CHú ý của Tâm Học org

Dựa vào tich của bài thoại thì người trong clip là ƯU LÂU TẦN LOA CA DIẾP chứ không phải Đại Ca Diếp

I. Tôn giả ƯU LÂU TẦN LOA CA DIẾP (Uruvilva Kasyapa – Uruvela Kassapa)


MƯỜI VỊ ĐỆ TỬ LỚN CỦA PHẬT 

Nguyên tác Hán Văn: Tinh Vân Pháp Sư – Việt dịch: Cư Sĩ Hạnh Cơ
và biên soạn phần Phụ Lục – Hiệu đính: Nữ Cư Sĩ Tịnh Kiên
Chùa Liên Hoa, Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County xuất bản 2005

PHỤ LỤC
(Do cư sĩ Hạnh Cơ biên soạn thêm)

Tôn giả ƯU LÂU TẦN LOA CA DIẾP

(Uruvilva Kasyapa – Uruvela Kassapa)

(Vị đạo sĩ Bà la môn tiếng tăm lừng lẫy đầu tiên đã xuất gia theo Phật, từng được xem là vị lãnh chúng số một của tăng đoàn)

Khi thấy sáu mươi vị đệ tử tì kheo đầu tiên tại vườn Lộc Uyển đã đạt đến chỗ viên mãn về trí tuệ cũng như đạo hạnh và khả năng hành đạo, đức Phật đã phái các ngài lên đường hành hóa, hoằng truyền đạo giải thoát cho tất cả mọi người. Sau đó, Ngài giao trách nhiệm trông coi đạo tràng Lộc Uyển lại cho tôn giả Kiều Trần Như, rồi một mình ra đi, hướng về thành Vương Xá, kinh đô của vương quốc Ma Kiệt Đà. Trên đường đi, Ngài đã ghé lại thôn Ưu Lâu Tần Loa (Uruvilva – Uruvela) để thăm cây bồ đề sông Ni Liên Thuyền (Nairanjana – Neranjara), nơi đó, gần một năm trước đây, Ngài đã đạt thành đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Lúc bấy giờ, tại thôn Ưu Lâu Tần Loa, bên bờ sông Ni Liên, có một đạo sĩ Bà la môn khổ hạnh đang cư trú hành đạo, tên là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp. Đó là một đạo sĩ lỗi lạc, tinh thông kinh điển Phệ Đà, đức hạnh trọn vẹn, tiếng tăng lừng lẫy, dân chúng khắp các vùng lân cận, cả đến vua quan ở kinh thành Vương Xá, đều kính nể, tôn sùng. Số đệ tử theo ông tu học có đến năm trăm người. Vì ông hành đạo ở thôn Ưu Lâu Tần Loa, nên có tên như trên. Đoàn sa môn này không cạo đầu như các sa môn khác, mà búi tóc cao trên đầu. Họ thờ Thần Lửa; vì theo họ thì Lửa chính là bản chất uyên nguyên của vũ trụ. Lửa là ánh sáng, Lửa là sự sống, Lửa là nguồn gốc sinh ra vạn vật. Lửa chính là Phạm Thiên (Brahma). Theo dân chúng trong vùng cho biết, vị đạo sĩ này và đồ chúng của ông đã đến đây sau khi đức Phật rời khỏi bồ đề đạo tràng vài tháng.

Vì muốn hóa độ cho đoàn sa môn này, đức Phật đã đến thăm hỏi và đàm đạo với sa môn Ca Diếp. Qua buổi đàm đạo đầu tiên, Phật nhận thấy sa môn Ca Diếp quả là một người thông tuệ, phẩm hạnh hơn người, công phu tu tập thật vững vàng, có trình độ chứng đắc, dù không cao lắm. Sa môn Ca Diếp khi mới trông thấy Phật thì có vẻ tự đắc, nghĩ rằng, sa môn Cồ Đàm tuổi còn quá trẻ thì làm sao có sự hiểu biết, đạo hạnh và chứng đắc bằng mình, nhưng chỉ qua buổi đàm đạo đầu tiên thì thái độ của ông đối với Phật khác hẳn. Ông nhận thấy, sa môn Cồ Đàm tuy trẻ tuổi hơn mình rất nhiều, nhưng đạo phong uy nghiêm, sự hiểu biết uyên bác, từ kinh điển Phệ Đà đến các môn học trứ danh của các giáo sĩ Bà la môn, Ngài đều thông thạo. Ông tự thấy mình còn kém xa đức Phật. Ông cảm thấy kính mến Phật thật sâu xa, bởi vậy, ông đã mời Phật ở lại với ông một thời gian, và tiếp đãi Phật như một vị thượng khách.

