ĐẠI TRƯỞNG LÃO PILINDAVACCHA – đệ nhất về hạnh được chư thiên ái mộ ( ” tiện nhân ” )

ĐẠI TRƯỞNG LÃO PILINDAVACCHA – đệ nhất về hạnh được chư thiên ái mộ ( ” tiện nhân ” )

ĐẠI TRƯỞNG LÃO PILINDAVACCHA

Nguyện vọng quá khứ

Trưởng lão Pilindavaccha tương lai sanh vào một gia đình giàu

có trong kinh thành Hamsavati, thời Đức Phật Padumuttara. Cũng như

các vị đại trưởng lão tương lai khác, vị ấy đi đến tịnh xá, nghe Đức Phật giảng pháp rồi chứng kiến một vị tỳ khưu được Đức Phật công bố là Tối thắng trong những vị tỳ khưu được chư thiên ái kính. Vị ấy có ước muốn mạnh mẽ là được trở thành vị tỳ khưu vĩ đại như thế trong tương lai và đã phát nguyện trước Đức Phật. Đức Phật thấy rằng nguyện vọng của vị ấy sẽ được thành tựu bèn nói lời tiên tri cho vị ấy.

Sự tôn kính đến Bảo tháp và Tăng đoàn

Con người cao quý ấy, sau khi sống trọn cuộc đời làm các phước thiện đã mạng chung, được tái sanh vào cõi chư thiên và tiếp tục luân chuyển trong hai cõi, chư thiên và nhân loại. Vào thời Đức Phật Sumedha, vị ấy sanh vào cõi người. Rồi vị ấy cúng dường to lớn đến đại bảo tháp để tôn vinh Đức Phật đã nhập Niết bàn. Vị ấy cũng thực hiện những cuộc cúng dường vĩ đại đến chúng Tăng.

Kiếp sanh làm Chuyển Luân vương

Vào thời kỳ nọ trước khi Đức Phật xuất hiện, vị ấy sanh làm Chuyển luân vương, thường sử dụng cơ hội to lớn và quyền lực để an trú mọi người trong ngũ giới.

Đời sống Sa-môn trong kiếp chót

Khi Đức Phật Gotama sắp xuất hiện thì trưởng lão Pilindavaccha sanh làm một vị Bà-la-môn, kinh thành Sāvatthi. Tên của vị ấy là Pilinda, dòng họ là Vaccha, nên được gọi là Pilindavaccha. Bởi vì chàng trai mê muội thế gian, nên trở thành đạo sĩ và học chú thuật có tên là Cūḷagandhāra gồm một vài manta hùng mạnh. Sau khi thành thạo những manta này, vị ấy thông thạo trong việc đọc tâm của người khác và có khả năng đi trong không trung. Vị ấy trở thành vị hiền thánh vĩ đại nhất ở thành Rājagaha có đông đảo tùy tùng và nhiều tài sản.

Rồi Đức Phật Gotama xuất hiện trong thế gian, sau chuyến du hành trong quốc độ, Ngài đã đến kinh thành Rājagaha. Từ lúc Đức Phật đến kinh thành Rājagaha thì những năng lực của Pilindavaccha bị suy yếu rõ rệt. Tuy vị ấy đã nhiều lần tụng manta đầy oai lực của mình, nhưng vị ấy không thể đi trên không trung và không thể đọc tâm của người khác. Vị ấy nghe rằng có một vị Đạo sư ngăn chặn oai lực của mình vì pháp của vị ấy còn thấp, và khi một người có năng lực cao hơn mà ở gần hay ở trong phạm vi của vị ấy, thì vị ấy sẽ gặp phải sự suy yếu về các năng lực của mình. Vị ấy tự nghĩ: “ Câu nói ấy mà ta đã nghe từ bậc thầy của các bậc thầy chắc chắn là sự thật. Vì từ khi Sa-môn Gotama đến kinh thành Rājagaha thì pháp thuật của ta suy yếu rõ ràng. Sa-môn Gotama chắc chắn là bậc Đạo sư có pháp thuật cao cường. Thật tốt thay nếu ta đi đến Sa-môn Gotama và học pháp thuật của vị ấy.” Rồi vị ấy đi đến Đức Phật và nói rằng, “ Thưa ngài đại đức tỳ khưu, tôi muốn học pháp thuật từ Ngài. Cầu xin Ngài chấp thuận.”

