ĐẠI TRƯỞNG LÃO SOṆA KUṬIKAṆṆA – đệ nhất về hạnh khéo nói ( từng mang đôi bông tai 10 triệu (koti)

ĐẠI TRƯỞNG LÃO SOṆA KUṬIKAṆṆA – đệ nhất về hạnh khéo nói ( từng mang đôi bông tai 10 triệu (koti)

ĐẠI TRƯỞNG LÃO SOṆA KUṬIKAṆṆA

(Tên mà cha mẹ đặt cho Trưởng lão là Soṇa. Vì khi là cư sĩ vị ấy thường mang đôi bông tai trị giá mười triệu (koṭi) nên cái tên Kuṭikaṇṇa được thêm vào. Thế nên vị ấy được biết là Đại trưởng lão Soṇa Kuṭikaṇṇa.)

Nguyện vọng trong quá khứ


Trong thời Phật Padumuttara, vị thiện nam, trưởng lão Soṇa Kuṭikaṇṇa tương lai, đã đi cùng với mọi người đến tịnh xá theo cách như đã mô tả trước. Khi đang đứng ở mé ngoài của thính chúng và

nghe Đức Phật thuyết pháp, anh ta trông thấy một vị tỳ khưu được ban danh hiệu tối thắng (etadagga),trong những tỳ khưu giảng pháp bằng giọng nói ngọt ngào. Khi ấy vị thiện nam suy nghĩ: “ Ta cũng nên trở thành người nhận được danh hiệu tương tự là đệ nhất trong những người giảng pháp bằng giọng nói ngọt ngào trong thời kỳ của một vị Phật đương lai.” Bởi vậy anh ta thỉnh Đức Phật và tổ chức đại thí trong bảy ngày và bạch rằng: “ Bạch Đức Thế tôn, cách đây bảy ngày Thế Tôn đã ban danh hiệu etadagga cho một vị tỳ khưu là Đệ nhất trong những vị tỳ khưu giảng pháp bằng giọng nói ngọt ngào (kalyāṇavakkaraṇa), do quả của việc phước này, con cũng xin nguyện đạt được danh hiệu ấy trong thời kỳ của một vị Phật tương lai.” Khi thấy rằng ước nguyện của vị thiện nam sẽ được thành tựu không bị trở ngại, Đức Phật bèn tiên tri: “ Về sau trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Gotama, ước nguyện của con sẽ thành tựu.” Sau khi nói vậy Đức Phật ra đi.

Đời sống Sa-môn trong kiếp chót

Sau khi đã làm nhiều việc phước cho đến cuối cuộc đời, vị thiện nam ấy chỉ tái sanh trong hai cõi, chư thiên và nhân loại (mà không bị tái sanh trong bốn khổ cảnh) và cuối cùng thọ sanh trong lòng của một tín nữ, tên Kāḷī, vợ của vị trưởng giả ở thị trấn Kuraraghara, nước Avanti, trước khi Đức Phật của chúng ta xuất hiện. Khi gần đến ngày hạ sanh, Kāḷī trở về nhà cha mẹ tại kinh thành Rājagaha.

Lúc bấy giờ, Đức Phật của chúng ta đã chứng đắc Phật quả và thuyết giảng kinh Chuyển pháp luân ở vườn Lộc giả tại Isipatana. (Lúc bấy giờ là ngày rằm tháng Āsaḷha, 103 Mahā Era.) Trong dịp thuyết giảng bài kinh này, chư thiên và Phạm thiên từ một trăm ngàn thế giới cu hội tại vườn Lộc giả. Trong hội chúng ấy có sự hiện diện của hai mươi tám vị tướng quân dạ xoa, và một trong số đó là Sātāgira đang lắng nghe thời pháp của Đức Phật.

( Ở đây bài mô tả chi tiết về hai vị tướng quân dạ xoa có thể tra cứu ở chương 10 của bộ Đại Phật Sử, cuốn II.)