Nơi đạo tràng này có một ngôi điện thờ Thần Lửa. Đêm đầu tiên ở lại đây, đức Phật đã ngỏ ý muốn được nghỉ đêm trong điện này. Sa môn Ca Diếp tỏ vẻ ái ngại, vì có một con rắn rất lớn chui vào ẩn núp trong ấy từ mấy ngày qua, rất nguy hiểm cho Phật, nhưng Ngài đã nhất quyết, nên ông phải để Ngài tùy tiện. Quả thật, trong đêm, Ngài trông thấy một con rắn to lớn nằm khoanh tròn giữa phòng. Với lòng từ bi, Ngài đã điều phục được con rắn bò ra khỏi phòng êm thắm, và bỏ vào rừng mất dạng. Sự việc ấy càng làm cho ông và đồ chúng của ông nể phục đức Phật.

Những lần đàm đạo kế tiếp giữa sa môn Ca Diếp và đức Phật thật gay go và cũng thật thú vị. Ông nói lên những lí thuyết vững chắc về bản chất của Lửa và về lễ nghi cúng tế trong phép thờ Thần Lửa. Đức Phật dùng những lí lẽ chân thật để bác bỏ quan niệm cho rằng Lửa là bản chất uyên nguyên của vũ trụ. Sau đó Phật lại giảng giải những giáo pháp duyên sinh, vô ngã, vô thường, bốn sự thật, để đưa ông thẳng vào con đường giải thoát. Tất cả những câu chất vấn thẳng thắn nhứng hóc búa của ông đều được Phật trả lời thỏa đáng, khiến cho tâm ông mỗi lúc mỗi sáng tỏ hơn, bao nhiêu đám mây nghi hoặc đều tan biến. Qua những buổi pháp đàm ấy, và qua sự quan sát dung nghi của Phật trong mấy ngày qua ông đã thấy được tầm vóc vĩ đại của trí tuệ cũng như đạo hạnh của Ngài. Ông cũng thấy rõ, những gì đức Phật đã nói ra đều phát xuất từ những kinh nghiệm thực chứng chứ không phải từ những suy tư, lí luận.

Cuối cùng, với quyết tâm giúp ông phá vỡ tà kiến ngoại đạo, đức Phật đã dùng một câu chuyện thí dụ về một người muốn qua bên kia sông mà không chịu lội, không chịu bơi, cũng không chịu dùng thuyền; mà chỉ ngồi ở bên này cúng tế, cầu nguyện, van xin bờ bên kia sang tới bờ bên này để mình bước lên. Phật hỏi:

– Này hiền giả Ca Diếp! Hiền giả nghĩ thế nào về người ấy?

– Tôi thấy rằng, đó là một người không thực tế. Sa môn Ca Diếp trả lời.

– Cũng như vậy đó, hiền giả Ca Diếp! Nếu không nổ lực quán chiếu và tu tập để diệt trừ phiền não, vô minh, thì ta không thể nào đạt tới bến bờ giải thoát; dù ta có bỏ cả cuộc đời để thờ phụng, tế lễ và cầu nguyện. 

Bỗng nhiên ông sụp lạy dưới chân Phật, khóc nức nở và thưa:

– Bạch sa môn Cồ Đàm! Hôm nay con mới biết được là con đã đi theo con đưòng sai lạc gần cả đời người. Giờ đây xin Thầy chấp nhận cho con được xuất gia làm đệ tử, để theo Thầy tu học đạo giải thoát.

