PHẨM APANNAKA – Tiểu bộ kinh Theravada

10. CHUYỆN TRƯỞNG LÃO SUKHAVIHÀRI (Tiền thân Sukhavihàri)

Người không được bảo vệ…,

Câu chuyện này, khi ở tại rừng xoài Anupiya, bậc Ðạo Sư đã kể về Trưởng lão Bhaddiya Sukhavihàri. Trưởng lão Bhaddiya Sukhavihàri đã xuất gia cùng với sáu vị trong hoàng tộc, cùng Upali là người thứ bảy. Trưởng lão Bhaddiya, trưởng lão Kimbila, Trưởng lão Bhagu và Trưởng lão Upàli chứng quả A-la-hán, Trưởng lão Ànanda chứng quả Dự Lưu, Trưởng lão Anuruddha chứng được thiên nhãn, Trưởng lão Ðề-bà-đạt-đa chứng được thiền định. Câu chuyện của sáu vị trong hoàng tộc này dẫn đến sự kiện ở Anupiya, sẽ được trình bày trong Tiền thân Khandahàla (số 534).

Trong thời kỳ làm vua, Tôn giả Bhaddiya tự bảo vệ mình như một vị Thiên sắp đặt sự bảo vệ, nay nghĩ đến tâm trạng sợ hãi mà vị ấy đã sống, dầu được bảo vệ với nhiều sự bảo vệ, vẫn nằm lăn qua trở lại trên đại sàng tọa đặt trên lầu cao. Vị ấy so sánh sự sợ hãi ấy với trạng thái không sợ hãi, vì nay vị ấy đã chứng quả A-la-hán, khi vị ấy đi lang thang đâđó trong các khu rừng v.v… Khi nghĩ vậy, vị ấy nói lên lời cảm hứng:

– Ôi hạnh phúc thay! Ôi hạnh phúc thay!

Các Tỷ-kheo nghĩ rằng Tôn giả Bhaddiya nói lên chánh trí của mình, nên trình lên Thế Tôn. Thế Tôn nói:

– Này các Tỷ-kheo, Bhaddiya không phải chỉ nay mới sống hạnh phúc, mà thuở trước vị ấy cũng đã sống hạnh phúc!

Các Tỷ-kheo thỉnh thoảng cầu Thế Tôn trình bày rõ ý nghĩa này. Thế Tôn làm sáng tỏ ý nghĩa qua câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, ở Ba-la-nại, trong khi vua Brahmadatta đang trị vì vương quốc, Bồ-tát sinh làm một vị Bà-la-môn giàu có ở phương Bắc. Thấy nguy hiểm trong các dục, lợi ích trong xuất ly, ngài từ bỏ các dục, vào núi Tuyết xuất gia làm ẩn sĩ, đạt được tám Thiền chứng. Số tùy tùng của ngài lên đến năm trăm vị khổ hạnh.

Khi mùa mưa đến, ngài rời núi Tuyết với chúng khổ hạnh vây quanh đi bộ qua làng, qua thị trấn, đến Ba-la-nại, ngài trú ở ngôi vườn của vua, nương tựa nhà vua. Tại đấy, sau khi sống bốn tháng trong mùa mưa, ngài đến từ biệt nhà vua. Nhà vua nói:

– Thưa Tôn giả, Tôn giả đã lớn tuổi, Tôn giả sống ở núi Tuyết làm gì? Hãy để các đệ tử đến núi Tuyết, còn Tôn giả ở lại đây.

Bồ-tát giao năm trăm người khổ hạnh cho đệ tử trưởng và nói:

– Con hãy đi, sống ở núi Tuyết với những người này. Còn ta sẽ sống ở đây.

Vị đệ tử trưởng ấy, trước kia làm vua, sau tử bỏ vương quốc lớn, xuất gia, lấy đề tài làm Thiền quán, chứng được tám Thiền chứng. Vị ấy sống ở núi Tuyết với các vị khổ hạnh.

