Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Phẩm Tâm: Tích Vị Tỳ Khưu Ở Thuỷ Lưu Thôn

“Dunniggahassa lahuno,
Yatthakāmanipātino;
Cittassa damatho sādhu,
Cittaṃ dantaṃ sukhāvahanti”.

“Lanh lẹ khó kiểm thúc,
Mê say theo ngũ dục.
Lành thay điều phục tâm,
Tâm điều dưỡng hạnh phúc”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài ngự tại Tịnh xá Jetavana (Tịnh xá Kỳ Viên), đề cập đến một vị Tỳ khưu. Tương truyền rằng: Nơi miền sơn cước, thuộc lãnh thổ vương quốc Kosala, có một ngôi làng tên Mātikagāma (Thủy Lưu thôn), là một địa phương cư dân trù mật. Một lần nọ, có sáu mươi vị Tỳ khưu xin Đức Bổn Sư khẩu truyền đề mục niệm cho đắc A La Hán quả. Rồi cùng nhau đi kiếm nơi hành đạo và đồng vào khất thực trong Mātikagāma.

Khi ấy, vị thân mẫu của thôn trưởng Mātikagāma trông thấy chư Tăng, bèn rước thỉnh vào nhà, mời ngồi đàng hoàng rồi dâng cúng các thực phẩm thượng vị. Sau đó, bà bạch hỏi rằng: “Bạch Đại đức Tăng, chẳng hay quý Ngài định đi đến đâu?”.

– Nầy bà đại tín nữ, chư Tăng đi tìm chỗ thuận tiện, thuận cảnh.

Bà đại tín nữ hiểu ngay là: “Ý các Ngài muốn tìm kiếm chỗ để an cư”. Bà liền sụp xuống đảnh lễ và yêu cầu:

– Nếu quý Ngài lưu lại nơi đây trong ba tháng an cư nầy, tôi sẽ xin thọ trì Tam quy và Ngũ giới và thọ luôn Bát giới vào những ngày Bát quan trai.

Chư Tăng bảo nhau: “Chúng ta nương nhờ bà nầy khỏi phải đi khất thực, chắc có thể hành đạo đến nơi rốt ráo được”. Thế là chư Tăng hoan hỷ nhận lời.

Bà đại tín nữ lo cất lên một ngôi đạo tràng Tịnh xá rồi cúng dường đến chư Tăng.

Một hôm nọ, sau khi đã ở yên, chư Tăng tập hợp đông đủ và cùng khuyến dụ lẫn nhau rằng: “Nầy chư huynh đệ, chúng ta không nên hành đạo một cách dể duôi cẩu thả. Quả thật, tám cảnh địa ngục đang mở rộng cửa chờ kẻ dể duôi, như chờ đón ông chủ sắp trở về nhà. Vả lại, chúng ta đã thọ giáo đề mục do chính Đức Phật hiện thế khẩu truyền rồi mới đến đây. Ân huệ của chư Phật chúng ta không thể nào hưởng
bằng cách gian dối được. Ta hãy là người không phóng dật, ta không nên đứng hay ngồi hai vị một chỗ với nhau. Buổi tối, trong giờ phục dịch các vị Trưởng lão, và buổi sáng trong giờ đi khất thực chúng ta sẽ họp mặt nhau. Ngoài ra trong những thời khác, chúng ta không nên ở chung hai vị trong một chỗ. Thảng như có vị Tỳ khưu nào thân thể bất an, đến đánh kẻng ở giữa đạo tràng để kêu gọi, chúng ta nghe tiếng hiệu lịnh sẽ đến lo thuốc men, săn sóc vị ấy”.

Sau khi đồng ý, chư Tăng giữ đúng theo lời giao ước, mỗi vị ở riêng một nơi để hành đạo.

Thế rồi, một hôm vào buổi sáng, bà đại tín nữ dẫn cả đoàn tôi tớ và gia đinh mang theo những thứ thuốc ngừa bệnh như bơ, đường… đi vào Tịnh xá. Vào đến nơi, bà không thấy vị Tỳ khưu nào cả, bà hỏi những người lân cận:

– Các Ngài đi đâu hết cả rồi?

