Lễ canh điền của Bà-la-môn Kasibhāradvāja – chuyện về Như Lai cũng cày ruộng và gieo hạt

Lễ canh điền của Bà-la-môn Kasibhāradvāja – chuyện về Như Lai cũng cày ruộng và gieo hạt

Trích trong Đại Phật Sử chương 29 ( Hạ thứ 11 của Đức Phật

Như vậy, theo thông lệ chư Phật hằng ngày thường làm năm phận sự dù ở bất cứ nơi nào mà các Ngài ngự đến. Theo đúng thông lệ nên Đức Phật của chúng ta cũng vậy. Khi Ngài trải qua mùa an cư thứ mười một, hằng ngày Ngài làm năm phận sự. Một hôm, khi Ngài dò xét thế giới hữu tình bằng Phật nhãn, Ngài trông thấy ông Bà-la-môn Kasibhāradvāja là người có phước adhikara đặc biệt giúp ông ta chứng đắc đạo quả A-la-hán. Khi suy xét thêm, Ngài biết trước như vầy: “Ông Bà-la-môn ngày hôm nay sẽ tổ chức lễ canh điền. Khi Như Lai đến mảnh ruộng đang cày của ông ấy thì cuộc đàm đạo giữa Như Lai và ông ta sẽ xảy ra. Vào lúc kết thúc buổi pháp đàm, nhờ nghe thời pháp của Như Lai, ông ta sẽ đắp y và trở thành vị thánh A-la- hán.” Rồi Đức Phật ở lại tịnh xá Dakkhiṇagiri và chờ cơ hội ấy.

Lễ canh điền của Bà-la-môn Kasibhāradvāja

Ngày hôm ấy diễn ra lễ canh điền của Bà-la-môn Kasibhāradvāja, một cư dân của ngôi làng Ekaṇāla (ông có tên như vậy là vì ông thuộc bộ tộc Bhāradvāja và làm nghề nông).

Chương trình lễ cày ruộng và gieo hạt ngày thứ nhất của ông ta như sau: ba ngàn con bò kéo được sắp xếp sẵn sàng. Tất cả những chiếc sừng của chúng đều được bịt bằng vàng và móng của chúng được gắn bằng bạc. Tất cả chúng đều được trang sức bằng bông hoa trắng và trên thân có in hình năm ngón tay bằng vật liệu thơm. Tất cả chúng đều là giống bò tốt nhất, đầu và bốn chân chúng tuyệt đẹp. Một số có màu nâu đậm, một số có màu trắng tuyết, một số có màu đỏ của san hô, trong khi những con khác thì có màu đốm trông những viên ngọc māsaragalla.

Cũng thế, năm trăm công nhân đều mặc y phục màu trắng và trang sức trên người bằng những tràng hoa thơm, vai phải của họ mang một vòng hoa lớn, toàn thân của họ sáng chói rực rỡ. Họ đi thành từng nhóm, mỗi nhóm có mười cái cày. Ngay trước những cái cày là những cái ách và những gậy hích được bịt vàng. Trong năm trăm chiếc cày này, chiếc cày thứ nhất do tám con bò kéo, mỗi chiếc cày còn lại được kéo bởi bốn con. Những con bò còn lại sẵn sàng để thay thế những con bị mệt. Mỗi nhóm có mười chiếc cày và có một cỗ xe hạt giống đi kèm. Việc cày ruộng được thực hiện do từng người nông dân thay phiên nhau. Việc gieo giống cũng được thực hiện như thế.

Về phần của điền chủ Bà-la-môn Kasibhāradvāja, ông tỉa râu mép và râu cằm thật gọn gàng. Ông tắm rửa sạch sẽ và thoa lên người loại hương liệu có mùi thơm đặc biệt. Sau đó ông mặc bộ y trị giá năm trăm ngàn đồng tiền vàng và chiếc áo choàng trị giá một ngàn đồng tiền vàng ở bên vai trái của ông. Hai lỗ tai của ông ta được đính vào hai vật trang sức có hình miệng của con sư tử. Đầu của ông được vấn bằng chiếc khăn xếp như chiếc khăn vấn đầu của vị Phạm thiên. Một vật trang sức bằng vàng như tràng hoa đeo quanh cổ. Đứng giữa nhóm người Bà-la-môn, ông giám sát cuộc lễ.

Sau đó, vợ của ông cho người chở đến những chiếc bình đựng các món ăn được nấu bằng sữa bằng những chiếc xe bò. Bà tắm gội bằng nước thơm, trang phục lộng lẫy rồi đi đến nông trang cùng với những nữ Bà-la-môn khác.

