ĐẠI TRƯỞNG LÃO RĀDHA – đệ nhất về năng khởi biện tài, đệ nhất về hạnh dễ dạy

ĐẠI TRƯỞNG LÃO RĀDHA – đệ nhất về năng khởi biện tài, đệ nhất về hạnh dễ dạy

ĐẠI TRƯỞNG LÃO RĀDHA

Nguyện vọng quá khứ

(Trong việc mô tả nguyện vọng quá khứ của đại đức Rādha chúng tôi rút ra từ Chú giải của bộ Theragāthā vì nó cung cấp nhiều thông tin hơn Chú giải của bộ Aṅguttara.)

Rādha tương lai sanh vào gia đình danh giá trong kinh thành Haṃsavatī trong thời của Đức Phật Padumuttara. Khi vị ấy đến tuổi trưởng thành vị ấy viếng thăm tịnh xá của Đức Phật và, sau khi đảnh lễ Đức Phật, ngồi xuống ở nơi phải lẽ. Trong khi đang ngồi ở đó, vị ấy chứng kiến Đức Phật vinh danh một vị tỳ khưu bằng cách ban danh hiệu Tối thắng cho vị tỳ khưu ấy về việc chiếu sáng Chánh pháp đến thính chúng của vị ấy. Người đàn ông danh giá khởi tâm ưa thích

mãnh liệt muốn được vinh danh bằng danh hiệu như thế trong thời giáo pháp của một vị Phật đương lai. Vị ấy tổ chức cúng dường đại thí đến Đức Phật và phát nguyện được danh hiệu ấy.

Kiếp sanh làm người bộ tộc dưới thời Đức Phật Vipassī

Người đàn ông âý sau khi phát nguyện vào hàng đại trưởng lão Thanh văn trong thời của Đức Phật Padumuttara, và sau nhiều kiếp sống làm các việc phước, tái sanh trở lại làm người danh giá trong thời của Đức Phật Vipassī. Khi đến tuổi trưởng thành chàng trai gặp Đức Phật đang đi khất thực và anh ta phát tâm tịnh tín mạnh mẽ và đã dâng cúng Đức Phật một trái xoài rất ngon.

Đời sống Sa-môn trong kiếp chót

Người đàn ông bộ tộc ấy tái sanh vào cõi chư thiên do bởi việc phước ấy. Sau kiếp sống chư thiên vị ấy chỉ tái sanh nhiều lần trong hai cõi chư thiên và nhân loại và trong những kiếp sống ấy vị ấy chuyên tâm làm các việc phước. Trong thời kỳ của Đức Phật Gotama vị ấy tái sanh làm một chàng trai Bà-la-môn tên là Rādha, trong kinh thành Rājagaha. Vị ấy lập gia đình nhưng khi đến tuổi già vị ấy không hưởng được sự chăm sóc của vợ. Vị ấy muốn trở thành một tỳ khưu và đã đi đến tịnh xá, nhưng lời cầu xin xuất gia của vị ấy bị từ chối bởi tất cả các vị tỳ khưu, vì họ không thích có một người đệ tử già không thể làm công việc hầu hạ họ.

Bà-la-môn Rādha, đã trở nên lụ khụ do tuổi già, lại trông già hơn nữa vì những sự thất vọng liên tục do bị từ chối nhiều lần không được thâu nhận vào Tăng chúng và hiện ra một dáng vẻ đầy hối tiếc do thân thể chỉ còn da bọc xương, hoàn toàn tiều tụy, khô khốc như ngọn lá héo úa với những đường gân lộ trên khắp thân như mạng lưới. Một hôm, vị ấy đi đến Đức Phật và sau những lời chào hỏi xã giao, vị ấy ngồi xuống nơi phải lẽ. Đức Phật thấy rằng ông lão Bà-la-môn có đầy đủ phước để chứng đắc Đạo tuệ. Và để bắt đầu một cuộc đàm đạo,

Đức Phật hỏi: “ Này ông Bà-la-môn, ông có được vợ và con chăm sóc tốt không?” Ông lão Bà-la-môn trả lời, “ Thưa Ngài Gotama, tôi hoàn toàn không được chăm sóc bởi vợ và con. Thật ra họ đã cư xử với tôi như một người hoàn toàn xa lạ bởi vì tôi quá già chẳng giúp ích gì cho họ.” “ Này ông Bà-la-môn, trong trường hợp ấy, này Rādha, ông có muốn xuất gia không?”