Được Phật chấp thuận, ông bèn khuyến hóa tất cả năm trăm đệ tử của ông, cùng xin xuất gia theo Phật. Mọi người đều cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca sa. Họ liệng xuống sông tất cả những búi tóc của họ và tất cả những tượng thờ biểu tượng của Thần Lửa, cùng những dụng cụ tế lễ khác.

Sa môn Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp còn có hai người em ruột: kế là sa môn Nan Đề Ca Diếp (Nandi Kasyapa – Nandi Kassapa) và em út là sa môn Già Da Ca Diếp (Gaya Kasyapa – Gaya Kassapa), cũng cùng môn phái thờ Thần Lửa. Cả ba anh em đều rất mực thương mến nhau, nhất là ông anh cả, luôn luôn được hai ông em một lòng kính trọng, phục tùng.

Nan Đề Ca Diếp đang hướng dẫn ba trăm đệ tử tu học tại đạo tràng ở về phía Bắc trên bờ sông Ni Liên. Buổi sáng hôm đó, bỗng nhiên ông thấy hàng trăm búi tóc cùng với nhiều tượng thần và dụng cụ thờ cúng trôi lều bều trên sông. Ông hoảng sợ và lo âu, vì nghĩ rằng nơi đạo tràng của anh ông đã gặp tai biến lớn. Ông tức tốc dẫn theo vài đệ tử, đi về Ưu Lâu Tần Loa để xem sự thể ra sao. Đến nơi, ông mới hay anh ông cùng với tất cả đệ tử đều đã qui y theo Phật, xuất gia làm tì kheo. Được anh cả khuyến hóa, ông cũng hân hoan dẫn hết ba trăm đệ tử dưới trướng, cùng xin xuất gia theo Phật tu học. Sau đó, Già Da Ca Diếp – đang hướng dẫn đệ tử tu học tại một đạo tràng gần đó, được hai ông anh mời đến khuyến hóa, cũng hoan hỉ noi gương theo, dẫn hết hai trăm đệ tử của mình đến Ưu Lâu Tần Loa xin xuất gia làm đệ tử Phật.

Thế là chỉ trong vòng bảy ngày, tất cả ba anh em họ Ca Diếp cùng với một ngàn đệ tử của họ, đều qui y với đức Phật, trở thành những vị tì kheo trong giáo đoàn của Phật, Một hôm, tại núi Tượng Đầu, (Dungsira), gần Ưu Lâu Tần Loa, Phật đã nói cho một ngàn vị tì kheo nghe bài pháp liên quan tới chủ đề “Lửa”, đại ý rằng, tất cả vạn pháp đều đang bốc cháy. Tất cả đều cảm thấy tâm tư rúng động khi nghe Phật nói về Lửa. Càng chú ý nghe, tâm họ càng rỗng sáng, và khi Phật kết thúc buổi pháp thoại thì tất cả đều chứng quả A la hán.

Từ đó, tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp cùng với hai người em, đã trở thành những vị phụ tá đắc lực của đức Phật trong việc lãnh đạo giáo đoàn, hướng dẫn và dạy dỗ tăng chúng tu học. Đức Phật lưu lại núi Tượng Đầu ba tháng để tiếp tục giáo huấn tăng chúng. Sau đó, Ngài đi về hướng kinh thành Vương Xá; cả một ngàn vị tì kheo đều đi theo Ngài. Tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp hiểu biết nhiều về địa hình cũng như tình hình dân chúng trong nước Ma Kiệt Đà. Điều đó làm cho Phật rất yên tâm, vì sự hiện diện và sinh hoạt, nhất là việc khất hực hàng ngày, của cả ngàn người cùng một lúc và tại một nơi, không phải là chuyện đơn giản. Thế mà ba anh em tôn giả đều lo liệu đâu vào đấy mục đích chu đáo.

