Nguồn bài viết daibaothapmandalataythien.org
Là Phật tử khi thực hành quy y Phật, bạn cần hiểu Đức Phật Thích Ca là bậc Thầy gốc của chúng ta. Ngài là bậc giác ngộ thấu rõ chân lý của vạn pháp, thị hiện trong hình tướng của loài người, đi vào cõi Sa bà đề khai sáng Ánh đạo vàng cho nhân gian. Khi bạn niệm câu: “Nam mô bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, chữ “bản” nghĩa là “gốc”, “sư” là “thầy”, “Bản sư” chính là “Bậc Thầy gốc”. Đức Phật Thích Ca là bậc Thầy gốc của tất cả chúng sinh ở cõi Sa bà. Chữ “Thích Ca Mâu Ni” là tiếng Ấn Độ, khi dịch nghĩa sang tiếng Trung Quốc, tên Ngài có hai nghĩa là Năng nhân và Tịch mặc.
“Nhân” ở đây là nhân đức, nhân từ, và “năng” là năng lực, sức mạnh. “Năng nhân” có nghĩa là “sức mạnh của lòng từ bi”. Sức mạnh này đã trở thành một năng lực vĩ đại để Đức Phật có thể cứu khổ cho chúng sinh một cách vô ngã. Đối với Đức Phật Thích Ca, tình thương mà Ngài dành cho chúng sinh luôn bình đẳng, và trở thành sức mạnh có thể chuyển hóa được khổ đau cho chúng sinh, giúp chúng sinh đạt được giác ngộ.
Trong Kinh kể rằng, một đời trước của Đức Phật Thích Ca, Ngài từng là một vị Thái tử. Trong một lần vào rừng, Ngài nhìn thấy năm mẹ con hổ đang vật vã vì đói. Hổ mẹ quá đói và không còn sữa cho con bú nên kiệt sức chờ chết. Chứng kiến cảnh đó, Thái tử rất đau lòng và muốn bố thí luôn thân mạng của mình cho hổ đói. Ngài đã đưa đầu mình vào miệng hổ nhưng do đã quá kiệt sức nên hổ mẹ cũng không ăn nổi. Ngài bèn dùng dao rạch thân thể mình cho máu chảy ra đầm đìa. Lúc rạch thân mình như vậy Ngài phát ra lời nguyện: “Trong kiếp này tôi dùng thân máu thịt để bố thí cho năm mẹ con hổ, và mong rằng trong kiếp vị lai khi thành Phật, tôi sẽ dùng tuệ mạng để cứu cho các vị thoát khỏi luân hồi!”. Khi phát nguyện xong, máu từ thân Ngài chảy ra đầm đìa và hổ mẹ liếm được máu đó mới có sức để ăn thịt Ngài. Trong kiếp sau này khi Ngài thành Phật, năm mẹ con hổ đói chính là năm anh em ông Kiều Trần Như, năm đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Khi Ngài vừa thành Phật, người đầu tiên Ngài độ và chứng qua A la hán chỉ sau một bài pháp về Tứ diệu đế của Ngài chính là năm anh em ông Kiều Trần Như.
Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên cho 5 anh em ông Kiều Trần NhưLòng từ bi của Ngài đã trở thành năng lực để Ngài có thể thị hiện vô số thân, bất cứ nào cầu đến là Ngài có thể cứu khổ. Sức mạnh của lòng từ bi đã khiến cho Đức Phật dù trong bao nhiêu kiếp cũng không nhàm mỏi cứu độ chúng sinh. Trong kinh Bồ Tát Giới, đích thân Đức Phật Thích Ca nói: “Ta đã tám nghìn lần đến thế giới Sa bà”. Đức Phật đã đến cuộc đời của chúng ta từ vô thủy kiếp, không nhàm mỏi mặc dù vừa dẫn chúng sinh ra con đường sáng, chúng sinh đã vượt khỏi tay Ngài chạy về con đường tối. Nhưng sức mạnh của lòng từ bi vẫn khiến Ngài có đủ am nhẫn để dẫn dắt cứu độ chúng sinh.