Một hôm, muốn yết kiến bổn sư, vị ấy gọi các vị khổ hạnh kia và bảo:

– Hãy sống thoải mái ở đây, ta đi đảnh lễ bổn sư rồi lại về.

Vị ấy đi đến bổn sư, đảnh lễ ngài, chào mừng ngài rất chân tình, rồi trải tấm thảm, nằm xuống bên cạnh bổn sư. Lúc bấy giờ, nhà vua đi đến ngôi vườn để yết kiến vị khổ hạnh, đảnh lễ ngài rồi ngồi xuống một bên. Vị đệ tử khổ hạnh thấy vua đến, nhưng không đứng dậy, vẫn nằm dài và nói lời cảm hứng:

– Ôi hạnh phúc thay! Ôi hạnh phúc thay!

Nhà vua không hoan hỷ với vị khổ hạnh thấy vua mà không đứng dậy, nên nói với Bồ-tát.

– Thưa Tôn giả, người khổ hạnh này có lẽ đã ăn quá đầy đủ nên nằm sung sướng, nói lên lời cảm hứng.

– Thưa Ðại Vương, người khổ hạnh này trước cũng làm vua như ngài. Vị ấy suy nghĩ: “Trước kia còn là cư sĩ, đầy đủ uy quyền nhà vua, được bảo vệ bởi nhiều người có binh khí cầm tay, nhưng không được hạnh phúc như thế này. Nay do tự mình được hạnh phúc xuất gia, được hạnh phúc thiền định, nên nói lên lời cảm hứng như vậy”.

Ðể giảng pháp thoại cho nhà vua, Bồ-tát đọc bài kệ này:

Người không được bảo vệ,
Không bảo vệ người khác,
Thưa Ðại Vương, người ấy.
Thật sự được an lạc.
Vì không chờ đợi gì,
Ðối với các dục vọng.

Nhà vua nghe pháp thoại xong, cảm thấy thoải mái, đảnh lễ, rồi đi về cung. Vị đệ tử đảnh lễ bổn sư, rồi đi về núi Tuyết. Bồ-tát tiếp tục sống tại đấy, thiền định không gián đoạn và khi mạng chung, sanh lên Phạm thiên giới.

*

Bậc Ðạo sư, kể lại hai câu chuyện, kết hợp chúng với nhau rồi nhận diện Tiền thân:

– Lúc ấy, vị đệ tử là Tôn giả Bhaddiya, còn vị bổn sư chính là Ta đây.

-ooOoo-

CHƯƠNG PHỤ LỤCCÁC VẤN ĐỀ CẦN BIẾTVẤN ĐỀ THỜ CÚNG CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Người Á-Đông thường có tục lệ thờ cúng, không phải chỉ thờ cúng ở đình, chùa, miếu mạo, mà họ thờ cúng ngay ở nhà nữa. Tục lệ thờ cúng là một mỹ tục, nhưng nếu không hiểu biết và không làm đúng ý nghĩa thì trở thành hình thức mê tín. Phật giáo gọi hình thức mê tín ấy là giới cấm thủ (sīlabatupādāna).

Ý nghĩa thờ cúng là một mỹ tục khi mà sự thờ cúng ấy nhằm để biểu lộ sự tôn kính, sự ngưỡng mộ, và sự biết ơn. Người Phật tử thờ Đức Phật vì lòng tôn kính một Đấng giác ngộ đã vạch ra con đường giác ngộ cho chúng sanh thực hành thoát trầm luân; quần chúng thờ một vị vua hay vị tướng vì ngưỡng mộ một đấng anh hùng đã làm lợi ích cho nước nhà; con cháu thờ tổ tiên ông bà cha mẹ vì lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc đã sanh thành ra mình …

Nếu việc thờ cúng vì tin rằng thờ bái vật linh thiêng sẽ phù trợ, thì đó là hình thức mê tín. Người Phật tử chơn chánh không thờ cúng với quan niệm như vậy.