Trong nhà của Bà-la-môn cũng vậy, nơi nào cũng có mùi hương thơm ngát. Hột nổ được rải khắp nơi. Những cái lu đựng đầy nước, những cây chuối, cờ xí và cờ phướn được trang hoàng cho buổi lễ. Và bằng hương hoa và các lễ vật khác, lễ cúng dường được tiến hành. Trong cánh đồng, những lá cờ hình khối và dẹp được treo khắp nơi. Những người trợ giúp, người làm công và những người tụ họp lại số lượng lên đến hai ngàn năm trăm người. Mọi người đều mặc quần áo mới và món ăn bằng sữa đã được bày sẵn sàng cho họ.

Khi mọi sự đã sẵn sàng để tiến hành lễ hội ở nông trại, Bà-la- môn Kasibhāradvāja sai rửa sạch cái bát vàng mà ông thường dùng ăn cơm và cho vào bát món cơm sữa thêm bơ, mật ong và mật đường. Ông cho người cúng dường món cơm sữa đến Thần Nông. Vợ ông sai phân phối các bát bằng vàng, bạc, đồng trắng và đồng đỏ cho năm trăm nông dân, đích thân bà sớt món cơm sữa, bằng cái giá hình thù như cái tách, vào bát của họ lần lượt từ người này đến người khác. Tuy nhiên, sau khi cúng lễ các thần linh xong, Bà-la-môn đi đôi giày buộc bằng những sợi dây màu đỏ và cầm chiếc gậy bằng vàng, ông đi từ nơi này đến nơi khác để giám sát công việc và nói: “Hãy cho món cơm sữa vào bát của người đàn ông này! Hãy bỏ bơ vào bát này! Hãy múc một ít mật đường cho vào bát ông này!”

Đây là cách thức về lễ canh điền của chủ điền Bà-la-môn Kasibhāradvāja.

Đức Phật viếng lễ canh điền

Bấy giờ đang ở Hương phòng, Đức Phật biết rằng bữa tiệc món cơm sữa đang diễn ra và Ngài quyết định rằng: “Đã đến lúc Như Lai  tế độ Bà-la-môn Kasibhāradvāja!” Thế nên, Ngài sửa lại chiếc y nội, buộc dây lưng, đắp y vai trái, mang bát và đi đến nơi mà lễ canh điền đang diễn ra sôi động nhất.

(Ở đây, bất cứ khi nào Đức Phật muốn nhận lãnh vật thực thì cái bát bằng đá màu xanh inda-nila (do bốn vị Thiên vương dâng cúng) tự động xuất hiện giữa hai tay của Đức Phật. Đức Phật không cần thiết đem bát đi theo. Như con ong đến nơi nhiều bông hoa, cũng vậy cái bát tự hiện ra dành cho Đức Phật.

Người ta có thể hỏi rằng: “Tại sao các tỳ khưu không đi theo Đức Phật?” Câu trả lời là: “ Khi muốn đi một mình, Đức Phật đi vào Hương phòng vào giờ khất thực buổi sáng và đóng cửa phòng, ở lại trong đó. Từ dấu hiệu đó, các tỳ khưu biết rằng: “Ngày hôm nay, Bậc Đạo sư muốn đi vào làng hay thị trấn một mình. Chắc chắn là bậc Đạo sư đã thấy một người nào đó cần tế độ.” Do biết vậy, họ mang bát tìm con đường riêng đi khất thực sau khi nhiễu quanh Hương phòng. Trong ngày hôm ấy, để tiếp độ Bà-la-môn Kasibhāradvāja, Đức Phật đã hành xử y như cách đã được nêu trên. Đó là lý do mà các tỳ khưu không đi theo Đức Phật).

Vào lúc Đức Phật đến viếng thì Bà-la-môn Kasibhāradvāja đang chủ trì bữa tiệc món cơm sữa dành cho các thành viên trong nhóm tùy tùng của ông. Đức Phật đi đến bữa tiệc và đứng ở một nơi thích hợp.

