ANGULIMALA –
MỘT CÂU CHUYỆN VỀ SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ

Thích Nguyên Tạng dịch

blankThuở xa xưa có một chàng trai con của một vị Bà la môn (giai cấp “tu sĩ” cao nhất ở Ấn Độ) sống dưới triều đại vua Pasenadi, thuộc vương quốc Kosala. Tên của chàng là Ahimsaka (người thất bại). Chàng được gởi đến thành phố Taxila để học hành. Ahimsaka rất thông minh và biết vâng lời thầy, nên chàng được cả thầy lẫn bà vợ thầy yêu mến. Điều này đã khiến cho các học viên các ganh tị với chàng. Vì thế họ tìm đến thầy giáo và vu cáo Ahimsaka có mối quan hệ bất chính trái đạo lý với bà vợ thầy. Thoạt tiên, không thầy không tin họ; nhưng sau khi nghe điều đó nhiều lần, ông nghĩ rằng đó là sự thật và thề sẽ trả thù Ahimsaka. Ông thầy nghĩ rằng việc giết học trò sẽ gây tai tiếng ảnh hưởng xấu cho ông. Cơn giận dữ thúc giục ông đề nghị một việc không thể tưởng tượng nổ đối với chàng thanh niên Ahimsaka trẻ tuổi và ngây thơ kia. Ông ta bảo cậu học trò phải giết một ngàn người và mang về ngón tay cái từng người để trả học phí về việc dạy chàng. Cố nhiên chàng thanh niên không muốn nghĩ đến một việc kinh khủng như vậy. Vì thế chàng đã bị tống cổ ra khỏi nhà thầy và trở về với gia đình cha mẹ.

Khi cha chàng biết được tại sao Ahimsaka đã bị đuổi, ông ta vô cùng tức giận đứa con mình và không chịu nghe lời giải thích lý do. Cũng chính trong ngày ấy, đang lúc trời đổ mưa xuống như trút nước, người cha ra lệnh Ahimsaka phải ra khỏi nhà. Ahimsaka phải ra khỏi nhà. Ahimsaka chạy đến mẹ chàng và xin lời khuyên. Nhưng bà không thể chống lại quyết định của chồng. Sau đó Ahimsaka tìm đến nhà vị hôn thê của chàng (theo cổ tục hứa hôn từ lâu trước khi đi đến hôn nhân thực sự ở Ấn Độ). Nhưng khi gia đình này biết lý do Ahimsaka bị đuổi ra khỏi trường, họ cũng xua đuổi chàng. Nỗi ô nhục, giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng của Ahimsaka đã làm cho chàng điên tiết lên. Trong nỗi đau đớn cùng cực đó, đầu óc của chàng chỉ nhớ lại mệnh lệnh khắc nghiệt của thầy: góp nhặt một ngàn ngón tay người. Và vì thế mà chàng bắt đầu lao vào cuộc chém giết hại như vậy, những ngón tay góp nhặt được chàng treo chúng lên cành cây. Nhưng chúng bị bầy quạ và diếu hâu phá hoại, sau đó chàng đã mang một vòng ngón tay để theo dõi số lượng.

Cũng vì điều này mà y dần dần được biết qua cái tên Angulimala (người đeo vòng ngón tay) và trở thành nổi hãi hùng cho vùng nông thôn này. Chính đức vua đã nghe được việc giết hại của Angulimala và ra lệnh bắt y. Khi bà Mantani, mẹ của Ahimsaka, biết được ý định của vua, bà đi vào trong rừng với những nỗ lực tuyệt vọng để cứu con của bà. Lúc ấy, vòng đeo cổ của Angulimala có một ngón là đủ một ngàn.

Đức phật biết được nỗ lực ngăn cản của người mẹ đối với con bà và nghĩ rằng nếu Ngài không can thiệp vào thì Angulimala, đang tìm người cuối cùng để làm cho đủ số một ngàn, sẽ gặp mẹ mình và y có thể giết bà. Trong trường hợp đó, y sẽ chịu đau khổ còn lâu dài hơn nữa vì nghiệp ác của mình. Do lòng bi mẫn, Đức Phật đi đến khu rừng kia.

Sau nhiều ngày đêm mất ngủ, Angulimala rất mệt và gần như kiệt sức, y rất nôn nóng tìm cách giết người cuối cùng để đủ số lượng một ngàn và hoàn tất phận sự của mình, y quyết giết người đầu tiên mà mình gặp. Khi nhìn xuống từ nơi ẩn mình trong núi, y thấy một người đàn bà trên con đường phía dưới. Y muốn làm trọn lời thề của mình để có đủ một ngàn ngón tay, nhưng khi đến gần, y nhìn thấy người đó chíng là mẹ mình. Lúc ấy, Đức Phật cũng đang đi tới, và Angulimala liền định thần quyết giết chết người du sĩ kia để thay cho mẹ mình. Y liền vung dao bắt đầu đi theo Đức thế Tôn. Nhưng Đức Phật vẫn di chuyển trước mặt y. Angulimala không thể đuổi kịp được Ngài. Cuối cùng, y quát lên: “Này, khất sĩ kia, hãy đứng lại ! Đứng lại !”, và đấng Giác Ngộ trả lời: “Ta đã đứng lại từ lâu, chính ngươi mới là người chưa dừng lại thôi !” Angulimala không thể hiểu được ý nghĩa của những lời này. Vì thế y lại hỏi: “Này khất sĩ, tại sao ông nói rằng ông đã dừng lại còn tôi vẫn chưa dừng ?”

Đức Phật đáp: “Ta nói rằng ta đã dừng lại vì ta từ bỏ việc giết hại chúng sanh. Ta đã từ bỏ thói bạo hành, tàn sát mọi loài và ta đã an trú vào lòng từ đối với muôn loài, lòng kham nhẫn và trí tuệ do tư duy quán sát. Song ngươi vẫn chưa từ bỏ việc giết hại va đối xử tàn bạo với người khác cũng như chưa an trú vào lòng từ bi và kham nhẫn đối với mọi loài hữu tình. Do đó, người vẫn là người chưa dừng lại”.

Nghe qua những lời này, Angulimala như được nhắc nhở thực tại và suy nghĩ, đây là những lời của một bậc hiền nhân. Vị khất sĩ này hiền thiện và rất mực dũng cảm như thế chắc hẳn vị này là một nhà lãnh đạo các khất sĩ . Quả thực, chính Ngài hẳn là đấng Giác Ngộ rồi đây. Hẳn ngài đến đây chỉ vì mục đích làm cho mình thấy được ánh sáng. Suy nghĩ như vậy, y ném vũ khí và thỉnh cầu Đức Thế tôn tiếp nhận y vào giáo đoàn khất sĩ, Đức Phật đã chấp thuận việc ấy.