Về hình thức thờ cúng ở tư gia: Đối với người Phật tử chỉ nên dựng lập hai bàn thờ là bàn thờ Đức Phật (người Phật tử Nam Tông chỉ thờ duy nhất hình hoặc tượng Phật Thích Ca, vì là bậc Đạo Sư mình qui y), bàn thờ tổ tiên (ông, bà, cha, mẹ hay người thân đã quá vãng). Vị trí thiết lập bàn thờ là ở nơi trịnh trọng nhất trong nhà, có thể là nơi nhà giữa, hay nơi phòng khách, hoặc nơi một căn phòng riêng biệt, bàn thờ Phật nên đặt cao hơn bàn thờ tổ tiên.

Việc bài trí bàn thờ: Trên bàn thờ Phật chỉ nên đặt một lư hương, đôi đèn, một bình hoa tươi, có thể thiết kế thêm đèn bóng cho sáng. Trên bàn thờ tổ tiên cũng bày biện như ở bàn thờ Phật và có thể thêm một đĩa quả tử (đĩa rộng để chưng trái cây). Phật giáo Nam Tông không sử dụng pháp khí chuông mỏ, nên người Phật tử Nam Tông không thờ chuông mỏ trên bàn thờ.

Nghi lễ cúng bái: Trong nhà đã có lập nơi thờ phượng, nhất là có thờ Phật, người Phật tử nên cúng bái hằng ngày hai thời – sáng và chiều tối. Theo nghi lễ sau đây:

– Cúng dường hoa tươi (ít nhất mỗi tháng hai lần, ngày rằm và 30); hoặc chưng bình hoa vải, hoa nylon cũng được.

– Mỗi sáng tối dâng hương, thắp ba nén hương trên mỗi chỗ thờ.

– Những lúc dâng hương đăng, đảnh lễ Phật 3 lạy (lạy thứ nhất tác ý kỉnh lễ Đức Thế Tôn bậc đã tự giác ngộ; lạy thứ hai tác ý kỉnh lễ giáo pháp được khéo thuyết bởi Đức Thế Tôn; lạy thứ ba tác ý kỉnh lễ tăng chúng bậc thừa hành giáo pháp của Đức Thế Tôn).

Nếu trong gia đình thuận dòng tu tập thì mỗi tối hoặc sáng, các Phật tử trong gia đình họp lại tụng kinh lễ bái Tam bảo và những bài kinh quán tưởng tu tập.

Vào những dịp tổ chức lễ tại tư gia như chúc thọ, cầu an, trai tăng, giỗ kỵ … có thỉnh Tăng về nhà để cúng dường, thì trang hoàng bàn thờ, dâng hương đăng hoa quả, sau đó mới làm nghi thức cúng dường Tăng.

Người Phật tử Nam Tông chỉ cúng dường trên bàn thờ Phật những cúng phẩm là nhang, đèn, bông hoa, dầu thơm, tuyệt nhiên không bày cúng thức ăn trên bàn thờ Phật.

Nói tóm lại, người Phật tử thờ phượng Đức Phật tại tư gia với tâm niệm tỏ lòng kính ngưỡng, và cũng để gợi nhắc mình phải noi gương lành của Đức Phật; việc thờ cúng phải có ý nghĩa đúng với chánh kiến tu tập, không nên làm theo sự mê tín dị đoan.VẤN ĐỀ LỄ NGHI CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Người Phật tử là cư sĩ tại gia, cần phải có lễ nghi phù hợp với vai trò của mình.

Khi người Phật tử tiếp xúc xã giao với xã hội bên ngoài, hãy làm theo lễ nghi phổ thông mà người ta thường làm, như bắt tay, khoanh tay gật đầu, bái xá v.v… người Việt Nam ta không lễ nghi chào với hình thức tiêu biểu nhất định, tùy theo trình độ văn hóa mỗi người.

Khi người Phật tử tiếp xúc với người đồng đạo thì nên có lễ nghi tôn giáo, hình thức đẹp nhất là chắp tay xá chào. Hình thức này vẫn thường thấy phổ thông ở các xứ Phật giáo như Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào v.v… dân chúng gặp nhau chào nhau bằng cách chắp tay xá. Người Phật tử không nên câu nệ cho rằng chắp tay xá người thế tục e đứt tam qui có tội; đó chỉ là nghi thức xã giao chẳng có lỗi gì. Phật tử gặp nhau nên chắp tay chào nhau, hoặc khi có người chắp tay chào mình thì mình phải chắp tay chào đáp lễ; Như vậy mới phải phép.