– Chắc các Ngài đang ngồi riêng nơi chỗ hành đạo của mình.

Nghe đáp như vậy, bà lại hỏi:

– Ta phải làm sao mới gặp được các Ngài đây?

Khi ấy, có một người hiểu biết nội quy giao ước của chư Tăng, mới thưa rằng:

“Thưa bà! Hễ nghe tiếng kẻng thì chư Tăng sẽ hội lại”.

Bà đại tín nữ liền sai gia nhân đánh kẻng. Chư Tỳ khưu nghe được tín hiệu bất thường, nghĩ chắc có vị Tỳ khưu nào thọ bịnh nên kêu gọi, bèn rời chỗ ngụ riêng biệt của mình, tập trung vào Tịnh xá. Khi đi thì mỗi vị từ mỗi ngã đến, không ai đi chung đường với ai. Bà đại tín nữ thấy vậy, lấy làm lạ, nghĩ thầm: “Chắc là các con trai của ta (Mamaputta) đã sanh sự bất hòa với nhau”.

Sau khi đảnh lễ Đại đức Tăng, bà hỏi:

– Bạch chư Đại đức, các ngài sanh sự bất hòa phải chăng?

– Chư Tăng không có sự bất hòa đâu, nầy bà đại tín nữ.

– Bạch các Ngài, nếu các ngài không sanh sự bất hòa thì tại sao khi mới đến nhà chúng tôi, tất cả các Ngài cùng đi chung, còn bây giờ thì các ngài từ chỗ ngụ riêng rẽ, mỗi Ngài đi một mình đến đây?

– Nầy bà đại tín nữ, chư Tăng đang hành Sa môn pháp, thì mỗi vị phải ở riêng mỗi nơi.

– Bạch các Ngài! Sa môn pháp đó là cái chi?

– Nầy bà đại tín nữ, chư Tăng niệm đề mục ba mươi hai thể trược và quán sự sanh diệt của danh sắc.

– Bạch các Ngài! Sự niệm ba mươi hai thể trược và quán sự sanh diệt của danh sắc như vậy, đó là công việc riêng của các Ngài hay là của cả chúng tôi nữa?

– Nầy bà đại tín nữ, pháp đó Đức Thế Tôn không cấm đoán ai cả.

– Thế thì xin các Ngài hoan hỷ dạy chúng tôi niệm ba mươi hai thể trược và quán sự của danh sắc.

Chư Tăng bèn đem pháp Thiền Chỉ – Quán truyền dạy tất cả cho bà đại tín nữ học tập.

Từ đó về sau, bà đại tín nữ lo chăm niệm ba mươi hai thể trược xong, quán luôn sự sanh diệt của danh sắc trong tự ngã, liền chứng đắc đạo quả A Na Hàm trước cả chư Tăng, đồng thời bà cũng đạt được tứ phân tích với thần thông thắng trí.

Sau khi hưởng thụ hương vị đạo quả, bà dùng thiên nhãn quan sát xem thử coi:

“Chừng nào các con trai của ta mới đạt đến pháp nầy?”. Bà thấy rằng: “Tất cả chư Tăng đều chưa đắc thiền định đạo quả chi hết. Vì tâm còn vướng tham, sân, si”. Bà lại quán xét xem: “Các con trai ta có căn lành chứng đắc A La Hán chăng?”. Bà thấy rằng có, bà lại quán xét thử: “Chỗ ngụ có được thích hợp chăng?”. Bà thấy rằng chỗ ngụ thích hợp, bà lại tìm xét rằng: “Bạn lữ có thích hợp chăng?”. Bà lại thấy rằng bạn
lữ thích hợp.

Khi quán đến vật thực có thích hợp chăng, bà lại thấy rằng: “Vật thực chẳng thích hợp với chư Tăng!”.

