PHẨM APANNAKA – Tiểu bộ kinh Theravada

5. CHUYỆN ÐẤU GẠO. (Tiền thân Tandulanàli)

Giá đấu gạo bao nhiêu?…

Câu chuyện này được Thế Tôn, khi ở tại Kỳ Viên, đã kể về Trưởng lão Laludayi. Trong thời ấy, Tôn giả Dabba, con bộ tộc Malla, làm người phân phối cơm ăn cho chúng Tăng. Thời ấy, vào buổi sáng, trong khi phân phối thẻ cơm, Trưởng lão Udàyi khi thì được gạo tốt, khi thì được gạo xấu. Vào ngày được gạo xấu Udàyi thường làm rộn lên trong phòng phát thẻ và nói:

– Sao chỉ có Dabba biết phát thẻ, chớ chúng tôi không biết hay sao?

Một hôm, khi Udayi làm rộn lên trong phòng phát thẻ, người ta đưa sổ phát thẻ cho Udayi và nói:

– Hôm nay, Hiền giả hãy phát thẻ.

Bắt đầu từ hôm ấy, Udàyi phát thẻ cho chúng Tăng. Nhưng trong khi phát thẻ, Udàyi không biết gạo nào là gạo tốt, gạo nào là gạo xấu, Udàyi cũng không biết số hạ lạp như thế nào được phát gạo tốt, số hạ lạp như thế nào được phát gạo xấu. Khi làm sổ thứ tự để chia phần, Udàyi không nghĩ đến thứ tự hạ lạp. Do vậy, khi các Tôn giả đứng vào vị trí của mình, Udàyi ghi một cái dấu trên sàn hoặc trên tường để chỉ rõ hàng này đứng chỗ này, hàng kia đứng chỗ kia.

Ðến ngày sau, trong phòng phân phối thẻ có ít Tỷ-kheo hơn trong hàng này, và có nhiều Tỷ-kheo hơn trong hàng kia. Hàng nào ít tỷ-kheo hơn, thì các dấu ghi quá thấp, hàng nào nhiều Tỷ-kheo hơn, thì các dấu ghi quá cao. Nhưng Udàyi không biết gì về hàng sắp, đã phân phối các thẻ theo những dấu của mình. Do vậy, các Tỷ-kheo nói với Udàyi:

– Các dấu hoặc là quá thấp, hoặc là quá cao. Gạo tốt dành cho những vị có hàng lạp như thế kia còn gạo xấu lại dành cho những vị có hàng lạp như thế này.

Nhưng Udàyi gạt họ ra một bên và nói:

– Nếu dấu này là như vậy, sao các Hiền giả không đứng như vậy? Sao tôi lại tin các Hiền giả? Tôi tin các dấu của tôi hơn.

Các vị trẻ tuổi và các Sa-di kéo Udàyi ra khỏi phòng phân phối và nói:

– Này Hiền giả Udàyi ám độn, khi Hiền giả phân phối thẻ, các Tỷ-kheo nhận thiếu phần họ được nhận. Hiền giả không xứng đáng để phân phối. Hãy đi ra đi.

Trong khi ấy, tại phòng phân phối thẻ, có tiếng ồn ào lớn. Nghe vậy, bậc Ðạo sư gọi hỏi trưởng lão Ànanda:

– Này Ànanda, không phải hiện nay, Udàyi với sự ngu si của mình, mới làm cho người khác bị thiệt hại khi nhận phần của họ. Thuở trước, Udàyi cũng đã làm như vậy.

Trưởng lão Ànanda yêu cầu Thế Tôn làm sáng tỏ vấn đề này. Thế Tôn trình bày rõ sự việc bị tái sanh che lấp qua câu chuyện quá khứ.

*

Thuở xưa, ở nước Kàsi, tại thành Ba-la-nại, vua Brahmadatta đang trị vì. Lúc ấy, Bồ-tát của chúng ta làm người đánh giá cho vua. Ngài đánh giá voi ngựa v.v… đánh giá châu báu, vàng v.v… và ngài thường trả cho những người chủ các hàng hóa đúng giá tiền như ngài đã quy định. Nhưng vua là người tham lam và bản tánh tham của vua khiến vua suy nghĩ: “Người đánh giá này với cách đánh giá như vậy, không bao lâu sẽ làm cho tài sản trong nhà của ta khánh kiệt. Ta phải tìm một người đánh giá khác.” Mở cửa sổ, nhìn xuống sân, vua thấy một người quê mùa tham và ngu đang đi qua sân, nghĩ rằng kẻ ấy có thể làm người đánh giá cho mình, bèn cho gọi kẻ ấy lên, và hỏi anh ta có thể làm người đánh giá cho vua được không. Kẻ ấy trả lời:

– Thưa Ðại Vương, tôi có thể làm được.