Khi người Phật tử gặp gỡ chư Tăng, có thể áp dụng một trong bốn nghi lễ tôn kính sau đây:

1- Đảnh lễ (Abhivāda), có ba cách là quì lạy với năm thể chạm đất, ngồi chồm hổm lạy, ngồi xếp chân cúi đầu lạy. Người cư sĩ đảnh lễ chư Tăng khi đến chùa và khi chư Tăng đến nhà; nhưng không nên đảnh lễ lúc vị tỳ kheo đang nằm ngủ hoặc vị ấy đang bận rộn làm việc, hoặc vị ấy chưa mặc y tề chỉnh.

2- Đứng dậy tiếp đón (Uṭṭhāna), cử chỉ đứng lên khỏi chỗ ngồi khi thấy vị tỳ kheo đang đi đến. Nghi lễ này được áp dụng ở mọi nơi mọi lúc; người Phật tử đang ngồi trong nhà hoặc tại trạm xe hoặc nơi họp hội công cộng khi thấy vị tỳ kheo đến gần thì biểu lộ sự cung kính bằng cách đứng lên, không cần đảnh lễ. Như vậy cũng gọi là phải lẽ.

3- Chắp tay xá chào (Añjalīkamma), cử chỉ chắp tay hướng về vị tỳ kheo đứng trước mặt. Nghi lễ này cũng có thể áp dụng ở mọi lúc mọi nơi; người Phật tử đến chùa gặp chư Tăng đang trong tình trạng làm việc hoặc không mặc giáo phục, người ấy đều có thể chắp tay xá chào; thậm chí gặp chư Tăng nơi công cộng, người ấy cũng có thể chắp tay chào mà không cần đảnh lễ.

4- Tỏ thái độ lịch sự (Sāmīcikamma), biểu lộ cử chỉ lịch sự ngoài ba nghi lễ trên. Trường hợp này rất dễ thực hiện trong mọi hoàn cảnh; người Phật tử khi đang đi trên xe thuyền, đang xách, mang, khuân, vác … không rảnh tay để xá chào đảnh lễ nếu gặp vị tỳ kheo, lúc ấy chỉ cần gật đầu chào, hay mắt nhìn với vẻ tươi cười, hay thốt lời chào hỏi ân cần, hoặc nhường bước … đó cũng là cách biểu hiện sự cung kính.

Nói tóm lại, lễ nghi của người Phật tử tất nhiên phải có, vì người Phật tử là người đạo đức, mà người đạo đức là người có văn hóa, lễ nghi là một trong những hình thức văn hóa. Tuy nhiên, có lễ nghi nhưng không quá câu nệ thái quá đến nỗi gây cho người khác cái nhìn khó chịu; phải biết uyển chuyển thực hiện lễ nghi đúng thời hợp lẽ. Sự cung kính hay thái độ lịch sự là xuất phát từ tâm lành mà ra.

VẤN ĐỀ TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Trang phục của người cư sĩ có kiểu mẫu đa dạng, tùy theo thời đại, tùy theo dân tộc tính.

Người Phật tử trong sinh hoạt xã hội, trang phục tùy thích, sao cũng được. Nhưng đừng quá lố, bất xứng với tư cách đạo đức, hạnh kiểm của một Phật tử tục gia; không để cho người khác cười chê và đánh giá thấp đạo đức của mình. Như vậy là tốt rồi.

Nói về trang phục của người Phật tử trong sinh hoạt tôn giáo, khi đến chùa, khi gặp gỡ tiếp kiến chư Tăng. Đức Phật không có một qui chế nào về trang phục của các cư sĩ. Nhưng hãy thử hình dung cách quan niệm về trang phục của những vị thánh cư sĩ thời Đức Phật khi họ đến chùa, thì từ đó suy ra được nguyên tắc căn bản về trang phục của Phật tử trong sinh hoạt tôn giáo.

