Du sĩ Saccaka thuộc loại thứ nhất và chỉ có thể được chỉ dạy bởi Đức Phật mà thôi. Do đó, Đức Phật đã quyết định đích thân Ngài bác bỏ và chỉnh đốn quan điểm của vị ấy :

“ Này Saccaka, hậu duệ của Aggivessana…Có phải người cho rằng sắc là ngã (atta), thọ là ngã (atta), tưởng là ngã (atta), hành là ngã (atta), sáu thức là ngã (atta) chăng ? ”

Khi ấy, Saccaka nhận ra rằng: “ Sa-môn Gotamaa đã đặt ta vào tình huống khó khăn, khiến ta phải công bố, khẳng định và thừa nhận ngã thuyết của ta trước mặt thính chúng. Nếu có điều gì bất lợi xảy ra thì riêng ta sẽ bị chỉ trích về ngã thuyết của ta.” Và khi suy nghĩ rằng sẽ lấy những người dân thành Vesali làm những người cùng ủng hộ bản ngã, vị ấy đáp lại rằng:

“ Thưa Sa-môn Gotama đáng kính… Quả thật vậy, tôi cho  rằng ‘ sắc là atta, thọ là atta, tưởng là atta, các hành là atta, sáu thức là atta. Và đông đảo dân cư của thành Vesali cũng nói như vậy.”

Đức Phật, Ngài cao siêu hơn Saccaka cả trăm ngàn lần về chủ thuyết hay quan kiến, không để vị ấy đem những người khác chịu chung số phận với vị ấy. Thay vì vậy, Ngài muốn chỉ đánh ngã riêng Saccaka thôi và đã nói với vị ấy rằng:

“ Này Saccaka, đại chúng phải làm gì với điều này ? Như Lai bảo ngươi, này Saccaka, hãy giải thích quan điểm của riêng ngươi.”

(Điều Đức Phật muốn nói thế này: Không phải tất cả những người này đều muốn bác bỏ quan điểm của Như Lai. Ngươi là người duy nhất đến để bác bỏ quan điểm của Như Lai. Họ có mặt ở đây vì ngươi mời họ đến chứng kiến một cuộc tranh luận. Phận sự phải đưa ra quan điểm là ở ngươi, và đừng bắt họ phải chịu chung số phận với ngươi).

Như vậy, Saccaka bị bắt buộc phải lập lại quan điểm  của vị   ấy :“ Thưa đức Gotama đáng kính… Quả thật vậy, tôi nói rằng : ‘ Sắc là atta của tôi, thọ là atta của tôi, tưởng là atta của tôi, các hành là atta của tôi, sáu thức là atta của tôi. ”

Sau khi khiến Saccaka giải thích quan điểm của riêng vị ấy, Đức Phật hỏi tiếp:

“ Này Saccaka, vì ngươi đã thừa nhận năm uẩn là atta, vậy Như lai hỏi ngươi điều này. Hãy trả lời Như Lai theo ý thích của ngươi. Này Saccaka… Ngươi nghĩ gì về câu hỏi mà Như lai sắp hỏi ra đây ? Phải chăng một vị vua đã làm lễ đăng quang như vua Pasenadi Kosala hay vua Ajatasattu, kẻ trị vì của nước Magadha, con trai của hoàng hậu Vedehi, họ có quyền trong lãnh thổ của họ, có thể truyền lệnh xử trảm một người đáng tội xử trảm, truyền lệnh tịch thu một người có tài sản đáng bị tịch thu và trục xuất một người đáng tội bị trục xuất?”

Để trả lời câu hỏi trên, Saccaka đáp lại rằng :

“ Thưa Đức Gotama…một vị vua như Pasenadi Kosala hay vua Ajatasattu, người trị vì xứ Magadha, con trai của hoàng hậu Vedehi, có quyền trong lãnh thổ của họ để truyền lịnh xử trảm một người đáng tội bị xử trảm, truyền lịnh tịch thu tài sản của một người đáng tội bị tịch thu và trục xuất một người đáng tội bị trục xuất.

Thưa Đức Gotama… ngay cả những vị vua của các tiểu vương quốc như Vajji hoặc Malla cũng có quyền trong lãnh thổ của họ, truyền lệnh xử trảm người đáng tội xử trảm, truyền lịnh tịch thu tài sản của người đáng tội bị tịch thu và trục xuất người đáng bị trục xuất. Cần gì phải nói thêm về một vị vua đã làm lễ đăng quang như vua Pasenadi Kosala hay vua Ajatasattu của vương quốc Magadha, con trai của hoàng hậu Vedehi? Thưa Đức Gotama, vị ấy có quyền, vị ấy xứng đáng nắm giữ quyền hành.”

(Đức Phật cố ý đưa Saccaka đến chỗ cùng đường để đánh đổ hoàn toàn ngã thuyết của vị ấy (atta vāda). Saccaka, vị thiếu trí, đã phải đi vào khu vực “ tự mài bén con dao để kết liễu chính mình”  bằng cách nêu ra những chính quyền của xứ Vajji và Malla để hậu thuẫn cho câu nói của vị ấy).

“ Này Saccaka, ngươi nghĩ thế nào về câu hỏi mà Như Lai sắp hỏi đây ? Ngươi đã nói rằng ‘Sắc là atta của ta’. Nếu vậy, người thể nào khiến nó nghe theo những lời của ngươi chăng, khi nói rằng ‘ Sắc của ta hãy như thế này. Sắc của ta hãy đừng như thế này.’ ”

Khi Đức Phật hỏi một cách thẳng thắng như vậy, Saccaka hoàn toàn im lặng.

