Chiến trận cần anh hùng… ,
Câu chuyện này khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Tôn giả Ànanda. Một thời, những nữ nhân ở cung vua Kosala suy nghĩ như sau: “Ðức Phật ra đời thật khó. Cũng vậy, được làm người với các căn đầy đủ thật khó. Dầu chị em ta có thân người này trong một thời có đức Phật, chị em ta vẫn không được đi đến tinh xá như ý muốn, không được nghe pháp, cúng dường hay bố thí. Chúng ta sống như bị quăng trong một cái hộp. Chị em ta hãy yêu cầu nhà vua cử cho một Tỷ-kheo xứng đáng thuyết pháp cho chị em ta: Khi nghe pháp, chị em ta có thể học làm các công đức như bố thí v.v… Như vậy, với thời gian ngắn ngủi này, chị em ta sẽ có kết quả lới ích”. Tất cả bọn cùng đi đến đức vua và nói lên sự suy tư của mình. Nhà vua chấp thuận.
Một hôm, vua muốn đi dạo chơi ở một công viên, và báo người giữ vườn dọn dẹp sạch sẽ. Trong khi dọn dẹp sạch sẽ công viên, người giữ vườn thấy bậc Ðạo Sư ngồi dưới một gốc cây, liền đi đến hầu vua và thưa:
– Thưa thiên tử, công viên đã được dọn dẹp sạch sẽ. Nhưng tại đấy, dưới một gốc cây, đức Thế Tôn đang ngồi.
Vua nói:
– Tốt lắm, chúng ta sẽ nghe pháp từ bậc Ðạo Sư.
Rồi vua ngự lên cỗ xe có trang hoàng đẹp đẽ, đi đến công viên và yết kiến bậc Ðạo Sư. Lúc bấy giờ, Chattapani, một nam cư sĩ đã chứng quả Bất lai, đang ngồi nghe pháp từ bậc Ðại Sư. Khi thấy nam cư sĩ ấy, vua ngần ngại, đứng một lát, suy nghĩ: “Nếu là người độc ác, người này đã không ngồi nghe pháp từ bậc Ðạo Sư. Vì không phải là người độc ác, nên nó mới làm như vậy”.
Nghĩ xong, nhà vua đi đến gần bậc Ðạo Sư, đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên. Nam cư sĩ, vì sự kính trọng đối với đức Phật, không đứng dậy hay đảnh lễ vua. Vua không hoan hỉ với vị ấy. Biết được nhà vua không hoan hỉ đối với nam cư sĩ ấy, bậc Ðạo Sư nói lên công đức của vị ấy:
– Thưa Ðại Vương, nam cư sĩ này nghe nhiều kinh tạng đã được trao truyền và đã xa lìa các dục.
Vua nghĩ: “Chắc chắn người này không thể là người tầm thường, vì bậc Ðạo Sư tán thán công đức”. Vua hỏi:
– Này nam cư sĩ, nếu có cần gì hãy nói cho ta biết.
Nam cư sĩ nói:
– Tốt lành thay!
Vua nghe Pháp từ bậc Ðạo Sư xong, thân phía hữu hướng về phía Ngài rồi ra đi.
Một hôm, sau khi ăn sáng, cầm dù đi đến Kỳ Viên, vua gặp nam cư sĩ ấy liền gọi đến và nói:
– Này nam cư sĩ, nghe nói ông là người nghe nhiều. Các nữ nhân của Ta muốn nghe và học Chánh pháp. Lành thay, nếu ông nói pháp cho họ.
– Thưa thiên tử, thật không thích hợp để những người tại gia nói cho nội cung của vua. Việc ấy chỉ thích hợp với các Tôn giả xuất gia.
Vua nói:
– Người này nói sự thật.
Vua liền bảo người ấy ra đi, rồi cho gọi các nữ nhân, và nói:
– Này các hiền nữ, ta sẽ đi đến bậc Ðạo Sư và xin cử một Tỷ-kheo thuyết pháp cho các hiền nữ. Trong tám mươi đại đệ tử, ta sẽ xin ai?
