tích này có thể là 1 ví dụ điển hình của sự vô thường nơi tâm, vô thường cả nơi thân

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Phẩm Tâm: Tích Đại Đức SOREYYA (Tu Lệ Da)

“Na taṃ mātā pitā kayirā,
Aññe vāpi ca ñātakā;
Sammāpaṇihitaṃ cittaṃ,
Seyyaso naṃ tato kare’ti”. “Không phải do cha mẹ,
Hoặc thân nhân làm thế.
Chính tâm niệm chánh chơn,
Khiến người cao thượng hơn”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra nhân câu chuyện phát khởi từ thành Soreyya (Tu Lệ Da), về sau chấm dứt tại thành Sāvatthī (Xá Vệ). Trong thời Đức Chánh Biến Tri an cư gần thành Sāvatthī. Trong thành Soreyya, có công tử con nhà triệu phú Soreyya, cùng với người bạn ngồi chung một cỗ xe nhỏ, nhanh lẹ, gọn gàng đã dắt theo rất đông bộ hạ tùy tùng đi ra phía ngoài thành để tắm. Ngay lúc đó, Đại đức Mahākaccāyana đang đứng ngoài cổng thành đắp y Tăng Già Lê (Saṅghāṭi) lên mình, định vào thành Soreyya để khất thực, thân sắc của Đại
đức sáng đẹp tợ vàng ròng. Công tử Soreyya trông thấy Đại đức cởi trần, ước thầm: “Cha! Phải chi Đại đức nầy là vợ của mình hoặc là vợ mình có được thân hình sáng đẹp như thân hình của Đại đức nầy”.

Vì nghĩ quẩy như thế, công tử mất hết cả nam tướng đột nhiên biến thành một tiểu thơ, hết sức hổ thẹn, Soreyya tuột xuống xe bỏ trốn. Cả đoàn tùng giả đều thấy tiểu thư, nhưng không ai nhìn ra đó là công tử của mình, nên ngơ ngác hỏi chuyền nhau: “Cái gì thế? Cái gì thế?”. Người nam hóa nữ nầy đi thẳng một mạch đến thành Takkasilā, chẳng từ giã người bạn cũ của mình, báo hại chàng ta đi tìm công tử Soreyya khắp vùng lân cận chung quanh mà chẳng hề gặp. Sau khi tắm trở về, nghe Trưởng giả hỏi:

– Còn công tử ở đâu?

Nhóm bộ hạ đáp: “Chúng con tưởng rằng công tử tắm xong trở về nhà trước rồi!”. Khi hay tin con mình mất tích, ông triệu phú cho người đi tìm công tử khắp nơi nhưng không gặp, thì buồn rầu than khóc, rồi nấu cơm cúng quảy vì nghĩ rằng công tử đã chết chìm.

Tiểu thư Soreyya đi đường gặp một đoàn lái buôn, bèn đi bộ theo sau chiếc xe của ông đoàn trưởng, nhiều người trông thấy tiểu thư liền hỏi rằng:

– Cô gái đi theo xe chúng tôi, cô là con nhà ai chúng tôi không biết?

– Mấy ông cứ đánh xe đi đi, để tôi đi bộ cũng được. Nhưng đi lâu mỏi chân, tiểu thư cởi chiếc nhẫn đeo ở ngón tay ra đổi lấy một chỗ ngồi trên xe.

Những lái buôn suy nghĩ: “Trong thành Takkasilā có công tử là con nhà triệu phú của ta chưa có đôi bạn, để ta làm mối chỉ xe tơ cho cô nầy với công tử. Chắc ta sẽ được trọng thưởng”.

Thế là họ đi ngay đến công tử nói rằng:

– Thưa ông chủ! Hôm nay chúng tôi đưa về cho ông chủ một bảo nữ (itthīratana).