Lòng tri ân của Trưởng lão Sāriputta

“ Thưa ngài Gotamana, ai sẽ cho con xuất gia làm tỳ khưu? Chẳng có vị khưu nào chịu làm thầy tế độ của con vì con quá già yếu.” Khi ấy Đức Phật hỏi các vị tỳ khưu lý do tại sao ông Bà-la-môn già trông rất hốc hác và tiều tụy. Các vị tỳ khưu trả lời rằng sở dĩ ông ta trông rất tuyệt vọng và tội nghiệp vì ông ta không thể tìm được một thầy tế độ. “ Này các tỳ khưu, có vị nào mà đã từng thọ ơn vị Bà-la-môn này bằng cách nào đó không?”

Nhân đó trưởng lão Sāriputta nói rằng: “ Bạch Thế Tôn, con nhớ vị Bà-la-môn này đã làm một việc tốt đến con.” “ Việc tốt gì?” Đức Phật hỏi. “Bạch Thế Tôn, khi con đi khất thực trong thành Rājagaha, ông ta đã cúng dường cho con một muỗng cơm. Con nhớ việc thiện ấy được làm cho con.” “ Lành thay, này Sāriputta, lành thay. Những bậc giới đức không quên điều tốt mà người ta đã làm cho họ, và họ cảm thấy cần phải đền ơn. Trong trường hợp ấy, này Sāriputta, hãy lo liệu để ông Bà-la-môn được làm giới tử và sau đó được thâu nhận vào Tăng chúng.” “ Bạch Thế Tôn, con có thể thâu nhận ông ta theo cách nào?”

Đức Phật đã thuyết giảng một bài pháp liên quan đến câu hỏi của trưởng lão Sāriputta và đã công bố như vầy: “ Này các tỳ khưu, từ nay trở đi cách truyền phép xuất gia cụ túc giới cho một người bằng cách cho người ấy an trú trong Tam quy được hủy bỏ. Từ giờ trở đi, một vị Sa-di được thâu nhận bởi chúng Tăng sau ba lần tụng tuyên ngôn tiến cử và, nếu không có sự phản đối nào, khi ấy vị Sa-di sẽđược thâu nhận. Đây là ví dụ đầu tiên về cách mới của sự truyền phép xuất gia tỳ khưu gọi là nghi thức ñatti catuttha.

(Những điểm chú ý: Đức Phật giác ngộ vào ngày trăng tròn tháng Vesākha, năm 103 Đại kỷ nguyên. Ngài trải qua mùa an cư đầu tiên tại khu Vườn nai. Vào cuối mùa an cư Ngài sai sáu chục vị tỳ khưu đệ tử ra đi khắp bốn phương để truyền bá Giáo pháp, tất cả họ đều là những bậc A-la-hán. Ngài thâu nhận vào Tăng chúng những vị tỳ khưu mới, đầu tiên là Sa-di và sau đó mới cho thọ giới tỳ khưu, được sự hỗ trợ của sáu mươi vị A-la-hán ấy bằng cách cho họ an trú trong Tam quy. Chính Đức Phật cũng áp dụng phương pháp như vậy. Về sau xét thấy rằng có những nơi quá xa những người mới vào tu phải đi đến tịnh xá của Đức Phật, nên Đức Phật cho phép áp dụng phương pháp này ở những nơi họ gia nhập vào Tăng chúng.

( Vào ngày trăng tròn tháng Phussa cùng năm ấy, Đức Phật đến trú ngụ tại Rājagaha. Nửa tháng sau hai vị Thượng thủ Thinh văn cùng với những đệ tử của họ trở thành tỳ khưu. Vào ngày thứ bảy, sau khi xuất gia tỳ khưu trưởng lão Mahā Moggallāna trở thành bậc A-la-hán. Vào ngày thứ mười lăm (tháng Māgha), trưởng lão Sāriputta trở thành bậc A-la-hán. Sự xuất gia cụ túc giới của Bà-la-môn Rādha xảy ra trong tháng nằm giữa ngày rằm tháng Māgha và ngày rằm tháng Phagguna.

Trưởng lão Sāriputta đã biết rằng khi Đức Phật sống ở khu rừng nai Migadāya sự xuất gia Sa-di và tỳ khưu được thực hiện bằng cách cho giới tử an trú trong Tam quy. Nhưng tại sao trưởng lão lại hỏi về cách truyền phép xuất gia trong trường hợp này?