(Ở đây Đức Phật đi đến và đứng nơi buổi tiệc đang diễn ra là chỉ để ban phúc lành cho Bà-la-môn Kasibhāradvāja. Thực ra, Ngài đi đến đó không phải để xin vật thực như những người ăn xin. Giải rộng: Quyến thuộc của Đức Phật số lượng một trăm sáu chục ngàn người, tám chục ngàn bên cha và tám chục ngàn bên mẹ. Những quyến thuộc này đủ khả năng để cung cấp vật thực thường xuyên. Quả vậy, Đức Phật khoác vào chiếc y không vì vật thực. Thực ra, Ngài trở thành Sa- môn với chí nguyện là: “ Trong vô số kiếp Ta đã tạo ra năm loại đại thí và thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật. Sau khi tự mình thoát khỏi sanh tử luân hồi, Ta sẽ độ thoát cho những chúng sanh nào xứng đáng được độ thoát như Ta. Sau khi nhiếp phục bản thân bằng sự thu thúc lục căn, Ta sẽ nhiếp phục những chúng sanh đáng được nhiếp phục như Ta vậy. Sau khi làm thanh tịnh bản thân bằng sự dập tắt tất cả hơi nóng của phiền não, Ta sẽ đem lại thanh tịnh cho những chúng sanh xứng đáng giống như Ta. Sau khi tự mình đạt đến chỗ tịch tịnh đối với thân và phiền não, Ta sẽ dạy cho những chúng sanh xứng đáng đạt đến chỗ tịch tịnh đối với thân và các phiền não giống như Ta vậy. Do đó, chính vì Ngài muốn độ thoát cho những chúng sanh này giống như Ngài đã tự mình giải thoát khỏi vòng luân hồi. Chính vì Ngài muốn điều phục chúng sanh giống như Ngài đã điều phục chính mình bằng sự thu thúc lục căn. Chính vì Ngài muốn đem lại thanh tịnh cho những chúng sanh ấy giống như Ngài đã thanh tịnh chính mình bằng sự dập tắt tất cả những ngọn lửa phiền não. Chính vì Ngài muốn đạt đến chỗ tịch tịnh về thân và các phiền não mà Ngài đã đi khắp thế gian. Trong chuyến du hành hôm nay, Ngài đi đến và đứng đó, nơi mà bữa cơm sữa đang diễn ra sôi động nhất để tế độ Bà-la-môn Kasibhāradvāja).

Sau khi Đức Phật đứng ở chỗ đủ cao để Bà-la-môn Kasibhāradvāja có thể trông thấy và nghe Ngài nói. Từ thân Ngài phát ra hào quang có màu pīta giống như sự pha trộn màu sắc của vàng lỏng và bột đá vàng. Sáng chói hơn ánh sáng của một ngàn mặt trời và một ngàn mặt trăng, các tia hào quang đi xa tám mươi hắc tay,  khắp các hướng đều thấm nhuần hào quang từ thân Đức Phật, những bức vách trong chỗ làm việc của Bà-la-môn, những cây cối chung quanh và những cục đất đã được lật lên và những vật khác đều trông như những khối vàng rắn.

Lúc bấy giờ những người tham dự bữa tiệc cơm sữa trông thấy Đức Phật vô song trong tướng mạo uy nghi rực rỡ của một vị Phật. Do vậy, họ vội vàng rửa tay chân rồi cung kính chắp tay đứng quanh Ngài. Bà-la-môn Kasibhāradvāja trông thấy mọi người vây quanh Đức Phật, ông ta không hài lòng, nghĩ rằng: “ Công việc của ta đã bị phá vỡ có chủ tâm!” Khi chú ý đến các tướng chánh và tướng phụ, ông ta đã nhận xét sai lầm rằng: “ Vị Sa-môn Gotama này, nếu mà chịu làm việc để kiếm của cải thì chắc vị ấy đã kiếm được cái gì đó như cái kẹp tóc bằng hồng ngọc cho tất cả người trong khắp cõi Diêm phù đề này. Vị ấy có thể thành tựu bất cứ điều hạnh phúc nào! Tuy nhiên, vì lười biếng không làm gì cả, chỉ ăn vật thực kiếm được ở các buổi lễ canh điền và các buổi lễ khác; vị ấy đi lại chỗ này chỗ kia để chăm lo cái thân của vị ấy mà thôi.” Do tâm trạng khó chịu và suy nghĩ sai lầm của mình nên ông đã nói với Đức Phật những lời khinh miệt sau: “ Này ông Sa-môn, tôi làm công việc cày cấy và gieo trồng. Tôi kiếm sống nhờ vậy (dù tôi không có những tướng hảo như ông, nhưng công việc của tôi cũng không bị ảnh hưởng bất lợi). Này ông Sa-môn, ông cũng nên cày bừa và gieo trồng như tôi. Nhờ làm vậy, ông sẽ sống cuộc đời hạnh phúc như tôi. (Đối với ông, người có những tướng của bậc đại nhân, lợi ích nào sẽ xảy đến?)

