Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Phẩm Song Đối: Tích Hai Vị Tỳ Khưu Bạn

“Bahumpi ce sahitaṃ bhāsamāno,
Na takkaro hoti naro pamatto;
Gopo’va gāvo gaṇayaṃ paresaṃ,
Na bhāgavā sāmaññassa hoti”.

“Appampi ce sahitaṃ bhāsamāno,
Dhammassa hoti anudhammacārī;
Rāgañca dosañca pahāyamohaṃ,
Sammappajāno suvimuttacitto;
Anupādiyāno idha vā huraṃ vā,
Sa bhāgavā sāmaññassa hoti”.

“Kinh nhiều năng thuyết tụng,
Pháp không hành, phóng túng;
Như giữ đếm bò người,
Chẳng hưởng Sa môn dụng”.

“Kinh nhiều ít thuyết tụng,
Chánh pháp hành trì đúng,
Trí minh, tâm giải phóng,
Tất hưởng Sa môn dụng”.

Kệ Pháp Cú nầy (19 – 20), Đức Bổn Sư thuyết ra khi ngự tại Đại Tự Jetavana, đề cập đến hai người bạn cùng xuất gia một lượt. Thời ấy, ở thành Sāvatthī, có hai vị công tử kết bạn với nhau, sau khi đi chùa nghe Đức Bổn Sư thuyết pháp, họ bèn từ bỏ ngũ trần dục lạc cùng nhau quy ngưỡng giáo lý của Đức Thầy rồi xuất gia luôn.

Khi mãn thời hạn năm năm nương nhờ các vị Cao Tăng, Đại đức (A Xà Lê và Trưởng lão). Hai bạn Tỳ khưu cùng đến đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch hỏi về pháp chủ yếu của bậc xuất gia. Nge Đức Thế Tôn giảng giải rành mạch về Pháp hành (Vipassanā dhura) và Pháp học (Gantha dhura), một vị nói:

– Bạch Ngài! Con vì lớn tuổi mới xuất gia, chắc không kham kiện toàn Pháp học, nhưng Pháp hành thì con có thể thành tựu viên mãn.
Thế rồi vị ấy xin Đức Bổn Sư chỉ dạy cách hành thiền, gia công gắng sức tu tập, nên đắc A La Hán quả với Tuệ phân tích. Còn vị kia lại bạch rằng: “Bạch Ngài, con sẽ thành tựu được Pháp học”. Sau khi lần lượt học hết Phật ngôn, thông suốt Tam Tạng vị nầy đi đến đâu cũng đem sở học của mình ra mà thuyết pháp giảng đạo, chú giải kinh điển, thu phục được năm trăm Tỳ khưu đệ tử và trở thành vị Pháp sư, cầm đầu mười tám đoàn Tăng lữ đông đảo.

Nhiều Tỳ khưu, sau khi thọ giáo đề mục thiền định nơi Đức Bổn Sư, cùng nhau đến đạo tràng của vị Thiền sư nói trên để mong nương nhờ hành đạo. Nhờ hết lòng vâng giữ hành theo những huấn từ của vị thầy chỉ dẫn (ācāriya), tất cả đều đắc quả A La Hán. Sau đó, chư Tăng đến đảnh lễ vị Thiền sư và bạch: “Bạch Ngài, chúng tôi muốn đến yết kiến Đức Bổn Sư”. Vị Thiền sư tiễn biệt chư Tăng và dặn rằng: “Chư
hiền hữu cứ đi đi và cho ta kính lời đảnh lễ Đức Bổn Sư và tám mươi vị Đại Thinh Văn và hãy nhân danh ta mà vấn an Đại đức Pháp Sư bạn ta giùm một chút”.

– Các Tỳ khưu về đến Tịnh xá vào đảnh lễ Đức Bổn Sư và tám mươi vị Đại Thinh Văn đệ tử Phật, xong rồi liền đi tìm Đại đức chuyên về Pháp học và bạch rằng:

“Bạch Ngài! Thầy chỉ dẫn của chúng con có lời đảnh lễ Ngài”.

Vị Pháp sư hỏi: “Thầy của các ông là ai?”.

– Bạch Ngài! Đó là vị Tỳ khưu bạn của Ngài.

Mấy lần đầu, khi nhận được tin của vị Tỳ khưu bạn cũ nhắn thăm như thế thì vị Pháp sư còn nhắn lại được. Nhưng về sau hết tốp nầy đến tốp kia, những đệ tử của vị Thiền sư cứ đem tin về mãi, khiến cho vị Pháp sư không dằn tâm ngã mạn được mỗi khi nghe chư Tỳ khưu bạch đi bạch lại rằng: “Thầy của chúng con kính lời đảnh lễ Ngài”.