Câu trả lời là: trưởng lão Sāriputta là một người đồng hành thường xuyên với Đức Phật biết những ý muốn của Đức Phật. Thực ra vị ấy là người thành thạo nhất trong số những người đồng hành thân thiết. Vị ấy biết rằng Đức Phật đang tiến hành một cách truyền pháp xuất gia hoàn hảo, hơn cách đơn giản là khiến người mới tu an trú trong Tam quy. Từ khi Đức Phật trú ngụ tại Rājagaha, số lượng A-la-hán cũng đã tăng lên nhiều hơn hai chục ngàn. Tính chất nhạy bén đáng chú ý trong sự hiểu biết của trưởng lão Sāriputta về tâm của Đức

Phật cũng được phơi bày trong một dịp khác. Nó có liên quan đến Rāhula, con trai của Đức Phật. Vào năm 103 của Đại kỷ nguyên, lúc cuối năm Đức Phật du hành về quê hương của Ngài, là kinh thành Kapilavatthu. Chuyến đi mất hai tháng. Vào ngày thứ bảy sau khi đến kinh thành, đứa con trai tên Rāhula của Ngài, (bảy tuổi) đòi tài sản thừa kế. Đức Phật đã cho cậu ta di sản thừa kế quý giá nhất bằng cách bảo trưởng lão Sāriputta truyền phép xuất gia Sa-di cho Rāhula. Trong dịp ấy trưởng lão Sāriputta, do biết rõ rằng sự truyền phép xuất gia Sa-di được thực hiện bằng cách truyền Tam quy cho giới tử, nên đã hỏi Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, con nên truyền phép xuất gia Sa-di cho Rāhula theo cách nào?”

(Sự thực hành trước kia được áp dụng ở khu Vườn Nai là truyền phép xuất gia Sa di cũng như Tỳ kheo bằng cách cho họ an trú trong Tam Quy. Nhưng trong trường hợp sau này của Rādha, sự xuất gia tỳ khưu được thực hiện bởi một hội chúng Tăng tụng tuyên ngôn tiến cử ba lần để vị thầy tế độ thâu nhận vào Tăng chúng và khi ấy nếu Tăng chúng đồng ý (bằng cách làm thinh) thì sự truyền phép xuất gia có hiệu lực. Còn trong trường hợp xuất gia Sa-di, trưởng lão Sāriputta thăm dò ý định của Đức Phật rằng sự xuất gia Sa-di nên được thực hiện bằng cách cho giới tử an trú trong Tam quy hay bằng nghi thức của chúng Tăng. Nói cách khác Tăng chúng có thể có cảm tưởng rằng sự xuất gia Sa-di sẽ có hiệu lực chỉ bằng Tăng hội. Do đó để có được sự đồng ý nhanh từ Đức Phật để thi hành sự truyền phép xuất gia Sa-di bằng cách khiến Rāhula an trú trong Tam quy, trưởng lão Sāriputta đã nêu ra câu hỏi ấy đến Đức Phật. Chú giải của bộ Vinaya Mahāvagga).

Đời sống Sa-môn và sự chứng đắc Đạo quả A-la-hán

Trưởng lão Sāriputta, bằng sự tôn kính phụng mạng Đức Phật, đã làm thầy tế độ giữa Tăng hội để thâu nhận Bà-la-môn Rādha vào Tăng chúng. Vị ấy biết rằng Đức Phật đã quan tâm nhiều đến ông Bà-

la-môn và vì vậy sau khi cho xuất gia, trưởng lão đã chăm sóc chu đáo vị tỳ khưu già này.

Trưởng lão dẫn đại đức Rādha vào một chỗ ngụ trong rừng. Một vị tỳ khưu mà có ít hạ lạp thì có ít đặc ân về bốn món vật dụng. Trưởng lão Sāriputta là vị tỳ khưu cao hạ nên được ưu tiên trong việc thọ lãnh những món vật dụng này. Trưởng lão chia sẻ chúng cho đại đức Rādha, trong khi chính trưởng lão thì sống bằng vật thực khất thực hằng ngày. Như vậy do được chia sẻ về chỗ ngụ và vật thực bởi vị thầy tế độ, Trưởng lão Sāriputta, đại đức Rādha trở nên khỏe mạnh. Sau đó, khi đã tiếp nhận những lời giáo giới về pháp hành của Chánh đạo từ vị thầy tế độ, đại đức Rādha đã tinh tấn hành đạo và không lâu sau chứng đắc đạo quả A-la-hán.