(Bài mô tả được nêu ra trong chương 10 của cuốn II dựa trên bài trình bày về bài kinh Hemavata của Chú giải Suttanipāta. Theo bài trình bày ấy, khi Sātāgira đang nghe bài kinh Chuyển pháp luân, thì vị ấy nhớ đến người bạn Hemavata. Thế nên, vị ấy không thể tập trung và không thể giác ngộ Đạo Quả. Chỉ khi vị ấy trở lại với Hemavata thính pháp thì cả hai mới chứng đắc Quả thánh Nhập lưu (sotāpaññā). (Điều được căn cứ trên kinh tập Ekaka-nipāta của Chú giải Aṅguttara bắt đầu từ sự chứng đắc Quả thánh Nhập lưu sau khi nghe bài kinh Chuyển pháp luân. Sau đó vị ấy đi tìm Hemavata và gặp người bạn trên đường đi trong không trung, phía trên ngôi nhà của Kāḷī – con gái của vị trưởng giả, (thuộc thị trấn Kuraraghara) gần thành Rājagaha. Khi gặp Hemavata, vị ấy được hỏi về các pháp hành về thân (kāyasamācāra), sự nuôi mạng (ājīva) các pháp hành thuộc ý (manosamācāra) của Đức Phật, và vị ấy đã trả lời từng câu hỏi. Theo cách này, khi câu hỏi và câu trả lời về các ân đức của Phật như được mô tả trong bài kinh Hemavata kết thúc, thì Hemavata quán xét những lời nói đầy tịnh tín của người bạn của vị ấy từng bước một và được an trú trong quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phala). Sự khác biệt của hai bài mô tả là do những người tụng Tạng bhānaka khác nhau.

Vì không thấy người bạn Hemavata của vị ấy trong dịp Đức Phật thuyết giảng bài kinh Chuyển pháp luân nên Sātāgira đã đi đến người bạn nhưng lại gặp vị ấy trên đường đi trong hư không bên trên ngôi nhà của Kāḷī và những câu hỏi và câu trả lời về thân hạnh, v.v… của Đức Phật đã diễn ra.

Khi Sātāgira đang nói về Pháp, trong bài giải thích của vị ấy về hạnh của Đức Phật, thì Kāḷī nghe qua và bắt đầu có niềm tin nơi Đức Phật dù không nhìn thấy Ngài và cô được an trú trong quả thánh Nhập lưu (sotapatti-phala), giống như một người thưởng thức bữa ăn được dọn sẵn dành cho người khác. Nàng là bậc thánh Nhập lưu đầu tiên và cũng là tín nữ đầu tiên và là chị cả của tất cả.

Sau khi trở thành bậc thánh Nhập lưu (sotāpaññā), Kāḷī hạ sanh một đứa con trai trong đêm hôm ấy. Đứa con trai được đặt tên là Soṇa, Sau khi sống với cha mẹ đến thỏa thích, Kāḷī trở về Kuraraghara. Vì cậu con trai mang đôi bông tai trị giá mười triệu, nên cậu ta có tên gọi là Soṇa Kuṭikaṇṇa.

Sự kinh cảm (saṁvega) và đời sống Sa-môn của vị ấy

Lúc bấy giờ Trưởng lão Mahā Kaccāyana đang ngụ ở ngọn đồi Papata (hay Pavatta hay Upavatta), đi khất thực ở Kuraraghara. Nàng tín nữ Kāḷī đang hộ độ trưởng lão, Ngài hay đến viếng nhà của nàng. Cậu bé Soṇa quanh quẩn bên cạnh trưởng lão do đó trở nên thân thiện với trưởng lão.

Bất cứ khi nào có cơ hội thì Soṇa đi đến trưởng lão để hầu hạ vị ấy. Đáp lại trưởng lão cũng thường xuyên giảng pháp cho cậu ta. Do đó cậu ta có nhiều kinh cảm và trở nên nhiệt tâm trong sự thực hành giáo pháp. Một hôm cậu ta đi cùng một đoàn thương buôn đến Ujjenī với mục đích buôn bán và khi cắm trại qua đêm cậu ta sợ hãi vì ở chung với đám đông ngột ngạt. Thế nên, cậu đi nơi khác ngủ. Đoàn thương buôn tiếp tục lên đường vào buổi sáng, không ai nhớ để đánh thức cậu ta dậy trước khi họ đi.

