Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Phẩm Tâm: Tích Vị Tỳ Khưu Bất Mãn

“Sududdasaṃ sunipuṇaṃ,
Yatthakāmanipātinaṃ;
Cittaṃ rakkhetha medhāvī,
Cittaṃ guttaṃ sukhāvahanti”.

“Vi tế khéo lẩn lút,
Đắm chìm trong ngũ dục.
Kẻ trí hộ trì tâm,
Tâm hộ hưởng hạnh phúc”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài an ngự tại Jetavana (Kỳ Viên), đề cập đến một vị Tỳ khưu bất mãn.

Tương truyền rằng: Trong thời gian Đức Bổn Sư ngự gần thành Sāvatthī (Xá Vệ), có một Công tử con nhà triệu phú (Seṭṭhiputto) đến bạch với vị Đại đức quen thuộc với gia đình mình như vầy: “Bạch Ngài! Con có ý muốn thoát khổ, xin Ngài hoan hỷ thuyết pháp nào giải khổ được cho con nghe?”.

– Lành thay! Nầy đạo hữu, nếu đạo hữu muốn thoát khỏi khổ, đạo hữu nên hành pháp bố thí. Hãy cúng dường bằng cách rút thăm chia phần, để bát. Hãy tổ chức Trai Tăng mỗi kỳ sóc vọng, hãy hộ độ chư Tăng đang an cư kiết hạ, hãy dâng cúng tứ sự”.

Đạo hữu nên chia tư sản của mình ra làm ba phần, một phần dành để kinh doanh, một phần cấp dưỡng gia đình vợ con, một phần nữa đem ra bố thí cúng dường Phật pháp.

– Lành thay! Bạch Ngài.

Công tử vâng lời vị Đại đức, tuần tự thực hành các pháp bố thí, rồi lại đến bạch hỏi vị Đại đức rằng:

– Bạch Ngài! Những điều Ngài chỉ giáo cho con, con đã làm xong. Bây giờ con phải làm gì thêm khác nữa?

– Đạo hữu nên thọ trì Tam Quy và Ngũ Giới.

Sau khi đã thực hành những điều nầy, Công tử hỏi pháp cao thượng tiếp theo.

– Thế Thì, đạo hữu nên thọ trì Thập giới đi.

Công tử vâng chịu: “Lành thay! Bạch Ngài.” Do nơi cách tạo phước từ thấp tới cao, Công tử được người đương thời mệnh danh là Công tử Tuần Tự (Anupubba). Sau đó Công tử Anupubba lại bạch hỏi vị đại đức.

– Bạch Ngài! Còn phước nào cao thượng mà con nên làm nữa chăng?

– Thế thì con hãy xuất gia đi.

Công tử vâng chịu lời vị Đại đức, lìa bỏ gia đình để đi xuất gia. Có được vị Luận Sư là thấy tiếp dẫn và vị Luật Sư là thầy tế độ. Đều là những Đại đức thông suốt về pháp học của mình.

Khi vị tân sư đến gần vị thầy tiếp dẫn, thì được nghe vị ấy thuyết giảng về những đề tài trong tạng Vi Diệu Pháp “Đúng theo chơn lý của Đức Phật đã giác ngộ, pháp nầy nên hành, pháp nầy chẳng nên hành…”. Và khi vị ấy đến gần vị thầy tế độ, thì cũng được nghe thầy mình thuyết giảng những học giới trong Tạng Luật: “Đúng theo chánh pháp của Đức Thế Tôn, điều nầy nên làm, điều nầy chẳng nên làm… Điều nầy
hợp lẽ đạo, điều nầy không hợp lẽ đạo…”.

Vị Tỳ khưu ấy suy nghĩ rằng: “Chao ôi! Việc hành đạo nầy thật là phiền phức, ta xuất gia cầu mong đạt được sự thoát khổ, nào ngờ vào tu phải học bù đầu, không được thảnh thơi lúc nào cả. Phải biết trước như thế nầy, ta ở nhà làm cư sĩ, ráng sức tự tu cũng có thể thoát khỏi cái vòng khổ não được vậy”.

Từ đó về sau, Tỳ khưu Tuần Tự sanh tâm bất mãn, chán nản đề mục ba mươi hai thể trược không niệm, Phạn ngữ cũng không học, hình thể gầy còm tiều tụy, mình mẩy nổi gân xanh, tinh thần bạc nhược, ngồi đâu gãi đó.