Bổn sanh Alīnacitta

Sau đó trưởng lão Sāriputta đưa đại đức Rādha đến đảnh lễ Đức Phật. Mặc dầu Đức Phật biết rõ trạng thái hiện tại của đại đức Rādha, nhưng Ngài vẫn dò hỏi trưởng lão Sāriputta: “ Này Sāriputta, Như Lai đã giao tỳ khưu Rādha cho con chăm sóc, hiện tại Rādha ra sao rồi? Vị ấy có được hạnh phúc trong đời sống của vị tỳ khưu không?” Trưởng lão Sāriputta đáp lại: “ Bạch Thế Tôn, nếu có người chỉ ra một vị tỳ khưu mà tìm thấy sự thỏa mãn đầy đủ trong giáo pháp, thì người đó phải nói đến và chỉ nói đến tỳ khưu như tỳ khưu Rādha.”

Sau đó có khởi lên một cuộc luận bàn sôi nổi với những lời tán dương trưởng lão Sāriputta. Họ nói rằng, “ Này các hiền hữu, trưởng lão Sāriputta có lòng tri ân sâu sắc và cũng thường báo đáp ân đến người mà vị ấy đã thọ ơn.” Khi Đức Phật nghe những lời nói ấy Ngài nói với các vị tỳ khưu: “ Này các tỳ khưu, sự kỳ diệu vĩ đại của Sāriputta về việc tri ân và đền ơn của vị ấy không phải chỉ trong kiếp cuối của vị ấy mà ngay cả trong quá khứ lâu dài, khi vị ấy chỉ là loài vật cũng đã có lòng tri ân.” Rồi các vị tỳ khưu thỉnh cầu Đức Phật kể cho họ nghE câu chuyện quá khứ liên quan đến trưởng lão Sāriputta. Nhân đó Đức Phật kể lại Bổn sanh Alīnacitta (Duka Nipāta).

Này các tỳ khưu, trong quá khứ ở dưới chân một ngọn đồi có năm trăm người thợ mộc sinh sống, họ thường đốn cây trong rừng rồi xẻ chúng ra những kích cỡ thích hợp và thả chúng xuống nước thành những bè gỗ. Một hôm nọ một con voi có ngà dài bị thương ở trong rừng do bởi một mảnh nhọn từ một nhánh lá to, mà nó tước đi từ một thân cây nọ. Mảnh cây nhọn đã đâm vào bàn chân của nó rất trầm trọng đến nỗi nó không thể bước đi được.

Sau hai hoặc ba ngày, con voi bị thương lưu ý rằng có một nhóm đông người đi qua lối đi của nó mỗi ngày, và hy vọng rằng họ có thể giúp nó. Nó đi theo những người kia. Khi nhóm người trông thấy nó đang đi theo thì họ sợ hãi bỏ chạy. Khi ấy con không đi tiếp mà dừng lại. Những người thợ ngưng chạy, con voi lại tiến gần họ.

Người trưởng nhóm thợ mộc, do có trí tuệ, đã suy xét về hành vi của con voi: “ Con voi này đến với chúng ta mà dừng lại khi chúng ta chạy. Chắc là có lý do nào đó.” Rồi nhóm người đi đến những cây to và quan sát những chuyển động của con voi. Con voi đi đến gần họ và, sau khi cho họ thấy vết thương ở dưới bàn chân, nó nằm xuống. Những người thợ mộc bây giờ thì biết hành vi của con voi: Con voi bị thương nặng và đang tìm sự giúp đỡ. Họ đi đến con voi và kiểm tra chỗ đau. Rồi họ cắt một đường rãnh quanh đầu ngoài của cái cọc nhọn, buộc một sợi dây chắc vào đường rãnh ấy, và kéo cái cọc nhọn ra. Họ đắp vải lên vết thương, rửa sạch nó bằng những cây thuốc và đắp thuốc chữa lành vết thương bằng hết khả năng của họ. Chẳng bao lâu vết thương được chữa lành và con voi khỏe mạnh.

Với lòng tri ơn sâu sắc đến những người đã chữa lành cho nó, con nghĩ cách đền ơn. Nó đi về hang của nó và đem lại một con voi con thuần trắng. Đó là một loại bạch tượng đem lại sự may mắn thuộc giống Gandha. Những người thợ mộc rất vui mừng khi thấy con voi trở lại mang theo con voi con. Con voi không chỉ khoe con voi con cao quý của nó mà nó muốn làm quà tặng đến những ân nhân của nó. Để cho mọi người thấy rõ ý định của nó, nó rời khỏi chỗ ấy một mình.