Vị Pháp sư hỏi: “Thầy của các ông là ai?”.

– Bạch Ngài! Đó là vị Đại đức bạn cũ của Ngài.

Nghe đáp như vậy vị Pháp sư cật vấn các đệ tử của bạn mình rằng: “Các ông đã học được những gì nơi thầy của các ông, có học được bộ nào trong các kinh, nhất là Trường Bộ Kinh không? Có được Tạng nào trong tam tạng chưa?…”.

Rồi vị Pháp sư tự nói thầm: “Ông sư nầy chẳng thuộc nổi bài kệ Tứ cú nào mà cũng dám làm thầy dạy người ta. Vừa xuất gia ông ta liền thọ pháp Đầu đà, mặc y phấn tảo, ngự luôn trong rừng, quy tụ cho thật nhiều đệ tử, để khi ông về giáp mặt ta sẽ chất vấn ông ta vài câu mới được”.

Sau đó, một thời gian vị Thiền sư trở về để bái yết Đức Bổn Sư, có ghé qua gởi y bát của mình nơi vị Pháp sư bạn cũ.

Sau khi đảnh lễ, thỉnh an Đức Bổn Sư và tám mươi vị đại Trưởng lão, Thiền sư trở về chỗ ngụ của Pháp sư. Đại đức nầy chào đón bạn của mình đúng theo phép của vị trụ trì đối với khách Tăng, xong rồi mới ngồi ngang hàng, trong bụng tính thầm:

“Ta sẽ chất vấn ông sư nầy mới được”.

Trong khi ấy, Đức Bổn Sư biết rõ tâm lý của vị trụ trì Pháp sư, Ngài nghĩ rằng:

“Nếu để Tỳ khưu nầy làm khổ con Như Lai như thế, thì ông ta sẽ sa địa ngục”.

Động lòng bi mẫn, muốn ra tay tế độ, Đức Thế Tôn làm như đi quan sát quanh ngôi Tịnh xá rồi ngự ngay đến nơi chỗ hai Tỳ khưu bạn đang ngồi đàm đạo, Ngài ngự lên Phật Bảo tọa đã được dành soạn sẵn.

(Chư Tăng giữ lệ: Thường thường trước khi ngồi luận đạo bất cứ nơi đâu cũng phải dọn sẵn một Bảo tọa để dành phòng khi Đức Phật ngự đến thình lình. Vì thế, Đức Bổn Sư đến là ngự ngay lên Phật Bảo tọa đã dọn sẵn).

Khi an tọa, Đức Bổn Sư bèn hỏi vị Tỳ khưu chuyên về Pháp học (Ganthika bhikkhu) một câu hỏi về Sơ thiền (Pathamajjhāna) vị Pháp Sư chịu bí không trả lời được (Tasmiṇ akathite). Đức Bổn Sư lần lượt hỏi tiếp về các pháp siêu nhân (Uttarimanussa dhamma) khác, từ Nhị thiền lên cao đến Bát thiền, từ thiền Hữu sắc đến thiền Vô sắc.

Vị Đại đức chuyên về Pháp học chịu phép bí luôn không đáp được câu nào cả (Ganthikattheropi ekampi kāthetuṃ nāsakkhi).

Kế đó, Đức Bổn Sư lại chất vấn về Tu Đà Hườn đạo vị Pháp sư cũng không đáp được. Đức Bổn Sư quay qua hỏi vị Đại đức Lậu Tận, Đại đức giải đáp trôi chảy hết.

Đức Bổn Sư hết sức hoan hỷ, tán dương rằng: “Lành thay! Lành thay!”. Đoạn Ngài hỏi tiếp về Tư Đà Hàm đạo, A Na Hàm đạo, A La Hán đạo.
Vị Đại đức Pháp sư không trả lời được câu nào cả, còn vị Đại đức A La Hán thì mỗi câu mỗi trả lời một cách rành mạch.

Cứ mỗi lần vị Thiền sư đáp trúng thì Đức Bổn Sư lại hoan hỷ tán dương:

“Sādhu! Lành thay!” và tất cả chư Thiên, từ quả địa cầu cho đến cõi Đại Phạm Thiên, luôn cả Long Vương và Kim Sí Điểu (suppaṇṇa) đều đồng thanh hoan hô vang dậy:

“Lành thay! Lành thay!”.

