Tích Trưởng lão Loḷudāyi (Lô Lưu Đà Di) – vị tỳ kheo nói pháp phi thời
Tích Trưởng lão Loḷudāyi (Lô Lưu Đà Di) – vị tỳ kheo nói pháp phi thời
“Appassutāyaṃ puriso,
Balibaddova jīrati;
Maṃsāni tassa vaḍḍhanti,
Paññā tassa na vaḍḍhati”.
“Người ít nghe kém học,
Lớn già như trâu đực,
Thịt nó tuy lớn lên,
Nhưng Tuệ không tăng trưởng”.
Kệ Pháp Cú này, Đức Thế Tôn đã thuyết, khi ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến Trưởng lão Loḷudāyi (Lô Lưu Đà Di).
Tương truyền rằng: Trưởng lão Loḷudāyi có tật thuyết pháp, tụng kinh không đúng chỗ. Khi đến nhà gia chủ thỉnh tụng kinh Cầu An (Maṅgala) thì vị ấy lại tụng kinh Cầu Siêu, như kinh: Tirokuḍḍesu tiṭṭhanti (Các hàng Ngạ quỷ đã đến nhà quyến thuộc rồi…). Trái lại, khi thí chủ đang làm lễ Cầu Siêu (avamaṅgala), đáng lẽ phải tụng bài kinh trên đây và các kinh phù hợp thì vị ấy lại tụng những kinh giải về Bố thí, Trì giới, Tham thiền, chẳng hạn như Hạnh phúc kệ, hoặc kệ tụng Tam Bảo dài (Ratanasutta). Vì kém trí nhớ, khi đi đến chỗ này, chỗ nọ để tụng kinh, vị ấy lập tâm:
“Ta sẽ tụng bài kinh này, kinh nọ”, nhưng lúc đến nơi rồi, Trưởng lão lại tụng bài kinh khác mà không tự biết.
Chư Tỳ khưu biết được việc tụng pháp phi thời của Trưởng lão Loḷudāyi như thế, bạch trình với Đức Thế Tôn rằng:
– Bạch Thế Tôn! Vì sao Trưởng lão Loḷudāyi trong chỗ cần tụng kinh Cầu An thì lại tụng kinh Cầu Siêu. Và ngược lại, trong chỗ cần tụng kinh Cầu Siêu thì lại tụng kinh Cầu An như vậy?
– Này chư Tỳ khưu! Chẳng phải trong kiếp này đâu, cho đến thời trước, Loḷudāyi cũng đã từng tụng như thế.
Chư Tỳ khưu cung thỉnh Đức Bổn Sư thuyết lên Bổn sanh. Đức Thế Tôn giảng rằng:
Thưở quá khứ, Bồ Tát Somadatta (Xô Má Đát Tá) là con của một vị Bà la môn Aggidatta (Ắc Gí Đát Tá) trong thành Bārāṇasī (Ba La Nại). Bồ Tát Somadatta phục vụ Đức vua rất chu đáo, nên được Đức vua yêu mến. Riêng Bà la môn Aggidatta vẫn sống bằng nghề nông.
Bà la môn Aggidatta có được hai con bò, chẳng may bị chết một con, ông nói với con trai rằng:
– Này Somadatta thân yêu! Con hãy xin Vua cho cha con bò đi.
Đại thần Somadatta suy nghĩ: “Nếu ta xin Vua ban thưởng cho mình, thì sự tình không xứng đáng như vậy!”. Ngài bảo với cha rằng:
– Thưa cha! Cha hãy tự mình đến xin Đức vua đi.
– Con ơi! Nếu thế, con hãy đưa cha đến triều đình đi.
Đại thần Somadatta suy nghĩ: “Vị Bà la môn này là người kém trí, hằng nói phi thời, dù chỉ một câu “Hãy tiến lên phía trước, hãy lui về phía sau”cũng nói chẳng hợp thời. Những câu đáng nói thì không nói, trái lại những câu không đáng nói thì lại nói. Ta hãy làm cho vị ấy ý thức trước, rồi hãy đưa đến triều”.
Bồ Tát Somadatta đưa cha đến mộ địa có tên là Vīraṇatthambhaka (Qui Ra Nát Tham Phá Ka), cột các bó cỏ lại, sắp xếp thành một quang cảnh của triều đình rằng: Đây là Đại vương, đây là quan Tể tướng, đây là Đại tướng quân… Bằng những bó cỏ, Bồ Tát chỉ dạy cho cha hiểu rõ, rồi lại dặn bảo cha rằng: “Khi cha đến hoàng cung, cần phải đi tiến về phía trước như thế này, phải đi thụt lùi như thế này…”.
Rồi Bồ Tát dạy cho Bà la môn ấy biết rằng: – Khi cha đến yết kiến Đức vua, phải làm lễ như vầy, phải chào các Đại thần như vầy, rồi cha chúc tụng Đức vua bằng kệ ngôn nầy để xin bò.
Ngài dạy cho Bà la môn ấy thuộc lòng bài kệ rằng:
“Dve me goṇā mahārāja,
Yehi khettaṃ kasāmase;
Tesu eko mato deva,
Dutiyaṃ dehi khattiyāti”.
– Tâu Đại vương, hạ thần có một đôi bò, dùng để cày ruộng nhà, nhưng một con đã chết rồi. Tâu Đại vương! Mong cầu Đại vương ân tứ con thứ hai!
Suốt cả năm trời, vị Bà la môn ấy mới thuộc được kệ ngôn ấy, trả bài cho Bồ Tát xong. Bấy giờ, Bồ Tát chỉ bảo rằng:
– Cha hãy mang chút ít lễ vật dâng lên Đức vua đi, con sẽ đợi cha ở hoàng cung.