Nghe vậy, công tử cho mời tiểu thư Soreyya đến để công tử xem mặt. Khi thấy tiểu thư trẻ trung xinh đẹp, duyên dáng, công tử sanh lòng yêu mến, bèn nhận cưới làm chánh thất. (Hiện tượng nam hóa nữ hay nữ hóa nam rất thông thường, mặc dầu là khó thấy. Thật vậy, không hề có việc người nam nào chưa từng hóa thành nữ, và cũng không hề có người nữ nào mà không hóa thành nam. Quả nhiên, những người nam đã gian dâm với vợ kẻ khác, sau khi mệnh chung phải thọ khổ hàng trăm kiếp, nằm trong địa ngục và khi tái sanh làm người thì phải mang thân phụ nữ. Chính Đại đức Ānanda là bậc Thánh Thinh Văn đã hoàn thành pháp độ sau một trăm ngàn đại kiếp, nhưng khi còn
luân hồi cũng có lần phạm tội tà dâm trong kiếp sanh làm con người thợ rèn. Sau khi mãn kiếp đọa sa vào địa ngục, thọ khổ đền tội xong, do nghiệp còn dư sót, còn phải mang thân phụ nữ, làm vợ người nam trong mười bốn kiếp và trải qua thêm bảy kiếp nữ nhân nữa mới được trở lại làm người nam. Những phụ nữ, sau khi làm các việc lành như bố thí, trì giới… không muốn mang thân người nữ, nên phát nguyện rằng: “Do phước báu của chúng tôi ngày hôm nay, xin cho chúng tôi được tái sanh làm nam nhân trong ngày vị lai”, (Idaṃ no puññaṃ purisattabhāvapaṭilābhāya saṃvattatūti), thì sau khi chết được hóa thân thành nam tử. Chư thiên nữ hầu hạ Thiên Vương cũng do sự hành đạo chơn chánh mà được hóa sanh thành thiên tử. Công tử Soreyya nầy vì một lúc dấy ý nghĩ xằng đối với Ngài Mahākaccāyana
mà trong kiếp hiện tại hóa thành nữ nhân).

Ăn ở với con ông triệu phú trong thành Takkasilā, cô Soreyya có thai, mãn mười tháng cô sanh con trai, khi đứa con đầu biết đi lẫm đẫm thì cô lại sanh thêm một đứa con trai nữa.

Thế là cô làm mẹ hai đứa con trai, nếu tính chung trước đó, khi còn là công tử Soreyya cô có được hai con trai, thì cô có tất cả là bốn người con trai. Lúc bấy giờ, chàng thanh niên bạn cố tri của cô đang ngồi trên một cỗ xe nhỏ, dẫn đầu năm trăm cỗ xe bò. Chàng từ thành Soreyya sanh thành Takkasīla. Khi đoàn xe đi vào trong thành, cô Soreyya đứng trên tầng chót tòa lâu đài của mình, mở cửa sổ nhìn xuống đường phố, trông thấy thanh niên thì nhận ra được bạn cố tri, bèn sai nữ tỳ đi mời thanh niên lên lầu thượng, khoản đãi niềm nở, trọng hậu.
Thanh niên không biết chủ nhân nên hỏi:

– Thưa bà! Bà chưa từng tiếp xúc với chúng tôi lần nào, tại sao bà lại hậu đãi chúng tôi như thế nầy, hay là có quen biết với chúng tôi chăng?

– Vâng thưa công tử tôi có quen biết với công tử, phải công tử ở thành Soreyya không?

– Dạ phải, thưa bà.

Bà chủ nhà lại hỏi thăm tình hình sức khỏe của song thân, của vợ con công tử Soreyya. Công tử đáp:

– Dạ thưa bà, tất cả đều bình an vô bịnh… Thưa bà, bà cũng có quen biết với nhà ông triệu phú ấy nữa sao?

– Dạ thưa công tử, tôi biết ông bà có một cậu công tử. Cậu ấy hiện giờ ở đâu?

– Bà ơi! Cậu ấy mất rồi, xin bà đừng nhắc đến nữa. Một hôm tôi với công tử cùng ngồi chung trên cỗ xe nhỏ, đi ra ngoài thành để tắm. Thế rồi, cậu ấy mất tích chúng tôi không biết cậu ấy đi đâu, tìm khắp quanh vùng cũng không gặp cậu ấy. Về báo tin cho ông bà Trưởng giả, hai ông bà khóc lóc thở than, rồi lo liệu ma chay cầu siêu cho cậu…

– Thưa ông, chính tôi là công tử Soreyya đây.

– Thưa bà! Bà có tỉnh trí không? Mà sao bà lại nói như thế. Bạn của tôi là một công tử khôi ngô tuấn tú, đẹp như Thiên tử cõi Thượng thiên kia mà.

– Thưa công tử, chính tôi là cậu ấy, không dám nói ngoa.

Cậu công tử không tin lại hỏi:

– Sao lạ kỳ vậy?

– Ngày ấy, công tử có thấy Đại đức Mahākaccāyana chớ?

– Vâng, tôi có thấy.