Đức Bổn Sư khen vị Thiền sư bốn lượt như vậy, sau khi nghe tiếng “Sādhu! Lành thay!” lần cuối cùng, nhóm thị giả và đệ tử của vị Pháp sư đều bất bình, than phiền trách móc rằng: “Tại sao Đức Bổn Sư lại làm như vậy, vị Đại đức già dốt kia có biết chi đâu mà Đức Bổn Sư Ngài lại quá khen lão sādhu đến bốn lượt như thế. Còn vị Pháp sư là thầy của chúng ta đã thuộc nằm lòng tất cả Phật ngôn trong Tam Tạng lại
là vị Tăng trưởng của năm trăm Tỳ khưu thì Ngài chẳng tán thưởng lần nào cả”.

Nghe chư Tăng đang xầm xì to nhỏ, Đức Bổn Sư quay lại hỏi rằng: “Nầy các Tỳ khưu! Các ông đang nói chi đó vậy”, nghe chư Tăng đáp xong Đức Bổn Sư dạy rằng:

“Nầy các Tỳ khưu! Giáo sư của các ông đang ở trong Giáo pháp của Như Lai chẳng khác nào mục đồng chăn giữ bò cái cho người, còn con của Như Lai thì giống như chủ đàn bò, có thể tùy thích thọ dụng năm thứ phẩm vị của bò (pañcagorasa)”.

Nói xong, Đức Thế Tôn ngâm hai bài kệ dưới đây:

“Bahumpi ce sahitaṃ bhāsamāno,
Na takkaro hoti naro pamatto;
Gopo’va gāvo gaṇayaṃ paresaṃ,
Na bhāgavā sāmaññassa hoti”.

“Appampi ce sahitaṃ bhāsamāno,
Dhammassa hoti anudhammacārī;
Rāgañca dosañca pahāyamohaṃ,
Sammappajāno suvimuttacitto;
Anupādiyāno idha vā huraṃ vā,
Sa bhāgavā sāmaññassa hoti”.

“Tụng kinh thuyết pháp thường thường,
Mà lòng khinh xuất chẳng nương Pháp hành.
Người còn dính mắc lợi danh,
Không chi hưởng được quả lành Sa môn.
Khác nào mục tử cô thôn,
Vì người chuyên có một môn đếm bò”.

“Kinh dù tụng chẳng mấy pho,
Nhưng y giáo pháp đắn đo hành trì.
Diệt trừ tham với sân, si,
Hiểu biết chân chánh tâm ly dục trần.
Đời nầy đời nữa không cần,
Ắt là hưởng được phước phần Sa môn”.

CHÚ GIẢI:

Chữ Sahitaṃ trong hai bài kệ trên đây chỉ những Phật ngôn ghi chép trong Tam Tạng kinh điển Pāli (Tipiṭaka). Tỳ khưu theo lời thầy A Xà Lê (ācāriya) học hiểu rành rẽ rồi đem ra thuyết giảng đọc tụng cho người khác nghe. Dầu cho có thuyết giảng thật nhiều mà người không vâng giữ hành theo những lời chỉ dạy của Đức Phật thì đến ngày vô thường (aniccā divasa) trong khoảng khắc ngắn ngủi bằng con gà trống vỗ
cánh, người ấy cũng không sao giữ được bình tĩnh sáng suốt để tránh khỏi bị sa đọa.

Bao giờ cũng vậy, kẻ chăn bò cái mướn, đến hết ngày thì lùa gom bò, đếm cho đủ số giao lại cho chủ rồi nhận lãnh chút ít tiền công, chứ không được tùy thích thọ hưởng năm thứ phẩm vị của bò cái (sữa tươi, sữa chua, lạc, sanh tô, đề hồ). Cũng y như thế vị Pháp sư năng thuyết bất năng hành cùng với toàn thể nhóm Tỳ khưu đệ tử của mình chia nhau làm công việc lớn nhỏ, rồi chia nhau hưởng lợi lộc vật chất (mà Đức Phật cho là không cần yếu) chớ không được chia hưởng phần phước cao quý của bậc Sa môn đắc đạo quả.

Trái lại, người chủ bò, bao giờ cũng có thể tùy theo sở thích, thọ dụng năm thứ phẩm vị của bầy bò mà kẻ chăn giữ đem về giao lại cho mình. Cũng y như thế, người nghe thuyết pháp rồi, ráng vâng giữ hành theo cho đúng đắn, lần lượt chứng nhập từ các bậc thiền từ Sơ thiền trở lên, hoặc là tăng tiến pháp hành Minh Sát chứng đắc đạo quả tức là được chia hưởng phần phước cao quý của quả vị Sa môn, như người chủ bò được hưởng năm thứ vị của bò cái vậy.