Voi con đi theo nó nhưng voi cha phát tín hiệu bằng âm thanh đến voi con bảo nó trở lại với nhóm người kia. Voi con vâng lời. Khi

ấy nhóm thợ mộc nói với voi con: “ Ôi bé cưng, chúng ta chẳng sử dụng gì nơi con. Hãy trở về với cha của con.” Con voi con đi về nhưng voi cha không chịu đưa nó về. Lần thứ ba những người thợ mộc bảo nó trở về, nhưng nó cũng bị cha của nó từ chối. Bởi vậy họ buộc lòng phải nhận nuôi nó. Năm trăm người thợ mộc mỗi người cho voi con một nắm cơm là vật thực đầy đủ dành cho nó. Nó sẽ giúp họ chất đống những khúc gỗ, sẵn sàng để kết bè.

( Chú giải Anguttara Nikaya đã kể lại câu chuyện đến điểm này chỉ để cho thấy lòng tri ân của trưởng lão Sāriputta khi sanh làm con voi. Bây giờ chúng tôi tiếp tục câu chuyện như đã mô tả trong bộ Jātaka).

(Tiếp nối Bổn sanh Alīnacitta). Từ đó trở đi, con bạch tượng trở thành một thành viên của nhóm thợ mộc. Bằng cách làm theo những mệnh lệnh của họ, bạch tượng đã phụ giúp nhóm thợ mộc trong tất cả những công việc của họ. Những người thợ mộc nuôi sống nó bằng những phần cơm của họ. Vào lúc chiều tối những người thợ mộc và voi con đi xuống sông để tắm và nô giỡn với nhau.

Một hôm có những dòng nước lũ từ thượng nguồn của xứ Bārāṇasī đổ xuống. Trong dòng nước chảy xiếc có một miếng phân khô của con bạch tượng trôi lềnh bềnh và đã vướng vào một lùm cây ở chỗ tắm rửa công cộng tại Bārāṇasī. Khi ấy những người chăn giữ những con voi của vua đem xuống sông năm trăm con voi để tắm rửa cho chúng. Những con voi ngửi quanh, và ngửi được mùi phân của con bạch tượng đã hoảng sợ. Chúng không dám đi xuống nước mà ra sức bỏ chạy với đuôi cong lên. Những người chăn voi kể lại hành vi kỳ lạ này của những con voi cho những thú y chăm sóc voi nghe. Họ biết rằng chắc có một cái gì đó ở trong nước khiến cho những con voi của vua bị hoảng loạn. Một cuộc thăm dò kỹ lưỡng được thực hiện và họ đã tìm thấy miếng phân trong lùm cây. Bấy giờ lý do khiến năm trăm con voi bị sợ hãi đã được làm rõ. Khi ấy một cái bình lớn chứa đầy nước và miếng phân của con bạch tượng được hòa tan trong đó. Năm trăm con voi khi ấy được rửa bằng nước hòa tan của phân con bạch tượng, có mùi thơm khả ái. Chỉ khi ấy những con voi mới dám đi xuống nước.

Các y sĩ chăm sóc voi đã tâu lại những hiện tượng mà họ đã trải qua đến đức vua và tha thiết đề nghị với đức vua rằng nên tìm kiếm con bạch tượng cao quý ấy. Đức vua dẫn đầu một đoàn người trong một chiếc thuyền đi ngược dòng sông cho đến khi họ chỗ làm việc của những người thợ mộc và dưới chân đồi. Con bạch tượng khi ấy đang tắm dưới con sông. Nó nghe tiếng trống của vua và bỏ chạy đến những người chủ của nó, là những người thợ mộc, những người này đã nghinh đón đức vua. “ Tâu đại vương,” họ nói, “ đại vương không cần đích thân đi ngược dòng sông lên đây để kiếm gỗ. Đại vương có thể sai người làm điều đó.” Đức vua nói rằng: “ Này các bạn, trẫm không phải đến đây để kiếm gỗ. Trẫm đến đây để có được con bạch tượng mà các bạn sở hữu.” “ Ồ tâu đại vương, đại vương hãy giữ lấy nó nếu đại vương muốn.”