Đức Phật nói rằng: “ Nếu ngươi muốn học pháp thuật, thì ngươi phải trở thành tỳ khưu.” Pilindavaccha nghĩ rằng trở thành tỳ khưu là bước chuẩn bị trong việc học pháp thuật và vị ấy đồng ý trở thành tỳ khưu. Đức Phật cho Pilindavaccha đề mục thiền quán thích hợp với căn tánh của vị ấy và vị tỳ khưu này do có đủ cận y duyên để giác ngộ, nên đã đạt được Tuệ quán và sớm chứng đắc đạo quả A-la-hán. (Chú giải của bộ Udāna).

Pilindavaccha có thói quen dùng lời thô tháo

Trưởng giả Pilindavaccha có một thói quen ngộ nghĩnh là gọi người khác bằng cái tên “ tiện nhân” (vasala-samudācara), trong những câu mệnh lệnh như: “ Đến đấy, nhãi con” hay “ Hãy đi, tên nhãi ranh kia”, “ Mang cái đó đến đây, tên nhãi ranh kia” hay “ Hãy lấy cái đó, tên nhãi ranh” v.v…

Các vị tỳ khưu nêu thói quen kỳ lạ của trưởng giả Pilindavaccha lên Đức Thế Tôn. Họ hỏi: “ Bạch Thế Tôn, các bậc

Thánh có nói lời thô lỗ không?” Và Đức Phật trả lời, “ Này các tỳ khưu, các bậc Thánh không dùng lời thô lỗ để nhạo báng người khác. Tuy nhiên, vì thói quen ăn sâu trong nhiều kiếp quá khứ, lời nói thô lỗ có thể được dùng một cách vô ý.” Các vị tỳ khưu nói rằng, “ Bạch Thế Tôn, trưởng giả Pilindavaccha khi nói chuyện với những người khác, dù cư sĩ hay các tỳ khưu, luôn luôn gọi người khác là “ tên nhãi ranh.” Lý do tại sao?”

“Này các tỳ khưu, Pilindavaccha trong năm trăm kiếp quá khứ liên tục đã sanh làm vị Bà-la-môn giai cấp thượng lưu, thường gọi mọi người là ‘nhãi con, tên tiện nhân’ (vasala). Thói quen đó đã ăn sâu trong vị ấy. Vị ấy không cố ý gì khi dùng từ ‘tiện nhân’. Vị ấy không có ý định xấu. Lời nói của vị ấy tuy nghe thô tháo, nhưng vô hại. Một bậc Thánh, không còn dấu vết của ác ý, không đáng bị chê trách vì xử dụng ngôn ngữ thô lỗ do tập khí như vậy. Thêm nữa, Đức Phật nhân dịp ấy đã nói lên câu kệ sau đây:

Akakkasaṃ viññāpaniṃ, giraṃ saccam udīraye; Yāya nābhisaje kañ ci,

tam aham brūmi Brāhmanaṃ.

Người nói lời êm dịu, có kiến thức và chân thực, không nói lời xúc phạm đến ai, người ấy Như Lai gọi là Bà-la-môn (Arahat). (Dhammapada, v.480)

Vào lúc kết thúc câu kệ này, nhiều người đạt được sự giác ngộ ở nhiều mức độ khác nhau như quả thánh Nhập lai (sotapatti-phala). (Nên nhớ rằng từ “tiện nhân” là thô lỗ đối với một người nào đó được dùng để nhạo báng người khác, nhưng vì bậc A-la-hán Pilindavaccha không có tâm ác trong việc xử dụng nó, nên nó không được gọi là hình thức của lời nói ác).

Cây thuốc tiêu biến thành phân chuột


Một hôm trên đường đi khất thực ở thành Rājagaha, trưởng lão Pilindavaccha gặp một người đàn ông đang đi vào thành phố, mang theo một bát đựng đầy thuốc tiêu và hỏi ông ta: “ Này nhãi ranh, có cái gì trong bát của ông vậy?” Người đàn ông bị xúc phạm. Ông ta suy nghĩ: “ Mới sáng sớm mà đã bị gọi là ‘nhãi ranh’ thật là xui xẻo. Vị tỳ khưu xứng đáng được nghe lời thô tháo tương xứng với sự thô tháo của vị ấy.” Khi nghĩ vậy, ông ta đáp lại, “ Đó là những phân chuột, bạch đại đức!”

