Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

Phẩm Tự Ngã: Tích Mẹ Của Trưởng Lão Ca Diếp Đồng Tử

“Attā hi attano nātho,
Ko hi nātho paro siyā;
Attanā hi sudantena,
Nāthaṃ labhati dullabhaṃ”.

“Tự mình y chỉ mình,
Nào có y chỉ khác,
Nhờ khéo điều phục mình,
Được y chỉ khó được”.

Kệ Pháp Cú này, Đức Bổn Sư thuyết khi ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến Mẹ của Trưởng lão Kumārakassapa (Ca Diếp Đồng Tử).

Tương truyền rằng: Mẹ của Trưởng lão Kumārakassapa là con gái của một Bá hộ trong thành Rājagaha (Vương Xá). Khi tuổi có trí khôn, nàng lại hướng tâm đến đời sống xuất gia. Nhiều lần Tiểu thư xin song thân cho mình sống được sống đời sống vô gia đình trong Giáo Pháp của Đức Thế Tôn nhưng song thân nàng không ưng thuận. Đến tuổi cập kê, Tiểu thư xuất giá vu quy về ở nhà chồng, chẳng bao lâu Tiểu thư thọ thai. Tuy nhiên nàng chẳng hề biết được điều đó, nên vẫn làm vừa lòng chồng rồi xin xuất gia.

Một hôm, trong thành Rājagaha có lễ hội, không màng trang điểm, nàng lại chẳng tha thiết chi đến lễ hội. Công tử lấy làm lạ hỏi nguyên nhân, nàng bày tỏ nguyện vọng của mình. Công tử vô cùng hoan hỷ cho Tiểu thư được xuất gia trong Ni viện.

Khi ấy, người chồng cho sắm sửa nhiều lễ vật trọng thể đưa vợ mình đi xuất gia, nhưng vì không biết Tịnh xá Ni ở đâu nên đi ngay đến chỗ trú của chư Tỳ khưu Ni thuộc nhóm chia rẽ Tăng của Devadatta (Đề Bà Đạt Đa).

Thời gian sau, khi thai bào tăng trưởng, chư Ni biết được, hỏi nàng rằng:

– Này Sư Cô! Vì sao có chuyện lạ như thế?

– Thưa chư Hiền tỷ! Tôi cũng không rõ vì sao nữa nhưng giới hạnh của tôi không bị lấm nhơ đâu!

Chư Tỳ khưu Ni bèn đem việc này trình với Devadatta rằng:

– Bạch Ngài! Nữ Ni này xuất gia do đức tin nhưng chúng tôi không rõ vì sao nàng lại mang thai cả. Giờ đây chúng tôi phải xử sự làm sao?

Devadatta chẳng chịu suy xét kỹ lưỡng, chỉ nghĩ đến một điều là: “Đừng để tai tiếng đến chư Ni trong trú xứ của ta là những người mà chính ta hằng giáo giới”. Tôn giả nói với chư Tỳ khưu Ni rằng:

– Các cô hãy tẩn xuất nàng ấy ra khỏi trú xứ, cho nàng trở về đời sống thế tục đi. Nghe Devadatta nói như thế, vị Nữ Ni trẻ bạch với chư Tỳ khưu Ni rằng:

– Thưa chư Hiền tỷ! Xin các Hiền tỷ đừng làm tổn hại đến tôi, tôi không có xuất gia riêng với Devadatta. Xin chư Hiền tỷ hãy đưa tôi đến yết kiến Đức Thế Tôn và trình bày việc này đến Đức Đạo Sư đi.

Chư Tỳ khưu Ni bèn dắt nàng về yết kiến Đức Thế Tôn đang ngự tại Jetavana Vihāra (Tịnh xá Kỳ Viên) trong thành Sāvatthī (Xá Vệ). Khi sự việc được trình lên Đức Thế Tôn, Ngài đã rõ biết rằng: “Nữ Ni này đã mang thai trước khi xuất gia”. Để làm sáng tỏ vấn đề này, Ngài cho mời Đức vua Pasenadi (Ba Tư Nặc), Trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc), ông Cūḷānāthapiṇḍika (Tiểu Cấp Cô Độc), Đại Tín nữ Visākhā (Thiện Chi) cùng các đại gia vọng tộc khác đến, rồi Ngài phán bảo Trưởng lão Upāli (Ú Pa Ly) rằng:

– Này Upāli! Giữa hàng Tứ chúng, hãy xét xử minh bạch trường hợp của Tỳ khưu Ni trẻ này!

