Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Ngàn: Tích Trưởng Lão Kiều Trần Như Gốc Cây

“Yo ca vassasataṃ jīve,
Duppañño asamāhito;
Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo,
Paññavantassa jhāyino”.

“Ai sống một trăm năm,
Ác tuệ, không Thiền định,
Tốt hơn sống một ngày,
Có tuệ, tu Thiền định”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết khi Ngài ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến Trưởng lão Khāṇukoñdañña (Kiều Trân Như Gốc Cây).

Tương truyền: Sau khi thọ giáo đề mục nơi Đức Bổn Sư, Trưởng lão an cư trong rừng, hành đạo đắc quả A La Hán, định về báo tin mừng với Đức Bổn Sư. Đi đường xa mệt mỏi, Trưởng lão dừng chân rẽ vào ngồi nhập Định trên một tảng đá bằng phẳng.

Khi ấy, có một bọn cướp năm trăm tên, vừa mới đánh phá một làng nọ, vơ vét tài vật, gói ghém cột lại, phần người nào người ấy mang đi. Đường xa mệt mỏi, chúng định nghỉ chân, tìm một tảng đá phẳng đặt các gói đồ xuống, rẽ vào tảng đá phẳng có vị Trưởng lão ngồi, nhưng chúng không thấy Ngài, tưởng rằng: “Đây là một gốc cây”.

Thế rồi, một tên cướp đặt gói đồ của mình lên đầu Trưởng lão, một tên khác lại đặt một gói nữa chồng lên trên. Cứ như thế năm trăm tên cướp đặt năm trăm gói hàng lên mình Trưởng lão rồi nằm lăn ra ngủ. Ngủ đã rồi khi mặt trời mọc, bọn cướp mới thức dậy, mạnh ai nấy nhặt gói đồ của mình, sực thấy Trưởng lão chúng tưởng là phi nhân, kinh hoàng bỏ chạy, Trưởng lão bèn gọi họ lại:

– Nầy các Thiện nam đừng sợ, ta là người xuất gia mà.

Bọn cướp quay lại nằm mọp dưới chân Trưởng lão xin sám hối tưởng lầm Ngài là một gốc cây.

Được Trưởng lão miễn lỗi rồi, tên đầu đảng ngỏ lời xin xuất gia với Trưởng lão, nghe vậy tất cả đồng đảng cũng đồng xin xuất gia một lượt với chúa đảng.

Y như Sadi Saṅkicca (Đòn Xóc), Trưởng lão đã cho năm trăm tên cướp xuất gia. Từ đó về sau Trưởng lão được biết với biệt danh là: Kiều Trần Như gốc cây (Khāṇukoñdañña).

Trưởng lão vầy đoàn với năm trăm Tỳ khưu mới này về yết kiến với Đức Bổn Sư, Đức Bổn Sư hỏi: “Nầy Kiều Trần Như, thầy mới kiếm được những đệ tử phải không?”.

Nghe vậy Trưởng lão đem hết mọi việc đã qua, thuật lại với Đức Bổn Sư. Ngài hỏi lại: “Nầy các Tỳ khưu, có đúng như vậy chăng?”.

– Bạch Ngài, đúng thật như vậy. Chúng con đã xuất gia với Trưởng Lão, vì chúng con chưa từng thấy ai có thần lực như Trưởng lão cả.

Nghe vậy, Đức Bổn Sư dạy rằng:

– Nầy các Tỳ khưu, lúc trước các thầy đã tạo nghiệp vô Trí tuệ như thế, thì dầu có sống cả trăm năm cũng vô ích không bằng bây giờ chỉ sống một ngày thôi mà có đầy đủ Trí tuệ, tu hành Thiền định.

Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết pháp và kết luận bằng bài kệ rằng:

“Yo ca vassasataṃ jīve,
Duppañño asamāhito;
Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo,
Paññavantassa jhāyino”.

“Dầu cho sống cả trăm năm,
Thiếu Trí tuệ, chẳng hành thâm pháp Thiền.
Không bằng sống một ngày nguyên,
Là có Trí tuệ, tu Thiền nhất tâm”.

CHÚ GIẢI:
Duppañño: đồng nghĩa với Nippañño là Vô Trí tuệ.

Paññavantassa: sáng suốt, có Trí tuệ. Phần còn lại đồng nghĩa với bài kệ trước. Cuối thời Pháp năm trăm Tỳ khưu đắc quả A La Hán với Tuệ Phân tích. Kỳ dư đại chúng đều hưởng được sự lợi ích nhờ thời Pháp của Đức Bổn Sư.

Dịch Giả Cẩn Đề
Trưởng lão nhập Thiền như gốc cây,
Nửa đêm, bọn cướp chạy vào đây,
Máng đồ lên đó, lăn ra ngủ,
Sáng dậy, kêu nhau sám hối thầy!
Bỏ nghề cường đạo, xuất gia liền,
Tất cả theo thầy học đạo Thiền,
Thầy trước, trò sau về viếng Phật,
Cùng nhau sấn bước đến Kỳ Viên.
Phật dạy các thầy mới xuất gia:
Một ngày có Tuệ, có Thiền na,
Còn hơn trăm tuổi không Thiền, Tuệ,
Phóng đãng như thời gian đã qua!
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO KIỀU TRẦN NHƯ GỐC CÂY

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 44

Post Views: 715