Từ đó về sau, bà lo nấu dọn nhiều thứ khác nhau, vô số thứ kẹo ngọt, nhiều món ăn mới lạ đặc biệt, rồi thỉnh chư Tăng vào ngồi trong nhà, xối nước khai mạc lễ cúng dường và ngỏ lời yêu cầu là:

– Bạch chư Đại đức, các Ngài cần dùng món nào, xin cứ tự tiện lấy món đó mà độ đi.

Được lời thỉnh cầu, chư Tăng thọ dụng món cháo, cơm hay vật thực chi khác, tùy theo sở thích.

Nhờ độ vật thực thích hợp, các Ngài hành thiền đắc định tâm (ekaggaṃ cittaṃ), với tâm định các Ngài càng tăng tiến pháp Minh Sát (Vipassanā), không bao lâu chứng đạt A La Hán quả. Khi ấy, chư Tăng nghĩ rằng: “Quả thật, nhờ ơn bà đại tín nữ, chúng ta mới thành đạt được như vầy, nếu thiếu vật thực thích hợp thì chúng ta chẳng hưởng thụ được Đạo Quả. Bây giờ chờ khi ra hạ, tự tứ Tăng rồi, chúng ta sẽ trở về yết kiến Đức Bổn Sư”.

Đến khi mãn mùa hạ, chư Tăng đến từ giã bà đại tín nữ:

– Hôm nay chư Tăng chúng tôi định về yết kiến Đức Bổn Sư.

Bà đáp: “Lành thay! Bạch các Ngài”.

Nói rồi, bà theo tiễn chân, đưa chư Tăng đi một đỗi đường, vừa thốt lên những ưu ái, bà còn nói:

– Bạch các Ngài, xin các Ngài có dịp nào rảnh thì các Ngài đến thăm viếng, nhắc nhở chúng tôi.

Khi chư Tăng về đến Tịnh xá Jetavana, gần thành Sāvatthī, sau khi đảnh lễ Đức Bổn Sư, ngồi qua một bên xong. Đức Bổn Sư phán hỏi: “Nầy các Tỳ khưu! Các ông hành đạo có kham nhẫn không? Có khỏi phải đi bát vất vả không?”. Chư Tỳ khưu đáp:

– Bạch Ngài, chúng con hành đạo kham nhẫn và tự túc dễ dàng. Bạch Ngài, chúng con khất thực không bao giờ vất vả. Thật vậy, nhờ một bà đại tín nữ là mẹ của thôn trưởng ở Mātikagāma biết được tâm niệm của chúng con mỗi khi chúng con ước muốn: “Chà phải chỉ mình được cúng dường món ăn danh sắc như thế!”, thì bà liền đem cúng dường món ăn mà chúng con ước muốn ngay.

Chư Tỳ khưu hết lời tán dương công đức của bà đại tín nữ. Một vị Tỳ khưu nọ, được nghe chư Tăng nhập hạ tại Mātikagāma, tán dương
công hạnh của bà đại tín nữ. Cũng muốn đến đó hành đạo, bèn xin thọ giáo đề mục thiền định nơi Đức Bổn Sư và bạch rằng: “Bạch Ngài, con sẽ đi đến làng Mātikagāma”.

Sau khi bái biệt Đức Bổn Sư, Tỳ khưu nầy khởi hành từ Jetavana du hành lần hồi đến làng Mātikagāma, vào ngồi trong Tịnh xá, nghĩ rằng: “Nghe đồn bà đại tín nữ nầy có Tha tâm thông. Nay ta đã đến đây, đi đường xa mệt mỏi, không thể quét dọn Tịnh xá được, phải chi bà gởi một người nam đến cho phục dịch bần tăng”.

Bà đại tín nữ đang ngồi ở nhà, quán thấy tư tưởng của vị Tỳ khưu mới đến, bèn gọi một gia đinh vào bảo:

– Nầy con, hãy vào Tịnh xá, phụ đỡ công việc cho vị Đại đức đi.

Tên gia đinh vâng lịnh chủ, vào quét dọn trong Tịnh xá. Khi ấy, vị Tỳ khưu khát nước, bèn ước rằng: “Chà, phải chi bà ấy có nước giải khát gởi đến cho ta dùng nhỉ?”.

