Bài kinh Suciloma nằm trong phần Sutta Nipāta và Sagāthā- vagga của bộ Saṁyutta Nikāya. Trong bộ Đại Phật Sử này, bài kinh sẽ được tái tạo theo Chú giải.
Một hôm, Đức Phật xuất thiền Đại bi định (mahā-kuraṇā- samāpatti) ngay trước khi mặt trời mọc và dò xét thế gian hữu tình bằng Phật nhãn (bao gồm asayanusaya-ñāṇa và indriya-paropriyatti- ñāṇa) Ngài trông thấy việc phước trong quá khứ của hai người bạn dạ xoa là Suciloma và Karaloma và sẽ giúp họ chứng quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala). Do vậy, Ngài mang y và bát rồi lên đường ngay lúc mặt trời mọc và ngồi trên một tảng đá gọi là Taṃkita tại lâu đài của dạ xoa Suciloma gần ngôi làng Gayā.
(Chiếc trường kỷ bằng đá Taṃkita là một tảng đá được đặt trên bốn cục đá, nó dùng làm chỗ ngồi).
Lúc bấy giờ, hai người bạn dạ xoa đi ra ngoài để kiếm thức ăn, lang thang gần nơi Đức Phật.
Trong hai dạ xoa, có một dạ xoa trong kiếp quá khứ đã lấy dầu của chư Tăng (Sangha) mà không xin phép để thoa lên thân của mình. Do nghiệp bất thiện ấy, vị ấy chịu khổ trong cảnh địa ngục và tái sanh vào một gia đình dạ xoa gần một bờ hồ tại Gayā. Do dư báo của ác nghiệp ấy khiến tay chân lớn nhỏ của vị ấy bị méo mó trông thật đáng sợ. Da của vị ấy như mái ngói (giống như vảy cá) và thô nhám kinh khủng.
Khi muốn đe dọa người khác, vị ấy làm da vảy cá của mình phình lên. Vì vị ấy có thân thô nhám nên được gọi là dạ xoa Khara.
Dạ xoa kia là một cận sự nam trong thời quá khứ của Đức Phật Kassapa. Vị ấy thường hay đi đến tịnh xá và nghe pháp vào những ngày pháp lệ, tám ngày trong một tháng. Một hôm, khi người ta rao mời đi nghe pháp, vị ấy nghe lời rao từ cổng trại trong lúc đang dọn sạch cỏ khu vườn; không tắm rửa vì sợ mất thời giờ, vị ấy đi vào nhà giảng Uposatha với thân đầy bụi đất và nằm trên tấm thảm rất đắt giá được trải trên đất mà không quan tâm.
Do bởi ác nghiệp này và những ác nghiệp khác vị ấy chịu khổ trong địa ngục (niraya) và tái sanh làm thành viên trong một gia đình dạ xoa gần hồ tại Gayā.
Do dư báo của ác nghiệp, vị ấy có tướng mạo xấu xí đáng sợ. Lông trên thân của vị ấy nhọn bén và châm chích như kim. Khi gây sợ hãi đến người khác, vị ấy làm như đang đâm thủng họ bằng cây kim. Do vị ấy có lông giống như cây kim nên vị ấy được gọi là Suciloma.
Khi ra khỏi chỗ ngụ để tìm kiếm thức ăn, hai dạ xoa đôi lúc trở lại con đường cũ. Trong khi viếng thăm chỗ khác, họ tình cờ đến gần nơi Đức Phật ngự.
Rồi Kharaloma nói với Suciloma điều mà vị ấy nghĩ: “Người đàn ông ấy là vị Sa-môn.” Suciloma đáp: “Người đàn ông ấy không phải là Sa-môn thật sự, chỉ là giả mạo. Tôi sẽ điều tra để biết chắc vị ấy có phải là Sa-môn thật hay không.”
(Ở đây, khi trông thấy sự xuất hiện của vị Sa-môn, Kharaloma thành thật nói “Người đàn ông ấy là vị Sa-môn.” “ Suciloma có ý kiến rằng “Nếu người kia sợ hãi thì vị ấy không phải là Sa-môn chân chánh, người ấy chỉ là Sa-môn giả mạo.” Và sai lầm nghĩ rằng Đức Phật sẽ sợ hãi nên hồ đồ nói rằng: “Người đàn ông ấy không phải là Sa-môn chân chánh, người ấy chỉ là một Sa-môn giả mạo,” và muốn thực hiện một cuộc điều tra. Thế nên, vị ấy nói thêm rằng “Ta sẽ điều tra để biết chắc liệu vị ấy có phải là Sa-môn thật hay không? ”
Sau đó, Suciloma đi đến Đức Phật, cúi chào Ngài với thân hình đồ sộ xấu xí và đầy lông nhọn của vị ấy. Đức Phật bất ngờ di chuyển thân của Ngài qua một bên. Điều này khiến Suciloma đặt câu hỏi: “Thưa Sa-môn! Phải chăng ông sợ tôi?” “Như Lai không bị ngươi làm sợ hãi dù hình dáng của ngươi quả thật là thô thiển và xấu xí.”