Ngày nọ, bà Visākhā sửa soạn đến chùa lễ Phật và nghe pháp, bà đang trang phục với chiếc áo choàng nạm ngọc quí giá, sang trọng cực kỳ. Nhưng lúc đến cổng chùa bà chợt nghĩ “Trước mặt Đức Thế Tôn mà ta trang phục rực rỡ như thế này thật không thích nghi”. Nghĩ vậy bà cởi chiếc áo choàng quí giá ấy và gói lại giao cho người nữ tỳ cầm giữ, rồi mới vào chùa đảnh lễ Đức Phật và nghe pháp.

Người Phật tử trang phục nên biết một số nguyên tắc sau đây:

Khi ra ngoài xã hội vẫn có thể mặc theo model thời trang, nhưng:

– Không quá lố lăng, làm ảnh hưởng đến phẩm chất đạo đức.
– Không quá lòe loẹt màu sắc, làm cho người khác có ấn tượng khó chịu.

Khi đến chùa, tiếp xúc với chư Tăng, mặc dù không bắt buộc trang phục hình thức nào, nhưng người Phật tử:

– Nên trang phục lịch sự kín đáo
– Nên trang phục giản dị hòa hài
– Nên trang phục sạch sẽ trang trọng.

Có câu nói “Nhìn trang phục biết tư cách”; quả thật vậy, người trang phục lịch sự kín đáo là người biết tự trọng; người trang phục giản dị hòa hài là người dễ dải cởi mở; người trang phục sạch sẽ trang trọng là người biết tôn trọng người khác.

Tóm lại, sự trang phục chỉ là hình thức bên ngoài, nhưng người Phật tử cũng nên chú ý cách ăn mặc của mình sao cho phù hợp với cương vị người tu hiền, giữ được phẩm chất đạo đức, không gây trở ngại cho việc tu tập. Như vậy là phải lẽ.VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Ngôn ngữ là phương tiện thông tin, phương tiện giao tiếp. Ngoài hai ý nghĩa trên, ngôn ngữ theo Phật giáo còn là tác nhân hình thành nghiệp quả (khẩu nghiệp) đưa đến an vui hoặc đau khổ nữa.

Dùng ngôn ngữ nếu biết cẩn trọng sẽ đem lại lợi lạc, bằng như ngôn ngữ bừa bãi sẽ mang đến tai ương. Người Phật tử cần phải tu tập khẩu nghiệp, cũng như tu tập thân nghiệp và ý nghiệp vậy.

Có năm loại ngôn ngữ gọi là thiện ngôn (subhāsita) mà người Phật tử nên áp dụng trong sinh hoạt giao tiếp và thông tin:

1- Nói hợp thời (Kālena bhāsitā) là nói đề tài hợp với hoàn cảnh, đúng lúc, đúng người; dù nói thiện pháp nhưng phi thời cũng không hay. Người Phật tử phải biết lúc nào nên nói gì; nếu thấy nói không hợp thời thì thà rằng giữ im lặng.

2- Nói chân thật (Sacca bhāsitā), là nói lời thật, nói đúng sự thật, chuyện có nói có, chuyện không nói không. Người Phật tử không nói dối, không nói sai sự thật; nếu thấy nói thật sẽ gây bất lợi có thể làm hại mình hại người thì nên im lặng, hoặc nói lảng chuyện khác khi không thể im lặng.

3- Nói nhã nhặn (Saṇha bhāsitā), là nói lời thiện cảm, lời nói làm cho người nghe thông cảm đến tim. Người Phật tử khi nói chuyện xã giao nhất là khi tiếp xúc với chư Tăng, nên dùng cam ngôn mỹ từ, nói chuyện nhã nhặn, không nên thô lổ, to tiếng, dù gặp chuyện bất bình cũng thế.

