Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Phẩm Hoa: Tích Tỳ Khưu Quán Bào Ảnh

“Pheṇūpamaṃ kāyamimaṃ viditvā,
Marīcidhammaṃ abhisambudhāno;
Chetvāna mārassa papupphakāni,
Adassanaṃ maccurājassa gacche”.

“Biết thân như bọt trướng,
Giác thân như huyễn tượng.
Phá vòng hoa Ma quân,
Qua khỏi mắt tử thần”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự gần thành Sāvatthī (Xá Vệ) đề cập đến một vị Tỳ khưu quán bào ảnh. Tương truyền rằng: Tỳ khưu nầy sau khi thụ huấn đề mục thiền quán nơi Đức Bổn Sư, bèn đi vào trong một khu rừng nọ, lập tâm: “Ta sẽ hành Sa môn pháp”. Sau một thời gian tinh tấn công phu, không chứng đắc A La Hán, vị Sa môn nghĩ rằng:

– Chắc ta còn thiếu sót, để về xin thầy bổ khuyết.

Đi dọc đường, vị ấy trông thấy ảo ảnh phát sanh lên, bèn tư niệm rằng: “Cũng như ảo ảnh phát hiện trong mùa hè, đứng ở xa trông như là có thật, nhưng đến gần thì chẳng còn hình bóng chi cả. Cái thân ngũ uẩn nầy, nó cũng sanh diệt hư ảo như thế thôi”.

Vị Sa môn vừa đi vừa chú tâm quán xét đề mục ảo ảnh, đến khi đường xa mệt mỏi, vị ấy xuống sông Aciravatī (Bất Cửu) để tắm, tắm xong lên ngồi nghỉ trên bờ, vị ấy nhìn xuống dòng nước đang chảy xiết. Trên mặt nước cuồn cuộn nhiều bọt nước nổi lên rồi tan biến. Vị ấy nghĩ rằng:

– Cái thân ngũ uẩn nầy nó cũng nổi lên rồi tan biến như bọt nước mà thôi.

Và vị ấy lấy đề tài nầy làm đề mục tham thiền. Khi ấy, Đức Bổn Sư đang đứng trong hương thất, Ngài trông thấy vị Tỳ khưu đang ngồi trên bờ sông quán niệm bào ảnh, bèn phán rằng:

– Nầy Tỳ khưu! Tự ngã nầy cũng giống như bọt nước, bào ảnh, nó có tính hằng sanh khởi và hoại diệt như thế mãi.

Nói rồi Đức Bổn Sư thuyết lên kệ ngôn:

“Pheṇūpamaṃ kāyamimaṃ viditvā,
Marīcidhammaṃ abhisambudhāno;
Chetvāna mārassa papupphakāni,
Adassanaṃ maccurājassa gacche”.

“Biết thân bọt nước đầu gành,
Giác thân huyễn hóa diệt sanh sự thường.
Phá vòng hoa dục Ma vương,
Qua mắt thần chết lên đường thoát thân”.

CHÚ GIẢI:
Trong bài kệ Phạn ngữ nầy, Pheṇūpamaṃ nghĩa là ví như bọt nước. Cái nhóm ba mươi hai thể giả hiệp, gọi là xác thân nầy đây, nó yếu đuối, mong manh, không trường tồn vĩnh viễn, thoạt sanh diệt từng sát na một, xét ra không khác chi là bọt nước đầu gành.

Marīcidhammaṃ: Nghĩa là ảo ảnh, phát sanh lên do các chất nóng bốc hơi, mặt trời hè đứng ở xa trông thấy giống như cảnh thật ai cũng phải lầm, nhưng khi đến gần thì thấy trống trơn, chẳng có chi hết. Cái giả thân nầy nó giống như cái huyễn, tạm bợ, thay đổi từng sát na, xem gần thì nó giống như ảo ảnh vậy.

Abhisambudhāno: Nghĩa là giác ngộ, thông suốt, hiểu rõ.

Mārassa papupphakāni: Là hãy thoát đi, vượt qua khỏi tầm thấy biết, tức là quyền hạn của tử thần, hãy đạt đến vô sanh bất tử là Đại Níp Bàn.

Khi bài kệ chấm dứt, Đại đức chứng A La Hán quả với Tuệ phân tích, bèn thốt lời tán dương ca tụng Kim thân của Đức Bổn Sư. Đoạn đảnh lễ Ngài rồi lui gót.

Dịch Giả Cẩn Đề
Dòng nước trôi xuôi, bọt nổi phình,
Nầy thân huyễn hóa kiếp phù sinh…
Trăm năm nhớ lại như tàn mộng,
Một sớm rời đi đã biệt hình.
Tội ác gây nhiều vì ái dục,
Phước lành tạo ít bởi vô minh.
Phải như Đại đức vô rừng vắng,
Gặp Phật tham thiền đắc Quả minh
DỨT TÍCH TỲ KHƯU QUÁN BÀO ẢNH

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 29

Post Views: 313