Trong bài kệ đầu, Đức Bổn Sư không nói động đến người phá giới (dussīla), Ngài chỉ đề cập đến vị Tỳ khưu giới đức (Sīlasampanna), quảng kiến, đa văn (bahussuta), nhưng có tánh dể duôi khinh suất (pamāda) đến ngày vô thường còn giữ được tâm trí bình thản nên không bị sa đọa. Kệ thứ nhì: Đề cập đến người dầu không nghe nhiều, học rộng, nhưng rất cẩn thận, luôn luôn lưu ý đến nghiệp mình đang làm.

Trong kệ nầy, appampi ce đề cập đến người, dầu cho chỉ biết chút ít, như chừng một hai phẩm kinh chi đó, mà thôi.

Dhammassa anudhammacārī (Chánh pháp trì hành đúng), để rõ được nghĩa kinh, thông được lý pháp, Tỳ khưu hành trì các pháp thích nghi đưa đến pháp siêu Thế (Nava lokuttara dhamma), gọi là giai đoạn đầu của con đường tu (pubba bhāga paṭipadā), gồm có Tứ thanh tịnh giới: Thu thúc giới bổn, quán tưởng, chánh mạng, hạnh đầu đà: mười ba Pháp đầu đà, nhất là mặc y phấn tảo, đi bát mà ăn, ngụ ở trong
rừng… Thiền quán bất tịnh (mười đề mục tử thi). Như thế mới là người hành theo chánh pháp (anudhammcārī).

Ví như hôm nay hoặc hôm nào chẳng hạn vị ấy nguyện giải nghĩa lý thâm sâu vi diệu của Phật ngôn và bắt đầu hành đạo theo chánh pháp, nhờ sự thực hành đúng đắn, từ bỏ tham, sân, si làm cái nhân chân thật vị ấy giác ngộ chứng pháp cần giác ngộ, tẩy sạch mọi thứ phiền não ngủ ngầm trong tâm do theo năm lối: là do Minh sát tuệ (vikkhambhana), do Thánh đạo (samuccheda), do Thánh quả (paṭi passaddhi), do
nhập Níp Bàn tức là được giải thoát (nissaddhi), do nhập Níp Bàn tức là được giải thoát (nissaraṇa).

Anupādiyāno idha vā huraṃ vā (không chấp đây hoặc kia là) nghĩa là không chấp trước ngoại cảnh hay nội tâm (ajjhatta bāhirā), không chấp trước các uẩn, căn và chất (khandhāyatanadhātu), không chấp bốn cái thủ (cố chấp trong ngũ trần, kiến thức, giới cấm thủ, bản ngã), nhờ đó mà hành giả chứng được bậc Đại Lậu Tận (Mahā khīṇāsava) đạt đến con đường có tên là Sa môn đạo, để đắc Sa môn quả là như thế,
tức là chia hưởng được phần phước của Sa môn, thọ dụng năm môn của bậc Vô học (asekkha dhammakkhandha) như là ngôi nhà được cơi lên một cái gác nhọn (ratanakūṭa), bực hành giả chơn chánh, nhờ nghe thuyết pháp rồi ráng vâng giữ hành theo mà đạt đến quả vị tối cao là A La Hán vậy.

Kệ ngôn vừa dứt, nhiều Tỳ khưu đắc Thánh quả nhất là Tu Đà Hườn quả, đại chúng thính pháp cũng đều được hưởng sự lợi ích.

Dịch Giả Cẩn Đề
Học để độ người chẳng độ mình,
Cậy tài hoạt bát trí thông minh.
Muốn ai cũng biết qua nhiều pháp,
Cười kẻ không rành, thuộc ít kinh.
Tham dục còn, thì chưa bất tử,
Sân si hết, mới thật vô sinh.
Thuyết hay, hay thuyết, đều vô bổ,
Nếu chẳng kèm thêm chút Pháp hành!
Pháp học không kham giữ Pháp hành,
Cần tu hạnh đắc quả vô sanh.
Người hay cứ thuyết cho nhiều pháp,
Ta dở cam đành thuộc ít kinh,
Phiền não thanh yên, còn giác tuệ,
Sân si giũ sạch, hết vô minh.
Trần ai, ai biết ta cũng chẳng,
Muốn độ tha nhân, trước độ mình.
DỨT TÍCH HAI VỊ TỲ KHƯU BẠN
DỨT PHẨM SONG YẾU

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 3

Post Views: 191