(Bà-la-môn Kasibhāradvāja vốn biết rằng: “Thái tử Siddhattha ra đời trong cung điện của dòng tộc Thích ca, trong kinh thành Kapilavatthu! Vị thái tử ấy đã trở thành một vị Sa-môn sau khi từ bỏ đời sống vương giả của một vị Chuyển luân vương!” Ông nhận ra Thái tử Siddhattha chính là vị Sa-môn này. Ông nói với Đức Phật theo cách trên vì ông muốn chỉ trích Ngài: “Sau khi từ bỏ đời sống xa hoa của một vị Chuyển luân vương, giờ đây ông có thấy mỏi mệt không?” Hoặc, là một Bà-la-môn thông minh sắc bén, ông ta nói như vậy vì không muốn phản đối Ngài mà vì ông đã tự mình chứng kiến tướng hảo thù thắng của Đức Phật nên muốn tán dương trí tuệ của Ngài và bắt chuyện với Ngài).

Lúc bấy giờ vì Bà-la-môn Kasibhāradvāja, một người chủ nông trại, là người xứng đáng để nói chuyện nên Đức Phật muốn giáo giới cho ông tùy theo căn cơ của ông. Để ban ra một thời pháp thoại, khi biểu lộ chính Ngài là chúa tể của những người trồng trọt trong thế giới hữu tình, có chư thiên và Phạm thiên, Đức Phật nói rằng: “ Này Bà-la- môn Kasibhāradvāja, giống như ông, Như Lai cũng cày ruộng, gieo hạt và nhờ đó sống hạnh phúc.”

Khi ấy ý nghĩ sau đây sanh đến với Bà-la-môn Kasibhāradvāja: “Vị Sa-môn Gotama này nói rằng: ‘Ta cũng cày ruộng và gieo hạt,’ nhưng ta không thấy những dụng cụ của vị ấy như cái ách, gậy hích, v.v… Vị ấy có nói dối ta không?” Rồi ông Bà-la-môn nhìn Đức Phật và quan sát Ngài từ chân lên đến đầu và thấy rằng Ngài có đầy đủ tướng hảo của một bậc Đại nhân. Thế nên ông suy nghĩ: “Không có lý do gì mà một người có đầy đủ hảo tướng như vầy lại nói lời không thật.” Ngay khi ấy ông cảm thấy kính trọng Đức Phật và từ bỏ lời nói khiếm nhã như ‘ông Sa-môn’ và gọi Ngài bằng tên của bộ tộc của Ngài như vầy:

“Chúng tôi không thấy cái ách, cái cày, lưỡi cày, gậy hích và những con bò kéo của Ngài Gotama. Dù ông đã quả quyết khi nói rằng: ‘ Này ông Bà-la-môn, giống như ông Như Lai cũng cày ruộng, gieo hạt và nhờ đó sống hạnh phúc.’ ”

Rồi ông hỏi bằng câu kệ sau đây:

1)  Kassako paṭijānāsi

na ca passāmi te kasim.

Kasim no pucchito brūhi

yathā jānemu te kasiṁ.

(Thưa Ngài Gotama), Ngài công bố rằng Ngài là nông dân. Nhưng tôi không thấy những công cụ của Ngài, là cái ách, cái cày và những thứ khác cần thiết cho việc đồng áng. Vì giờ đây chúng tôi xin hỏi Ngài, hãy nói cho chúng tôi biết bằng cách nào đó để có thể nhìn thấy tất cả những công cụ (của Ngài, thưa Ngài Gotama) để làm nông. Đối với câu hỏi đầy đủ do Bà-la-môn nêu ra, Đức Phật đã cho câu trả lời bằng bốn câu kệ, ba câu tự nó là những câu trả lời và câu thứ tư là câu kết luận. Những câu kệ và bản dịch của chúng như sau:

Câu trả lời bằng kệ ngôn (1)

2) Saddhā bījaṁ tapo vuṭṭhi

paññā me yuga-nañgalaṁ

Hirī tsā mano yuttaṁ

sati me phālapācanaṁ

(a)   (Này Bà-la-môn Kasibhāradvāja!) Niềm tin của Như Lai là hạt giống, niềm tin có bốn loại: Lai tín (āgamana-sadhā), Chứng tín (adhigama-sadhā), Xác tín (okappana-sadhā), và Tịnh tín (pasāda- sadhā). (Đọc Chú giải Pāthika-vagga và những tác phẩm khác để biết rõ hơn về bốn loại đức tin này).