Vâng lịnh Đức Thế Tôn, Trưởng lão Upāli cho mời nàng Visākhā đến và giao cho bà thẩm nghiệm thời gian thọ thai, cùng xác minh Giới hạnh của Nữ Ni ấy trước mặt đại chúng.

Bà Thiện Chi cho người che màn chung quanh rồi tự thân bà kiểm tra từ tay chân đến rún, bụng của nàng Nữ Ni, rồi tính toán ra ngày tháng đậu thai và biết được rằng: “Ni Cô này đã mang thai trước khi xuất gia”. Bà liền thông qua cho Trưởng lão biết kết quả. Lúc ấy, ngay giữa tứ chúng Trưởng lão đã công bố bản án: “Ni cô hoàn toàn trong sạch”.

Do tiền kiếp Ni Cô này đã có phát nguyện dưới chân Đức Cổ Phật Thượng Liên Hoa (Padumuttara) nên thời gian sau, nàng hạ sanh được một hài nhi, có oai lực lớn. Một hôm, Đức vua ngự đến Tịnh xá Tỳ khưu Ni ấy, bỗng nghe tiếng trẻ thơ, Ngài phán hỏi cận tướng rằng:

– Này các khanh! Tiếng gì thế?

– Tâu Bệ hạ! Đứa con trai của Tỳ khưu Ni mới sanh, chính đó là tiếng của nó.

Nghe vậy, Đức vua bèn đem đứa đồng tử ấy về hoàng cung giao cho các vú nuôi. Đến ngày lễ đặt tên, đứa bé được đặt tên la Kassapa (Ca Diếp). Nhân vì các vú nuôi săn sóc từ lúc ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành, cho nên các bà quen miệng cứ kêu cậu là Kumārakassapa (Ca Diếp Đồng Tử).

Khi chơi thể thao ở sân vận động, cậu đánh bại hết các trẻ khác. Chúng nói:

– Chúng ta đã thua kẻ không có cha mẹ.

Công tử Kumārakassapa nghe như thế, liền đi đến Đức vua Pasenadi bạch hỏi rằng:

– Tâu Bệ hạ! Các đứa trẻ luôn bảo con là đứa không cha không mẹ, xin Ngài hãy chỉ cha mẹ cho con đi!

– Các nhũ mẫu chính là mẹ của con đấy. Nghe vậy, cậu bé cãi lại:

– Không phải bấy nhiêu bà đều là mẹ của con hết. Mẹ của con phải là một bà mà thôi. Xin Bệ hạ hãy chỉ giùm bà ấy cho con!

Đức vua suy nghĩ: “Ta không thể nói gạt được đứa bé này”, nên tỏ thật rằng:

– Con ạ! Mẹ ruột của con là một Tỳ khưu Ni, Trẫm đã đến tịnh xá Ni đem con về đây.

Lúc bấy giờ, cậu bé bỗng phát sanh kinh cảm suy nghĩ chín chắn rồi nói:

– Xin Phụ vương cho con xuất gia.

– Lành thay! Con ạ!

Thế rồi, Đức vua cho sắp đặt cuộc lễ rất trọng đại và cho cậu bé xuất gia với Đức Bổn Sư.