Khi đức vua và quân lính đến bắt Angulimala, họ thấy người ấy đang ở trong Tịnh xá của Đức Phật. Biết rằng Angulimala đã từ bỏ ác đạo của mình và trở thành một vị tỳ kheo, vua và quần thần đều đồng ý để yên vị này. Suốt thời gian Angulimala nhiệt tâm thực hành thiền định.

Tôn giả Angulimala vẫn không được an tâm vì ngay cả trong lúc thiền định tĩnh lặng, Tôn giả thường nhớ lại quá khứ cùng với những tiếng gào thét thê thảm của những nạn nhân bất hạnh. Do một quả báo vì ác nghiệp kia, trong lúc đi khất thực trên đường phố, Tôn giả đã trở thành mục tiêu của đủ thứ gậy, đá ném vào và thường trở về Tịnh xá vỡ đầu chảy máu, đầy vết thương bầm tím, rồi lại được Đức Phật nhắc nhở: “Này pháp tử Angulimala, con đã từ bỏ việc ác, hãy kham nhẫn lên. Đây là hậu quả của ác nghiệp mà con đã gây tạo ở đời này. Đáng lẽ ra ác nghiệp sẽ còn làm con khổ đau qua vô lượng kiếp nếu trước đây ta đã không gặp con”.

Mọt buổi sáng, trong lúc đang trên đường đi khất thực ở thành Savatthi, Tôn giả Angulimala nghe tiếng ai đang kêu khóc đau đớn. Khi Tôn giả biết đó là một thai phụ đang đau vì chuyển dạ và gặp khó khăn lúc sanh con. Tôn giả suy nghĩ tất cả chúng sanh trên thế gian này đều phải chịu đau khổ. Động lòng từ, Tôn giả kể lại với Đức Phật nỗi khổ đau của người phụ nữ đáng thương kia. Ngài đã khuyên Tôn giả nói lên những lời thề chân thật, lời đó về sau này có tên là Anggulimala Paritta (thần chú hộ mệnh Angulimala). Đi đến trước mặt người sản phụ đang chịu đau đớn kia, Tôn giả ngồi xuống cách bà ấy một tấm màn che và phát nguyện những lời sau: ” Này chị, từ ngày tôi đắc quả A la hán, Tôi chưa từng cố ý sát hại mạng sống của sinh linh nào. Nhờ sự thật này, cầu cho chị được an lành và đứa bé sắp sanh của chị cũng được an lành”.

Ngay lập tức người sản phụ liền sanh con một cách dễ dàng. Cả mẹ lẫn con đều được khẻo mạnh. Cho đến nay nhiều người vẫn dùng đến thần chú hộ mệnh này.

Tôn giả Angulimala thích sống độc cư và biệt lập. Sau đó Tôn giả viên tịch một cách yên bình. Là một vị A la hán, Tôn giả chứng đắc Vô dư Niết bàn.

Các Tỳ kheo thỉnh ý Đức Phật về nơi tôn giả Angulimala tái sanh, và khi Đức Thế Tôn đáp pháp tử Angulimala đã chứng đắc Vô dư Niết bàn, thì chư vị không thể tin điều đó. Vì thế chư vị lại hỏi liều có thể nào một người đã giết quá chứng đắc Niết bàn Vô dư y chăng. Trước câu hỏi này, Đức Phật đáp: “Này các Tỳ kheo, Angulimala đã tạo quá nhiều ác nghiệp, vì vị ấy không có đã tìm được nhiều thiện hữu tri thức và nhờ sự giúp đỡ cũng như lời khuyên tốt mà vị ấy đã trở nên kiên định và chuyên tâm thực hành giáo pháp và thiền định. Như vậy, nghiệp ác của vị ấy đã được thiện nghiệp lấn át che phủ và tâm của vị ấy đã hoàn toàn đoạn trừ cả lậu hoặc. Đức Phật lại nói về tôn giả Angulimala:”Ai dùng các hạnh lành
Xoá mờ bao nghiệp ác
Chiếu sáng cõi đời này
Như trăng thoát khỏi mây”

Sức mạnh của lòng từ bi bao giờ cũng mạnh hơn bất cứ ác nghiệp nào. Và đó cũng là điều kiện tuyệt đối để giác ngộ.

Thích Nguyên Tạng
(dịch từ tập sách Love in Buddhism/Taiwan/1990)

II. Xem thêm

AṄGULIMĀLA – KẺ SÁT NHÂN HÀNG LOẠT.
TỪ SÁT ĐẠO ĐẾN THÁNH ĐẠO
tác giả: Hellmuth Hecker
——————————————-

Trong kinh điển đạo Phật, Aṅgulimāla là một trong những nhân vật được biết đến nhiều nhất do sự chuyển hóa kỳ diệu từ một tướng cướp hung bạo giết người hàng loạt trở thành một bậc a-la-hán đầy lòng từ bi. Các sản phụ thời ấy thường tôn kính Aṅgulimāla như một vị thánh bảo vệ với bài kệ chúc phúc có năng lực hộ trì mạnh mẽ để được “mẹ tròn con vuông.”

Đức Thế Tôn thường khuyên các đệ tử không nên xét người qua hình tướng hay hành vi bên ngoài. Chỉ có trí tuệ của một vị Phật mới thấu rõ được căn cơ ẩn tàng của mỗi chúng sanh với sự chính xác hoàn hảo. Như trường hợp Aṅgulimāla, Đức Thế Tôn đã thấy được tiềm năng giải thoát ngay trong trong kiếp này, không chỉ giải thoát khỏi tái sanh vào các cõi thấp mà còn khỏi tất cả đau khổ trong vòng luân hồi vô tận.

Chúng ta cũng gặp nhiều trường hợp tương tự trong đạo Công Giáo, như “tên trộm trên thánh giá” ở Golgotha, người mà chính Đức Chúa Giê Su hứa là sẽ được lên Thiên đàng cùng một ngày với Chúa; hay như tên cầm đầu một đảng cướp đã được Thánh Francis ở Assisi hoán cải thành một tu sĩ. Những ai sống thiên về đức tin tôn giáo thường động tâm trước những trường hợp chuyển hóa như vậy. Nhưng những ai nghi ngờ thì đặt câu hỏi làm sao có được sự cải tà quy chánh phi thường như vậy. Cuộc đời của Aṅgulimāla có thể là câu trả lời cho thắc mắc này.