Sáng hôm ấy, Soṇa ngủ dậy và không thấy ai, cậu vội vã chạy theo đoàn thương buôn và đi đến một cây đa. Tại cây ấy cậu ta trông thấy một ngạ quỹ (peta), thân hình xấu xí ghê rợn và to lớn, đang nhặt lên và ăn chính miếng thịt của mình đang rớt xuống từ những đốt xương trên thân. Soṇa hỏi ngạ quỷ là ai và ngạ quỷ trả lời danh tính của mình. Soṇa lại hỏi tại sao ngạ quỷ làm như thế và ngạ quỷ trả lời rằng sở dĩ vị ấy phải làm như thế do bởi nghiệp quá khứ. Rồi Soṇa yêu cầu ngạ quỷ giải thích và sự giải thích của ngạ quỷ như sau: “ Thưa ngài, trong quá khứ tôi là một vị trưởng giả ác độc ở xứ Bharukaccha, nuôi mạng bằng cách lừa gạt mọi người. Ngoài ra tôi còn chửi mắng các vị Sa-môn đến khất thực và nói với họ rằng: ‘Hãy ăn thịt của chính ngươi đi!’ Do kết quả của những ác nghiệp ấy mà giờ đây tôi

phải chịu những loại thống khổ mà ngài đang chứng kiến đó.” Khinghe qua sự việc, Soṇa rất kinh cảm.

Từ đó, cậu ta tiếp tục chuyến đi và tình cờ gặp hai ngạ quỹ trẻ, trong miệng của họ có máu đen đang nhỏ giọt. Thế nên, cậu ta hỏi như trước. Hai ngạ quỉ trẻ bèn đáp lại bằng cách kể lại toàn bộ câu chuyện của họ: Khi làm người, họ buôn bán nước hoa để kiếm sống. Và trong khi họ đang bán hàng thì mẹ của họ thỉnh mời và cúng dường vật thực đến các vị A-la-hán. Khi các vị A-la-hán đến nhà, họ chửi mắng và nguyền rủa: “ Ôi mẹ, tại sao mẹ lại đem những thứ của chúng con cho những Sa-môn này? Cầu cho những bong bóng của máu đen trào ra từ miệng của những ai mà ăn vật thực do mẹ của chúng tôi cho!” Do chính ác nghiệp ấy của họ nên họ bị đọa vào cõi Ngạ quỷ chịu khổ theo cách ấy khi Soṇa gặp họ. Khi nghe câu chuyện của họ, cậu ta rất kinh cảm. Thực ra, sự kinh cảm này mạnh hơn lần trước. (Những câu chuyện về sự kinh cảm như vậy được kể lại trong bộ Udāna Aṭṭhakathā và bộ Sāratthadīpanī Ṭīkā).

Soṇa đến tại Ujjenī và trở về Kuraraghara sau khi buôn bán xong. Cậu đi đến trưởng lão Mahā Kaccāyana và kể lại cho trưởng lão nghe về công việc của mình. Trưởng lão thuyết cho Soṇa nghe một thời pháp thoại về những bất lợi của sự luân hồi trong các khổ cảnh và vòng luân hồi cũng như những lợi ích của sự vô sanh và chấm dứt luân hồi. Sau khi đảnh lễ trưởng lão, Soṇa đi về nhà. Cậu ăn cơm tối, và ngủ một lát. Sau đó cậu ta thức dậy và bắt đầu quán xét về bài pháp được nghe từ trưởng lão. Trong việc quán xét cộng thêm sự hồi tưởng về những trạng thái của các ngạ quỹ mà cậu đã gặp, cậu ta cảm thấy rất kinh cảm về luân hồi và sự tái sanh trong các khổ cảnh. Cậu ta khởi tâm muốn trở thành vị tỳ khưu.

Trời hừng sáng, cậu vệ sinh tẩy rửa rồi đi đến trưởng lão Mahā Kaccāyana trình lại những điều mà cậu ta đã suy nghĩ: “ Bạch đại đức, khi con suy xét bằng nhiều cách về bài pháp mà đại đức đã thuyết giảng, con thấy rằng thật không dễ dàng gì để thực hành ba pháp học của bực thánh, giống như cái vỏ sò mới được đánh bóng hoàn hảo và thuần khiết.” Cậu ta tiếp tục trình bày: “ Con muốn cạo râu tóc, khoác

vào chiếc y vàng và ra khỏi xã hội loài người để bước vào đời sống Sa-môn.” Sau khi nói về ước muốn trở thành tỳ khưu, cậu nói lời thỉnh cầu “ Do đó, con muốn Ngài truyền phép xuất gia cho con.”