Sau khi được thọ Cụ túc giới, ông sư trẻ được gọi là Trưởng lão Kumārakassapa (Ca Diếp Đồng Tử). Ngài thọ huấn đề mục Chỉ Quán từ nơi Đức Thế Tôn rồi, bèn vào rừng thanh vắng yên tịnh để Tinh tấn hành Sa môn Pháp, nhưng không thể giác ngộ Chánh Pháp. Trưởng lão tính trở về đảnh lễ Đức Bổn Sư để xin thụ huấn đề mục hành thiền một lần nữa. Trên đường về, Trưởng lão tạm an cư trong khu rừng Mù (Andhavana). Lúc bấy giờ, có một vị Phạm Thiên, nguyên là một Tỳ khưu đồng hành Sa môn Pháp với Trưởng lão trong thời Đức Phật Tổ Ca Diếp, vị ấy đã đắc A Na Hàm quả và sau đó được sanh lên cõi Phạm Thiên. Từ Phạm Thiên giới, vị ấy bèn xuống hỏi Trưởng lão mười lăm câu hỏi, rồi tiễn Trưởng lão lên đường và bảo rằng:

– Những câu hỏi này, ngoại trừ Bậc Đạo Sư ra không một ai khác giải đáp nổi. Hãy đi về tìm gặp Bậc Đạo Sư mà học nghĩa lý của những câu này.

Trưởng lão làm theo lời chỉ bảo của vị Phạm Thiên và đắc quả A La Hán khi các câu hỏi vừa được giải đáp hết.

Kể từ khi Trưởng lão ra đi hành pháp Sa môn trong rừng, thấm thoát được mười hai năm, trong mười hai năm trường ấy, mẹ Ngài không thể ngăn được nước mắt khi nhớ đến con. Vì xa cách con trai nên bà buồn khổ, đang đi khất thực mà mặt đầm đìa nước mắt. Bỗng nhiên, gặp Trưởng lão giữa đường, bà mừng quýnh, vừa chạy đến nắm Trưởng lão vừa kêu to:

– Con ơi, con ơi!

Bất ngờ, bà té nhào xuống đất, hai vú bà tươm sữa ra dính vào y do sự xúc cảm quá mãnh liệt, bà lồm cồm đứng dậy, mang y ướt đến nắm lấy Trưởng lão.

Trưởng lão nghĩ thầm: “Nếu ta dùng lời dịu ngọt nói với mẹ ta, ắt bà sẽ hư hỏng chứ chẳng ích lợi chi cả. Vậy ta nên dùng lời cứng xẵng mà nói chuyện với bà”.

Trưởng lão suy nghĩ như thế bèn làm nghiêm, hỏi trách bà rằng:

– Bà tu làm chi thế? Tại sao bà đã xuất gia rồi mà không thể cắt đứt được sự thương yêu ấy ư?

Tỳ khưu Ni ấy suy nghĩ rằng: “ Than ôi, lời lẽ của con ta sao mà chát chúa quá!”.

Tuy nhiên, bà cũng hỏi lại một lần nữa:

– Con à, con vừa nói chi vậy?

Trưởng lão cũng lặp lại như trước, khiến cho bà tỉnh ngộ, nghĩ rằng: “Ta đã không cầm được nước mắt suốt cả mười hai năm trường vì lòng thương nhớ con, nhưng con của ta nó vô tình quá, té ra đối với ta lòng nó lại cứng cỏi như sắt đá, chẳng nghĩ chi đến ta cả! Thế thì ta còn nuối tiếc nó làm gì nữa!”. Bà suy nghĩ như thế rồi, buông y Trưởng lão ra, trở về Tịnh thất, cố gắng quên đi đứa con vô tình, tinh tấn hành Đạo. Lòng thương con không còn tha thiết như trước nữa, nhờ áp chế được tình thâm mẫu tử bà chứng đạt A La Hán quả trong ngày đó. Thời gian sau, chư Tỳ khưu bàn luận cùng nhau nơi giảng đường:

– Các đạo hữu ơi! Tôn giả Kumārakassapa và Trưởng lão Ni có đầy đủ duyên lành như thế, vậy mà suýt nữa bị Devadatta làm tổn hại. Còn Bậc Đạo Sư là nơi nương nhờ của hai vị ấy, thật là kỳ diệu thay! Lẽ thường chư Phật là bậc hằng tế độ thế gian vậy!