Tất cả nữ nhân họp bàn và đồng ý lựa chọn Trưởng lão Ànanda, vị Chưởng khố Chánh pháp. Vua đi đến gặp bậc Ðạo Sư, đảnh lễ, ngồi xuống một bên và thưa:
– Bạch Thế Tôn, các nữ nhân trong cung của trẫm muốn nghe pháp và học pháp từ Trưởng lão Ànanda. Lành thay, nếu Trưởng lão ấy có thể thuyết pháp cho những người trong cung của trẫm.
Bậc Ðạo Sư bằng lòng chấp nhận cho Trưởng lão Ànanda. Từ đấy về sau, các nữ nhân của vua nghe pháp và học pháp từ Trưởng lão Ànanda.
Một hôm, một viên ngọc trên khăn vua bị mất. Vua biết được viên ngọc bị mất, cho gọi các đại thần và ra lệnh bắt tất cả mọi người trong nội cung để tìm cho ra viên ngọc trên khăn. Các đại thần bắt đầu từ các nữ nhân, tra hỏi viên ngọc trên khăn, họ làm phiền nhiễu rất nhiều người nhưng không tìm ra. Hôm ấy, Trưởng lão Ànanda vào cung điện vua. Trước kia, khi các nữ nhân thấy Trưởng lão họ đều hoan hỉ nghe pháp, học pháp. Lần này họ không được như vậy, tất cả đều sầu ưu. Khi Trưởng lão hỏi vì sao hôm nay họ lại như vậy, họ trả lời:
– Thưa Tôn giả, đức vua đã mất viên ngọc trên khăn. Và đức vua ra lệnh các đại thần bắt đầu tra hỏi từ các nữ nhân để tìm ngọc, làm phiền nhiễu mọi người ở trong cung. Chúng tôi không biết những gì sẽ xảy ra cho ai. Do vậy, chúng tôi ưu phiền.
Trưởng lão nói an ủi họ:
– Chớ lo nghĩ việc ấy nữa.
Rồi Trưởng lão đi đến gặp nhà vua, ngồi trên ghế đã soạn sẵn, và hỏi:
– Thưa Ðại Vương, tôi nghe nói Ðại Vương mất viên ngọc phải không?
– Thưa Tôn giả sau khi bắt tất cả mọi người ở trong cung, và làm phiền nhiễu chúng, tôi vẫn chưa có thể tìm được.
– Thưa Ðại Vương, không cần phiền nhiều đông người, vẫn có phương cách tìm ra viên ngọc.
– Cách thức nào vậy, thưa Tôn giả?
– Thưa Ðại vương, bằng cách cho một nắm rơm.
– Cho nắm rơn để làm gì vậy, thưa Tôn giả?
– Thưa Ðại Vương, với những ai bị ngài nghi ngờ, hãy họp họ lại, cho mỗi người một nắm rơm hay cục đất sét và nói: “Ngày mai, vào sáng sớm, hãy đem cái này và đặt tại chỗ ấy. Người nào lấy viên ngọc sẽ đặt nó trong nắm rơm hay cục đất sét mang lại. Nếu ngày đầu họ mang lại thì rất tốt. Nếu không, ngày thứ hai, ngày thứ ba, họ cũng phải mang lại. Như vậy, đại chúng không bị phiền nhiễu, và ngài có thể lấy lại được viên ngọc”.
Nói vậy xong, Trưởng lão ra về. Vua làm theo lời dặn, nhưng ba ngày qua, không ai đem lại viên ngọc. Trưởng lão đến vào ngày thứ ba và hỏi:
– Thưa Ðại Vương, viên ngọc đã được đem lại chưa?
– Thưa Tôn giả, chưa.
– Vậy Ðại Vương, trong sân lớn, tại một chỗ kín hãy cho đặt một cái ghè nước lớn, đổ đầy nước, treo xung quanh một cái màn. Rồi ra lệnh cho mọi người lui tới trong nội cung, đàn ông và cả đàn bà, phải cởi áo ngoài, lần lượt đi vào trong màn một mình, rửa tay rồi đi ra.