Chú thích:

(1)      Lai tín (āgamana-sadhā) là đức tin sanh lên do sự phát nguyện thành Phật.

(2)    Chứng tín (adhigama-sadhā) là đức tin sanh lên do sự chứng đắc Đạo và Quả.

(3)     Xác tín (okappana-sadhā) là đức tin sanh lên do sự hiểu rõ các ân đức của Tam bảo.

(4)     Tịnh tín (pasāda-sadhā) là đức tin sanh lên do bởi đối tượng hình sắc hay âm thanh đáng ưa thích.

(b)   Sự thu thúc lục căn của Như Lai là đám mưa giúp cho sự phát triển những cây con.

(c)    Tuệ quán (vipassana-paññā) và bốn Đạo tuệ (magga-paññā) của Như Lai là cái ách và khúc gỗ của cái bừa.

(d)     Tàm (hiri) và Quý (ottapa) của Như Lai là cặp sào của cái bừa.

(e)     Tâm sản sanh ra Định (samādhi) của Như Lai là những sợi dây thừng, gồm có 3 loại: một sợi dùng để buộc, một sợi dùng để gắn giữ và sợi thứ ba dùng để kết nối.

(f)      Chánh niệm của Như Lai (sati) có Tuệ quán đi kèm và có Tuệ đạo đi kèm là những cái răng của cái bừa và cây gậy hích.

(Chú thích: Bà-la-môn hỏi riêng về cái ách, cái bừa và những công cụ khác. Nhưng Đức Phật trả lời bằng cách thêm vào các sự kiện cần thiết (dù chúng không được đề cập trong câu hỏi). Ngài làm như vậy do sự giống nhau của hai nguyên tắc gốc (đức tin và hạt giống). Cách thuyết giảng như vậy là phương tiện vốn có của các Đấng Giác Ngộ. Đức Phật, vì muốn thuyết giảng bằng cách mở ra phương tiện ấy để bổ túc những yếu tố cần thiết khác trong cùng một sự kiện tương đồng nên đã nói rằng đức tin của Ngài là hạt giống.

Ở đây, câu nói “Sự tương đồng giữa hai căn nhân” có ý nghĩa gì? Không phải ông Bà-la-môn chỉ hỏi câu hỏi liên quan đến những thứ như cái ách, cái bừa và những thứ tương tự? Như thế tại sao Đức Phật nói về niềm tin của Ngài bằng cách so sánh nó với hạt giống và đưa nó vào câu trả lời của Ngài dù không được nêu ra trong câu hỏi của ông ta? Nếu câu trả lời không liên quan đến câu hỏi thì có thích hợp không? Dù ông ta đã giới hạn câu hỏi trong những công cụ nông nghiệp, như cái ách, cái bừa và những thứ tương tự, tại sao Đức Phật lại đưa vào câu trả lời của Ngài như đức tin ngang hàng với hạt giống, v.v…? Phải chăng điều này khiến cho câu trả lời của Ngài trở nên không thích hợp?

Câu trả lời: Đức Phật không bao giờ nói điều gì không thích hợp. Chư Phật có truyền thống thuyết giảng bằng cách giới thiệu những sự kiện mới bằng phép loại suy.

Ở đây, cần chú ý những điều sau: Bà-la-môn Kasibhāradvāja hỏi về nghề nông liên quan đến cái cày, cái ách và các công cụ khác. Nhưng Đức Phật khi được hỏi như vậy, đã không bỏ sót bất cứ điều gì trong câu trả lời của Ngài khi nói rằng: “Điều này ông ta không hỏi”. Đối với Đức Phật, sự quan tâm đến ông ta như vậy là do lòng bi mẫn. Vì muốn nói về nghề nông ngay từ đầu để ông ta có thể biết toàn thể công việc cùng với bốn điểm là (1) căn nguyên (mūla), (2) trợ thành (upakāra), (3) tư lương (sambhāra), và (4) quả (phala) đã không được đề cập đến trong những câu hỏi của ông ta. Tuy ông không hỏi vì kiến thức và trí tuệ của ông không đủ thâm sâu, Đức Phật đã trả lời tất cả những điểm không được hỏi đến nhưng cần thiết do bởi tâm bi mẫn quảng đại của Ngài.

