16. CHUYỆN CON NAI CÓ BA CỬ CHỈ. (Tiền thân Tipallatthamiga) – Nai cháu (La Hầu La) , Nai mẹ ( Liên Hoa Sắc)
16. CHUYỆN CON NAI CÓ BA CỬ CHỈ. (Tiền thân Tipallatthamiga) – Nai cháu (La Hầu La) , Nai mẹ ( Liên Hoa Sắc)
Phẩm giới – Tiểu bộ kinh Theravada
16. CHUYỆN CON NAI CÓ BA CỬ CHỈ. (Tiền thân Tipallatthamiga)
Nai với ba cử chỉ…,
Câu chuyện này, khi ở tại tinh xá Badarika ở Kosambi, bậc Ðạo Sư đã kể về Trưởng lão Ràhula (La-hầu-la) ham học các học giới. Một thời, bậc Ðạo Sư trú ở điện Aggàlava, gần thành Àlavi, nhiều nữ cư sĩ và Tỷ-kheo-ni thường đến tinh xá để nghe pháp. Thuyết pháp được tổ chức ban ngày. Nhưng sau một thời gian, các cư sĩ và các Tỷ-kheo-ni không đi nữa, chỉ có Tỷ-kheo và nam cư sĩ. Từ đấy, thuyết pháp được tổ chức ban đêm.
Sau buổi thuyết pháp, các Tỷ-kheo trưởng lão đi về chỗ ở của mình, còn các tu sĩ trẻ nằm tại phòng giảng với các nam giới. Khi họ ngủ, một số nằm ngáy khò khò và nghiến răng. Một số chỉ nằm một lát rồi dậy, nhìn thấy sự kiện không thích đáng ấy, và báo cáo lên Thế Tôn. Thế Tôn chế ra học giới như sau:
– Tỷ-kheo nào nằm ngủ với người chưa thọ Ðại giới là phạm tội Pàcittiya (Ba-dật-đề: tội phải thú nhận trước Tăng chúng)
Rồi Ngài đi đến Kosambi. Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo nói với Tôn giả La-hầu-la:
– Hiền giả La-hầu-la, Thế Tôn đã đặt ra học giới. Hiền giả nay hãy tìm chỗ ở của mình.
Lúc trước, vì kính trọng Thế Tôn, vì Tôn giả tha thiết học hỏi các học giới, các Tỷ-kheo ấy đã tiếp đón La-hầu-la như vào nhà của mình, đã soạn một chiếc giường nhỏ và cho Tôn giả một cái y lam gối. Nhưng hôm ấy, các Tỷ-kheo vì sợ vi phạm học giới, nên không cho La-hầu-la chỗ ở.
Hiền giả La-hầu-la không đi đến Thế Tôn là phụ thân của mình, cũng không đi đến Xá-lợi-phất là vị Tướng quân Chánh pháp và là giáo thọ sư của mình, cũng không đi đến Ðại-mục-kiền-liên là bậc sư trưởng của mình, lại đi vào phòng vệ sinh của Thế Tôn, như thể đi vào cung điện Phạm thiên và trú ở đấy.
Trong phòng vệ sinh của đức Phật, cửa luôn luôn khéo đóng, nền làm bằng đất thơm. Hoa và vòng hoa kết thành vòng dọc theo những bức tường. Suốt đêm có cây đèn thắp sáng. Hiền giả La-hầu-la không vì cảnh sang trọng này mà trú ở đấy, chỉ vì các Tỷ-kheo bảo tìm lấy chỗ ở, chỉ vì tôn trọng lời khuyên bảo, vì muốn học tập nên trú chỗ ấy.
Thỉnh thoảng, các Tỷ-kheo thấy Tôn giả từ xa đi đến, vì mục đích thử thách, thường quăng bên ngoài cái cán chổi hay một ít rác, chờ khi La-hầu-la đi đến, liền hỏi:
– Hiền giả, ai quăng đồ rác này?
Khi được nghe: Chính La-hầu-la đi qua đường này, La-hầu-la không nói: – Thưa Tôn giả, tôi không biết việc này.
Trái lại, La-hầu-la thường dọn rác ấy đi, khiêm tốn xin lỗi, và sau khi được tha lỗi mới đi. Vì mong muốn học tập như vậy, nên La-hầu-la mới trú tại chỗ ấy.
Rồi trước khi rạng đông, bậc Ðạo Sư đứng trước cửa phòng vệ sinh và đằng hắng. Tôn giả đằng hắng lại.
– Ai đó?
– Con là La-hầu-la.
Rồi Tôn giả đi ra đảnh lễ.
– Này La-hầu-la, sao con nằm ở đây?
– Vì không có chỗ ở, bạch Thế Tôn, trước đây các Tỷ-kheo cho con ở chung, nay vì sợ phạm tội, không cho con chỗ ở. Nghĩ rằng, đây là một chỗ không va chạm một ai, nên con nằm ở đây!
Thế Tôn xúc động mạnh vì Chánh pháp, suy nghĩ: “Với La-hầu-la, các Tỷ-kheo còn vất bỏ như vậy, thì đối với các lớp chúng trẻ mới xuất gia, có gì họ không làm được”.
