Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I 

Phẩm Song Đối: Tích Sumanādevī

“Idha nandati pecca nandati,
Katapuñño ubhayattha nandati;
Puññaṃ me katan”ti nandati,
Bhiyyo nandati sugatiṃ gatoti”.

“Sống sướng, chết cũng sướng,
Kẻ thiện hai đời sướng.
Sướng thấy mình làm lành,
Càng sướng khi vãng sanh”.

Kệ Pháp Cú (18) nầy, Đức Bổn Sư thuyết tại Đại Tự Jetavana, khi Ngài an trú nơi ấy, trong thành Sāvatthī, đề cập đến nàng Sumanādevī.

Vào thời ấy, trong thành Sāvatthī, mỗi ngày nơi nhà ông Trưởng giả Anāthapiṇḍika đều có hai ngàn vị Tỳ khưu đến thọ thực và nơi nhà của bà tín nữ Visākhā cũng có số chư Tăng đông như vậy.

Các thiện tín khác trong thành Sāvatthī, bất cứ là ai nếu muốn làm phước Trai Tăng đều phải thông qua hai vị ấy hoặc sở cậy đến sự chỉ dẫn của họ. Tại sao vậy? Bởi vì dầu cho thí chủ nào dám chịu tốn kém xuất ra hằng trăm đồng vàng để làm cuộc lễ phước lớn hơn ông Anāthapiṇḍika hay bà Visākhā, thì cũng vẫn chưa vừa lòng chư Tăng, mà còn bị xầm xì rằng: “Cuộc phước thí gì đâu ấy?”.

Thật ra, hai vị đại thí chủ nhờ thân cận quen ý chư Tăng nên thành tựu trong việc dâng cúng thực phẩm hạp theo sở thích của các Ngài. Do đó, mọi người khi muốn làm phước cúng dường vật chi đến chư Tăng, đều rủ hau vị ấy cùng đi.

Chỉ ngặt có một điều là khi họ đi lo việc giúp người khác thì không có ai trông coi hộ Tăng trong nhà của họ. Bà Visākhā nghĩ thầm: “Ta biết chọn ai thay thế cho ta trông coi hộ độ chư Tăng đến đây lấy bát”.

Thấy đứa cháu nội gái, bà lấy làm ưng ý, bèn giao cho cô ta đứng trông nom việc ấy và nơi nhà bà Visākhā đã có cô cháu của bà đảm trách phận sự hộ Tăng đến thọ thực.

Về phần ông Anāthapiṇḍika, ông cũng chỉ định con gái lớn của ông tên là Mahā Subhaddā (Diệu Hiền), thay mặt cho ông, cô này lo phục dịch chư Tăng, nghe kinh thính pháp đắc quả Tu Đà Hườn, rồi có chồng đến cưới rước đi.

Kế đó, ông Anāthapiṇḍika giao trách nhiệm cho người con gái kế là Culla Subhaddā (Tiểu Diệu Hiền), cô nầy cũng làm y như cô chị trước, cũng đắc quả Tu Đà Hườn, rồi có chồng đến rước đi.

Sau cùng, cô con gái út của ông tên là nàng Sumanādevī (Tố Tâm nương tử), đứng ra thay mặt cho cha mà đảm trách phận sự hộ Tăng, cô nghe pháp đắc quả Tư Đà Hàm, nhưng vẫn ở vậy vì không có người đến xin cưới hỏi. Buồn vì tiếng gái lỡ thời cô bỏ ăn nằm liệt giường và nhắn cha cô về gặp mặt.

Ông Anāthapiṇḍika đang ở trong trai đường được tin gấp rút của con gái út. Bèn lật đật trở về nhà hỏi con gái:

– Sumanā con! Con đau làm sao vậy?

– Nầy cậu út, cậu nói chi vậy?

– Sumanā con à! Con nói tầm xàm.

– Chị không nói xàm đâu? Cậu út à.

– Samanā con! Con sợ chết phải không?

– Chi không sợ chết đâu cậu út à.

Nói dứt lời, nàng Sumanādevī làm thinh rồi tắt hơi, đi luôn sang cảnh giới khác. Dầu đã đắc Sơ quả (Tu Đà Hườn), Trưởng giả Anāthapiṇḍika không sao khuây khỏa nỗi ưu sầu mến tiếc đứa con gái yêu đã mất. Lo việc hỏa táng thi hài cho con xong, ông vừa khóc vừa đi đến chỗ ngụ của Đức Bổn Sư, thấy ông đến Ngài hỏi:

– Nầy gia chủ, có việc chi ông đến đây mà còn khóc? Trông ông có vẻ khổ sở sầu bi, mặt đầy nước mắt vậy?

– Bạch Ngài! – Ông đáp – con gái út của con là Sumanādevī vừa mới từ trần.

– Vậy sao ông khóc, ông há chẳng biết rằng tất cả chúng sanh đều phải chịu chết hay sao?