Khi ấy trưởng lão Mahā Kaccāyana suy xét xem trí tuệ của Soṇa đã chín muồi chưa, trưởng lão biết rằng nó chưa chín muồi. Vì muốn chờ một thời gian để cho nó chín muồi nên trưởng lão nói rằng: “ Này Soṇa, riêng sự thực hành của bậc thánh về việc ăn và ngủ cũng đã khó khăn rồi. Do đó, này Soṇa, điều mà ta muốn yêu cầu con là như thế này: khi còn làm cư sĩ, thỉnh thoảng con nên thực hành pháp hành của bậc thánh về việc ngủ một mình và ăn một mình, (như vào các ngày bát quan trai, v.v…) là pháp do Đức Phật giảng dạy.

Khi ấy sự nhiệt tâm muốn trở thành tỳ khưu của Soṇa nguôi ngoai vì các căn của cậu ta chưa được chín muồi và tâm kinh cảm của cậu ta cũng chưa đủ mạnh. Tuy sự nhiệt tâm của cậu ta đã lắng dịu, nhưng cậu ta không chểnh mãng mà vẫn trú trong lời dạy của trưởng lão và thường xuyên đi đến trưởng lão để nghe Pháp. Thời gian trôi đi, cậu lại khởi tâm muốn xuất gia lần thứ hai. Bởi vậy cậu ta lại nói lời thỉnh cầu. Lần này cũng vậy, trưởng lão khuyên cậu ta y như trước. Khi Soṇa nói lời thỉnh cầu lần thứ ba, thì trưởng lão Mahā Kaccāyana nghĩ rằng đã đến lúc để truyền phép xuất gia cho cậu ta bởi vì trí tuệ của cậu ta đã chín muồi và trưởng lão đã cho cậu ta xuất gia Sa-di. Đáng lẽ trưởng lão phải truyền phép xuất gia làm tỳ khưu cho cậu ta, nhưng sự xuất gia như vậy không thể xảy ra bởi vì chỉ có hai hoặc ba vị tỳ khưu sống ở Kuraraghara, còn ở xứ Trung thổ thì có nhiều. Và những tỳ khưu này đang trú ngụ riêng biệt, một vị thì ở trong làng hoặc hai vị thì ở trong thị trấn. Từ đó trưởng lão đem hai hoặc ba vị tỳ khưu đến cho Soṇa, là đệ tử đồng cư của trưởng lão. Nhưng khi trưởng lão ra đi để đưa về các vị khác, thì những vị trước đã đi đến nơi khác để làm một số phận sự. Sau khi chờ một thời gian để họ trở về, trưởng lão lại ra đi đón những vị đã bỏ đi trở về ; những vị khác ở đó lại ra đi vì công việc.

Vì trưởng lão đã nhiều lần cố gắng để tổ chức theo cách này, thời gian mất ba năm để kiếm về mười vị tỳ khưu. Lễ xuất gia truyền

cụ-túc-giới (upasampadā) chỉ có thể được tiến hành khi nào đủ mười vị tỳ khưu. Khi ấy trưởng lão đang ở một mình. Do đó, sau ba năm dài vất vả và trải qua nhiều khó khăn, trưởng lão mới có được số tỳ khưu cần thiết để cho vị Sa-di đệ tử Soṇa được thọ cụ-túc-giới. (Câu chuyện này được kể lại từ bộ Sārattha Ṭīkā.)

Sau khi đã thọ cụ-túc-giới, Soṇa Kuṭikaṇṇa (bấy giờ đã là tỳ khưu) học pháp và nhận đề mục thiền, và khi nhiệt tâm thực hành thiền Vipassanā, vị ấy chứng đắc đạo quả A-la-hán ngay trong mùa an cư kiết hạ và cũng học được phần kinh tập Sutta-nipāta từ trưởng lão. Sau khi làm lễ tự tứ (pavāraṇā) vào cuối mùa an cư, vị ấy tha thiết muốn đảnh lễ Đức Phật và đã xin phép thầy tế độ là trưởng lão Mahā Kaccāyana. (Chi tiết về sự thỉnh cầu của vị ấy có thể được tìm thấy trong bản dịch của bộ Vinaya Mahāvagga).