(Ở đây trưởng lão xử dụng lời thô tháo không có ác ý mà với thái độ thân ái, nói ra do tập khí mà thôi; cho nên lời nói ‘ nhãi ranh’ của vị ấy không phải là dùng lời thô lỗ. Tuy nhiên, câu trả lời của người đàn ông kia thì chứa đầy sân hận và lời nói thô lỗ cố ý của ông ta được dùng để chống lại vị A-la-hán thì có những kết quả tai hại xảy ra tức thì).

Trưởng lão Pilindavaccha nói rằng: “Thế cũng được, nhãi ranh.” Khi người đàn ông đi khuất tầm mắt của trưởng giả thì ông ta rất đổi ngạc nhiên khi thấy cái bát chứa cây tiêu thuốc lại đầy phân chuột! Bởi vì cây tiêu thuốc có hao hao giống với phân chuột, để thử ông ta lấy một ít trong bát rồi bóp nát ra và tin chắc rằng đó là phân chuột. Ông thất vọng. Ông ta đang chở hàng hóa chứa cây tiêu thuốc trong cỗ xe. Ông ta tự hỏi liệu tất cả cây tiêu thuốc trong cỗ xe có biến thành phân chuột không. Ông ta trở lại xe bò để xem và thấy rằng tất cả mớ tiêu thuốc cũng biến thành phân chuột. Tinh thần ông ta bị suy sụp, ông ta ép hai bàn tay vào chỗ đau nhói nơi ngực và suy nghĩ: “ Đây là sự rủi ro giáng xuống cho ta sau khi ta gặp vị tỳ khưu ấy. Ta tin chắc rằng sẽ có cách nào đó để thoát khỏi rủi ro này. Vị tỳ khưu kia chắc là biết phép thuật. Ta sẽ đi theo vị tỳ khưu ấy, để tìm hiểu về vị ấy.”

Khi ấy có một người nọ lưu ý thấy người buôn cây tiêu thuốc đang trong tình trạng rất lo lắng, bèn nói với ông ta, “ Này ông, trông ông rất buồn bực. Có chuyện gì với ông vậy?” Người đàn ông kể lại điều đã xảy ra giữa ông ta và trưởng giả Pilindavaccha. Khi ấy người kia nói rằng, “ Này ông bạn, đừng lo. Ông chắc đã gặp trưởng lão

Pilindavaccha của chúng tôi rồi. Hãy đem theo cái bát đựng phân chuột của ông và đứng ngay trước ngài. Vị ấy sẽ hỏi ông, ‘ Cái gì trong bát vậy, nhãi ranh?’ Khi ấy ông phải nói với vị ấy rằng, ‘ Dạ đó là cây tiêu thuốc, bạch trưởng giả.’ Ngài sẽ nói, ‘ Thế à! nhãi ranh.” Và ông sẽ thấy cái bát của ông chứa đầy cây tiêu thuốc, toàn thể cỗ xe của ông cũng vậy.” Người thương buôn làm theo lời chỉ dẫn của người đàn ông kia và tất cả cây tiêu thuốc của ông đều trở về trạng thái như thường.

Sự hoạch đắc danh hiệu Etadagga

Trưởng lão Pilindavaccha có một thời đã làm Chuyển luân vương trước khi Đức Phật xuất hiện. Trong thời đó, vị ấy khiến mọi người an trú trong Ngũ giới, nhờ vậy dẫn dắt họ đi vào con đường đến cõi chư thiên. Hầu hết chư thiên trong sáu cõi dục đều mang ơn vị ấy vì trong lúc làm vị Chuyển luân vương đã đưa họ đến những cõi hạnh phúc. Họ tỏ lòng tôn kính vị ấy cả ngày lẫn đêm. Đó là lý do mà trong dịp Đức Phật ban danh hiệu đệ nhất cho những đệ tử tối thắng, Ngài đã công bố rằng:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ Devatānaṃ pīyamanāpānaṃ yadidaṃ Pilinda-vaccho.

Này các tỳ khưu, trong số các tỳ khưu đệ tử của Như Lai mà được chư thiên ái kính, thì tỳ khưu Pilindavaccha

là Đệ nhất.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 54

Post Views: 394