Giải rộng: Hạt giống là nhu cầu cơ bản trong nông nghiệp. Không có hạt giống thì không có công việc trồng trọt. Số lượng hạt giống quyết định số lượng công việc làm nông. Công việc trồng trọt được làm nhiều hay ít tùy thuộc hạt giống. Cho nên hạt giống là căn nguyên của nghề nông. Về vấn đề này, Đức Phật muốn mô tả công việc làm nông bắt đầu từ căn nguyên ấy. Vì hạt giống là căn nguyên của ngành nông nghiệp muôn thuở, nên chủ đề của ông ta tương tự như căn nguyên của việc trồng trọt trong tâm của Đức Phật. Ngài  thêm vào việc loại suy nên Ngài mới nói rằng: “Đức tin của Như Lai là hạt giống.” (Như đã nói ở trên, căn nguyên của công việc là nông tức là hạt giống và căn nguyên của việc gieo trồng trong tâm là đức tin. Ý nghĩa thâm sâu của câu nói này nên hiểu như vậy.)

Lại nữa, người ta cũng có thể tranh biện rằng: “Bà-la-môn hỏi điều gì thì nên trả lời điều đó trước, tại sao Đức Phật trả lời trước điều mà ông ta không hỏi đến?”

Câu trả lời tóm gọn: (1) Dù đức tin như hạt giống lẽ ra được trả lời sau nhưng Đức Phật trả lời trước vì muốn đem lại nhiều lợi ích cho ông ấy. (2) Sự thu thúc lục căn giống như đám mưa và đức tin như hạt giống có liên hệ với nhau như nhân và quả, cho nên sự thu thúc lục căn giống như đám mưa được đề cập ngay sau đức tin như hạt giống.

Giải rộng:

(1)    Ông Bà-la-môn bản chất thông minh. Nhưng vì ông sanh ra trong một gia đình tà kiến nên niềm tin của ông rất yếu. Người mạnh về thông minh mà yếu về đức tin thì chẳng tin ai cả (ngay cả những vị thầy của mình), người ấy không thực hành pháp cần được thực hành và vì thế không thể chứng đắc đạo quả siêu phàm. Niềm tin trong sạch của ông ta còn yếu. Thế nên, đức tin yếu kết hợp với trí thông minh mạnh mẽ không thể giúp ông ta chứng đắc đạo quả. Sự kết hợp ấy có phần giống như con bò kéo được thắng ách chung với con voi. Chính niềm tin sẽ dẫn dắt ông Bà-la-môn chứng đắc đạo quả. Vì vậy để ông ta an trú trong đức tin là điều rất cần thiết. Đức Phật bằng phương pháp thuyết giảng vô song, đã giảng dạy về đức tin trước tiên dù nó nên được đề cập đến về sau.

(2)     Mưa có lợi ích vô cùng cho hạt giống. Mối liên hệ giữa nhân và quả có thể đánh giá đầy đủ chỉ khi nào Đức Phật nói về đám mưa ngay sau phần nói về hạt giống. Cho nên câu trả lời của Đức Phật liên quan đến đám mưa được nêu ra trước mà đúng ra phải trả lời sau (tức là kế tiếp câu trả lời liên quan đến đức tin như hạt giống). Không riêng đám mưa, mà cái cày, dây thừng, v.v… Đức Phật cũng nói đến những chỗ thích hợp riêng biệt của chúng. Những đặc tánh và những đặc điểm của đức tin có thể được biết rõ từ những bộ kinh có liên quan.

(Sự giống nhau giữa đức tin và hạt giống là như vầy: hạt giống tự nhiên – nguyên nhân cơ bản trong việc trồng trọt của ông Bà-la- môn làm hai việc: (1) đâm rễ xuống dưới và (2) đâm chồi lên trên. Tương tự, đức tin như hạt giống, nguyên nhân cơ bản của công việc trồng trọt trong tâm cũng làm hai việc: (1) đâm rễ Giới (sīla) xuống dưới đất và (2) đâm chồi Định và Tuệ Quán (samatha vipassanā) lên trên.

Giống như hạt giống hấp thụ những thành phần dinh dưỡng của đất và nước từ rễ vào thân của chúng để đem lại kết quả dồi dào cho vụ mùa. Cũng vậy, đức tin giống như hạt giống hấp thụ những thành phần Định và Tuệ từ rễ Giới để mọc lên và nhờ vào thân cây Thánh Đạo (ariya-magga) đem lại kết quả cho Thánh Quả (ariya-phala).