Vào thời Đức Phật có một vị bà-la-môn, tên Bhaggavā Gagga, rất thông thái và giữ chức quốc sư trong triều vua Pasenadi xứ Kosala. Vào một đêm bà vợ ông, thuộc dòng họ Mantāni, hạ sanh một đứa con trai. Ông bấm số tử vi và thấy đứa bé sanh ra dưới “ngôi sao tướng cướp”, có nghĩa là có khuynh hướng bẩm sanh sống một cuộc đời bạo ác, tội lỗi. Thật là bất ngờ và kinh hoàng cho người cha trước viễn ảnh xấu xa đáng sợ ấy.
Sáng hôm sau, như mọi ngày, vị quốc sư bà-la-môn vào hoàng cung và hỏi thăm đức vua đêm qua có được an giấc không.

“Làm sao trẫm có thể ngủ yên được?” Vua trả lời. “Trẫm thức giấc giữa đêm và thấy các vũ khí để ở chân giường bỗng sáng rực bất thường, thế nên trẫm rất sợ hãi và không ngủ lại được. Có phải đó là điềm báo nguy cho vương quốc Kosala hay cho trẫm?”

“Tâu đại vương, xin đừng lo sợ!” Quốc sư trả lời. “Điềm lạ này đã xảy ra khắp kinh thành Kosala, và không liên quan đến đại vương. Đêm qua vợ hạ thần sanh một bé trai, nhưng bất hạnh thay vì theo chiêm tinh, số nó nằm trong cung tướng cướp. Có lẽ vì vậy mà các vũ khí bỗng rực sáng.”

“Khanh có biết đứa bé sẽ là một tướng cướp đơn độc hay là một chúa đảng cướp?”

“Nó sẽ là một tên cướp đơn độc. Hay là ta giết đứa bé ngay để đề phòng hậu hoạn?”

“Theo như lời quốc sư thì nó sẽ hành động riêng lẻ một mình. Vậy hãy cố gắng nuôi dạy nó thật kỹ càng và đúng cách, biết đâu sẽ thay đổi được bản tính độc ác bẩm sanh.”

Từ ý định này, cha mẹ đặt tên cho con trai là Ahiṁsaka, nghĩa là Vô Hại, với niềm hy vọng tên ấy sẽ gieo vào tâm khảm đứa bé một lý tưởng thiện lành để phấn đấu theo.

Lớn lên, Ahiṁsaka trở thành một thanh niên tuấn tú và thể lực cường tráng vô song, nhưng cũng hiền lành, đức độ, thông minh, và chăm chỉ học hành. Cha mẹ cậu rất vui mừng, tin rằng nhờ sự giáo dục và nuôi dưỡng trong không khí đạo giáo của gia đình mà mầm mống xấu ác trong tâm tính Ahiṁsaka được kiềm chế.

Đến tuổi trưởng thành, Ahiṁsaka vào học trường Takkasilā rất nổi tiếng ở Ấn Độ thời bấy giờ, và được vị thầy lỗi lạc nhất nhận làm môn đồ. Ahiṁsaka tiếp tục học hành chăm chỉ và đạt thành quả ưu tú trên tất cả bạn đồng học. Chàng trai trung thành và khiêm tốn này ngày càng được thầy yêu mến và ưu đãi, thường được gia đình thầy tặng thức ăn.
Những điều ấy khiến bạn bè đồng môn bất mãn và ganh ghét, cảm thấy từ lúc có Ahiṁsaka đến học thì thầy như chẳng còn quan tâm gì đến họ nữa. Họ muốn chấm dứt việc này nên bàn kế hoạch ly gián hai thầy trò bằng cách chia thành ba nhóm người, thay phiên nhau đến mách chuyện lên thầy.

Nhóm môn sinh đầu tiên đến thưa là họ nghe có lời đồn đãi trong nhà thầy rằng Ahiṁsaka đang lập mưu chống lại thầy. Mới nghe qua người thầy nổi giận la ngay:
“Cút ngay, quân khốn kiếp! Đừng tính chuyện chia rẽ thầy trò ta.”

Sau một thời gian, nhóm môn sinh thứ hai cũng đến kể chuyện đó. Rồi cuối cùng là nhóm thứ ba đến mách và thêm rằng:
“Nếu thầy không tin, xin thầy hãy tự điều tra việc này.”

Cuối cùng đám môn đồ đã gieo được hạt giống hoài nghi độc hại vào tâm vị thầy, mọc rễ đâm chồi, khiến ông tin rằng Ahiṁsaka – vô cùng dũng mãnh thể lực và quật cường tâm ý – thật sự muốn đẩy ông ra. Một khi đã nghi ngờ, người ta luôn luôn có thể tìm được vài hành vi khả nghi để khẳng định. Thế là nghi kỵ trở thành kết án. Ông tự nhủ: “Ta phải giết hắn hoặc làm cho hắn bị giết.” Nhưng rồi ông cân nhắc: “Không dễ gì giết hại một thanh niên có sức mạnh vô địch như hắn. Hơn nữa, nếu hắn bị giết chết khi đang là học trò ở trong nhà mình, thì còn gì là danh tiếng của ta, và học trò có thể không dám đến với ta nữa. Ta phải nghĩ cách nào khác để trừng trị và diệt trừ hắn mà không bị liên lụy.”

Cùng thời gian ấy, Ahiṁsaka sắp mãn khóa học và chuẩn bị về lại nhà. Vị thầy bảo:
“Này Ahiṁsaka yêu quý của ta, một môn sinh, khi thành tựu việc học tập, có bổn phận dâng lên thầy một món quà để tỏ lòng tôn kính tri ân. Vậy hãy thi hành bổn phận.”

“Thưa thầy,” Ahiṁsaka lễ phép thưa, “tất nhiên là vậy. Con nên dâng thầy tặng phẩm gì?”
“Con phải đem về cho ta một ngàn ngón út bên tay phải của một ngàn người. Đó chính là nghi thức mãn khóa để tỏ lòng tôn kính đến pháp môn con đã học.”

Có lẽ vị thầy tin rằng Ahiṁsaka, khi cố gắng thực hiện việc làm này, sẽ bị giết chết, hoặc bị bắt và xử tử. Cũng có thể ông đã kín đáo xem số mạng của Ahiṁsaka, thấy được tiềm năng hiếu sát của đứa học trò, nên giờ đây tìm cách kích động bản năng này.