“Tịch mặc” ở đây có thể hiểu là “trí tuệ”. “Tịch” là có trí tuệ thấu đáo ngoại cảnh. “Mặc” là có trí tuệ để đối diện chính nội tâm mình. Trong cuộc sống, những thành bại, thịnh suy, vinh nhục đều không làm dao động được Đức Phật. Bằng chứng là Ngài đã tu khổ hạnh 6 năm trong núi tuyết. Trong 6 năm ấy, Ngài đã đối diện với đói, rét, với lời chê bai, chọc tức. Tới mức độ chim đến làm tổ trong tai Ngài vẫn ngồi bất động. Khi Ngài chứng được thần thông, Ngài còn nghe thấy tiếng chim cãi nhau trong tai nhưng Ngài vẫn không bất động. Còn chúng ta thì luôn làm nô lệ cho ngoại cảnh, nô lệ cho cái thân này. Chúng ta ham ăn, ham ngủ, ham thụ hưởng tức là chúng ta đang làm nô lệ cho cái thân và ngoại cảnh. Cảnh thịnh thì chúng ta vui, cảnh suy thì chúng ta buồn. Chúng ta giống như những con rối trên sân khấu cuộc đời: “Tâm mình là con rối – để cho đời sớm tối giật dây”. Còn Đức Phật, trong 6 năm tu tập, mỗi bữa Ngài chỉ ăn một hạt mè. Dĩ nhiên cái đói khát đó không dẫn Ngài đến sự giác ngộ nhưng cũng phải chứng minh được nghị lực kiên cường của Ngài.
Trong kinh Đức Phật dạy rằng: “Chiến thắng trăm quân chưa phải là chiến công oanh liệt. Người chiến thắng chính mình mới là người oanh liệt nhất”. Trong cuộc sống thế gian, có thể chúng ta đánh gục rất nhiều đối thủ trên thương trường, trong cơ quan nhưng lại không đánh gục được ham muốn. Người anh hùng nhất là người chiến thắng được chính mình. Khi đối trước mọi biến động của ngoại cảnh, tâm Ngài vẫn bất động cho nên chúng ta gọi Ngài là Tịch.
Chữ “Mặc” mang nghĩa nội tâm. Trong đêm thành Đạo của Đức Phật, khi đó có đủ các loại ma: ma sân, ma tham, ma danh vọng, ma ái… xuất hiện. Gọi là ma không phải là ma bên ngoài mà chính là trạng thái tâm của người trước khi thành đạo. Nhưng Đức Phật không để các trạng thái tâm như tham-sân-giận-ghét-ái dục-vô minh chi phối. Kinh Mười hai nhân duyên có vẽ hình ảnh một bà già mù còng lưng dẫn dắt chúng ta, không phải một kiếp mà hàng bao nhiêu kiếp. Bà già đấy trong Kinh gọi là Vô minh. Bà già ấy đã mù nhưng lôi chúng ta hết kiếp này sang kiếp khác, quanh quẩn trong sáu đạo luân hồi không ra khỏi được.
Khoen Vô minh trong Bảng Luân hồi
Lòng từ bi của Đức Phật Thích Ca ban trải khắp cứu độ muôn loài, trí tuệ của Ngài rực sáng để bình lặng trước cuộc đời. Như vậy danh hiệu của Đức Phật Thích Ca gồm cả hai khía cạnh Từ bi và Trí tuệ. Đức Phật nào cũng sẽ có đủ hai phần như vậy. Cả cuộc đời của Ngài là tấm gương sáng về Từ bi và Trí tuệ. Là đệ tử của Phật, chúng ta phải thừa hưởng được gia tài Ngài để lại cho chúng sinh, đó không phải là kho báu thế gian thông thường mà chính là Từ bi và Trí tuệ. Gia tài ấy mỗi chúng ta đều có nhưng vì chúng ta quên mất không biết sử dụng nên chúng ta vẫn mãi quanh quẩn trong vòng khổ luân hồi mà thôi!
Tháng Phật đản là thắng duyên vô cùng đặc biệt cho việc tích lũy công đức và trí tuệ. Mọi công đức, trí tuệ tích lũy đều sẽ tăng trưởng gấp hàng trăm ngàn lần.
Hãy cùng tích lũy công đức trong tháng Phật đản bằng việc thực hành Phật pháp, làm các thiện hạnh, bố thí, cúng dàng, phóng sinh, ăn chay… để hồi hướng công đức cho sự an lạc, cát tường, thành tựu giác ngộ của mình và hết thảy chúng sinh.
( Nguồn daitangkinh.net)
Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
❖
Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:
“Thưa Thế Tôn? Sao gọi là Như Lai?”