Tuy nhiên voi con không chịu rời khỏi những người chủ của nó, và đã đứng không nhúc nhích. Những y sĩ chăm sóc voi được gọi đến tham vấn và họ giải thích với đức vua rằng voi con muốn thấy những người chủ của nó được đền bù thỏa đáng về việc đã chăm sóc cho nó. Khi ấy đức vua truyền lịnh đặt một trăm ngàn đồng bạc ở mỗi nơi trong sáu chỗ quanh thân của con voi, đó là bốn chân, chỗ cái vòi và chỗ cái đuôi. Voi con vẫn không chịu nhúc nhích. Nó muốn đức vua cho những quà tặng cá nhân nữa. Khi mỗi người trong nhóm thợ mộc, và những người vợ của họ được một tấm vải và những đồ chơi dành cho con cái của họ là những người bạn chơi chung với nó, khi ấy nó mới đồng ý đi theo đức vua. Khi đi theo đức vua, nó lưu luyến nhìn lại những người chủ và vợ con của họ.

Voi con được hộ tống đến kinh đô, tại đó nó được người ta cho tiến hành nghi lễ đi nhiễu quanh ba vòng, toàn thể kinh đô và cái sân chứa con voi được trang hoàng rực rỡ. Rồi nó được đưa vào chuồng ở bãi rào dành cho voi, được trang bị bằng những vật trang sức dành cho con vật cưỡi của vua. Rồi nó được làm lễ tấn phong làm cận vệ cũng như vật cưỡi của vua. Nó được chỉ định sở hữu một nửa di sản củavua, với mọi phương diện của một nhân vật trong hoàng gia. Từ ngày nó đến, Bārāṇasī giành được địa vị thống trị toàn cõi Jambudīpa.

Sau một thời gian Đức Phật đương lai thọ sanh vào bào thai của hoàng hậu nước Bārāṇasī. Khi thời kỳ thai nghén đã đủ ngày thì đức vua băng hà. Tin đức vua băng hà không được tiết lộ cho con bạch tượng biết vì sợ nó có thể bị vỡ tim.

Tuy nhiên tin tức ấy không thể được giữ kín lâu dài. Khi tin tức đức vua thăng hà đến nước láng giềng Kosala, đức vua của bộ tộc Kosala bao vây kinh đô Bārāṇasī. Dân cư trong kinh thành Bārāṇasī đã cử sứ giả đến vua nước Kosala kèm theo thông điệp rằng: “ Hoàng hậu của chúng tôi sẽ sanh con sau bảy ngày. Theo những người tinh thông thuật xem tướng, nếu hoàng hậu sanh con trai thì chúng tôi sẽ chiến đấu. Trong thời gian chờ đợi, liệu vua Kosala có giữ hòa bình trong bảy ngày không?” Vua Kosala đồng ý.

Hoàng hậu đã hạ sanh một đứa con trai vào ngày thứ bảy. Sự hạ sanh của đứa bé được đánh dấu bởi việc dân cư trong kinh thành Bārāṇasī được phấn khởi, do đó đứa bé được đặt tên là Alīnacitta (nghĩa là vị hoàng tử đem lại sự hân hoan).

Chiến tranh bắt đầu, như sự thỏa thuận của hai bên, vào ngày sanh của hoàng tử. Các chiến sĩ của kinh thành bị bao vây, do thiếu vị nguyên soái trên trận mạc, đã anh dũng chiến đấu, tuy nhiên tinh thần nhuệ khí của họ lại xuống thấp. Các quan đã bí mật tâu lên hoàng hậu rằng để khỏi bị đánh bại, thì phải nói cho con bạch tượng biết cái chết của đức vua, và số phận của một kinh đô không có vua đang bị vây hãm bởi vua nước Kosala. Hoàng hậu đồng ý. Khi ấy, sau khi trang điểm cho hoàng tử sắc phục của hoàng gia, đặt nó trong một tấm vải trắng, nàng ẳm hoàng tử đi đến chuồng voi có các quan đi theo và đặt đứa bé gần chân của con bạch tượng. Nàng nói rằng: “ Hỡi bạch tượng vĩ đại, chúng ta đã giữ kín tin tức về cái chết của đức vua không cho ngươi biết vì chúng ta sợ ngươi có thể bị vỡ tim. Đây là hoàng tử, con trai của người bạn đã quá vãng của ngươi. Bây giờ kinh đô của chúng ta đang bị vua Kosala vây hãm, hoàng tử bé nhỏ của ngươi đang gặp nguy hiểm. Những người phòng vệ kinh đô đang xuống tinh thần.

Ngươi có thể tiêu diệt đứa bé hoặc cứu sống nó và ngai vàng của nó khỏi những kẻ xâm lăng.”