Bà tín nữ liền gởi nước giải khát.

Vị Tỳ khưu lại ước: “Phải chi sáng ngày mai bà tín nữ đến cúng dường ta cháo nấu thật nhừ với thực phẩm hảo hạng”.

Bà đại tín nữ cũng làm thỏa mãn vị ấy. Độ cháo xong rồi, Tỳ khưu lại ước: “Chà, phải chi bà có thứ kẹo bánh ngọt đó thì gởi đến cúng dường cho ta”.

Bà đại tín nữ lại cho người mang thứ bánh kẹo đó đến dâng. Vị Tỳ khưu lại nghĩ rằng: “Ta ao ước bất cứ thứ gì, bà tín nữ ấy đều gởi đến cả. Bây giờ ta muốn gặp mặt bà, phải chi bà cho người mang cúng dường đến ta thứ vật thực thượng vị, còn bà thì đi tay không đến đây”.

Bà tín nữ kêu gọi gia đinh: “Con trai ta muốn gặp mặt ta. Vậy các con hãy chờ ta cùng đi một lượt”.

Cho gia đinh mang theo vật thực, bà đi đến Tịnh xá cúng dường vị Tỳ khưu. Độ xong bữa, vị Tỳ khưu hỏi bà đại tín nữ:

– Phải bà là Mātikamātā chăng?

– Bạch Ngài, phải.

– Nầy bà đại tín nữ, bà có Tha tâm thông phải chăng?

– Bạch Ngài, tại sao Ngài lại hỏi ta như thế?

– Tôi ước trong tâm vật nầy, vật nọ, thấy sao bà làm đúng theo tất cả, nên mới hỏi bà như thế.

– Bạch Ngài, chư Tỳ khưu biết được tâm người khác cũng có nhiều vị.

– Nầy bà đại tín nữ, tôi không hỏi người khác, tôi chỉ hỏi mỗi một mình bà thôi.

Mặc dầu có Tha tâm thông, nhưng bà đại tín nữ cũng không khoe khoang “Tôi biết được tâm người khác”, bà chỉ trả lời: “Nầy con trai (Putta), những ai có Tha tâm thông thường làm như thế đó”. Nghe vậy, vị Tỳ khưu lo ngại rằng: “Quả thật vậy, việc nầy chướng ngại cho ta quá, còn là phàm nhơn thì trong tâm còn có những tư tưởng quàng xiên ô trược, lẫn lộn với những tư tưởng chơn chánh thanh cao. Nếu rủi mà ta
nghĩ đến điều không phải, thì cũng bị bà nầy thấu rõ tới tim đen của ta, y như kẻ trộm bị người nắm chóp mai, bắt được với tất cả tang vật. Vậy ta phải chạy cho xa chỗ nầy”.

Nghĩ rồi, vị Tỳ khưu bảo bà Mātikamātā rằng:

– Nầy bà tín nữ, tôi sẽ ra đi ngay bây giờ.

– Bạch Đại đức, Ngài đi đâu?

– Tôi trở về với Đức Bổn Sư, bà tín nữ à.

– Bạch Ngài! Xin thỉnh Ngài hãy ở lại đây.

– Tôi không thể ở lại đây đâu. Nầy bà tín nữ, tôi nhất định sẽ ra đi.

Nói rồi, vị Tỳ khưu ra khỏi Tịnh xá, lên đường trở về chỗ ngụ của Đức Bổn Sư.

Khi vị Tỳ khưu về đảnh lễ Đức Bổn Sư, Ngài phán hỏi:

– Nầy Tỳ khưu, ông không còn ở lại tại chỗ ấy sao?

– Vâng, bạch Ngài con không thể ở tại chỗ ấy được.

– Tại cớ nào vậy, Tỳ khưu?