4- Nói hữu ích (Atthasañhita bhāsitā), là nói những đề tài liên hệ lợi ích thiết thực. Người Phật tử phải tu dưỡng tâm trí, vì vậy nếu có nói chuyện với ai chỉ nên nói chuyện gì đáng nói để không làm mất thời giờ làm việc hay thời giờ tu dưỡng. Ngoài xã hội thì nên nói điều lành mạnh có lợi ích trong sinh hoạt cuộc sống; khi vào chùa thì nên bàn luận điều thiện có lợi ích tiến hóa về tri kiến tu tập.

5- Nói với từ tâm (Mettācitta bhāsitā), là nói với tâm hiền thiện mát mẻ, không sân giận, độc hiểm. Người Phật tử khi tiếp xúc, nên có ý niệm “Mong tâm ta luôn mát mẻ, trong hoàn cảnh nào cũng nói bằng tâm từ không bằng tâm sân”; cho dù lúc quở trách người khác lầm lỗi cũng chỉ nên nói với ý tốt, xây dựng nhau, và giúp nhau tiến hóa thôi.

Đó là năm hình thái ngôn ngữ mà người Phật tử nên biết và áp dụng trong cuộc sống giao tiếp; khi tiếp xúc với chư Tăng là đối tượng khả kính thì người Phật tử cần phải ngôn ngữ thích hợp và tốt đẹp hơn nữa để không mắc lỗi lầm khẩu ác nghiệp.

VẤN ĐỀ ẨM THỰC CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Việc ăn uống là một trong những nhu cầu tất yếu của cuộc sống; con người phải ăn mới sống được. Triết lý đó tưởng chừng như đơn giản vậy thôi, nhưng kỳ thực vấn đề “Ăn” của loài người rất phức tạp. Loài người không như các loài động vật khác ăn thức ăn thuần túy của giống loài. Con người tự chế biến ra thức ăn, tạo thức ăn theo ý thích, theo sắc thái dân tộc, theo tư tưởng tôn giáo v.v… từ đó đã sanh ra những tệ hại, như sát phạt nhau vì miếng ăn, hoặc tranh luận nhau về cái ăn v.v…

Ở đây chỉ bàn đến vấn đề ẩm thực trong đời sống của người Phật tử, sao cho hợp lẽ đạo và đúng nghĩa ăn để sống, sống để tu hành. Ở đây không có điểm tranh luận.

Lập trường tu tập của người Phật tử là không làm điều ác, năng hành điều thiện, thanh lọc nội tâm.

Việc ăn uống mặc dù là nhu cầu nuôi sống nhưng không nên vì thế mà để việc ăn uống chi phối lập trường tu tập.

Người Phật tử không nên quan niệm ăn uống như là một pháp môn tu hành, mà chỉ nên biết rằng tu tập thế nào để trưởng dưỡng thiện tâm, tu tập thế nào để phát triển trí tuệ … để đem lại an lạc, phá tan phiền não, chấm dứt mọi khổ đau.

Về vấn đề ẩm thực, người Phật tử cần biết những nguyên tắc sau đây:

1- Ăn uống tiết độ. Tức là ăn uống có chừng mực, vừa phải, để cho thân được nhẹ nhàng và không mất nhiều thời gian tu tập thiền định.

2- Ăn thức ăn dễ tiêu hóa. Tức là ăn uống những thức ăn thức uống hợp với thể tạng; không ăn những thức ăn khó tiêu, những thức ăn có nhiều độc tố, những thức ăn gây bệnh. Điều này cũng có nghĩa là người Phật tử chơn chánh không có thành kiến về thức ăn chay mặn, miễn là thức ăn không gây thân bệnh là được.

3- Ăn thức ăn không gây ảnh hưởng giới luật người tu. Điều này có nghĩa là người Phật tử không thọ dùng miếng ăn có được do sát sanh, hay do trộm cướp, hay do tà mạng bất chánh.

4- Ăn thức ăn không làm tổn giảm thiện pháp. Điều này có nghĩa là người Phật tử không ăn bằng sự tham đắm, bằng sự bận rộn tìm kiếm, bằng sự gây khó khăn cho người cấp dưỡng.