Khi ấy vị thầy tế độ nói rằng: “ Này Soṇa, khi con đến đó, Đức Phật sẽ để con ở lại trong Hương phòng và bảo con thuyết pháp. Do đó con phải làm điều đó. Do hoan hỉ với bài pháp của con, Đức Phật sẽ ban thưởng cho con. Hãy nhận lấy phần thưởng như vậy. Hãy nhân danh ta mà đảnh lễ Đức Thế Tôn!” Khi nói vậy trưởng lão hoàn toàn cho phép vị ấy.

Sau khi được sự cho phép của vị thầy tế độ, trưởng lão Soṇa Kuṭikaṇṇa đi đến nơi ngụ của mẹ – Kāḷī, vợ của vị trưởng giả và nói cho mẹ biết ý định yết kiến Đức Phật của mình. Kāḷī là một tín nữ, nói rằng: “ Lành thay, này con trai! Khi con gặp Đức Phật, hãy mang theo tấm thảm này, quà cúng dường của mẹ, trải nó xuống nền nhà trong Hương Phòng!” Với những lời này người mẹ trao tấm thảm cho trưởng lão Soṇa.

Cầm lấy tấm thảm, trưởng lão Soṇa thu xếp đồ trải giường của vị ấy rồi lên đường và đến tại tịnh xá Jetavana, ở thành Sāvatthi. Đức Phật khi ấy đang ngồi trên pháp tòa. Trưởng lão Soṇa đứng ở một nơi thích hợp và đảnh lễ Đức Phật. Sau khi trao đổi những lời chào hỏi với trưởng lão Soṇa, Đức Phật bảo đại đức Ānanda một cách dứt khoác: “ Này con Ānandā, hãy sắp xếp chỗ ở cho vị tỳ khưu này!”

(Ở đây, nếu Đức Phật muốn ở chung với một vị khách Tăng trong cùng Hương phòng, thì Ngài sẽ đặc biệt bảo sắp xếp chỗ ngụ cho vị ấy. Nhưng đối với một vị khách Tăng mà Ngài không có lý do gì để ở chung thì Ngài sẽ không nói gì. Đối với một người như vậy, đại đức Ānanda hay một người nào khác có trách nhiệm đều phải cung cấp chỗ trú ngụ ở một nơi thích hợp khác).

Biết ý muốn của Đức Phật, trưởng lão Ānanda đã sắp xếp chỗ ngụ cho trưởng lão Soṇa Kuṭikaṇṇa ở trong Hương phòng.

Rồi Đức Phật trải qua đêm bằng cách nhập thiền trong nhiều giờ và đi vào Hương phòng. Trưởng lão Soṇa Kuṭikaṇṇa cũng trải qua đêm bằng cách nhập thiền suốt đêm và đi vào Hương phòng. Vì muốn đàm đạo với trưởng lão Soṇa qua sự chuyên chú nhập định jhāna, Đức Phật để cho thời gian trôi qua bằng cách nhập vào tất cả các tầng thiền vốn là chung cho các đệ tử, ở ngoài trời. Sau khi làm như vậy, Ngài rửa chân và đi vào chỗ ngụ. Nhận biết được ý của bậc đạo sư, trưởng lão Soṇa cũng làm theo bằng cách nhập thiền hằng giờ ở ngoài trời.

Sau khi đi vào Hương phòng do Đức Phật cho phép, vị ấy lấy y làm tấm màng che và trải qua thời gian ngồi dưới chân Đức Phật. Vào canh cuối của đêm, sau khi nằm xuống nghiêng về bên phải, thế nằm của con sư tử (sīhaseyya), với chánh niệm, Đức Phật ngồi dậy vào lúc gần sáng. Ngài ngồi và nghĩ rằng sự mỏi mệt nơi thân của Soṇa lúc này nên được làm cho vơi dịu, Đức Phật bảo vị ấy: “ Này con, hãy nhớ lại cái gì đó để tụng đọc!” Trưởng lão tụng mười sáu bài kinhh bắt đầu bằng bài kinh Kāma, tất cả bài kinh hình thành trọn phẩm được biết là Aṭṭhaka Vagga thuộc kinh tập Sutta Nipāta bằng giọng nói ngọt ngào mà không bị vấp lỗi dù một chữ.

