Tích Sadi nhỏ tuổi ( đệ tử Tissa Đề Xá) – tròng mắt bị bể không sầu không oán
Tích Sadi nhỏ tuổi ( đệ tử Tissa Đề Xá) – tròng mắt bị bể không sầu không oán
“Santaṃ tassa nanaṃ hoti,
Santā vācā ca kamma ca;
Sammadaññā vimuttassa,
Upasantassa tādino”.
“Người tâm ý an tịnh,
Lời an, nghiệp cũng an,
Chánh trí, Chơn giải thoát,
Tịnh lạc là vị ấy”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết, khi Ngài an ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến vị Sadi đệ tử của Trưởng lão Tissa (Đề Xá).
Tương truyền rằng: Một vị công tử ở gần Kosambi (Kiều Thưởng Di), sau khi xuất gia trong Giáo Pháp, thọ Cụ túc giới, được mệnh danh là Trưởng lão Đề Xá ở Kiều Thưởng Di. Trưởng lão an cư ở vùng Kosambi (Kiều Thưởng Di), đến khi mãn mùa an cư, được người hộ độ mang các lễ vật như Tam y, sữa chua, mật mía đặt dưới chân.
Thấy vậy, Trưởng lão hỏi người ấy: “Cái chi đây ông thiện nam?”.
– Bạch Ngài, Ngài đã nhận lời con an cư mùa mưa nơi nầy, bây giờ mãn mùa an cư, phần lễ vật nầy phát sanh được đây, xin Ngài hãy hoan hỷ thọ dụng.
– Nầy cận sự nam, ông hãy thông cảm, ta không cần đến những lễ vật nầy.
– Bạch Ngài, tại sao vậy?
– Nầy đạo hữu! Vì bần tăng không có Sadi để dâng lễ vật thọ đúng Luật kappiyākasako.
– Bạch Ngài, nếu Ngài không có người phục dịch theo Luật, thì con xin đưa con trai con xuất gia Sadi để phục dịch Ngài.
Trưởng lão im lặng chấp nhận. Ông thiện nam dắt đứa con trai của mình vừa được bảy tuổi đến với Trưởng lão, giao cho Trưởng lão và nói: “Kính Ngài, xin cho nó được xuất gia”.
Trưởng lão xối nước ướt tóc đứa bé, truyền dạy phần đầu của đề mục quán tưởng thân trược gồm có năm chi: tóc, lông, móng, răng, da cho nó và cho nó xuất gia. Ngay khi lưỡi dao cạo chạm vào da dầu, vị Sadi mới đắc chứng A La Hán quả với Tuệ phân tích.
Sau khi cho Sadi xuất gia, Trưởng lão còn lưu lại trên chùa thêm nửa tháng, rồi muốn về đảnh lễ Đức Thế Tôn, Trưởng lão bảo ông Sadi thu thập hành lý để lên đường. Đến nửa đường hai thầy trò ghé vào một ngôi chùa, ông Sadi có bổn phận phải lo sửa soạn chỗ trú cho thầy Tế độ. Khi lo cho thầy xong thì trời đã xế chiều, Sadi không thể dọn dẹp chỗ ngụ của mình cho kịp giờ.
Khi ông Sadi đến giờ hầu thầy, trở lại ngồi một bên thầy, Trưởng lão liền hỏi:
“Ông Sadi, ông lo sửa soạn chỗ nghỉ của ông chưa?”.
– Bạch Ngài, con không có giờ rảnh để sửa soạn!
– Vậy thì, con hãy ở chung chỗ với ta. Mình là khách lữ hành phải chịu khó ở ký túc xá vậy (Āgantukaṭṭhāne).
Nói rồi, Trưởng lão dắt Sadi vào chỗ ngụ. Trưởng lão nầy còn là phàm nhân nên đến giờ đi nghỉ là nằm xuống ngủ. Sadi thầm nghĩ: “Hôm nay ta với thầy Hòa thượng ngụ chung nhau trong một chỗ ngụ đến nay là ngày thứ ba rồi, nếu ta nằm sợ e ta sẽ ngủ quên đến sáng, thì Trưởng lão sẽ phạm giới ngủ chung ba đêm với Sadi. Thôi ta sẽ ngồi cho qua hết đêm nay vậy”. Thế rồi, Sadi ngồi kiết già kế bên giường ngủ của thầy Hòa thượng mà nghỉ cho qua một đêm. Hôm sau, trời vừa mờ mờ sáng, Trưởng lão thức dậy, tự nghĩ: “Ta phải bảo ông Sadi đi ra ngủ bên ngoài mới được”, nên lấy cây quạt để bên giường, Trưởng lão dùng đầu nhọn của cây quạt đập xuống chiếu của Sadi, rồi giở quạt lên gọi: “Nầy Sadi, hãy đi ra ngoài”, không may đầu cây quạt xỉa
trúng một mắt của Sadi, tròng mắt bị bể ra.
Sadi giật mình hỏi lại: “Bạch Ngài, bảo gì?”. Khi nghe thầy nói: “Dậy đi ra ngoài!”, ông không nói: “Bạch Ngài, mắt con đã bị bể tròng”, mà chỉ lấy tay bụm mắt rồi đi ra.
Tới giờ phục dịch thầy, Sadi cũng làm thinh không nói “Mắt con đã bị bể tròng”.
Mà chỉ đứng chứ không ngồi xuống, một tay bụm mắt đau, còn tay kia cầm lấy cán chổi vào quét cầu tiêu và nhà tắm, múc nước rửa mặt cho thầy, rồi quét sân chùa. Đến khi dâng cây đánh răng (dantakaṭṭham) cho thầy Hòa thượng, ông cũng chỉ dâng bằng một tay. Thấy vậy Trưởng lão rầy:
– Cái ông Sadi nầy mất dạy thật! Đối với thầy Tiếp dẫn và thầy Tế độ mà ông dâng cây đánh răng bằng một tay được?