– Bạch Ngài, con cũng biết lắm, nhưng con gái út của con nó có đầy đủ sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi. Thế mà nó lại mất trí mê tâm nói bậy, nói xàm trong lúc lâm chung. Đó là điều con hết sức buồn rầu đau khổ.

– Nầy phú Trưởng giả, chẳng hay con gái ông đã nói những gì?

– Bạch Ngài, khi con hỏi nó: “Nầy Sumanādevī, con đau làm sao?” thì nó đáp rằng: “Nầy cậu út, cậu út nói chi?”. Con lại bảo nó “Sumanā, con nói xàm”, thì nó đáp lại rằng: “Chị không nói xàm đâu cậu út à”. Con nói “Sumanādevī con sợ chết phải không?”, nó đáp: “Chị không sợ chết đâu cậu út à” rồi nó làm thinh tắt hơi đi luôn, không trối trăn lời chi nữa hết.

Khi ấy, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Nầy phú Trưởng giả, con gái của ông không nói xàm đâu!”.

– Thế sao nó nói lạ kỳ vậy?

– Nầy gia chủ, sở dĩ con gái ông nói như vậy là vì kể về đạo quả, thì ông phải là em út nhỏ hơn con gái của ông, quả thật ông chỉ chứng bậc Tu Đà Hườn, con gái ông đã chứng bậc Tư Đà Hàm. Tức là về đạo quả con gái ông lớn hơn ông một bậc.

– Bạch Ngài! Thật vậy sao?

– Quả thật vậy đó gia chủ.

– Thế Bạch Ngài! Bây giờ nó sanh về đâu?

– Nầy gia chủ, con ông hiện đang ở Đâu Suất Đà Thiên.

– Bạch Ngài, con gái út của con khi còn sống ở gia đình hằng vui vẻ hoan hỷ, nay chết rồi lại sanh về nơi hoan hỷ như thế nữa sao?

Đức Bổn Sư đáp: “Đúng vậy, nầy gia chủ, kẻ nào không bung luông (appamattā) dầu còn tại gia hay đã xuất gia đều được hoan hỷ trong kiếp nầy và luôn kiếp sau như thế cả”.

Nói rồi Ngài ngâm kệ rằng:

“Idha nandati pecca nandati,
Katapuñño ubhayattha nandati;
“Puññaṃ me katan”ti nandati,
Bhiyyo nandati sugatiṃ gatoti”.

“Kiếp nầy hoan hỷ bao nhiêu,
Kiếp sau cũng vẫn còn nhiều hỷ hoan.
Nghĩ mình phúc nghiệp vẹn toàn,
Cả trong hai kiếp đều hoan hỷ hoài.
Lại càng hoan hỷ lâu dài,
Khi sanh lên cõi Bồng Lai thiên đường”.

CHÚ GIẢI:
Chữ Idha (nơi đây): nghĩa là trong đời kiếp nầy thì hoan hỷ với nghiệp hỷ (kammanandana).

Pecca (sau khi chết): nghĩa là trong đời sau thì hoan hỷ với quả hỷ (vipāka nandati).

Katapuñño (kẻ thiện): chỉ người làm việc thiện việc lành việc phước bằng nhiều đường lối khác nhau.

Ubhayattha (hai nơi): khi còn sống ở đời nầy, hay xét rằng: “Ta chỉ làm việc lành, ta không từng làm việc ác rồi phát tâm hoan hỷ” chết rồi thọ sanh ở cảnh giới khác, cũng nhờ ảnh hưởng quả của nghiệp mà hoan hỷ thêm nữa.

Puññaṃ me (ta làm lành): người thiện đang vui vẻ trong kiếp hiện tại là nhờ có ý nghĩ: “Ta đã làm việc lành, sự vui nầy chưa có bao nhiêu vì chỉ căn cứ trên nghiệp hỷ, càng vui vẻ hơn là khi do quả hỷ mà được siêu sanh về nhàn cảnh”.

Sugatiṃ: Tuổi thọ lâu đến năm trăm bảy mươi sáu triệu năm (satta paññā savassa koṭiyo satthiñca vassa sata sahassāni), tuổi hưởng phước lộc của chư thiên nơi cung trời Đâu Suất thì càng hoan hỷ vô cùng tận.

Bài kệ vừa dứt, có nhiều vị Tỳ khưu đắc Thánh quả nhất là Tu Đà Hườn, đại chúng thính pháp cũng đều hưởng được lợi ích.

Dịch Giả Cẩn Đề
Con gái mà xưng chị với cha,
Tố Tâm nương tử khéo thay là!
Tiến cung Đâu Suất lên thềm ngọc,
Rời chốn trần lao bỏ kiếp hoa!
Thính pháp bất ngờ lên Nhị quả,
Hộ Tăng đâu tính dạo thiên hà?
Lòng trinh một tấm dầu chưa tỏ,
Trưởng giả cầu ân Phật Thích Ca.
DỨT TÍCH NÀNG SUMANĀDEVĪ

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 13

Post Views: 368