Vua liền đặt người ngu ấy vào chức vụ người đánh giá, với mục đích bảo vệ tài sản của mình. Từ khi ấy trở đi, người ngu ấy đánh giá voi, ngựa v.v… Không đếm xỉa gì đến giá trị, nói giá tùy theo sở thích. Và vì giữ chức vụ ấy, kẻ ấy nói gì, thì giá tiền là phải như vậy, không thể khác.

Lúc bấy giờ, từ nước phương Bắc, một người buôn ngựa đi đến với năm trăm con ngựa. Vua cho gọi kẻ ấy lên và bảo anh ta đánh giá ngựa. Kẻ ấy đánh giá năm trăm con ngựa bằng giá đấu gạo, bảo trả cho người buôn ngựa giá tiền một đấu gạo, và bảo dắt ngựa vào chuồng. Người buôn ngựa đi đến gặp người đánh giá cũ, thuật lại sự việc này và hỏi phải làm thế nào. Bồ tát nói:

– Hãy cho người ấy một số tiền hối lộ và hỏi nó: Biết rằng giá tiền các con ngựa chúng tôi đáng giá một đấu gạo, thì ông có thể cho chúng tôi biết, theo ông ta tiền một đấu gạo là bao nhiêu, ông có thể tuyên bố giá ấy trước mặt vua được không? Nếu nó trả lời có thể được, thì đưa nó đến ngay trước mặt vua và tôi cũng sẽ có mặt ở đấy.

Người lái buôn nghe theo lời Bồ-tát, cho người đánh giá một số tiền hối lộ, và đặt vấn đề với kẻ ấy. Khi kẻ ấy nhận hối lộ và nói có thể đánh giá đấu gạo được, người buôn ngựa đưa ngay anh ta đến trước mặt vua. Bồ-tát cùng nhiều đại thần khác cũng đi đến. Người buôn ngựa, sau khi đảnh lễ vua, liền thưa:

– Thưa Ðại Vương, con đã biết giá tiền năm trăm con ngựa bằng giá tiền một đấu gạo.

– Nhưng giá tiền một đấu gạo là bao nhiêu?

– Ðại Vương hãy hỏi người đánh giá này.

Không biết sự việc đã xảy ra, vua nói:

– Này người đánh giá, khanh nói cho chúng ta biết giá tiền năm trăm con ngựa.

– Thưa Ðại Vương, là giá tiền một đấu gạo.

– Hãy là vậy, này khanh. Năm trăm con ngựa này trị giá một đấu gạo. Vậy giá trị một đấu gạo là bao nhiêu?

Người ngu si ấy trả lời:

– Một đấu gạo trị giá bằng tất cả thành Ba-la-nại với nhiều ngoại ô!

Như vậy, chúng ta được biết rằng, để làm vui lòng ông vua, kẻ ấy trị giá các con ngựa bằng một đấu gạo; nhưng sau khi lấy tiền hối lộ từ tay người lái buôn, anh ta đánh giá một đấu gạo bằng toàn bộ nội ngoại thành Ba-la-nại. Lúc bấy giờ, toàn thành bao bọc Ba-la-nại dài đến mười hai dặm, còn nội thành và ngoại thành Ba-la-nại rộng lớn ba trăm dặm! Tuy vậy, kẻ ngu ấy trị giá nội thành và ngoại thành Ba-la-nại rộng lớn này chỉ bằng một đấu gạo! Nghe kẻ ấy nói vậy, các đại thần vỗ tay cười và nói:

– Trước kia chúng ta thường nghĩ rằng quả đất và quốc độ là vô giá. Nhưng nay chúng ta được biết rằng thành phố lớn Ba-la-nại này cùng với vị vua trị giá chỉ có một đấu gạo mà thôi. Ôi, keû đánh giá thật đầy đủ trí tuệ! Sao nó có thể giữ địa vị của nó lâu như vậy! Nhưng thật sự kẻ đánh giá này phù hợp với vua chúng ta một cách tuyệt diệu!

Các đại nhân vỗ tay, cười đùa và mỉa mai như vậy.

Rồi Bồ-tát đọc bài kệ:

Giá đấu gạo bao nhiêu?
– Bằng cả nội ngoại thành,
Thành phố Ba-la-nại
Cả năm trăm con ngựa
Cũng chỉ bằng giá tiền
Một đấu gạo mà thôi.

Lúc bấy giờ, vua xấu hổ đuổi kẻ ngu ấy đi và đặt Bồ-tát vào chức vụ đánh giá như cũ. Rồi đến khi mệnh chung, Bồ-tát đi theo nghiệp của mình.

*

Sau khi trình bày pháp thoại này, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện với nhau, và kết luận bằng sự nhận diện Tiền thân như sau:

– Thời ấy, kẻ đánh giá quê mùa ngu si là Udàyi, còn vị đánh giá có trí là Ta vậy.

-ooOoo-

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 47

Post Views: 613