(Chú thích : Saccaka đã nhận ra lỗi lầm trầm trọng của mình. Vị ấy tự nghĩ rằng: “ Sa-môn Gotama hủy diệt quan điểm của ta. Ta quả thật ngu si đã tạo ra một cơ hội để Sa-môn Gotama đánh bại ta trong chính trò chơi của ta. Ta đã bị suy sụp một cách tuyệt vọng, không phương cứu vãn. Nếu ta nói rằng: ‘ Tôi có thể sai khiến sắc của tôi’ thì các hoàng tử Licchavī sẽ đứng dậy và chế nhạo ta về diện mạo xấu xí của ta so với diện mạo xinh đẹp, đáng ngưỡng mộ của họ, giống như chư thiên ở cõi Tam thập Tam thiên (Tāvatiṃsa).

Nếu ta chọn cách nói rằng: ‘ Tôi không thể sai khiến thân của tôi’ thì Sa-môn Gotama sẽ đứng dậy và quở trách ta: ‘ Này Saccaka…ngươi đã nói rằng ngươi đã kiểm soát thân của ngươi và ngươi đã nuốt lời.’ Vị ấy đã tự đặt mình vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Do đó, vị ấy giữ im lặng hoàn toàn).

Lần thứ hai, Đức Phật bảo Saccka hãy trả lời câu hỏi trên:

“ Ngươi nghĩ như thế nào về câu hỏi mà Như Lai sắp hỏi ra  đây : Ngươi đã nói rằng ‘Sắc là ngã của tôi.’ Nếu vậy, ngươi có thể nào khiến nó làm theo những lời của ngươi chăng, khi nói rằng: “Sắc của ta hãy làm như thế này. Sắc của ta hãy đừng như thế này ?’ ”

Saccaka hoàn toàn giữ im lặng và không trả lời câu hỏi của Đức Phật trong lần thứ hai.

(Nếu không có câu trả lời cho câu hỏi hợp lý do Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác đặt ra trong ba lần liên tục, thì nó hình thành một hành động chống lại Đức Phật, và cái đầu của người xúc phạm  kia sẽ vỡ thành bảy mãnh, theo qui luật tự nhiên (pháp tánh – Dhamma-Niyāma).

Chư Phật Chánh đẳng Chánh giác đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trải qua 4 A-tăng-kỳ và 100.000 đại kiếp, vì lòng bi mẫn to lớn đối với tất cả chúng sanh, và vì thế Đức Phật không lập lại câu hỏi đến lần thứ ba, nhưng thay đổi chủ đề bàn luận: “ Này Saccaka… Bây giờ hãy nói lên. Đây không phải là lúc để ngươi im lặng. Cái đầu của người nào không trả lời câu hỏi hợp lý của một vị Phật trong ba lần liên tục, thì sẽ bị vỡ thành bảy mãnh ngay lập tức.”

Khi ấy Sakka xuất hiện trong hình tướng một vị da-xoa cầm cái chày sấm sét, cháy đỏ, sáng chói và đứng ngay trên đầu của Saccaka, tựa như đang đe dọa sẽ trừng phạt vị ấy nếu vị ấy không trả lời câu hỏi hợp lý của Đức Phật trong ba lần. Cảnh tượng kỳ lạ ấy chỉ có Đức Phật và Saccaka trông thấy mà thôi (không ai khác có thể thấy nó).

(Chú thích: Sakka đã đến tay cầm cái chày sấm sét và đứng trên đầu Saccaka, vì lòng bi mẫn đối với vị ấy, giống như Đức Phật, và để thuyết phục vị ấy từ bỏ tà kiến bằng cách đe dọa vị ấy trong tướng mạo một dạ xoa hung dữ cầm cái chày sấm sét. Sakka xuất hiện không phải vì vị ấy thực sự muốn làm hại Saccaka, mà vì để đừng có điều gì không hay xảy đến cho bất cứ ai ngay trước mặt Đức Phật (Majjhima Ṭīkā).

Lý do, khiến Sakka đến trong hình tướng một vị dạ xoa là: vị ấy muốn Saccaka làm lại cuộc đời và chấp nhận chánh kiến. Sakka ở trong hội chúng của Phạm thiên Sahampati khi vị ấy chính thức thỉnh Phật thuyết Pháp. Cả hai thỉnh Đức Phật thuyết Pháp, và phần họ lãnh trách nhiệm đảm bảo rằng những người còn miễn cưỡng được thuyết phục để thực hành theo những lời chỉ dạy của Ngài. “ Đức Thế Tôn hãy thuyết pháp, còn chúng con sẽ giữ vai trò hộ pháp.” Cho nên sự xuất hiện của vị ấy trong hình tướng Dạ-xoa là để làm tròn bổn phận hộ pháp của vị ấy (Chú giải bộ Majjhima).

Khi Saccaka trông thấy Sakka trong hình tướng một vị dạ xoa, thì thân của vị ấy, do sợ hãi đã toát mồ hôi chảy ròng xuống, và những đợt âm thanh cuồn cuộn ở trong bụng của vị ấy. Vị ấy nhìn quanh để xem có ai cùng chứng kiến cảnh tượng kỳ lạ ấy không và thấy rằng chẳng có ai. Vị ấy nghĩ rằng thật ngu dốt để la lên ‘đại dạ-xoa’ khi không có ai trông thấy, và như vậy sẽ tạo cơ hội để mọi người chống lại vị ấy bằng cách nói rằng: “ Chúng tôi cũng có mắt, nhưng ngươi là người duy nhất trông thấy dạ-xoa. Ngươi trông thấy nó bởi vì ngươi tranh luận với Sa-môn Gotama.” Vị ấy dao động đến nỗi lông tóc dựng đứng và da gà nổi lên khắp toàn thân của vị ấy. Vị ấy thấy rằng không ai khác ngoài Đức Phật để nương tựa, và tầm cầu sự che chở, bảo vệ và nương tựa chỉ nơi Ngài, vị ấy bạch với Đức Phật: “ Xin hãy hỏi con, thưa Đức Gotama. Con sẽ trả lời.”