– Tôi đã ngắm nhìn Ngài Đại đức, rồi ước ao rằng: “Chà phải chi Đại đức làm vợ mình, hay là vợ mình có thân hình đẹp đẽ như của Đại đức”, vừa nghĩ quấy như vậy, thì nam tướng biến mất và nữ tướng của tôi hiện rõ rệt ra. Khi ấy, tôi quá hổ thẹn,  khôn dám nói ra cho ai biết cả, bỏ chạy lánh đi chỗ khác đó công tử.
– Ôi thôi! Bạn tệ quá đỗi tệ, tại sao lúc bấy giờ bạn không cho tôi hay? Bây giờ bạn đã sám hối với Ngài Đại đức chưa?

– Thưa công tử chưa, công tử biết đại đức bây giờ ở đâu không?

– Ngài đang cư ngụ trong thành nầy.

– Nếu Đại đức có trì bình ngang đây. Tôi sẽ xin đặt bát Ngài, cúng dường đến Ngài.

Công tử đến chỗ ngụ của Đại đức, đảnh lễ Ngài rồi ngồi nép qua một bên, bạch rằng:

– Bạch Ngài, xin thỉnh Ngài ngày mai nầy đến thọ bát nơi nhà con.

– Nầy công tử, ngươi từ xa đến đây phải chăng?

– Bạch ngài! Xin Ngài đừng hỏi con về việc ấy, chỉ xin thỉnh Ngài ngày mai nầy thọ bát nơi nhà con.

Đại đức im lặng nhận lời.

Công tử trở về nhà sắp đặt lễ vật cúng dường trọng thể đến Đại đức. Hôm sau,  Đại đức đi ngay đến nhà của công tử. Sau khi thỉnh Đại đức an tọa và cúng dường thực phẩm thượng vị đến Đại đức, công tử dắt cô Soreyya ra quỳ mọp dưới chân Đại đức: “Bạch Ngài, xin Ngài thứ tội cho bạn con”.

– Chuyện chi thế?

– Bạch ngài! Cô nầy đây, trước kia là một người nam, bạn thân thiết của con, có lỡ nhìn trộm Ngài và ước quẩy như vậy, thành ra mất hết nam tính, hóa ra thân nữ nhân, xin Ngài xá tội.

– Thôi hãy đứng dậy, ta miễn thứ cho cô đó.

Đại đức vừa dứt lời thì tiểu thư Soreyya hoàn hình công tử trở lại như trước.  Sau khi ấy, công tử Takkasilā nói với công tử Soreyya:

– Nầy bạn, hai đứa con nầy do tôi và bạn sanh ra, hoàn thai và hoàn dưỡng chúng, sanh dưỡng cũng đạo đồng, chúng nó là con của chúng ta, vậy chúng ta cứ tiếp tục chung sống ở đây bạn đừng ngại chi cả.

– Bạn à! Tôi đã sống một kiếp là nam nhân, sau đó là nữ nhân và bây giờ trở lại thân nam nhân như trước. Ba lần thay đổi xác thân. Lần đầu tôi là cha hai đứa con trai, lần sau là mẹ hai đứa con trai khác, cho nên bây giờ đây tôi đã chán ngán đời sống tại gia. Thôi bạn đừng cố gắng lưu tôi lại làm gì. Tôi sẽ đến xuất gia với Ngài Đại đức, hai đứa con nầy xin bạn ráng nuôi nấng, dạy dỗ, đừng bỏ chúng vất vả tội nghiệp.
Nói rồi, công tử Soreyya hôn hít, nựng nịu hai đứa con trai, đoạn nắm tay chúng giao trả tận tay cha chúng, rồi từ giã ra đi đến xuất gia với Ngài Đại đức.

Đại đức cho công tử xuất gia làm Sa di, về sau cho thọ Cụ túc giới, rồi dắt đệ tử lần lượt du hành về thành Sāvatthī.

Từ đấy, người ta gọi vị tân Sư nầy là Tỳ khưu Soreyya. Hiện tượng biến nam thành nữ của Đại đức Soreyya lúc Ngài chưa xuất gia đã
làm chấn động dư luận trong xứ. Thiên hạ đua nhau đến hỏi Đại đức:

– Bạch Ngài! Chúng tôi nghe đồn rằng: Ngài đã hóa nữ, rồi lại hóa nam. Chuyện ấy có thật chăng?

– Quả thật như thế, nầy đạo hữu.

– Bạch Ngài, nếu quả thật vậy, trong hai đợt con ấy, một đợt do Ngài hoài thai và một do hột giống của Ngài, Ngài thương lớp con nào hơn?
– Nầy đạo hữu, những con do tôi sanh thì thương nhiều hơn.

Hết kẻ nầy đến kẻ khác, những kẻ hiếu kỳ luôn luôn tìm gặp Đại đức Soreyya chỉ hỏi bấy nhiêu đó thôi. Đại đức phải lặp đi lặp lại mãi câu trả lời: “Con lọt lòng thì thương hơn”. Vừa thẹn vừa bực, Đại đức tìm lãng vào chỗ thanh vắng để dễ bề hành đạo.