Đức Phật bảo:
“Này Bhikṣu [bíc su]! Thuở xưa khi ở Nhân Địa tu Đạo Bồ-tát, ta đã lần lượt tu học các hạnh, là vì cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nay Ta đắc Đạo tịch diệt; tất cả đều chân thật. Với Tám Chánh Đạo và những sự chứng ngộ từ chánh kiến nên gọi là Như Lai. Ta cũng như các bậc Chánh Đẳng Chánh Giác thuở quá khứ đã điều phục hàng tâm và đạt đến tịch diệt. Cho nên gọi là Như Lai.”
❖
“Thưa Thế Tôn! Sao gọi là Ứng Cúng?”
Đức Phật bảo:
“Thuở xưa khi ở Nhân Địa, ta tu các Pháp lành với giới phẩm uy nghi; tu hành Mười Nghiệp Lành, Năm Căn, và Năm Lực để tăng trưởng thiện căn. Khi tu tập viên mãn như thế và đạt đến quả vị cứu cánh, Ta chứng tịch diệt. Ta đoạn sạch tất cả phiền não và khiến thân ngữ ý thanh tịnh vô nhiễm. Một khi phiền não đã đoạn trừ vĩnh viễn, thì như khúc đầu của cây cọ bị chặt đứt–nó sẽ không bao giờ còn nảy mầm nữa.
Lại nữa, do tham sân si và mọi phiền não đã trừ sạch, nên hết thảy các nghiệp đạo vĩnh viễn chẳng còn sanh. Ta siêu vượt bốn nạn–sanh già bệnh chết, và mọi pháp khổ; nội khổ và ngoại khổ vĩnh viễn chẳng còn sanh. Cho nên gọi là Ứng Cúng.
Lại nữa, hễ ai cúng dường Phật, như là dâng y phục, ẩm thực, giường nệm, thuốc thang, tràng phan, lọng báu, hương hoa, thắp đèn, trái cây, cùng những phẩm vật tốt nhất trên cõi trời hay dưới chốn nhân gian, thì họ sẽ được phú quý tối thượng và phước đức cát tường. Cho nên gọi là Ứng Cúng.”
❖
“Thưa Thế Tôn! Sao gọi là Chánh Biến Tri?”
Đức Phật bảo:
“Như Lai đầy đủ tất cả trí tuệ. Ở hết thảy mọi nơi, không gì mà Ta chẳng rõ thông. Ta dùng các Pháp như là: Bốn Niệm Trụ, Bốn Chánh Đoạn, Bốn Thần Túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Giác Phần, Tám Chánh Đạo, 12 Duyên Khởi, và Bốn Thánh Đế, mà bình đẳng khai thị và giác ngộ tất cả chúng sanh, để khiến họ có trí tuệ, đoạn trừ si mê, và chứng Quả Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, hay Đạo Ứng Chân; đầy đủ Ba Minh và Sáu Thần Thông. Lại đối với Pháp Đại Thừa mà phát tâm tu học, rồi họ lần lượt tu hành các Địa, đoạn sạch mọi phiền não, và thành Đạo vô thượng. Cho nên gọi là Chánh Biến Tri.”
❖
“Thưa Thế Tôn! Sao gọi là Minh Hạnh Túc?”
Đức Phật bảo:
“Các minh gồm có: Thiên Nhãn Minh, Túc Mạng Minh, và Lậu Tận Minh.
Hạnh túc, có nghĩa là nghiệp từ thân ngữ ý của Như Lai đã khéo tu mãn túc và chân chánh thanh tịnh. Ta quán chiếu tự tại, và không chấp trước tham ái đối với đại y, bình bát, hay những vật khác. Bằng vào nguyện lực của chính mình, ta tu hành đầy đủ và viên mãn tất cả các hạnh. Cho nên gọi là Minh Hạnh Túc.”
❖
“Thưa Thế Tôn! Sao gọi là Thiện Thệ?”
Đức Phật bảo:
“Thiện thệ có nghĩa là đi đến chỗ vi diệu. Ví như tham sân si dẫn các hữu tình đi đến chỗ ác kia, cho nên không phải là thiện thệ. Còn Như Lai với chánh trí, có thể đoạn trừ các hoặc, diệu xuất thế gian, và khéo đến Phật Đạo. Cho nên gọi là Thiện Thệ.”
❖
“Thưa Thế Tôn! Sao gọi là Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ?”