– Này con, được thôi.
Bà la môn mang lễ vật đi đến hoàng cung, có Bồ Tát đã chờ nơi đấy. Bà la môn được Đức vua ân cần hỏi han, rồi Ngài phán rằng:
– Này khanh! Khanh đến đây lâu chưa? Đây là nơi ngồi, khanh hãy ngồi vào đó, khanh cần những gì từ nơi Trẫm, khanh hãy nói lên.
Bà la môn ấy liền quỳ xuống tâu rằng:
“Dve me goṇā mahārāja…
Dutiyaṃ gaṇha khattiyā”.
– Tâu Bệ hạ! Thần có hai con bò để cày ruộng, đã chết mất một con rồi. Tâu Bệ hạ! Ngài là bậc Sát Đế Lỵ cao quý, xin Ngài hãy lấy luôn con bò thứ hai đi.
Nghe vậy, Đức vua phán hỏi lại rằng:
– Này khanh! Khanh nói chi lạ vậy, hãy nói lại đi.
Bà la môn vẫn lặp lại bài kệ trên như vậy. Đức vua hiểu là Bà la môn ấy nói sai ý mình, Ngài mỉm cười quay sang Bồ Tát phán hỏi rằng: “Này Somadatta! Nhà của khanh hẳn có nhiều bò lắm nhỉ?”. Bấy giờ, Bồ Tát đáp rằng:
– Tâu Bệ hạ! Bò được Bệ hạ ban cho thì có nhiều.
Đức vua hoan hỷ trước lời thông minh ấy, Ngài ban thưởng cho Bồ Tát và Bà la môn ấy mười sáu con bò cùng với đồ phục sức cho bò và nhà ở thì miễn thuế. Rồi tiễn Bà la môn ấy ra về với nhiều lễ vật.
Bậc Đạo Sư sau khi thuyết giảng Bổn sanh xong, Ngài nhận diện rằng: “Đức vua thời ấy nay là Ānanda, Bà la môn ấy nay là Loḷudāyi, Đại thần Somadatta nay chính là Đấng Như Lai”.
– Này các Tỳ khưu! Tỳ khưu Loḷudāyi nói phi thời với những câu nói bất xứng như thế, chẳng phải chỉ có trong kiếp này mà thôi, trong quá khứ cũng đã từng như thế rồi, vì là người ít nghe Pháp. Do vậy, người thiển kiến quả văn ví như con bò đực.
Nói rồi, Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:
“Appassutāyaṃ puriso,
Balibaddova jīrati;
Maṃsāni tassa vaḍḍhanti,
Paññā tassa na vaḍḍhati”.
Những người ít nghe, kém học, suốt đời chỉ như trâu nái, gân thịt dẫu lớn mạnh mà Trí tuệ không tăng thêm.
CHÚ GIẢI
Appassutāyaṃ: người kém nghe ở đây, ám chỉ người ít được nghe giảng về chân lý chứa đựng trong một hoặc hai phẩm kinh tụng, hoặc một hay hai bộ kinh văn trong Tam tạng Thánh điển. Trái lại, bậc đa văn (bahussuto) là người đã học hỏi chút ít đề mục rồi Tinh tấn công phu hành đạo.
Balibaddova jīrati: Quả thật, cũng như con bò đực (hay trâu nái) đang già, đang lớn, không phải nó già lớn vì sự lợi ích của cha mẹ nó, hoặc cho thân bằng quyến thuộc của nó thì là nó già lớn một cách vô ích. Thầy này cũng thế, không làm công việc phục dịch thầy Hoà thượng, không cố gắng hộ độ thầy Yết ma và Khách Tăng, cũng không Tinh tấn hành Thiền định, như thế tức là già lớn một cách vô ích.
Maṃsāni tassa vaḍḍhanti: Cũng như con bò đực (trâu nái) mang ách kéo cày thì hữu ích. Khi nghỉ cày tháo ách, thả đi rong trong rừng, nó tha hồ ăn cỏ, uống nước, da thịt nở nang. Thầy này cũng vậy, sau khi ra khỏi sự kiềm chế của thầy Hoà thượng và thầy Yết ma, nương nhờ Tăng mà hưởng thụ bốn món vật dụng, tẩy sạch ruột gan, bồi dưỡng thân thể, các bắp thịt nở nang, mình mẩy mập béo đẫy đà…
Paññā tassa: Về mặt Trí tuệ của thầy, dẫu Phàm tuệ hay Thánh tuệ cũng không phát triển thêm được gang tấc, thầy giống như các dây leo trong rừng, nương cậy vào Lục căn, buông xuôi theo Ái dục, chỉ phát triển được chín lớp Ngã mạn mà thôi. Cuối thời pháp, đại chúng an trú vào Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả.
Dịch Giả Cẩn Đề
Trưởng lão mà không hiểu nghĩa kinh,
Nhớ đâu tụng đó, chẳng quy trình,
Chư Tăng, Thiện tín đều chê trách,
Phật kể cho nghe tích Bổn Sinh:
Xưa có con trai được chúa yêu,
Một nông dân nọ muốn lai triều,
Xin Vua cấp một con bò đực,
Ráng tập lễ nghĩ cả sớm chiều.
Một năm qua học kệ vừa thông,
Vào gặp Đức vua lại nói ngông:
“Thần có một con bò đực chết,
Xin vua bắt hết cặp cho xong!”.
Phật dạy: Con người dốt tợ trâu,
Lớn lên chỉ được cái to đầu!
Thịt xương phát triển mà không Tuệ,
Ít học kém nghe, chẳng quý đâu!
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO LƯU LÔ ĐÀ DI LẨN THẨN
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 20