Nghe mệnh lệnh tàn ác đó, Ahiṁsaka kinh hãi thốt lên:
“Ôi, tôn sư! Sao con có thể làm được việc đó? Gia đình con không bao giờ dùng bạo lực. Chúng con là người hiền lành, vô hại.”
“Thế thôi, nếu không thực hiện được nghi thức tôn kính
thích đáng này cho pháp môn, thì bao nhiêu điều con đã học hỏi sẽ hoàn toàn vô hiệu.”

Cuối cùng vị thầy thuyết phục được Ahiṁsaka. Các nguồn tài liệu về câu chuyện này không cho biết nhân duyên cuối cùng nào đã khiến Ahiṁsaka chịu chấp thuận đòi hỏi cực kỳ tàn ác đó. Có thể do ảnh hưởng nền giáo dục nghiêm khắc của những năm đầu đời, người đệ tử phải phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh của thầy. Nhưng yếu tố mạnh mẽ hơn cả có lẽ là khuynh hướng hiếu sát bẩm sanh. Tương truyền rằng trong một kiếp quá khứ, Ahiṁsaka là một quỷ dạ xoa dũng mãnh (yakkha), do muốn ăn thịt người nên dùng thần thông sát hại họ để thỏa mãn thèm khát. Đó là nghiệp lực đen tối xấu ác từ quá khứ, do vị thầy khơi dậy đúng lúc, đã đột nhập vào kiếp hiện tại và nhận chìm những phẩm chất tốt đẹp vun bồi từ thời thơ ấu.

Rồi do nghiệp lực sai khiến và hoảng sợ đâm ra lầm mê, Ahiṁsaka không nghĩ đến được một giải pháp khác. Vì vậy, thay vì góp nhặt các ngón tay từ những tử thi vứt ngoài nghĩa địa, Ahiṁsaka lại tự trang bị vũ khí, trong đó có một thanh gươm lớn, rồi đi vào rừng rậm Jālini ở quê nhà mình, thuộc xứ Kosala. Nơi đây Ahiṁsaka sống ẩn núp trên vách đá cao, nơi có thể nhìn bao quát khắp con đường phía dưới. Khi thấy bóng ai đi ngang qua, hắn chạy bay xuống giết chết, và chặt lấy ngón tay út. Sau đó, hắn treo các ngón tay trên cành cây cho chim chóc rỉa hết thịt, rồi gom các lóng xương và kết lại thành xâu chuỗi đeo quanh cổ như một tràng hoa. Từ đó, người ta gọi Ahiṁsaka là Aṅgulimāla, nghĩa là “Vòng kết bằng những ngón tay.”

TRỞ THÀNH SA MÔN

Aṅgulimāla cứ thế tiếp tục cuộc tàn sát. Dân chúng tránh xa khu rừng này, và chẳng bao lâu không còn ai dám lai vãng, kể cả những người nhặt củi. Do đó hắn phải tiến vào gần thôn xóm, từ chỗ ẩn núp xông ra tấn công người qua lại, đôi khi về đêm còn vào tận nhà dân làng, giết người vô tội chỉ để chặt lấy ngón tay. Hết thôn này sang xóm khác, không ai có thể chống cự lại sức mạnh hung hãn của hắn nên rốt cuộc họ đành bỏ nhà cửa, rời làng quê. Họ dựng lều ở tạm quanh kinh thành, và vào hoàng cung than khóc, trình tâu lên đức vua về mối thảm họa của họ. Lúc bấy giờ Vua Pasedani biết đã đến lúc phải ban hành một biện pháp mạnh mẽ, và ngài truyền cấp tốc tập trung một đạo quân thiện chiến sẵn sàng nhận lệnh.

Hình như không ai biết được tên thật cũng như giòng tộc của Aṅgulimāla. Nhưng người mẹ thì linh cảm rằng đó không ai khác hơn là con trai của mình, Ahiṁsaka, đi học ở Takkasilā chưa bao giờ về lại nhà. Vì vậy, khi nghe lệnh vua công bố khắp nơi, bà tin chắc rằng con mình đã sa vào ác đạo như tướng số đã tiên đoán. Bà đến hỏi ý chồng, quốc sư Bhaggavā:
“Tên cướp hung bạo ấy chính là con của chúng ta, Ahiṁsaka. Nó đang bị quân lính lùng bắt. Ông ơi, xin ông đi tìm con! Khuyên nó hãy cải hóa và mang nó về với gia đình. Nếu không đức vua sẽ xử tử nó.”

Nhưng vị bà-la-môn trả lời cứng rắn:
“Gia đình ta không cần có một đứa con như vậy. Hãy để đức vua xét xử tùy ý.”

Tuy nhiên trái tim người mẹ lúc nào cũng mềm mại, bao la. Thương con nên bà một mình đi đến khu rừng Aṅgulimāla đang ẩn náu. Bà muốn cứu con khỏi chết bằng cách cảnh tỉnh và nài nỉ con cải tà qui chánh, về với mẹ cha.

Lúc này Aṅgulimāla đã gom được 999 ngón tay, chỉ còn một ngón nữa là đủ số dâng đến cho vị thầy. Để làm cho xong việc, Aṅgulimāla sẵn sàng đoạt mạng bất cứ ai, kể cả mẹ mình, lúc đó đang trên đường đến gần. Tội giết mẹ là một trong ngũ nghịch trọng tội, sẽ trổ quả ngay khi chấm dứt kiếp hiện tiền và tái sanh vào tầng địa ngục thấp nhứt. Vì không hiểu biết mà Aṅgulimāla đang đứng mấp mé bên bờ địa ngục.

Năm ấy là năm thứ hai mươi trên đường thuyết pháp và giáo hóa chúng sanh của Đức Phật. Trong lúc đang trải lòng bi mẫn quán sát khắp thế gian, Đức Tôn Sư nhận ra được Aṅgulimāla. Với túc mạng minh, khả năng nhớ lại vô lượng kiếp quá khứ của mình, Aṅgulimāla không xa lạ. Trong nhiều đời kiếp, họ đã từng gặp nhau, và Đức Bồ Tát thường chinh phục dũng lực thân của Aṅgulimāla bằng dũng lực tâm của mình. Giờ đây, khi nhân duyên đưa hai vị gặp lại nhau và Đức Thế Tôn thấy được hiểm họa của cực ác nghiệp mà Aṅgulimāla sắp rơi vào, Ngài không ngần ngại bộ hành ba mươi dặm để cứu độ Aṅgulimāla.

Câu chuyện được ghi lại trong Aṅgulimāla Sutta (MN 86) rằng những người chăn bò, chăn dê thấy Đức Phật tiến vào con đường này thì can ngăn bằng cách kể lại những cảnh hãi hùng do tên sát nhân hung bạo gây ra, lấy đi hết bao nhiêu mạng sống. Mặc họ nói nhiều lần, Đức Thế Tôn vẫn im lặng tiếp tục đi.