– Bạch Ngài ! Con vẫn biết không nên làm như vậy, nhưng một tay con không được rảnh.
– Tại sao vậy Sadi ?
Sadi bèn thuật câu chuyện từ đầu đến cuối. Nghe xong, vị Trưởng lão phát tâm kinh cảm: “Chao ôi! Nghiệp của ta đã tạo thật là nặng nề!”. Than rồi, vị Trưởng lão tuột xuống ngồi chồm hổm dưới chân Sadi bảy tuổi chấp hai tay đưa lên trán, và nói:
“Xin thiện nam tử (Sappurisa) xá tội cho tôi! Thật tôi không biết việc ấy, xin hãy là người nâng đỡ cho tôi”.
Vị Sadi điềm nhiên đáp lời Trưởng lão: “Bạch Ngài, con không có ý muốn nói về câu chuyện ấy, xin Ngài cứ an tâm. Theo con nghĩ, trong việc nầy thầy không có lỗi, mà đó cũng không phải là lỗi của con. Xin Ngài đừng lo nghĩ nhiều, con xin giữ kín việc Ngài sám hối với con, không nói cho ai biết hết”.
Vị Trưởng lão được lời an ủi của Sadi thì nghe dễ chịu, nhưng rồi lại sanh tâm kinh cảm, mang hết hành lý của Sadi, về đảnh lễ Đức Bổn Sư.
Lúc ấy, Đức Bổn Sư ngồi đợi hai thầy trò đến, vị Trưởng lão đi đến đảnh lễ Đức Bổn Sư xong, Đức Thế Tôn niềm nở hỏi:
– Nầy Tỳ khưu! Thầy hành đạo có được dễ chịu không? Có gặp điều chi cực khổ lắm không?
– Bạch Ngài, con được dễ chịu, không có chút chi cực khổ thái quá. Hơn thế nữa, con còn có được một Sadi nhỏ, giống như được một vị có hạnh đức phi thường, con chưa từng thấy vậy.
– Ông nầy đã làm cái chi vậy, nầy Tỳ khưu?
Vị Trưởng lão thuật lại câu chuyện xảy ra, từ đầu cho đến cuối với Đức Bổn Sư, rồi nói tiếp:
– Bạch Ngài, khi con yêu cầu sám hối như thế, Sadi đã nói với con như vầy:
“Bạch Ngài, trong việc nầy Ngài không có lỗi chi cả, mà đó cũng không phải là lỗi của con, thôi Ngài đừng bận tâm lo nghĩ nhiều”. Sadi ấy an ủi con, không tỏ vẻ chi giận hờn, thù ghét chi con cả. Bạch Ngài, từ trước đến giờ con chưa từng thấy một bậc hiền đức hoàn toàn như vậy.
Khi ấy, Đức Bổn Sư bảo Trưởng lão rằng:
– Nầy Tỳ khưu, hễ là bậc Lậu tận thì không còn chút giận hờn, sân hận, cả Lục căn an tịnh và Tâm ý cũng an tịnh.
Nói rồi Ngài thuyết pháp giải rộng thêm và tóm tắt bằng bài kệ nầy:
“Santaṃ tassa nanaṃ hoti,
Santā vācā ca kamma ca;
Sammadaññā vimuttassa,
Upasantassa tādino”.
“La Hán thường được thảnh thơi,
Nhờ có Chánh trí thoát nơi bụi hồng.
Thân nghiệp, khẩu nghiệp sạch trong,
Ý nghiệp vắng lặng, không không, hoài hoài”.
CHÚ GIẢI:
Santaṃ: tâm ý (Mano) của vị thánh Lậu tận an tịnh (santa có chỗ còn dịch là trầm tĩnh), vì không có tham, sân, si. Trong khi tâm đang yên lặng thái bình như vậy, thì các khẩu ác nghiệp, nhất là vọng ngữ không có và các thân ác nghiệp, nhất là sát sanh cũng không có, cho nên thân khẩu thường an tịnh luôn.
Sammadaññā vimuttassa: bằng cách suy tư biết rõ nguyên nhân là Ý, hễ Ý đã giải thoát thì cả năm căn kia là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt và Thân cũng được giải thoát, nên gọi là Chánh trí giải thoát.
Upasantassa: tâm thường an tịnh vì trong đó tham, sân, si đều vắng lặng.
Tādino: người như thế ấy.
Cuối thời Pháp, Trưởng lão Đề Xá ở kiều Thưởng Di đắc A La Hán Quả với Tuệ Phân Tích. Kỳ dư đại chúng nghe Pháp đều hưởng được sự lợi ích.
Dịch Giả Cẩn Đề
Trưởng lão nào hay đệ tử mình,
Cạo đầu liền đắc quả Vô sinh!
Ngủ chung, sáng thọt trò hư mắt,
Trò tỉnh, còn Sư lại cảm kinh.
Sư chắp tay xin sám hối trò,
Trò khuyên: Ngài chớ khá buồn lo,
Không ai tội cả, toàn do nghiệp,
Quả đến, cần chi phải đắn đo?
Phật dạy: “Người tam nghiệp trọn lành,
Sadi bảy tuổi, Đạo viên thành!”.
Sư nghe, Ngã mạn tiêu tan hết,
Cũng đắc như trò, Quả tối linh.
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO ĐỀ XÁ Ở KIỀU THƯỞNG DI
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 29