Đức Phật bèn hỏi vị ấy :

“ Này Saccaka… Ngươi nghĩ thế nào về câu hỏi mà Như Lai sắp hỏi ra đây. Ngươi đã nói rằng: ‘ Sắc là ngã của ta…’ Nếu vậy, phải chăng ngươi có quyền sai khiến sắc ấy và ngươi có thể nói rằng: ‘ Sắc của ta hãy như thế này. Sắc của ta hãy đừng như thế này ?”.

Saccaka đáp lại rằng: “ Thưa Đức Gotama… Con không có quyền đấy.” Khi ấy Đức Phật nói với vị ấy rằng: “ Này Saccaka… hãy suy nghĩ kỹ, hãy suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra câu trả lời. Những gì ngươi đã nói trước đây không khớp với những lời mà ngươi nói bây giờ, và điều mà ngươi đã nói bây giờ không khớp với điều mà ngươi đã nói trước kia. Chúng không khớp với nhau.” Và Ngài hỏi tiếp:

“ Này Saccaka…Ngươi nghĩ thế nào về câu hỏi mà Như lai sắp hỏi ra đây? Ngươi đã nói rằng ‘Thọ là ngã của ta’. Nếu vậy, phải chăng ngươi có quyền lực sai khiến thọ và ngươi có thể nào nói rằng ‘ Thọ của ta hãy như thế này, Thọ của ta hãy đừng như thế kia?”

Saccaka đáp lại: “ Thưa Đức Gotama… Con không có quyền đấy.” Khi ấy Đức Phật nói với vị ấy: “Này Saccaka… hãy suy nghĩ  kỹ lại, hãy suy nghĩ kỹ lại trước khi ngươi có câu trả lời. Điều mà ngươi đã nói trước đây không khớp với điều mà ngươi nói bây giờ. Và điều mà ngươi nói bây giờ không khớp với điều mà ngươi đã nói trước đây. Chúng không khớp với nhau.” Và Ngài tiếp tục hỏi :

“ Này Saccaka… Ngươi nghĩ thế nào về câu hỏi mà Như Lai sắp hỏi ra đây. Ngươi đã nói rằng: ‘ Tưởng là ngã của ta…’ Nếu vậy, phải chăng ngươi có quyền sai khiến tưởng ấy và ngươi có thể nào nói rằng: ‘ Tưởng của ta hãy như thế này. Tưởng của ta hãy đừng như thế kia ?”

Saccaka đáp lại: “ Thưa đức Gotama… Con không có quyền đấy.” Khi ấy Đức Phật nói với vị ấy: “Này Saccaka… hãy suy nghĩ kỹ lại, hãy suy nghĩ kỹ lại trước khi ngươi có câu trả lời. Điều mà ngươi đã nói trước đây không khớp với điều mà ngươi nói bây giờ. Và điều mà ngươi nói bây giờ không khớp với điều mà ngươi đã nói trước đây. Chúng không khớp với nhau.” Và Ngài tiếp tục hỏi:

“ Này Saccaka…Ngươi nghĩ thế nào về câu hỏi mà Như Lai sắp hỏi ra đây. Ngươi đã nói rằng: ‘ các hành là ngã của ta…’ Nếu vậy, phải chăng ngươi có quyền sai khiến các hành và ngươi có thể nào nói rằng: “Các hành của ta hãy như thế này. Các hành của ta hãy đừng như thế kia ?”

Saccaka đáp lại: “ Thưa đức Gotama… Con không có quyền đấy.” Khi ấy Đức Phật nói với vị ấy : “Này Saccaka… hãy nghĩ kỹ lại đi, hãy nghĩ kỹ lại đi trước khi ngươi có câu trả lời. Điều mà ngươi đã nói trước đây không khớp với điều mà ngươi nói bây giờ. Và điều mà ngươi nói bây giờ không ăn khớp với điều mà ngươi đã nói trước đây. Chúng không khớp với nhau.” Và Ngài tiếp tục hỏi :

“ Này Saccaka… Ngươi nghĩ thế nào về câu hỏi mà Như lai sắp hỏi ra đây. Ngươi đã nói rằng: ‘ Sáu thức là ngã của ta…’ Nếu vậy, phải chăng ngươi có quyền sai khiến sáu thức và ngươi có thể  nào nói rằng: ‘ Sáu thức của ta hãy như thế này. Sáu thức của ta hãy đừng như thế kia?”

Saccaka đáp lại: “ Thưa Đức Gotama… Con không có quyền đấy.” Khi ấy Đức Phật nói với vị ấy: “Này Saccaka… hãy suy nghĩ kỹ lại, hãy suy nghĩ kỹ lại trước khi ngươi có câu trả lời. Điều mà ngươi đã nói trước đây không khớp với điều mà ngươi đã nói bây giờ. Và điều mà ngươi nói bây giờ không ăn khớp với điều mà ngươi đã nói trước đây. Chúng không khớp với nhau.”

Đức Phật tiếp tục khuyến giáo Saccaka bằng cách thuyết giảng một thời pháp gồm sự vấn đáp ba lần. Cách thuyết pháp như vậy được gọi là ‘‘Teparivatta dhamma desanā. ”

“ Này Saccaka…Ngươi nghĩ gì về điều này? Sắc là thường hay vô thường?”

Saccaka trả lời : “ Là vô thường, thưa Đức Gotama.”

“Cái gì là vô thường thì cái đó khổ (dukkha) hay lạc (sukha)?” “ Là khổ, thưa Đức Gotama.”

“ Có thích hợp chăng khi cho rằng sắc này, vốn là vô thường, khổ và chịu sự biến đổi, là: sắc này là của ta (do thủ), sắc này là ta (do mạn), sắc này là ngã của ta (do tà kiến)?”

Saccaka bèn trả lời: “ Thưa Đức Gotama…Quả thật không thích hợp.”