Đức Phật bảo:
“Phạm vi của thế gian bao gồm: cõi dục, cõi sắc, và cõi vô sắc. Thế gian có ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, và bàng sanh. Thế gian có năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức; sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; cùng với sáu thức của sáu căn, và cảnh duyên của sáu trần mà sanh ra hết thảy các pháp, nên gọi là thế gian. Với chánh tri và chánh giác, Như Lai liễu giải tất cả pháp thế gian, cho nên gọi là Thế Gian Giải.
Lại nữa, ở thế gian kia có chúng sanh hai chân, bốn chân, nhiều chân, hay không chân; có chư thiên ở cõi dục, cõi sắc, hay cõi vô sắc; có tưởng, vô tưởng, chẳng phải hoàn toàn có tưởng, hay chẳng phải hoàn toàn vô tưởng; hoặc là phàm phu hay thánh nhân. Tất cả hữu tình ở trong đó, duy chỉ có Phật là tối thượng đệ nhất và không ai sánh bằng. Cho nên gọi là Vô Thượng Sĩ.”
❖
“Thưa Thế Tôn! Sao gọi là Điều Ngự Trượng Phu?”
Đức Phật bảo:
Phật là bậc đại trượng phu. Ngài có thể điều phục và chế ngự cả người thiện lẫn kẻ ác.
Kẻ ác do khởi ba nghiệp chẳng lành, rồi làm những điều ác, nên phải đọa địa ngục, ngạ quỷ, hay bàng sanh để chịu quả báo ác.
Người thiện do tu các nghiệp lành từ thân ngữ ý mà được phước báo ở cõi trời hay nhân gian.
Làm thiện hay ác đều do tâm tạo. Phật dùng Đệ Nhất Nghĩa của Pháp tịch diệt mà hiển hiện, khai thị, điều phục, và chế ngự, để khiến chúng sanh lìa cấu nhiễm và đắc tịch diệt tối thượng của tịch diệt. Cho nên gọi là Điều Ngự Trượng Phu.”
❖
“Thưa Thế Tôn! Sao gọi là Thiên Nhân Sư?”
Đức Phật bảo:
“Phật không phải là thầy chỉ riêng một mình Khánh Hỷ, mà tất cả Bhikṣu, Bhikṣuṇī [bíc su ni], Thanh Tín Nam, Thanh Tín Nữ, cùng tất cả chúng sanh ở thiên thượng hay nhân gian: Đạo Nhân, Phạm Chí, ma vương, ngoại đạo, Năng Thiên Đế, Phạm Vương, trời, hay rồng–thảy đều quy mạng, y giáo phụng hành, và đều xưng là Phật tử. Cho nên gọi là Thiên Nhân Sư.”
❖
“Thưa Thế Tôn! Sao gọi là Phật?”
“Trí tuệ đầy đủ, Ba Giác viên minh, cho nên gọi là Phật.”
Phật bảo ngài Khánh Hỷ:
“Một ngày nọ, lúc Ta đang kinh hành, có một Phạm Chí đến hỏi Ta rằng:
‘Vì sao cha mẹ của Ngài đặt tên cho Ngài gọi là Phật?’
Ta liền bảo rằng:
“Ai biết gì ở thế gian, Ta cũng có thể biết rõ. Ai quán sát gì ở thế gian, Ta cũng có thể quán sát. Ai đắc tịch diệt gì, Ta cũng có thể đắc tịch diệt ấy. Ta có đầy đủ tất cả trí tuệ và biết rõ mọi thứ. Từ vô số kiếp, ta đã tu hành đủ mọi Pháp lành và xa rời trần cấu. Nay Ta đắc Đạo vô thượng. Cho nên gọi là Phật.”
❖
“Thưa Thế Tôn! Sao gọi là Thế Tôn?”
Đức Phật bảo:
“Thuở xưa khi ở Nhân Địa, ta tự quán sát tường tận tất cả Pháp lành, giới luật, tâm pháp, và Pháp trí tuệ. Ta lại quán sát tham sân si, cùng những pháp bất thiện mà có thể chiêu cảm các hữu lậu, pháp sanh diệt, và khổ não. Với trí tuệ vô lậu, ta phá hủy phiền não kia và đắc Đạo vô thượng. Do đó, trời hay người, phàm hay thánh, thế gian hay xuất thế gian thảy đều tôn trọng. Cho nên gọi là Thế Tôn.”
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 406