– Bạch Ngài! Bà tín nữ ấy có Tha tâm thông, biết rõ cả những tư tưởng của người khác, con còn là phàm nhân, còn có những ý nghĩ thanh cao xen lẫn với những dục vọng bất hảo. Nếu như con nghĩ tưởng đến điều chi sái quẩy, sợ e bà ấy biết rõ tâm xấu của con, như người ta nắm lấy chóp mao của kẻ gian phi với tang vật. Vì vậy, con không dám ở đó, phải trở về đây.

– Nầy Tỳ khưu! Nếu quả như thế thì ông nên ở lại nơi đó.

– Bạch Ngài, con không thể trở lại nơi đó nữa.

– Nầy Tỳ khưu, có thể ở lại nơi đó được, nếu ông có thể gìn được một vật.

– Bạch Ngài, vật chi?

– Cái tâm của ông. Tâm là vật rất khó kềm giữ, nhưng ông phải cố gắng chế ngự nó, đừng nghĩ tưởng đến việc nào khác. Tâm là vật khó bắt giữ được.

Nói đoạn Đức Bổn Sư ngâm lên kệ ngôn:

“Dunniggahassa lahuno,
Yatthakāmanipātino;
Cittassa damatho sādhu,
Cittaṃ dantaṃ sukhāvahanti”.

“Tâm phàm ngũ dục mê sa,
Biến hóa lanh lẹ khó mà bắt thay!
Người thu thúc được tâm nầy,
Mới là thong thả tháng ngày yên vui”.

CHÚ GIẢI:
Dunniggahaṃ: Khó giữ, khó kềm chế cái tâm phàm lắm.

Lahuno: Lanh lẹ, là nói về tốc độ sanh diệt của tâm trong từng sát na (Khaṇa), vì lẽ tâm sanh diệt liền liền, biến đổi luôn luôn nên khó mà nắm giữ kiềm chế nó được.

Yatthakāmanipātino: Hễ ưa thích chỗ nào thì sa đọa theo chỗ ấy, không kể gì giới hạnh. Quả thật tâm phàm không biết chỗ nào nên, chỗ nào hư, chỗ nào phải, chỗ nào quấy. Không phân biệt giai cấp, tông tộc chi cả, hễ ưa thích chỗ nào thì nó mê sa theo chỗ ấy mà thôi.

Citassa damatho sādhu: Lành thay, nếu tâm phàm ấy được điều phục bằng bốn Thánh đạo. Lành thay! Nếu tâm phàm ấy được bình tịnh hóa, (cittaṃ dantaṃ sukhāvahaṃ) vì sao? Quả nhiên, vì người điều phục tâm hưởng được hạnh phúc, nhờ tâm định tĩnh, người sẽ hưởng thụ được sự an lạc của đạo quả và sự an lạc tối đại Níp Bàn chẳng sai.

Bài kệ vừa dứt, trong số chư Tăng hiện có, nhiều người chứng đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả, đại chúng thính pháp cũng được hưởng sự lợi ích.

Đức Bổn Sư phủ dụ Tỳ khưu bằng huấn từ sau đây:

– Nầy Tỳ khưu! Ông cứ đi đến đó hành đạo. Đừng lo nghĩ vẩn vơ khác mà làm chi.

Vị Tỳ khưu thọ lãnh huấn từ của Đức Bổn Sư ra đi, đến làng Mātikagāma, ngày đêm chuyên lo gìn giữ tâm mình, ngoài ra không tưởng đến việc chi khác.

Bà đại tín nữ dùng Thiên nhãn thông nhìn thấy Đại đức:

– Bây giờ con trai ta đã thọ lãnh huấn từ của Đức Thầy rồi nên trở lại đây.

Bà lại dùng Tha tâm thông để biết rõ ý muốn của vị Tỳ khưu, rồi cho người nấu nướng thực phẩm thích hợp đem đến cúng dường vị ấy. Nhờ độ vật thực thích hợp, mấy hôm sau, vị Tỳ khưu đắc A La Hán quả, hưởng được tịnh lạc của đạo quả. Vị ấy suy nghĩ: “Bà tín nữ nầy hộ độ ta rất lớn, nhờ sự hộ độ nầy mà ta giải thoát được trần lao! Trong kiếp nầy bà hộ ta như thế, không biết trong những kiếp trước, khi ta còn
lang thang trong vòng luân hồi bà có hộ ta hay không?”.