“ Này du sĩ Saccaka…Ngươi nghĩ gì về điều này ? Thọ là thường hay vô thường? Tưởng là thường hay vô thường? Các Hành là thường hay vô thường? Này Saccaka… Ngươi nghĩ thế nào về câu hỏi mà Như lai sắp hỏi ra? Sáu loại thức là thường hay vô thường?”

Saccaka trả lời: “ Là vô thường, thưa Đức Gotama.”

“Cái gì là vô thường thì cái đó khổ (dukkha) hay lạc (sukha)?” “ Là khổ, thưa Đức Gotama.”

“ Có thích hợp chăng khi cho rằng sáu Thức, vốn là vô thường, khổ và chịu sự biến đổi, là : Thức này là của ta (do thủ), thức này là ta (do mạn), thức này là ngã của ta (do tà kiến)?”

Saccaka bèn trả lời : “ Thưa Đức Gotama… Quả thật không thích hợp.”

Cũng như một ông thầy rắn lão luyện khiến con rắn hút lấy chất độc của nó từ chỗ bị cắn trên thân của nạn nhân. Cũng vậy, Đức Phật đã khiến Saccaka thừa nhận bằng chính miệng của vị ấy, sự thật rằng năm uẩn là vô thường, khổ và vô ngã, và không phải là thường, lạc và ngã như vị ấy đã từng nói lúc ban đầu từ chính miệng của vị ấy và trước sự hiện diện của thính chúng gồm có các vị hoàng tử Licchavī (chất độc tức là ngã kiến, được phun ra từ miệng của Saccaka, đã bị bắt buộc phải hút đi bằng chính của Saccaka và một sự thừa nhận bị bắt buộc phải nói ra rằng nó là vô ngã (anatta), không  phải ta, trước sự hiện diện của thính chúng).

Theo cách này, Đức Phật đã khiến Saccaka phải thừa nhận dứt khoát rằng năm uẩn là vô thường, khổ và vô ngã ngay trước đông đảo mọi người, và vì muốn nhiếp phục vị ấy phải chấp nhận sự thật bằng cái đầu treo ngược của vị ấy, Ngài tiếp tục hỏi:

Này du sĩ Saccaka, ngươi nghĩ thế nào về câu hỏi mà Như Lai sắp hỏi ra: Khi một người bám chấp khổ (dukkha), ái luyến khổ, tham đắm khổ và cho rằng khổ (năm uẩn) là như thế này: dukkha này là của ta (do chấp thủ), dukkha này là Ta (do mạn) và dukkha này là ngã của ta (do tà kiến), người ấy có thể tự mình hiểu chính xác về dukkha chăng ? Người ấy có thể nào vẫn trú trong sự chấm dứt hoàn toàn dukkha chăng?”

Saccaka trả lời: “ Thưa Đức Gotama… làm sao có thể được.

Quả thật không thể!” Nhân đó, Đức Phật tiếp tục hỏi:

“ Này du sĩ Saccaka… ngươi nghĩ thế nào về câu hỏi mà Như lai sắp hỏi ra? Nếu là như vậy, do chấp trước dukkha (của năm uẩn), ái luyến dukkha (của năm uẩn), tham đắm dukkha (của năm uẩn), há không phải rằng ngươi chấp theo tà kiến và cho rằng dukkha này (năm uẩn) là của ta (do chấp thủ), dukkha này là ta (do mạn), dukkha này (năm uẩn) là ngã của ta (do tà kiến). Về tất cả điều này, ngươi đang đi lạc hướng về mặt quan điểm?”

Saccaka trả lời: “Thưa Đức Gotama…không thể  như  vậy  được ! Con không nghĩ như vậy.”

Rồi Đức Phật tiếp tục khuyến giáo Saccaka:

“ Này Saccaka, cũng như một người muốn lõi cây, tầm cầu lõi cây, và lang thang khắp nơi, đi vào rừng mang theo cái búa sắc bén. Người ấy có thể tìm thấy một cây chuối lớn với thân thẳng, không có cây con. Người ấy chặt bỏ phần gốc rồi chặt luôn phần ngọn của nó. Rồi người ấy lột bỏ các bẹ trên thân. Sau khi lột bỏ hết các bẹ trên thân, người đàn ông ấy chẳng thể nào lấy được dầu chỉ là dát gỗ, nói chi đến lõi cây.

Cũng vậy, này Saccaka, khi Như Lai hỏi và chất vấn ngươi về những lý do liên quan đến quan điểm của ngươi, ngươi đã tỏ ra trống rỗng, bất tài và thất bại trầm trọng.

Này Saccaka, do tánh ngã mạn rỗng tuếch, ngươi đã khoe khoang với những người dân của thành Vesali rằng: “Ta chưa bao giờ gặp những người như Sa-môn, Bà-la-môn hay chư Phật Chánh đẳng Chánh giác, mà họ có thể không toát mồ hôi nách khi ta bác bỏ họ trên lãnh vực chủ thuyết; và ngay cả những khúc cây vô tri hay những đàn gỗ cũng không thể không nhúc nhích khi ta nói những điều liên quan đến các chủ thuyết, đừng nói chi đến chúng sanh hữu tình. ”

Rồi Đức Phật, khi cho hội chúng xem tấm thân màu vàng ròng của Ngài, đã nói rằng: “ Này Saccaka…chẳng có chút dấu vết nào về mồ hôi toát ra trên thân của Như Lai.”

(Chú thích : Theo lẽ thường tình, thì thân của con người thường ra mồ hôi không lúc này thì lúc khác. Cho nên Đức Phật mới nói rằng: “ Không có chút dấu vết nào về mồ hôi toát ra trên thân của Như Lai vào lúc này.”