Khi về tới Vương Xá, tôn giả đã đưa Phật và tăng đoàn đến cư trú trong một khu rừng sầm uất ở vùng ngoại ô phía Nam của thành phố. Tôn giả tổ chức tăng đoàn hết sức nghiêm minh, nhờ vậy mà thành quả tu học và đạo phong của mọi người ngày càng phát triển. Chỉ trong vòng nửa tháng, sự có mặt của tăng chúng đã gieo được một ấn tượng tốt đẹp trong lòng dân chúng ở thủ đô Vương Xá cũng như các vùng phụ cận.

Vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) nghe tin Phật và giáo đoàn đã có mặt tại kinh thành, liền dẫn hoàng hậu Vi Đề Hi (Vaidehi – Videhi) và thái tử A Xà Thế (Ajatasatru – Agatasattu) đến tận khu rừng để yết kiến Phật. Vua cũng dẫn theo quần thần và hơn trăm vị nhân sĩ trí thức và giáo sĩ lãnh đạo cao cấp trong đạo Bà la môn, cùng đi đến chỗ Phật ngự. Hầu hết các vị này đều đã từng nghe danh hoặc gặp mặt sa môn Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp; nhưng với đức Phật, thì ngoài vua Tần Bà Sa La ra, chưa ai từng gặp Ngài bao giờ. Nay thấy sa môn Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp có mặt trong giáo đoàn của Phật thì họ ngạc nhiên vô cùng. Họ thấy sa môn Cồ Đàm nhỏ tuổi hơn sa môn Ca Diếp rất nhiều, cho nên rất lấy làm thắc mắc, không biết sa môn Ca Diếp là thầy của sa môn Cồ Đàm hay sa môn Cồ Đàm là thầy của sa môn Ca Diếp. Thấy rõ được tâm ý của họ, tôn giả muốn trước hết phải đánh tan mối nghi hoặc ấy, bèn rời chỗ ngồi, đến đứng chắp tay nghiêm chỉnh trước đức Phật, thưa:

– Bạch đức Cồ Đàm, bậc giác ngộ, bậc đáng tôn quí nhất thế gian! Con là Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, đệ tử của Ngài. Ngài là bậc đạo sư của con. Con xin cung kính đảnh lễ Ngài.

Rồi tôn giả lạy Phật ba lạy với thái độ thập phần thành kính.

Đức Phật cũng đã thấy rõ tâm nghi hoặc của những người khách kia và đồng thời cũng hiểu được ý tứ tế nhị của người đệ tử mình. Ngài đỡ tôn giả đứng lên và bảo lại ngồi bên cạnh Ngài. Mọi người bây giờ đã hiểu rõ, đều tỏ vẻ hoan hỉ, và ngồi thật im lặng, nghiêm chỉnh để nghe Phật nói pháp.

Sau khi qui y làm đệ tử tại gia của Phật, vua Tần Bà Sa La đã dâng cúng khu vườn tre ở ngoại ô phía Bắc kinh thành để làm đạo tràng tu học và hành đạo cho Phật và giáo đoàn. Vâng ý chỉ của Phật, tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp đã cùng với các vị đệ tử lớn của Phật như Kiều Trần Như, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, bàn thảo và hoạch định chương trình xây cất và tổ chức tu viện Trúc Lâm (Venuvana – Veluvana) thành một tu viện có qui củ đầu tiên của giáo đoàn. Khi tất cả mọi việc đều hoàn tất, đức Phật đã chỉ định tôn giả làm giám viện của tu viện, cùng với tu viện trưởng là tôn giả Kiều Trần Như, đồng gánh vác trách nhiệm lãnh đạo và hướng dẫn tu học cho tăng chúng thường trú tại tu viện cũng như ở rải rác các địa phương trong vương quốc Ma Kiệt Đà. Trong khi đó, Phật và các vị đệ tử lớn khác của Ngài thì đi đó đây để hoằng dương đạo giải thoát.Cuộc đời sau đó của tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp ra sao, không thấy có tài liệu nào nói tới. Có lẽ tôn giả đã tiếp tục sứ mạng đức Phật đã giao phó tại tu viện Trúc Lâm Ca Diếp khi viên tịch.