– Với thiên nhĩ thuần tịnh siêu nhân, Đức Thế Tôn nghe được sự luận bàn ấy của chư Tỳ khưu, Ngài ngự đến hỏi rằng:

– Này các Tỳ khưu! Các ngươi đang bàn luận cùng nhau về việc gì?

– Bạch Thế Tôn, chuyện này…

– Này các Tỳ khưu! Chẳng phải chỉ trong kiếp này ta là nơi nương nhờ cho hai mẹ con Kumārakassapa mà trong quá khứ, hai người ấy cũng đã từng nương nhờ nơi Ta rồi.

Theo lời thỉnh cầu của các Tỳ khưu, Ngài thuyết giảng rộng tích Bổn Sanh Nigrodha (Ni Câu Luật Đà), rồi Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:

“Nigrodhameva seveyya
Na sākhamupasaṃvase,
Nigrodhasmiṃ mataṃ seyyo
Yañce sākhasmiṃ jīvitanti”.

– Thà sống với con hươu Nigrodha (Ni Câu Luật Đà), chớ đừng sống Sākha. Thà chết với Nigrodha, còn hơn sống với Sākha.

Đức Thế Tôn nhận diện Bổn sanh(1) rằng: “Nai Sākha trong quá khứ nay là Devadatta, hội chúng của nai Sākha nay là hội chúng của Devadatta trong hiện tại. Nai cái nay chính là Trưởng lão Ni, con nai con nay là Trưởng lão Kumārakassapa. Nai chúa Nigrodha nay chính là Đấng Như Lai vậy”.

Tiếp theo đó, Đức Bổn Sư dạy cho biết là sau khi đoạn tình mẫu tử, Trưởng lão Ni tự mình đã khiến cho mình giác ngộ Chánh Pháp: “Này các Tỳ khưu, người nào nương cậy kẻ khác thì không thể hy vọng sẽ sanh lên cõi trời, hoặc sẽ chứng đắc Đạo quả. Bởi vậy cho nên, mình hãy là chỗ tựa của mình, chớ ai đâu khác sẽ làm chuyện ấy”.

Nói rồi, Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:
“Attā hi attano nātho,
Ko hi nātho paro siyā ;
Attanā hi sudantena,
Nāthaṃ labhati dullabhaṃ”.

Chính tự mình làm chỗ nương cho mình, chứ người khác làm sao nương được? Tự mình khéo tu tập mới đạt đến chỗ nương tựa nhiệm màu (quả vị A La Hán).

CHÚ GIẢI

Nātho: nương nhờ. Như trên đã nói, người nào tự mình nương cậy lấy mình, kiện toàn thiện pháp rồi, ắt có thể siêu sanh lên nhà cảnh, hoặc chứng đắc Đạo quả, làm cho thấu rõ Níp Bàn được, bởi vậy mới nói tự ngã chính là chỗ nương (patiṭṭhā = nātho) của mình. Người khác là ai, xưng danh là chỗ nương của ai? Như vậy thì do mình khéo léo tự điều phục lấy mình mà đắc quả A La Hán, là chỗ nương khó mà có được.

Nāthaṃ labhati dullabhaṃ: được điểm tựa khó được trên đây ngụ ý chỉ Quả vị A La Hán vậy. Cuối thời Pháp, nhiều vị Tỳ khưu đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Mười hai năm chẵn cách xa con,
Sư nữ trông chờ, dạ héo hon,
Bỗng gặp, chào mừng Sư Lậu tận,
“Lời Sư sao đắng tợ bồ hòn”.
Nhờ Minh Sát Khổ đến kỳ cùng,
Mẫu tử tình thâm tự cáo chung.
Sư nữ đắc ngay La Hán quả,
Não phiền rũ sạch, sống ung dung.
Phật dạy: “Mỗi người tự độ mình,
Lên trời hoặc đến cõi Vô sinh,
Ngoài Ta, chẳng có người ta tựa,
Tự Ta là nơi tựa tối linh”.
DỨT TÍCH MẸ CỦA TRƯỞNG LÃO KUMĀRAKASSAPA

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 62

Post Views: 588