Từ chỗ quan sát, đầu tiên Aṅgulimāla thấy mẹ mình từ xa đi lại. Mặc dù nhận ra được mẹ, nhưng do tâm tư đang lún sâu trong kích động tàn ác của bạo lực, ông vẫn muốn giết chết đấng sanh thành để thâu đủ một ngàn ngón tay. Ngay lúc đó, Đức Phật xuất hiện trên đường, giữa ông và mẹ ông. Thấy Đức Phật, ông liền đổi ý định, là giết vị sa môn thay vì giết mẹ.

Nghĩ vậy Aṅgulimāla vớ lấy gươm, khiên, cung và ống tên, rồi đuổi theo Đức Phật. Bấy giờ Đức Thế Tôn thi triển thần thông khiến Aṅgulimāla, dù cố chạy thật nhanh, không thể nào đuổi theo kịp Ngài, đang thong thả bước từng bước một.

Tên cướp nhủ thầm: “Thật lạ thường! Thật kỳ diệu! Ta đã từng đuổi kịp và giữ được một thớt voi đang chạy nhanh, nắm bờm một tuấn mã đang phi nước rút, hay bắt được một con nai đang phóng như tên bắn. Vậy mà bây giờ, dù đã sải bước hết tốc lực, ta vẫn không đuổi kịp được sa môn đang từng bước chậm rãi này.”

Aṅgulimāla dừng lại và gọi Đức Thế Tôn:
“Hãy dừng lại, sa môn! Hãy dừng lại, sa môn!”
“Này Aṅgulimāla, Như Lai đã dừng lại rồi! Còn ngươi, hãy cũng dừng lại.”

Tên cướp nghĩ: “Các đạo sĩ tu theo dòng Thích Ca nói sự
thật, khẳng định sự thật. Thế nhưng sa môn này đang đi mà lại nói đã dừng bước và bảo ta hãy cũng dừng bước. Ta hãy hỏi sa môn lẽ vì sao.”

Rồi Aṅgulimāla nói với Đức Thế Tôn kệ sau:

Sa môn, đang đi sao nói đã dừng;
Còn ta, đã dừng lại nói là chưa.
Sa môn, ta hỏi ý nghĩa là gì:
Sao người đã dừng, còn ta thì chưa?

Và Đức Thế Tôn đáp:

Aṅgulimāla, Như Lai đã dừng rồi,
Không làm tổn thương một chúng sanh nào;
Còn ngươi không kiềm chế trước sanh mạng:
Bởi thế ta đã dừng, còn ngươi chưa.

Nghe được những lời trên, tâm can Aṅgulimāla cực kỳ chấn động. Dòng tâm linh thánh thiện cao quý từ lâu bị dồn nén bỗng đột nhiên bùng dậy, phá vỡ cái tàn ác tội lỗi bao năm nay ngăn chặn bản chất hiền hòa trong sáng của mình. Ông nhận ra rằng vị sa môn đứng trước mặt không ai khác hơn là đấng Giác Ngộ, và trực giác rằng Ngài đã tự thân đến đây chỉ để kịp cứu độ mình, kéo mình ra khỏi bờ vực tội lỗi sâu thẳm suýt chút nữa phải sa vào. Xúc động tận đáy lòng, Aṅgulimāla quăng bỏ tất cả khí giới, quỳ dưới chân Bổn Sư, xin được theo Ngài sống cuộc đời hoàn toàn đổi mới, đoạn trừ các ác pháp, tại nơi đây và ngay bây giờ.

Đức Bổn Sư từ bi vô lượng, bậc Thiên Nhân Sư, lúc ấy thốt lên: “Hãy đến đây, tỳ khưu!” Và như thế Aṅgulimāla trở thành tỳ khưu.

Mặc dù trong kinh điển truyền thống không thấy ghi Aṅgulimāla đã nhận được ấn chứng nào trong đột biến tâm linh này, nhưng có thể suy đoán rằng chính sự hiện diện của Bổn Sư đã khiến cho Aṅgulimāla thấy được, trong chớp mắt, những oan trái khốn khổ vô tận ông đã vướng mắc trong đời, và bao nhiêu khổ đau trầm trọng hơn đang chờ đợi ông, khi ác nghiệp trổ quả. Có lẽ Aṅgulimāla đã nhận thức được rằng sự vô minh mù quáng của mình đã gây bao nguy hại cho chính mình, và ông thấy rõ cách duy nhất để thoát khỏi hậu quả đen tối đó là nhổ tận mọi gốc rễ đưa đến chuỗi tái sanh và khổ đau.

Và như thế, Aṅgulimāla từ bỏ vòng tục lụy, xin Đức Thế Tôn được gia nhập Tăng chúng, nương tựa Đức Tôn Sư, bậc Toàn Giác, và theo bước Thầy sống đời sa môn phạm hạnh trong sạch.

Không bao lâu sau, Đức Phật cùng một số chư tăng và Aṅgulimāla, nay là thị giả của Ngài, du hành qua nhiều chặng đường để đến thành Sāvatthi, thuộc vùng quê hương của Aṅgulimāla. Ở đây, Đức Thế Tôn trú tại tịnh xá Jetavana.
Dân chúng chưa hay biết gì về việc tên cướp đã xuất gia nên than phiền rằng quốc vương do dự quá lâu để xuất đại quân truy tầm và bắt hắn. Nghe vậy, Vua Pasenadi đích thân dẫn một đạo binh hùng hậu tiến về rừng Jālani, nơi Aṅgulimāla hằng gieo rắc kinh hoàng. Trên đường đi, Đức Vua ghé ngang tịnh xá Jetavana viếng thăm Đức Thế Tôn vừa du hành đến.

Nhìn thấy đoàn hùng quân, Đức Phật hỏi Vua Pasenadi phải chăng có quốc sự khiến đức vua phải thân chinh cầm quân dẹp giặc. Vua trình rằng không có chiến tranh với lân bang, nhưng ngài đang truy lùng một tên sát nhân khét tiếng bạo tàn tên Aṅgulimāla. Vua nói thêm:
“Nhưng chắc trẫm không thể diệt trừ hắn được.”

Rồi Đức Thế Tôn hỏi:
“Bệ hạ sẽ đối xử ra sao với Aṅgulimāla nếu thấy người ấy
cạo râu tóc, đắp y tỳ khưu, xuất gia sống đời không nhà, không còn giết hại chúng sanh, không lấy của không cho, không nói lời dối trá, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, sống đời phạm hạnh, và hành trì thiện pháp?”