Nhờ hạnh độc cư, Đại đức Soreyya an tâm, quán sự sanh diệt của danh sắc trong tự ngã, chứng đắc A La Hán quả với Tuệ phân tích. Sau đó, cũng còn nhiều kẻ đến hỏi Ngài nữa:

– Bạch Đại đức nghe đồn rằng: Ngài đã biến tính như thế, có đúng không?

– Quả có thế, nầy đạo hữu.

– Vậy trong hai lớp con của Ngài, Ngài thương đứa nào nhiều hơn?

– Ta không còn yêu thương lớp con nào nữa cả.

Chư Tăng nghe được câu hỏi trả lời của Đại đức bèn tố cáo với Đức Bổn Sư:

– Bạch Ngài! Tỳ khưu nầy đại vọng ngữ, những ngày trước đây ông mới nói: “Con lọt lòng thì thương hơn”. Hôm nay ông lại nói: “Không còn thương con nào hết”. Thế là ông ta dám khoe dối pháp cao nhân, bạch Ngài. Đức Bổn Sư phán: “Nầy các Tỳ khưu! Con trai của Ta không khoe dối pháp cao nhân, nhờ chánh niệm chánh chơn, con ta đã kiến đạo, nên từ đó về sau không còn thương mến con nào nữa cả. Thật thế, sự nghiệp là thánh sản mà cả cha lẫn mẹ không thể tạo được cho những chúng sanh nầy, thì chỉ có nội tâm chơn chánh của họ đã ban
bố cho họ mà thôi”.

Để giải rộng luận đề trên, Đức Bổn Sư thuyết pháp thoại và đọc lên kệ rằng:

“Na taṃ mātā pitā kayirā,
Aññe vāpi ca ñātakā;
Sammāpaṇihitaṃ cittaṃ,
Seyyaso naṃ tato kare’ti”.

“Chẳng phải do cha mẹ sanh,
Hoặc thân thuộc khác tạo thành mà nên.
Đưa người cao thượng hơn lên,
Chính tâm niệm hướng về bên thiện lành”.

CHÚ GIẢI:
Na taṃ: Việc ấy không phải do cha hay mẹ hoặc là những bà con họ hàng nào khác làm nên cho họ được.

Sammāpaṇihitaṃ: Đặt đúng trên lộ Thập thiện nghiệp là bố thí, trì giới, thiền định, tôn kính, phục vụ, hồi hướng công đức, tùy hỷ công đức, thính pháp, thuyết pháp nói đạo, chánh kiến.

Seyyaso naṃ tato kare’ti: Chính nhờ tâm niệm chánh của họ, làm cho họ trở nên quý báu, cao thượng hơn lên. Thật thế, cha mẹ có thể đem tài sản truyền lại cho con trai mình, nhưng không thể khiến cho chúng sống hạnh phúc suốt đời được, như song thân bà Visākhā là sỡ hữu chủ của một sản nghiệp kinh dinh đồ sộ dường ấy, đã làm cho bà tài sản lớn, mong rằng bà sống suốt đời hạnh phúc, nhưng cũng tùy theo sức mình mà thôi. Không thể có cha mẹ nào có thể cho con mình cơ đồ của một bực chuyển luân vương bao trùm bốn châu thiên hạ. Đừng nói chi đến tài sản của chư Thiên, hoặc là tài sản của bậc cao nhân là các mức thiền định, hoặc là tài sản siêu thế là các đạo quả.
Thế mà, tâm niệm chánh đạo nằm trên đường Thiện nghiệp có thể cho hành giả tất cả những sản nghiệp phi thường ấy, cho nên nói do cái tâm niệm chánh của họ làm cho họ trở nên quý báu cao thượng hơn lên vậy. Khi thời pháp chấm dứt, nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh quả nhất là Tu Đà Hườn quả. Kỳ dư thính chúng đều hưởng lợi ích.

Dịch Giả Cẩn Đề
Nam mà hóa nữ lại hoàn nam,
Hai gánh gia đình nghĩ hết ham!
Nghĩa vợ tình chồng thôi đã chán,
Lòng cha, dạ mẹ chỉ thêm nhàm.
Dâm căn nguyện dứt, nương thiền quán,
Giới bổn xin gìn, ngụ thảo am.
Tu Lệ Da đi về Xá Vệ,
Nhờ môn tàm quý được siêu phàm.
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC SOREYYA
DỨT PHẨM TÂM

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 54

Post Views: 561