Nhân đó con bạch tượng vuốt ve đứa bé bằng cái vòi của nó, nâng đứa bé lên và đặt trên đầu của nó, than khóc thảm thiết. Rồi nó lấy vòi quấn đứa bé và đặt nó trong đôi tay của hoàng hậu. Khi phát ra âm thanh báo hiệu sự sẵn sàng hành động của nó, nghĩa là, “ Tôi sẽ bắt sống vua nước Kosala”, nó đi ra khỏi chuồng voi. Khi ấy các quan gắn áo giáp vào thân của con bạch tượng và, sau khi mở cổng thành, dẫn nó đi ra và hộ tống quanh nó. Sau khi ra khỏi kinh thành, con bạch tượng phát ra âm thanh chát chúa như tiếng kêu của con sếu, vượt qua hàng rào vây hãm của quân địch và chộp lấy búi tóc của vua Kosala, rồi đặt vị ấy dưới chân của ông vua con Alinacitta. Đe dọa quân thù đang hăm he làm hại hoàng tử phải tháo chạy, dường như nó nói với vua Kosala: “ Từ nay trở đi, hỡi vua Kosala, hãy cẩn thận. Không được đem vị vua con này ra làm trò đùa.” Vua Kosala đã bị khuất phục đúng mức như vậy.

Từ đó trở đi, sự thống trị toàn cõi Jambudipa được bảo đảm trong tay của hoàng tử Alīnacitta. Không có vị vua nào dám đối chọi với uy quyền của hoàng tử. Khi hoàng tử, là Bồ tát, lên bảy tuổi, cậu ta được tấn phong là vua Alīnacitta. Vị ấy trị vì một cách chân chánh và vào lúc thân hoại mạng chung vị ấy được tái sanh vào cõi chư thiên.

(Bổn sanh đầu tiên được Đức Phật kể lại liên quan đến một vị tỳ khưu nọ bị thối thất trong việc thọ trì pháp hành cao quý. Một dịp khác liên quan đến lòng tri ân của trưởng lão Sāriputta đến đại đức Rādha, nên đoạn này được kể lại một phần – cho đến con voi có ngà cao quý cho bạch tượng, con của nó đến những ân nhân.)

Sau khi thuyết giảng câu chuyên quá khứ, trong văn cảnh hiện tại Đức Phật đã nói lên hai câu kệ sau đây:

Alīnacittaṃ nissāya, pahaṭṭhā mahatī camū, Kosalam senasantuttham, jīvaggāhaṃ agāhayi.

(Này các tỳ khưu) Nhờ vào hoàng tử Alīnacitta, vị Bồ tát, mà đại hùng binh của vương quốc Bārāṇasī (qua uy lực của bạch tượng) đã bắt sống vua Kosala là người không thỏa mãn với vương quốc của mình.

Evaṃ nissāya sampanno, bhikkhu āraddhavīriyo, Bhāvayam kusalṃ dhammaṃ; yogakkhemassa pattiyā, Pāpune anupubbena, sabbasaṃyojanakkhayaṃ.

Cũng vậy, với may mắn có được các bậc giới đức như Đức Phật và chư vị Thánh Tăng làm bạn lữ, vị tỳ khưu mà nhiệt tâm tinh cần có thể tu tập Chánh pháp (tức là Ba mươi bảy pháp Giác ngộ và chứng đắc Đạo quả A-la-hán có đặc tánh chấm dứt tất cả mọi kiết sử và bằng những giai đoạn thuận tiến sẽ đạt đến sự chấm dứt các hệ phược ( tức là Niết bàn).

Sau khi kết thúc bài pháp bằng sự chứng đắc pháp Bất tử là mục tiêu cao nhất của nó, Đức Phật tiếp tục chỉ cho thấy Tứ thánh đế, vào lúc kết thúc vị tỳ khưu thối thất chứng đắc Đạo tuệ. Bổn sanh được kết thúc bằng sự nhận diện các nhân vật có liên quan, tức là: chánh hậu, mẹ của Bồ tát là hoàng hậu trong kiếp hiện tại; vua của nước Bārāṇasī là vua Suddhodana, con bạch tượng của vua là vị tỳ khưu thối thất; con voi có ngà cao quý, cha của bạch tượng, là trưởng lão Sāriputta; vua nước Kosala là trưởng lão Mahā Moggallāna; hoàng tử Alinacitta là Đức Phật. Đây là Bổn sanh Alīnacitta trong bộ Duka Nipāta.