“Bạch Đức Tôn Sư, nếu thấy vậy thì trẫm sẽ đảnh lễ, hay
đứng dậy thỉnh sư ấy ngồi, hay dâng cúng tứ vật dụng, và bảo vệ, hộ trì theo đúng pháp luật. Nhưng, bạch Thế Tôn, làm sao một người vô hạnh, tội lỗi và chuyên hành ác pháp như thế lại có thể biết chế ngự, trì giới và sống đời sa môn phạm hạnh?”

Lúc bấy giờ Đức Phật duỗi cánh tay phải và nói:
“Thưa đại vương, đây chính là Aṅgulimāla.”
Nhà vua lúc đó kinh sợ tột cùng, lông tóc dựng ngược, mất
bình tĩnh hoàn toàn khi nghe đến tên Aṅgulimāla. Đức Thế Tôn dịu dàng trấn an đức vua:
“Đừng sợ hãi, thưa đại vương. Không có gì cho đại vương phải sợ hãi đâu.”

Sau khi lấy lại được bình tĩnh, Vua Pasenadi bước đến gần Đại đức Aṅgulimāla và hỏi han về gia thế để xưng hô, vì nghĩ rằng thật không phải lẽ nếu gọi vị sa môn ấy bằng cái tên gắn liền với vô số hành vi bạo ác trong quá khứ. Khi nghe vị sa môn cho biết tên dòng họ thân phụ là Gagga và dòng họ thân mẫu là Mantāni, đức vua vô cùng sửng sốt vì đây chính là con trai của vị quốc sư đương triều. Đồng thời vua cũng nhớ rõ những điềm lạ trong đêm Aṅgulimāla ra đời. Vua Pasenadi vô cùng xúc động và ngưỡng phục Đức Thế Tôn đã cảm hóa được một tướng cướp hung tàn trở thành vị tỳ khưu hiền hòa trong Tăng chúng của Ngài.

Đức vua bèn xin được cúng dường tứ vật dụng đến ngài “Gagga Mantāniputta cao quý.” Nhưng Aṅgulimāla đã xin hành trì hạnh đầu đà (dhutaṅga) – ẩn cư trong rừng núi, sống bằng thức ăn khất thực, mặc y vá từ những mảnh vải vụn người vứt bỏ, và chỉ giữ một bộ tam y – nên từ chối:
“Tôi đã có rồi, thưa đại vương, tam y đã đầy đủ.”
Vua Pasenadi hướng về Đức Thế Tôn, tán thán:
“Mầu nhiệm thay, bạch Đức Thế Tôn! Kỳ diệu thay Đức Tôn Sư đã nhiếp phục được người không thể nhiếp phục, làm an tịnh được người không thể an tịnh, làm tịch tĩnh đến người không thể tịch tĩnh. Không cần hình phạt hay vũ khí, Thế Tôn đã nhiếp phục được một người mà chúng con không thể nhiếp phục bằng hình phạt và vũ khí.”

Nhưng khi Aṅgulimāla đi trì bình khất thực ở ngoại thành Sāvatthi, vừa thấy bóng ngài là dân làng kinh hoảng bỏ chạy về nhà và đóng hết cửa. Đến khi vào thành, mọi người cũng phát hiện ra ngài và sợ hãi chạy trốn. Vì thế Aṅgulimāla không nhận được một muỗng cơm hay vá cháo sớt bát nào.
Tạng Luật (Vin. l:74) ghi rằng vài người dân, khi thấy Aṅgulimāla mang y bát đi khất thực, bất mãn và tức giận, nói rằng:“Tại sao các vị tu hành cao quý bộ tộc Sākya lại cho một tội phạm nổi tiếng tàn ác được gia nhập đoàn thể?” Khi nghe các đệ tử tỳ khưu thuật lại phản ứng của dân chúng, Đức Phật liền ban hành giới luật như sau: “Một tội phạm mang tiếng xấu sẽ không được Tăng chúng cho thọ giới xuất gia. Ai cho một tội phạm như vậy thọ giới thì vị ấy phạm một hành vi sái quấy (dukkaṭa).” Việc cho tội phạm sát nhân xuất gia có thể gây khó khăn cho Tăng già nếu người ấy không biết hối cải, chưa kể đến việc lợi dụng đời sống tu hành thành một nơi ẩn náu trốn tội tù hay hình phạt.

Đức Thế Tôn hiểu được chỉ có trí tuệ một vị Phật mới thấy rõ được tiềm năng thiện lành của một tội phạm, sau Đức Phật không ai có đủ khả năng hay thẩm quyền để thực thi những gì họ hiểu trong khả năng của họ.
Một số người có đức tin trong sạch và bất thối vào Đức Thế Tôn đã thay đổi thái độ và cung kính cúng dường thức ăn mỗi khi Aṅgulimāla đứng trước nhà họ. Nhưng phần đông dân chúng vẫn còn thù nghịch. Mặc dù Aṅgulimāla cũng nhận ra được rằng việc xin được thức ăn khi khất thực ở quê nhà là vô vọng, nhưng ngài vẫn tiếp tục hành trì hạnh đầu đà này như một nhiệm vụ.

SANH VÀO DÒNG THÁNH

Một ngày nọ trên đường đi trì bình ở Sāvatthi, Aṅgulimāla gặp một sản phụ bị sanh khó, rên siết thảm thiết, tình trạng thật nguy kịch mà đứa bé vẫn không ra. Động lòng trắc ẩn trước cảnh khổ ấy, Aṅgulimāla thầm nghĩ “Chúng sanh đau khổ biết bao! Chúng sanh quả thật vô cùng đau khổ!”

Trở về tịnh xá, Đại đức thuật lại cho Bổn Sư và được Ngài dạy:

“Này Aṅgulimāla, hãy trở lại nói với sản phụ rằng: ‘Này hiền tỉ, từ khi được sanh ra, sư chưa bao giờ tác ý giết hại một mạng sống nào. Do oai lực của lời chân thật này, nguyện mẹ con chị sanh nở được vuông tròn!”

Nhưng Aṅgulimāla thưa lại rằng:
“Bạch Đức Tôn Sư, nếu con nói như thế thì chẳng phải con phạm giới nói dối sao? Bởi trong quá khứ con đã từng giết hại nhiều người.”

“Vậy, Aṅgulimāla, hãy nói rõ như thế này: ‘Này hiền tỉ, từ ngày sanh vào dòng thánh, sư chưa bao giờ tác ý giết hại một mạng sống nào. Do oai lực của lời chân thật này, nguyện mẹ con chị sanh nở được vuông tròn!”

