Chuyện về 2 vị quan Juṇha và Kāla ( nước Kosala )- liên quan đến sự kiện vô song thí của vua Pasenadi

Chuyện về 2 vị quan Juṇha và Kāla ( nước Kosala )- liên quan đến sự kiện vô song thí của vua Pasenadi

Hai vị quan Juṇha và Kāla

Vua Pasenadī Kosala có hai vị quan là Juṇha và Kāla. Một trong hai vị quan ấy, vị quan Kāla suy nghĩ rằng: “Ồ! Quả thật một sự mất mát đã xảy đến cung điện của đức vua. Những của báu lên đến nhiều koṭi đã tiêu tan trong một ngày. Sau khi nhận lãnh những vật thí của đức vua, những vị tỳ khưu này sẽ trở về chỗ ngụ của họ và lăn ra ngủ. Ôi! Cung điện đã đi đến chỗ tàn rụi chưa từng có.”

Ngược lại, vị quan Juṇha suy nghĩ: “Ồ! Đức vua đã bố thí một cách đúng pháp và thành công. Đúng vậy, người không nắm vương quyền (người không phải là hoàng đế) thì không thể bố thí được như vậy. Không có người bố thí nào mà không san sẻ phước của họ cho tất cả những chúng sanh khác. Ta hoan hỷ với Vô song thí của đức vua và nói Sādhu! Sādhu! Sādhu!”

Suy xét như vậy, vị quan Juṇha hoan hỷ và sung sướng. Khi Đức Phật đã độ thực xong, đức vua Kosala sẵn sàng nghe pháp bằng cách cầm cái tách để đổ nước dâng cúng. Thời pháp sẽ Đức Phật thuyết để ca ngợi sự bố thí của đức vua. Đức Phật suy xét như sau: “Quả thật đức vua đã làm một việc đại thí tựa như vị ấy làm cho cơn lũ đổ xuống những đợt sóng nối tiếp nhau. Vị ấy có thể làm cho mọi người hoan  hỷ hay không?”

Khi ấy, Ngài biết những dòng suy nghĩ của hai vị quan và biết như vầy: “Nếu Như Lai thuyết pháp chi tiết phù hợp với sự bố thí của đức vua thì cái đầu của vị quan Kāla sẽ bị vỡ thành bảy mãnh, còn vị quan Juṇha thì được an trú trong Thánh quả Nhập lưu. Vì thương xót Kāla, Đức Phật chỉ thuyết một câu kệ bốn dòng (catuppadika) bất chấp sự bố thí to lớn như vậy của đức vua thực hiện. Rồi Ngài đứng dậy khỏi chỗ ngồi và đi về tịnh xá

Số phận của hai vị quan

Vua Pasenadī Kosala cảm thấy không vui và tự nghĩ như sau: “Đức Thế Tôn đứng dậy và ra đi mà không bố thí cho ta một thời pháp phù hợp với dịp này dù ta làm một đại thí đến hội chúng có tánh chất vĩ đại như vậy. Thay vì thế, Ngài chỉ thuyết bốn câu kệ. Ắt hẳn ta đã làm điều gì không làm hài lòng Ngài. Chắc chắn là ta đã làm điều gì không vừa lòng. Có lẽ ta đã cúng dường vật thực không thích hợp. Ắt hẳn Đức Phật không thích ta. Sự bố thí mà ta đã làm được gọi là Vô song thí (asadisa-dāna). Đức Phật lẽ ra nên thuyết một bài pháp thích hợp với loại vật thí này”. Nghĩ như vậy, đức vua đi đến tịnh xá, đảnh lễ Đức Phật và bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Phải chăng con đã không bố thí đúng pháp, hay con đã cúng dường những vật thí không tốt ? ”

Đức Phật nói: “Thưa đại vương! Tại sao đại vương lại hỏi như vậy?” Đức vua bạch rằng: “Thế Tôn đã không thuyết pháp phù hợp với lễ Vô song thí của con.” Đức Phật giải thích: “Thưa đại vương! Đại vương đã cúng dường những vật thí đúng pháp. Đúng vậy, những vật thí mà đại vương đã cúng dường gọi là Vô song thí. Loại bố thí này chỉ xảy ra một lần đến mỗi vị Phật. Thật không dễ làm lại được như vậy.”.

Khi ấy, đức vua hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn! Vậy tại sao Ngài không thuyết pháp phù hợp với tánh chất vĩ đại của vật thí cho chúng con?” “Bởi vì thính chúng không trong sạch.” “Bạch Đức Thế Tôn! Thính chúng có khuyết điểm nào?”

Rồi Đức Phật cho đức vua biết sự phản ứng của hai vị quan và giải thích rằng Ngài không thuyết pháp chi tiết là vì thương xót cho Kāla. Đức vua hỏi Kāla có đúng như vậy không. Khi Kāla xác nhận đúng như vậy, đức vua bèn trục xuất vị ấy ra khỏi vương quốc, nói rằng: “Xét ra trẫm cùng gia đình trẫm bố thí tài sản mà không lấy một đồng nào từ nơi ngươi, vậy ngươi lo lắng gì? Này Kāla! Hãy đi, những tài sản mà trẫm đã cho ngươi vẫn là của ngươi (trẫm sẽ không lấy lại) nhưng người phải đi khỏi vương quốc này trong ngày hôm nay.”

Rồi đức vua cho gọi vị quan Juṇha đến và hỏi vị ấy rằng có phải vị ấy có ý định ủng hộ, và khi nhận được câu trả lời xác định thì đức vua nói với Juṇha rằng: “Khéo lắm, này cậu, khéo lắm! Trẫm yêu quý cậu! Hãy nhận lấy tùy tùng của trẫm và bố thí trong bảy ngày theo cách mà trẫm đã làm.”

Khi nói như vậy, đức vua bèn trao vương quyền của mình cho Juṇha trong bảy ngày. Sau đó vị ấy bạch với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Hãy nhìn vào điều mà kẻ ngu đã làm, vị ấy là người chống lại sự bố thí của con theo cách như vậy!” Đức Phật bèn đáp lại: “Đúng vậy, thưa đại vương! Những kẻ ngu là những kẻ không khen ngợi việc bố thí của người khác mà chỉ biết gièm pha và cuối cùng đi đến khổ cảnh. Tuy nhiên, bậc trí thì hoan hỷ với sự bố thí của người khác và cuối cùng được tái sanh vào cõi an vui.” Rồi Đức Phật đọc lên câu kệ sau đây:

Nave kadariyā devalokaṃ vajanti.

bālā have nappasaṃ santi dānam

Dhīro ca dānaṃ anumodamāno

ten‘eva so hoti sukhī parattha.

(Thưa đại vương!) Quả vậy, những người rít róng và keo kiệt không đạt đến cõi chư thiên. Những kẻ ngu, vô minh đối với thế gian hiện tại và tương lai thì không ngưỡng mộ và không hoan hỷ đối với sự bố thí. Chỉ những người có trí trông thấy xa mới có thể hoan hỷ trong sự bố thí. Chính lí do về sự hoan hỷ của vị ấy mà khi mạng chung, vị ấy hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên.

Vào lúc kết thúc thời pháp, vị quan Juṇha chứng đắc quả thánh Nhập lưu (sotāpanna). Khi thọ hưởng đặc ân của đức vua ban cho, vị ấy tổ chức bố thí cúng dường trong bảy ngày theo cách của đức vua.

Kết thúc phần đề cập về Vô song thí của đức vua Kosala

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 23

Post Views: 513