Buổi sáng sớm, Thế Tôn cho họp các Tỷ-kheo và hỏi Tướng quân Chánh pháp:
– Này Xá-lợi-phất, ông có biết nay La-hầu-la trú tại chỗ nào không?
– Bạch Thế Tôn, con không biết.
– Này Xá-lợi-phất, La-hầu-la đang ở trong nhà vệ sinh! Này Xá-lợi-phất, nếu các ông vứt bỏ La-hầu-la như vậy, thì đối với các lớp trẻ mới xuất gia, có gì các ông không làm được? Nếu sự việc là vậy, những ai xuất gia trong Giáo pháp này sẽ không ở lại. Bắt đầu từ hôm nay, các ông được phép cho người chưa thọ Ðại giới ở chung một hay hai ngày. Ðến ngày thứ ba, cho họ ở ngoài, sau khi biết chỗ ở của họ.
Sau khi thêm điều khoản phụ này, Thế Tôn chế định học giới. Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo ngồi trong pháp đường tán thán đức hạnh của La-hầu-la:
– Thưa các Hiền giả, hãy xem La-hầu-la tha thiết học tập như thế nào. Khi được hỏi chỗ ở của mình, La-hầu-la không nói: Ta là con đức Thế Tôn. La-hầu-la không chống đối một Tỷ-kheo nào, nhưng đã đến ở phòng vệ sinh!
Khi các Tỷ-kheo đang nói như vậy, bậc Ðạo Sư đến tại pháp đường, ngồi xuống bảo toạ có trang hoàng và hỏi:
– Này các Tỷ-kheo, các ông nay ngồi ở đây đang nói chuyện gì?
– Bạch Thế Tôn, chúng con nói đến lòng tha thiết học tập của La-hầu-la, không nói chuyện gì khác.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Không phải chỉ nay La-hầu-la mới tha thiết học tập, mà trước kia khi làm bàng sanh, cũng đã tha thiết học tập rồi.
Và Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, một vị vua Ma-kiệt-đà đang trị vì tại Vương Xá. Lúc ấy Bồ Tát sanh làm một con nai, với đàn nai vây quanh sống ở trong rừng. Con nai chị đem con mình đến và nói:
– Này em, hãy dạy cho cháu em sự khôn ngoan của loài nai.
– Tốt lắm.
Bồ-tát đáp lại và nói:
– Này cháu thân, hãy đi, và vào giờ ấy, hãy đến học.
Con nai cháu không quên giờ cậu nói, đúng giờ nó đến và học sự khôn ngoan của loài nai. Một ngày kia, khi đi qua lại trong rừng, nó bị mắc vào bẫy sập và thốt tiếng kêu của con thú bị bắt. Ðàn nai bỏ chạy, về báo cho nai mẹ biết con bị mắc bẫy. Nó đi đến nai em và hỏi:
– Này em, cháu đã học sự khôn ngoan của loài nai chưa?
Bồ-tát nói:
– Ðừng sợ những điềm dữ đến với cháu. Nó đã khéo học được sự khôn ngoan của loài nai. Nay sẽ đến lượt chị cười rồi đó!
Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ này:
Nai với ba cử chỉ,
Với nhiều sự khôn ngoan,
Biết dùng chân tám móng,
Biết nửa đêm uống nước;
Chỉ với một lỗ tai,
Thở theo nhịp độ đất;
Với sáu sự khôn ngoan,
Cháu tôi thắng người thù.
Như vậy, Bồ-tát nêu rõ cháu mình đã học tốt đẹp sự khôn ngoan của loài nai, và an ủi nai chị. Còn nai con bị bắt trong bẫy sập, không vùng vẫy, nằm duỗi chân hết sức thoải mái theo một bên hông, móng chân cào đất tại chỗ gần chân, hất lên bụi và cỏ, đi tiểu và đại tiện, đầu gục xuống, le lưỡi, làm thân đẫm ướt mồ hôi, rồi nó nín thở khiến bụng trướng lên, trợn mắt, chỉ thở với một lỗ mũi ở dưới, nín thở vói lỗ mũi ở trên, khiến toàn thân cứng đờ như con vật đã chết. Vì thế cho nên các loài ruồi xanh đến bu quanh nó. Chỗ này, chỗ kia, các con quạ đã đậu xuống. Người thợ săn đi đến, lấy tay vỗ bụng nó, suy nghĩ: “Con này bị bắt hồi sáng, nay đã bắt đầu thối rồi”, kẻ ấy cởi dây trói cho nai, và nói:
– Nay ta làm thịt nó ở đây và sẽ mang thịt về.
Không ngờ vực gì cả, người thợ săn bắt đầu lượm cành cây và lá. Con nai con liền trỗi dậy, đứng lên bốn chân, vùng vẫy cái thân, vươn cổ, và như đám mây bị gió lớn tan, nó chạy rất nhanh về với mẹ nó.
*
Bậc Ðạo Sư nói:
– La-hầu-la không phải nay mới ham học, thuở trước cũng đã ham học như vậy.
Thuyết pháp thoại này xong, sau khi kết hợp hai câu chuyện, Ngài kết luận với sự nhận diện Tiền thân như sau:
– Khi ấy, con nai cháu là La-hầu-la, con nai mẹ là Upplavannà và con nai cậu là Ta vậy.
-ooOoo-
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 41