Về sự ‘Phơi bày thân tướng có màu vàng ròng,’ nó không có nghĩa là Ngài đã hiển lộ hết toàn thân. Theo thông lệ của chư Phật thì các Ngài thường cài nút thắt vào vòng khuy của chiếc y khi ngồi trước thính chúng. Trong trường hợp này, Đức Phật đắp y che phần trên của cuống họng và thả xuống chỉ 4 inches để cho phép những tia hào quang màu đỏ hiện ra, xoay tròn như dòng nước của vàng tan chảy hay như những tia chớp, ở quanh đầu của Đức Phật, giống như cái trống bằng vàng và phóng lên bầu trời.

Đức Thế Tôn đã làm một điều như vậy để diệt trừ hoài nghi trong hội chúng. Nếu Ngài không làm như vậy thì có thể một số người sẽ hoài nghi mà nói rằng: “Chúng ta có thể thấy mồ hôi chảy ròng trên thân của Saccaka. Sa-môn Gotama đã nói vị ấy không có mồ hôi, nhưng chúng ta không thể biết liệu có thật hay không vì thân của vị ấy hoàn toàn được che kín bởi chiếc y dày hai lớp.”)

Khi Đức Phật đã nói như vậy, Saccaka ngồi nín thinh với bộ dạng rầu rĩ, hai vai buông thả, mặt gục xuống và đầy tuyệt vọng.

Lời tuyên bố của vị hoàng tử Licchavi Dummukha

Khi ấy một vị hoàng tử Licchavī, tên là Dummukha, trông thấy Saccaka ngồi im lặng với nét mặt rầu rĩ, hai vai rũ xuống và đầu gục xuống đất đầy tuyệt vọng, bèn bạch với Đức Phật rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, một ví dụ đã khởi sanh trong đầu của con.” Đức Phật bảo vị ấ : “Này Dummukha, hãy nói ra.” Hoàng tử Dummukha bèn  bạch rằng :

“ Bạch Đức Thế Tôn, có một cái hồ ở gần một ngôi làng hay phố chợ. Có một con cua sống trong cái hồ đó. Nhiều đứa trẻ, khi đi ra khỏi ngôi làng hoặc phố chợ ấy, chúng đi đến cái hồ và đi xuống cái hồ ấy. Sau khi bắt con cua đem lên khỏi nước, chúng đặt nó trên mặt đất. Và, bạch Đức Thế Tôn, theo bản năng, con cua giương cái càng của nó và bọn trẻ bẻ gãy cái càng ấy, đập tan nó bằng những cây gậy và những mảnh gốm. Như con cua ấy, cặp càng bị bẻ gãy, bị đập vỡ và tan nát, không thể bò xuống lại hồ nước như trước. Cũng vậy, bạch Đức Thế Tôn, Saccaka giờ đây sẽ không còn khả năng quay lại với Đức Phật để nói những lời phản bác và bảo vệ quan điểm vì Đức Phật đã bẻ bãy, đã đập vỡ và nghiền nát tất cả những lý luận trườn uốn, đầy kiêu ngạo và méo mó của Saccaka.”

Nhân đó, Saccaka bảo Dummukha: “Này Dummukha, hãy dừng lại, này Dummukha, hãy dừng lại. (Ngươi là người ăn nói thô lỗ) Ta không nói chuyện với ngươi, ta cũng không bàn luận với ngươi, ta đang bàn luận với Sa-môn Gotama.” Như vậy vị ấy đã từ chối sự tham dự của Dummukha trong cuộc đàm luận.

(Khi những vị hoàng tử Licchavī khác nghe ví dụ của hoàng tử Dummukha, họ nhớ lại cách cư xử khinh ngạo mà họ nhận được từ Saccaka khi đang học dưới sự chỉ dạy của vị ấy. Họ nghĩ rằng cái bàn đã xoay ngược và đây là cơ hội tốt nhất để họ trả thù kẻ thù chung của họ bằng cách nói ra những ví dụ khác nhau, theo cách cho ra những quả đấm để hạ gục kẻ thù. Bởi vậy, họ chờ đến phiên của họ khi nghĩ về những ví dụ mà họ sẽ nói ra.

Saccaka biết điều mà các vị hoàng tử ấy dự tính và điều dành sẵn cho vị ấy. Vị ấy biết rằng: “Những vị hoàng tử này đang nôn nóng chờ đợi đến phiên của họ, nếu mỗi người trong bọn họ có cơ hội đưa ra ví dụ của mình, thì ta sẽ không bao giờ có thể nhấc nổi cái đầu trước đám đông như vậy.” Do đó, vị ấy nghĩ cách tránh né điều không hay bằng cách đi đến Đức Phật với sự thỉnh cầu giải quyết vấn đề trước khi họ có thể can thiệp như đã dự định. Chính với ý định này, Saccaka đã ngăn cản hoàng tử Dummukha không cho can dự vào và nói lời thỉnh cầu với Đức Phật).

“ Thưa Đức Gotama… xin hãy bỏ qua những lời nói của con, cũng như những lời của nhiều vị Sa-môn và Bà-la-môn. Những lời nói như vậy có thể được xem là những cuộc chuyện trò vô ích. Tới mức độ nào đệ tử của Đức Thế Tôn y cứ theo lời giáo huấn, thực hành pháp và an trú trong lời dạy của Đức Gotama, sau khi khắc phục do dự, đoạn trừ tất cả hoài nghi, thành tựu vô uý và không nương tựa những kẻ khác về đức tin?”