Nguồn ; Hoavouu.com

II. Video ƯU LÂU TẦN LOA CA DIẾP

III. Thông tin từ sách Đại Phật Sử

ĐẠI TRƯỞNG LÃO URUVELA KASSAPA

  1. Nguyện vọng quá khứ

    Uruvela Kassapa tương lai, trong quá khứ đã sanh vào trong một gia đình danh giá trong kinh thành Hamsavati, thời của Đức Phật Padumuttara. Khi đến tuổi trưởng thành, vị ấy có dịp được nghe Đức Phật thuyết pháp. Khi đang nghe pháp, vị ấy chứng kiến một vị tỳ khưu được Đức Phật công bố là vị tỳ khưu Tối thắng về mặt có đông đảo tùy tùng. Vị ấy khởi tâm ưa thích muốn đạt được địa vị của vị tỳ khưu ấy trong tương lai. Vị ấy đã tổ chức lễ cúng dường to lớn đến Đức Phật và chúng Tăng trong bảy ngày, ngày cuối cùng vị ấy cúng dường một bộ tam y đến Đức Phật và mỗi thành viên trong Tăng chúng, phát nguyện được trở thành vị tỳ khưu Tối thắng trong lãnh vực lãnh đạo đoàn tùy tùng to lớn trong tương lai. Đức Phật quán xét vấn đề, thấy rằng nguyện vọng của vị ấy sẽ được thành tưu và đã tiên tri như vầy: “ Con sẽ được Đức Phật Gotama công bố là vị tỳ khưu Tối thắng trong giáo pháp của vị ấy về lãnh vực lãnh đạo đoàn tùy tùng đông đảo.” Sau khi nói lời tiên tri trang trọng, Đức Phật Padumuttara trở về tịnh xá.

    Kiếp sanh làm vị hoàng tử em của Đức Phật Phusa

    Trong kiếp sống được Đức Phật Padumuttara thọ ký ấy, Uruvela Kassapa tương lai sống cuộc đời đầy những thiện nghiệp và lúc thân hoại mạng chung được tái sanh vào cõi chư thiên rồi tiếp tục luân chuyển trong cõi chư thiên và nhân loại. Rồi đến kiếp cách đây 92 đại kiếp, khi Đức Phật Phussa xuất hiện trong thế gian thì Uruvela Kassapa tương lai, sanh làm em cùng cha khác mẹ với Đức Phật. Đức Phật có ba người em cùng cha khác mẹ và vị hoàng tử này là người lớn nhất. (Ba anh em hầu hạ Đức Phật với tứ vật dụng của vị tỳ khưu trong suốt mùa an cư, chi tiết của nó được mô tả trong cuốn sách này cũng như trong cuốn hai của bộ Đại Phật Sử.)

  2. Đời sống Sa môn trong kiếp chót

    Ba anh em hoàng tử đã cúng dường to lớn gồm những lễ vật có giá trị đến Đức Phật và chúng Tăng vào cuối mùa an cư. Họ cũng dành trọn cuộc đời để làm tất cả thiện nghiệp và chỉ tái sanh vào những cõi hạnh phúc. Trong đại kiếp hiện tại này, trước khi Đức Phật Gotama xuất hiện, họ tái sanh vào một gia đình Bà-la-môn thuộc dòng họ Kassapa. Đến tuổi trưởng thành họ trở thành những bậc thầy của Tam phệ đà, người anh cả có năm trăm học trò, người em kế có ba trăm học trò và người em út có hai trăm học trò tất cả đều trở thành đệ tử của họ.