Trưởng lão nói phương tiện này xong rồi ra đi. Nhà vua làm như lời dặn. Kẻ ăn cắp hòn ngọc suy nghĩ: “Vị Chưởng khố Chánh pháp đã nắm lấy vấn đề này, nếu không tìm ra được viên ngọc sẽ không bỏ cuộc. Nay đã đến lúc cần phải đem trả lại viên ngọc”. Nghĩ vậy, nó giấu viên ngọc trong người, đi vào trong tấm màn, bỏ rơi ngọc vào ghè nước rồi đi ra. Khi tất cả mọi người đã đi xong, người ta đổ nước và tìm được viên ngọc. Vua nói:
– Nhờ Trưởng lão, không phiền nhiễu đại chúng, ta đã tìm được viên ngọc.
Vua rất bằng lòng. Những người lui tới trong cung cũng bằng lòng và nói:
– Nhờ Trưởng lão, chúng tôi thoát khỏi đau khổ lớn.
Câu chuyện nhờ uy lực của Ànanda họ đã tìm ra viên ngọc trên khăn vua được toàn kinh thành và chúng Tỷ-kheo biết. Các Tỷ-kheo ngồi họp tại Chánh pháp đường tán thán công đức của Trưởng lão:
– Thưa các Hiền giả, nhờ nghe nhiều, nhờ bác học, nhờ thiện xảo phương tiện của Trưởng lão Ànanda, đại chúng không bị phiền nhiễu, với phương tiện, viên ngọc được tìm lại.
Bậc Ðạo Sư đi đến và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi ở đây luận bàn vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề ấy, bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỳ-kheo, không phải nay đồ vật gì đã vào tay người khác, lại tìm được là nhờ Ànanda. Thuở trước, các bậc hiền trí không làm phiền nhiễu đại chúng, chỉ với phương tiện, tìm được đồ vật đã đi vào tay của loài vật.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmandatta trị vì ở xứ Ba-la-nại, Bồ-tát đạt sự thuần thục trong tất cả các nghề, và trở thành vị đại thần của vua ấy. Một hôm, nhà vua cùng với một đoàn tùy tùng đông đảo, đi đến công viên, sau khi dạo chơi giữa rừng xong, lại muốn đi chơi trong nước.
Vua đi xuống một hồ nước dành cho vua, và gọi các cung nữ cởi các vàng ngọc, trang sức trên đầu, trên cổ, bỏ chúng trên cái áo ngoài, đặt chúng vào trong hộp và giao các nữ tỳ trông coi rồi đi xuống hồ.
Khi ấy, có một con khỉ cái ở công viên, ngồi giữa các cành cây, thấy bà hoàng hậu cởi các đồ trang sức, bỏ trên cái áo ngoài, đặt chúng vào trong hộp. Con khỉ cái muốn đeo dây chuyền bằng ngọc của hoàng hậu, ngồi nhìn, chờ xem khi nào người nữ tỳ lơ đễnh là nó đánh cắp.
Người nữ tỳ canh gác, thỉnh thoảng nhìn qua nhìn lại rồi lại bắt đầu ngủ gật. Con khỉ cái biết người nữ tỳ đã lơ đễnh, liền leo xuống mau như gió, lấy sợi dây chuyền lớn đeo cổ, lêo lên xuống mau như gió, ngồi núp giữa các cành cây. Rồi sợ các con khỉ cái khác thấy, nó giấu sợi dây chuyền vào một cái lỗ cây và ngồi canh gác với dáng điệu bình tĩnh.
Người nữ tỳ tỉnh dậy, không thấy sợi dây chuyền, quá run sợ, không thấy có cách gì khác liền la to:
– Có người đàn ông lấy cắp sợi dây chuyền của hoàng hậu rồi chạy trốn.
Những người canh gác từ nhiều phía tụ họp lại, nghe người nữ tỳ la, liền báo cho vua biết. Vua ra lệnh bắt tên ăn trộm. Họ chạy ra khỏi công viên, đi tìm tên ăn trộm khắp nơi. Một kẻ dân quê đang lễ bái, nghe tiếng la, liền hoảng sợ bỏ chạy. Thấy vậy, các người ấy nghĩ nó là thằng ăn trộm bèn đuổi theo, bắt nó, đánh nó, và nói mỉa mai:
– Ðồ ăn trộm ác độc kia, ngươi lấy cắp đồ trang sức đắt tiền như vậy để làm gì?