Đức Phật bèn đưa ra câu trả lời sau đây để đáp lời thỉnh cầu của Saccaka :

“ Này du sĩ Saccaka, trong giáo pháp này, một Thanh văn đệ tử của Như Lai thấy như thật một sắc nào đó, hay tất cả sắc dù chúng thuộc quá khứ, tương lai hoặc hiện tại, ở bên trong hoặc bên ngoài, thô hay tế, thấp hèn hay cao sang, gần hoặc xa, trong mười một cách khác nhau này, qua minh sát tuệ (vipassanā ñāṇa), đạo trí (magga-ñāṇa) như vầy : ‘Sắc này không phải là ta, sắc này không phải của ta, sắc này không phải tự ngã của ta…thấy các thọ…các tưởng…các hành…Thấy như thực bất cứ thức nào, hay tất cả sáu thức, dù chúng thuộc quá khứ, tương lai hay hiện tại, ở bên trong hay bên ngoài, thô thiển hay vi tế, thấp hèn hay cao sang, ở gần hoặc ở xa, trong mười một cách khác nhau này, bằng vipassanā ñāṇa hay magga-ñāṇa. Như vậy, thức này không phải của ta, thức này không phải là ta, thức này không phải là tự ngã của ta.

Này du sĩ Saccaka… tới chừng mức như vậy, một đệ tử Thinh văn của Như Lai y cứ lời giáo huấn, thực hành theo giáo pháp và an trú trong giáo pháp, sau khi khắc phục do dự, đoạn trừ hoài nghi, thành tựu vô úy và không nương tựa vào những người khác về đức tin.”

(Theo thuật ngữ của Kinh tạng, ba tầng thánh bậc thấp được gọi là Sikkha bhūmi, tức là các bậc Hữu học (những bậc còn phải tu tập); thuật ngữ Kinh tạng về tầng thánh A-la-hán được gọi là Arahatta- puggala hay cõi của những bậc Ariya-puggala.

Ở đây, từ ‘thấy’ có nghĩa là quá trình tiếp diễn, chưa hoàn tất hành động thấy. Vì Saccaka không quen với những thuật ngữ trong giáo (sāsana), vị ấy nghĩ rằng ‘thấy’ là cách gọi ngắn gọn của ‘sự giác ngộ,’ và vì vậy vị ấy lại thưa với Đức Phật:)

“ Thưa Đức Gotama, tới mức độ nào (bằng cách nào) một vị tỳ khưu trở thành bậc A-la-hán, sau khi đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi đã hoàn tất các pháp hành của đạo (magga), sau khi đã làm xong các việc nên làm, đã đặt xuống gánh nặng (về các uẩn, phiền não và sanh hữu), sau khi đã đạt đến mục tiêu là A-la-hán quả (arahatta-phala), sau khi đã đoạn diệt các xiềng xích của kiếp sống, và sau khi đã thành tựu giải thoát bằng sự liễu tri?”

Đức Phật đáp lại:

“ Này du sĩ Saccaka, trong giáo pháp này, một Thanh văn đệ tử của Như Lai, thấy bất cứ sắc nào hay tất cả sắc một cách như thật bằng chánh tri kiến, dù chúng thuộc quá khứ, tương lai hay hiện tại, bên trong hay bên ngoài, thô thiển hay vi tế, thấp hèn hoặc cao sang, xa hoặc gần, trong mười một cách khác nhau này, do nhờ vipassanā ñāṇa hay magga-ñāṇa, như vầy: ‘Sắc này không phải là ta, sắc này không phải của ta, sắc này không phải là tự ngã của ta… tất cả Thọ…tất cả Tưởng…tất cả Hành…Thấy bất kỳ Thức nào hay tất cả sáu Thức như vầy : ‘Thức này không phải của ta, thức này không phải là ta, thức này không phải là tự ngã của ta’ Và được giải thoát không chấp thủ.”

Này du sĩ Saccaka… tới mức độ ấy, vị Thanh văn đệ tử của Như Lai trở thành bậc A-la-hán, sau khi đoạn tận các lậu hoặc, sau khi hoàn tất đạo hành, sau khi đã làm những việc cần làm, sau khi để xuống gánh nặng (về các uẩn, phiền não và sanh hữu), sau khi đạt đến mục tiêu của vị ấy là A-la-hán quả, sau khi tiêu diệt tất cả xiềng xích của kiếp sống, và sau khi thành đạt giải thoát bằng sự liễu tri.

Này du sĩ Saccaka… một vị tỳ khưu như vậy, với tâm được giải thoát như vậy, thành tựu ba đức tánh ưu việt, đó là: ưu việt về tuệ- quán, ưu việt về pháp hành và ưu việt về giải thoát.

Này du sĩ Saccaka… vị tỳ khưu có tâm giải thoát như vậy, đã tôn kính, tôn trọng, tôn vinh và kính lễ Đức Như Lai bằng cách nói rằng :

Buddho buddhāya desesi

danto yo dhammathāya ca

samathāya santo dhammaṁ

tinnova taraṇāya ca

nibbuto nibbānatthāya

taṇ lokasaranaṁ name.

Đức Phật, bậc đạo sư của chúng ta, sau khi đã giác ngộ Tứ Thánh Đế, Ngài thuyết pháp để giác ngộ tất cả chúng sanh.

Đức Phật, bậc đạo sư của chúng ta, sau khi đã tự mình diệt tắt ngọn lửa phiền não, Ngài thuyết pháp đến chúng sanh để giúp họ dập tắt ngọn lửa phiền não của họ.

Đức Phật, bậc Đạo sư của chúng ta, sau khi đã vượt qua bốn dòng lũ lớn (ogha) (dục bộc lưu, sanh hữu bộc lưu, tà kiến bộc lưu và vô minh bộc lưu), Ngài thuyết pháp để giúp chúng sanh vượt qua chúng.

Đức Phật, bậc Đạo sư của chúng ta, sau khi đã thành đạt sự diệt tận phiền não, Ngài thuyết pháp đến chúng sanh để giúp họ thành đạt sự diệt tận phiền não của họ.

­Ba pháp vô thượng: Kiến vô thượng, Đạo vô thượng và Giải thoát vô thượng.