Khi ấy, các vị Sa di trẻ tuổi nói với thầy Tỳ khưu Tuần Tự rằng: “Sư ơi! Sư làm gì mà đứng ngồi nơi đâu, sư cũng gãi ghẻ, phải sư mắc bịnh huỳnh đản chăng mà coi sư ốm o tiều tụy, mình đầy gân xanh, bần thần dã dượi vậy?”.

– Nầy các đạo hữu, tôi bất mãn lắm.

– Tại sao vậy sư?

Tỳ khưu Anupubba bèn tỏ thật tâm sự của mình. Mấy ông Sa di bèn đem chuyện nầy bạch lại với ông thầy tiếp dẫn và thầy tế độ. Hai ông nầy bèn dắt Tỳ khưu bất mãn ấy đến chỗ ngụ của Đức Thế Tôn, Đức Bổn Sư phán hỏi:

– Nầy các Tỳ khưu! Các ông đến đây có việc chi cần thiết?

– Bạch Ngài! Tỳ khưu nầy không thỏa mãn ở trong giáo pháp của Ngài.

– Các vị ấy nói thế. Có thật không hỡi Tỳ khưu?

– Dạ đúng, bạch Ngài.

– Tại sao vậy?

– Bạch Ngài, con xuất gia là mong được thoát khổ rồi vô tu, rồi lại được nghe thầy tiếp dẫn thuyết Vi Diệu Pháp, và vị thầy tế độ thuyết về Tạng Luật mà phát mệt, nên con nghĩ rằng: “Nơi đây đầu óc của ta thật là bận rộn, không được thảnh thơi.

Phải chi ta cứ làm cư sĩ, ở nhà hành cũng có thể thoát khổ được vậy”.

– Nầy Tỳ khưu! Nếu ông có thể giữ được một vật nầy thì ngoài nó ra, ông khỏi phải lo phòng hộ cái chi khác nữa.

– Bạch Ngài, vật chi vậy?

– Cái tâm của ông! Ông có thể gìn giữ nó được không?

– Bạch Ngài, con có thể giữ được.

– Thế thì ông hãy hộ trì cái tâm của ông, bấy nhiêu đó đủ để ông thoát khổ được.

Ban huấn từ xong, Đức Thế Tôn thuyết kệ rằng:

“Sududdasaṃ sunipuṇaṃ;
Yatthakāmanipātinaṃ;
Cittaṃ rakkhetha medhāvī,
Cittaṃ guttaṃ sukhāvahanti”.

“Tâm phàm bị ngũ dục cuốn lôi,
Vi tế, u uẩn, ngược xuôi khó nhìn.
Người khôn phòng hộ tâm mình,
Yên vui nhờ khéo giữ gìn bản thân”.

CHÚ GIẢI:
Sududdasaṃ: Do hai tiếng Suṭṭhu và duddasaṃ ghép lại, nghĩa là rất khó thấy, khó biết.

Sunipuṇaṃ: (suṭṭhu nipuṇaṃ) nghĩa là rất mềm, uyển chuyển hết sức vi tế, u ẩn.

Yatthakāmanipātinaṃ: Vui đâu trút đó, cứ để cho ngũ dục cuốn lôi, không kể giai cấp, tông tộc, tuổi tác… Cho cả về mặt giới luật thì bất chấp nên hư, phải quấy cho nên nói là thích đâu là mê sa đó.

Cittaṃ rakkhetha medhāvī: Đối với kẻ ngu si, đần độn thì sự phòng hộ bản tâm không thể có được, còn bậc hiền minh trí tuệ, sau khi làm chủ được tâm, đạt đến mức bình thản vô não hại thì có thể phòng hộ bản tâm, cho nên ông hãy phòng giữ tâm như thế ấy. Quả thật, tâm được phòng hộ thì đem chủ nó đến nơi an lạc, là đạo quả Níp Bàn an lạc vậy.

Khi bài kệ vừa dứt, Tỳ khưu bất mãn phát tâm hoan hỷ chứng đắc Dự Lưu quả. Nhiều vị khác cũng chứng đắc Thánh quả. Kỳ dư đại chúng thính pháp đều hưởng được sự lợi ích.

Dịch Giả Cẩn Đề

Công tử đi tu chỉ thích nhàn,
Thấy nhiều Kinh Luật phát bi quan.
Pháp môn bốn vạn chia đầy lối,
Học giới vài trăm rẽ đủ đàng!
Chẳng ở tiếng đời chê bạc nhược,
Không về cửa đạo chúng gian nan!
May nhờ Phật dạy dùng tâm hộ,
Vào được dòng xuôi đến Níp Bàn.
DỨT TÍCH TỲ KHƯU BẤT MÃN

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 36

Post Views: 270