    Khi họ xem xét kiến thức của mình thì họ nhận ra rằng những bộ kinh Phệ đà chỉ cống hiến cho đời sống hiện tại, mà thiếu kiến thức đem lợi ích trong kiếp sau. Người anh cả Kassapa, cùng với năm trăm đệ tử của vị ấy, từ bỏ thế gian và sống cuộc đời ẩn sĩ. Họ rút vào khu rừng Uruvela và vị đạo sư được biết, bởi cái tên nơi họ ở là Uruvela Kassapa. Người em thứ hai và ba trăm đệ tử của vị ấy cũng trở thành Sa-môn và sống ở khúc cong của con sông Gaṅgā và tên mọi người biết đến là Nadī Kassapa. Người em út cũng trở thành Sa-môn cùng với hai trăm đệ tử của vị ấy, họ ngụ tại địa điểm có tên Gayāsīsa, vì vậy vị đạo sư được gọi tên là Gayā Kassapa. Ba anh em Kassapa trở thành những đạo sư nổi tiếng của giáo phái riêng của họ. Trong thời gian mà ba anh em Kassapa dẫn dắt những nhóm đệ tử của họ thì Đức Phât Gotama đã xuất hiện trong thế gian. Đức Phật đã trải qua mùa an cư đầu tiên tại khu rừng Migadāya, cũng được gọi là Isipatana, là nơi mà Ngài đem lại sự giác ngộ cho nhóm năm anh em Kiều trần Như và năm mươi lăm chàng trai do Yasa, con trai của vị trưởng giả, dẫn đầu. Tất cả sáu mươi vị Thinh văn đệ tử này trở thành những vị A-la-hán đầu tiên trong thế gian. Vào lúc kết thúc mùa an cư, Đức Phật khuyên dạy sáu mươi vị A-la-hán ra đi truyền bá Chánh pháp trong khi đó Ngài một mình đi đến khu rừng Uruvela. Trên đường đi Ngài gặp ba mươi vị công tử, tất cả là anh em, tại khu rừng Kappāsika, đem lại sự giác ngộ Thánh quả cho họ và truyền phép Thiện lai tỳ khưu đến họ. Đức Phật một mình đến khu rừng Uruvela vì Ngài thấy sự chín muồi

    của Uruvela Kassapa để giác ngộ và cũng thấy rằng ba anh em Kassapa và những tùy tùng của họ sẽ chứng đắc đạo quả A-la-hán. Khi Đức Phật gặp Uruvela Kassapa, Ngài đã phải thị hiện 3500 loại thần thông, loại thần thông đáng chú ý nhất là sự nhiếp phục con rồng có đại oai lực. Cuối cùng Uruvela Kassapa và năm trăm đệ tử của vị ấy được Đức Phật thâu nhận vào Tăng chúng bằng phép xuất gia Thiện lai tỳ khưu. Khi biết người anh cả đã trở thành vị tỳ khưu, hai người em cùng tùy tùng của họ cũng xuất gia theo Đức Phật. Tất cả họ đều là Thiện lai tỳ khưu. (Muốn biết chi tiết hãy xem cuốn II, Đại Phật Sử).

    Đức Phật dẫn một ngàn vị tỳ khưu mới thâu nhận đi đến Gayāsīsa. Ngài ngồi trên một tảng đá và quán xét bài pháp nào thích hợp để thuyết đến họ. Ngài nhớ rằng những vị ẩn sĩ có nguồn gốc Bà-la-môn giáo từ lâu đã thực hành pháp thờ lửa, và do đó Ngài thuyết đến họ bài Pháp lấy ví dụ về ngọn lửa không ngừng đốt cháy ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Bài Pháp có nhan đề là Ādittapariyāya đem lại sự chứng đắc đạo quả A-la-hán cho tất cả các vị tỳ khưu.

    Rồi Đức Phật thấy rằng đã đến lúc Ngài viếng thăm Rājagaha, nơi mà trước khi Ngài chứng đắc Phật quả, Ngài đã hứa với vua Bimbisāra sẽ viếng thăm kinh đô của vị ấy sau khi chứng đắc. Ngài đi đến Rājagaha có một ngàn vị A-la-hán tháp tùng và ngụ ở rừng cây thốt nốt. Vua Bimbisāra, khi hay tin Đức Phật đến, bèn đi yết kiến Ngài trong một hội chúng gồm một trăm hai chục ngàn vị gia chủ Bà-la-môn. Sau khi đảnh lễ Đức Phật, đức vua ngồi xuống ở nơi phải lẽ. Trong dịp ấy, danh tiếng của Uruvela Kassapa đã lan rộng đến nỗi các đám tùy tùng Bà-la-môn của đức vua đều kính lễ Uruvela Kassapa. Đức Phật biết rằng thính chúng không thể quyết định ai là bậc cao hơn