Người dân quê suy nghĩ: “Nếu ta nói không lấy, mạng sống ta hôm nay không còn nữa. Chúng sẽ đánh và giết ta. Vậy ta hãy nhận là có lấy”. Nó nhận có lấy, liền bị trói và dẫn đến vua. Vua hỏi nó:
– Có phải ngươi lấy đồ trang sức đắt tiền?
– Thưa thiên tử, tôi có lấy.
– Nay vật ấy ở đâu rồi?
– Thưa thiên tử, vậy quý giá đối với tôi, tôi lấy để làm gì? Tôi là người từ trước không bao giờ có được cái giường chiếc ghế. Nhưng người triệu phú bảo tôi lấy đồ trang sức đắt tiến ấy. Tôi lấy và giao cho ông ta rồi. Ông ta biết đồ trang sức ấy.
Vua truyền gọi người triệu phú và hỏi ông có lấy đồ trang sức quý giá từ tay người dân quê ấy không.
– Thưa thiên tử, có.
– Ðồ ấy ở đâu rồi?
– Tôi đã đưa cho người cố vấn tế tự của ngài.
Người cố vấn tế tự được gọi và được hỏi như trước. Ông thú nhận có lấy và đưa cho người nhạc trưởng. Người nhạc trưởng bị gọi và hỏi, liền khai đã đưa cho một người kỹ nữ như là một món quà tặng. Người kỹ nữ bị hỏi, trả lời cô không lấy. Trong khi hỏi chưa xong thì mặt trời lặn, Vua nói:
– Nay hết giờ rồi, ngày mai tiếp tục việc này.
Vua giao năm người ấy cho các vị đại thần và đi vào thành.
Lúc ấy Bồ-tát suy nghĩ: “Ðồ trang sức này bị mất ở trong công viên. Kẻ dân quê này ở ngoài công viên và cửa có lính gác thì không thể vào trong công viên cũng không thể lấy và chạy trốn ra ngoài được. Người nghèo khổ này nói: Tôi đã đưa cho người triệu phú, có lẽ vì để tự giải thoát cho mình thôi. Con người triệu phú nói: Tôi đã đưa cho người cố vấn tế tự, có lẽ vì muốn làm cho kẻ ấy thành đồng lõa để cùng được thoát ra. Còn người cố vấn tế tự nói: Tôi đã đưa cho người nhạc trưởng, có lẽ vì nghĩ rằng nhờ người nhạc trưởng, sẽ sống vui trong nhà tù. Người nhạc trưởng nói: Tôi đã cho người kỹ nữ, với hy vọng mình sẽ được hưởng lạc thú với người kỹ nữ ở trong tù. Cả năm người này không thể là người ăn trộm. Trong công viên có nhiều loài khỉ. Vật trang sức có lẽ đã rơi vào tay một con khỉ cái!”.
Nghĩ vậy, Bồ-tát đi đến yết kiến vua và thưa:
– Thưa Ðại Vương, hãy giao những người ăn trộm cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ tìm kiếm ai đã làm việc này.
Vua chấp thuận, giao những người ăn trộm cho Bồ-tát. Bồ-tát cho gọi những người làm công và bảo:
– Hãy cho năm người này ở trong một chỗ, canh gác xung quanh, lóng tai nghe họ nói những gì và báo cho ta biết.
Nói xong, Bồ-tát ra đi, và các người ấy làm theo lời dặn. Trong khi cả năm người đang ngồi tù, người triệu phú nói với người dân quê.
– Này đồ dân quê ác độc kia, ta với ngươi trước đây không có gặp nhau. Vậy sao ngươi nói ngươi đưa cho ta đồ trang sức ấy?
– Thưa ông đại triệu phú, tôi không bao giờ biết đến cái giường, cái ghế đẩu với chân bằng lõi cây được gọi là quí giá. Tôi nghĩ tôi nương nhờ vào ông mới được giải thoát, nên tôi nói vậy. Mong ông chủ chớ giận tôi.