­Ưu việt về tuệ quán nghĩa là tuệ quán thấy rõ  Niết bàn; ưu việt về pháp hành nghĩa là sự thực hành viên mãn, tức là Thánh đạo có tám chi; ưu việt về giải thoát nghĩa là sự chứng đắc A-la-hán quả.

Du sĩ Saccaka cúng dường vật thực đến Đức Phật

Khi Đức Phật đã giải thích như vậy về trạng thái cao quý của quả vị A-la-hán, Saccaka thưa rằng:

“Thưa Đức Gotama…Chúng con, quả thật đã xúc phạm Ngài và thật vô lễ khi nghĩ rằng chúng con có thể tranh luận với quan điểm của Ngài và bác bỏ chúng. Chúng con đã cố gắng hạ bệ Ngài bằng những lời thô lỗ và thiếu lịch sự.

Thưa Đức Gotama…Ví dụ, một người có thể tìm thấy an toàn sau khi tấn công một con voi điên, nhưng không thể có sự an toàn cho người tấn công Đức Gotama.

Thưa Đức Gotama… Người chiến đấu với con rắn độc hung dữ có thể tìm thấy an toàn, nhưng không thể có sự an toàn cho người chiến đấu với Đức Gotama.

Thưa Đức Gotama… Người chiến đấu với đám lửa hừng có thể tìm thấy an toàn, nhưng không thể có sự an toàn cho người tấn công đức Gotama.

Thưa Đức Gotama… Quả thật chúng con đã xúc phạm Ngài và vô lễ khi nghĩ rằng chúng tôi có thể luận chiến với những quan điểm của Ngài và bác bỏ chúng. Chúng tôi đã cố gắng hạ bệ Ngài bằng những lời thô lỗ và thiếu lịch sự.”

(Chú thích : Saccaka nói rằng: ‘‘ … không thể có sự an toàn dành cho người chiến đấu với Đức Gotama”. Ý nghĩa là bất cứ ai dám phê phán đức Gotama trong cuộc tranh luận về các quan kiến thì không thể thoát khỏi bị tiêu diệt và phải ra đi với những quan điểm của vị ấy hoàn toàn bị tiêu diệt. Nên chú ý rằng Đức Phật không gây nguy hại đến mạng sống của bất cứ ai như con voi điên, đám lửa hừng hay con rắn độc.

Saccaka đã nói lên ba ví dụ như vậy không phải với ý định tán dương Đức Phật, mà để thổi cái kèn của vị ấy. Ví dụ : Một ông vua muốn giết chết kẻ thù, có thể đề cao kẻ bại trận bằng những lời nhận xét như: “ Người đàn ông ấy quả thật là một người gan dạ, can đảm” chỉ để ca ngợi tài thao lượt của mình đó thôi.

Saccaka cũng vậy, vị ấy tán dương Đức Phật là bậc mà kẻ tầm thường khó đến gần, bằng cách đưa ra những ví dụ về con voi lớn, đám lửa hừng và con rắn độc để cho thấy rằng vị ấy là người thông minh duy nhất có can đảm mới dám thách thức Đức Phật tranh luận về các luận điểm).

Khi Saccaka đã gián tiếp khen ngợi chính mình như vậy, vị ấy quay sang Đức Phật và dâng lên lời thỉnh mời: “ Thưa Đức Gotama…Cầu xin Đức Gotama hoan hỉ thọ nhận cúng dường vật thực của con cùng với chúng tỳ khưu, tại nhà con vào ngày mai.” Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.

Rồi Saccaka quay sang các vị hoàng tử Licchavī và nói rằng: “ Xin các vị hoàng tử Licchavī hãy nghe ta. Đức Gotama đã nhận lời mời của ta để đến dự lễ cúng dường vật thực tại nhà ta vào ngày mai. Các vị có thể đem đến bất cứ thứ gì mà các vị nghĩ là thích hợp.” Khi đêm đã qua, tất cả họ đều đem đến năm trăm nồi vật thực đã nấu chín đến vị ấy. Rồi Saccaka, sau khi đã sửa soạn sẵn vật thực thượng vị, loại cứng và mềm tại chỗ ở của vị ấy, bèn sai người đi báo tin với Đức Phật: “ Thưa Đức Gotama, đã đến giờ thọ thực, vật thực đã chuẩn bị sẵn sàng.”

Rồi vào buổi sáng, Đức Phật, sau khi đã mặc y mang bát và y Tăng-già-lê, Ngài đi đến chỗ ở của Saccaka và ngồi vào chỗ đã sắp sẵn dành cho Ngài cùng với chúng tỳ khưu. Saccaka tự tay dâng cúng vật thực thượng vị loại cứng và mềm đến chúng tỳ khưu có Đức Phật chủ tọa, cho đến khi các ngài đã ăn no và không thể ăn thêm nữa.

Khi Saccaka biết rằng Đức Phật đã thọ thực xong, vị ấy ngồi xuống ở một nơi thích hợp và bạch rằng:

“ Thưa Đức Gotama… Mong rằng quả phước chính phát sanh từ sự bố thí này và những quả phước phụ của sự cúng dường to lớn này hãy đem lại hạnh phúc cho những người bố thí.”

(Quả phước chính nghĩa là kiếp sống tương lai dưới dạng thân xác ngũ uẩn ở cõi chư thiên hay những hoàn cảnh hạnh phúc ở cõi nhân loại. Những quả phước phụ nghĩa là của cải, tài sản, v.v…cần thiết cho những điều sống cao sang và thịnh vượng).

Saccaka đã nói lời cầu nguyện như vậy với cảm tưởng rằng chỉ những vị hoàng tử Licchavī mới xứng đáng thọ hưởng những quả phước; phước ấy được làm từ vật thực do họ bố thí. Nhưng chính Saccaka là người nên thọ hưởng quả phước vì vị ấy đã thực sự cúng dường đến Đức Phật và chúng Tăng bằng những gì vị ấy nhận được từ những vị hoàng tử Licchavī. Do đó, Đức Phật đoạn trừ ý nghĩ sai lầm của vị bằng cách nói rằng:

Này Saccaka, phước đến với những vị hoàng tử Licchavī vì những vật thí được dâng đến người thọ lãnh như ngươi, dầu ngươi chưa thoát khỏi tham, sân và si.