Khi việc tụng đọc kết thúc, Đức Phật ban phúc cho vị ấy và hỏi rằng: “ Này con, tất cả mười sáu bài kinh của phẩm Aṭṭhaka Vagga con đã thuộc lòng một cách tuyệt vời, con đã khéo học nằm lòng chúng! Chúng có những âm khả ái. Chúng trong sạch, không tỳ vết, đầy đủ những chữ dẫn đến sự hiểu biết ý nghĩa thoát khỏi mọi hư hỏng. Này con, con thọ cụ-túc-giới được bao lâu rồi?” “ Chỉ một hạ, thưa Đức Thế Tôn,” Trưởng lão Soṇa Kuṭikaṇṇa trả lời.

Đức Phật lại hỏi: “ Này con, tại sao sự xuất tỳ khưu của con lại trễ như vậy?” “ Bạch Thế Tôn,” Trưởng lão Soṇa đáp lại, “ Từ lâu con đã thấy những nguy hiểm của dục lạc. Nhưng đời sống gia chủ thì quá hạn chế, đầy những phận sự và công việc phải giải quyết. Khi biết rõ vấn đề này, tức là tâm của một người đã thấy những nguy hiểm của dục lạc theo đúng bản chất của chúng, nên không thể tồn tại trong đời sống gia chủ lâu dài, giống như những giọt nước rơi khỏi ngọn lá sen, chính những tư tưởng ô nhiễm ấy cuối cùng cũng trượt khỏi tâm của con.” Bởi vậy Đức Phật có tuyên kệ như sau:

Disvā ādīnavaṃ loke, ñatvā dhammaṃ nirūpadhiṃ Ariyo na ramatī pāpe, pāpe na ra matī suci.

Do vị ấy đã thấy rõ bằng con mắt của Vipassanā về ba tướng vô thường, khổ và vô ngã ở khắp nơi trong thế giới hữu vi và cũng do qua bốn Đạo tuệ vị ấy đã thông đạt Niết bàn, là sự chấm dứt bốn cõi hữu (upadhi), bậc Thánh đã ra khỏi các phiền não, không còn vui thích trong những ác nghiệp. (Tại sao? Bởi vì đối với người, một nhân vật giống như chim Thiên nga có những nghiệp về thân, v.v… được thanh tịnh, thì không có tiền lệ nào để một người như vậy tìm thấy hạnh phúc trong tập hợp gồm những pháp bất thiện dơ bẩn giống như chỗ chứa đầy phẩn).

Rồi trưởng lão Soṇa Kuṭikaṇṇa suy nghĩ: “ Đức Thế Tôn đã thuyết cho ta một bài pháp đầy hoan hỉ. Bây giờ ta thưa lại điều mà thầy của ta đã yêu cầu.” Khi nghĩ vậy, vị ấy sửa lại y vai trái và cúi đầu dưới chân bậc Đạo sư bạch rằng:

“ Bạch Thế Tôn, thầy tế độ của con, trưởng lão Mahā Kaccāyana Mahāthera xin cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn. Thầy của con cũng gởi lời như sau:

“ Bạch Đức Thế Tôn, số vị tỳ khưu ở vùng phía nam của nước Avanti rất ít ỏi. Con có Tăng hội chỉ sau khi thỉnh được mười vị tỳ khưu từ nhiều nơi khác nhau một cách rất khó khăn khiến con phải mất ba năm. Bạch Thế Tôn, con tự hỏi không biết Thế Tôn có cho

phép làm lễ xuất gia tỳ khưu với Tăng hội ít hơn mười vị tỳ khưu trong xứ ấy không?

“ Bạch Đức Thế Tôn, trong vùng phía nam của nước Avanti, mặt đất ghồ ghề và rất lởm chởm, giống như vết chân màu đen của con bò. Con tự hỏi không biết Thế Tôn có cho phép xử dụng dép có nhiều lớp đế trong xứ ấy không. (Lúc bấy giờ dép được cho phép dùng chỉ có một lớp đế. Cho nên mới có lời thỉnh cầu như vậy).

“ Bạch Đức Thế Tôn, dân chúng trong vùng phía nam của nước Avanti ấy thích tắm. Họ xem nước như là yếu tố tẩy sạch. Con tự hỏi không biết Thế Tôn có cho phép tắm hằng ngày không? (Lúc bấy giờ, theo luật thì các vị tỳ khưu chỉ được tắm một lần trong nửa tháng. Cho nên mới có lời thỉnh cầu).