Người cố vấn tế tự hỏi người triệu phú:
– Thưa ông đại triệu phú, làm sao ông lại đưa cho tôi một vật mà người này không hề đưa cho ông?
– Vì tôi nghĩ rằng hai chúng ta là những người có quyền thế. Nếu chúng ta cùng đứng với nhau, thời sự việc sẽ được giải quyết mau chóng! Do nghĩ vậy nên tôi đã khai như vậy.
Vị nhạc trưởng nói với người cố vấn tế tự:
– Này Bà-la-môn, ông đưa cho tôi đồ trang sức lúc nào?
– Tôi nghĩ rằng nhờ ông, tôi sẽ sống an lạc tại chỗ cư trú, nghĩ vậy nên tôi nói vậy.
Người kỹ nữ nói với người nhạc trưởng:
– Này người nhạc trưởng độc ác kia, trước đây tôi chưa bao giờ đến với ông, trước đây ông cũng chưa bao giờ đến với tôi. Vậy ông đưa tôi vật trang sức khi nào?
– Này chị, chị phẫn nộ làm gì? Năm chúng ta cùng chung sống với nhau trong một nhà. Hãy hoan hỉ sống cho được thoải mái! Do nghĩ vậy nên tôi khai cho chị.
Bồ-tát nghe câu chuyện ấy từ những người được giao việc, biết rằng năm người ấy không phải ăn trộm; chắc con khỉ cái đã lấy đồ trang sức, và tìm một phương tiện để làm cho nó bỏ rơi đồ trang sức ấy. Bồ-tát sai làm nhiều đồ trang sức bằng chuỗi hạt, cho bắt một số khỉ cái trong vườn, cho chúng đeo các đồ trang sức bằng chuỗi hạt trên tay, trên chân, trên cổ rồi thả chúng ra. Trong khi ấy con khỉ cái ăn trộm kia vẫn ngồi ở công viên canh gác bảo vật của nó. Bồ-tát ra lệnh cho họ:
– Các người hãy đi, và dò xét rình xem tất cả bầy khỉ cái. Khi nào thấy đồ trang sức ở con khỉ cái nào, hãy dọa nó và lấy lại đồ trang sức.
Những con khỉ cái ấy được cho các đồ trang sức, tự mãn, tự hào, đi qua đi lại trong công viên, đi đến con khỉ cái ăn trộm kia và nói:
– Này, xem đồ trang sức của chúng ta!
Con khỉ cái kia, không dằn nổi lòng ganh tỵ, liền nói:
– Quý gì đồ trang sức bằng hạt ấy!
Rồi nó lấy dây chuyền ngọc mang vào. Các người đứng rình thấy vậy liền tìm cách làm cho nó cởi bỏ đồ trang sức ra, rồi mang về cho Bồ-tát. Cầm lấy đồ trang sức ấy, Bồ-tát đem dâng vua và thưa:
– Thưa Ðại Vương, năm người ấy không phải là ăn trộm. Chính con khỉ cái trong vườn đã lấy đồ trang sức này.
Vua nói:
– Thưa bậc Hiền trí, làm sao bậc Hiền trí biết được là chính con khỉ cái ấy tự tay lấy chuỗi ngọc? Làm sao bậc Hiền trí lấy chuỗi ngọc lại được?
Bồ-tát kể lại toàn bộ câu chuyện, nhà vua rất bằng lòng và nói:
– Cầm đầu các chiến trường, cần phải có những anh hùng.
Vua thưởng cho Bồ-tát rất nhiều vàng ngọc và nói lên bài kệ:
Chiến trận, cần anh hùng,
Khuyên bảo, cần bình tĩnh,
Ăn uống, cần bạn thân,
Gặp việc, cần hiền trí.
Như vậy, nhà vua tán thán Bồ-tát, đề cao Bồ-tát, và cúng dường Bồ-tát bảy món báu. Vâng theo lời khuyến giáo của Bồ-tát, vua sống trọn đời làm các công đức, rồi đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nói lên công đức của Trưởng lão, và nhận diện Tiền thân:
– Lúc bấy giờ, vua là Ànanda, còn đại thần hiền trí là Ta vậy.
-ooOoo-
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 23