    – Đức Phật và Uruvela Kassapa. Ngài cũng biết rằng những người có hoài nghi sẽ không thể chú ý vào Pháp. Vì vậy, Ngài nói với Kassapa, “ Này Kassapa, tín đồ của con đang ở trong tình trạng khó xử. Hãy đoạn trừ tâm bối rối của họ.” Như vậy Đức Phật đã ngụ ý với trưởng lão là hãy thị hiện thần thông.

    Đại đức Uruvela Kassapa cung kính phụng hành: đứng dậy khỏi chỗ ngồi vị ấy đảnh lễ Đức Phật bằng năm điểm chạm đất, và bay lên không trung cao một cây thốt nốt. Khi đứng giữa không trung, vị ấy hóa ra nhiều hình tướng khác nhau một cách tự tại và bạch với Đức Phật: “ Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là đạo sư của con; con là đệ tử của Thế Tôn.” Rồi vị ấy đi xuống đất và đảnh lễ dưới chân Đức Phật. Rồi vị ấy lại bay lên không trung cao hai cây thốt nốt, tự mình hóa ra nhiều hình tướng khác nhau, đi xuống và đảnh lễ dưới chân của Đức Phật. Trong lần thứ bảy, vị ấy bay cao bằng bảy cây thốt nốt, và sau khi đi xuống đất, và đảnh lễ Đức Thế Tôn, vị ấy ngồi ở nơi phải lẽ.

    Đại chúng lúc bấy giờ không còn hoài nghi về tánh chất tối cao của Đức Phật và gọi Ngài là Đại Sa-môn. Chỉ khi ấy Đức Phật mới thuyết pháp đến họ và vào lúc kết thúc thời pháp, vua Bimbisāra và một trăm mười ngàn gia chủ Bà-la-môn chứng đắc quả Thánh Nhập lưu (sotapatti-phala) và mười ngàn Bà-la-môn còn lại thì an trú trong Tam quy.

  3. Sự hoạch đắc danh hiệu Etadagga

    Một ngàn đệ tử mà đã hầu hạ đại đức Uruvela Kassapa, sau khi chứng đắc đạo quả A-la-hán, vì nghĩ rằng họ đã đạt đến đỉnh cao pháp hành của vị tỳ khưu nên họ không cần phải đi bất cứ nơi đâu để phát triển sự hành đạo. Thế nên, họ ở lại hội chúng của vị lãnh đạo cũ.

    Vào một dịp, giữa chúng Tăng tại tịnh xá Jetavana , Đức Phật đã công bố:

    Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ mahā-parisānaṃ yadidaṃ Uruvela Kassapo.

    Này các tỳ khưu, trong số những tỳ khưu đệ tử của Như lai mà có đông đảo tùy tùng, thì Uruvela Kassapa là Đệ nhất.

    (Về vấn đề này, đại đức Uruvela Kassapa có địa vị độc nhất vô nhị là có tùy tùng thường xuyên gồm một ngàn vị tỳ khưu, tính luôn

    cả tùy tùng của hai người em. Nếu mỗi vị tỳ khưu trong một ngàn vị mà làm thầy tế độ và thâu nhận một tỳ khưu làm đệ tử, thì tùy tùng của Uruvela Kassapa sẽ trở thành hai ngàn, và nếu một ngàn vị tỳ khưu gốc mà thâu nhận hai vị tỳ khưu vào Tăng chúng, thì tùy tùng của trưởng lão Uruvela Kassapa lên đến ba ngàn vị. Cho nên vị ấy giữ địa vị vô song về vấn đề sức mạnh của tùy tùng – Chú giải về bộ Aṅguttara).

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 187

Post Views: 1.048