(a)      Giống như hạt giống nằm trong vùng đất màu mỡ phát triển rễ, chồi, thân và bông của chúng làm sản sanh ra vụ mùa đầy hạt. Cũng vậy, đức tin giống như hạt giống nằm trong vùng đất phì nhiêu Quả, quá trình tâm đạt đến sự phát triển về Giới thanh tịnh (sīla- visuddhi) sản sanh ra chất nhựa của Thánh đạo (ariya-magga) và vụ mùa hoa trái là Đạo Quả A-la-hán với tuệ Phân tích (paṭisambhidā) và trí Vô-ngại-giải (abhiññā). Cho nên Đức Phật mới dạy rằng: “Đức tin của Như Lai là hạt giống.”

Liên quan đến câu nói ‘Sự chế ngự lục căn của Như Lai là đám mưa’. Cũng như những cây lúa của ông Bà-la-môn từ hạt giống mọc lên luôn tăng trưởng tốt tươi mà không bị héo úa vì chúng nhận được sự hỗ trợ của mưa. Cũng vậy, Giới (sīla), Định (samādhi) và Tuệ (paññā) của Đức Phật có nguyên nhân gần là đức tin như hạt giống thường xuyên phát triển không suy giảm.

(b)    Qua câu nói này của Đức Phật chỉ ra ý nghĩa thâm sâu như sau: “Này ông Bà-la-môn! Nếu trận mưa rơi xuống sau khi ông gieo hạt thì ấy là điều tốt. Nếu không, ông phải tự tưới nước cho chúng. Còn phần Như Lai, Như Lai gắn chiếc cày Tàm (hirika) và Quý (ottappa) vào cái ách Tuệ quán (vipassana-paññā) và Tuệ Đạo (magga-paññā), bằng sợi dây thừng là Định (samādhi) rồi khi thắng ách vào những con bò kéo là Tinh tấn (viriya), Như Lai điều khiển chúng bằng chiếc gậy hích là Chánh niệm (sāti). Như vậy, Như Lai đã cày mảnh ruộng phì nhiêu là quá trình tâm và gieo hạt giống là đức tin. Chẳng giây phút nào đức tin như hạt giống thiếu nước mưa (là sự thu thúc lục căn). Nước dưới hình thức chế ngự lục căn luôn luôn tưới lên mảnh ruộng màu mỡ là quá trình tâm của Như Lai.

Liên quan đến câu nói của Đức Phật ‘Tuệ quán và Đạo Tuệ của Như Lai là cái ách và cái bừa’. Cái ách và cái bừa của ông Bà-la-môn giống như Tuệ quán và Đạo tuệ của Đức Phật. Cái ách là vật nâng đỡ cho cái bừa, nó ở trước cái bừa. Nó cũng là cái để dây cương dựa vào. Nó cũng được dùng để khiến những con bò kéo đi chung với nhau. Tương tự như vậy, Trí tuệ là pháp nâng đỡ chính yếu của các Giới đức do Tàm và Quý mở đường. Nó cũng là kẻ dẫn đầu của Giới đức và nó không thể tồn tại mà không có Tàm và Quý như hai cái cán của cái bừa. Và cái bừa được buộc chung với cái ách là Trí tuệ. Vì nó là pháp mà sợi dây thừng là Định nương tựa vào. Tuệ hỗ trợ cho Định, vì trí tuệ kiểm soát sự tinh tấn quá mạnh hay quá yếu và nó hoạt động bằng cách điều hòa sự chuyển động song hành của cặp bò kéo là Tinh tấn.

(c) Khi việc bừa đất được thực hiện, khúc gỗ có gắn những cái răng làm nhuyễn đất, đánh tan những rễ cây lớn và nhỏ. Tương tự, khi khúc gỗ trí tuệ của Đức Phật gắn những chiếc răng chánh niệm làm tan tác bốn khối lớn (ghana). Đó là: khối tương tục (santati), khối tương tập (samūha), khối phận sự (kicca) và khối cảnh (ārammaṇa). Nó cũng đoạn diệt tất cả những cội rễ lớn nhỏ của phiền não (kilesa) cho nên Đức Phật mới nói rằng: “Tuệ quán và Tuệ đạo của Như Lai là cái ách và cái bừa.”

Liên quan đến câu nói ‘Tàm và Quý của Như Lai là cặp cán bừa.’ Tàm và quý cùng sanh cùng tồn tại với nhau, khi có tàm thì quý cũng có mặt. Cho nên mới có câu: “Tàm và Quý của Như Lai là cặp cán bừa.”