Này Saccaka, phước đến ngươi vì những vật thí được dâng cúng đến người thọ lãnh như Ta, là người đã thoát khỏi tham, sân và si.

Sự thuyết giảng bài kinh Maha Saccaka

Trên là bài kinh Cula Saccaka Sutta. Đây không phải là bài kinh duy nhất do Đức Thế Tôn thuyết giảng. Đức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh Mahā Saccaka Sutta đến Saccaka vào dịp sau. Bài kinh Mahā Saccaka Sutta bàn về hai cách quán, đó là quán thân và quán tâm và hai loại người, đó là Sammūḷha-puggala (Nghi giả) và Asammuḷha Puggala (Bất nghi giả). Muốn biết đầy đủ chi tiết, hãy xem bài kinh Mulapaṇṇāsa.

Thiên hướng bẩm sinh

Đức Phật thuyết giảng bài kinh Cula Saccaka và Mahā Saccaka. Đức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh Cula Saccaka dài bằng phần tụng đọc tại Hội kiết tập, trong khi bài kinh Mahā Saccaka dài gấp rưỡi phần tụng đọc ở hội nghị Kiết tập. Saccaka cũng không chứng đắc tầng Thánh nào cũng không thọ phép xuất gia. Vị ấy cũng không quy y Tam bảo. Một câu hỏi được nêu ra là tại sao khi ấy Đức Thế Tôn lại thuyết cho vị ấy hai bài kinh đầy đủ như vậy?

Đức Thế Tôn thuyết những bài kinh này để gieo hạt giống Thánh đế trong người vị ấy ngõ hầu gặt hái kết quả là Đạo và Quả khi đúng thời. Đây là lời giải thích chi tiết: Đức Phật biết rằng Saccaka thiếu cận y duyên để chứng đắc đạo quả trong lúc Ngài còn sinh thời. Nhưng vị ấy quyết định sẽ chứng đắc đạo quả A-la-hán hai trăm năm sau khi Đức Phật viên tịch Đại niết bàn, khi giáo pháp hưng thịnh tại Sihala (Sri Laṅka). Vị ấy sẽ tái sanh vào gia đình một vị quan của vua. Khi vị ấy đến tuổi trưởng thành, vị ấy sẽ xuất gia làm một vị tỳ khưu và sau khi học nằm lòng Tam tạng và thực hành thiền Minh sát sẽ chứng đắc đạo quả A-la-hán (arahatta-phala) cùng với Vô-ngại-giải trí (paṭisaṁbhida-ñāṅa). Vị ấy sẽ được vang danh là Trưởng lão Kāla Buddha Rakkhita. Khi biết rõ về kiếp tương lai của vị ấy như vậy qua Tương lai trí (anāgata-ñāṇa), Đức Phật đã đưa vào tâm của vị ấy một tia sáng của Chân lý để nó có thể phát triển thành thiên hướng bẩm sinh sau này.

Khi sāsana được tỏa sáng ở Sihala, vị ấy mạng chung từ cõi chư thiên và tái sanh vào gia đình của một vị quan tại một ngôi làng  có trách nhiệm hộ độ vật thực cho đại tịnh xá Dakkhinagiri. Khi đến tuổi trưởng thành, vị ấy xuất gia và học Tam tạng. Cuối cùng vị ấy đạt đến địa vị trưởng lão tỳ khưu trông coi một bộ phận chúng Tăng. Vị ấy cùng nhiều đệ tử đảnh lễ vị thầy tế độ, người có trách nhiệm về việc xuất gia của vị ấy.

Vị thầy tế độ quyết định quở trách người đệ tử của mình, là Buddha Rakkhita, vì đã chểnh mảng trong pháp hành giải thoát, dù đã học Tam tạng. Do đó, ông thầy quyết định không ngồi đối mặt với người đệ tử.

Vào ngày hôm sau, khi trưởng lão Kāla Buddha Rakkhita đến tịnh xá của thầy, vị ấy hỏi thầy rằng: “ Kính bạch ngài…Con đến thăm thầy sau khi hoàn thành việc học Tam tạng, con thấy rằng hình như thầy không muốn gặp mặt con. Cầu xin thầy cho con biết rằng con đã phạm lỗi lầm nào?”

Vị thầy trả lời: “ Này Buddha Rakkhita… Có phải ngươi nghĩ rằng ngươi đã hoàn thành tất cả phận sự của vị tỳ khưu chỉ vì ngươi đã học xong năm bộ Nikāya và bộ Tipitaka ?” Nhân đó, vị ấy cầu xin vị thầy ban lời chỉ dạy: “ Kính bạch ngài… Nếu vậy, con nên làm gì?” Vị thầy bèn ban lời giáo huấn như sau: “ Người phải từ bỏ những phận sự đối với các đệ tử (ganapatibodha), chúng gây chướng ngại cho sự tiến bộ của ngươi và phải cắt đứt tất cả những phiền não còn lại bằng cách đi đến tịnh xá ở núi Cetiya để chuyên tâm hoàn toàn vào pháp bhikkhu-dhamma, tức là hành thiền.”

Trưởng lão Kāla Buddha Rakkhita làm theo lời chỉ dạy của vị thầy, và đến đúng lúc, vị ấy chứng đắc trạng thái Ứng cúng, là Paṭisambhida arahat. Vị ấy tiếp tục ngụ tại tịnh xá ở núi Cetiya giữa nhiều đệ tử, và được mọi người biết đến là quốc sư của vua cũng như của những người khác.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 19

Post Views: 239