Angulimāla báo tin sẽ trở lại. Gia đình ngăn một bức màn trong phòng để sản phụ nằm một bên, và bên kia đặt một chiếc ghế để vị sa môn ngồi. Và Angulimāla đã làm theo lời Đức Thế Tôn chỉ bày. Lời của Đại đức là chân thật, bởi khi Đức Phật cho thọ giới tỳ khưu, Đại đức đã được sanh vào đời phạm hạnh, thánh thiện – một tái sanh của tâm. Sự chuyển đổi này đã cho Angulimāla một năng lực tâm linh cứu giúp và chữa lành mạnh mẽ hơn cả sức mạnh thể chất gây khổ đau và giết hại trước kia. Kết quả là do lời nguyện của Đại đức mà mẹ con thiếu phụ được sanh nở an toàn.

Đức Phật thường không cho phép “cứu người chết sống lại” hay “chữa lành bệnh bằng tâm linh.” Ngài biết rằng người được cứu sống lại rồi cũng sẽ chết một ngày nào đó. Vì vậy Ngài hết lòng chỉ dạy cho chúng sanh về quả bất tử thật sự và phương pháp chứng đạt được quả bất tử, giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Nhưng trong trường hợp Aṅgulimāla, tại sao Đức Thế Tôn đã ra ngoài thông lệ, cho phép vị đệ tử dùng năng lực của lời chân thật để chữa lành sự đau đớn? Các nhà chú giải có ghi lại vài quan điểm của họ về kinh Aṅgulimāla:

Vài người có thể thắc mắc: “Sao Đức Thế Tôn đã dạy một sa môn làm công việc của một y sĩ?” Câu trả lời là: Đức Phật không làm việc đó. Hành động dựa trên nguyện lực của sự chân thật không phải là một chức năng y khoa; đó là một hành động được làm sau khi quán tưởng phẩm hạnh của chính mình.

Đức Phật biết rằng Aṅgulimāla không có đủ thức ăn khất thực hằng ngày bởi vì dân chúng kinh sợ và bỏ chạy khi trông thấy bóng dáng. Để giúp Aṅgulimāla, Ngài để Đại đức thực hiện hành động “xác nhận sự thật” hay “nói lời chân thật.” Từ đó, dân chúng sẽ nghĩ rằng: “Đã khởi sanh ý nghĩ từ bi, Đại đức Aṅgulimāla giờ đây có thể mang lại sự an lành cho mọi người bằng nguyện lực của sự chân thật,” và họ không còn sợ hãi ngài nữa. Như thế Aṅgulimāla có thể tiếp tục hạnh nguyện của một vị sa môn.

Trước đó, Aṅgulimāla không thể trụ tâm vào đề mục hành thiền. Mặc dù ngày đêm hết sức tinh cần thiền tập, con mắt tâm của Đại đức không bao giờ vắng bặt được hình ảnh khu rừng trước kia mình đã tàn sát bao nhiêu người, bên tai lúc nào cũng nghe những lời van xin thảm thiết: “Lạy ngài, xin tha mạng! Con nghèo đói lại đông con cái!” và trong tâm luôn hiện rõ những đôi tay, đôi chân cuống quýt khiếp đảm thấy cái chết gần kề. Khi đối diện với ký ức đó, bao cơn hối hận, ăn năn dày vò, cấu xé tâm can khiến Aṅgulimāla không thể nào ngồi yên trên tọa cụ. Do đó Bổn Sư dạy và cho phép Đại đức thực hiện hành động “xác nhận sự thật” về việc tái sanh vào dòng thánh. Đức Thế Tôn muốn Aṅgulimāla nhận biết rằng tái sanh vào dòng thánh là một phước báu kỳ diệu, từ đó gợi niềm cảm kích và thôi thúc ngài tăng trưởng tuệ giác và thành tựu quả vị giải thoát a-la-hán.

Sự việc này là một hỗ trợ lớn lao cho Aṅgulimāla, và Đại đức đã bày tỏ lòng tri ân sâu xa lên Bổn Sư bằng một cúng dường cao thượng nhất có thể đạt được, đó là thành tựu viên mãn việc Thầy đã giao phó cho vị đệ tử (AN 86):

Không bao lâu, sống một mình, thu thúc, chuyên cần, nhiệt tâm, và kiên quyết, Đại đức Aṅgulimāla tự thân chứng ngộ được tuệ giác, thành tựu và an trú ngay trong hiện tại cứu cánh phạm hạnh mà các thiện nam tử vì đó đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống đời không gia đình. Đại đức biết rằng: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc phải làm đã làm, từ nay không còn trở lại nữa.” Và như vậy Đại đức Aṅgulimāla trở thành một vị a-la-hán.

Cuối cùng thì cái tên đầu tiên của Đại đức, Ahiṁsaka – Vô hại, đã thật sự thích hợp với phẩm hạnh của ngài. Sau câu chuyện cứu được người sản phụ do năng lực của lời chân thật, đa số dân chúng đã hoàn toàn tin tưởng vào sự chuyển hóa tâm linh của ngài và thành kính cúng dường ngài mỗi khi ngài khất thực ở Sāvatthi. Dù vậy vẫn còn một số người để tâm thù hận vì tướng cướp Aṅgulimāla ngày nào đã sát hại thân nhân của họ. Không thể trả thù bằng luật pháp, họ tự ý trừng phạt ngài bằng cách dùng gậy gộc đánh đập và ném đá vào ngài khi ngài trên đường trì bình khất thực. Cuộc tấn công thật tàn bạo, đến nỗi khi Aṅgulimāla trở về bên Bổn Sư, toàn thân Đại đức đẫm máu, lỗ đầu, bình bát bị vỡ, ngoại y bị rách.

Đức Phật thấy vậy, khuyên nhủ người đệ tử:
“Hãy kham nhẫn, này bà-la-môn [ở đây có nghĩa là bậc giác ngộ A-la-hán]! Hãy kham nhẫn, này bà-la-môn! Con đang gặt hái, trải nghiệm ngay trong hiện tại quả báo của ác nghiệp mà đáng lẽ con phải chịu đựng, đày đọa ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm.”