Nếu áp dụng được bốn nguyên tắc về ẩm thực như thế, người Phật tử thật sự sống an lạc và không có lỗi lầm trong việc ẩm thực.VẤN ĐỀ HƯỞNG THỤ CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Người cư sĩ (gihi) là người còn hưởng dục (kāma-bhogī). Tức là hạng người còn chất chứa tài sản và thọ dụng năm món dục lạc; thưởng thức sắc, thinh, hương, vị, xúc.

Nhưng giữa các người cư sĩ có hạng sống lương thiện, có hạng sống không lương thiện. Người Phật tử là hạng cư sĩ sống lương thiện.

Người cư sĩ lương thiện là người sống tầm cầu tài sản hợp pháp không thủ đoạn, là người biết tự nuôi dưỡng mình và cấp dưỡng người trong gia đình, là người biết san sẻ và tạo nhiều công đức.

Người Phật tử chân chính không phải chỉ là người cư sĩ sống lương thiện mà còn phải biết cách sống để đạt đến trạng thái thánh thiện, quả vị giải thoát trong tương lai nữa.

Người Phật tử cư sĩ mặc dù còn thụ hưởng tài sản, nhưng ngoài cách sống lương thiện, còn phải có những khuynh hướng nội tâm thánh thiện như sau:

1- Thọ dụng tài sản có tri túc, tức là biết đủ với những gì có được, không đua đòi quá đáng.

2- Thọ dụng tài sản không tham đắm, tức là không quá đam mê hưởng thụ, không nhiễm trước đến nỗi làm nô lệ cho tài sản.

3- Thọ dụng tài sản thấy được nguy hiểm, tức là thấy được sự nguy hiểm của các dục; ngũ trần như khúc xương, như tử thi, như đuốc rơm, như hầm lửa, như giấc mộng, như đồ tạm mượn, như trái độc, như đao kiếm, như dao thớt, như đầu rắn độc; Ngũ trần vui ít khổ nhiều, nguy hiểm càng nhiều hơn.

4- Thọ dụng tài sản có trí tuệ xuất ly, tức là có trí quán thấy luân hồi phải bị khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, các pháp hữu vi là vô thường, khổ não, vô ngã, chỉ có sự tịch diệt Níp bàn mới thật sự an lạc.

Đó là thái độ đúng đắn của một người Phật tử chí thiện, mặc dù đời sống cư sĩ còn hưởng thụ.

DỨT CHƯƠNG PHỤ LỤC

-ooOoo-CHỮ VIẾT TẮT

(Dùng trong quyển sách này)

A: Aṅguttaranikāya, Tăng Chi Bộ Kinh
Comp: Compendiuṃ of Philosophy, Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhammatthasaṅgaha)
D: Dīghanikāya, Trường Bộ Kinh
DA: Dīghanikāya Atthakathā, Chú giải Trường Bộ Kinh.
KhA: Khuddakapāṭha Atthakathā, Chú giải tập Tiểu Tụng (của Tiểu Bộ Kinh).
S: Saṃyuttanikāya, Tương Ưng Bộ Kinh
Sn: Suttanipāta (Khuddakanikāya), Kinh Tập (thuộc Tiểu Bộ)

SÁCH THAM KHẢO

Tương ưng bộ kinh (HT Thích Minh Châu dịch)
Tăng chi bộ kinh (HT Thích Minh Châu dịch)
Tìm hiểu Phật giáo (Pháp sư Thông Kham)
Gương lành bậc xuất gia (Tỳ kheo Hộ Pháp)
Cư sĩ vấn đáp (Lê văn Giảng)
Nghi thức và lễ giáo của Phật tử tại gia (Tỳ kheo Dũng Chí)
Kinh nhật hành (HT Hộ Tông)
Kho Tàng Pháp Học (Tỳ kheo Giác Giới)
Nền tảng Phật giáo – Cẩm nang (Tỳ kheo Hộ Pháp)

-ooOoo-

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 60

Post Views: 857