Đức Phật kể lại câu chuyện Bổn sanh này liên quan đến lòng tri ân của trưởng lão Sāriputta, cách mà vị ấy đã đền ơn trong kiếp quá khứ. Liên quan đến đại đức Rādha, Đức Phật đã thuyết 46 bài kinh trong bốn phẩm. Hãy xem 2-Rādha Saṁyutta, Khandha Vagga Saṁyutta, Saṁyutta Nikāya.

Hơn nữa, khi trưởng lão Sāriputta dẫn đại đức Rādha đến trước Đức Phật và sau khi đại đức Rādha chứng đắc đạo quả A-la-hán, cả hai vị Thinh văn đều quỳ gối trước Đức Phật, Đức Phật hỏi trưởng lão Sāriputta: “ Này Sāriputta, người đệ tử thân thiết Rādha của con có

sẵn lòng chấp nhận sự giáo giới của con không?” Trưởng lão Sāriputta đáp lại: “ Bạch Thế Tôn, tỳ khưu Rādha rất biết nghe theo lời giáo giới của con. Bất cứ khi nào lỗi lầm của vị ấy được chỉ ra, vị ấy cũng không tỏ thái độ buồn bực dù nhỏ nhất.” “ Này Sāriputta, con sẽ sẵn sàng đón nhận bao nhiêu đệ tử dễ dạy như Rādha?” “ Bạch Thế Tôn, nếu là những đệ tử dễ dạy như tỳ khưu Rādha thì có bao nhiêu người đến với con, con sẽ nhận hết.”

Rồi sau khi kể lại câu chuyện quá khứ về trưởng lão Sāriputta như đã được mô tả trong bổn sanh Alīnacitta, dù mang thân của loài thú, đã thể hiện lòng tri ân, là chủ đề bàn luận của các vị tỳ khưu, Đức Phật đã tán dương những đức tánh của đại đức Rādha như vầy: “ Này các tỳ khưu, một vị tỳ khưu nên tỏ ra dễ dạy với lời giáo giới giống như tỳ khưu Rādha. Khi ông thầy chỉ ra lỗi lầm của người đệ tử, thì người đệ tử không nên tỏ thái độ oán giận mà nên xem đó như những kho tàng quí báu được chỉ ra cho vị ấy.” Liên quan đến điều ấy Đức Phật nói lên bài kệ này:

Nidhīnaṃ va pavattāraṃ yaṃ passe vajjadassinaṃ.

Niggayhavādiṃ medhāviṃ, tādisaṃ paṇḍitaṃ bhaje.

Tādisaṃ bhajamānassa,seyyo hoti na pāpiyo.

(Này các tỳ khưu,) nếu các con gặp được bậc thiện trí chỉ cho các con thấy những lỗi lầm của mình và khiển trách mình thì nên thân cận với bậc trí tuệ như người mở cho ta kho tàng đã bị chôn dấu. Sự thân cận như vậy sẽ đem lại lợi ích, không phải điều bất lợi, cho người tầm cầu sự thân cận với bậc trí tuệ như vậy.

Vào lúc kết thúc thời pháp nhiều chúng sanh trong thính chúng đươc chứng đắc các tầng Đạo tuệ. (Dhammapada, v.76).

Sự hoạch đắc danh hiệu Edata


Vào một dịp khác trong lúc ban vinh dự là tỳ khưu Tối thắng đến các vị Thinh văn xứng đáng, Ngài đã công bố như vầy:

Etadagga bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ patibhāneyyakānaṃ yadidaṃ Rādho.

Này các tỳ khưu, trong số các tỳ khưu đệ tử của Như Lai mà truyền cảm hứng để Như Lai mở rộng các bài Pháp, thì tỳ khưu Rādha là Đệ nhất.

(Sự sáng dạ và niềm tin sâu đậm của đại đức Rādha là nguồn cảm hứng để Đức Phật mở rộng các bài pháp. (Sự kiện này có thể được thâu thập từ Rādha Saṁyutta, đặc biệt là sáu bài kinh sau cùng trong Vagga đầu tiên, và toàn bộ Vagga thứ tư). Từ patibhāneyyaka đã được định nghĩa là: Patibhānaṃ janentīti patibhāneyyakā – những Thanh văn đệ tử làm khởi sanh điều kiện thuận lợi trong việc thuyết pháp của Đức Phật.)

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 16

Post Views: 309