Nghĩ rồi, vị Tỳ khưu dùng Túc mạng thông, nhớ lại từ một cho đến chín mươi chín kiếp của mình. Trong chín mươi chín kiếp, có kiếp bà đại tín nữ nầy là bạn gối chăn của vị Tỳ khưu, nhưng lại sanh tâm ngoại tình và hạ sát chồng, thấy sự trắc nết lang tâm của bà vợ trong kiếp ấy, vị Đại đức nghĩ thầm: “Chao ôi! Bà đại tín nữ nầy đã tạo tội ác nặng nề quá lắm”. Ngay lúc ấy, bà đại tín nữ cũng ngồi trong nhà mình dùng Thiên nhãn thông quán sát vị Tỳ khưu: “Không biết con trai đã đạt đến mục đích cứu cánh của bậc xuất gia chưa?”. Khi biết được vị ấy đã đắc thành A La Hán, bà nói thầm: “Nhờ pháp Minh sát mà con ta đã đắc A La Hán quả; đang nghĩ rằng: Ôi! Bà đại tín nữ nầy có công hộ
độ ta rất lớn không biết trong đời quá khứ, bà có hộ độ ta như thế không?”.

Vẫn tiếp tục theo dõi tâm vị Tỳ khưu, bà đại tín nữ thấy vị ấy dùng Túc mạng thông, nhớ lại được chín mươi chín kiếp, bà nói thầm: “Trong chín mươi chín kiếp, có kiếp ta đã giao tình cùng kẻ khác và đã sát hại vị nầy. Vị nầy thấy sự lang tâm trắc nết của ta trong những kiếp trước, nghĩ rằng: “Chao ôi! Bà đại tín nữ tạo tội ác nặng nề thay?”.

Khi được hiểu biết như vậy, bà đại tín nữ tự hỏi:

– Trong khi lang thang trong vòng luân hồi, trong kiếp trước nữa ta có hộ độ con trai ta không?

Nghĩ rồi, bà cố ôn lại kiếp quá khứ một trăm, trong kiếp nầy bà cũng là vợ của vị ấy, đã hi sinh mạng sống, chết thế cho chồng: “Ôi! Ta đã là một đại ân nhân cho con trai ta vậy”.

Biết được như thế, bà đại tín nữ ngồi ở nhà mình dùng thần thông nhắc vị ấy rằng: “Ngài hãy hồi cổ xa hơn nữa đi”. Vị Tỳ khưu nhờ Thiên nhĩ, nghe được tiếng nhắc của bà đại tín nữ, bèn nhớ lại tiền kiếp thứ một trăm, thấy được rằng trong kiếp ấy, bà đại tín nữ nầy đã hi sinh mạng sống, chết thế cho chồng: “Ôi, bà đại tín nữ nầy cũng đã từng là người hỗ trợ ta trong kiếp quá khứ kia mà!”.

Nghĩ như vậy, vị Tỳ khưu rất hoan hỷ, giải đáp về bốn câu hỏi về quả vị tối cao của đại tín ngay tại chỗ ngồi. Vừa dứt lời thì vị ấy viên tịch, chứng đạt Vô dư Níp Bàn (Anupādisesanibbāna).

Dịch Giả Cẩn Đề
Hai chuyến đi về bến Thủy Lưu,
Cầu mong tín nữ hộ Tỳ khưu,
Nhờ cơm thích hợp thành công lớn,
Mượn cảnh tương nghì, đạt pháp mầu!
Ân trước há đành tâm bội bạc?
Thù sau chi để đạt ưu sầu?
Ngược dòng đời, lướt qua dòng đạo,
Nước chảy thuyền xuôi mãi tận đâu!
DỨT TÍCH TỲ KHƯU Ở THỦY LƯU THÔN

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 23

Post Views: 413