Khi Đức Phật không tỏ vẻ có chút sợ hãi, Suciloma tự nghĩ: “Dù đã trông thấy thân xác thô xấu của ta, người đàn ông này là người đàn ông thật sự không sợ hãi. Bây giờ ta sẽ đưa ra trước vị ấy một vài vấn đề có giá trị thuộc phạm vi trí tuệ của một vị Phật Toàn Giác (Buddha-visaya). Vị ấy sẽ không thể giải đáp chúng một cách đầy đủ. Rồi ta sẽ hành hạ vị ấy bằng cách như thế như thế.” Bởi vậy, dạ xoa nói một cách bất lịch sự rằng: “Này ông Sa-môn kia! Ta sẽ hỏi ông một câu hỏi nếu ông trả lời không thông suốt thì ta sẽ làm cho ông bị điên, hoặc ta sẽ làm vỡ quả tim của ông, hoặc ta sẽ nắm chân của ông và quăng sang bờ bên kia sông.”
Vì tâm đại bi, Đức Phật nói với giọng từ ái: “Này Dạ xoa! Trong cõi chư thiên gồm chư thiên và Phạm thiên và trong cõi địa cầu gồm Sa-môn, Bà-la-môn và quân vương, Như Lai không thấy ai có khả năng làm cho Như Lai bị điên, hoặc làm vỡ tim Như Lai, hoặc nắm chân của Như Lai mà ném Như Lai qua bên kia bờ sông. Này dạ xoa! Nếu có thể, cứ hỏi Như Lai bất cứ câu hỏi nào mà ngươi muốn. Như Lai sẽ trả lời những câu hỏi của ngươi một cách thông suốt và không thiếu sót.” Khi Đức Phật bảo dạ xoa đưa ra câu hỏi theo cách mời đón của Đức Phật thì Suciloma đặt ra câu hỏi dưới dạng kệ ngôn:
Rāgo ca doso ca kutonidānā.
aratī ratī lomahāmso kutojā.
Kuto samuṭṭhāya mano vitakkā.
kumrakā dhaṅkam ivossajanti.
(Này ông Sa-môn!) Nguồn gốc của tham và sân ở đâu? Sự bất mãn trong các thiện pháp thuộc tịnh xá ở trong rừng vắng, sự vui thích trong năm cảnh dục và sự nổi da gà (cittutrāsa dhamma – dấu hiệu của tâm bị khiếp đảm) ba loại cảm xúc này sanh lên từ cái gì? Cũng như những đứa trẻ trong làng tung lên một con quạ để vui chơi (sau khi làm dây buộc chân nó), từ cái gì mà chín loại ý nghĩ xuất hiện và lấn át tâm thiện?
Khi ấy, Đức Phật đưa ra câu trả lời của Ngài để thuyết pháp đến Suciloma bằng câu kệ sau:
1) Rāgo ca doso ca itonidānā.
aratī ratī lomahāṁso itojā.
Ito samutthāya mano vitakkā.
kumārakā dhaṅkam iv’ossajanti.
(Này dạ xoa!) Tham và sân có nguồn gốc ở trong thân này. (Ba loại cảm xúc đó là) sự bất mãn trong những thiện pháp thuộc tịnh xá ở trong rừng vắng, sự thích thú trong năm dục lạc và sự nổi da gà sanh lên từ thân này. Cũng như, những đứa trẻ ném một con quạ lên không trung để vui chơi (sau khi đã buộc chân của nó bằng sợi dây), chín loại ý nghĩ xuất hiện từ thân này và lấn át tâm thiện.”
2) Suchajā attasambhutā.
nigrodhass’eva khandhajā.
Puthū visattā kāmesu.
māluvā va vitatā vane.
(Này dạ xoa!) Như những chồi non xuất hiện trên thân cây đa. Cũng vậy, tham, sân, v.v… được gây ra bởi loại nhựa ái dục xuất hiện trên chính thân này. Như những cây dây leo trong rừng bao bọc lấy thân cây mà chúng đang bám quanh. Cũng vậy, vô số phiền não tự chúng bám vào các cảnh và các dục lạc một cách kỳ lạ.
3) Ye naṃ pajānanti yato nidānaṁ te
naṁ vinodeni suṇohi yakkha.
Te duttaram ogham imaṁ taranti.
atinnapubbaṁ apunabbhavāya.
Này dạ xoa! Hãy lắng nghe, có một số người biết rành mạch rằng tấm thân này là hiện hữu của năm uẩn, và tạo thành Khổ đế, nguồn gốc của nó ở tham và ái, là chân lý về nguyên nhân của khổ (Tập đế). Họ đoạn diệt tham và ái ấy, chân lý nguyên nhân của Khổ đế bằng chân lý Bát thánh đạo (dẫn đến sự chấm dứt khổ). Những bậc cao quý này đã đoạn tận tham ái, nguyên nhân của khổ, vượt qua cơn lũ lớn gồm bốn loại phiền não – cơn lũ khó vượt qua, cơn lũ mà chưa vượt qua được qua nhiều kiếp luân hồi trong quá khứ, ngay cả trong giấc mơ cũng không – khiến cho sự tái sanh không còn sanh lên nữa, tức là Chân lý về sự Diệt khổ.
Khi hai người bạn dạ xoa nghe những lời kệ này, cả hai đều chứng đắc quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala) ngay khi những câu kệ kết thúc.
Vừa chứng đắc quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala) thì diện mạo xấu xí vốn có của hai dạ xoa liền biến mất. Thay vào đó, với nước da màu vàng tươi sáng và được trang điểm với những vật trang sức của chư thiên, họ có một diện mạo khiến mọi người thấy hài lòng.
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 64