(d)   Cũng như cặp cán bừa của ông Bà-la-môn, một đầu được gắn vào cái ách và một đầu được gắn vào khúc gỗ. Cũng vậy, cặp cán bừa của Đức Phật là Tàm và Quý được đi kèm với cái ách và khúc gỗ là thế gian Tuệ quán (lokiya vipassanā-paññā) và siêu thế gian Tuệ đạo (lokuttara magga-paññā) (vì sự hiện hữu của hai loại Tuệ tùy thuộc vào sự hiện hữu của hai pháp Tàm và Quý. Cái ách và khúc gỗ làm những chức năng riêng của chúng như đã đề cập ở trên). Khi chúng được gắn liền với cặp cán bừa. Chỉ khi ấy chúng mới không bị lúc lắc hay lỏng lẻo. Cũng vậy, hai loại Trí tuệ kể trên làm những phận sự riêng của chúng khi chúng được liên kết chặt chẽ với nhau hai pháp là Tàm và Quý. Chỉ khi ấy chúng mới không bị yếu hoặc lỏng lẻo, mà vẫn giữ tình trạng chặt chẽ, khắng khít và không bị nhiễm các pháp bất thiện mà có thể sanh lên do vô tàm (ahirika) và vô quý (anottappa). Cho nên, Đức Phật nói: “Tàm và Quý của Như Lai là cặp cán bừa.”

(Liên quan đến câu nói ‘Tâm của Như Lai là sợi dây thừng’. Tâm ở đây có nghĩa là sự tập trung cho nên câu diễn dịch ‘Tâm của Như Lai sanh ra định là những sợi dây thừng, gồm có ba loại: một sợi dùng để buộc, một sợi dùng để gắn giữ và sợi thứ ba dùng để kết nối).

(e)     Có ba loại dây thừng: Một sợi dùng để buộc có nghĩa là buộc cặp cán và cái ách. Một sợi dùng để gắn giữ có nghĩa là gắn giữ cái ách vào cổ của con bò. Và sợi dây thứ ba dùng để kết nối có nghĩa là kết nối người điều khiển với những con bò kéo. Cũng như ba sợi dây thừng của ông Bà-la-môn giữ chặt cái bừa. Cái ách và những con bò kéo dính liền nhau và giúp chúng hoàn thành những phận sự riêng của chúng. Cũng vậy, sợi dây thừng chú tâm của Đức Phật giúp Ngài tập trung tàm và quý, tuệ và tinh tấn vào một đối tượng và làm cho chúng thực hiện những phận sự riêng của chúng. Cho nên Đức Phật mới dạy rằng: “Tâm sanh sản ra Định của Như Lai là những sợi dây thừng.”

Liên quan đến câu nói ‘Chánh niệm của Như Lai có Tuệ Đạo và Tuệ quán đi kèm là những cái răng của cái bừa và cái gậy hích’. Cũng như cái răng bừa bảo vệ và hướng dẫn khúc gỗ của cái bừa. Cũng vậy, chánh niệm bảo vệ trí tuệ bằng cách thăm dò cảnh trông xa của những thiện pháp và đem chúng về một điểm tập trung. Cho nên trong nhiều bộ kinh Pāḷi, Đức Phật dạy Chánh niệm và pháp bảo vệ. Do không bao giờ xao lãng, lưỡi bừa Chánh niệm đi trước khúc gỗ bừa và Trí tuệ. Quả thật vậy, những yếu tố pháp mà đã được thăm dò bởi Chánh niệm, chúng được thâm nhập bởi Trí tuệ đi sau.

(f)   Cũng như cái gậy hích, cảnh báo cho những con bò biết mối nguy hiểm sẽ bị hích hoặc bị đánh, không cho chúng cơ hội rút lui hay dừng lại, mà giữ chúng không đi sai đường. Cũng vậy, cái gậy hích Chánh niệm cảnh báo con bò Tinh tấn về mối nguy hiểm bị rơi xuống khổ cảnh, không cho nó cơ hội lười biếng, thối thất hoặc dừng lại. Và nhờ đó mà giữ tâm không đi lang thang trong các cảnh dục không đáng ưa thích, buộc nó vào pháp hành thiền quán, nó cũng ngăn cản không cho tinh tấn đi vào tà đạo. Cho nên Đức Phật mới dạy rằng: “Chánh niệm của Như Lai có Tuệ đạo và Tuệ quán đi kèm là những răng bừa và gậy hích.”

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 41

Post Views: 258