“ Bạch Đức Thế Tôn, trong xứ Avanti ấy da cừu, da dê và da nai được dùng làm đồ trải. Bạch Thế Tôn, cũng như tại Trung thổ (Majjhima-desa), người ta sử dụng những tấm chiếu bằng cỏ eragu, cỏ soragu, cỏ majjaru và cỏ jantu, cũng thế tại miền nam Avanti, người ta dùng những tấm da cừu, da dê và da nai. Con tự hỏi, liệu Thế Tôn có cho phép dùng những tấm da ấy làm đồ trải không. (Lúc bấy giờ da thú không được phép xử dụng trong xứ ấy. Cho nên mới có lời thỉnh cầu).

“ Bạch Đức Thế Tôn, ngày nay người ta giao những chiếc y cho những vị tỳ khưu ở bên ngoài Sīmā, nói rằng: “ Chiếc y này xin được dâng cúng đến vị tỳ khưu tên ấy.” Những vị tỳ khưu ở chung được giao chiếc y bèn đi đến vị tỳ khưu có liên quan và nói rằng ‘Này hiền giả, ông thiện nam tên đó đã cúng dường hiền giả một chiếc y.’ Nhưng vị tỳ khưu kia không nhận chiếc y, vì vị ấy nghĩ rằng sự nhận lãnh sẽ khiến vị ấy phải sám hối tội Ưng xã đối trị và do đó sự thọ lãnh ấy bị phạm vào giới luật. Do sự hoài nghi như vậy nên không có sự thọ lãnh như vậy. Có lẽ Đức Phật có thể cho biết cách thọ lãnh y đúng pháp. Đại đức Mahā Kaccāyna đã nhờ con thỉnh cầu Thế Tôn như vậy.”

Do những điều trưởng lão Soṇa Kuṭikaṇṇa trình bạch, Đức Phật thuyết một bài pháp thọai đến vị ấy, và nói với các tỳ khưu như sau:

“ Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ở miền nam nước Anvanti hiếm hoi. Ở những vùng biên giới như vậy, Như Lai cho phép làm lễ thọ cụ túc giới bởi nhóm năm vị tỳ khưu, vị thứ năm là Luật sư.”

Nhóm chữ “ những vùng biên giới” trong điều luật ấy nghĩa là những vùng ở ngoài xứ Trung độ, phía đông của nó là thị trấn Gajaṅgala, phía bên ngoài của thị trấn này có cây đại thọ sāla, phía bên kia của cây đại thọ sāla là những vùng biên giới.

Nó có nghĩa là vùng nằm bên ngoài xứ Trung độ và bên kia con sông Salavatī ở hướng đông nam.

Nó có nghĩa là vùng nằm bên ngoài xứ Trung độ, và nằm bên kia thị trấn Setakaṇṇika ở về hướng nam.

Nó có nghĩa là vùng nằm bên ngoài xứ Trung độ, và bên kia

ngôi làng Bà-la-môn Thūna ở hướng Tây.

Nó có nghĩa là vùng nằm bên ngoài xứ Trung độ, và bên kia

ngọn núi Usīradhaja ở hướng Bắc.

Này các tỳ khưu, trong những vùng biên giới có hoàn cảnh như vậy, Như Lai cho phép làm lễ thọ cụ túc giới bởi nhóm tỳ khưu Tăng gồm năm vị, vị thứ năm là Luật sư.

Này các tỳ khưu, ở miền nam của nước Avanti, mặt đất không bằng phẳng, ghồ ghề và đầy những vết chân đen của gia súc. Như Lai cho phép các con được mang dép có nhiều lớp đế trong tất cả những vùng biên giới ấy.

Này các tỳ khưu, ở miền nam của nước Avanti ấy, dân chúng coi trọng việc tắm; họ xem nước là yếu tố tẩy sạch. Như Lai cho phép các con được tắm hằng ngày trong tất cả những vùng biên giới ấy.

Này các tỳ khưu, ở miền nam của nước Avanti ấy, da cừu, da dê và da nai được dùng làm đồ trải. Này các tỳ khưu, cũng như trong nước Trung độ chiếu được làm bằng cỏ eragu, cỏ soragu, cỏ majjaru và cỏ jantu được người ta sử dụng, nhưng loại da thú ấy được dùng làm đồ trải trong miền nam nước Avanti ấy. Như Lai cho phép các tỳ khưu kheo được dùng các loại da cừu, da dê và da nai làm đồ trải trong tất các miền biên giới ấy.