Là một vị a-la-hán, tâm Aṅgulimāla luôn vững vàng, không thể bị tổn hại. Tuy nhiên tấm thân vật chất vẫn phải gánh chịu quả báo của bất thiện nghiệp từ vô lượng kiếp. Ngay cả Đức Phật cũng bị người em họ Devadatta gây thương tích. Và cả hai vị trưởng đệ tử của Ngài cũng không tránh được bạo hành về thể xác: Sāriputta bị một quỷ dạ xoa ác ý đánh trên đầu, Moggallāna phải chịu một cái chết vô cùng thảm khốc. Ngay cả ba vị đại thánh nhân trên còn không tránh được tổn thương thân xác, thì làm sao Aṅgulimāla – trong kiếp hiện tiền đã tạo vô số ác nghiệp – thoát khỏi được quả dữ? Thế nhưng, chỉ có thân xác Aṅgulimāla phải chịu đựng những thương tích này, còn tâm Đại đức tự tại an nhiên, không thể bị tổn hại. Là một vị a-la-hán, Aṅgulimāla cũng không cần sự an ủi hay khuyến khích. Vì vậy ta có thể hiểu những lời Đức Thế Tôn nói với Aṅgulimāla như một nhắc nhở về nghiệp báo nhân quả mà Đại đức vẫn phải gặt hái và chịu đựng, dù đã được giảm thiểu rất nhiều bởi sự chuyển hóa nội tâm.

THI KỆ

Không có tài liệu nào ghi lại về khoảng đời sau của ngài Aṅgulimāla ngoài những vần kệ do chính ngài thốt ra trong tập Trưởng Lão Tăng Kệ. Qua đó ta biết rằng ngài sống ẩn cư trong rừng núi hoang vu, hang đá vắng vẻ, và rằng nhờ cuối cùng đã có một chọn lựa đúng để bước vào con đường Chánh Pháp mà ngài được cuộc sống an lạc. Dưới đây là các bài kệ trong Theragāthā và đồng thời trong Kinh Pháp Cú.

Sau khi xuất gia tu hành và chứng đắc, Aṅgulimāla nói về những quả lành đã thành tựu của mình:

Ai trước sống buông lung
Sau sống không phóng dật,
Chói sáng rực đời này
Như trăng thoát mây che.
(Thag. 871/Dhp.172)

Ai dùng các hạnh lành
Ngăn chận các nghiệp ác,
Chói sáng rực đời này
Như trăng thoát mây che.
(Thag. 872/Dhp. 173)

Tỳ khưu tuổi đạo nhỏ
Siêng tu Giáo Pháp Phật,
Soi sáng thế gian này
Như trăng thoát mây che.
(Thag. 873/Dhp. 382)

Khi vào thành khất thực, Aṅgulimāla bị người ném đá và dùng gậy gộc đánh vào đầu ngài. Ngài về tịnh xá với bình bát bị bể và ngoại y rách nát. Ðức Phật khuyên ngài: “Con đang gặt hái, trải nghiệm ngay trong hiện tại quả báo của ác nghiệp mà đáng lẽ con phải chịu đựng, đày đọa ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm.” Rồi Aṅgulimāla phát tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh mà khuyến tu:

Mong kẻ thù nghịch ta
Được nghe lời Chánh Pháp,
Mong kẻ thù nghịch ta

Thực hành lời Phật dạy,
Mong kẻ thù nghịch ta
Thân cận bậc thiện trí
Dẫn người đến Đạo Pháp

Mong kẻ thù nghịch ta
Có lúc được thính Pháp,
Bậc thiện trí thuyết giảng
Về các hạnh nhẫn nhục
Cùng các hạnh từ bi,
Và hành theo Chánh Pháp.
Rồi chắc chắn vị ấy
Sẽ không muốn hại tôi
Cùng các chúng sanh khác,
Sẽ bảo vệ hộ trì,
Chúng sanh mạnh hay yếu,
Nguyện vị ấy chứng đạt
Quả cao thượng an lành.
(Thag. 874 – 876)

Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn gỗ,
Bậc trí nhiếp tự thân.
(Thag. 877/Dhp. 80)

Có người được rèn luyện
Bằng gậy, roi, móc sắt;
Ta được Bậc Đạo Sư

Điều phục không vũ lực,
Không đòn roi, khí giới.
“Vô hại’ vốn tên ta
Quá khứ gây tổn hại.
Nay tên này là thật
Ta không hại một ai.

Một thời là tướng cướp
Tên “đeo tràng ngón tay”
Cuốn theo dòng trầm luân,
Cho đến khi quy Phật.

Một thời tay lấm máu,
Tên “đeo tràng ngón tay”
Hãy nhìn, nơi quy ngưỡng:
Đã tận diệt tái sanh.

Ta phạm nhiều ác nghiệp
Đáng sanh vào khổ cảnh,
Đến nay nghiệp dị thục
Nên thoát được ác quả.
(Thag. 878-882)

Kẻ si mê, thiểu trí
Chuyên sống đời phóng dật;
Người trí không phóng dật
Như giữ tài sản quý.
(Thag. 883/Dhp. 26)

Chớ buông lung phóng dật
Chớ mê say dục lạc,
Hãy chuyên cần thiền định
Đạt an lạc tối thượng.
(Thag. 884/Dhp. 27)

Vậy xin hãy đón chào
Pháp lành ta đã chọn;
Trong các pháp trên đời,
Chánh Pháp ta đã chọn.
Vậy xin hãy đón chào
Pháp lành ta đã chọn;
Ta đã đạt tam minh
Lời Phật dạy làm xong.
(Thag. 885-86)

Khi đối diện với ký ức đầy ác pháp, tâm ý Aṅgulimāla bị dao động bất an vì hối hận dày vò nên không thể nào hành thiền viên mãn. Bổn Sư dạy Aṅgulimāla về việc được sanh vào đời phạm hạnh, thánh thiện như là một phước báu kỳ diệu, thôi thúc vị đệ tử tăng trưởng tuệ giác và thành tựu quả vị giải thoát. Aṅgulimāla bày tỏ lòng tri ân Bổn Sư và các chứng đắc cao quý:

Trong rừng, dưới gốc cây,
Hay trong hang trên núi,
Dù ta trú nơi nào
Tâm đã luôn chao động.

Giờ ngủ, thức bình yên,
Và sống trong an lạc.
Đã thoát lưới Ma vương
Nhờ Bổn Sư bi mẫn!
Trước sanh bà-la-môn,
Nội ngoại dòng quý tộc.

Nay ta con Đức Phật,
Bổn Sư, Đấng Pháp Vương.
Đoạn ái, ly chấp thủ,
Luôn thu thúc lục căn,
Nhổ tận gốc phiền não,

Tận diệt mọi cấu uế.
Ta phụng sự Bổn Sư,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Gốc sanh hữu nhổ sạch.
(Thag. 887-891)

trích: Đại đệ tử Phật – bước Thầy con theo

 

III. Video hoạt hình

 

https://youtu.be/JYm1e9mwkjY

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 166

Post Views: 1.072