Này các tỳ khưu, nếu người ta giao cho vị tỳ khưu bên ngoài sīmā một chiếc y, nói rằng: “ Chúng con xin dâng chiếc y này đến vị tỳ khưu tên đó.’ Này các tỳ khưu, nếu chiếc y đó không đến tay của vị tỳ khưu có liên quan, thì chiếc y đó không được công nhận là chiếc y do người thọ lãnh tương lai thừa nhận để sử dụng. Này các tỳ khưu, Như Lai cho phép các con được thọ lãnh y ấy.

Lại nữa, theo lời nhắn gởi của người mẹ, trưởng lão Soṇa Kuṭikaṇṇa đã nhân danh bà ta đảnh lễ Đức Phật và bạch rằng: “ Bạch Thế Tôn, thí chủ của Ngài, tín nữ Kāḷī đã dâng cúng tấm thảm này để dùng làm tấm chiếu trên nền trong Hương phòng của Thế Tôn.” Với những lời này vị ấy trao tấm thảm cho Đức Phật, đứng dậy khỏi chỗ ngồi làm lễ rồi trở về tịnh xá của vị ấy trên ngọn đồi Papata, gần thị trấn Kuraraghara trong nước Avanti.

Sau khi trở về với vị thầy tế độ của vị ấy, trưởng lão Soṇa Kuṭikaṇṇa đã trình lại tất cả về sứ mệnh của mình. Ngày hôm sau, vị ấy đi đến nhà của người mẹ Kāḷī và đứng ở lối vào để khất thực. Khi nghe tin con trai đang đứng ở cửa, bà vội vã đi ra, bày tỏ sự tôn kính, nhận lấy cái bát từ tay của trưởng lão, sửa soạn chỗ ngồi và dâng cúng vật thực.

Sau đó cuộc đàm thọai giữa trưởng lão và người mẹ diễn ra như sau:

Người mẹ: Này con trai, con đã nhìn thấy Đức Thế Tôn chưa? Trưởng lão: Vâng, thưa thí chủ.

Người mẹ: Con có nhân danh ta mà đảnh lễ Thế Tôn không? Trưởng lão: Thưa có. Tấm thảm của thí chủ cúng dường đến Đức

Thế Tôn, ta đã trải nó trong Hương phòng làm tấm chiếu theo yêu cầu của thí chủ rồi.

Người mẹ: Chuyến viếng thăm Đức Thế Tôn của con như thế nào? Có thật là con đã nói những điều về Pháp không? Có thật chăng Đức Thế Tôn cũng ban phúc cho con?

Trưởng lão: Làm thế nào thí chủ biết những điều này?

Người mẹ: Này con, vị hộ thần trong nhà này đã nói cho mẹ biết rằng ngày mà Đức Thế Tôn ban phúc cho con thì chư

thiên và Phạm thiên trong mười ngàn thế giới cũng đã làm như vậy. Này con, ta muốn con kể lại cho ta nghe về Pháp – giống như những lời mà con đã nói ra trước mặt Đức Thế Tôn.

Trưởng lão chấp nhận lời yêu cầu của người mẹ bằng cách làm thinh. Khi biết trưởng lão đã nhận lời, người mẹ cho dựng lên một giả ốc ở trước cổng nhà và thỉnh trưởng lão tụng lại một cách chính xác như vị ấy đã tụng trước Đức Phật; do đó người mẹ đã tổ chức một đại Pháp hội.

(d) Sự hoạch đắc danh hiệu Etadagga

Sau đó, khi ngồi giữa chúng đệ tử Thánh Tăng, Đức Phật đã nói lời tán dương trưởng lão Soṇa Kuṭikaṇṇa như sau:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ kalyāṇa-vakkaranam yadidaṃ Soṇo Kuṭikaṇṇo

Này các tỳ khưu, trong số các đệ tử của Như Lai mà nói pháp bằng giọng nói ngọt ngào khả ái, thì Soṇa Kuṭikaṇṇa là

Đệ nhất.

Như vậy, Đức Phật đã đặt tên cho trưởng lão là vị Tối thắng về

kalyāna-vakkaraṇa – thuyết pháp bằng giọng nói ngọt ngào và khả ái.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 10

Post Views: 776